Chương 4

Trời vừa sáng, không khí trong gia đình đã nặng trịch. Không cần hỏi, tôi cũng đã biết nguyên nhân  là bắt đầu ở tôi. Tối qua chắc Sở Liêm đã thưa chuyện với ba mẹ tôi. Gương mặt mẹ nặng hơn chì, chị Lan Bình thì lúc nào cũng trầm lặng, có điều không hiểu sao chị ấy nhìn tôi kì cục thế, tôi là quái vật chăng? Chỉ có ba vẫn cười nói bình thường, nhưng không khí ở bàn ăn vẫn nặng, không khí của một lọ thuốc súng chỉ cần ngòi nổ được châm là... "Bùm"!

Tôi sợ nhất là những màn căng óc, vì vậy vừa lúc chị Bình đến sở là tôi tìm cách vù ra khỏi nhà ngay, lấy cớ là dự sinh nhật của người bạn thân không thể vắng.

Lang thang ngoài phố một ngày trời. Nhìn người qua lại, đếm những viên gạch đỏ lót trên phố, ngắm những món hàng trưng trong tủ kính, những kiểu tóc mốt thời trang, đói ghé hàng quán dọc đường quất một vắt mì, một chén bò vò viên, ly đậu đỏ nước đá, thêm vô miếng khô mực. thời giờ còn lại tôi chui vào rạp hát xem một phim võ hiệp đấm đá gay cấn... Và phải đuổi hai tên ăn không ngồi rồi tán tỉnh, đến năm giờ chiều khi tay chân mỏi rã rời, tôi mới chấm dứt một ngày lang thang. Đứng trước cổng, lúc đặt tay lên bấm chuông, tôi tự nhủ:

- Bây giờ là lúc phải đối diện với thực tế, ta không có quyền trốn chạy nữa.

Người mở cổng cho tôi là chị Tú, chị giúp việc cho chúng tôi hơn năm năm, và là một tai mắt trung thành của tôi, vừa thấy tôi chị đã cười nói:

- Nhà có khách cô ạ.

Có khách, thế thì nhất rồi, mẹ sẽ không bao giờ hỏi tội tôi trước mặt khách, tôi bước nhanh qua sân chạy nhanh vào nhà.

Nhưng khi vừa bước vào phòng khách, tôi dội ngay vì khách ở đây chẳng phải ai khác hơn là chú Châu và chú Hoàn. hình như họ đang nói chuyện vui lắm, thấy tôi bước vào tất cả ngưng câu chuyện.

Mẹ hét:

- Giỏi chưa, thế mà mẹ tưởng con quên mất lối về nhà rồi chứ.

Nghe mẹ nói, tôi biết ngay điều mình đoán sai bét, mẹ chẳng ngại sự hiện diện của chú Châu, khai chiến ngay với tôi. Tôi lúng túng không thể trốn ngay lên lầu được, nên quay sang:

- Chào chú Châu ạ.

Đến trước Vân Hoàn, tôi bỗng khựng lại, anh chàng nhìn tôi với đôi mắt cởi mở:

- Sao, quên tôi rồi à? Hình như hôm dạ hội tôi nói chuyện với cô nhiều lắm mà, sao chóng quên thế?

Hoàn nói, tôi lắc đầu:

- Không phải thế,  tôi không những không quên ông mà cũng không quên cái ngón đàn guitar của ông nữa, có điều tôi chẳng biết phải gọi ông là gì cho phải lẽ.

- Còn xưng hô gì nữa. Cha cắt ngang - Gọi là chú luôn chứ có gì thắc mắc.

Tôi thối thác:

- Cả hai đều là chú hết, không lẽ con gọi là chú lớn, chủ nhỏ sao? Kì quá?

Chú Hoàn cười lớn, cha tôi trừng mắt:

- Lăng, cha thấy con càng lớn càng hư đấy nhé!

Chú Hoàn vội can:

- Có gì đâ, cô Lăng nói cũng phải đấy, thôi thì cứ gọi tôi bằng tên cũng được.

Nhưng cha tôi có vẻ khó chịu:

- Không được, gọi người lớn vai hơn mình ai gọi bằng tên bao giờ?

Vân Hoàn cười:

- Thôi mà, có gì mà quan trọng hóa thế, ở Tây phương nhiều lúc gọi cha mẹ bằng tên có sao đâu. Tôi thấy con người quý ở tấm lòng chứ đâu phải danh xưng anh ạ.

Chú Châu xen vào:

- Thôi được rồi, con bé muốn gọi thế nào thì gọi đi, vả lại, thằng Hoàn cũng là thằng mất gốc rồi.

- Hồi nào? Vân Hoàn cãi lại - anh đừng võ đoán thế, tôi chẳng hề mất gốc đâu, vả lại tập tục thì có cái tốt cái xấu, tốt thì ta giữ còn xấu thì ta bỏ đi, chứ có gì đâu mà phải nói.

- Thôi được rồi! Cha tôi nhảy vào can - Gọi sao cũng được cả.

Không khí cởi mở trở lại, mẹ tôi đã bước tới:

- Này Tú Lăng, con lúc nào cũng pha trò được, bây giờ chào hai chú xong thì theo mẹ lên lầu, đừng đứng đây làm rộn cha và hai chú, mẹ có chuyện riêng muốn nói với con.

- Đi đi rồi sau đó muốn thành rồng thành phụng gì đó thì làm! - Cha tôi nói.

Không hiểu cha tôi nói đùa hay có ý gì, tôi đâm ra bực dọc:

- Đừng hiểu lầm hai tiếng đó cha ạ. Cha biết suốt ngày hôm nay con đã làm gì không? Con thả rong hết đường này sang đường khác, nhìn khách bộ hành qua lại trên đường, đếm những tảng gạch đỏ lót trên lộ, nhưng óc con không yên nghỉ, con suy tưởng và quan sát. không biết sau này con sẽ làm gì, nhưng con là một người bình thường. Thưa cha, cha đừng mong một đứa con bình thường như con phải trở thành rồng thành phụng. Trên đường phố, nhìn hàng trăm hàng ngàn người qua lại, con nào thấy ai là rồng là phụng đâu? Cứ lấy gia đình chúng ta ra làm thí dụ đi, cha đã từng học qua đại học, môn chính của cha là triết, nhưng cha có là triết gia đâu? Bây giờ cha cũng chỉ là một thương gia bình thường như bao nhiêu người khác. Còn mẹ, mẹ cũng vậy, thuở xưa mẹ cũng đã từng tốt nghiệp ở Đại Học Kinh Tế, nhưng bây giờ mẹ cũng là một bà nội trợ bình thường. Xa hơn nữa, chú Châu đây, chú đã tốt nghiệp ban Sử Địa, nhưng cũng không khác gì với nghề xuất nhập cảng, chỉ có ông Vân Hoàn đây là con không biết thôi, có điều con chắc chắn ông ấy cũng không hơn gì người bình thường.

Vân Hoàn có lẽ thích thú với lời tôi, chàng cười lớn;

- Hay thật, tôi chưa hề nghe một ai dám phê bình một cách thành thật như thế.

Mẹ tôi trợn mắt:

- Trời ơi! Cái con nhỏ này nó điên rồi anh Bằng. Anh còn ngồi yên đó để nó muốn nói gì thì nói sao? Thứ gì mà không biết cha biết mẹ, biết lớn biết nhỏ gì hết.

Tôi thở dài:

- Mẹ chẳng hiểu con tí nào cả.

- Phải, tao làm sao hiểu được mày! Mẹ đã nổi cơn thịnh nộ - Sinh con, sinh những đứa như mày chỉ được cái buồn khổ thôi.

Cha vội can:

- Thôi mà ...

Rồi người quay sang tôi:

- Tú Lăng, đó là tất cả những gì con học được sau một ngày lang thang đó phải không?

- Vâng.

- Con nghĩ rằng sau này con sẽ...

- Con sẽ giống cha mẹ hiện tại, có học hay không con cũng chỉ là một người bình thường, lấy chồng sinh con, như bao nhiêu người mẹ khác.

- Lấy chồng? Mẹ hét lên: - Nhưng ai chọn lấy một đứa như mày chứ?

Tôi cười buồn:

- Thế theo mẹ, có học đại học mới lấy chồng được sao? Nếu không có người muốn con, thì con nghĩ cho dù con có học đến thạc sĩ hay tiến sĩ cũng chẳng có ma nào tìm, với lại đàn ông họ lấy vợ chứ đâu phải lấy bằng cấp đâu mẹ?

Mẹ đỏ mặt:

- Phải rồi, mày lúc nào cũng có lý, mấy cái lý lẽ khác đời của mày...

Cha tôi ngăn mẹ:

- Vũ Quyên, đừng hét nữa em.

Người quay sang tôi thở ra:

- Cha nghĩ, cha biết con muốn gì rồi. Lý lẽ của con đã thuyết phục được cha. Ngừng lại một chú, người tiếp: - Nhưng đừng tưởng là con bình thường, con chẳng bình thường tí nào cả.

Mẹ giận giữ:

- Ông lại theo phe nó, làm cha như ông thật...

- Vũ Quyên - Cha cắt ngang: - Em đừng nóng nảy thế, con lớn rồi nó tự biết lo cho thân nó. Rồi quay sang tôi, người nói: - Tú Lăng, cha đồng ý với con, con có quyền không thi vào đại học.

- Con xin cảm ơn cha! - Tôi đáp.

Trong một giây phút ngắn ngủi, tôi chợt thấy thương cha vô cùng, chỉ có người là hiểu tôi.

- Tú Lăng, cho cha biết, ngoài việc suy tư và quan sát ra con hiện có ý định làm gì nữa không?

Cha hỏi, tôi nhìn quay sang Vân Hoàn, tự nãy giờ anh vẫn đưa mắt tò mò nhìn tôi.

- Thưa cha, con định học một cái gì, trước hết có lẽ sẽ học đàn. Anh Hoàn, anh có sẵn lòng dạy tôi không?

Hoàn đáp nhanh:

- Sẵn sàng.

Nhưng chú Châu đã can Hoàn:

- Không được, cậu quên là cậu còn trở về Âu châu nữa hay sao?

Vân Hoàn nhún vai:

Với đứa bốn bể là nhà như tôi, thì bao giờ về Âu châu chẳng được?

- Thế có nghĩa là anh Hoàn nhận lời?

Tôi hỏi, Hoàn cười gật đầu:

- Vâng, nhưng cô phải mua đàn trước, hay là bao giờ rảnh tôi đi với cô, có tôi mới chọn đàn tốt được.

Cha nhìn tôi:

- Một nguyện vọng của con đã thành, bây giờ con còn muốn gì nữa không?

- Con định đọc sách, viết lách... Cha biết không, con thích nhất là âm nhạc với văn chương.

- Thế à? Cha ngẫm nghĩ: - Đến bây giờ cha mới biết, cha biết muộn quá.

- Nhưng còn hơn là không biết. Tôi nói: - Có nhiều bậc cha mẹ chẳng bao giờ chịu tìm hiểu con.

- Trời ơi, phải tìm hiểu cả con à? Mẹ hét: - Cha mày dung túng mày thế kia không biết rồi đời mày rồi sẽ đi đến đâu!

- Không có gì đâu mẹ, con sẽ học, học thật nhiều cách sống.

- Trời ơi, sống mà cũng phải học sao?

Mẹ lại kêu lên, tôi bước đến cạnh người:

- Vâng thưa mẹ, mẹ làm ơn hiểu cho con  một chút coi, con muốn sống theo con đường do chính con vạch ra. Mẹ hãy giúp con sống. Vả lại với hoàn cảnh gia đình ta hiện tại, cha không cần con làm việc để phụ giúp gia đình. Hãy để con được thoải mái ít lâu. Mẹ đã có chị Bình rồi, không lẽ mẹ muốn có Lan Bình thứ hai nữa thì cũng như mẹ chỉ có một đứa con thôi. Con phải khác chị Bình như thế mẹ mới có hai đứa con chứ?

Mẹ tôi có vẻ khó chịu:

- Mày làm tao nhức đầu quá, thế bây giờ mày định làm gì chứ?

- Con làm gì, xin mẹ đừng bận tâm. Bây giờ con chỉ cần mẹ đồng ý cho con miễn chuyện thi lên chuyện thi lên đại học thôi.

Mẹ bối rối nhìn tôi, rồi lại nhìn cha, người thở dài:

- Thôi được rồi, con không phải con riêng của mẹ, cha con đã không cản thì con muốn làm gì thì làm. Mẹ chỉ lo không biết đời con rồi sẽ đi về đâu?

Làm sao biết được chuyện đó khi chính tôi còn không biết? Có điều vui trước đã. Tôi ôm mẹ hôn dài:

- Cảm ơn mẹ yêu quý!

Mẹ lắc đầu có vẻ dỗi:

- Có lẽ mẹ không đáng quý, vì mẹ không hiểu được con.

Vân Hoàn bước đến với nụ cười trên môi:

- Chuyện đó không có gì lạ cả. Hiểu nhau đâu phải là chuyện dễ trên đời này!

Chàng nhìn tôi cười:

- Chúc mừng cho cô đấy, cô bé bất đắc chí!

Bất đắc chí? Có thật tôi bất đắc chí không? Hay chẳng qua chỉ là một thứ tài không gặp thời? Tôi cười với nụ cười e thẹn trên môi. Giữa lúc đó đột nhiên có tiếng xe gắn máy nổ ngoài cổng. Ồ, chàng! Sở Liêm! Tôi thích thú, phải cho chàng hay ngay mới được. Những kẻ phản kháng đồng minh. Ta đã thắng! Tôi xông về phía cửa kính, vừa lúc xe của Sở Liêm chạy vào cổng, nhưng niềm vui tôi chợt tắt ngay, trên xe không chỉ có một mình Sở Liêm mà còn có bà chị đẹp đẽ và cao quý của tôi nữa.

Xe đã ngừng lại, cả hai xuống xe, nắng chiều rọi trên mặt họ, những khuôn mặt rạng rỡ vui sướng, Sở Liêm là kẻ đầu tiên bước vào nhà.

- Dạ chào hai bác ạ, con đã đưa Lan Bình về đây. Tưởng Sở Làm của Bình ở đâu xa, không ngờ chỉ cách sở con có mấy bước, từ rày về sau con sẵn xe để con rước Bình về luôn, nhưng bác có sẵn cơm tối cho con ăn không chứ?

Gương mặt âu sầu của mẹ rạng rỡ ngay:

- Ồ cái gì chớ chuyện đó cậu  hỏi lo, làm gì khách sáo thế, đến đây không bao giờ để cậu đói đâu.

Chị Bình chậm rãi bước vào, lúc nào cũng vậy, trông chị thật đài các, mái tóc dài bị gió thổi rối, che lấy một phần khuôn mặt đỏ hồng của chị, không biết có phải vì gió hay vì một lí do gì khác. Trông thấy chú Châu và Hoàn, chị nhỏ nhẹ chào hỏi. Sở Liêm bấy giờ hình như mới biết nhà có khách và tôi, chàng bước tới với nụ cười thật tươi:

- Ồ! Quý vị ở đây mở hội nghị à?

Tim tôi thắt lại, tôi quên hết những điều định kể lại với chàng, đầu óc tôi trống rỗng, tôi bước về phía Vân Hoàn:

- Anh nói sẽ đưa tôi đi chọn guitar?

- Vâng.

- Thế đi ngay bây giờ được không?

Vân Hoàn nhìn tôi một lúc, mới gật đầu:

- Được chứ.

Chàng quay sang cha xin phép:

- Ông Bằng, xin ông cho phép tôi đưa cô Lăng đi mua guitar nhé?

Mẹ tôi kêu lên:

- Làm gì vậy? Đến giờ cơm rồi mà?

Vân Hoàn cười:

- Dạ không sao đâu, quý vị cứ dùng cơm tự nhiên, đừng chờ.

Nhưng mẹ vẫn hét:

- Làm gì mới gió đó cái mưa liền vậy? Cậu Hoàn cũng điên như nó nữa à?

- Sống ở đời mấy khi được điên mà chẳng điên? Mình đi thôi Lăng!

Tôi và Vân Hoàn bước nhanh ra cửa, tôi chẳng nhìn ai hết. Đến ngoài cổng, Hoàn mở chiếc xe du lịch màu đỏ:

- Lên đi Lăng.

Tôi nhìn xe ngạc nhiên:

- Xe của anh đây à? Tôi không ngờ anh mà cũng có xe nhà.

Hoàn cười đóng cửa xe lại:

- Cô còn không biết nhiều thứ về tôi lắm, Lăng ạ.

Yên lặng ngồi vào xe, đầu tôi quay cuồng quanh hình dáng của Sở Liêm và bà chị đẹp đẽ. Tim tôi đau thắt, nước mắt muốn tràn qua mi. Vân Hoàn không mở máy cho xe chạy ngay, chàng đưa cho tôi chiếc khăn tay:

- Lau mắt đi cô!

Tôi cầm khăn lau những giọt nước mắt thừa lăn trên má.

- Xin lỗi anh.

- ĐỪng nói thế, tôi hiểu Lăng lắm.

Chàng nói, giọng ngắn và nhẹ.

- Chúng tôi trưởng thành bên nhau, ngay từ khi còn bé dù đã biết Liêm và chị tôi mới là những người xứng nhau, anh Liêm giỏi, chị Bình đẹp và học hay. Thế mà không hiểu sao tôi vẫn cứ ganh tức.

- Vân Hoàn siết lấy tay tôi:

- Đừng nói nữa, bây giờ chúng ta đi mua guitar nhé, tôi đảm bảo với Lăng là trong vòng ba tháng là Lăng sẽ đàn giỏi cho xem.

Chàng mở máy, xe bắt đầu chạy. Tôi ngồi yên với hình bóng Liêm và Bình. Vâng, tôi đúng là con bé bất đắc chí. 

Chạy một lúc, chàng quay sang nhìn tôi, rồi một tay giữ lái, một tay cho vào túi móc bao thuốc:

- Tôi có thể hút thuốc được chứ Lăng?

Chàng vẫn tế nhị như hôm dạ hội. Tôi nhớ lại chuyện trên sân thượng hôm đó thì chợt phì cười. Không ngờ chỉ mới gặp nhau có hai lần mà chúng tôi lại thân nhau vô cùng. Đỡ lấy gói thuốc, lấy một điều đặt vào môi Hoàn rồi châm lửa. Phả khói một lúc chàng mới nói:

- Nếu Lăng biết mình cười đẹp đến độ nào, có lẽ Lăng sẽ thích cười hơn.

Tôi lại cười và vơi đi phần nào nỗi ấm ức.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top