hanjieun - tomtat
Những vấn đề liên quan đến quyền lợi của NTD đang ngày càng được coi là một nội dung quan trọng trong chính sách và hệ thống pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bảo vệ quyền lợi của NTD là một nội dung mang tính hiến định đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Điều 28 của Hiến Pháp 1992 quy định: "Nhà nước có chính sách bảo hộ quyền lợi của người sản xuất và NTD". Nguyên tắc này đã được tiếp tục cụ thể hoá trong các bộ luật và nhiều văn bản hướng dẫn khác nhau. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng thực hiện công tác BVNTD.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quyền lợi của NTD trong thời gian qua thường xuyên bị xâm hại. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do pháp luật BVNTD được xây dựng quá sơ sài, không rõ ràng. Thực tế, NTD không những không biết đến những quyền và lợi ích của mình mà thậm chí khi giao dịch với thương nhân, NTD trong nhiều trường hợp bị thiệt thòi, họ cũng chưa có đủ cơ sở pháp lý cũng như công cụ hữu hiệu khác để bảo đảm quyền lợi của mình. Bởi vậy, để nâng cao tính khả thi, tính minh bạch của pháp luật bảo vệ quyền lợi của NTD và tạo hành lang pháp lý thuận lợi để góp phần phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh, NTD và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với vấn đề bảo vệ quyền lợi của NTD, việc ban hành Luật Bảo vệ NTD trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Chính từ những lý do trên, tôi chọn đề tài Hoàn thiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam để nghiên cứu. Về mặt lý luận, khóa luận này góp phần làm rõ thêm những lý thuyết, nguyên tắc bảo vệ NTD của Liên Hợp Quốc cũng như một số nước nói chung và của Việt Nam nói riêng. Về mặt thực tiễn, khóa luận này cố gắng đưa ra một số ý kiến để hoàn thiện pháp luật BVNTD nhằm phần giải quyết những bất cập trong lĩnh vực BVNTD, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu hội nhập kinh tế.
Đi theo một trục xuyên suốt là BVNTD theo các quyền và lợi ích của người tiêu dùng, khoá luận đã xác định những quyền và nghĩa vụ của NTD là gì, nó bị xâm phạm như thế nào, để từ đó đề ra những biện pháp để đảm bảo những quyền và lợi ích của NTD. Bố cục của khoá luận gồm có:
Phần mở đầu: gồm 5 mục
Phần nội dung: gồm 3 chương
Phần kết luận
Tài liệu tham khảo
Chương 1: Những vấn đề chung trong việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
1.1. Khái niệm người tiêu dùng và vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
* Khái niệm người tiêu dùng
Vấn đề người tiêu dùng là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Theo Wikipedia, NTD là một từ nghĩa rộng dùng để chỉ các cá nhân hoặc hộ gia đình dùng sản phẩm hoặc dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế.
Trong lĩnh vực pháp luật, mỗi nước lại có những tiêu chí xác định và có định nghĩa khác nhau về NTD. Trên cơ sở đó, định nghĩa về NTD có thể bao gồm các nội dung sau:
1. Thứ nhất, NTD có thể là:
a. Người mua hàng hoá hoặc dịch vụ
b. Người sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ
c. Người mua và sử dụng hàng hoá hoặc dịch vụ
2. Thứ hai, hàng hoá và dịch vụ đó nhằm phục vụ cho cá nhân và gia đình hoặc tập thể với mục đích tiêu dùng cá nhân, không phải với mục đích kiếm lời, sản xuất. "Tập thể" ở đây được hiểu là một cộng đồng cùng sống, cùng sinh hoạt với nhau và cùng có những nhu cầu về tiêu dùng cá nhân (không phải tiêu dùng sản xuất) như các cháu ở nhà trẻ, học sinh, sinh viên ở nội trú...
* Vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Bảo vệ NTD là một nội dung nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế; các quốc gia, chính phủ; các doanh nghiệp sản xuất và bản thân NTD.
Ở cấp độ quốc tế, việc BVNTD nằm trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc, các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế như CI, ASPEC, CAG,...
Ở cấp độ quốc gia, nhiều nước đã đưa ra những chính sách, pháp luật về NTD cũng như thành lập cơ quan về BVNTD như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Hồng Kông, Ấn Độ, Nga, Nauy, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Anh....
Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế và các thành viên của nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào NTD trên toàn thế giới, đấu tranh cho những quyền lợi của NTD và có những hoạt động quần chúng trên bình diện quốc tế trong mọi lĩnh vực: thương mại, tiêu chuẩn sản phẩm, an toàn thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế, tài chính....
Hàng năm, NTD quốc tế tổ chức Ngày quốc tế về NTD với những chủ đề, sáng kiến khác nhau nhằm cổ vũ cho những quyền cơ bản của NTD, phản đối những lạm dụng và bất công trong xã hội vi phạm quyền lợi của NTD.
1.2. Quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng
Theo đề xuất của Quốc tế NTD ngày 9/5/1985, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết số 39/948 có tên gọi là: "Các nguyên tắc chỉ đạo để bảo vệ NTD", trong đó công bố 8 quyền của NTD, đó là:
- Quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản
- Quyền được an toàn
- Quyền được cung cấp thông tin
- Quyền được lựa chọn
- Quyền được lắng nghe
- Quyền được bồi thường
- Quyền được giáo dục về tiêu dùng
- Quyền được sống trong một môi trường trong sạch và bền vững
* CI đã đưa ra những trách nhiệm của người tiêu dùng:
- Biết phê bình
- Biết hành động
- Biết quan tâm đến xã hội
- Hiểu biết về tiêu dùng
- Có ý thức cộng đồng cao
1.3. Nguyên tắc đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng
Bản hướng dẫn bảo vệ NTD của Liên Hợp Quốc đã đưa ra ra những nguyên tắc chung và những nguyên tắc chỉ đạo, tạo cơ sở cho chính phủ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển sử dụng để chi tiết hoá và thúc đẩy chính sách, pháp luật BVNTD.
Tuy nhiên bản Hướng dẫn cũng lưu ý chính phủ mỗi nước cần ưu tiên cho việc BVNTD phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội và với nhu cầu của nhân dân từng nước, việc áp dụng các quy định về BVNTD không gây cản trở và mâu thuẫn với điều ước về thương mại quốc tế.
Bản hướng dẫn cũng cung cấp cho các chính phủ một khung trong đó họ có thể điều hành và xây dựng một hệ thống BVNTD tốt nhất cho đất nước họ. Mỗi chính phủ có thể đưa ra nhiều chính sách, quy định và các biện pháp thực hiện về BVNTD.
1.4. Ý nghĩa của việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Bảo vệ lợi ích NTD là một một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt cấp bách ở các nước đang phát triển.
Xét từ khía cạnh kinh tế học, tiêu dùng là một khâu của quá trình tái sản xuất và là mục đích và điều kiện tiên quyết của sản xuất. Tiêu dùng đóng góp tỉ trọng không nhỏ vào tổng sản phẩm quốc dân và NTD là giữ vai trò trung tâm của nền kinh tế, là đối tượng hướng tới của mọi doanh nghiệp. BVNTD thực chất cũng là bảo vệ sản xuất, bảo đảm cho sản xuất phát triển vừa hiệu quả, vừa đúng hướng.
Xét từ góc độ văn hoá - xã hội, con người là trung tâm của những mối quan hệ về sự phát triển bền vững, toàn diện và lâu dài. NTD có quyền được pháp luật bảo vệ với tư cách vừa là công dân, vừa là NTD, có quyền được thoả mãn những nhu cầu cơ bản, được đảm bảo an toàn, hưởng một cuộc sống trong sạch và bền vững...
Chương 2: Thực trạng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam
2.1. Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam
2.1.1. Hệ thống văn bản pháp luật BVNTD
Điều 1 - Pháp lệnh BVQLNTD đưa ra khái niệm về NTD. Theo đó, NTD được hiểu là "người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức", bao gồm: "người mua và là người sử dụng hàng hoá, dịch vụ đã mua cho chính bản thân mình; người mua hàng hoá, dịch vụ cho người khác, cho gia đình hoặc cho tổ chức sử dụng; cá nhân, gia đình, tổ chức sử dụng hàng hoá, dịch vụ do người khác mua hoặc được cho, tặng".
Pháp luật về BVNTD ở Việt Nam bao gồm một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các văn bản pháp pháp lý trực tiếp bao gồm Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999 và Nghị định số 55/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh BVQLNTD. Bên cạnh đó, vấn đề BVQLNTD cũng được đề cập trong các văn bản quy phạm phạm luật khác như Bộ luật Dân sự (2005), Bộ luật Hình sự (2000), Bộ luật Tố tụng dân sự (2004), Luật Thương mại (2005), Pháp lệnh Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (1999), Pháp lệnh Quảng cáo (2001).... Về cơ bản, các quyền và trách nhiệm của NTD đã được quy định tương đối đầy đủ. Cụ thể là:
* Quyền của NTD:
- Quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ và chất lượng hàng hoá, dịch vụ
- Quyền được cung cấp thông tin và được hướng dẫn những hiểu biết cần thiết
- Quyền được đảm bảo an toàn
- Quyền được bảo hành hàng hoá, dịch vụ, bồi hoàn và bồi thường
- Quyền được khiếu nại, tố cáo
- Quyền được thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD
- Quyền được tham gia xây dựng pháp luật BVNTD.
* Trách nhiệm của NTD:
- Tự bảo vệ mình trong việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ
- Thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng hàng hoá, dịch vụ
- Không tiêu dùng hàng hoá gây tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục, gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ của mình và cộng đồng
- Phát hiện, tố cáo những hành vi vi phạm quyền lợi NTD, gây thiệt hại cho mình và cho cộng đồng.
2.1.2. Sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong BVQLNTD
Hoạt động BVQLNTD ở Việt Nam có sự tham gia của mọi cơ quan quyền lực trong bộ máy nhà nước.
- Là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ ban hành Luật về BVQLNTD.
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BVNTD trong phạm vi cả nước.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tham gia tích cực vào công tác BVQLNTD.
- Viện Kiểm sát và Toà án nhân dân trong phạm vi chức năng của mình cũng có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, giám sát và đảm bảo cho pháp luật BVNTD được thực thi trong cuộc sống.
2.1.3. Các chế tài xử lý vi phạm quyền lợi người tiêu dùng
Cũng như mọi lĩnh vực pháp luật khác, pháp luật BVNTD sử dụng cả 3 loại chế tài chế tài dân sự (các biện pháp bồi thường thiệt hại và các biện pháp khác), chế tài hành chính (xử phạt hành chính và các biện pháp khác), chế tài hình sự (hình phạt và các biện pháp khác) để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực BVQLNTD.
2.2. Tình hình xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng
Thực tiễn cho thấy hầu hết các quyền lợi của NTD đã, đang bị xâm phạm hàng ngày, hàng giờ ở những mức độ khác nhau. "NTD Việt Nam được bảo vệ kém nhất trên thế giới" không chỉ vì họ mất đi những quyền lợi cơ bản của mình mà còn bởi khi quyền lợi của mình bị xâm phạm, họ cũng không có cơ hội để đòi lại những quyền và lợi ích chính đáng của mình. Việc vi phạm quyền lợi NTD thể hiện trong mọi mặt của đời sống tiêu dùng như:
- Chất lượng hàng hoá, dịch vụ không đảm bảo: nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dịch vụ trục trặc, không ổn định...
- Vấn đề bảo hành chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mực, trung tâm bảo hành đổi lỗi cho NTD, hay bảo hành qua loa...
- Buôn bán không trung thực về giá: cân đo sai, nói thách, tăng giá...
- Các loại hình vi phạm quyền lựa chọn của NTD như hợp đồng theo mẫu, bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp...
- Quảng cáo, khuyến mại không trung thực, lừa dối NTD.
2.3. Tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi NTD ở Việt Nam hiện nay là Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam (VINASTAS), thành lập vào tháng 5/1988. Đây là một tổ chức tự nguyện của những người hoạt động trong các lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, đo lường, chất lượng và BVQLNTD. Đến nay, hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Tổ chức Quốc tế NTD. Hoạt động của hội chủ yếu dựa trên kinh phí tự có, kinh phí thực hiện dự án và các nguồn tài trợ.
VINASTAS và các tổ chức địa phương thường xuyên tiến hành các hoạt động mang tính chất quần chúng rộng rãi như các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức cho NTD; nghiên cứu, điều tra về NTD; hợp tác với NTD, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể quần chúng khác trong lĩnh vực BVNTD.
Về mặt tổ chức, ngoài các cơ quan, tổ chức trực thuộc Hội, VINASTAS còn có 44 tổ chức các Hội BVQLNTD trên khắp cả nước. Hoạt động của VINASTAS và các Hội BVQLNTD đã góp phần tích cực vào công tác BVNTD ở Việt Nam.
2.4. Nguyên nhân của việc vi phạm quyền lợi NTD
- Trước hết, hệ thống pháp luật BVNTD chưa hoàn thiện còn vừa thiếu, vừa yếu, chưa bao quát hết những vấn đề liên quan đến tự do hoá thương mại và tiến trình hội nhập quốc tế
- Thứ hai, chưa có sự thống nhất trong công tác quản lý, còn có sự dễ dãi, buông lỏng trong công tác quản lý của các cơ quan quản lý chức năng.
- Thứ ba, do ý thức của nhà sản xuất, kinh doanh trong việc BVNTD vẫn chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận kinh doanh mà vi phạm các quyền lợi của NTD.
- Thứ tư, do NTD vẫn chưa hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình. NTD còn thiếu những kiến thức, hiểu biết cũng như các kỹ năng về tiêu dùng.
- Thứ năm, vai trò của của các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo chưa được phát huy trong hoạt động BVNTD.
- Thứ sáu, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Quá trình tự do hoá thương mại cũng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố xâm phạm quyền lợi của NTD như sự lan rộng của các xu hướng tiêu dùng không lành mạnh, sự xuất hiện của các loại hình, phương thức kinh doanh mới....
Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả của việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng
3.1. Hoàn thiện pháp luật BVNTD
Hoàn thiện pháp luật BVNTD là một việc làm cấp thiết và là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm xây dựng pháp luật của các nước trên thế giới, kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999, Bộ Công thương đã tiến hành xây dựng dự thảo Luật BVNTD. Đến nay, đã có dự thảo lần 5 Luật BVNTD. Dự thảo gồm có 8 chương, 66 điều:
- Chương I: Những quy định chung (9 điều);
- Chương II: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước khi giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh (4 điều);
- Chương III: Bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh (7 điều);
- Chương IV: Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình sử dụng hàng hóa, dịch vụ (5 điều);
- Chương V : Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (5 điều)
- Chương VI: Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (30 điều);
- Chương VII: Quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và xử lý vi phạm (4 điều);
- Chương VIII: Điều khoản thi hành (2 điều)
Bằng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, và tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các buổi toạ đàm lấy ý kiến đóng góp... các dự thảo Luật BVNTD, đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội cả về mặt hình thức và nội dung. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, hy vọng dự thảo Luật BVNTD sẽ được Quốc hội chỉnh sửa và thông qua vào thời gian sớm nhất để Việt Nam có công cụ pháp lý trực tiếp và hữu hiệu nhất trong việc bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của NTD phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay cũng như nhiều nước trên thế giới.
3.2. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc đảm bảo quyền lợi NTD
"Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội" trong đó, mỗi chủ thể cần phải thực hiện những biện pháp cụ thể khác nhau và cùng phối hợp hành động để BVQLNTD được hiệu quả.
- Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, xây dựng chính sách, pháp luật, điều phối hoạt động, kiểm tra, giám sát, giải quyết tranh chấp và xử lý hành vi vi phạm
- Các tổ chức xã hội - đoàn thể quần chúng cần đóng vai trò là cầu nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và NTD trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NTD.
- Doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định pháp luật về BVNTD trong việc sản xuất hàng hoá đảm bảo chất lượng, cung cấp thông tin chính xác, thực hiện tốt nghĩa vụ bảo hành...
- NTD cần nắm rõ những quyền và trách nhiệm của mình, thực hiện tốt những quyền và trách nhiệm này, đồng thời xây dựng cho mình một thói quen tiêu dùng lành mạnh.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi NTD trong các lĩnh vực pháp luật, thương mại hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ giữa các quốc gia.
KẾT LUẬN
Qua quá trình nghiên cứu và phân tích về vấn đề pháp luật bảo vệ NTD, ta có thể rút ra một số kết luận như sau:
Thứ nhất, vấn đề NTD và bảo vệ quyền lợi NTD là một vấn đề ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, các quốc gia và bản thân các nhà sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều chính sách, pháp luật và các chương trình hành động cũng như các bảo hộ đặc biệt cho NTD.
Thứ hại, trong bối cảnh toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng hoá và dịch vụ, hệ thống sản xuất và phân phối đã mang lại cho nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho NTD. Tuy nhiên, chính sự phong phú, đa dạng của các loại hàng hoá và dịch vụ cũng khiến cho việc đảm bảo quyền lợi của NTD đứng trước những thách thức đáng kể.
Thứ ba, trong những năm gần đây, vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD thực sự trở nên bức thiết, không chỉ nhà nước, các cơ quan đoàn thể mà hầu hết người dân đều quan tâm đến lĩnh vực này bởi tình trạng xâm phạm quyền lợi của NTD ngày càng diễn biến nghiêm trọng và phức tạp.
Thứ tư, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của NTD, tuy nhiên việc thực thi nó vào trong cuộc sống vẫn chưa hiệu quả do còn nhiều bất cấp và hạn chế, trong khi đó, Luật BVNTD mới cùng với một số dự luật khác liên quan như dự thảo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, dự thảo Luật Đo lường đang trong quá trình soạn thảo. Vì vậy vấn đề hiện nay là làm sao phải nhanh chóng thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có như vậy thì tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới có xu hướng giảm. Việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, văn hoá sâu sắc, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia mà còn đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top