18
Tôi cảm giác được gió ngày càng lạnh hơn chà xát da tôi cứ mỗi lúc đi cao hơn.
Chỉ có tôi và con dê sáu-chân ở phía sau xe. Con dê được lắp ráp để phục vụ quân đội, nên không có phần nào màu hồng. Mọi thứ là màu olive xám xịt, đen khói, bụi bẩn—sắc màu của chiến tranh. Tôi được nghe kể rằng cơ chế điều khiển con sáu-chân là gồm hệ thần kinh của ngựa nuôi được huấn luyện đặc biệt cho môi trường. Con ngựa gốc lấy từ chuồng địa phương, nên chúng đã quen với núi non, Uwe kể. Cái khuôn chữ Quân Hiệp Định Geneva khắc trên chỗ được bọc giáp dư dả. Có những phần là được nuôi, có cơ bắp được lấy ra từ một con dê núi thật, và một mạng máy phức tạp, khiến không thể biết phần lớn nó là sinh vật hay máy móc.
Con dê này không có đầu, và cần phải có trí tưởng tượng đáng nể để gọi đám thiết bị cảm ứng tủa lởm chởm từ đầu mút của nó là một cái mặt. Hình ảnh gần gũi nhất tôi có thể nghĩ là một con dê núi bị chặt mất đầu.
Xe chở chúng tôi xốc nảy, lắc lư trên đường núi một thời gian, nhưng chẳng có lấy một lần người tài xế quay lại nói chuyện với tôi. Không phải là tôi có thể đáp lời, vì tôi không biết tiếng nga. Tôi đang bắt đầu cảm thấy một sự đồng cảm kỳ lạ với anh bạn cybernetic khi chiếc xe dừng một cách tròng trành.
Cửa sau mở ra, và người tài xế đang đứng bên ngoài, ra dấu cho tôi đi ra. Tôi vỗ mông con dê một cái và nó đứng lên êm ả bất chấp hành lý nặng trịch rồi nhảy xuống con đường rải sỏi. Tôi quét một hình ảnh từ trên không của khu vực quanh chúng tôi, nó được liên kết tới GPS trong AR của tôi. Sẽ mất nửa ngày hoặc hơn để đi từ đây tới chỗ boong-ke. Gần như chẳng có đường lối, nhưng hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao của tôi sẽ giúp hành trình khá là bớt khổ hơn. Tôi vẫy chào tài xế và cảm ơn anh ta. Anh ta đi ngược lại con đường mà không nói một lời.
Giờ thì tôi hoàn toàn ở trong các dãy núi. Bề mặt đá của dãy Caucasus mang màu đen. Theo lời Uwe, cái tên là một từ tiếng Hy Lạp đọc trại của từ "tuyết trắng" trong tiếng Scythia cổ. Chechnya nằm ở phía bắc rặng núi, và xe tải đưa chúng tôi tới gần đỉnh của dãy núi, sát với biên giới Georgia ở phía nam. Tuyết chỉ phủ trên những đỉnh của Caucasus. Dưới độ cao 2 500 m thì toàn là đá đen và đất.
Tôi bắt đầu định vị đường đi lên tới con dốc đá, con dê khéo léo chọn đường đi theo sau lưng tôi. Tôi thấy mình như một nhà tu khổ hành trên núi đang trên đường đi gặp các vị thần, tuy ngay khi có suy nghĩ đó, tôi đã gạt bỏ nó khỏi tâm trí. Tôi không nghĩ—tôi không muốn nghĩ—Miach là một vị thần.
Trời không mây. Độ ẩm thấp, nhưng mặt trời không tỏa nắng quá ấm. Mặc cho không có đường đi, đây là nơi những lính du kích Chechnya chọn làm nhà, và tôi chẳng thấy hành trình khó khăn đến khủng khiếp. Tôi cảm giác được không khí trong phổi tôi ít hơn khi tôi leo lên. Thiếu oxy không phải là chuyện ngay cả WatchMe và medcare unit dưới da có thể sửa được. Thực tế, tôi đã offline một lúc. AR của tôi là mô phỏng cục bộ, sử dụng GPS tôi mang theo.
"Ở một mình kỳ thực cũng lý thú đấy," tôi nói với con dê.
Con dê lầm lũi đi bên cạnh trong im lặng.
Sau 3 tiếng trong miền hoang dã không lối đi, tôi tìm được cái gì đó hao hao một con đường đàng hoàng. Theo máy định vị, tôi còn 6 tiếng nữa mới tới được đích. Con đường khá rộng—tôi còn thấy cả dấu lốp xe. Chắc là do người Nga để lại trong những cuộc xung đột lần trước ở khu vực.
Cứ lâu lâu tôi nghỉ ngơi để uống nước và làm quen với không khí. Dê vận chuyển có đơn vị tái chế cài chìm trong nó, nên nó không cần uống nhiều. Tôi sờ lưng nó, như thể nó là thú cưng vậy. Nó không khác hoàn toàn với một động vật thực. Lớp da ấm dưới lớp lông. Tôi từng một lần thấy một dân binh tham gia quân đội đã cưỡi trên thứ này, dù tôi đã quên nó là ở Niger hay chỗ nào khác ở châu Phi.
Quân đội trong vụ xung đột đó được tập hợp hoàn toàn từ các robot thế mạng điều khiển từ xa. Dân binh đã dựng xung điện từ trong khu vực, cắt kết nối giữa bộ chỉ huy và robot rồi ép chúng phải vào chế độ chiến đấu tự động. Đối mặt với đòn tấn công hoàn toàn bất ngờ từ đoàn kỵ binh cybernetic, phân đội robot thế mạng đã bị tàn sát.
Con dê của tôi có chút khác biệt so với những con thú mà họ từng cưỡi, của tôi được cải tiến động cơ đặc biệt cho vận chuyển hàng hóa trong những ngọn núi này. Tháp súng máy được thêm vào hầu như chỉ là một suy nghĩ muộn màng, nói thật tôi chẳng thấy được tác dụng. Tôi đứng dậy, cất cái ga-men vào túi của nó trên lưng con dê, kiểm tra cây súng lục trong bao súng bên hông tôi, rồi tôi trở lại hành trình trèo núi.
Leo. Nghỉ. Leo. Nghỉ. Ngay cả khi đã quen dần với không khí, tôi vẫn có thể cảm thấy sức lực mình đang hao mòn. Một cảm giác tự nhiên xảy ra do thiếu hụt oxy—một triệu chứng thể chất mà cái nhà máy medcare nội quan của tôi không thể che giấu bằng cách bóp cổ hệ thống thần kinh của tôi như cách nó đã làm khi có cơn đau hay cảm giác khó chịu khác. Một bằng chứng rằng tôi còn sống.
Lịch sử cứ tiến lên, phạm vi những trải nghiệm tự nhiên mà được coi là chấp nhận được trong cuộc sống cứ thu hẹp lại. Ở đâu, tôi tự hỏi, người ta vạch đường ranh giới ở đâu? Tại sao dựng nên một bức tường quanh linh hồn hay ý thức con người? Chúng tôi đã chinh phục hầu như mọi bệnh tật tự nhiên. Chúng tôi đã nâng thần thoại về một cơ thể con người chuẩn hóa lên thành tiêu chuẩn cộng đồng ở tầm cao mới.
Tôi thả trôi những suy nghĩ trong khi leo tiếp.
Lấy bệnh đái đường làm ví dụ. Ở hình thức nguyên thủy, đái đường là một đặc trưng do con người phát triển để đối phó với thời tiết lạnh. Nước có glucose có điểm đông đặc dưới 0—có ích lợi cho những người đối mặt với sự tấn công của nhiệt độ thấp. Ngay cả nếu đường phá hủy mạch máu và thận bạn, bạn vẫn sẽ sống thêm một hay hai thập kỷ, và nếu mạch máu bạn tái sinh lại được trong quãng thời gian đó thì ấy là chiến thắng lớn cho ADN của bạn. Đái đường là bộ phận quan trọng trong quá trình tiến hóa ẩu tả của chúng ta.
Các đặc trưng thiết yếu cho sự sống trong vài ngoại cảnh nào đó sẽ trở nên vô dụng hay thậm chí là nguy hiểm khi ngoại cảnh thay đổi. Chúng ta chỉ là một tập hợp các ADN được tối ưu hóa cho địa điểm và thời gian xác định. Gen của con người là một tấm vải chắp vá từ đáp án của một ngàn vấn đề khác nhau. Dễ thấy tiến hóa là một quá trình mang đầy ý nghĩa và tiến về phía trước, trong khi chúng ta – và mọi sinh vật sống – chỉ đang xoay xở dàn xếp để sinh tồn.
Thế tại sao lại đặt ý thức con người lên bàn thờ? Tại sao lại thờ cúng tạo vật kỳ lạ mà chúng ta đã đạt được? Đạo đức, thánh thiện—đây chỉ là những thứ mà não chúng tôi đã lượm nhặt trên đường đi, những mảnh ghép của tấm vải vá víu. Chúng tôi chỉ nếm trải đau buồn và vui sướng vì chúng mang lại lợi ích cho sự sinh tồn của chúng tôi trong một môi trường cụ thể. Nói vậy chứ tôi không hiểu nổi thứ như vui sướng lại thật sự thiết yếu thế nào. Tôi cũng chẳng biết vì đâu mà đau buồn và tuyệt vọng giúp chúng tôi sống sót.
Ấy thế, tương tự như đái đường, cái gì sẽ xảy ra nếu thời hạn có ích của xúc cảm trong chúng tôi đã hết từ lúc trước? Cái gì sẽ xảy ra nếu môi trường này, vốn đòi hỏi chúng tôi cảm nhận cảm xúc và sở hữu ý thức, biến mất? Tại sao lại chần chừ cứu chữa não bộ chứa cảm xúc và ý thức của mình như chúng tôi đã từng chữa mình khỏi bệnh đái đường?
Nhân loại đã từng đòi hỏi cơn giận.
Nhân loại đã từng đòi hỏi niềm vui.
Nhân loại đã từng đòi hỏi buồn đau.
Nhân loại đã từng đòi hỏi hạnh phúc.
Từng, từng, từng.
Bia mộ của tôi dành cho một môi trường, một thời đại đã biến mất.
Nhân loại đã từng đòi hỏi niềm tin rằng "tôi" là "tôi".
Saeki Keita, Gabrielle Étaín, và Kirie Nuada.
Cuộc gặp gỡ giữa tôi và họ đã xóa bay bất kì nền tảng trước đây tôi có để cái "tôi" tồn tại. Giống như ba tôi đã nói về những người mang gene lặng gây tật điếc đã kết hôn tại Martha's Vineyard, thì ở đây những người mang gene lặng gây khiếm khuyết ý thức đã kết hôn, và chuyện đó là lẽ thường tình.
Có lẽ miễn là xã hội được dựng trên giúp đỡ lẫn nhau còn tồn tại, các đặc trưng lỗi thời như ý thức đã được an bài sẽ biến mất. Có lẽ chúng tôi nên nắm lấy hệ thống xã hội chúng tôi đã phát triển và quẳng đi cái ao tù sinh sôi những là đối nghịch, chần chừ, khổ não – tất cả ý thức.
Đâu rồi những lý do xác định tôi là ai?
Đâu rồi những lời nói bảo vệ linh hồn tôi?
Khao khát báo thù cho Reikado Cian và cái chết của ba tôi trong tôi, không phải chỉ là dấu tích của một chức năng từng-quan-trọng-nhưng-giờ-bị-lãng-quên của cái não giữa lạc hậu giống khỉ của tôi sao?
Trong quá khứ, tôn giáo tín ngưỡng là kẻ đảm bảo "tôi" là "tôi". Mọi thứ đã được Thượng Đế sắp đặt, nên chúng tôi không có tư cách để thắc mắc. Hiện tại, xã hội đã đánh mất hoàn toàn các chức năng mà tôn giáo tín ngưỡng từng thực hiện. Vì một khi chúng ta đã chấp nhận rằng cảm xúc và mọi hiện tượng xảy ra trong đầu khác chỉ vỏn vẹn là những dấu ấn tình cờ có ích cho sự sinh tồn của ta vào thời điểm nào đó trong quá khứ, hầu hết các ý kiến về đạo đức sẽ mất đi nền móng tuyệt đối của nó. Đạo đức không có luận cứ thuyết phục tuyệt đối—đạo đức khách quan—thì không đáng tin. Lịch sử có thừa bằng chứng cho điều này.
Dù thế nào đi nữa, hôm nay tôi sẽ gặp Mihie Miach.
Tôi mong cô ấy sẽ có vài câu trả lời cho tất cả chỗ này.
Sau khi nghỉ ngơi vài lần nữa, tôi đến được boong-ke ngay khi mặt trời đang chìm xuống đường chân trời lởm chởm. Tôi thấy được cả những đám mây tích tụ đằng xa kia, và tôi tự hỏi mình đã lên độ cao bao nhiêu.
Một góc boong-ke thò ra khỏi mặt núi, một tấm ván bằng thép láng mượt tựa vào bờ cạnh xù xì của đá, với một ô cửa rộng mở đi vào trong nó.
"Chờ ở đây, dê con."
Tôi dùng dấu vân tay để khóa hệ thống vũ khí của con dê và kiểm tra hàng nóng bên hông của mình.
<list:protocol>
<p: Kiểm tra lò xo trong ổ đạn.><p: Tháo và lắp lại đạn.><p: Kéo lui cái khóa nòng cho đến khi nó khóa, rồi:><p: Kiểm tra xem có còn viên đạn nào trong ổ đạn không.><p: Kiểm tra cẩn thận các bộ phận khác có hoạt động không, tùy theo loại súng cầm tay.>
</list>
"Ok. Mình làm được mà," tôi tự nhủ, đặt chân vào boong-ke thép gia cố được xây đào vào sườn núi.
"Chào đằng đó, Tuan. Đã bao lâu rồi nhỉ, 13 năm?" một giọng nói vọng lại từ bóng tối trong buồng. Âm thanh duy nhất là tiếng nước rỉ giọt và tiếng chân tôi lê loạt xoạt trên đất. Tôi rút súng khỏi bao, tiếng động quần áo tôi cọ chà lẫn nhau ầm ĩ trong tai tôi.
"Cậu không cần súng đâu. Ở đây chỉ có mỗi chúng ta thôi, Tuan. Chỉ tớ và cậu."
Một bước.
Lại một bước.
Tôi chỉnh AR sang chế độ tăng cường độ sáng, nhìn phía trong boong-ke được chiếu sáng lờ mờ này một cách rõ ràng hơn.
"Tớ đã biết là cậu sẽ tới mà. Tớ đã biết cậu là người duy nhất sẽ tới."
Bây giờ thì cửa vào đã ở sau lưng tôi, nơi con dê đang kiên nhẫn chờ đợi tôi trở về.
"Tớ ngay đằng này này, Tuan."
Mihie Miach xuất hiện như từ chốn hư không, ngay trước họng súng đã giương cao của tôi.
Cô ấy nhìn gần như giống hệt lần cuối cùng tôi gặp, khi cả hai còn là những thiếu nữ.
"Đúng là một ý tưởng tốt, mang tấm danh thiếp của tớ. Cái mà tớ đã cho cậu hồi còn ở trường phổ thông. Tớ biết đó là cậu ngay tức khắc," Miach nói, vừa giơ tấm các tôi đã lấy ra khỏi hộc bàn ở Nhật. Cái tôi đã trao cho cậu nhóc giao liên tại quán Hươu.
"Tớ biết cậu sẽ biết chứ," tôi nói, không thôi chĩa nòng súng vào cô ấy. "Vashlov bảo tớ là cậu ở đây."
"Tớ rất tiếc về Vashlov, và về cha cậu."
Lạ lùng làm sao, nghe câu đó từ miệng Miach không làm máu sôi sục dồn lên đầu tôi, tuy tôi cảm giác được một sự căm phẫn âm ỉ đâu đó tít tận dưới đáy cạnh những ký ức về Reikado Cian.
"Tớ chắc là cậu sẽ nói không có cách nào khác."
"Ừ, tớ nói chứ. Không có cách nào khác."
Tôi kéo cò. Viên đạn cào một đường trên gò má trắng của Miach, để lại một vệt đỏ đánh dấu đường nó đã đi qua.
"Với tớ thì không. Không ai phải chết cả."
"Tớ có thể hiểu," cô nói. "Và tớ hy vọng không ai khác phải rời bỏ thế giới này."
"Xấp xỉ 6 000 người đã mưu toan tự sát, và trong số họ, gần 3 000 người đã thành công. Toàn bộ xã hội chủ nghĩa sinh mệnh đã bị nhận chìm trong mớ hỗn độn giết người bởi tuyên bố một-mạng-đổi-một-mạng của cậu. Và cậu hy vọng không có ai khác phải chết ư?"
"Chúng tớ đã phải làm vậy, bằng không mấy bô lão sẽ không nhấn nút."
"Không nhấn nút cái—"
Và rồi mọi việc sáng tỏ đối với tôi.
Tôi biết Miach đang nghĩ gì.
Tôi biết chính xác khung cảnh mà Miach đã vẽ nên cho thế gian. Tôi đứng há hốc mồm, súng vẫn chĩa vào cô.
"Đúng thế, Tuan," cô trả lời. "Chúng tớ muốn Harmony."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top