Chương 31: Ba người viết ra câu đối xuân
Phàn Trường Ngọc thật vất vả cũng chịu đựng được làn khói, chớp chớp mắt, sau khi cố nén nước mắt cảm thấy dễ chịu hơn, ngẩng đầu lên và thấy Tạ Chinh thần sắc không rõ đang nhìn chằm chằm vào mình, nàng vỗ nhẹ vào đỉnh đầu mình: "Trên đầu ta có dính tro sao?"
Lúc này trời gió rất lớn, quả thực có rất nhiều tro trên đầu và vai nàng.
Tạ Chinh thu hồi ánh mắt, híp mắt gật đầu.
Phàn Trường Ngọc phủi lung tung trên người mình, nhưng chỗ tro bụi này rất khó phủi đi, ngược lại tan thành tro mịn dính trên người.
Trường Ninh thấy vậy, chân ngắn cũn nện bước chạy tới, phồng má nói: "Ninh Ninh thổi cho."
Phàn Trường Ngọc cúi đầu nhờ muội muội hỗ trợ thổi bụi trên tóc, nhưng Trường Ninh nhỏ người không có sức nên thổi không sạch, bé kéo ống tay áo của Tạ Chinh, ngẩng đầu lên nói: Tỷ phu, thổi đi."
Tạ Chinh nhìn Phàn Trường Ngọc, nàng ngồi xổm trên mặt đất nhờ muội muội giúp nàng thổi tro bụi trên đầu, từ góc độ của hắn, vừa vặn có thể nhìn thấy phần gáy trắng nõn và nửa khuôn mặt xinh đẹp của nàng, trên môi hắn nở một ý cười nhẹ không màng thế sự.
Phàn Trường Ngọc vừa nghe Trường Ninh nhờ Tạ Chinh giúp thổi bụi trên đầu, liền ngẩng đầu nói: "Sắp xong rồi, chúng ta trở..."
Từ cuối cùng mắc kẹt trong cổ họng.
Tạ Chinh giơ tay giúp nàng từng chút từng chút phủi đi tro bụi trên đầu, lực tay hắn rất nhẹ, hầu như chỉ lướt nhẹ qua tóc nàng, nhưng những sợi tóc hắn gảy mang theo hơi ngứa rất nhỏ, vẫn khiến toàn thân Phàn Trường Ngọc đơ ra một lúc.
Cảm thụ này hoàn toàn khác khi nàng tự mình động thủ, nhưng cụ thể khác như thế nào thì nàng không thể nói chính xác được.
Phủi sạch lớp tro bụi cuối cùng trên tóc nàng, Tạ Chinh rút tay về, nói: "Được rồi."
Phàn Trường Ngọc bắt gặp ánh mắt đen trầm khó phân biệt của hắn, khô khốc nói: "Cảm tạ."
-
Đi bái tế tổ tiên về đến nhà đã gần trưa, Phàn Trường Ngọc hầm một cái chân lợn, cắt một đĩa lạp xưởng, hâm nóng thịt kho trước đó đã nấu, cuối cùng xào một đĩa rau khô để giảm bớt vị béo, ba người cũng có thể có một bữa trưa thích hợp.
Rau khô là loại rau xanh sau khi thu hoạch, hái về đem rau xanh luộc rồi hong khô, sau đem tích trữ, nhà nào trong trấn cũng biết cách làm này, nghe nói đây là phương pháp được nghĩ ra để tích trữ lương thực trong những năm thiên tai đói kém.
So với độ tươi và mềm của rau xanh thì rau khô có mùi thơm dịu hơn, ngâm nước rồi cắt thành từng đoạn mỏng, phi thơm gừng, tỏi trong dầu rồi cho rau khô vào xào thơm, so với thịt còn thơm hơn.
Sau bữa ăn, thịt còn lại gần một nửa, một đĩa rau khô đã ăn hết.
Bát thịt tươi cắt nát trộn lẫn vụn nội tạng bên trong lồng của Hải Đông Thanh cũng đã bị nó ăn đến úp ngược bát, nó đang nheo mắt to như hạt đầu, dùng mỏ chải vuốt bộ lông vì bị đặt bên cạnh lò sưởi mà chuyển sang màu xám.
Sau khi Phàn Trường Ngọc dọn dẹp bát đũa, nàng lấy ra chồng giấy đỏ dùng để viết câu đối xuân và đèn lồng mà nàng đã mua từ sáng sớm bắt đầu mày mò.
Dán câu đối xuân, treo đèn lồng đỏ trong đêm giao thừa cũng là những tập tục thiết yếu.
Bút mực, giấy nghiên đều ở trong phòng của Tạ Chinh, Phàn Trường Ngọc mang theo một chồng giấy đỏ viết câu đối xuân gõ cửa phòng hắn.
Mặt bàn trải đầy giấy, mực trong nghiên mực cũng được mài nhẵn, quả nhiên, hắn ngồi trước chiếc bàn khập khiễng viết gì đó.
Khi ánh mắt lạnh lùng quét qua tới, Phàn Trường Ngọc gãi gãi đầu, mặt dày nói: "Cái kia. . . Huynh biết viết câu đối xuân không?"
Trường Ninh cũng thò nửa cái đầu ra cửa như một cái đuôi nhỏ, cười híp mắt thành trăng lưỡi liềm: "Tỷ phu viết câu đối xuân!"
Tạ Chinh đem tờ giấy viết dở bỏ qua một bên, thu dọn chỗ trống trên bàn, nói: "Mang tới đây."
Phàn Trường Ngọc mang chồng giấy viết câu đối xuân cùng với cái đuôi nhỏ Trường Ninh chen vào phòng.
Sau khi Tạ Chinh trải tờ giấy viết câu đối xuân lên trên bàn, nhúng bút lông vào mực đặc, mực trong nghiên mực cũng không còn bao nhiêu, hắn hơi quay đầu lại nói với Phàn Trường Ngọc: "Giúp ta mài thêm một ít mực."
Phàn Trường Ngọc có chút do dự muốn nói lại thôi, nhưng thấy hắn đã cầm bút viết chữ đầu tiên trên tờ câu đối xuân, vừa hữu lực vừa tao nhã, lại không muốn quấy rầy hắn, liền liếc mắt nhìn thỏi mực, nhặt nó lên rồi dùng sức mài vào nghiên mực.
Khi mực trên bút của Tạ Chinh không đủ, hắn định nhúng thêm một ít mực, nhưng khi nhìn thấy đống mực đen trong nghiên, im lặng một lúc rồi nói: "Nhiều quá."
Cũng không chỉ là nhiều quá, viết một câu đối xuân, nàng đem gần nửa thỏi mực mài hết.
Hắn không khỏi lướt nhìn qua tay của nàng.
Nghĩ đến sức mạnh của đôi tay kia, cũng thấy là chuyện bình thường.
Phàn Trường Ngọc lúng túng nói: "Trước khi mài ta đã định hỏi huynh mài bao nhiêu..."
Nàng biết chữ, thường bị mẫu thân nàng dùng roi mây ép buộc cũng miễn cưỡng học viết chữ xong, nhưng nét chữ thật sự rất tệ, bút mực, giấy và nghiên mực đều quý giá, nàng hiếm khi mài mực, lúc trước khi bị mẫu thân nàng ép buộc luyện chữ, đều là do mẫu thân nàng trông coi nghiên mực, vì thế nàng thật sự không rõ phải mài bao nhiêu mực.
Tạ Chinh tựa hồ đã quen với loại tình huống này, nói: "Mài nhiều cũng không sao, nhưng dùng không hết thì thật đáng tiếc."
Phàn Trường Ngọc nhìn chằm chằm vào khối mực do mình mài còn hơn phân nửa, lập tức cảm thấy cũng có chút đau lòng.
Nàng nghĩ chắc nhà Triệu đại nương cũng không mua câu đối xuân, liền nói: "Vậy thì viết cho nhà Triệu đại nương một đôi đi! Mực còn lại cũng viết thêm mấy tấm, trên cửa của các phòng đều dán một đôi, coi như cầu niềm vui!
Đây là lần đầu tiên Tạ Chinh nghe nói đến lại có cách dán câu đối xuân như thế, đôi lông mày xinh đẹp nhíu lại, sau đó cảm thấy có chút buồn cười, trong lòng có một tia sáng tỏ không giải thích được rõ ràng.
Lần đầu tiên gặp mặt, hắn chỉ cảm thấy nữ tử này thật thô tục, nhưng bây giờ lại cảm thấy, trong sự thô tục này đó ẩn chứa một sức sống mãnh liệt.
Giống như cỏ dại nơi hoang dã, không ai chăm sóc, chỉ bằng một sức mạnh man rợ mà sinh trưởng, có thể phá đi đất cứng, có thể chịu được cái nóng như thiêu đốt và cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông, mặc kệ thế nào, chồi non vẫn chịu đựng gian nan vất vả dầm mưa dãi nắng, bộ rễ cắm sâu vào lớp đất dày, liên tục cung cấp chất dinh dưỡng lên cho mầm non.
Hắn liếc nhìn nữ tử đang chống cằm ngồi ở cạnh bàn nhìn hắn viết, ngòi bút mực đặc quánh tiếp tục viết câu đối xuân.
Bông tuyết từ cửa sổ hé mở rơi vào, gió thổi tung ống tay áo rộng của hắn và mái tóc dài của Phàn Trường Ngọc, khi hắn viết xong rồi thu bút, Phàn Trường Ngọc cúi xuống đọc câu đối xuân mà hắn đã viết, một sợi tóc dài lướt ngang qua mu bàn tay của hắn.
Động tác thu bút của hắn dừng lại, một giọt mực dưới ngọn bút rơi xuống câu đối xuân.
Phàn Trường Ngọc "nha" một tiếng, ảo não nói: "Ta quấy rầy huynh rồi?"
Tạ Chinh thu tầm mắt lại: "Không có, chấm nhiều mực quá."
Phàn Trường Ngọc có chút đau lòng nhìn câu đối xuân: "Thật đáng tiếc, chữ này viết rất đẹp, nhưng không sao, chỉ cần dán nó lên cửa phòng của Trường Ninh và ta là được!"
Tạ Chinh nhướng mắt hỏi: "Nàng thích sao?"
Phàn Trường Ngọc gật đầu, ngắm nghĩa bộ câu đối này, đọc dòng chữ trên đó: "'Băng tan suối nhịp đập, tuyết tận cỏ mầm sinh', băng tuyết tan cỏ xuân sẽ mọc, ta thích ngụ ý này."
Nàng nói rồi cười với Tạ Chinh: "Lúc trước khi mẫu thân ta viết câu đối xuân cho trong nhà, cũng không thích viết loại câu đối xuân toàn là như ý cát tường bán ở trên phố."
Tạ Chinh bị nụ cười của nàng làm rung động, không có đáp lại, cụp mắt xuống, nang bút vẽ vài nét ở chỗ vết mực rơi xuống, vết mực làm hỏng cả câu đối đó biến thành một bức phác họa cỏ dại đầy ý cảnh.
Phàn Trường Ngọc và muội muội cùng kêu lên một tiếng "nha", trong mắt khó nén sự kinh hỉ.
Phàn Trường Ngọc cầm câu đối lên, tỉ mỉ xem xét nhiều lần: "Huynh còn biết vẽ tranh?"
Tạ Chinh nói: "Biết một chút."
Phàn Trường Ngọc nhìn chằm chằm vào cụm cỏ dại dồi dào rực rỡ dưới câu đối xuân kia: "Đủ rồi."
Nàng lại ngước mắt lên và liếc nhìn Tạ Chinh vài lần, nói: "Nếu huynh đến trên phố bán tranh chữ, ta cảm thấy cũng có thể kiếm được rất nhiều bạc!"
Với tướng mạo và lối vẽ tỉ mỉ này của hắn, khẳng định có một đống cô nương nguyện ý mua tranh hắn vẽ!
Khóe miệng Tạ Chinh vốn nghe được nàng tán dương thì nhếch lên một chút, nhưng khi nghe hai câu cuối cùng, lại đè phẳng đi.
Hắn nói: "Ta không vẽ theo yêu cầu."
Phàn Trường Ngọc biết tính khí người này luôn rất xấu, vì vậy cũng không ngạc nhiên với câu trả lời của hắn, tiếp tục chú ý xem hắn viết hoành phi*.
*hoành phi: tranh chữ treo ngang phía trên
Hắn nâng bút viết bốn chữ "Xuân sinh trường tồn", nét chữ chắc nịch hữu lực, tựa hồ cũng mang theo sức sống và sự bền bỉ của cỏ dại mọc dưới đất lên.
Phàn Trường Ngọc rất thích câu đối kia, thấy bức hoành phi này càng thấy hài lòng hơn.
Để làm cho nó có thể tôn lên lẫn nhau, Tạ Chinh cũng đã vẽ lên bức hoành phi một vài nét cỏ dại giống như trên câu đối.
Phàn Trường Ngọc vui vẻ đặt những câu đối đã viết lên chiếc tủ bên cạnh để hong khô.
Cặp câu đối xuân này đã viết hết số mực kia, sô giấy đỏ viết câu đổi còn lại chỉ đủ viết ba bức, Phàn Trường Ngọc còn muốn viết cho Triệu đại nương một bộ, lúc này quyết định đem bộ này dán lên cửa lớn.
Bộ câu đối Tạ Chinh viết cho hai vị lão nhân là một đôi câu đối phúc thọ an khang cát tường.
Viết xong bộ câu đối xuân cuối cùng, Trường Ninh hai tay lay chiếc bàn, nhón chân ngóng cổ lên nói: "Ninh Ninh cũng muốn viết."
Phàn Trường Ngọc nghĩ dù sao cũng chỉ dán trong nhà tự nhìn, liền đem tìm giấy để viết hoành phi rồi nhờ Tạ Chinh suy nghĩ ra một bộ viết lên giấy, còn nàng thị nắm tay dạy muội muội viết lên.
Nàng cùng Trường Ninh viết xong bức hoành phi, lại tự mình dùng kiểu chữ như chó bò viết câu đối.
Mặc dù chữ hơi xấu một chút, nhưng Phàn Trường Ngọc khá hài lòng.
Nàng đặt lại bút lông vào tay Tạ Chinh: "Huynh viết câu đối tiếp theo đi."
Tạ Chinh nhìn những chữ viết câu đối xuân to bự đến mức gần như tràn ngập toàn bộ tờ giấy, trầm mặc một lúc, dùng kiểu chữ viết cuồng thảo viết xong câu tiếp theo, nhìn cũng có vẻ khá hài hòa.
Hắn có thể viết được tất cả các kiểu chữ, đều tránh đi bút tích của chính mình, mới không khiến người khác phát giác được chữ viết của hắn.
Phàn Trường Ngọc vốn định như vậy kết thúc một ngày, nhưng không biết khi nào Trường Ninh đã lẻn ra khỏi phòng, ôm lấy Hải Đông Thanh bị nhốt trong lồng gà tới, mắt đầy óng ánh nhìn Phàn Trường Ngọc: "Ấn dấu chân của ưng ưng vào luôn nha!"
Cách ôm của bé rất đặc biệt, một bàn tay bụ bẫm ôm bụng của Hải Đông Thanh, tay bụ bẫm kia bóp cổ Hải Đông Thanh, rất có ý tứ là nếu Hải Đông Thanh không chịu phối hợp sẽ trực tiếp bị xách cổ lên.
Tạ Chinh nhìn đôi mắt hoảng sợ bất lực của Hải Đông Thanh, tâm tình có chút vi diệu.
Hai tỷ muội này quả thật là ruột thịt.
Phàn Trường Ngọc vuốt ve lông vũ trên trán của Hải Đông Thanh, suy nghĩ một chút nói: "Được!"
Nàng bưng nghiên mực tới, cầm lấy một bên móng vuốt của Hải Đông Thanh nhúng vào, ấn vào một dấu chân chim ưng vào bức hoành phi do Trường Ninh viết.
Bóng ma do bị bạt tay vẫn còn, Hải Đông Thanh thu cánh lại cả buổi không dám nhúc nhích dù là một cử động nhỏ, chỉ có một đôi mắt hạt đậu trừng lên, đờ đẫn đáng thương.
Sau khi in xong dấu chân, Phàn Trường Ngọc dùng khăn tay ướt lau vết mực trên chân Hải Đông Thanh, sau đó nói với Trường Ninh: "Ôm trở về đi."
Trường Ninh vui vẻ bế Hải Đông Thanh vào phòng chính, đặt trở lại lồng gà.
Phàn Trường Ngọc vào bếp tìm bát cơm buổi trưa còn lại, trước tiên dán câu đối xuân mà ba người cùng nhau hoàn thành lên khung cửa phòng chính, sau đó cầm bát cơm ra ngoài dán đôi "Xuân sinh trường tồn" lên cửa.
Đôi lão phu thê của Triệu gia nghe nói Tạ Chinh cũng đã viết câu đối cho họ, lại ra nhìn câu đối mới Phàn Trường Ngọc mới dán lên, cười đến không ngậm được miệng.
Những người hàng xóm khác trong ngõ đi ngang qua nhìn thấy, tò mò nói: "Trường Ngọc, trượng phu của cháu cũng có thể viết câu đối sao?"
Triệu đại nương chưa bao giờ muốn Phàn Trường Ngọc bị người khác coi thường bởi vì chuyện của Tống Nghiễn, khi nghe có người hỏi như vậy, bà lập tức nói: "Không chỉ vậy, tiểu bối kia là người biết chữ nghĩa, ngươi nhìn chữ viết này xem, so với câu đối xuân trên phố bán còn đẹp hơn!"
Ở nơi nhỏ bé này, người có thể đọc được vài chữ cũng được coi là người có năng lực, đừng nói là thi đỗ tú tài, chỉ cần được tú tài thu nhận làm học trò, khi mai mối khí thế liền cao hơn người khác một chút.
Phụ nhân kia nhìn thế gật đầu liên tục: "So với những câu đối xuân năm trước Tống Nghiễn viết cho mọi người thì không kém, vẫn là Trường Ngọc biết chọn trượng phu!"
Bà ta cười nói với Phàn Trường Ngọc: "Hay nhờ trượng phu của cháu viết cho thẩm tử một bộ được không?"
Trước đây, mỗi khi tết đến, Tống Nghiễn sẽ lên trên chợ dựng sạp viết câu đối xuân cho người ta để trợ giúp trong nhà, hàng xóm trong ngõ cũng nhờ hắn ta viết hộ, hắn ta một mực không lấy tiền, mọi người chỉ mang theo giấy đỏ của mình đến để viết câu đối, bất quá khi mọi người tìm đến hắn ta hỗ trợ viết câu đối, phần lớn đều sẽ đưa chút đồ vật coi như là có tâm ý.
Năm nay nhà Tống Nghiễn chuyển đi nơi khác, tìm người viết câu đối xuân cũng phải mất mười mấy văn, mua câu đối viết sẵn cũng không rẻ, trong nhà người ở trong ngõ hầu hết đều không có câu đối xuân.
Phàn Trường Ngọc nghĩ đến tính khí xấu của Tạ Chinh, từ chối: "Xin lỗi thẩm tử, trong nhà không chuẩn bị nhiều giấy viết câu đối xuân."
Phụ nhân kia nói thẳng: "Trong nhà thẩm tử vẫn còn giữ giấy viết câu đối xuân mua vào mấy năm trước!"
Chẳng biết khi nào Tạ Chinh đã xuất hiện ở cửa lớn, phụ nhân kia nhìn thấy hắn, cười hỏi: "Tướng công của Trường Ngọc, cháu có rảnh rỗi giúp thẩm tử viết câu đối xuân không?"
"Tướng công của Trường Ngọc" là cái xưng hô quỷ gì đây?
Phàn Trường Ngọc sợ cái miệng sắc bén của hắn nói ra lời cay nghiệt, vừa định từ chối lần nữa, lại nghe thấy hắn nói: "Có thể đem giấy tới đây."
Phàn Trường Ngọc sửng sốt một chút, bất quá phụ nhân kia nghe Tạ Chinh nói như vậy rất vui vẻ, liền quay đầu đi về nhà: "Cháu chờ một chút, thẩm tử về nhà lấy giấy tới ngay!"
Giống như sợ Tạ Chinh một khắc sau sẽ đổi ý.
Phàn Trường Ngọc nghĩ hắn đáp ứng như thế là do lo lắng cho mình, sau khi vào sân, không nhịn được nói: "Nếu không muốn thì cũng đừng miễn cưỡng đồng ý."
Tạ Chinh khẽ nhướng mắt: "Ta nói không muốn khi nào?"
Phàn Trường Ngọc: "..."
Lúc trước là ai nói không muốn vẽ theo yêu cầu?
Được rồi, chỉ là vẽ tranh, viết mấy chữ cũng không sao, là nàng suy nghĩ nhiều.
Chẳng mấy chốc, thẩm tử kia đã cầm giấy đỏ đến trước cửa, nhưng không phải chỉ có một mình bà ta, mà còn mấy phụ nhân và bà tử cũng cầm theo giấy đỏ đi theo.
Khi nhìn thấy Phàn Trường Ngọc, bọn họ đều mỉm cười và nói: "Nghe nói trượng phu của Trường Ngọc viết câu đối xuân cho người ta, trong nhà đại nương năm nay vẫn chưa có câu đối xuân, cho nên da mặt dày cùng kéo tới."
Ai cũng biết bút, mực, giấy, nghiên đều quý nên không đi tay không, người trong nhà làm đậu hũ mang theo bát đậu hũ tới, những người trong nhà làm bánh gạo đường gói mấy miếng bánh gạo đường tới, vào cửa đều đưa cho Trường Ninh, để cho bé ăn vặt.
Phàn Trường Ngọc nhìn người đưa đồ tới cửa, cũng không thể cự tuyệt, cũng không thể thay Tạ Chinh trả lời, cho nên chỉ có thể nhìn Tạ Chinh.
Hắn đem bút và nghiên mực ở phòng nam vào tới phòng chính, đón lấy ánh mắt của Phàn Trường Ngọc, nói câu nhàn nhạt: "Các vị thẩm tử ngồi xuống trước."
Đây là ý tứ đã đáp ứng, Phàn Trường Ngọc kêu mọi người ngồi bên lò sưởi để sưởi ấm.
Tạ Chinh cũng không trực tiếp viết các câu đối xuân, mà là sẽ hỏi đối phương một đôi lời muốn viết câu đối có ngụ ý gì, sau đó lại đặt bút viết.
Lưu phong trong tuyết, tư thái hắn chắp bút trầm tĩnh mà thong dong.
Đến lượt viết câu đối cho một lão bà bà ở cuối ngõ, lão bà bà đại khái cũng chưa hình dung được mình muốn như thế nào, giọng nói run run, mang theo âm mũi còn lắp bắp.
Trên mặt Tạ Chinh không lộ ra một tia thiếu kiên nhẫn nào, vì muốn nghe được vị lão nhân kia nói cái gì, hắn còn hơi cúi đầu cẩn thận nghiêng tai lắng nghe.
Phàn Trường Ngọc ngồi bên cạnh lò sưởi, nhìn thấy cảnh này có chút kinh ngạc, trong ấn tượng của nàng, hắn vẫn luôn xấu tính và kiêu ngạo, không ngờ hắn cũng có một mặt dịu dàng như vậy.
Viết xong câu đối, hắn đọc cho lão bà bà nghe một lần, giải thích hàm nghĩa trong đó, lão bà bà mỗi ý đều gật đầu, cười đến mức các nếp nhăn trên mặt giãn ra.
Phàn Trường Ngọc một tay chống cằm nhìn bên kia, không biết vì sao cũng cười theo.
Tạ Chinh đột nhiên ngẩng đầu lên, bắt gặp đôi mắt đang cười của nàng.
Phàn Trường Ngọc đột nhiên thấy tim đập thình thịch, nụ cười trên mặt đông cứng lại, yên lặng quay đầu đi sưởi ấm.
Sau khi nghe nói Tạ Chinh cũng giúp viết câu đối, một truyền mười, mười truyền trăm, hơn phân nửa nhà hàng xóm trong ngõ đều đến nhờ hắn viết giúp, một mực viết đến chạng vạng tối mới không có người đến gõ cửa nữa, các loại đồ ăn vặt do người khác nhờ viết câu đối mang đến cũng chất đống trên bàn.
Phàn Trường Ngọc nhìn thấy Tạ Chinh ngồi xuống bên lò sưởi, bất động thanh sắc xoa cổ tay, trêu chọc nói: "Tay bị đau phải không?"
Tạ Chinh chỉ đáp: "Vẫn còn tốt."
Phàn Trường Ngọc trong lòng khẽ hừ nhẹ một tiếng, người này đúng là mạnh miệng.
Thấy trời đã tối, nàng cũng thắp đèn lồng đỏ, định treo trong sân.
Trước đây, công việc treo đèn lồng này đều do phụ thân nàng làm, Phàn Trường Ngọc còn ít kinh nghiệm, nàng tìm một cây trúc quá ngắn, không thể treo lên, vì vậy nàng gọi Trường Ninh: "Ninh Ninh, giúp tỷ lấy một chiếc ghế ra đây."
Trường Ninh đang ngồi ở cửa ăn một miếng bánh gạo đường, sau khi ăn một chút liền bẻ ra rắc xuống chân cho Hải Đông Thanh cũng mổ ăn.
Nghe được tiếng gọi của Phàn Trường Ngọc, bé quay đầu lại hô vào trong phòng: "Tỷ phu, giúp a tỷ lấy ghế treo đèn lồng."
Phàn Trường Ngọc đang định nói đứa nhỏ này càng ngày chỉ biết sai khiến, thì thấy Tạ Chinh từ trong nhà đi ra.
Trên tay hắn không cầm ghế, khi đến gần liền tự nhiên nhận lấy cây trúc trong tay Phàn Trường Ngọc, lòng bàn tay lướt nhẹ lên mu bàn tay nàng, giống như lúc trước trong rừng thông hắn dạy nàng phá chiêu, chỉ là lần này khí tức tươi mát trên người hắn mãnh liệt hơn nhiều, bên trên còn mang theo mùi hương thoang thoảng của kẹo trần bì.
"Treo xong rồi." Hắn treo đèn lồng dưới mái hiên rồi lùi lại một bước, mùi kẹo trần bì cũng bay xa.
Phàn Trường Ngọc cảm thấy toàn thân không được tự nhiên, khô khốc nói câu "Cảm tạ".
Bữa tối, có móng giò hầm hồi trưa ăn chưa hết, còn có mấy món ăn ngày tết do hàng xóm đến viết câu đối gửi tới, Phàn Trường Ngọc gắp mấy món nóng hổi, bày ra một cái nồi nhỏ phía trên lò sưởi, cắt từng lát thịt tươi, đậu phụ và măng đông, sau đó bày một đĩa gan lợn đã ướp, cho một quả trứng vào gan lợn đã mềm, đảo đều và ăn tại chỗ.
Đây là món ăn nàng nhìn thấy ở Dật Hương lâu khi đến đó kho thịt, nhìn thấy thực khách bên trong tửu lâu thường xuyên gọi món này.
Nàng tò mò hỏi đó là món gì, Lý đầu bếp nói rằng đó là món ăn do Dư chưởng quỹ sáng tạo ra, các tửu lâu khác cũng có, nhưng hương vị kém xa Dật Hương lâu.
Hai ngày đêm giao thừa và mồng một tết, Dật Hương lâu cũng đóng cửa, Dư chưỡng quỹ đưa cho nàng chút tương ớt, bên trong còn có hoa tiêu, gừng, sau khi nấu lên thì thành một nồi đỏ đặc, bảo nàng mang về nhà ăn trong dịp năm mới, hương vị của thịt luộc còn ngon hơn mao huyết vượng lần trước.
Chỉ là đồ ăn có chút cay, Trường Ninh lại thèm ăn cay, ăn xong miệng liền sưng lên.
Phàn Trường Ngọc cũng cảm thấy hương vị của chiếc nồi này quá nồng, cay đến không thể chịu nổi, vì vậy đi lấy vò rượu nhạt tới, rót cho Tạ Chinh một chén, lúc này mới nhớ ra trên người hắn còn đang bị thương.
Phàn Trường Ngọc đoạt lại chiếc chén ở trước mặt hắn, đem đặt dưới chân: "Ta quên, trên người huynh đang bị thương không được uống."
Tạ Chinh vừa ngửi đã biết rượu không nồng, nói: "Rượu nhạt cũng không sao."
Phàn Trường Ngọc không để ý tới hắn, rót cho hắn một chén trà ấm: "Đại phu nói, trước khi vết thương của huynh lành thì không được uống rượu."
Trường Ninh háo hức nhìn cái chén trước mặt Phàn Trường Ngọc: "Ninh Ninh cũng muốn."
Phàn Trường Ngọc cũng rót cho bé một tách trà ấm: "Trẻ con không uống được rượu, uống trà với tỷ phu đi."
Tạ Chinh: "..."
Cái nồi kia thật sự rất cay, nhưng cũng khiến người ta gây nghiện, sau khi ăn xong, Phàn Trường Ngọc gần như đem rượu uống như nước lã.
Môi nàng vừa nóng vừa đau, vừa muốn rót rượu, mới bất tri bất giác thấy vò rượu đã bị mình uống hơn phân nửa.
Phàn Trường Ngọc có chút sững sờ: "Sao ta có thể uống nhiều như vậy ..."
Sau đó tự an ủi mình: "Không sao, rượu này hẳn là không say."
Mặt nàng có chút phiếm hồng, mà Tạ Chinh và Trường Ninh ăn cái nồi này, cũng bị cay đến đỏ bừng.
Tạ Chinh không biết tửu lượng của nàng bao nhiêu, nhìn nàng uống rượu phóng khoáng như vậy, còn tưởng rằng tửu lượng của nàng rất tốt, đến lúc này vẫn không biết trên mặt nàng phiếm hồng là do bị cay hay là do say, hoặc là cả hai.
Hắn đẩy ấm trà về phía nàng: "Uống chút trà giải rượu đi."
Đầu óc Phàn Trường Ngọc lúc này có chút đờ đẫn, thật lâu sau mới có thể đưa ra kết luận, hình như hắn đang chê cười mình không uống được rượu thì phải?
Nàng cố chấp rót cho mình một chén rượu khác, nghiêm mặt nói: "Tửu lượng của ta rất tốt! Phụ thân của ta có thể uống một vò thiêu đao tử, ta có thể uống nửa vò, chút rượu nhạt này tính là gì!"
Tạ Chinh bất lực nhìn nàng ngước cổ uống cạn chén rượu, sau đó đôi mắt hạnh của nàng ngày càng nhỏ lại, cuối cùng gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi.
Tạ Chinh: "..."
Đứa trẻ kia ăn no cũng liền buồn ngủ, cầm phong bao lì xì được tỷ tỷ đưa cho, hô hấp sớm đã kéo sâu.
Vào đêm giao thừa này, Tạ Chinh là người duy nhất còn thức.
Những chiếc đèn lồng dưới mái hiên rắc một tầng ánh sáng ấm áp lên tuyết, xa xa trên đường phố có tiếng vang do ai đó đã đốt pháo.
Tạ Chinh nhìn nữ tử đang nằm ngủ ngon lành trên chiếc bàn thấp, nửa khuôn mặt phản chiếu trong ngọn lửa ửng hồng, chỉ nhìn thôi đã khiến người ta cảm thấy nhiệt độ do đầu ngón tay khi được chạm vào nàng phải cực kỳ ấm áp mềm mại.
Hắn yên lặng quan sát một hồi, dời ánh mắt đi, cầm lấy vò rượu trên bàn, rót cho mình một chén, một chân gập xuống, một tay gác lên đầu gối, tư thế ung dung, nhấp một ngụm rượu trong chén, nhìn cảnh tuyết rơi bên ngoài cửa.
Có thể là khoảng cách gần lò sưởi, cũng có thể là ánh sáng ấm áp dưới mái hiên, lúc này trong lòng hắn bình yên hơn bao giờ hết.
Mười sáu năm sau trận chiến Cẩm Châu, cuối cùng hắn cũng nhận ra, năm mới trôi qua là như vậy.
Hắn uống một hơi cạn nửa vò rượu, nhưng trong mắt vẫn không thấy một chút men say.
Nửa đêm, pháo hoa nổ vang trong trấn, hắn nhìn nữ tử ở chiếc bàn thấp bên kia, vừa ngủ vừa phát ra tiếng nói mê, nhẹ giọng nói: "Năm mới vui vẻ."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top