KẾT - "một ngàn không trăm chín lăm ngày chăm pug"
Những chuyện xảy ra trong một ngàn không trăm chín lăm ngày đổ về trước, ồ, chắc chắn là cả về sau nữa.
. . .
Tệ thật, cuộn len lại chui vào cái gầm tủ lạnh thấp tẹt, và những con búp bê gốm cũng đã nằm im lìm dưới gầm giường rồi. Tôi khó chịu mài móng ken két, chồm hỗm trước cảnh nhà trống vắng của buổi sáng đầu tuần.
Tôi lại hết cái để chơi, rồi lại chán nản rúc vào giường anh nhỏ ngủ dài. Việc này trở thành một loại thói quen sau khi hai anh chủ đã đi làm, bởi tôi là một con mèo ngoan ngoãn. Và nếu ngứa chân phá nhà thì cá cũng chẳng có mà ăn.
Khổ nỗi căn nhà mới này có vài phòng nhưng rộng quá, nên bản tính loài mèo không cho phép tôi xoè chân ra đào bới mọi ngóc ngách được. Đúng rồi đấy, anh chủ lớn gộp tiền với anh nhỏ, vay nợ nhiều khoản để tậu luôn một căn mới tiện đường tới chỗ làm của cả hai rồi.
Đúng là anh lớn vẫn làm chức cao, lương đủ dùng. Còn anh nhỏ ấy hả, quyết định xin vào làm ở quán macaron nho nhỏ bên góc phố rồi. Nghe nói ở đó phát lương theo tiêu chí 9 phần lương - 1 phần macaron nguyên bao chuẩn vị, nên anh nhỏ mới hí hửng phi vào xin một chân phụ việc. Vừa có tiền lại vừa có bánh, lại không nặng nhọc nên nhiều ngày còn quyết liệt tăng ca ở lại bán bánh.
Gì thì gì, anh lớn cũng thừa sức mua cả chục thùng container đầy macaron, cơ mà trọng điểm là anh nhỏ chẳng mở miệng ra xin, mà lại kiên quyết đi làm cơ.
Nên là - 'méo' - dạo gần đây tôi đã rất nghiện macaron, thậm chí ngày nào cũng lôi ra vài cái tẩm bổ cho bụng mỡ no tròn của mình. Chuyện chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu nếu anh chủ nhỏ biết kẻ ăn trộm bánh của mình hoá ra không phải anh lớn. Đệm thịt dưới chân tôi rõ ràng hay dính đầy vụn bánh, nhưng người ta có nhận ra đâu.
Anh chủ vẫn nghĩ tôi nói không với ăn vụng, nên đã tặng tôi phần quà báo đáp cho sự ngoan ngoãn, một cái ô tô tải đồ chơi dạng lên dây cót.
Phần quà khủng khiếp nhất trên đời. Tôi xin bán chín cái mạng để đổi lấy sự biến mất của nó.
Tôi sẽ không nói rằng phần đầu xe trông y hệt bản mặt thằng mèo quỷ quái hống hách ở trại mèo khi trước đâu. Một thằng mèo đực không phẩm chất.
Nhìn cặp đèn pha vàng chói lọi xếch lên như mắt mèo, rồi cả màu xanh lá cây phảng phất đầy mùi ghen tị và ngạo nghễ phủ đầy thân xe, tôi kết luận đây chính là nhân vật phản diện xấu xí nhất mình từng thấy.
Dù sao thì, có mấy lần anh lớn cố tình kéo dây cót cho con xe to tổ chảng ấy phi qua người tôi, thì ngay sau đó tôi sẽ hăng say lao tới cào hai quả đèn pha phía trước. Ô tô tải thế mà vẫn chưa hỏng, nên tôi tìm cách ủn nó vào sâu trong góc bếp, sẽ không ai tìm được nó và làm tôi kinh hồn bạt vía nữa.
Sau đó thì anh chủ quyết định mua thêm mấy cô búp bê sứ. Nhưng cũng chẳng đến đâu, vì tôi đưa chân gạt nhẹ một lần đã vỡ toang.
Và thế là tôi trở lại với cuộn len truyền thống và bộ sưu tập búp bê gốm, vì chúng là hai thứ duy nhất tôi không phải kì công giấu đi.
Tất nhiên là khi chúng rơi xuống bất kì loại mặt phẳng nào quá khó để luồn lách, tôi sẽ bỏ cuộc để đánh một giấc thẳng đến tối luôn, và tất nhiên sẽ có người lôi cuộn len rối mù và đám người tí hon ra cho tôi rồi.
Sau đó là phục vụ bữa tối. Loài mèo được phục vụ suất ăn của ông hoàng, với thực đơn hàng ngày là sáu mẩu cá viên và hai lát cá nguyên vẹn. Thơm ngon bổ dưỡng, lại được khuyến mãi thêm tô nước sánh mùi thảo quả.
Còn hai người ngồi trên, một đen một đỏ ngày nào cũng chụm đầu lại húp mì sột soạt.
Ai nói dư dả rồi thì không thích mì? Dù sao cả quãng đời sinh viên cũng đầy ắp mì, thói quen khó bỏ thì có râu tóc bạc phơ cũng vẫn yêu thương hộp mì hết mực mà thôi.
Chưa kể đến, sau một hồi ăn uống xa hoa đợt mới tậu lương, hai anh chủ còn tiêu sạch chỉ sau vài giây. Vậy nên đợt đó chừng giữa tháng năm mà chịu cảnh cắt điện, tôi tức lên "méo méo" cả ngày. Mà mèo là ông hoàng, mèo là tiền, nên loài người ắt phải nghe theo.
Chung quy lại thì ăn mì là vui nhất.
Rồi chưa dừng lại ở đó, mà còn cả bữa đêm nữa chứ. Bữa bắt đầu và kết thúc trong khoảng mười hai cho tới một giờ sáng, khi mà hai kẻ yêu nhau nằm ngả ngớn trên sofa phòng khách, lúc thì bật ti vi liến thoắng cái gì đó, lúc thì nghiên cứu tài liệu khuya.
Tuyệt nhất là có đợt tôi phát hiện ra hai anh chủ nằm nghiên cứu cuốn 'Cẩm nang nuôi mèo' say sưa tới mức đổ đồ ăn khuya lênh láng xuống sàn, rồi ngủ gục cho tới khi mùi đồ ăn gay mũi bốc lên, gần tới sáng mới mệt phờ vì dọn xong đống đổ nát kia. Tôi thì nằm trong lòng một trong hai người, nên có động tĩnh gì đều biết, chỉ là lười không mở mắt.
Cũng về vấn đề chăm mèo và yêu mèo, hai anh chủ rất lấy làm lạ việc tôi chẳng bao giờ tắm nắng. Thường thường khi chủ trở lại nhà, mấy em mèo ngoan ngoãn phải đang nằm vất vưởng liếm lông dưới nắng, đưa cái mũi hửi hửi mùi nắng sớm. Cơ mà tôi thì hoàn toàn không, phần lớn thời gian là ngủ, phần còn lại là hơ người dưới điều hoà mát lạnh buổi sớm.
Vậy nên, ngoài việc kêu meo meo ra thì tôi gần như mất đi toàn bộ bản tính loài mèo, sau ba năm thì tới chạy nhảy cũng lười.
.
Sau khi chuyển nhà mới, hai anh chủ sinh hoạt càng không có thể thống. Được phần sáng đi thể dục, thì đêm lại gắp bỏng xem phim ngay.
Anh nhỏ tít mắt hí hửng chuyển vào cùng phòng anh lớn, chính thức sát nhập chỗ ở. Ý nói là hai anh ở chung một phòng, còn loài mèo thì tự đi chỗ khác.
Tiếp theo thì, hai anh chủ đã lỡ làm cháy nồi, lỡ làm đổ dĩa thức ăn, và hậu đậu hơn là chia nhầm cá cho tôi. Điều này cũng là từ chăm chỉ vì tiền mà ra. Công việc vất vả nên cái gì đến sẽ đến, đây còn là chỉ sau ba năm.
Điển hình là đợt chuẩn bị cho sinh nhật tôi, một đỏ một đen cuống cuồng đi mua đồ chuẩn bị loạn cào cào hết cả lên, kết quả là cá ngoài siêu thị thì hết, mấy chùm đồ len cho mèo lại rối hết vào nhau, tan tành cái sinh nhật và rốt cuộc là nằm xem phim kiếm hiệp thâu đêm.
Chỉ có thế thôi, nhưng dần dà cũng phải làm quen để còn tiến bộ. Sáng rảnh rỗi thì làm bữa sáng cùng nhau, hiển nhiên là sau nhiều lần luyện tập. Cuối cùng là ngồi tĩnh lặng vuốt lông mèo tới tám giờ trong khi tôi thì thiu thiu ngủ.
Tới công ty rồi, hôm nào camera trong nhà bị hỏng (cốt là để theo dõi xem tôi có lục tìm tủ lạnh hay không), cậu Junho sẽ được bổ nhiệm thành người chăm sóc tôi. Chỉ tầm vài ngày một tháng thôi, nhưng hôm nào cậu trai gõ cửa cốc cốc là biết ngay có cá hảo hạng.
Thường thì cậu Cha sẽ ngồi than vãn về việc bạn thân có bồ, vẫn chưa bỏ cuộc sau đợt đi biển mãi từ mấy năm về trước. Tất nhiên là tôi có chút đồng cảm, cơ mà bánh kẹp cá và lũ cá đóng hộp trông hấp dẫn quá, làm sao mà tập trung nổi vào câu chuyện bi thương đó chứ.
Và có khoảng thời gian cậu Junho ngủ khò cùng tôi cho đến tối luôn.
Cô đơn cũng khổ.
.
Anh lớn và anh nhỏ hay cãi nhau về vấn đề giặt ủi, hay việc người kia tắm quá lâu gây trì hoãn việc hệ trọng. Sau đó thì mâu thuẫn được giải quyết bằng cách quy lại tất cả làm của chung hết. Từ dầu gội, sữa tắm, đến cả quần áo cũng lẫn lộn hết cả. Tắm chung thì có lẽ.
Đêm giao thừa năm nào đấy, anh nhỏ khều tôi dậy từ giấc ngủ, bày ra một đĩa nào là táo nào là lê, bưng đại một khay trà ra ban công. Gió thì lồng lộng, mà người thì cứ nói chuyện tình tứ, hai anh chủ đích thân ngồi đếm lương ngay vào đêm giao thừa. Son thì son, cơ mà gió có cuốn bay mớ mồ hơi nước mắt kia đi thì cũng chết.
Chẳng biết đâu, cơ mà như thường ngày, người ta cứ thì thầm khúc khích với nhau mấy cái gì ấy.
Pháo hoa thì đùng đoàng giật tung trời. Hai anh chủ thì ngoéo tay hẹn ước cái gì xa vời lắm. Sến rện sởn gai ốc, cơ mà nhìn người ta hạnh phúc là được. Chủ vui mèo mới có cá, còn không thì cạp đất mà ăn.
.
Cứ mỗi ngày là ba bữa cá, ba lần chào nhau khi đi, khi về, và khi ngủ.
Lạ cái là, giường thì có mà hai chủ cứ nằm chết ngắc trên sofa, ngứa tay lại sờ sờ đuôi tôi khi đang ngủ ngáy.
Ngày nghỉ lúc nào cũng mua cả thùng đồ ăn về đánh chén. Sớm, ngấn mỡ lại to thêm một vòng. Kem thì đã chật kín cả tủ, lại chứa thêm cả một tầng bò khô để nhậu nhẹt ban đêm nữa.
Năm trước nhà ba người chúng tôi lại vác nhau ra biển, song gió lộng quá nên lại trở về kế hoạch ăn kem qua hè.
Mấy đợt đông về, hai chủ một lớn một nhỏ kéo cửa phòng kín mít, một ngốn khí lạnh cũng tuyệt đối không được chui vào nhà. Chủ nhỏ trổ tài đan khăn len, chủ lớn lần mò đan mũ len, chưa hết đông mà mấy cuộn len của tôi đã bay biến đi đâu rồi. Sản phẩm có phần méo mó, cơ mà dù sao cũng làm đồ trưng bày hết cả thôi.
Mùa đông năm nào đấy, chủ nhỏ mua tặng tôi một đôi mũ len, một đen một đỏ. Tất nhiên là có chủ ý hỏi thích đen hay đỏ hơn, để nếu tôi chọn đỏ còn cười đắc ý với tóc đen. Thế nên tôi làm bộ lưỡng lự rồi chụp nguyên hai cái lên đầu.
Ngày đông ấy mà, ngoài mì ra, người ta cũng đam mê lẩu, tháng nào cũng thổi phù phù như chết đi sống lại. Còn tôi, quanh năm ngoan ngoãn cuối cùng cũng được thưởng thêm mười lát cá.
Chẳng nhớ là bao lâu nữa, cơ mà mùa đông thì anh lớn anh nhỏ cứ chuyền tay thi nhau ôm tôi. Thì do họ giảm mỡ bụng rồi, còn tôi chỉ cứ béo lăn quay theo ngày. Vậy nên lần mò sờ sờ ngấn mỡ mèo dưới đám lông cong queo vì thời tiết đúng là phúc tổ bao đời của loài người.
.
Giữa những ngày nằm lười biếng ngắm mưa rồi thiu thiu ngủ trên tấm thảm dày, tôi thường quan sát anh lớn anh nhỏ chụm đầu vào nhau gõ máy tính lạch cạch tung toé như thể mất việc là mất lí tưởng sống vậy.
Giữa những ngày bận bịu là những ngày vui chơi, mà vui chơi nhiều quá thành ra làm thân được với cả bầy chó của khu họ sống luôn rồi.
Sau những ngày đông lại đi qua ba mùa, về lại đông rồi lại đắp chăn sưởi người, đi qua hè rồi lại ngồi quạt rã tay. Tôi thì chẳng bị ảnh hưởng nhiều, vì loài mèo chính là từng đồng chắt chiu của hai anh chủ yêu tiền yêu bạc. Cơ mà con người có khi lại rét run cầm cập rồi nóng vã mồ hôi.
Mùi nồng của những tháng mưa dai dẳng quả không vui, tuy nhiên người thì vẫn chụm đầu người, người thì vẫn trò chuyện khúc khích dưới vạn cơn giông giật gân tới hoảng hồn.
Hai anh chủ có loại liên kết bền chặt gì đó tôi chẳng rõ, để khiến những câu đùa nhạt thếch thành vui vẻ, để khiến những lời sáo rỗng thành chân thành. Nhưng lũ mèo chuồng bên của tôi, chúng gọi đó là tình yêu vĩnh cửu.
Khoa trương thì cũng thật đấy, cơ mà vĩnh cữu cũng tốt. Vĩnh cửu, thì cá cũng theo tôi tới tám cái đời còn lại luôn. Chẳng phải hay sao, một nhà ba người hay hai cũng là tình yêu mãi mãi, hạnh phúc lâu dài mà thôi.
Những ngày mưa dai dẳng cuối tháng, anh chủ nhỏ vừa huýt sáo, vừa cầm theo hàng bao nhiêu túi macaron trở về.
Anh chủ lớn dắt tôi theo, nhà ba người rốt cục gặp nhau giữa đường.
"Trời mưa to mà chạy bộ về, muốn anh đánh chết cậu à?"
Cậu chủ lớn dắt cậu chủ nhỏ cùng tôi đi trú mưa, cạn luôn buổi chiều.
Hoá ra kịch bản "Một túp lều tranh hai trái tim vàng" cũng chẳng tệ như lời cậu mèo kia nói.
KẾT.
27/05/2020
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top