6

Theo truyền thống, hằng năm vào độ giữa tháng mười một nhà trường sẽ tổ chức một buổi viếng thăm đến viện dưỡng lão cho học sinh khối mười và mười một với mục đích giúp đỡ người già chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới, đồng thời giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh. Thông tin cụ thể về chuyến đi được dán trên bảng thông tin sảnh A và được giáo viên chủ nhiệm phổ biến kĩ lưỡng cho các lớp.

Hành trình kéo dài một ngày, sáng đi chiều tối về. Hoạt động chủ yếu là vệ sinh nhà cửa, giặt giũ, nấu ăn, bầu bạn bên cạnh người lớn tuổi. Sự kiện không bắt buộc, ai muốn đi phải đóng tiền, thời gian đăng ký kéo dài một tuần.

Ba chúng tôi chẳng cần thảo luận rườm rà, mọi người đã đồng ý tham gia.

Sáng ngày 18 tháng 11, chúng tôi sớm có mặt tại trường để lên xe. Viện dưỡng lão nằm ở vùng ngoại ô thành phố Cheonan, xuất phát từ trường mất khoảng ba tiếng.

Hanbin và anh Zhang Hao ngồi cạnh nhau, tôi ngồi sau họ. Xuyên suốt quãng đường dài cả trăm cây số, tôi chỉ nghe tiếng họ trò chuyện rả rích bên tai. Hanbin hỏi anh về Phúc Kiến, anh giải thích thế nào là những tòa Thổ Lâu, là đặc sản "Phật nhảy tường" và biết bao nhiêu của hiếm vật lạ khác.

Câu chuyện anh kể dẫn đến hồi phân biệt trà đen với trà ô long. Theo lời anh, cách đơn giản nhất để nhận định là thông qua việc quan sát lá trà khô. Loại ô long có hình chữ nhật đặc trưng, màu tím nhạt; loại trà đen dáng dẹt, thân có họa tiết carô. Khoan đã, gì cơ? Tôi nhầm, xin lỗi. Loại ô long có hình ngôi sao, màu hồng... Loại trà đen có... có...

Đầu óc tôi mụ mị dần, tôi thiếp đi trong tiếng giảng bài đều đều của anh Zhang Hao. Trà ô long, trà đen theo tôi vào tận cùng giấc ngủ.

Khi tôi tỉnh dậy, chuyến xe đã dừng lại trước một cánh cổng lớn. Mọi người nhanh chóng di chuyển xuống, xếp hàng ngay ngắn trong khuôn viên viện dưỡng lão.

Chúng tôi được giới thiệu về cách nơi đây vận hành và được hướng dẫn, phân chia công việc cần giải quyết. Tôi nhận nhiệm vụ sửa chữa đồ đạc, Hanbin và anh Zhang Hao lau cửa sổ.

Trong lúc tôi loay hoay với những thanh gỗ và đinh ốc, ông bà cụ sẽ thỉnh thoảng rẽ ngang động viên, cho bánh nước. Cứ chốc chốc, tiếng cười của Hanbin và anh Zhang Hao lại vang lên giòn giã, họ trêu ghẹo nhau, đánh nhau bằng chiếc giẻ lau, làm nước văng tung toé. Hanbin nói cười không ngớt, nhưng anh Zhang Hao còn phấn khởi gấp bội phần cậu. Anh chẳng bao giờ đùa giỡn thế này.

Khoảng gần giữa trưa, tôi nghe tiếng kêu mình từ đâu đó, tôi hướng mắt đi tìm. Một bạn nữ lớp 10/4 đang réo gọi tôi bên ngoài, bạn nhờ tôi bắt con gián đang khủng bố nhà bếp. Tôi gác lại công việc còn dang dở, theo bạn vào "hiện trường".

Con gián núp đông, núp tây, chạy rồi lại bay, gây một phen náo loạn cho tổ bếp núc. Tôi cuộn tờ báo, lục tung các ngóc ngách mới túm cổ được thủ phạm sau mười lăm phút. Gián chết, tôi lại được nhờ xách bao gạo, xách bình nước. Khi mọi việc xong xuôi, kim đồng hồ đã điểm mười một giờ. Tôi cất bước định về thì bạn nữ ban nãy gọi với lại:

- Cảm ơn cậu vì đã giúp chúng mình nhé!

- Không có gì đâu. - tôi cười xuề xòa.

- Cậu biết mình tên gì không?

Tôi ngớ người trước câu hỏi đột ngột, bạn biết tên tôi, nhưng tôi còn chẳng nhớ đã gặp bạn bao giờ. Tôi lúng túng ậm ờ, tỏ vẻ băn khoăn suy nghĩ. Nhưng bạn dường như biết tỏng ý đồ của tôi, bạn nhanh chóng nói:

- Mình là Park Hana lớp 10/4, mình thấy cậu hay chơi bóng rổ dưới sân trường, chúng mình làm quen được không? - bạn rụt rè đưa tay.

Đáp lại bạn, tôi giơ tay bắt lấy. Bạn thoáng giật mình khi tôi chạm vào. Tôi vui vẻ nói:

- Được, mình là Jisung, Choi Jisung. Khi nào cần giúp đỡ cứ bảo mình.

Nói rồi, tôi mau chạy đi. Sau lưng tôi truyền đến cảm giác ánh mắt ai vẫn dán chặt vào mình, nhưng tôi chẳng nghĩ ngợi chi sâu xa.





Lúc tôi quay lại căn phòng cũ, Hanbin và anh Zhang Hao đã biến mất không một dấu vết. Các ông bà vốn quanh quẩn gần đây cũng chẳng thấy tăm hơi đâu. Mọi sự sống như hóa thành thinh không trong nháy mắt.

Tôi cố gắng quan sát để tìm lời giải cho tất cả những gì đang diễn ra, nhưng rồi tôi chợt nghe tiếng violin du dương từ xa vọng lại. Tôi ngừng nghĩ để lắng nghe cho âm thanh kia rót vào tai và từng bước, từng bước, tôi đuổi theo những nốt nhạc trầm bổng.

Phòng nhạc chật cứng kẻ đứng người ngồi, đủ cả học sinh, nhân viên lẫn dân cư sinh sống nơi viện dưỡng lão. Tôi phải kiễng chân mới nhìn được trong đoàn người đông đúc.

Len lỏi qua những mái đầu, tôi thấy chiếc violin nâu nằm gọn trên vai áo trắng của người chơi nhạc. Cây vĩ bay lượn trong không khí, nhảy múa trên dây đàn. Anh ta nhắm mắt tận hưởng giai điệu, tay kéo đàn như đang vẽ tranh.

Không gian tĩnh lại như thể chờ đón sự chào đời của một mầm sống mới. Ấy là người nghệ sĩ vĩ cầm lần đầu biểu diễn trước công chúng, hay là vì tinh tú ghé thăm trần gian? Tôi mãi đắm chìm trong bản nhạc mà quên mất bao nhiêu thời gian đã trôi qua.

Khi tiếng nhạc ngừng cũng là lúc tôi trở về với thực tại. Khán giả đồng loạt nổ tràn pháo tay hoan hô, khắp nơi rộ lên tiếng hỏi người ấy là ai. Lúc đó, tôi mới bất ngờ để ý kĩ người chơi đàn.

Hóa ra là anh Zhang Hao. Anh một tay cầm đàn, tay cầm vĩ cúi chào khán giả từ từ rời đi. Hanbin nhào đến ôm chầm lấy anh. Zhang Hao chưa từng nói với tôi và cậu về niềm đam mê, chúng tôi luôn nghĩ anh chỉ quan tâm đến việc học.

Tôi bước tới anh, vỗ tay, kinh ngạc trước sân khấu ấn tượng. Tôi hỏi:

- Anh học violin từ bao giờ thế? Sao em không nghe nói gì cả.

- Anh bắt đầu từ năm mười hai tuổi, anh không nói vì... ngại. - anh cười trừ.

Hanbin nhẹ đấm vai anh, trách móc:

- Ngại cái gì, tụi em muốn biết mà. Có gì phải nói hết đi chứ.

- Ừm, lần sau anh chắc chắn sẽ làm. - anh xoa đầu cậu.

Chúng tôi đứng tán gẫu vài câu thì bỗng nhiên được gọi. Cụ bà ngồi xe lăn đang vẫy tay ra hiệu cho ba đứa. Chúng tôi vâng lời, lon ton chạy tới khom lưng nghe bà nói:

- Gần đây bà làm mất một món đồ, không rõ là gì, cứ nhớ nhớ quên quên. Các cháu tìm giúp bà được không?

- Có phải thứ gì quý giá không hay là vật dụng hàng ngày vậy ạ? - Zhang Hao nhanh nhảu hỏi.

- Ôi... bà chẳng có chút ký ức nào cả. Cháu ráng xem xem nhé, chắc đâu đó quanh đây thôi.

Chúng tôi hứa sẽ giúp rồi phụ đưa bà đến nhà ăn.





Ba đứa ngồi cùng bàn với các cô chú anh chị nhân viên. Tay trộn thức ăn với cơm, tôi nói:

- Tại sao bà ấy không biết mình mất gì được nhỉ?

- Ừ, tớ chẳng hiểu nữa. Làm sao tìm được đây.

- Có phải các em đang nói bà cụ tóc muối tiêu, hôm nay mặc áo thun màu xám, ngồi suốt ở phòng nhạc không? - cô y tá hỏi vì nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi.

- Vâng, đúng rồi ạ. Bà ấy có gì đặc biệt cần phải lưu ý không ạ?

- Bà bị Alzheimer đấy, năm nay đã bảy mươi bốn tuổi rồi. Vì Alzheimer mà bà hay nóng giận thất thường, hay lang thang thơ thẩn khắp nơi. Các em bị bà đánh cũng đừng giận nhé, do bệnh của bà, không phải tính tình bà đâu.

- Khi nói chuyện với bà phải thật bình tĩnh, hỏi một câu trả lời một câu, không được hấp tấp. Đừng cố gắng tranh cãi vô ích. Món đồ bà nhờ nếu không tìm được thì thôi, cô chú lục tung cả tuần nay rồi mà vẫn không thấy.

- Chúng em cảm ơn, chúng em chắc chắn sẽ ghi nhớ ạ! - anh Zhang Hao đáp.





Chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ lúc hai giờ chiều, sau giấc ngủ trưa của các ông bà cụ. Manh mối đầu tiên có thể dẫn đến vị trí của món đồ thất lạc là tìm kiếm ở những nơi bà thường sinh hoạt. Nghĩ thế, chúng tôi mau chóng xin phép để được "khám xét" giường bà.

Nơi bà nằm được dọn dẹp ngăn nắp, đồ đạc sắp xếp cẩn thận trong chiếc tủ đầu giường. Tủ có một ngăn kéo và một kệ gỗ để bày biện vật dụng linh tinh. Trên kệ gồm vài con gấu bông, bức tượng hình chậu hoa và quả địa cầu thu nhỏ. Chúng tôi trông những thứ bà đặt ở đó mà cảm thán:

- Bà vẫn còn trẻ lắm đấy! - Hanbin nói.

- Tượng này có phải tự bà tô không nhỉ? - Zhang Hao thắc mắc.

Tôi cầm pho tượng ngắm nghía nhưng không thể đưa ra lời giải đáp nào, tôi bảo:

- Người bị bệnh Alzheimer thường gặp khó khăn trong việc cất giữ đồ gọn gàng. Nhưng nhìn cách bà trưng bày đồ vật ở đây, chắc hẳn bà phải yêu quý những thứ này lắm. Còn quả địa cầu không biết có ý nghĩa gì không.

Hanbin mở ngăn kéo tủ, bên trong chỉ có hai cây bút chì, cục tẩy và khung ảnh cũ. Ảnh chụp một người đàn ông, phụ nữ và một bé gái, có vẻ là ảnh gia đình.

Chúng tôi mất hồi lâu để tìm khắp các ngóc ngách nơi bà nghỉ. Từ khoảng cách năm mét trở lại, chúng tôi không bỏ sót một chi tiết. Kế hoạch là mang về bất kì thứ gì trông giống "đồ vật bị đánh mất" để gợi bà nhớ.

Sau nửa tiếng nỗ lực, chúng tôi thu hoạch được cây trumpet nhựa và cuốn truyện cũ. Cả ba hí hửng đến phòng nhạc cho bà xem.

- Không, không phải hai thứ này. Các cháu tiếp tục đi. - bà nhăn nhó xua tay.

Chúng tôi bắt đầu công cuộc "do thám" gian nan ở địa điểm số hai - phòng nhạc. Nhưng với mỗi món đồ được đưa đến, bà lại giận dữ bảo không. Anh Zhang Hao sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ bà, anh nhanh trí chơi chiếc violin để bà nguôi cơn giận.

Nhờ anh, bà bình tĩnh được đôi chút. Bà nhắm mắt, khẽ ngân nga một giai điệu:

"Arirang, arirang, arariyo,
Vượt qua đèo ngang Arirang

Trên trời quang có biết bao nhiêu vì sao sáng
Thì bấy nhiêu ước mơ nằm trong tim chúng ta."

Đây là điệu dân ca Hàn Quốc Arirang, từng vùng có biến thể riêng. Phiên bản bà vừa hát là bản phổ biến nhất. Tuy nhiên, bà đã bỏ phần lời chính giữa.

- Bà chẳng có ký ức về điều gì cả, nhưng kì lạ thay, bà lại nhớ bài hát ấy, bà nhẩm nó trong đầu như một thói quen. Khi nào bà trong lòng bà cũng nôn nao một cảm giác phải chờ đợi, nhưng bà chẳng biết mình đang trông mong điều gì, chỉ biết phải đợi, nhất định phải đợi.

Chúng tôi lặng thinh nghe bà nói. Alzheimer khiến não bộ con người dần mất đi chức năng cơ bản. Khi bệnh tình trở nặng, bệnh nhân phải sống lệ thuộc vào người khác, không còn nhận thức về thế giới xung quanh.

Mắt bà thình lình sáng bừng lên, bà nhìn chúng tôi, vẻ mặt hi vọng.

- Các cháu lấy cho bà quyển sổ trong ngăn kéo cạnh giường đi! Đó là cuốn ghi chú bà dùng phòng khi quên hết mọi chuyện. Già rồi, lẩm cẩm, làm phiền các cháu quá!

- Không sao đâu ạ. Nhưng lúc nãy chúng cháu đã tìm rồi và không thấy gì cả, bà có nhầm lẫn không ạ?

- Vậy thì cô y tá Han... Han... nào đó cầm. Các cháu chịu khó kiếm cô nhé!

Chúng tôi dạ vâng rồi nhanh chân chạy đi tìm. Một lúc sau, chúng tôi đưa bà quyển sổ bìa da nhỏ. Bà nhờ chúng tôi đọc lớn.

Lời tựa viết:

"Cuốn nhật kí này tồn tại như một minh chứng rằng ta từng tồn tại trên cõi đời này.

Cho ngày ta không còn nhớ bản thân mình là ai, ta sinh ra để làm gì.

Tên ta là Park Misook."

Hanbin lật vào trang đầu tiên.

"Ta sinh ngày 23 tháng 11 năm 1937, không chồng, không con. Ta kiếm tiền bằng nghề giáo và sống một mình trong căn nhà do cha mẹ để lại.

Ngày 25 tháng 7 năm 1950, chàng trai ta yêu lên đường tham gia cuộc Chiến tranh Triều Tiên chia cắt hai miền đất nước. Đã 54 năm trôi qua kể từ ngày pháo đạn vắng bóng trên chiến trường, nhưng sao chàng vẫn chưa về nhà?

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, chẳng mấy chốc đã gần một đời người. Tháng chín năm nay, ta được chẩn đoán mắc Alzheimer. Số phận đã định ta phải chôn chân ở đây cả đời.

Rồi sẽ đến ngày căn bệnh này ăn mòn lấy ta từ tận sâu trong xương tủy, quật ngã ý chí của ta, buộc ta tuân theo bánh xe số phận.

Nhưng ta không muốn thuận theo số phận. Cuộc đời ta phải do ta định đoạt.

Thế nên dù hơi thở này lụi tàn, đôi chân này khuỵu ngã, ta vẫn nuôi một niềm hi vọng, dù nhỏ bé le lói, rằng chàng vẫn đâu đó ngoài kia...

Chờ đợi để ta được gặp."

Tim chúng tôi hẫng đi một nhịp.

Với hai mươi trang tiếp theo, bà chỉ viết về cuộc sống thường nhật. Bà ghi chép mọi thứ rất chi tiết như thể sợ rằng những thói quen vô cùng giản đơn ấy sẽ phai mờ vĩnh viễn khỏi tâm trí.

Hanbin tiếp tục đọc, cậu đang dừng ở trang cách hôm nay bảy ngày.

"Đây là món quà chàng tặng ta trước ngày lên đường nhập ngũ. Nay ta chôn vật này xuống đất, dưới tán cây bạch quả trong khu vườn nơi viện dưỡng lão. Nguyện cho ta và chàng mãi mãi bên nhau, nguyện cho tình cảm này vẫn vẹn nguyên như ngày đầu."

Như vỡ ra điều gì, bà đột nhiên thốt lên:

- Phải, bà nhớ rồi! Bà không làm mất gì cả, bà chỉ quên rằng từng cất kĩ một món đồ rất quý giá. Nào, nhanh lên, giúp bà ra sân!

Chúng tôi vui mừng đẩy chiếc xe bà ngồi lọc cọc tới vườn, đến đúng vị trí được mô tả trong quyển nhật kí. Ba đứa vừa đào vừa xới khắp nơi, cuối cùng phát hiện được gì cưng cứng dưới lưỡi xẻng. Chúng tôi vội vàng dùng tay gạt sạch đất cát che lấp phía trên và đưa cho bà một chiếc hộp gỗ nhỏ.

Bà mê mẩn ngắm nhìn chiếc hộp ấy rồi nhẹ nhàng bấm mở khoá. Nắp hộp bật tung lên, tiết lộ thứ nằm bên trong. Ký ức của bà cũng theo đó ùa về.

- Đây là đàn nhị Haegeum, một loại đàn truyền thống của Hàn Quốc. Khi còn nhỏ bà thường chơi thứ nhạc cụ này cho ông nghe. Hình dáng của đàn Haegeum rất giống cây violin của phương Tây, vậy nên khi xem cháu bé người Trung Hoa kéo đàn, bà lại nhớ về ngày xưa. Năm mười lăm tuổi, bà gặp ông lần đầu tại đất Cheonan, còn ông là người Gyeonggi. Mỗi lần gặp bà, ông đều ca khúc Arirang nơi quê nhà nhưng bỏ đoạn giữa, ông bảo rằng vì khúc ấy sầu thảm quá, ông không muốn bà buồn. Bởi thế mà bà chỉ nhớ đoạn ông hát.

Bà mất rất lâu để nói hết ý và gặp nhiều khó khăn với việc nhớ tên. Tuy vậy, chúng tôi vẫn yên lặng lắng nghe để bà diễn đạt trọn vẹn suy nghĩ.

Bà nâng niu chiếc đàn Haegeum trên tay. Đó tuy chỉ là phiên bản mô phỏng lại nhưng được chạm khắc rất tinh xảo. Bà ngắm nghía nó tựa một báu vật vô giá.

Cả người bà bỗng run lên bần bật, bà cố kìm nén tiếng nấc nghẹn đang đấu tranh bằng tất cả sinh lực để thoát khỏi cổ họng. Bà ôm chặt chiếc đàn kia vào lòng, tựa hồ sợ hãi sinh mệnh của ông trong món quà ấy sẽ tan biến thành mây khói.

Từng giọt mưa tí tách đổ xuống từ nền trời cao vời vợi.





Chúng tôi xếp hàng chào các ông bà cụ để lên xe ra về. Cụ bà Park Misook không có mặt, cô chú nhân viên bảo bà mệt nên đã đi nằm. Họ cảm ơn ba đứa vì đã hết lòng giúp đỡ, còn hẹn chúng tôi sau này lại tới thăm.

Trên chuyến xe về trung tâm Cheonan hôm ấy, các hành khách ngủ li bì. Chỉ chúng tôi không sao chợp mắt được.

Khi tôi còn mãi nghĩ ngợi lung tung, một giọng hát vang lên trong góc tối. Ấy là giọng của Hanbin:

"Arirang, arirang, arariyo,
Vượt qua đèo ngang Arirang

Hỡi người mà rời bỏ tôi
Chân người sẽ đau nhói dù chưa đi được mười dặm

Trên trời quang có biết bao nhiêu vì sao sáng
Thì bấy nhiêu ước mơ nằm trong tim chúng ta."

Ngoài trời, mưa vẫn rơi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top