giải thưởng văn học.12/10/2020 - by Nguyễn Thảo Trang

Tôi muốn nói về các giải thưởng văn học. Đầu tiên, hãy nói về trường hợp cụ thể là Giải Akutagawa Ryunosuke (Giải Akutagawa). Đây là một ví dụ sống động và liên quan đến các chủ đề tương đối trực tiếp nhưng vô cùng tinh tế, vì vậy có một số điều khó nói, nhưng đừng sợ hiểu lầm, có lẽ tốt hơn hết vẫn nên nói một vài câu ở đây. Có thể có vài điểm tương đồng giữa việc bàn về Giải thưởng Akutagawa và bàn về Giải thưởng Văn học nói chung. Mặt khác, nói về giải thưởng văn học có thể tương đương với nói về một khía cạnh của văn học trong bối cảnh hiện đại.

Chuyện xảy ra cách đây không lâu. Trong một cột nội dung của tạp chí văn học nào đó viết về giải thưởng Akutagawa có đoạn: “Giải Akutagawa nhìn chung khá kỳ diệu. Bởi vì có những nhà văn vẫn sẽ gây được tiếng vang ngay cả sau khi thua đợt bình bầu, vì vậy danh tiếng của họ lại càng bay vọt lên giời. Và bởi vì có những nhà văn như Haruki Murakami, người đã lánh mặt khỏi giới văn chương sau khi thua giải, thế nên quyền lực của ông ta ngày càng rõ rệt.” Tác giả của bài báo này là “Soma Yuu”, chắc hẳn là một bút danh.

Tôi thực sự đã lọt vào danh sách nhận Giải thưởng Akutagawa hai lần cách đây khá lâu, khoảng hơn 30 năm trước. Cả hai lần tôi đều không giành được giải, và đúng là tôi cũng đang tương đối xa rời thế giới văn chương để làm việc của riêng mình. Tuy nhiên, tôi giữ khoảng cách với giới văn chương không phải vì tôi chưa giành được (có lẽ nên nói là không thể giành được) giải Akutagawa, mà bởi vì tôi không biết gì về nơi đó mà cũng chẳng có hứng thú. Ngẫu nhiên tìm kiếm mối quan hệ nhân quả giữa hai thứ (chắc là) vốn chẳng liên quan khiến tôi cảm thấy hoang mang.

Nhìn người ta viết vậy, có lẽ ai đó trên thế gian này sẽ ngây thơ tưởng thật: “Ồ, hóa ra Haruki Murakami không giành được giải Akutagawa nên đã tránh xa văn đàn mà đi lăn lộn kiếm ăn với đời rồi ư?” Lơ là một chút là loại tin đồn kiểu này sẽ biến thành dư luận khắp nơi. Tôi đã từng nghĩ rằng sử dụng lập luận và kết luận riêng biệt là nguyên tắc cơ bản để viết một bài báo chứ, không phải à? À vâng, mặc dù tôi vẫn làm mọi thứ y như cũ, nhưng trước thì tôi bị bêu rằng “bị giới văn chương ghẻ lạnh”, còn bây giờ lại bị cho là “xa lánh văn đàn,” có khi ta phải ăn mừng vì chuyện ấy mới phải!

Một trong những lý do khiến tôi sống xa rời giới văn chương là ngay từ đầu tôi đã không có ý định “làm nhà văn.” Tôi là một người bình thường sống một cuộc sống cực kỳ bình thường, một ngày nọ bỗng dưng nổi hứng viết một cuốn tiểu thuyết, và vừa hay cuốn tiểu thuyết đó ngay lập tức giành được giải thưởng dành cho người mới. Vậy giới văn chương là gì, giải thưởng văn học là gì, tôi hầu như không có những kiến ​​thức cơ bản đó.

Với lại lúc đó tôi vẫn còn “công việc chính,” cuộc sống hằng ngày nhìn chung đã đủ bận rộn, giải quyết việc này việc nọ đã đầu tắt mặt tối. Cho dù có ba đầu sáu tay cũng không đủ, tôi không thể lo những chuyện không cần thiết. Sau khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, mặc dù không còn bận rộn như trước nữa, nhưng tôi tự nghĩ mình vẫn nên sinh hoạt điều độ, ngủ sớm dậy sớm, hầu như ngày nào tôi cũng đi tập thể dục, nhờ thế mà buổi tối tôi gần như không còn ra ngoài xã giao. Vì vậy, tôi chưa bao giờ đặt chân đến khu Golden Gai ở Shinjuku. Tôi hoàn toàn không chán ghét giới văn học và khu Golden Gai, chỉ là vô tình trong đời sống thực tôi không có nhu cầu cũng như thời gian rảnh rỗi để kết giao với những giới này hay qua lại chơi bời với họ, vậy thôi.

Tôi không rõ Giải Akutagawa có “ma lực” hay không, cũng chẳng biết nó có “quyền uy” gì. Hơn nữa tôi chưa bao giờ để tâm tới những điều đó. Ai đã giành được giải thưởng này? Ai chưa? Tôi không biết. Trước đây tôi không quan tâm, mà bây giờ càng không. Ngay cả như người phụ trách chuyên mục nói rằng Giải Akutagawa là một điều kỳ diệu, thì ít nhất cái kỳ diệu đó tôi không được hưởng. Chắc cái giải thưởng ấy đi nửa đường thì lạc, nên cuối cùng không lết được đến chỗ tôi.

Tôi có hai tác phẩm được đề cử Giải Akutagawalà Lắng nghe gió hát và Pinball, 1973. Nhưng thành thật mà nói (nếu được thì tôi mong bạn sẽ tin tôi từ đầu đến cuối), vào thời điểm đó, tôi cảm thấy rằng việc đạt giải hay không cũng không thành vấn đề.

Khi Lắng nghe gió hát giành được giải thưởng dành cho người mới của tạp chí văn học Gunzo, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc từ tận đáy lòng. Tôi có thể hướng ra thế giới và khẳng định rằng đó là một sự kiện đánh dấu kỷ nguyên mới trong đời tôi, bởi giải thưởng này là tấm vé thông hành để tôi trở thành một nhà văn. Tình hình sẽ rất khác nếu không có tấm vé; vì cánh cửa trước mặt đột nhiên mở ra, tôi nghĩ chỉ cần có một tấm vé như vậy thì mọi chuyện sẽ suôn sẻ. Còn về phần giải Akutagawa thế nào, tôi hoàn toàn không có thời gian để mà suy nghĩ.

Còn một điểm nữa là tôi chưa hài lòng với hai tác phẩm đầu tiên. Khi viết những tác phẩm này, tôi cảm thấy rằng sức viết nguyên bản của tôi chỉ phát huy được 20-30%. Dù gì thì đây cũng là lần viết văn đầu đời nên tôi chưa hiểu rõ kỹ thuật cơ bản để viết tiểu thuyết sao cho hay. Giờ nghĩ lại, “chỉ phát huy được 20-30% sức viết” ở một mức độ nào đó chưa chắc đã không phải điểm sáng. Tuy nhiên, từ góc độ của một tác giả, chất lượng tác phẩm vẫn có không ít chỗ khiến tôi chưa hài lòng.

Cho nên, vé vào cửa thì không sao, nhưng với trình độ như vậy mà đạt được giải Akutagawa sau giải thưởng tân binh của tạp chí Gunzo thì e sẽ là gánh nặng quá mức. Ở giai đoạn này mà tôi được đánh giá cao như vậy lẽ nào không phải là vượt quá tầm với sao? Nói nôm na dễ hiểu thì là: “Hả, đến cái thể loại này mà cũng được giải à?”

Nếu dành nhiều thời gian hơn, bạn chắc chắn sẽ viết được những thứ hay hơn—tôi đã ấp ủ suy tư như vậy trong lòng. Là một người cách đây không lâu chưa từng nghĩ đến việc viết tiểu thuyết, ý tưởng này có thể khá ngạo mạn. Ngay đến bản thân tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng nếu tôi được thẳng thắn nêu lên ý kiến ​​cá nhân thì: kẻ đến cả chút kiêu ngạo này cũng không có thì đừng nghĩ đến việc trở thành một tiểu thuyết gia làm gì.

Lắng nghe gió hát và Pinball, 1973 đều được giới truyền thông lăng-xê là “những ứng cử viên nặng ký nhất” cho Giải Akutagawa. Mọi người xung quanh dường như đều mong đợi tôi đạt giải. Tuy nhiên, vì những lý do nói trên, bỏ lỡ Giải Akutagawa trái lại còn khiến tôi thở phào nhẹ nhõm và đồng thời hiểu được cảm xúc của những vị giám khảo đã chấm rớt tôi: “Chà, chắc là như vậy.” Ít ra thì tôi không hề oán hận, và cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc so bì với những tác phẩm được đề cử khác.

Vào thời điểm đó, tôi kinh doanh một quán bar nhạc jazz nhỏ ở Tokyo, hầu như ngày nào cũng phải đến quán. Giả như tôi đạt giải và thu hút sự chú ý của mọi người, thì sợ rằng xung quanh sẽ một phen náo động và rước thêm phiền hà. Đây cũng là một dạng tâm bệnh. Xét cho cùng, tôi đang làm trong ngành dịch vụ; dẫu vốn không muốn gặp nhưng là khách hàng thì ta không thể không tiếp. Nói vậy thôi chứ vẫn có vài bận thực sự chịu không nổi nên tôi đều lấy cớ lảng đi.

Tôi nhớ rằng sau hai lần được đề cử và trượt cả hai, các biên tập viên xung quanh đều nói với tôi rằng: “Lần này xem như anh Murakami đã công đức viên mãn rồi, chắc từ giờ sẽ không bị đề cử nữa đâu.” Tôi trộm nghĩ trong lòng: “Công đức viên mãn? Từ này nghe hơi kỳ quặc nhỉ.” Giải Akutagawa về cơ bản là giải thưởng dành cho người mới, sau một khoảng thời gian nhất định ứng viên sẽ bị loại khỏi danh sách đề cử. Theo một chuyên mục trên tạp chí văn học, có nhà văn đã được đề cử đến sáu lần, mà tôi mới hai lần đã thành “công đức viên mãn” rồi. Vì sao lại thế? Tôi không biết rõ hết ngọn nguồn, nhưng tóm lại là vào thời điểm đó, giới văn học nghệ thuật dường như đã đồng thuận rằng, “Với Murakami thế là đủ rồi,” chắc hẳn theo quy ước xưa nay.

Tuy nhiên, dù là “công đức viên mãn,” tôi cũng không cảm thấy đặc biệt thất vọng, ngược lại  còn thấy thoải mái hơn, cảm giác an tâm hơn hẳn: tôi không còn phải nghĩ về Giải Akutagawa nữa. Giành được hay không giành được giải không quan trọng, bản thân tôi thực sự không quan tâm; nhưng tôi nhớ rằng mỗi lần mình nhận được đề cử, khi cuộc bình bầu đến gần, những người xung quanh sẽ đứng ngồi không yên một cách khó hiểu và không khí có hơi buồn bực. Có một cảm giác mong đợi kỳ lạ xen lẫn chút lo lắng. Vừa được đề cử, lại bị giới truyền thông lôi xa mổ xẻ, phản hồi quá lớn khó tránh dẫn đến phản cảm, thế là phiền lại thêm phiền. Chỉ mới hai lần mà tôi đã đủ chán nản, nếu tình trạng này cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác… tưởng tượng thôi tôi đã thấy nặng nề.

Khổ nhất là khi mọi người an ủi. Cứ trượt giải là bao nhiêu người đến gặp tôi và nói: “Lần này tiếc quá nhỉ. Nhưng chắc chắn lần sau anh sẽ thắng đấy. Tác phẩm tiếp theo anh hãy viết hay vào nhé!” Trong thâm tâm tôi hiểu người nói (ít nhất trong hầu hết các dịp) đều có ý tốt, nhưng mỗi lần ai đó nói vậy, tôi vừa bối rối vừa không biết đáp lại thế nào, chỉ biết lúng búng “À à, ờ ờ…” rồi tắc tị. Dù tôi có nói “Không đoạt giải cũng không sao” thì e rằng không ai chịu tin mà còn gây ngượng ngùng.

Đài NHK (ĐHT Quốc Gia Nhật Bản) cũng rất dở hơi, vẫn đang trong giai đoạn đề cử đã vội gọi điện cho tôi để mời: “Chờ ngài nhận được Giải thưởng Akutagawa xong, sáng hôm sau mời ngài đến tham gia chương trình truyền hình buổi sáng nhé.” Công việc thì nhiều mà cũng không muốn lên TV (vì bản chất tôi không thích lộ mặt) nên tôi trả lời: “Không, tôi không đi.” Nhưng họ đã không chịu nhượng bộ lại còn đổ lỗi cho tôi vì đã không lên truyền hình và giận tôi. Những chuyện như thế này thường xảy ra mỗi khi tôi được đề cử, khó chịu vô cùng.

Tôi thường thắc mắc tại sao thế giới chỉ quan tâm đến Giải Akutagawa. Cách đây không lâu, tôi bước vào một hiệu sách và phát hiện ở đó trưng đầy những cuốn sách với tựa đề kiểu như “Tại sao Haruki Murakami không giành được Giải Akutagawa?” Tôi chưa đọc qua, không biết nội dung trong đó như thế nào—chắc tôi tự thấy xấu hổ khi mua chúng chăng? Tuy nhiên, bản thân việc xuất bản loại sách này lại gây nghi ngờ: “Hình như có cảm giác hơi ngớ ngẩn.”

Không phải sao? Kể cả khi ấy tôi có giành được Giải Akutagawa đi chăng nữa, tôi cũng không thể tưởng tượng ra được vì sự kiện đó vận mệnh thế giới sẽ thay đổi thế nào hay cuộc sống của tôi sẽ khác biệt ra sao. Thế giới bây giờ có lẽ vẫn theo quy tắc cũ, còn tôi hơn 30 năm nay vẫn thế thôi (khả năng có chút sai số), đến giờ vẫn viết theo cùng một tiết tấu. Bất kể tôi có đạt giải Akutagawa hay không, tiểu thuyết tôi viết e rằng vẫn sẽ được cùng một nhóm độc giả vui vẻ tiếp nhận, và vẫn sẽ khiến cùng một nhóm người lo lắng bất an. (Khiến nhiều người lo lắng bất an có vẻ không liên quan gì đến giải thưởng văn học mà do năng khiếu thiên bẩm của tôi).

Giả sử khi tôi đạt giải Akutagawa thì chiến tranh Iraq sẽ không nổ ra—nếu đúng như vậy, tôi tự nhiên sẽ cảm thấy có trách nhiệm, nhưng làm gì có chuyện ấy. Đã thế thì mắc gì phải đặc cách làm một cuốn sách về chuyện tôi không đạt giải Akutagawa? Thành thật mà nói, đây chính là điểm làm tôi oải. Cái việc tôi không nhận được Giải Akutagawa chẳng qua chỉ là bão trong tách trà… mà đã bao giờ là bão đâu, đến tí teo gió lốc còn chưa tới, tóm lại không hề đáng kể.

Tôi có thể gặp rắc rối khi nói điều này: Giải Akutagawa chỉ đơn giản là một giải thưởng do Nhà xuất bản Văn học Nghệ thuật Xuân Thu (Bungei Shunjuu) bình chọn. Văn nghệ Xuân Thu coi đó là một hoạt động thương mại—cho dù không nói ra chắc nịch như vậy, nhưng nếu bảo hoàn toàn không có hoạt động thương mại nào cả thì chính là nói láo.

Tóm lại, với tư cách là người viết tiểu thuyết lâu năm, nếu tôi được phép nói thẳng dựa trên cảm xúc thật của mình, thì trong số những tác phẩm của các nhà văn mới viết mà có thể khiến độc giả thật sự ấn tượng khó phai chắc năm năm mới có một lần. Ngay cả khi hạ chuẩn xuống một chút thì cũng phải hai ba năm mới thấy. Thế nên giờ cứ một năm hai lần lại phải bình chọn thì rõ ràng khó tránh khỏi cảm giác vàng thau lẫn lộn. Tất nhiên, kể cả thế cũng không sao (giải thưởng ít hay nhiều đều là một dạng khích lệ hay một dạng nghi thức chúc mừng, nên nới lỏng các tiêu chí xét duyệt không hẳn là xấu), nhưng khách quan mà nói, tôi không thể không nghĩ: Mức tiêu chuẩn này e là chưa đủ để lần nào truyền thông báo chí cũng tung tin rầm rộ rồi biến thành sự kiện xã hội ồn ào. Sự mất cân bằng này hẳn có chút kỳ dị.

Nhưng nói vậy chắc hẳn có người sẽ nghĩ: Không chỉ giải Akutagawa, tất cả các giải thưởng văn học trên thế giới kỳ thực “có bao nhiêu giá trị thực chất”? Thế này thì thảo luận tiếp thế nào được nữa. Không đúng ư? Gọi tên một giải thưởng bất kỳ, từ giải Oscar của Viện Hàn lâm cho đến giải Nobel Văn học, ngoại trừ những giải thưởng đặc biệt có tiêu chí đánh giá được giới hạn ở giá trị số lượng, thì bằng chứng khách quan về giá trị căn bản không hề tồn tại. Nếu muốn vạch lá tìm sâu thì khuyết điểm bao nhiêu cũng soi ra được; nếu muốn trân trọng đối đãi, nâng niu thế nào cũng chẳng quá đà.

Raymond Chandler đã viết về giải Nobel Văn học trong một bức thư: “Tôi có muốn trở thành nhà văn vĩ đại không? Tôi có muốn thắng giải Nobel Văn học không? Không, nếu việc đó ngốn quá nhiều công sức. Thế quái nào họ lại trao giải Nobel cho quá nhiều nhà văn hạng hai nên tôi chả còn hào hứng gì nữa. Chưa kể là tôi phải đến Thuỵ Điển và ăn vận chỉnh tề và diễn thuyết. Giải Nobel Văn học có đáng bỏ ra từng ấy công sức không? Bà nó, không!”

Nhà văn Mỹ Nelson Algren (với các kiệt tác The Man with the Golden Arm và A Walk on the Wild Side) đã được Kurt Vonnegut đặc biệt đề cử vào năm 1974 và giành được giải Thành tựu của Viện Hàn lâm Văn học Và Nghệ thuật Hoa Kỳ, nhưng vì mải say sưa chè chén với gái trong quán bar nên ông đã bỏ lỡ lễ trao giải. Tất nhiên là ông ta cố tình. Khi được hỏi về huân chương, ông ta trả lời: “Cái này ấy mà… Hình như bị tôi quẳng đi rồi.” Chi tiết này đã được ghi lại trong cuốn Tự truyện Studs Terkel.

Tất nhiên, hai cá nhân này có thể là những ngoại lệ cực đoan, bởi vì họ một mình một kiểu và kiên định với tinh thần nổi loạn suốt cuộc đời. Tuy nhiên điều mà hai người cùng cảm nhận được, hay nói cách khác muốn bày tỏ với một thái độ rõ ràng, có lẽ là, “Với một nhà văn thực thụ, còn nhiều điều quan trọng hơn giải thưởng văn học.” Một trong số đó là cái cảm giác mình đã tạo ra điều gì đó có ý nghĩa, và rằng độc giả—bất luận bao nhiêu người—có thể đánh giá đúng ý nghĩa ấy. Chỉ cần có hai cảm xúc chân thật này thì đối với người viết, có hay không có giải thưởng đều vô nghĩa. Xét cho cùng, cái của này chẳng qua chỉ là một hình thức phê chuẩn của xã hội hoặc giới văn học mà thôi.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể chối cãi là trên đời nhiều khi người ta chỉ chú trọng đến những thứ có hình thái cụ thể. Bản chất của một tác phẩm văn học dù gì cũng là phi vật thể, nên một khi được trao tặng giải thưởng hoặc huân chương, nó sẽ được cụ thể hoá. Khi đó, mọi người trở nên hứng thú với “hình thái” này. Tôi e rằng chính cái chủ nghĩa hình thức vốn không hề liên quan tí nào đến tính văn học này, cùng với “nhãn quan bề trên” của ban ngành có thẩm quyền hàm ý “Giải trao cho mấy người này, đến mà nhận mau” đã khiến Chandler và Algren lo ngại.

Bất cứ khi nào được phỏng vấn, tôi lại được hỏi về các chủ đề liên quan đến giải thưởng (dù ở trong nước hay ở nước ngoài, không hiểu sao cứ nhè tôi mà hỏi). Tôi luôn trả lời: “Quan trọng nhất là có độc giả tốt. Dù là giải thưởng văn học, huân chương hay bình luận tán dương nào đi nữa thì cũng không bằng độc giả bỏ tiền túi ra mua sách của tôi.” Tôi trả lời đi trả lời lại không biết bao nhiêu lần đến mức phát ngán nhưng hầu như không ai thực sự tin lời tôi nói. Đa số trường hợp đều bị bỏ qua không thương tiếc.

Nghĩ kỹ ra thì đây quả thực là một câu trả lời vừa thực tế vừa nhàm chán vô vị, nghe giống như một “phát ngôn chính thức” lịch sự. Bản thân tôi cũng thường nghĩ như vậy. Chí ít thì đó không phải là kiểu trả lời khiến những người làm truyền thông cảm thấy thích thú. Nhưng có nhàm chán vô vị đến đâu thì với tôi vẫn là lời ngay ý thẳng, nên cũng chẳng còn cách nào khác. Hỏi bao nhiêu lần nữa tôi cũng chỉ trả lời một câu đó thôi. Khi một độc giả trả một nghìn hoặc vài trăm yên, thậm chí vài nghìn yên để mua một cuốn sách, anh ta không bao giờ có động cơ nào khác, (có thể) chỉ có một suy nghĩ thẳng thắn: “Tôi muốn đọc cuốn sách này!” hay nói cách khác là ôm lấy một tia hy vọng. Những độc giả như vậy khiến tôi cảm thấy trân quý từ tận đáy lòng. So sánh ư—thôi, e là cũng chẳng cần so sánh cụ thể.

Không cần phải nhấn mạnh lại câu nói này: Thứ tồn tại mãi mãi là tác phẩm chứ không phải giải thưởng. Tôi e rằng số người còn nhớ những tác phẩm đoạt giải Akutagawa cách đây hai năm, hay những tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học ba năm trước không nhiều. Bạn nhớ không? Nếu một tác phẩm thực sự hay, trải qua bao nhiêu sóng gió người ta vẫn mãi khắc ghi trong trí nhớ. Còn về việc Ernest Hemingway có thắng giải Nobel Văn học hay không (ông ấy thắng rồi), Jorge Luis Borges giành được hay không giành được giải Nobel Văn học (ông này cũng giành được nốt), rốt cuộc có ai bận tâm? Mặc dù giải thưởng văn học có thể làm rạng danh một tác phẩm, nhưng nó không thể thổi sức sống vào tác phẩm ấy. Điều này chắc không cần phải nói rõ từng cái một đâu nhỉ.

Tôi có bị lỗ vì không giành được Giải thưởng Akutagawa không? Tôi đã từng suy xét qua, nhưng đến một ví dụ cỏn con tôi cũng không nghĩ ra được. Thế thì tôi đã bao giờ được hưởng lợi ích chưa? Chà, dường như chưa từng có trường hợp nào được hưởng lợi ích vì không được giải Akutagawa cả.

Chỉ có một điều tôi hơi hơi hài lòng là danh hiệu “Nhà văn đạt giải Akutagawa” không được ghi chú bên cạnh tên tôi. Suy cho cùng chỉ là ảo mộng—chỉ cần đặt những danh hiệu như vậy bên cạnh tên của chính mình sẽ khiến người ta có cảm giác như đang ám chỉ rằng “Lão này chỉ dùng hào quang của giải Akutagawa để có được ngày hôm nay,” ít nhiều sẽ có phần khó chịu. Bây giờ tôi không có bất kỳ danh hiệu tử tế nào, vì vậy tôi không cần phải tiết chế, cũng không bị ràng buộc. Tôi chỉ là Haruki Murakami (mà thôi). Chuyện này không phải là xấu. Ít nhất đối với tôi, nó không tệ đến vậy.

Tuy nhiên, không phải vì tôi chán ghét giải Akutagawa (như đã nói, tôi thậm chí không nghĩ về nó), mà vì tôi có chút tự hào khi được viết với “tư cách cá nhân” này cho đến tận bây giờ. Có thể đây không phải là việc đao to búa lớn gì, nhưng đối với tôi nó vô cùng quan trọng.

Đây có thể là một phỏng đoán sơ bộ, tôi ước tính những độc giả quen đọc sách văn học không rời tay chiếm khoảng 5% dân số. Đây là 5% độc giả cốt lõi. Thời gian gần đây, người ta hay nói về cái gọi là “từ bỏ sách giấy,” “rời xa sách in,” tôi nghĩ điều này cũng đúng ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, ngay cả khi 5% dân số này bị ép buộc “không được đọc sách” thì có lẽ họ vẫn sẽ tiếp tục đọc bằng hình thức khác thôi. Cho dù không giống như mô tả trong tiểu thuyết 451 độ F của Ray Bradbury, mọi người đều trốn trong rừng sâu để thoát khỏi đàn áp, họ ở cùng một chỗ, đọc thuộc lòng cho người khác nghe… thì có thể những người kia vẫn bí mật trốn ở đâu đó và tiếp tục đọc sách. Không cần phải nói, tôi cũng chính là một trong số họ.

Một khi bạn đã hình thành thói quen đọc sách—chủ yếu từ khi còn trẻ—thì rất khó để từ bỏ việc đọc một cách dễ dàng. Cho dù bạn có sẵn YouTube hay trò chơi điện tử 3D, miễn là có thời gian rảnh (hoặc thậm chí chẳng có thời gian), bạn vẫn sẽ đọc sách. Hơn nữa, chỉ cần trong số hai mươi người trên thế giới này có một người như vậy, tôi sẽ không quá nghi ngại về tương lai của sách và tiểu thuyết. Về phần sách điện tử, hiện tại tôi cũng không đặc biệt lo lắng. Sách báo cũng được, tranh ảnh cũng được (hoặc truyền miệng như 451 độ F cũng được nốt), hình thức thế nào không quan trọng, chỉ cần người thích sách đọc được sách là đủ rồi.

Điều duy nhất khiến tôi lo lắng là “Tôi có thể cung cấp tác phẩm gì cho những người này.” Mọi thứ khác rốt cuộc chỉ là hiện tượng ngoài lề. Bạn biết đấy, 5% tổng dân số Nhật Bản là khoảng sáu triệu người. Có hẳn một thị trường rộng lớn như vậy, nhà văn chẳng lẽ không kiếm nổi bát cơm? Không chỉ giới hạn ở Nhật Bản, nếu nhìn ra thế giới, số lượng độc giả tất nhiên sẽ tăng lên.

Chỉ là nếu nói đến 95% dân số còn lại, cơ hội tiếp xúc văn học trong cuộc sống hằng ngày của những người này nhìn chung không nhiều, và trong tương lai có lẽ còn ít nữa. Hiện tượng được gọi là “rời xa sách giấy” này có khả năng ngày càng gia tăng. Kể cả thế, có lẽ hiện tại (đây cũng chỉ là phỏng đoán sơ bộ) có ít nhất một nửa số người quan tâm đến các hiện tượng văn hóa xã hội hay giải trí trí tuệ và muốn mở sách bất cứ khi nào có dịp. Cần phải nói rằng, đó chính là lượng khán giả tiềm năng của văn học, là “lá phiếu nổi” theo cách nói bầu cử. Do đó, cần thiết lập những cửa sổ chuyên môn cho những người như vậy, hoặc những thứ tương tự như là phòng trưng bày. Và (cho đến tận bây giờ) chính Giải Akutagawa đã đóng vai trò như một cửa sổ hoặc phòng trưng bày. Nói như rượu vang thì nó giống một loại rượu Beaujolais mới, nói như âm nhạc thì giống một buổi hòa nhạc mừng năm mới ở Vienna, nói như marathon thì lại giống cuộc thi ở Hakone. Tất nhiên là có cả giải Nobel Văn học. Nhưng một khi chủ đề được mở rộng tới giải Nobel Văn học, mọi việc sẽ rắc rối hơn chút.

Từ khi chào đời, tôi chưa bao giờ là thành viên ban giám khảo của một giải thưởng văn học. Không phải tôi chưa bao giờ được mời mà lần nào tôi cũng từ chối: “Thật lòng xin lỗi, tôi làm không được.” Vì tôi cảm thấy mình không đủ tư cách để làm thành viên ban giám khảo một giải văn học.

Nếu hỏi tại sao thì lý do rất đơn giản, vì tôi là một người quá cá nhân. Con người tôi có những quan điểm riêng, cũng như quá trình cố hữu để hình thành những quan điểm đó. Để duy trì quá trình này, nhìn từ góc độ lối sống, có những thứ bắt buộc phải cá nhân một chút. Nếu không như thế, rất khó viết ra mọi thứ một cách trôi chảy.

Tuy nhiên, đây chỉ là thang điểm của riêng tôi, mặc dù nó phù hợp với tôi nhưng tôi không nghĩ nó có thể áp dụng cho người khác. Tôi tuyệt đối không muốn “ngoại trừ phương pháp của mình, những thứ khác vứt đi hết” (tất nhiên có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trên đời này, và tôi vẫn luôn tôn trọng tất cả), nhưng cũng có những cách “không hợp với tôi” hoặc “đơn giản không hiểu nổi.” Tóm lại, tôi chỉ có thể quan sát và đánh giá mọi thứ theo hệ quy chiếu của chính mình. Nói một cách tích cực thì đó là chủ nghĩa cá nhân, còn nói cách khác là tự cao tự đại. Vì vậy, khi tôi hy sinh hệ quy chiếu và thang điểm tự phê này, lấy nó làm cơ sở để đánh giá tác phẩm của người khác, thì người bị đánh giá có thể sẽ không chấp nhận được. Nếu là một nhà văn có địa vị đã ổn định ở một mức độ nhất định thì không sao, nhưng nếu chỉ là một nhà văn mới ra mắt chưa lâu mà vận mệnh của họ lại bị thế giới quan thiên lệch của tôi kiểm soát, thì chuyện này quá đáng sợ, tôi làm không được.

Nói thế nhỡ có người tố cáo rằng thái độ này đồng nghĩa với việc từ bỏ trách nhiệm xã hội của nhà văn thì sao? Chà, có lẽ câu này trúng tim đen rồi. Đối với bản thân tôi, thông qua cửa thông hành “Giải tân binh của tạp chí Gunzo,” tôi đã nhận được vé vào cửa và bắt đầu sự nghiệp nhà văn của mình. Nếu không giành được giải thưởng này, khả năng cao là tôi sẽ không thành tiểu thuyết gia. Có khi tôi đã nghĩ “Thôi thôi bỏ đi,” từ nay về sau không bao giờ viết tiểu thuyết nữa. Như vậy, chẳng phải là tôi cũng nên có nghĩa vụ bồi dưỡng tương tự cho thế hệ trẻ hay sao? Ngay cả khi thế giới quan có phần thiên lệch, không phải là cũng nên cố gắng trau dồi tính khách quan tối thiểu, “Bây giờ đã đến lúc anh nên trao vé thông hành cho lớp trẻ rồi” và trao cơ hội cho họ? Điều này cũng có lý. Có lẽ nên đổ lỗi hết cho sự cẩu thả của tôi vì tôi chưa đủ nỗ lực.

Tuy nhiên, tôi cũng xin các bạn hãy nghĩ xem, nghĩa vụ quan trọng nhất của một nhà văn là phải liên tục viết ra những tác phẩm chất lượng hơn cho độc giả. Tôi cũng có thể được coi là một nhà văn tích cực, hay nói cách khác là một “nhà văn đang tiến lên.” Tôi đang làm gì lúc này? Tôi nên làm gì trong tương lai? Về những điều này, tôi là một người còn đang mò mẫm và không màng máu thịt xông pha trên chiến trường văn học. Sau bao lần thừa sống thiếu chết, tôi vẫn can đảm tiến về phía trước, đây là nhiệm vụ mà tôi được giao. Việc kiểm tra, đánh giá tác phẩm của người khác với góc nhìn khách quan và nhận trách nhiệm giới thiệu hay loại bỏ chúng không phải là công việc hiện tại của tôi. Nếu tôi làm nó nghiêm túc—tất nhiên, vì đã nhận rồi thì chỉ có thể làm nghiêm túc thôi—chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian và sức lực, đồng nghĩa với việc tôi sẽ bị tước đi thời gian làm việc của mình. Thành thật mà nói, tôi không có sự dư thừa đó. Chắc ai đó có thể vẹn cả đôi đường, nhưng nội công chuyện của mình mỗi ngày thôi đã đủ để tôi rối tung lên cả rồi.

Đây không phải là kiểu tư duy ích kỷ sao? Tất nhiên, khá ích kỷ. Tôi không phản bác được gì, và tôi sẵn sàng chấp nhận mọi chỉ trích.

Mặt khác, tôi cũng chưa bao giờ nghe chuyện các nhà xuất bản loay hoay tìm giám khảo cho các giải thưởng văn học. Ít ra thì tôi chưa bao giờ thấy giải văn học bị buộc phải bãi bỏ do thiếu giám khảo. Không chỉ vậy, các giải thưởng văn học của thế giới dường như không ngừng tăng lên. Tôi thậm chí nghĩ rằng ở Nhật Bản, dường như ngày nào cũng có giải thưởng văn học trao cho ai đó. Vì vậy, dù tôi không trở thành giám khảo thì xem ra cũng không dẫn đến việc giảm phát “vé thông hành” và gây ra bức xúc cho xã hội.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa. Giả sử tôi phê bình tác phẩm của ai đó (tác phẩm được đề cử), và kết quả là người ta vặn lại: “Vậy còn tác phẩm của chính ông thì sao? Ông có đủ tư cách để nói những lời như vậy mà không biết xấu hổ à?” Tôi sẽ im tịt, bởi vì người ta nói có lý thật mà. Nếu được, tôi hy vọng sẽ không gặp phải những tình huống xấu hổ như vậy.

Mặc dù vậy (tôi muốn nói rõ trước), tôi không hề có ý kiến gì về những cây bút tích cực làm giám khảo cho các giải thưởng văn học (mọi người đều bình đẳng mà). Chắc chắn vẫn có nhiều người có thể theo đuổi mục tiêu sáng tác của họ một cách nghiêm khắc, trong khi vẫn đánh giá các tác phẩm của người mới theo lối khách quan. Những người này có thể bật tắt qua lại công tắc trong đầu một cách khéo léo. Hơn nữa, quả thật cần có người đảm nhận vai trò này. Tôi cảm thấy rất kính trọng và biết ơn những người như vậy, nhưng thật không may, cá nhân tôi lại không thể làm được công việc này. Bởi tôi nghĩ phải mất rất nhiều thời gian để nhận định các vấn đề, và tôi thường mắc sai lầm trong khi nhận định sau khi đã tiêu tốn quá nhiều thời gian.

Về giải thưởng văn học, dù là giải thưởng gì, trước giờ tôi cũng chưa từng nói quá nhiều về chúng. Bởi vì trong hầu hết các trường hợp, việc đạt giải về cơ bản không liên quan đến nội dung, nhưng nó lại là một chủ đề rất sôi nổi trong xã hội. Như tôi đã nói lúc đầu, tôi đọc được một bài báo ngắn về Giải Akutagawa trên một tạp chí văn học, và tôi chợt nghĩ rằng đã đến lúc bàn luận về các giải thưởng văn học như một chủ đề đương nhiên. Nếu không làm điều này, tôi có thể bị hiểu lầm, và nếu tôi không chịu giải thích và đính chính một chút, thì những hiểu lầm này sẽ biến thành “định kiến sâu sắc” và trở thành kết luận.

Nhưng thật ra không dễ để nói về những điều này (Ầy, bạn có thấy lươn lẹo quá không?). Bạn càng nói sự thật, lại càng giống như đang ba hoa dối trá, hoặc còn có vẻ độc đoán hung hăng nữa kia. Nói không chừng lại bị dội ngược trở lại. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng đó là cách tốt nhất để khẳng định sự thật. Trên đời này nhất định phải có người nào đó có thể hiểu hết những gì tôi muốn bày tỏ.

Ở đây, điều tôi muốn nói là “trình độ cá nhân” quan trọng hơn bất cứ điều gì đối với người viết. Xét cho cùng, giải thưởng chỉ nên đảm nhận sứ mệnh hỗ trợ khía cạnh này một phần. Nó không phải là kết quả đúc kết từ quá trình sáng tác trong nhiều năm của tác giả, cũng không phải là một phần thưởng, và chắc chắn càng không phải là kết luận. Nếu một giải thưởng có thể củng cố tư cách này dưới hình thức nào đó, thì đó là một “giải thưởng tốt” cho nhà văn; nếu không phải như thế, ngược lại còn trở thành chướng ngại hay rắc rối, thì thật đáng tiếc rằng nó không phải là một “giải thưởng tốt.” Chính vì như thế, mà Algren sẽ tiện tay vứt bỏ huân chương, và Chandler có thể từ chối đến Stockholm—tất nhiên, họ thực sự sẽ hành động thế nào trong tình huống này thì tôi không biết.

Cứ như vậy, mỗi người sẽ thấy giải thưởng có giá trị khác nhau, trong đó có lập trường cá nhân, lý do cá nhân, cũng có tư duy và cách sống của từng người nữa, không nên so sánh hay nhầm lẫn. Đây là tất cả những gì tôi muốn nói về các giải thưởng văn học. Không thể vơ đũa cả nắm được. Cho nên tôi cũng chẳng muốn vơ đũa cả nắm làm gì.

Vâng, tôi ở đây lớn tiếng tranh luận, nghĩ lại thì chẳng có gì thay đổi hết.

Nguyễn Thảo Trang dịch

Hà Trang hiệu đính

Dịch từ bản dịch tiếng Trung “关于文学奖” trong cuốn 身為職業小說家 (Novelist As A Vocation) của Haruki Murakami

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top