Chương 4 - Phận dầu
Cập nhật các chương mới nhất tại
https://nienthailac.wordpress.com/2017/07/16/hau-cung-phuong-hoang-bay-cao-muc-luc/
https://www.facebook.com/haucungphuonghoangbaycao/
_________________________________________________________________
Chương 4
Phận dầu
– "Phận dầu dầu vậy cũng dầu" – trích Truyện Kiều (Nguyễn Du) –
Trời về khuya, trên dưới phủ An Định cũng từ từ chìm vào im lặng. Lúc đó Diệp Tâm đang ngồi trong một góc ở bếp mà lui cui cắt gọt. Tiếng cạch cạch của dao chạm thớt làm Mai Dương bên trong buồng nghe thấy, liền ngồi dậy thò đầu ra hỏi:
"Chị Út, sao giờ còn chưa ngủ nữa? Mớ cà pháo ngâm muối đó để mai rồi mần."
Diệp Tâm không quay người lại nhìn, chỉ nói "Mai em còn đi lên lăng chăm bịnh bà Hòa tần để cô cả về nghỉ ngơi. Cậu giờ vẫn chưa về, chị làm cho xong, đỡ việc nào hay việc nấy."
Vừa dứt lời thì nghe tiếng mở cửa rào ken két, Diệp Tâm buông dao xuống, ngóng cổ ra ngoài trước mà nói "Nhắc Tào Tháo là Tào Tháo về tới. Em cứ ngủ trước đi, chị ra hầu cậu cho xong rồi ngủ sau cũng được."
Nói rồi cô liền gom gọn mọi thứ lại cho gọn rồi chạy ra cửa chính. Bửu Đảo cùng Phúc An đi vào trong, Diệp Tâm vừa khóa cửa lại vừa nói "Cậu hôm nay về trễ quá, chắc trên đó kiếm không được xe kéo nên giờ này mới tới phủ. Cậu với thằng An ăn uống chi chưa?"
Phúc An đáp "Dạ chưa, cậu dặn khỏi ghé dọc đường ăn làm chi, chờ về tới phủ rồi ăn cơm luôn cho đỡ."
Diệp Tâm vui vẻ nói "May quá. Hôm nay em có kho nồi cá nục bông chấm rau muống luộc, với mấy trái vả ban sáng vừa hái xong em cắt ra để lên dĩa hết rồi."
Phúc An cười nói "Bẩm cậu, vậy con xuống bếp hâm nóng lại cho cậu, để chị Út ở đây hầu cậu thay giày."
Bửu Đảo gật đầu rồi mệt mỏi ngả lưng ra đằng sau cái xa-lông, hỏi "Cô hai, cô ba đi ngủ hết rồi sao?"
Diệp Tâm quỳ xuống cởi giày cho anh, đáp "Dạ phải, thưa cậu. Hai cô nói ban chiều đi coi đánh tứ sắc về mệt quá nên hôm nay đi ngủ sớm." Rồi như chợt nhớ ra chuyện gì, sẵn tiện cô nói:
"Bẩm cậu, ban chiều này có một tên lính trong triều chạy lại phủ mình đưa tin, nói là Hoàng thượng có lệnh mười lăm ngày sau truyền cậu vào Nội."
Bửu Đảo mở mắt ra, nhìn Diệp Tâm nghi hoặc "Hoàng thượng truyền ta vào Nội? Có chuyện như vậy thật sao?"
Diệp Tâm ngây thơ đáp "Em cũng chỉ nghe sao thưa lại vậy, chỉ thấy hắn mặc đồ lính tới đây nên nghĩ lời của Hoàng thượng thì chắc không ai dám bịa."
Thầm nghĩ Hoàng đế từ lâu đã không muốn nhìn mặt anh, đừng nói chi mấy hôm nay anh đứng đợi suốt ở Đại Nội mà cũng không gặp được, sao bây giờ cũng là chính người đó lại triệu kiến cái thành viên bị bỏ rơi trong Hoàng tộc như Bửu Đảo đây? Anh trong lòng cũng không rõ, cũng không dám tin, chỉ lấy tay trầm ngâm chống cằm trong im lặng. Diệp Tâm cất giày xong rồi lại đứng trước anh, tay cô vò nhẹ cái gấu áo, trên miệng ấp úng:
"Bẩm cậu, hôm nay cậu lên trên lăng thăm bịnh bà Hòa tần, không biết bà có khỏe hơn chưa, với lại...mọi người trên đó có khỏe hết không?"
Chợt bị kéo ra khỏi những suy nghĩ, Bửu Đảo hơi giật mình một chút rồi mới gật đầu nói "Ờ...Mạ thì vẫn bịnh triền miên, còn thân mẫu cũng khỏe. Còn Vĩnh Thụy nữa, lúc ta tới thì nó đang ngủ trưa nên cũng không nói gì được nhưng nghe thân mẫu kể lại nó mấy rày mau lớn lắm, ăn còn mạnh hơn trước."
Nghe vậy, Diệp Tâm chỉ biết cười buồn, gật đầu nói "Vậy là tốt rồi."
Bửu Đảo chợt thấy mủi lòng, nắm tay Diệp Tâm, giọng anh trầm đi hẳn "Nó là con ruột của em mà lại bị mạ với thân mẫu đem lên Tư Lăng nuôi dạy, không cho em gặp mặt, chỉ có thể hỏi thăm thông qua ta như vậy. Ba năm nay chắc em rầu trong ruột lắm phải không?"
Diệp Tâm hơi cay sóng mũi, nói "Bẩm, Vĩnh Thụy dù là con của em với cậu, nhưng mà em vốn là con ở trong phủ mình, thân thế cũng không phải con nhà quan như cô cả, cô hai, cô ba, tới danh phận làm thiếp của cậu em còn không có, sao em có đủ tư cách nuôi nấng nó? Với lại, bà Hòa tần với bà Hoàng phi yêu thương cháu, em cũng không phải lo lắng chi nhiều."
Lời cô nói ra nhẹ nhàng mà trong hơi thở như sắp nghẹn ngào nước mắt. Bửu Đảo chịu không được, anh đứng dậy rồi ôm nhẹ vào vai Diệp Tâm, lời nói ra kèm theo tiếng thở dài "Mạ ta không chịu chấp nhận em, ta cũng chỉ biết nghe theo. Cái danh phận này, cả Vĩnh Thụy nữa, em ráng đợi thêm một thời gian nữa rồi ta sẽ thay em định liệu, nghe."
Lấy tay quẹt nước mắt, Diệp Tâm cảm động đáp "Mấy năm nay em sống như vậy cũng đã quen rồi. Chỉ cầu Trời Phật phù hộ Vĩnh Thụy của chúng ta lớn lên khỏe mạnh là được, còn em cũng chỉ cần cậu còn nghĩ tới em là em cũng vui bụng."
Bửu Đảo không nói gì, mắt hướng ra ngoài cửa sổ mà nhìn màn đêm cô tịch, bỗng thấy trong dạ anh ngổn ngang không dứt, một cảm giác như nỗi bất lực xâm chiếm mỗi lúc một nhiều đến mức không sao chịu được.
Đêm nay có lẽ cũng sẽ lại là một đêm thật dài.
-o0o-
Từ lúc rời Cửa Tùng về Huế đến nay cũng đã vài ngày, nhưng Tử Chi cũng vẫn không nhận được tin tức gì của Vĩnh San. Có phải Ngài đã quên mất cô rồi hay không, hay là Ngài đã quên hết những gì mà lúc trước hai người đã từng hứa hẹn mất rồi? Tử Chi cũng không biết nữa, cái sự bặt vô âm tín này của Ngài làm tâm trạng cô không thể vui nổi. Ngày qua ngày chờ đợi, Tử Chi càng lúc càng trầm ngâm, chỉ biết lẩn thẩn đi qua đi lại mà không nói ai câu nào, làm cho ông bà Thượng thư không khỏi lo lắng.
Đến khi không chịu được, bà Thượng mới gọi con gái vào phòng mà nói "Tử Chi, giờ con nghe mạ nhủ. chắc con cũng biết Mợ Năm con bán bánh ngoài chợ Đường Ngang(1), nay mợ thiếu người phụ bán, một mình lại làm không xuể, sáng mai con cùng Yến Thanh ra đó phụ nghe con. Mợ tận miệng nhờ nên mạ không tiện từ chối."
( (1) Chợ Đường Ngang: chợ An Cựu ngày nay)
Lo sợ con gái trước nay không quen làm chuyện tay chân nên sẽ không chịu ra chợ buôn bán. Chẳng dè khi nghe mẹ nói vậy, Tử Chi liền vui vẻ đồng ý:
"Dạ, mạ biểu cái chi thì con nghe nấy. Trước giờ mợ với nhà ta cũng đâu xa lạ chi. Giờ mợ ấy cần giúp, con cũng đâu thể không đồng ý. Con chỉ ngại trước nay con không quen tính toán, chân tay lại vụng về sẽ làm mợ thêm cực."
Bà Thượng thở phào, mãn nguyện cười "Có học mới có biết, mợ Năm cũng là người lanh lẹ, ra đó lại có con Thanh trợ giúp, nó giỏi giang việc nhà, thế nào cũng sẽ trước sau lo liệu được cho con."
Tử Chi dạ một tiếng rồi lui ra khỏi phòng, xin phép ngủ sớm để sáng còn ra chợ. Hôm sau, cô cùng Yến Thanh lên đường đi ra khỏi nhà lúc trời còn chưa sáng hẳn. Trên đường vừa đi Yến Thanh vừa dẩu môi:
"Em thật không hiểu tại sao mợ của cô cần người thì bà lại phải nhờ cả hai mình cùng đi? Chẳng phải chỉ cần gọi em với một người hầu ở nhà nữa là xong sao? Đâu cần phải mắc công cô."
Tử Chi cười "Cô ngốc của tôi ơi, cô còn chưa hiểu sao? Thầy mạ thấy ta mấy hôm nay không buồn nói chuyện, nên nghĩ cách cho ta ra ngoài chỗ đông người qua lại, vừa giết thời gian, lại vừa thấy cảnh nhộn nhịp mà quên sầu. Nghe mạ nói là ta liền hiểu ý nên không nỡ từ chối."
Yến Thanh gãi đầu cười hì hì "Quả nhiên chỉ có cô là tinh ý."
Tử Chi dịu dàng "Với lại, mợ Năm giao tình với nhà ta lâu năm. Phần là ta nghe lời mạ nhủ, phần cũng vì quý mợ mà đồng ý."
Chốc lát sau cả hai đã ra đến chợ Đường Ngang. Gian của mợ Năm là gian bánh, vừa bước vô cổng chợ đã thấy. Mợ bán đủ các loại bánh nậm, bánh đúc, rồi bột lọc, cả thảy được trải đều trên mâm bên cạnh một bình nước mắm đỏ thắm đầy ớt nhìn ngon mắt lắm. Từ sáng tới chiều, khách ghé mua hàng của mợ là đông nhất khu này, có lúc ba người làm cũng không kịp trở tay. Ngày đầu hai chủ tớ Tử Chi chỉ đứng tính tiền, nhưng hôm sau đã biết gói bánh cho khách, mợ Năm cũng rất ưng ý.
Bẵng đi cũng đã hơn tuần, ngày nào cũng cùng Yến Thanh ra đây khiến Tử Chi xem như đây là nghề của mình, bận rộn tay chân làm lòng cũng thấy phấn chấn ít nhiều. Thực lòng cô bây giờ cũng hết hy vọng liên lạc được với Vĩnh San, thôi thì xem như chuyện đã như an bày, cũng không muốn đòi hỏi gì thêm cho nhẹ nhõm.
Cho đến một buổi trưa nọ, mợ Năm vừa tranh thủ chạy đi mua thêm bột làm bánh, nên chỉ còn mỗi Tử Chi và Yến Thanh coi hàng. Trong lúc cả hai đang cười nói thì một thanh niên đeo đi lại gần, cười hỏi "Dạ mong cô thứ lỗi, xin hỏi cô đây có phải là con gái ông Thượng bộ Học phải không?"
Anh ta đeo kính cận, lại đội nón bê-rê trên đầu, trông rất ra vẻ tri thức nên Tử Chi mới đứng dậy thật thà đáp "Dạ phải, là tôi đây thưa anh, không biết anh tìm tôi có việc chi?"
Anh ta cười "Dạ, bẩm cô, tôi là Huỳnh, tôi vâng mệnh của một người đến để đưa tận tay cô một thứ."
Nói rồi anh chìa tay ra một phong thư màu trắng được dán kín cẩn thận. Trên đó có đề đúng hai dòng:
"Nguyễn-Phúc-Vĩnh-San
Gởi Hồ-Tử-Chi"
Nhìn thấy nét mực đen với nét chữ được viết cẩn thận, trong lòng Tử Chi dâng trào một nỗi niềm vui không tả nỗi. Vuốt phong thư trong sự hạnh phúc, cô xúc động nói nhỏ "Là Hoàng thượng gửi cho tôi, Ngài vẫn còn nhớ đến tôi." rồi nhìn anh Huỳnh "Vậy anh chắc hẳn là quan trong triều đình chăng? Nếu không thì chắc ngài ấy cũng không tin tưởng anh đến vậy, cũng không dễ gì ra vào Đại Nội thường xuyên."
Anh Huỳnh chỉ cười "Không, tôi chỉ là một ký giả, nhưng được ngài ấy đặc chuẩn nên tôi hay vào Nội."
Nói rồi anh nhìn xung quanh, rồi lại cẩn thận nói "Hoàng thượng có nhủ rằng cô cứ yên tâm mà đợi Ngài. Ở đây không tiện nói nhiều, tôi xin được lui trước, hôm khác có thư tôi lại ghé."
Tử Chi vẫn chưa kịp nói thêm gì thì anh vội vàng chạy ra khỏi chợ, mất hút sau đám trúc đằng kia. Vừa lúc đó thì Yến Thanh báo hiệu mợ Năm đang về từ xa, Tử Chi vội nhét thư vào túi, trên mặt cố tỏ ra bình thường như chưa có chuyện gì, lòng ngày hôm đó chỉ mong hàng bán được dọn sớm để mau mau về đến nhà.
Tối đó, Tử Chi cũng xin đi ngủ sớm như thường lệ, nhưng lại không lên giường ngay mà lại chong đèn, lấy trong túi ra bức thư của Vĩnh San rồi đọc. Trong thư ngài bảo rằng lúc nào cũng nhớ thương cô, nhưng vì thân phận trước sau khác biệt mà lòng dù muốn cũng không thể liên lạc với cô bằng cách nào được. Chỉ tới hôm nọ, nhờ anh Huỳnh là thân tín của ngài, tình cờ biết Tử Chi đang bán bánh ngoài chợ Đường Ngang mới ngay lập tức viết ngay một lá thư dài rồi nhờ anh ta gửi giúp.
"Lúc ta viết những dòng này cho em là lúc trời sập tối. Sáng hôm sau, khi ta đưa lá thư này cho Huỳnh, ta mong rằng khanh ấy sẽ nhanh chóng tìm đến em và đưa cho em những lời thương nhớ của trẫm..."
Đọc đi đọc lại chừng trên dưới mười lần, hay bao nhiêu, Tử Chi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết là cô đã thuộc lòng bức thư, cảm giác như mấy ngày qua chờ đợi tưởng chừng như vô vọng đó không phí hoài tâm sức. Không thể chờ thêm được nữa, nôn nóng muốn được tuông trào nỗi lòng cho thỏa bao ngày kiềm nén, Tử Chi liền lấy giấy viết ra, kê đèn gần sát lại rồi bắt đầu nắn nót:
"Kính gởi Ngài Vĩnh-San,..."
Trời giờ đã khuya, trăng cũng đã lên cao, có lẽ ai trong nhà cũng đều đang ngủ, nhưng với lá thư mà mình đang viết, Tử Chi vẫn còn cảm thấy lòng ấm nồng hạnh phúc và không hề cô đơn.
Quả như lời hứa, cứ cách hai hôm thì anh Huỳnh lại ghé, dĩ nhiên là đi kèm với thư tay của Vĩnh San. Nhưng chỉ được đúng hai lần thư tới nữa thì không có thư về nữa. Đã ba, bốn bữa rồi mà vẫn không thấy anh Huỳnh đâu, đến sáng hôm đó, khi cả hai chuẩn bị đi ra chợ thì Yến Thanh mới an ủi Tử Chi:
"Hoàng thượng chắc mắc bận công chuyện trong triều, chưa kịp biên thư nên cô ráng đợi thêm vài bữa nữa coi sao."
Tử Chi cài cái cúc áo cuối cùng rồi rầu rĩ đáp "Chứ ngoài ngồi đợi ta còn biết làm chi nữa? Thôi, lo cái thân mình đi đã, ra trễ là mợ Năm la chết."
Vừa dứt lời thì tiếng con Thương giúp việc cho nhà vang lên ngoài rèm cửa "Cô ơi cô, cô mau ra xem, người trong Nội tới phủ mình cô ơi."
Nghe giọng nó là biết đang thở hổn hểnh, chắc là vừa chạy một mạch từ nhà khách vào đây mà báo tin. So với mấy người hầu khác, Yến Thanh là lớp chị trong nhà, Tử Chi chưa kịp nói gì thì cô bé liền mở rèm chống tay lên hông "Cái con Thương này, ông là quan đầu triều, chuyện người trong Nội tới phủ ta thì có chi lạ đâu mà phải chạy hết hơi vào đây báo cô biết? Mi đi ra đi, lát nữa cô ra chào các cụ sau."
"Dạ không phải đâu thưa cô, chị Thanh ơi." con nhỏ lắc đầu liên tục "người triều đình đến đúng là tìm ông, nhưng mà họ đến là vì cô đó."
Tử Chi nghe vậy liền đi buông cây lược xuống mà ra ngoài, chớp mắt hỏi "Em nói người ta tới là vì ta là có ý chi?"
Con Thương nói gấp "Bẩm, con biết cho con chết, cả ông cũng không biết. Chỉ thấy có đoàn người từ Nội tới nói chuyện với ông mấy câu, xong ông đi vào trong dặn nhỏ với con là cô khoan hãy ra chợ, bảo cô cứ đứng ở trong nhà một chút rồi hẵn đi."
Nửa tin nửa ngờ, Tử Chi cùng Miên Thanh đi nhanh ra đến hành lang bên tả mà dòm, từ đây có thể thấy được toàn bộ nhà khách ở chính giữa. Cả hai dựa người vào cột, Miên Thanh đứng bên cạnh, nép phía sau thở mạnh, hơi thở phả vào lưng Tử Chi khá khó chịu, nhưng cô vẫn không để tâm tới nhiều mà vẫn chăm chú nhìn đoàn người đứng trong nhà khách cùng cha trò chuyện.
Bọn họ ngồi với ông Thượng, không thấy bà Thượng ở đâu. Một chốc sau, bà đi ra, trên tay bê một cái khay có phủ một tấm lụa đỏ, sau đó hai bên cúi đầu tạ lễ nhau rồi ngồi trà nước một chút. Không lâu sau cả hai làm lễ cáo biệt rồi đoàn người cùng lọng che rời khỏi phủ. Tử Chi cũng nép mình sau mấy cây cột, đợi khi cổng phủ vừa đóng lại rồi thì mới chạy lại hỏi chuyện cha mẹ.
Bà Thượng thấy con gái thì liền không nén nổi vui mừng, hồ hởi nói "Hoàng gia vừa lệnh cho quan Khâm sai được lệnh đến đây xin ảnh của con để mang đến cho hai bà Hoàng thái hậu và Hoàng thái phi trong Nội, nếu hai Đức bà vừa ý sẽ chọn ngày lành mời thầy mạ vào cung nói chuyện."
Nói rồi bà liền chắp hai tay nhìn lên bàn thờ "Tạ ơn Trời Phật, tạ cửu huyền thất tổ, cũng nhờ ông bà tổ tiên phù hộ mà con Chi mới được ngày hôm nay."
Tử Chi nghe vậy cũng chỉ biết nhìn cha mẹ mà cười xấu hổ. Niềm vui, mà không, phải gọi là niềm hạnh phúc này lớn không biết bao kể xiết. Vậy là Vĩnh San đã không thất hứa, Ngài vẫn quý trọng tình cảm của cô mà không hề đổi lòng đổi dạ. Tử Chi chợt ngước nhìn ra bầu trời ngoài kia, có lẽ chưa bao giờ cô lại thấy nắng hè lại rực rỡ tươi vui đến như thế.
Tin vui cứ dồn dập mà đến, một tuần sau hôm đó, ông Thượng và bà mệnh phụ được truyền vào trong Đại Nội gặp mặt hai bà Hoàng thái hậu và Hoàng thái phi như bước đầu của tục lệ cưới hỏi triều đình.
Rồi hai ngày sau, kiệu vàng rước từ Nội ra đến nhà Tử Chi, ban phủ ông Thượng một cặp bông tai vàng dáng hoa đăng, kèm thêm vài món trang sức nữa đặt trong khay phủ lụa đỏ, xem như là sính lễ hỏi cưới tiểu thơ Hồ gia cho Hoàng đế đương triều.
Trong triều mấy ngày rày, không ai là không xôn xao chuyện nạp phi cho Hoàng đế. Bá quan từ cao tới thấp khi nghe tin có người thấy ganh tỵ, cũng có người người thực lòng vui cho nhà ông Thượng, nhưng dù có thật, có giả thế nào thì chung quy ai cũng đều cười niềm nở với gia đình của chính cung Hoàng quý phi tương lai. Tin tức tới tai hết thảy mọi người trong Đại Nội thì cũng có nghĩa là ai trong Hoàng tộc cũng phải biết. Sáng sớm hôm đó, Diệp Tâm vừa gài cúc áo cho Bửu Đảo vừa nói:
"Ba, bốn hôm trước cô hai, cô ba có nói chuyện Hoàng thượng hỏi cưới con gái ông Thượng gì đó ở triều. Bữa nay cậu vô Nội thưa chuyện với Ngài, cậu có tính coi cần đem lễ dâng vua là cái chi chưa?"
Bửu Đảo gật đầu, giọng nói có chút mệt mỏi "Có rồi. Hôm qua cha của Luân Nhi có nhờ người đem qua mấy gói trà quý từ ở đâu trên tận Bắc Kỳ. Phù Lan có dặn ta để lại phủ một phần, phần còn lại biểu thằng An phủ khăn lụa để hôm nay đem vô Nội."
Diệp Tâm vừa chỉnh áo cho anh vừa cười "Cũng may thân phụ của cô hai trong phủ mình lại khá giả, dù không phải quan đầu triều nhưng cũng làm Tri phủ, lại hay nhớ tới cậu nên cậu cũng đỡ lo được phần nào."
Bửu Đảo cũng ậm ờ mà không nói gì nhiều, chỉ chờ Diệp Tâm đeo lên ngực mình một miếng ngọc bội xong là anh lệnh cho Phúc An đi gọi xe ngựa kéo để lên đường. Ngồi trên xe mà Bửu Đảo cũng chỉ im lặng, tay nắm chặt vào cái sườn xe kéo mà không chút buông lơi. Một cảm giác bất an khó diễn tả trỗi dậy trong anh từ cái hôm nghe nhận lệnh của Hoàng đế tới giờ, làm anh lúc này giống như ngồi lên đống lửa, khó chịu vô cùng.
Xe ngựa chạy phải hết cả tiếng mới tới được cửa Hiển Nhơn nằm phía đông của Hoàng cung. Mấy lần trước đi tới, lính cán đứng gác ở đó vừa nghe tới Phụng Hóa công là lại hạch sách đủ điều, ngăn cản không cho anh đi vào trong dù bản thân là người trong Hoàng tộc. Không hiểu sao lần này Phúc An vừa xưng danh cho Bửu Đảo thì bọn chúng đã niềm nở đón chào, một tên trong đám lại còn xung phong dẫn hai chủ tớ anh đi vào tới tận điện Quang Minh rồi mới lui. Phúc An lanh trí nhét vào tay tên đó hai hào lẻ, vừa xong thì thị vệ trước cửa điện đã kịp đi vào trong thông báo rồi quay trở ra, nói:
"Bẩm, thỉnh Phụng Hóa công đi với con, Hoàng thượng đang ngự bên trong điện ạ."
Hắn vừa nói vừa vén rém cửa mời Bửu Đảo bước vào trước rồi mới nhanh nhẹn tiến lên dẫn đường. Bên trong dù hơi tối, nhưng vẫn đủ ánh sáng để anh nhìn thấy từng đường nét được chạm khắc hình rồng hình phụng quen thuộc trên mấy cây cột hai bên. Để một lần nữa gặp lại cái khung cảnh vừa lạ vừa quen này, Bửu Đảo cũng đã phải mất tận ba năm, giờ lại bước đi trong không khí trang nghiêm đến nghẹt thở nên anh có hơi chút ớn lạnh.
Cả ba dừng lại trước một gian phòng, tên thị vệ cung kính thưa:
"Dạ bẩm Hoàng thượng, con đã đưa người ở phủ Phụng Hóa tới rồi ạ."
Giọng của Hoàng đế tuy nói nhỏ nhưng anh vẫn nghe được hai chữ rõ ràng "Cho vào."
Tên thị vệ kia đi lui ra ngoài, Bửu Đảo cũng không chần chừ. Anh lấy tay vuốt nhẹ lại áo rồi cùng Phúc An mở rèm rồi bước vào bên trong.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top