Chương 4
Khẽ nhìn đồng hồ, bây giờ đã tám giờ tối, người vùng quê đóng cửa ngủ rất sớm, đơn giản vì cuộc sống của họ khá yên bình, đa phần họ thường không bận tâm đến ngày mai thế nào, hôm nay vui là đủ nên con đường sớm đã vắng tanh. Tạ Tranh ngước nhìn lên tìm chút ánh sáng rơi rớt giữa ánh đèn, bên cạnh còn có Lê Kình sóng vai đi cùng. Điều cô không thể ngờ là hai người đã đi chơi bên ngoài lâu đến như vậy, có thể vì anh là một hướng dẫn viên rất tốt, hoặc những câu chuyện anh kể rất thú vị.
Dãy trọ Kỳ Diệu hôm nay có tiệc. Khi cô bước vào cùng Lê Kình, mọi ánh nhìn đều hướng về họ, cũng không thể thiếu những lời châm chọc gán ghép đặc trưng:
"Chao, đi từ sáng sớm đến tối mù mới về à." Lê Diệu đem vài lon bia để lên bàn, mắt nhìn qua một lượt rồi bỏ vào trong bếp.
Lê Kình không có ý giải thích, kiếm ghế ngồi xuống. Như vậy khiến Tạ Tranh cũng im re, cây ngay không sợ chết đứng, ngồi vào ghế trống bên cạnh anh.
"Chị là khách vừa đến sao?" Tạ Tranh nhìn, là một cô bé lạ, hẳn là bây giờ mới có dịp được gặp.
"Ừ, đến vào hôm qua. Chào em, chị là Tạ Tranh."
"Vâng, em là Bội Sam." Cô gái trẻ trung này vươn vai, ngáp một cái thật to, không màng đến hình tượng: "Hôm qua em đã nghe tin chị đến rồi, nhưng luận án còn đang làm dở nên không thể gặp chị được."
"Luận án gì?"
"Luận án tốt nghiệp." Bội Sam bỏ đậu phộng rang vào miệng, nhồm nhoàm đáp: "Em bây giờ là sinh viên năm cuối, qua mùa xuân này là có thể ra trường."
Còn nhỏ tuổi mà một mình đi xa đến thế sao?
Nhìn dáng vẻ trẻ trung đầy năng lượng này, Tạ Tranh cũng nhớ về bản thân mình hôm nào.
Một lon bia được đặt trước mặt cô, Tạ Tranh quay ra đằng sau nhìn, chỉ kịp thấy bộ râu quai nón của đó gần trong gang tấc, giây sao thì nghe thấy chất giọng ồm ồm: "Họa sĩ Tạ mới đến, tôi là Châu Hàn Quân."
Cô mỉm cười, khéo léo nói: "Gọi tôi Tạ Tranh là được rồi."
Đến khi bắt đầu ăn mới biết, bữa tiệc được bày ra để chào đón cô, bảo rằng hiếm khi có vị khách sống theo lối phóng khoáng đến đây thuê trọ. Họ vốn thích mở tiệc nhưng lại không có lý do, những vị khách khác đến đây chỉ thích sự yên tĩnh, ngoài ra còn sợ phiền hàng xóm, khiếu nại lên trưởng thôn thì sẽ lớn chuyện.
"Nhưng mà lần đầu gặp Tạ Tranh, tôi không nghĩ cô ấy là người dễ tính." Thủy Vi Nhã lên tiếng.
"Tại sao?" Bội Sam thắc mắc.
"Ngày đầu tiên gặp, tôi thấy đôi mắt Tạ Tranh rất vô hồn, nhìn con mèo mà ra con ma không chừng."
Cả hội bật cười khanh khách, đến cả Lục Tú cũng thêm mồi vào câu chuyện: "Lúc nghe tôi giới thiệu mình tạm dừng công việc bán hàng đa cấp, ánh mắt Tạ Tranh ba phần ngạc nhiên, bảy phần chế giễu."
Không để mọi người làm mất hình ảnh của mình, Tạ Tranh vội thanh minh: "Không có, tôi mười phần đều rất kính trọng anh. Công việc nào cũng giống nhau, nếu người khác không làm việc xấu thì anh đã không bị liên lụy."
"Quả nhiên!" Lục Tú trở nên hăng hái, đem bia qua cụng với cô: "Nghệ sĩ nói chuyện dễ nghe."
"Nói mới nhớ..." Lê Diệu hỏi: "Cô thường vẽ về cái gì?"
"Thích gì vẽ đó? Đẹp thì vẽ? Nói chung là trong tầm mắt của tôi thấy được là vẽ."
Lục Tú nháy mắt với cô: "Hay là cô thử vẽ tôi đi, làm mẫu miễn phí không thu lãi."
"Tôi không vẽ người."
"Hả?"
Tạ Tranh chống khuỷu tay lên đầu gối, nâng cằm suy tư: "Lúc còn đi học, giáo viên ra chủ đề vẽ người thân, rõ ràng là khen tôi vẽ đẹp nhưng lại bảo bức tranh không có cảm xúc. Còn thêm vào là dù tôi có vẽ hai hàng nước mắt lăn dài vẫn không nhìn ra được nỗi buồn của người mẫu."
Người ngồi bên cạnh đang nhìn gương mặt đang dần đỏ ửng lên vì say của Tạ Tranh. Anh không rõ về nghệ thuật, nhưng anh đoán cá tính của người vẽ sẽ được thể hiện rõ nét trên từng nét bút của bức tranh. Giống như lời giáo viên nhận xét, Lê Kình cũng nhận ra thi thoảng Tạ Tranh có ánh mắt không nhìn ra cảm xúc, nhiều lúc cười nhưng đôi mắt không cười. Một tâm hồn non nớt qua thời gian để bắt buộc phải thích ứng với hoàn cảnh sống khắc nghiệt sẽ phải quẳng đi sự ngây thơ ấy, phải già đời, phải lọc lõi nhiều hơn, hoặc chính cuộc sống sẽ đào thải tâm hồn ấy đi. Để tồn tại ở một thành phố cạnh tranh cao, hoặc đánh mất chính mình, hoặc không là gì cả.
"Cảm xúc trong tác phẩm cũng quan trọng lắm chứ." Châu Hàn Quân ngậm cây tăm trong miệng, chân này gác chân kia, dáng ngồi của bá chủ: "Thứ tác động đến con người thông qua các tác phẩm nghệ thuật là đem đến cho họ những cảm giác mà nghệ sĩ muốn truyền tải. Hình ảnh cho ra sự chân thực, nét vẽ thì khắc hoạ, phim ảnh thì bài học cuộc sống."
Châu Hàn Quân là một đạo diễn nhỏ, tổ quay phim chính hoạt động ở Hồ Bắc, lần này đến với Lệ Giang là để tìm kiếm ý tưởng. Ông chưa có tác phẩm nào quá nổi trội nhưng cũng có tiếng tăm chút đỉnh, đã từng muốn giải nghệ nhưng thấy tội cho đám nhóc tì ngày đêm làm việc cùng mình. Hết chuyến đi này sẽ về lên ý tưởng cho kịch bản mới với đầu tư khủng, bảo mọi người chờ tin tốt.
Tiệc gần đi đến hồi kết, dần dần thưa thớt người. Tạ Tranh vẫn còn ngồi, dường như đã say, quay sang nói chuyện với Lê Kình.
"Anh có nghĩ tôi khó gần không?"
"Không." Anh đổ thêm bia vào ly đá: "Nói chuyện với cô rất dễ, không nhọc nhằn."
"Tôi cũng nghĩ thế."
Say rồi.
Lê Kình bất lực cười, bỗng nhớ ra gì đó, đem điện thoại đưa cho Tạ Tranh: "Kết bạn Wechat đi. Khi nào sửa máy ảnh xong thì tôi đi cùng cô, tôi dám chắc là cô không nhớ đường."
Tạ Tranh gật gù, vừa nhập số điện thoại vừa luyên thuyên: "Trong đầu tôi chỉ nhớ mấy quán ăn ngon ngon mà anh dẫn thôi... Ngon thật..."
"..."
Mấy bông hoa trong vườn khẽ rung theo điệu slow chầm chậm vang lên ở một góc nào đó trong dãy phố nhỏ này. Đám có dại xanh thẫm một màu cũ, lấp lánh dưới những giọt trong vắt ban sớm. Leng keng của chuông gió, ngân lên thanh âm đón những mùa nắng đẹp. Những tia nắng tràn qua các khe hở trên cửa sổ, thậm chí một chút gió xuân cũng có thể luồn vào từ đó.
Dù hôm qua uống chút bia nhưng Tạ Tranh vẫn có thể dậy từ rất sớm, mà kỳ thực dậy sớm cũng chả để làm gì, chẳng có ai chơi cùng.
Những người ở đây sống bình thản, khoan thai như tiếng trâu bò đủng đỉnh gõ bước ra đồng. Bao đời này, công việc cứ thế lặp đi lặp lại: ban ngày lên rừng kiếm củi, ra đồng, chăn nuôi, thu hoạch...; đêm đến người già quây quần tụ họp nhà trưởng bản, uống nước chè đắng; thanh niên đi từng tốp soi cá, đặt bẫy thú; trai gái quý nhau thì dắt díu nhau đi chơi, đi ngắm trăng hoặc rủ nhau lên núi... Công việc cũng thế, mùa trồng ngô, gieo mạch, mùa thu hoạch thì bà con mới ra đồng nhiều. Tiết nông nhàn, người bản địa quay quần trên sàn nhà, nhìn nhau nói chuyện í ới.
Tạ Tranh rời khỏi cổng dãy trọ liền chạm mặt Lê Kình, cô biết nhà anh ở kế bên nhưng đâu nhất thiết phải chung đụng với tần suất cao thế này. Nói thế không phải vì ghét anh, mà là hạn chế những tin đồn thất thiệt, sợ rằng đến khi quay về Thượng Hải rồi mà vẫn văng vẳng bên tai chuyện hai người.
Trên vai Lê Kình vác theo hai mảnh gỗ to đùng, tính đem qua xưởng cho anh rể, thấy Tạ Tranh đi ra liền bắt chuyện: "Ồ, mới sáng sớm mà đã muốn đi đâu thế này? Tỉnh dậy có đau đầu không?"
"Tôi không sao." Đeo kính râm lên, Tạ Tranh báo cáo lịch trình của mình: "Tôi muốn đi tham quan thêm vài nơi nữa."
"Có cần tôi đi cùng không?" Miệng nhanh hơn não, anh thả đồ trên vai xuống, vội nói thêm: "Dù sao đường ở đây cũng không dễ đi."
Tạ Tranh cười khúc khích: "Anh không bận sao? Quán cà phê của anh đông khách lắm đấy."
"Ông chủ thì đâu cần phải làm."
"..." Xem như anh ta mạnh miệng.
Đi cùng nhau một đoạn ngang qua quán cà phê Hy Vọng, từ sáng đã có nhiều khách quen ghé thăm, mấy chú uống cà phê đọc báo sáng, mấy bác uống trà chơi cờ vây, còn có mấy dì ngồi cùng nhau luyên thuyên nói về chuyện đời.
Nhìn qua nơi này một chút, xây dựng theo lối cổ xưa và đơn giản nhất, tất cả nội thất đều làm bằng gỗ, chuông gió hay khăn trải bàn đều đan bằng đôi tay của thợ lành nghề, cánh cửa là mặt tiền của quán cũng rất đơn sơ, thậm chí còn phai màu do thời tiết chuyển đổi liên tục.
Tạ Tranh chỉ dừng ở bên ngoài, Lê Kình cũng đoán là cô không vào ngay, cô sống có quy tắc, bảo đi tham quan trước tức là nơi này gác lại sau. Có điều Tạ Tranh nhìn chăm chú quá, anh liền nảy sinh một ý định.
"Thế nào? Trông cũng được nhỉ?"
Cô thành thật: "Cũng được. Vài chỗ tân trang lại một chút thì sẽ đẹp."
"Cô nói đúng! Nhìn cánh cửa này xem, ban đầu là màu nâu đậm, hiện tại đã thành màu cà phê sữa rồi." Mắt anh sáng rỡ, nhìn qua Tạ Tranh một chút rồi lén cười.
"Bây giờ nếu có người có tay nghề, dùng màu vẽ trang trí lên cái tường này thì thật sự tốt quá."
Tạ Tranh đứng bất động, vừa nghe xong liền hiểu âm mưu của anh, vài giây sau mới phản ứng. Cô chậm rãi nhìn sang, nở nụ cười đồng tình đầy miễn cưỡng, không biết đáp gì bây giờ. Anh đây là đang gián tiếp nhờ vả mình hay sao?
Vì thế nên Lê Kình cố tình lấn lướt: "À, cô có tay nghề, cô cho tôi gợi ý đi. Nếu vẽ được, thì tôi nên nhờ người ta vẽ cái gì?"
Tạ Tranh xuýt xoa suy đoán: "Vì nơi này lấy chủ đạo là màu nâu, nên là vẽ... rừng lá phong đi."
Hai người yên tĩnh nhìn nhau, đôi mắt Lê Kình ánh lên nét chờ mong rõ ràng không hề giấu giếm, giống như chỉ cần Tạ Tranh gật đầu thì mọi chuyện đều giao cho cô vậy.
Không phụ lòng anh, dù gì đây cũng là chuyên môn của cô, với lại cánh cửa này xấu quá nên cô cũng muốn giúp.
"Được thôi, vài hôm nữa sẽ làm giúp anh."
Ngay lập tức có người khoái chí: "Được, tiền lương giao trong ngày!"
Tạ Tranh bất lực cười, đeo kính râm lên tiếp tục đi về phía trước. Lê Kình đoán khi cô đi tham quan đều muốn chụp hình lại rồi về nhà vẽ thành tranh, anh tò mò hỏi: "Máy ảnh của cô chưa sửa xong mà."
Tạ Tranh mặc kệ anh, lững thững bước đi, cuối cùng vẫn đáp lại: "Tôi dùng điện thoại chụp."
"Vậy... vậy khi nào gặp vấn đề nhớ gọi điện cầu cứu tôi đấy!"
Cô vẫn ung dung bước đi về phía trước, chỉ thấy cô đưa ký hiệu 'OK' nhưng vẫn không một lần nhìn lại.
Lê Kình mỉm cười lắc đầu đầy bất lực, vừa quay lưng liền bị doạ cho hết hồn, không nghĩ đến chị gái Lê Diệu đứng sát ngay sau lưng mình như thế, chị đích thị muốn anh lên cơn đau tim mà chết.
Phát hiện ánh mắt của Lê Diệu bất thường, anh lập tức phòng thủ: "Làm sao?"
"Em... có ý?"
"Không có!" Tâm trạng Lê Kình như đi chân không trên lửa, gấp rút phản bác: "Em chỉ gặp người ta mới ba ngày, có ý là ý gì?"
"Vì chị thấy em đối với Bội Sam hay Thủy Vi Nhã đều không ân cần đến thế nên mới hỏi như vậy." Lớn tiếng gọi Vĩ Văn Diên ra đi học, sau đó Lê Diệu nháy mắt ẩn ý với em trai mình một lúc: "Chị tán thành, em dâu như Tạ Tranh rất được."
Vừa lúc thấy cháu mình chạy ra, Lê Kình dùng hết sức đẩy hai mẹ con đi về phía trước, miệng càu nhàu: "Đừng nói nhảm, đưa A Diên đi học đi."
Nhìn bóng dáng hai mẹ con chị đi xa, chợt nghĩ sau này mình cũng có thể dẫn con mình tới trường hàng ngày, nụ cười càng tươi rói hơn. Lê Kình nhìn lên bầu trời, chẳng mấy chóc qua vài tuần nữa là đã đến năm mới.
Mưa đã tạnh, nắng đã lên rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top