HD tin dung quoc te

Hợp đồng tín dụng quốc tế

Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thì các doanh nghiệp trong nước không chỉ có nhu cầu huy động vốn của các định chế tài chính trong nước mà còn có xu hướng huy động vốn của các định chế tài chính ngoài nước. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay không ít doanh nghiệp trong nước tỏ ra lúng túng khi soạn thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng quốc tế.

Hợp đồng tín dụng quốc tế là hình thức pháp lý của các quan hệ tín dụng quốc tế, thông thường nó bị điều chỉnh bởi các hệ thống luật tương đối phát triển trên thế giới hiện nay như luật bang New York hoặc hệ thống luật của Anh. Chính vì vậy, các điều khoản cơ bản của hợp đồng tín dụng quốc tế thường được soạn thảo theo tinh thần các luật nêu trên và rất ít khi được soạn thảo theo luật của các nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa mà điển hình là hệ thống luật Pháp, Đức.

Về cơ bản, các quy định của hợp đồng tín dụng quốc tế được soạn thảo theo tinh thần hệ thống luật Anh - Mỹ (Anglo Saxon) và được phân thành ba nhóm sau:

Các điều khoản về cơ cấu khoản tín dụng (mechanical provisions)

Đây là các điều khoản có tính chất thương mại và thường được bên vay và bên cho vay thỏa thuận trong các thỏa thuận sơ bộ ban đầu về cấp tín dụng bao gồm:

- Các quy định về cam kết cấp khoản tín dụng là điều khoản xác định cụ thể khoản tiền mà bên cho vay cam kết cấp cho bên vay nếu các điều kiện và thủ tục quy định tại hợp đồng tín dụng được đáp ứng và hoàn tất.

- Các quy định về thủ tục rút vốn là điều khoản xác định về thủ tục rút vốn trong hợp đồng tín dụng nhằm trả lời câu hỏi là khi nào và làm thế nào bên vay có thể rút được vốn.

- Các quy định về tiền lệ là điều khoản xác định việc bên vay lựa chọn vay và bên cho vay lựa chọn cho vay bằng loại tiền tệ nào và điều này phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu của bên vay và nhu cầu vay vốn của bên vay.

- Các quy định về lãi suất là điều khoản xác định về mức lãi suất khi cấp tín dụng và hiện có hai loại lãi suất thông dụng đang được tính là lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.

- Các quy định về phí là điều khoản xác định bên cho vay được thu những loại phí nào, hiện những loại phí cơ bản sau được áp dụng trong hợp đồng tín dụng quốc tế là: phí cam kết (commitment fee), phí thu xếp (arrangement fee), phí đại lý đầu mối (agency/facility fee), phí đại lý nhận tài sản bảo đảm (security agent fee), phí bảo lãnh cấp vốn (underwriting fee).

- Các quy định về thanh toán gốc và lãi là điều khoản xác định việc thanh toán gốc có thể có một giai đoạn ân hạn nhất định dựa vào khả năng trả nợ và dòng tiền của bên vay, lãi có thể thanh toán 1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần tùy thuộc vào khả năng của các bên.

- Các quy định để bảo vệ bên cho vay bao gồm: các quy định về thuế (tax) nhằm bảo vệ bên cho vay và bảo đảm rằng, bên cho vay sẽ nhận được các khoản thanh toán từ bên vay trên cơ sở ròng mà không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào; các quy định về chi phí gia tăng (increase fee) nhằm bảo vệ thu nhập của bên cho vay; các quy định về bất hợp pháp (illegal regulations) xác định trong trường hợp việc cấp hoặc duy trì các khoản vay trở lên bất hợp pháp theo quy định của pháp luật thì bên cho vay có quyền không tiếp tục cấp vốn và yêu cầu bên vay trả nợ trước hạn; các quy định về biến động thị trường (fluctuation of market) xác định khi thị trường có sự biến động hoặc thay đổi đến mức bên cho vay không thể xác định được lãi suất hoặc chi phí huy động vốn trên thực tế của bên cho vay cao hơn so với chi phí huy động vốn quy định trong hợp đồng vay thì bên cho vay có quyền áp dụng một mức lãi suất mới, thể hiện đúng chi phí huy động vốn của mình .

Các điều khoản quan trọng cho quyết định của các bên (crucial provisions for parties making decisions)

- Các điều kiện tiên quyết (conditions precedents) là các điều kiện liên quan trực tiếp đến khả năng bên vay có thể rút được vốn. Thông thường bên vay muốn các điều kiện tiên quyết đơn giản để có thể dễ dàng rút vốn. Trong khi đó, bên cho vay muốn các điều kiện này phải đủ khả năng để bảo vệ quyền lợi của bên cho vay và nếu cần thiết tạo điều kiện để bên cho vay không phải dải ngân.

- Các cam đoan và bảo đảm về các sự kiện thực tế (representations and warranties) nhằm buộc bên vay đưa ra các cam đoan và bảo đảm về các sự kiện thực tế để bên cho vay có thể biết về tính xác thực của các thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến khoản tín dụng.

- Các cam kết thực hiện hoặc không thực hiện hành vi (covenants) quy định cam kết của bên vay về việc bên vay sẽ thực hiện hoặc không thực hiện các hành vi cụ thể theo yêu cầu của bên cho vay. Các cam kết có giá trị trong thời gian thực hiện hợp đồng tín dụng.

- Các sự kiện vi phạm (events of default) và các biện pháp xử lý (remedies) nếu quy định phạm vi càng rộng sẽ có lợi cho bên cho vay bởi khi cần thiết, bên cho vay có thể dễ dàng tuyên bố sự kiện vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý nhằm thu hồi nợ. Đối với bên vay, việc bên cho vay tuyên bố sự kiện vi phạm và áp dụng các biện pháp xử lý nhằm thu hồi nợ có ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của bên vay, do vậy bên vay luôn muốn hạn chế tối đa khả năng này.

Các điều khoản tiêu chuẩn (boilerplate provisions)

- Các quy định về luật áp dụng cho các hợp đồng tín dụng quốc tế thông thường là luật của bang New York hoặc luật của Anh, ngoài ra luật của các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ (Anglo Saxon) như luật của Singapore hay Hồng Kông cũng thường được sử dụng đối với các giao dịch tín dụng diễn ra tại khu vực châu Á.

- Các quy định về cơ quan giải quyết tranh chấp chính trong hợp đồng tín dụng quốc tế là tòa án và trọng tài. Thông thường các hợp đồng tín dụng quốc tế quy định cả hai phương thức giải quyết nêu trên và bên cho vay có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp.

- Các quy định về đại lý tiếp nhận tài liệu tố tụng có thể là là các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước bên vay tại khu vực tài phán có liên quan, hoặc cũng có thể là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ nhận tài liệu tố tụng do bên vay thuê.

- Các quy định về miễn trừ quốc gia do bên cho vay muốn bên vay từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia nếu bên vay là một doanh nghiệp nhà nước hoặc liên quan đến chính phủ. Bên vay phải từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong mọi giai đoạn tố tụng, kế cả giai đoạn áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và thi hành án.

- Các quy định về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng tín dụng quốc tế thông thường được sử dụng bằng tiếng Anh.

- Các điều khoản thông báo nêu rõ địa chỉ, số điện thoại, số fax, email, chức vụ của người sẽ thay mặt các bên nhận các thông báo có liên quan. Mặt khác, điều khoản này quy định thời gian để một thông báo được coi là nhận được bởi bên có liên quan.

- Các điều khoản về thay đổi các bên quy định bên cho vay có quyền chuyển nhượng sau khi đã có thông báo cho bên vay. Tuy nhiên, bên vay có thể không đồng ý và yêu cầu việc thay đổi bên cho vay phải được sự đồng ý của bên vay. Hiện có 3 phương thức điển hình chuyển nhượng hoặc thay đổi bên cho vay là: tham gia góp vốn, chuyển nhượng quyền, chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ.

- Các điều khoản quy định bù trừ nghĩa vụ xác định nếu bên cho vay và bên vay có các nghĩa vụ thanh toán với nhau, thì bên cho vay có quyền bù trừ các nghĩa vụ thanh toán đó.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #hdtdqt