12

Gabrielle Étaín nói: "Chúng ta là một tập hợp các ham muốn, được xác định theo đường cong hyperbol."

Gabrielle Étaín nói: "Đến cả chim bồ câu và khỉ cũng đánh giá quá cao một sự vật hiện diện trước mắt chúng."

Gabrielle Étaín nói: "Đến cả chim bồ câu và khỉ cũng có nhận thức và ý chí. Thế thì còn cái gì làm nhận thức và ý chí của chúng ta quan trọng hơn?"

Tôi đang lái xe đi gặp Gabrielle Étaín.

Con sông Tigris trườn dài bên tay phải tôi khi tôi đi qua một mái vòm, khổng lồ và trắng hếu như xương sườn một con rồng. Con đường dốc hướng lên tầng đỉnh của tòa nhà đoàn thể công nghiệp y dược Dian Cécht khổng lồ - nhìn lờ mờ từ xa nó như một tổ kiến trên đất Baghdad, dần dà tôi có được tầm nhìn tốt hơn của khung cảnh khi lại gần. Cuối cùng, tôi lên đủ cao để nhìn xuống khắp Baghdad. Tôi ngồi tựa ra và để máy chủ Hướng Dẫn Giao Thông Nội Đô Baghdad dẫn tôi tới phòng nghiên cứu của Gabrielle Étaín.

Đường chân trời cuối sa mạc lung linh lay động trong cái nóng.

Khu vực đoàn thể công nghiệp y dược ở Baghdad vắng bóng các quảng cáo mà bạn thấy ở các thành phố bình thường. Nói cách khác, khu phức hợp y dược ở đây là độc lập toàn bộ. Không cần phải bán không gian quảng cáo AR. Nhìn nơi đây, bạn có thể thấy không ai cần thu nhập riêng bên ngoài. Tuy vậy, với những ai đã lớn lên cùng với bao quảng cáo trát đầy mỗi mặt phẳng lọt vào tầm mắt, thì tới một địa điểm không có chúng thế này sẽ không khỏi phần nào lúng túng.

Tôi thấy một khu rừng cây thường xanh màu hồng và một cái hồ. Đó hẳn là công viên khu vực Dian Cécht. Tôi lái ôm quanh bãi biển được dựng lại một cách "tự nhiên" bên trong khu phức hợp mênh mông. Nhóm thiết kế chịu trách nhiệm xây nơi này đã chú ý kỹ lưỡng không tạo cảm giác như đi vào tổ kiến một khi bạn vào. Chiếc xe đưa tôi đi trên một con dốc uốn thoải tới tầng trên hồ. Đây là độ cao cao nhất trong khắp vùng.

Tôi dừng xe. Các văn phòng của Hiệp Hội Nghiên Cứu Y Học Thần Kinh SEC nhô ra như mũi tàu dài 620 m trên cao của Dian Cécht. Đó chắc là khu vực nghiên cứu và phát triển, ngồi phơi mình dưới ánh nắng gắt gao. SEC là từ viết tắt lấy từ 3 chữ cái đầu của các sinh phủ sáng lập: Sukunabikona, Eugene, Crups.

Tôi chạm vào cửa để trình ID và một nhân viên tiếp tân đi ra để dẫn tôi vào phòng đợi. Nội thất gợi tôi nhớ đến PassengerBird: trần và tường được làm từ vật liệu trông-như-nhựa màu trắng, có các ghế gelatin đỏ đó đây, tất cả đều trống.

Tôi ngồi xuống một cái và chờ đợi sự hiện diện của Gabrielle Étaín. Tôi nghe tiếng giày cô ta cóc cách trên sàn trước khi tôi ngước mặt lên. Chúng tôi bắt tay, rồi cô ngồi xuống cùng tôi trên một trong những chiếc ghế đỏ.

"Khi nghe tin một Đặc vụ Cục Xoắn Ốc đến đấy để tìm mình, tôi nghĩ đấy là một cuộc tra xét đột xuất. Chúng tôi đâu có làm nghiên cứu gì thu hút sự chú ý của người ở WHO."

Bà nói êm dịu và chậm rãi, ngồi ngả lưng ra một cửa sổ trải rộng hết độ dài bức tường. Chân trời phía sau vẽ nên một đường thẳng ro chia cắt bầu trời và nước. Vài chú chim lượn qua tầng không.

"Tôi xin lỗi nếu đã làm cô giật mình. Tôi không cố ý. Tôi tới đây để hỏi về một người đặc biệt mà một nghiên cứu thần kinh. Tôi có lý do để tin cô có thể giúp tôi cả hai chuyện."

"Vâng, tất nhiên rồi."

"Trước tiên, là về bài nghiên cứu. Cô có nghe tới bài luận văn đưa ra một cách cụ thể về cơ chế phản hồi của não giữa không?"

"Luận văn của Yelensky?"

"Chính là nó," tôi khẳng định, vừa quan sát khuông mặt cô thật kỹ.

Đôi môi cô cử động cứ như đang lừa một viên kẹo quanh quanh miệng, nhìn tôi chăm chăm một lát trước khi nói, "Thế thì nó tra xét rồi."

Tôi vẫy vẫy hai tay phủ nhận. "Không, không đâu, thật đấy. Cái tôi hỏi là thông tin mà chúng tôi nghĩ có thể giúp điều tra tiến triển. Vì sao cô nghĩ đây là tra xét?"

"Vì hiệp hội y học thần kinh chúng tôi đang lắp ráp một mô hình của chính cơ chế mà cô nói tới."

"Vậy, cô nghĩ cô có thể giải thích ý chính đại để của công trình của cô cho tôi được không—chỉ cần những thứ đã được công bố công khai. Tôi không có ý tọc mạch," tôi nói êm ái nhất có thể.

Étaín đắn đo vài giây trước khi kể tôi hay rằng hiệp hội đang nghiên cứu về bản chất sự đánh giá bên trong thần kinh con người.

"Kiểu đánh giá gì?" Tôi thắc mắc.

"À, thí dụ, nếu tôi đề nghị ai đó 10 000 điểm tín dụng bây giờ hoặc một lời hứa tặng 20 000 điểm tín dụng trong một năm nữa, họ sẽ chọn cái nào?"

"Cái đầu, chắc thế."

"Quả vậy. Nó không chỉ đúng với con người mà còn với các loài linh trưởng như tinh tinh, và chim chóc như bồ câu và chim trĩ. Các xu hướng ham muốn tương tự có thể quan sát được ở những động vật được nuôi giữ đặc biệt, chẳng hạn chó và mèo. Các loại sinh vật này đánh giá quá mức giá trị của những thứ ngay trước mắt chúng."

"Đấy là điều chúng ta đúc kết ra à?"

"Đó là một phần của chương trình gene của chúng ta. Tuy nhiên, việc tìm kiếm điểm chung của vô vàn giống loài khác nhau đã chỉ ra rằng có nguyên nhân nào đó để đây là một đặc điểm dễ cùng cực cho động vật có xương sống phát triển nó."

"Chậc, không phải hơi rõ ràng sao? Nếu ta không ăn cái ngay trước mắt ta, vài cá thể khác sẽ mò đến và cuỗm mất. Cá thể ngồi ngóng một phần thưởng trong tương lai sẽ chết trong thế giới như vậy. Trân trọng thứ trong tầm tay là một phần của quá trình chọn lọc tự nhiên, không phải sao?"

"Nếu cô biểu diễn giá trị nhận thức được lên đồ thị, với trục hoành là thời gian và gốc tọa độ là hiện tại, thì cô sẽ thấy đường biểu diễn giá trị cong lên cao rất dốc khi càng tới gần gốc tọa độ, đạt giá trị cực đại khi giao với trục tung. So sánh ra, thì giá trị ở tương lai xa giảm rất nhanh, hầu như không thay đổi mấy giữa một năm hay hai năm khoảng cách. Một đường cong hyperbol. Khi con người và hầu hết sinh vật sống xem xét giá trị sự vật, họ hay coi giá trị tương lai của nó hạ bớt theo đường hyperbol."

"Nói cách khác, hệ thống định giá của chúng ta không logic theo hàm mũ, mà lại phi logic theo hàm hyperbol."

"Đúng vậy. Và bởi chúng ta sở hữu một hệ thống đánh giá theo hyperbol, chúng ta đưa ra các quyết định phi lý và hành động vội vàng. Khi trước mắt ta là một cơ hội có lợi rõ ràng, chúng ta tin một cách nhầm lẫn rằng giá trị của nó lớn hơn giá trị thực của nó nhiều. Đấy là một trò chơi sinh tồn còn tiếp diễn giữa các ham muốn ngắn hạn và ham muốn dài hạn, và chúng ta gọi trò chơi này là ý chí. Đây là một đặc điểm quan trọng của cơ chế phản hồi mà mô hình ý chí con người của Yelensky không xem xét đến—một mô hình mà chúng tôi hiện đang dùng các khám phá của mình để hoàn thiện."

Tôi nghĩ tới ba tôi. Nếu bạn muốn dùng cơ chế phản hồi để điều khiển ý chí con người, bạn sẽ cần một mô hình vô cùng chi tiết của sự đánh giá giá trị trong con người nhằm tiên đoán chính xác cách vận hành của bộ điều khiển đó.

"Tiến sĩ Kirie Nuada không tham gia tổ dự án phải không?"

"Ông ấy có, có điều, chỉ ở lúc khởi đầu. Ông ấy không còn ở trong hiệp hội nữa."

"Tiến sĩ Kirie có dùng mô hình mạng phản hồi của não giữa này cho nghiên cứu khác không?"

"Maa...... một số nghiên cứu gia bên chúng tôi tham gia vào dự án phụ, nhưng tôi e là mình không biết gì về chuyện đó."

"So với các mô hình trước đây thì mô hình mạng phản hồi tuân theo đường cong hyperbol này thay đổi cách nhìn của cô về ý chí con người thế nào?" tôi hỏi đơn thuần là vì quá tò mò.

Étaín chống cằm suy tư chốc lát. "Chà, tôi cho rằng việc phát hiện ra ý chí con người kỳ thực giống một cuộc chiến sinh tử giữa muôn ngàn ham muốn bên trong não bộ đã cho phép chúng ta chứng minh thú vật cũng sở hữu ý chí."

"Tức là, động vật không chỉ hành động theo gene quy định hay bản năng?"

"Ngôn từ của cô để lộ thành kiến đấy. Cái ta gọi là 'ý chí' hay 'linh hồn' của chúng ta thực sự chỉ là xung đột giữa vô số phần tử được lập trình trong gene trước. Có một thử nghiệm sử dụng chim bồ câu thế này, một cái nút nếu nhấn sẽ nhả ra 10 hạt đậu và nếu nhấn sau khi chờ một khoảng thời gian thì sẽ nhả ra 30 hạt. Hóa ra có những bồ câu chọn chờ đợi 30 hạt đậu. Các con chim bồ câu có cùng số lựa chọn cho phép bởi ý chí chúng trong cùng một mô hình với chúng ta. Nói khác đi, mô hình không chỉ cho phép chúng ta tìm hiểu ý chí con người nhưng còn chính bản chất của nhận thức, và sử dụng kiến thức ấy một cách tốt hơn."

"Chẳng hạn như gì?"

"Chẳng hạn...... đau đớn," cô ta nói.

"Xin lỗi?"

"Đầu tiên, cô phải hiểu được bản chất của phản hồi, cái tôi đang nhắc đến. Bất kỳ hiệu ứng tâm lý nào thu hút sự chú ý của nhận thức và để lại dấu vết sâu là phản hồi. Nó cũng đúng trong mô hình của Yelensky. Phản hồi không cần phải là phần thưởng hay thậm chí là thứ gì đó có lợi."

"Được rồi. Còn gì nữa?"

"Cơn đau chúng ta cảm nhận vào lúc chích kim vào ngón tay không hơn gì một nhân tố đang cố tạo dấu và được chọn. Trục hoành biểu thị thời gian của đồ thị hyperbol trong trường hợp này rất ngắn, làm cơn đau dễ dàng được chọn."

Tôi cau mày. Đau đớn làm sao mà được chọn? "Nhưng cô không thể chấp nhận hay phủ nhận đau đớn," tôi phản bác.

"Thực tế thì có thể. Chắc là cô đã từng nghe những câu chuyện của người ta rằng họ quá tập trung vào một hành động nào đó đến nỗi sau đó dăm ba giây mới nhận ra ngón tay hay cánh tay đã bị chặt. Đây là vì đau đớn đã ganh đua, nhưng không thể vượt qua, việc tiếp tục hành động có trong nhận thức."

"Tôi hiểu rồi."

"Đó là nguyên do chúng tôi hiểu ra đau đớn là trải nghiệm chủ quan. Đối với một cảm giác thể xác, nó phụ thuộc rất nhiều vào tác nhân ngoại cảnh để xác định xem có được chọn không và tới mức độ nào. Vì vậy mà không có thước đo tuyệt đối cho đau đớn."

"Nên mọi cảm giác ghép nên thực tế của chúng ta là những nhân tố đã được chọn để não bộ tiến hóa tới mức độ cao hơn?"

"Đó là một cách hiểu, cũng đúng. Ngay cả hình ảnh, âm thanh, mùi, vị phải được chọn lọc trước khi được phép bước vào nhận thức," Étaín nói. "Dĩ nhiên, các tác nhân kích thích cơ bản này có đường hyperbol dốc, nên dễ dàng giao với trục, do đó chúng hiếm khi bị bỏ qua."

"Nghĩa là, trong một mặt, nghiên cứu của cô không chỉ là về nhận thức mà còn là cách hiện thực của chúng ta được xây dựng."

Étaín nhếch một bên mày và nhìn tôi cứ như tôi vừa nói điều gì dị thường. "Nhưng hiện thực và nhận thức là một thứ, Thanh Tra Kirie."

"Thật sao?"

"Nói gì thì nói, hiện thực chúng ta có thể chấp nhận bị giới hạn trong nhận thức của ta."

"Tôi cho là cô nói đúng."

Gabrielle Étaín đứng dậy và chìa tay ra. "Tôi hy vọng mình đã giải đáp mọi câu hỏi của cô và làm cô hài lòng, Thanh Tra Kirie. Giờ, xin phép, tôi nên trở lại làm việc."

Tôi cảm ơn cô và bắt tay, nói rằng có lẽ tôi sẽ quay lại. Chỉ bấy giờ, tôi mới bất chợt tò mò người phụ nữ này đã đón nhận tin tức về lời tuyên bố kia thế nào. Tôi thắc mắc cô sẽ quyết định ra sao.

Tôi thích đặt các câu hỏi khó chịu mà.

"Nhân tiện, tôi không biết cô có nghe tuyên bố ấy chưa."

"Tôi nghe rồi."

"Cô nghĩ gì?"

Đó không phải là một câu hỏi thẳng thắn. Nhưng tôi đang mong chờ rằng sự mơ hồ của nó sẽ làm cô ta ngạc nhiên và tiết lộ gì đấy. Ấy vậy câu trả lời của cô làm tôi thất vọng.

"Khá là kinh khủng."

Tôi đẩy mạnh tấn công. "Cô không nghĩ công nghệ mà cô đang nghiên cứu ở đây dính dáng tới các vụ điều khiển tâm trí để tự sát mà chúng đe dọa không?"

Ngón tay Étaín lại nâng đỡ cằm cô. "Tôi phải đồng ý vậy. Nhưng chúng tôi không phải là tội phạm. Chúng tôi không thể điều khiển ý chí người khác cũng như cho họ thấy một hiện thực khác."

"Cô có dự định làm gì trước thời hạn không?"

Câu hỏi khó chịu số 2.

Étaín nhíu mày trước sự thiếu tế nhị của tôi. "Tôi sẽ không làm gì. Dễ thấy là chúng chỉ đang cố hù dọa chúng ta thôi."

"Nhưng có lẽ chúng thật sự có công nghệ khiến người ta tự sát. Cô đã thấy ông phát thanh viên làm rồi đấy."

"Và tôi tin cậy các thành viên sinh phủ sẽ phô bày cho ta thấy sự kiên quyết chung. Xã hội chúng ta sẽ không chịu khuất phục trước bất kì kẻ nào."

Một câu trả lời hợp lý hoàn hảo. Có lẽ quá hoàn hảo.

Étaín tiễn tôi tới cửa trong yên lặng. Khi bước qua cửa, câu hỏi cuối cùng vụt qua trong đầu tôi. Tình thế có hơi gượng ép, nhưng đôi khi có thể khá hiệu quả.

"Một câu cuối, cô không hề biết tới tổ chức nào có tên gọi là Nhóm Giám Sát Tư Cách Con Người Thế Hệ Mới, đúng không?"

Một khoảng lặng ngắn trước khi Étaín điềm tĩnh đáp.

"Chưa bao giờ nghe tới."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #harmony