Chương 3 - Bửu Đảo


Cập nhật các chương mới nhất tại

 https://nienthailac.wordpress.com/2017/07/16/hau-cung-phuong-hoang-bay-cao-muc-luc/

https://www.facebook.com/haucungphuonghoangbaycao/

_____________________________________________________________


Chương 3

Bửu Đảo


Sau lần đi ra biển hôm ấy, Tử Chi chỉ gặp Vĩnh San thêm một lần nữa khi Ngài bất ngờ đến thăm nhà ông Huyện, rồi sau đó cũng đành từ biệt. Bẵng đi mấy ngày, Tử Chi cũng phải nhận ra rằng chỉ thoáng đó mà cô lại phải về lại Huế trong nuối tiếc. Đúng là "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"(1), vào buổi sáng hôm ấy, cả bầu trời cũng xanh cao như những ngày trước, vậy mà không hiểu sao Tử Chi lại thấy lòng ảm đảm vô cùng.

((1): trích Truyện Kiều, thơ của Nguyễn Du)

Ngay trước nhà ông Huyện, xe rước và đồ đạc đều đã sắp xếp xong xuôi, chỉ còn đợi mọi người chia tay nhau là cả nhà Tử Chi lên đường trở về Hồ phủ. Hôm đó Vĩnh San cũng có mặt. Vì vị thế của ông Thượng trong triều không hề tầm thường, nên khi nghe Hoàng thượng đề nghị ra tiễn thì cũng chẳng ai thấy lạ.

Vĩnh San nhìn ông Thượng dặn dò "Cả nhà khanh đi đường thượng lộ, trẫm ở đây vài ngày nữa rồi mới trở lại Huế, khi về triều chúng ta lại gặp nhau."

Ông Thượng cúi người khiêm tốn "Dạ, thần chỉ mong Hoàng thượng ở lại giữ gìn sức khỏe."

Vĩnh San cười rồi nhìn sang Tử Chi đứng sau lưng cha, lúc này không dám ngẩng cao nhìn thẳng, ngài nói "Mệnh phụ (2) cùng Tử Chi, hai khanh cũng về Huế mạnh giỏi, khi có dịp, nhất định chúng ta sẽ gặp lại."

((2) mệnh phụ: danh xưng của phu nhân các quan lớn trong triều)

Tử Chi không ngăn được mà cười buồn một tiếng. Gặp lại? Lẽ nào Tử Cấm Thành đó lại là nơi để cả hai có thể dễ dàng 'gặp lại' sao? Nghĩ vậy, mắt Tử Chi mới chực ngấn lệ, khó khăn lắm mới ngại ngần thưa:

"Dạ,...con cũng mong được sớm ngày gặp lại Hoàng thượng."

Vĩnh San cũng không nhìn thẳng vào mắt Tử Chi, nghe vậy cũng chỉ gật đầu rồi quay sang chỗ khác vờ như nhắc nhở mọi người mấy lời nữa trước khi lên đường. Tên tài xế ô-tô vừa mới đóng cửa xe lại thì lên tiếng "Bẩm ông, mọi thứ đã chuẩn bị xong"

Ông Thượng gật đầu rồi nói với Tử Chi "Mình đi về thôi con."

Tử Chi dạ một tiếng rồi xoay người theo cha cùng mọi người lên xe. Qua cửa kính, cô luyến tiếc nhìn lần lượt từng người. Rồi khi đưa mắt đến Vĩnh San, chẳng biết chính mình có lầm hay không khi thấy chính Ngài cũng đang nhìn cô bằng đôi mắt đầy ân tình nhưng cũng buồn không kém, khiến cô liền nắm chặt tay mình lại rồi buồn rầu cúi mặt xuống.

Xe bắt đầu chạy, lăn bánh qua vài ngõ phố rồi khuất bóng vào khúc quẹo khác. Vĩnh San vẫn im lặng đứng nhìn khung cảnh vắng lặng, cô liêu. Ngài thở dài một tiếng rồi cũng đi vào xe, tên thị vệ lái xe vừa nghe tiếng cửa đóng lại thì liền thưa:

"Bẩm Hoàng thượng, có Huỳnh ở tờ Nhựt trình(3) Huế đang đợi ở chính điện hành cung."

((3) Nhựt trình: nhật trình, nhật báo)

Vĩnh San gật đầu "Trẫm biết rồi, chúng ta đi ngay đi."

Hành cung Vĩnh Linh được xây dựng cách xa nhà dân, lại gần sát biển, nên tiếng sóng cứ vỗ rì rào ngày đêm làm cho khung cảnh xung quanh đây dù yên tĩnh nhưng cũng không làm cho người ta ngột ngạt như trong Đại Nội. Anh Huỳnh ngồi trên kỷ trong chính điện, chờ được chừng nửa tiếng thì nghe tiếng hô giá lâm của thị vệ, liền đứng dậy cởi mũ bêrê đang đội trên đầu xuống làm lễ vái chào thì Vĩnh San đã lệnh "Không cần vái lễ, ở đây không phải là Đại Nội."

Nói rồi Ngài ngồi lên sập giữa điện, giọng hơi gấp gáp hỏi "Sao? Lại có thêm những thông tin về hội chống đối mẫu quốc(4) tại nước ngoài mà lần trước khanh kể à?"

((4) mẫu quốc: tức gọi nước Pháp thời Pháp thuộc)

Anh Huỳnh đội nón lên, đáp "Dạ thưa, đúng như vậy. Lần trước thần đi dò la tin tức nhưng lại không điều tra được gì. Tuy nhiên, chiều ngày hôm qua thì có một ký giả từ Bình Định đưa tin về tòa soạn rằng, có một nhóm gồm các thành phần yêu nước lấy tên Việt Nam Quang phục hội, mà đứng đầu là một người tên Trần Cao Vân, đang ngày đêm lên kế hoạch khởi nghĩa để lật đổ Pháp quốc, tống bọn Chính quyền Bảo hộ(5) ra khỏi Nam triều để giành quyền kiểm soát chính trị về tay triều đình. Thần nghĩ đây chắc hẳn là một điều chúng ta không thể không để tâm."

((5) Chính quyền Bảo hộ: tên một thể chức chính trị tại Việt Nam thời Pháp thuộc)

Vĩnh San thận trọng suy nghĩ một lát rồi nhẹ lắc đầu "Trẫm cảm thấy chuyện này không mấy khả quan. Bọn Pháp bây giờ tuy không còn thắt chặt liên lạc của trẫm như mấy năm trước nữa, nhưng nếu Nam triều có động tĩnh gì thì bọn chúng sẽ đánh hơi được ngay, chúng ta có mơ mới gặp được họ."

Anh Huỳnh cười nói "Nếu Hoàng thượng tin tưởng thần thì thần sẽ tìm được cách. Hoàng thượng lâu nay vì không có một đường dây liên lạc đáng tin cậy nên không tiếp cận được với các nhà yêu nước là chuyện dễ hiểu. Nhưng bây giờ thì khác, thần là một ký giả bên ngoài Đại Nội. Bọn Pháp chỉ tập trung kiểm soát Nam triều, thì sẽ không còn tâm trí để theo dõi một tên ký giả như thần."

Vĩnh San chau mày nhìn anh Huỳnh hồi lâu rồi chậm rãi nói "Trẫm cũng biết chuyện này khanh có thể giúp trẫm. Chỉ là nếu hai bên liên lạc không cẩn thận, làm đến tai mắt của tên Khâm sứ (5) thì chúng sẽ không tha cho khanh lẫn những người trong hội."

( (5) Khâm sứ: là viên chức người Pháp đại diện cho chính quyền mẫu quốc tại Việt Nam thời Pháp thuộc)

Anh Huỳnh hơi mím chặt môi "Thần rõ thưa Hoàng thượng, nhưng nếu chúng ta không khẩn trương thì chưa biết chừng tên ký giả nhận được tin này hôm qua sẽ làm tuồn mọi thông tin ra ngoài, khi đó rất có thể người đầu tiên hành động sẽ là tay chân của Khâm sứ chứ không phải là chúng ta. Kính mong Hoàng thượng xem xét."

Suy nghĩ thật lâu một lúc rồi Vĩnh mới gật đầu "Thôi được, trẫm sẽ thuận theo ý khanh. Nhiệm vụ của khanh là phải quay về tòa soạn ngay lập tức, tìm mọi cách để bưng bít tin đó không cho chúng lọt ra ngoài tòa soạn. Tốt nhất là khanh phải tìm cách giành hết quyền viết bài thuộc về mình. Nếu cần, khanh cứ việc đá văng tên ký giả kia ra khỏi tòa soạn để tránh phiền phức, Hoàng gia sẽ chi đầy đủ cho tòa soạn. Hiểu chưa?"

Anh Huỳnh quả quyết "Rõ, thưa Hoàng thượng."

"Còn một chuyện nữa." Vĩnh San nói "Sau này chắc chắn chúng ta sẽ gặp mặt nhiều lần, nhưng nếu để một ký giả như khanh ra vào Đại Nội thường xuyên thì khác nào 'lạy ông tôi ở bụi này'? Cho nên từ nay, khanh sẽ mang danh là giảng quan dạy thêm chữ Pháp cho trẫm, khi về Nội trẫm sẽ nói bộ Học chuẩn bị cho khanh."

Anh Huỳnh cười "Hoàng thượng quả thực chu đáo. Nếu không còn chuyện gì nữa thì thần xin phép được về Huế ngay ạ."

Nói rồi anh nhanh chóng đứng dậy mà rời khỏi hành cung. Khi nhìn thấy khách đã đi khuất, một thị vệ đi vào trong, cẩn thận ghé sát tai Vĩnh San thì thầm mấy câu. Nghe xong, Ngài liền ngừng xoa ấn đường, nghi hoặc nhìn hắn:

"Phụng Hóa công? Hắn cầu kiến trẫm mấy ngày nay để làm gì?"

Tên kia đáp "Dạ bẩm, con không biết. Chỉ nghe ông Phụ chính Tôn Thất Hân sáng sớm hôm qua bắt gặp Phụng Hóa công đang đứng trước cửa Hiển Nhơn để chầu được gặp Hoàng thượng, nói cái gì đó mà cầu xin cho hai bà Hoàng phi với Hòa tần của Đồng Khánh đế. Nghe vậy nên ông Phụ chính liền đuổi khéo đi về rồi."

Vĩnh San không nói gì, chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ rồi nhẹ vuốt cằm "Hẳn là hắn đến cũng lại chỉ vì chuyện hoàng mẫu với thân mẫu của mình. Nói ra thì bà Hoàng phi cùng Hòa tần đã ở Tư Lăng ngót nghét cũng gần hai mươi bảy năm rồi."

Tên thị vệ hơi giương mắt lên dò ý "Phụng Hóa công bấy lâu đã có ý xin rước hai bà trên Tư Lăng về phủ phụng dưỡng. Vậy lần này ý của Hoàng thượng là...?"

"Nhưng cả Nam triều đều biết hắn ta là một tên có tư tưởng theo Pháp" Vĩnh San lạnh lùng cắt ngang "Một kẻ như vậy không đáng để quỳ trước mặt trẫm mà cầu xin. Trẫm không can hệ, cũng không muốn gặp hắn."

(Chú thích của tác giả: tuy cuộc chiến của người Pháp và triều đình cùng Việt Nam đang diễn ra vào khoảng thời gian này, nhưng không phải ai cũng muốn chống lại Pháp. Vĩnh San trong đoạn này đang muốn đề cập tới việc Phụng Hóa công là một người có tư tưởng không chống Pháp, mâu thuẫn của ngài dành cho Phụng Hóa công cũng từ đây mà ra.)

Tên kia hơi giật mình, cũng không dám nói gì nhiều, chỉ vội vàng xin lui ra thì chợt Vĩnh San lên tiếng "Khoan đã."

"Dạ Hoàng thượng?"

Vĩnh San hơi nheo mắt nhìn ra hướng biển một chút, rồi lại quay vào lệnh cho tên kia, miệng dường như đang hé một nụ cười "Mi đi ngay về Huế, bảo rằng trẫm sai người truyền tin cho Phụng Hóa công, đúng mười lăm ngày sau vào Nội diện kiến trẫm ở điện Quang Minh. Đi ngay đi, không được chậm trễ."

Tên thị vệ dù vẫn không hiểu gì nhưng cũng vâng dạ rồi lui ra trước, để lại một mình Vĩnh San ngồi trong điện. Không nén được một cái thở dài, Ngài mệt mỏi chống tay vào chồng gối xếp, tiếng sóng vỗ đều đều ngoài kia làm hai mắt Ngài cứ nhíp lại, rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

-o0o-

Trời Huế lúc này đang vào mùa nóng, ngước lên cao không thấy một gợn mây. Trước thềm điện Ngưng Hy ở Tư Lăng có trồng mấy cây sứ trắng, hai ba ngày nay gió nóng cứ lùa đến từng đợt nên lá khô rơi rụng dần xuống đất, làm khung cảnh lại càng âu sầu thê lương.

(Chú thích của tác giả: Tư Lăng chính là lăng của Đồng Khánh đế).

Từ đằng xa có tiếng lốp cốp của guốc gỗ vang trên nền gạch cũ, đó là Bửu Đảo đang cùng người hầu là Phúc An dần tiến lại gần cửa điện. Một tay Phúc An xách bọc trái cây với mấy thang thuốc bắc, tay kia không ngớt lau mồ hôi trên trán, cậu vừa đi vừa nói:

"Thưa cậu, mấy hôm nay mình không lên thăm bà, không biết bà có giận mình hay không?"

Bửu Đảo đăm đăm nhìn phía trước, đáp "Mi chớ có lo. Lần trước lên thăm thấy mạ(6)cũng bớt đau nhiều, nghĩ có lẽ không sao đâu."

((6) mạ: là mẹ, má theo tiếng Huế)

Phúc An nghe vậy cũng chỉ biết gật đầu, xong liếc mắt nhìn về phía cửa điện Ngưng Hy, cậu cao giọng "Cậu, đằng kia có phải là cô cả hay không?"

(Chú thích của tác giả: "cô cả" là một danh xưng của người xưa dành cho nhiều người. Trong trường hợp này, thì Phúc An dành từ cô cả cho Phù Lan ý chỉ Phù Lan là vợ chính, vợ cả của Bửu Đảo.)

Bửu Đảo nhìn theo, thấy một người đang bước xuống mấy bậc tam cấp trước điện, bên hông kẹp một cái rổ. Chân anh bèn đi nhanh hơn một chút, vừa đi tới gần thì Phúc An lên tiếng thưa:

"Dạ, con thưa cô cả."

Bửu Đảo cười nhẹ "Phù Lan, thì ra là em ở đây. Vậy mà ta cứ tưởng em đang cho Vĩnh Thụy ăn."

Phù Lan khi nhìn thấy hai chủ tớ Bửu Đảo thì cũng không mấy bất ngờ, chỉ đưa tay về bên trái, đáp "Dạ, thân mẫu có cho Vĩnh Thụy ăn hồi trưa rồi, bây giờ chắc đang ru nó ngủ. Em thì giờ đang tính ra đây hái mớ lá húng(7) vô để chắt nước uống cho mạ. Mạ từ khuya tới giờ ho quá, uống mấy thang thuốc rồi mà cũng không hết. Em thấy kỳ này mạ đau nặng lắm, không phải cứ uống thuốc là khỏi như trước nữa."

((7) lá húng: hay còn gọi là húng chanh hay tần dày lá, là một loại rau thơm.)

(Chú thích của tác giả: Phù Lan có nhắc đến "thân mẫu"và "mạ", cả hai đều mang ý chỉ "người mẹ. Vậy thì tại sao Bửu Đảo lại có đến hai người mẹ? Trong thời phong kiến ở Việt Nam, một người đàn ông sẽ cưới rất nhiều vợ, và trong đó chỉ có một người vợ chính, hay còn gọi là vợ cả. Vợ cả hay vợ chính sẽ được quy định là mẹ của tất cả những đứa trẻ trong nhà.Với hoàng tộc cũng vậy, vợ chính của Hoàng đế sẽ là mẹ của những Hoàng tử hay công nữ trong cung. Chính vì vậy mà mỗi đứa trẻ khi lớn lên thì đều sẽ có hai người mẹ, một mẹ ruột – gọi bằng mẹ sinh, và một mẹ là vợ cả của cha – gọi là mẹ đích. Qua câu nói này của Phù Lan, chúng ta có thể hiểu là Bửu Đảo lên lăng thăm mẹ ruột của mình, và mẹ đích của anh cũng đang ở trên Tư Lăng).

Bửu Đảo hơi nhíu mày, nói "Sao lạ? Mấy năm nay mạ uống thuốc ta đem lên thấy ưng lắm mà, giờ lại uống hoài mà không hết? Thôi, để ta đi vào xem sao." rồi chỉ vào cái bọc trên tay Phúc An "Trong này có mấy trái quất, tí nữa em nhớ chưng lên cho mạ uống để mau khỏi ho."

((8) quất: trái tắc)

Phù Lan cười "Vậy thì hay quá, trên đây mấy cây quất héo hết rồi." xong khoác tay "Thôi, cậu với thằng An đi vô trong thăm mạ đi. Em cũng vô đó pha trà rồi còn phải đi chưng quất gấp."

Bửu Đảo cũng gật đầu đồng ý. Phúc An nhanh lẹ tiến lên phía cửa điện, nhẹ nhàng vén rèm để cả ba người đi vào. Bên trong chính điện hoàn toàn yên tĩnh, tiếng bước chân vang vọng giữa hàng hàng lớp lớp những cột kèo được sơn son thiếp vàng lộng lẫy cùng mấy mươi tấm tranh vẽ "Nhị thập tứ hiếu" trải dài hai bên.

Cả ba phải đi khoảng vài chục bước thì mới hết được chính điện, ngay bên trái có một cái bậc thềm, ở đó có thể thấy mấy cái buồng nhỏ được ngăn bằng vách cây. Đã tới hậu điện rồi thì không ai còn ngửi được thoang thoảng hương trầm ở đằng trước nữa mà thay vào là đậm mùi thuốc bắc cùng mùi mốc. Phù Lan đi nhanh tới căn buồng ở giữa, nhẹ nhàng kéo rèm qua một bên. Vừa nghe tiếng động thì người đang nằm trên giường đặt giữa buồng chầm chậm trở mình, yếu ớt nói:

"Là Phù Lan đó sao?"

"Dạ, là con đây thưa mạ." Phù Lan nhẹ nhàng lên tiếng, nhanh chân đi đến sửa mền lại cho ngay ngắn.

Bà Hòa tần vẫn đang nhắm, tay vuốt nhẹ lồng ngực, lấy hơi nói "Có lá húng rồi hả con? Con mau cho ả(9) uống đi."

((9) ả: tiếng tự xưng "mẹ" của một người thuộc dòng dõi quý tộc)

"Thưa mạ," Phù Lan vui vẻ lên tiếng, vừa nói vừa để bọc trái cây của Bửu Đảo xuống đất "Bữa nay chồng con có đem lên mấy trái quất, tí nữa con chưng lên cho mạ uống."

Vừa dứt lời thì cô nhìn sang Bửu Đảo, anh biết ý nên liền đi lại gần nắm tay bà Hòa tần, ngồi xuống giường nói "Dạ thưa mạ, con mới tới."

Bà Hòa tần vừa nghe thấy giọng con trai, liền mở to mắt ra nhìn anh, nói "Bửu Đảo con...Mấy bữa nay sao con không lên thăm ả? Ả bây giờ đau nặng lắm rồi, tối ngủ không được tại cứ ho suốt."

Bửu Đảo nhìn hai gò má nhô cao của mẹ, anh như không chịu nổi, chỉ biết vuốt tay của bà "Mạ ráng thêm mấy bữa nữa, con ráng nhờ mấy ông thầy thuốc lên đây chữa cho mạ."

Bà Hòa tần vuốt ngực, thều thào "Con mời cũng mấy lần mà có phải ông nào cũng chịu lên tới cái chỗ này đâu? Mấy lần trước cũng nhờ Trời Phật thương nên mới qua khỏi. Còn hổm rày, ả thấy mình sắp không chịu được nữa rồi. Sức của ả không còn biết cầm cự được bao lâu nữa. Mấy ngày nữa nếu ả có mệnh hệ chi, con nhớ đem cốt của ả mà chôn ở gần Tư Lăng này, đừng để ả cách xa Tiên Vương quá nghe con."

Giọng nói bà nghe đứt quãng, thốt lên được có mấy câu mà cũng gắng lấy hơi lên vai lần. Không chịu được lời bi quan, Bửu Đảo vội trấn an "Mạ xin cứ bình tâm, con mấy nay ngày nào cũng đi vô Nội, cầu kiến Hoàng thượng để đưa mạ về phủ. Khi đó sẽ có thầy tới chữa cho mạ."

Bà Hòa tần ho lên mấy cái rồi lắc nhẹ đầu "Là Hoàng đế bây giờ, hay là Thành Thái đế lúc trước, cha con bọn họ có ai mà để phủ ta vào trong mắt đâu? Hai mươi bảy năm nay ả chịu cực khổ ở trên này cũng quen rồi, con đừng gánh thêm chuyện mà bận lòng."

Bửu Đảo cố chấp quỳ xuống, kiên quyết nói "Mạ từng là phi tần, đi lên đây lo hương khói cho Đức Đồng Khánh cũng là lệnh của triều đình. Chỉ cần triều đình đồng ý rồi thì mạ cùng với thân mẫu sẽ được đưa về phủ thôi. Con không lo cực khổ, mạ phải ráng đợi con nghe mạ."

Bà Hòa tần bật lên một tiếng không rõ là cười hay khóc, chỉ thấy khuôn mặt nhăn lại một cái rồi chậm rãi nói "Đợi sao? Ả đợi cũng mấy chục năm rồi, không đợi được nữa đâu con. Thôi, con cứ để ả nằm ở đây mà dưỡng, người sắp lạnh rồi cũng không thể lao lực quá."

(Chú thích của tác giả: trong truyện đề cập về mối quan hệ của Vĩnh San – Duy Tân đế, Thành Thái đế, Đồng Khánh đế cùng Bửu Đảo – Phụng Hóa công. Tóm gọn lại như sau, Đồng Khánh đế là một vị Hoàng đế có tư tưởng không chống Pháp. Ngài có nhiều người con trai và Hoàng tử Bửu Đảo do bà Hòa tần sinh ra là một trong số đó. Bửu Đảo ngày xưa từng nằm trong số những người có thể kế thừa ngai vua. Tuy nhiên, Đồng Khánh đế đột ngột qua đời, trong khi các Hoàng tử vẫn còn quá nhỏ, nên Thành Thái đế - một thành viên trong hoàng tộc, đã lên ngôi. Tuy nhiên, Thành Thái đế là một người chống Pháp, vì vậy mà ông không thích Bửu Đảo. Sự mâu thuẫn này cũng được truyền đến con trai của ông là Vĩnh San – Duy Tân đế, vì chính Vĩnh San trong truyện cũng là một người có tư tưởng diệt trừ đế quốc Pháp. Chính vì vậy mà Duy Tân không thích Bửu Đảo và những người trong nhà anh.

Một điều nữa, theo lệ triều đình, những phi tần của Hoàng đế đã băng hà sẽ phải lên lăng vua hầu nhang khói trong một khoảng thời gian rồi mới được rời lăng. Tuy nhiên, bà Hòa tần cùng thân mẫu của Bửu Đảo là bà Hoàng phi – chính cung của Đồng Khánh đế đã phải ở trên lăng mấy chục năm. Bửu Đảo đã nhiều lần cầu xin Vĩnh San được rước hai người mẹ của mình về nhưng vẫn không được chấp thuận. Bối cảnh của truyện trong đoạn này diễn ra khi Bửu Đảo – Phụng Hóa công đã không thành công trong việc cầu xin Vĩnh San một lần nữa, anh nghe tin mẹ mình bị bệnh nên phải rời phủ của mình mà lên lăng để thăm và an ủi mẹ.)

Nói rồi bà xoay mặt vào tường, người run nhẹ theo từng tiếng ho yếu ớt. Bửu Đảo nặng nề nhìn mẹ mình hồi lâu, sau đó mới lệnh cho Phúc An ở lại chăm sóc bà Hòa tần. Anh khẽ gọi vợ mình nhẹ nhàng bước ra khỏi buồng rồi đi ra ngoài sân sau của điện.

Phù Lan rầu rĩ kể "Cậu không biết đó chớ, mạ hai tối liền cứ nằm ngủ là mê sảng, nói cái gì mà thấy tiên thấy phật ngay trước mắt, rồi còn liên tục mơ thấy Đức Đồng Khánh đứng bên đầu giường. Nghe mạ kể, em lại càng thấy lo hơn. Người ta nói nếu cứ nhìn thấy cảnh như vậy miết thì có lẽ là..."

Cô không dám nói hết câu thì liền đưa mắt nhìn Bửu Đảo. Anh có chút kinh sợ, sau đó liền thở dài rồi nói "Nói gì thì nói, mạ cũng từng là phi tần, thân mẫu cũng từng là chánh cung trong triều, ta lúc được mạ sanh ra cũng là Hoàng tử. Vậy mà thời thế lộn phèo, Tiên Vương băng hà thì cũng là lúc ngai vàng bị người khác cướp mất. Mạ với thân mẫu bị đưa lên chỗ hẻo lánh này, còn ta thì cũng chỉ là một Phụng Hóa công có tiếng chẳng có miếng. Tới mức bây giờ mạ bị đau đến sắp chết mà cũng ta cũng không giúp được gì. Khỏi cần nói cũng biết, trong đầu mạ chắc nghĩ đứa con trai này là chỉ đồ vô dụng."

Phù Lan hơi hoảng hốt, bèn an ủi "Xin cậu đừng nghĩ nhiều. Mạ với thân mẫu đều biết mấy chục năm nay, cậu ở phủ cũng nhẫn nhịn triều đình đủ thứ. Chỉ là thỉnh thoảng mạ cũng hay tặc lưỡi, than thở tiếc nuối thời vàng son của mình hồi trước, tâm bịnh lại thêm thân thể suy nhược, nên mạ mới đau yếu không khỏi như vậy." ngừng một chút, rồi cô nói tiếp "Hay lần này cậu để cho em thưa chuyện với thầy của em, thầy em là quan đầu triều, nếu đánh tiếng với Hoàng thượng mà cầu xin đưa mạ với thân mẫu về thì chắc sẽ được, hoặc nếu không thì xin triều đình cho ngự y lên đây chữa cho mạ cũng tốt."

Nghe vậy, Bửu Đảo liền trầm giọng "Em cũng biết tánh ý của ta mà, trước nay không muốn vì mình mà liên lụy với người bên nhà thê thiếp. Chuyện của phủ thì cứ để cho ta lo. Ta sẽ ngày nào cũng vào Nội để cầu kiến Hoàng thượng cho tới khi gặp được mới thôi."

Nói rồi anh liền quay mặt đi chỗ khác. Phù Lan cũng chỉ biết im lặng, lát sau mới lựa lời mà lên tiếng "Thôi thì em cũng ráng ở đây thêm mấy hôm nữa coi sao. Bịnh của mạ nếu chăm sóc kỹ lưỡng thì chắc không tới nỗi. Thuốc cũng vẫn còn, cậu ở dưới đó yên tâm lo liệu mọi chuyện là được."

Bửu Đảo thở dài một cái, rồi xoay lại nắm tay vợ "Cũng là nhờ một tay em ở trên này sắp xếp nên mới được như vầy. Chứ còn Luân Nhi với Lập Hạ cũng là con dâu của phủ nhưng lại..."

Anh bỏ ngang câu nói mà chỉ còn biết lắc đầu. Phù Lan đành cười hiền "Hai em còn trẻ, thân thế lại con quan lớn nên không quen làm việc chân tay, hai em đó lo hầu hạ cậu là được. Còn em với con Dương có thể lên đây chăm sóc thay phiên, chuyện trong ngoài ở phủ cứ để Diệp Tâm lo. Con Dương hầu em từ nhỏ, tính tình kỹ lưỡng, còn Diệp Tâm thì dù không được mang tiếng là phủ thiếp(10) nhưng cũng có thể quán xuyến được hết, cho nên cậu cứ yên tâm."

((10) phủ thiếp: vợ lẻ của thân vương Hoàng tộc, vợ chính gọi là Nguyên cơ)

Bửu Đảo nghe vậy bèn tiến lại gần, ôm hai vai Phù Lan mà nói "Thôi thì mọi chuyện đều cậy nhờ hết vào em. Bữa nay em ở lại chăm sóc ả dùm ta thêm một đêm, bây giờ ta đi thăm thân mẫu với Vĩnh Thụy rồi đi về phủ. Ngày mai khi nào con Dương lên đây thay em, ta đi xe lên rước em về."

Phù Lan cười hiền "Dạ, lúc này chắc thân mẫu còn đang chăm Vĩnh Thụy. Lát nữa cậu về phủ cẩn thận."

Bửu Đảo chỉ gật đầu rồi đi xuống mấy bậc thềm, tiến về phía bên hông của Ngưng Hy điện, chằng mấy chốc là anh liền khuất bóng sau hàng sứ trắng đang rụng lá. Phù Lan vẫn còn đứng đó, mắt dõi theo chồng mà lòng cô lại nặng nề chưa từng thấy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top