hanjieun - du thao do luong
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: /TTr-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm 2009
TỜ TRÌNH
VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐO LƯỜNG
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Chương trình của Quốc hội về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo Dự án Luật Đo lường. Bộ KH&CN xin trình Chính phủ Dự án Luật này như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VĂN BẢN
Đo lường là một lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các hoạt động đo lường, các nước trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển từ lâu đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và ban hành hệ thống văn bản pháp luật cần thiết, đồng bộ để điều chỉnh những vấn đề cơ bản của đo lường như: đơn vị đo, chuẩn đo lường, phương tiện đo, phép đo, kiểm soát đo lường đối với hàng đóng gói sẵn; sản xuất, kinh doanh phương tiện đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đo lường; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực đo lường v.v... Các nước còn ký kết với nhau nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương, thành lập một số tổ chức quốc tế có tính chất khu vực và toàn cầu về đo lường nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển hoạt động đo lường ở từng quốc gia, đồng thời hài hoà hoá hoạt động đo lường và dỡ bỏ các rào cản thương mại trong lĩnh vực đo lường, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại trong khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ trên phạm vi toàn cầu và ở từng quốc gia đang đặt ra cho lĩnh vực đo lường những đòi hỏi, thách thức mới:
- Sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước và quá trình toàn cầu hóa về kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong từng nước và giữa các nước ngày càng gia tăng cả về số lượng và chủng loại. Trong bối cảnh này, số lượng và chủng loại phương tiện đo được sử dụng ở các nước trên thế giới ngày càng nhiều và rất đa dạng.
- Yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường ở các nước trên thế giới cũng đòi hỏi sự phát triển tương xứng của hoạt động đo lường, của các phương tiện đo, phép đo thích hợp và các phương tiện đo phải được quản lý chặt chẽ.
- Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mấy thập kỷ vừa qua đã tạo cơ sở, điều kiện và cũng đặt ra cho đo lường yêu cầu bức thiết về thiết kế, chế tạo, quản lý các phương tiện đo mới, thực hiện các phép đo mới trên cơ sở ứng dụng các công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của chính khoa học và công nghệ.
Trước những thách thức nêu trên, các nước trên thế giới càng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quốc gia và ký kết ngày càng nhiều điều ước quốc tế để điều chỉnh các đo lường.
2. Ở Việt Nam, ngay từ khi mới giành được độc lập, Nhà nước ta đã quan tâm thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự.
a) Sau mấy chục năm nỗ lực xây dựng, hệ thống đo lường của nước ta đã hình thành, phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Có thể nêu một số thành tựu chính như sau:
- Để xây dựng và quản lý đo lường ở nước ta, ngay từ năm 1950, Nhà nước đã ấn định một hệ đơn vị đo lường quốc gia trên cơ sở Hệ đơn vị đo lường quốc tế SI.
- Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo cũng đã được xác lập gồm chuẩn quốc gia và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn là chuẩn dẫn xuất và chuẩn công tác. Đến nay, chúng ta đã có mười (10) chuẩn quốc gia và dự kiến đến hết năm 2010, hai mươi hai (22) chuẩn quốc gia khác sẽ được phê duyệt. Trên địa bàn các địa phương, gần năm nghìn (5000) chuẩn dẫn xuất, chuẩn công tác đã được trang bị, sử dụng tại các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố, tại các tổ chức kiểm đinh phương tiện đo. Tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã có các chuẩn đo lường đáp ứng yêu cầu kiểm tra, hiệu chuẩn, duy trì độ chính xác các phương tiện đo sử dụng tại cơ sở. Các chuẩn đo lường của địa phương, cơ sở được liên kết với chuẩn quốc gia thông qua hoạt động kiểm định của các tổ chức kiểm định được chỉ định hoặc hoạt động hiệu chuẩn của các phòng hiệu chuẩn được công nhận.
- Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ Trung ương đến địa phương, hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo trên địa bàn cả nước đã được xác lập. Tính đến hết tháng 03 năm 2009, cả nước đã có hơn 230 tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo có trang thiết bị chuẩn và phương tiện kiểm định khá đầy đủ, với trên 2800 kiểm định viên được đào tạo cơ bản cả về lý thuyết và thực hành kiểm định đối với từng chủng loại phương tiện đo cụ thể.
b) Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng lưu ý nêu trên, hệ thống đo lường của nước ta cũng bộc lộ rõ những bất cập không nhỏ. Ví dụ:
- Độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế, một số trường hợp, chưa đủ khả năng kiểm định, hiệu chuẩn được các chuẩn có độ chính xác cao đang được sử dụng trong các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế, môi trường, khí tượng thuỷ văn, bưu chính viễn thông, hàng không dân dụng, hàng hải, quốc phòng v.v... Một số lĩnh vực đo, chuẩn đo lường quốc gia của ta chưa đủ khả năng tham gia so sánh vòng trên phạm vi khu vực và quốc tế.
- Do được đầu tư rải rác trong nhiều thời kỳ khác nhau, được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau nên chuẩn đo lường, trang thiết bị còn mang tính chắp vá, khả năng đồng bộ giữa độ chính xác, phạm vi đo và thiết bị sao truyền hạn chế. Nhiều lĩnh vực chuẩn thiếu thiết bị sao truyền như lĩnh vực điện, hoá lý-mẫu chuẩn hoặc gần như hoàn toàn chưa được đầu tư như lĩnh vực điện áp tần số cao, công suất tần số cao, quang, âm.
- Việc quy hoạch, thiết lập, duy trì, khai thác sử dụng chuẩn đo lường chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, có nơi, chuẩn đo lường có độ chính xác cao chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư, bên cạnh đó lại có những nơi không có đủ chuẩn đo lường để sử dụng.
- Hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo của chúng ta hiện nay hiện mới chỉ đáp ứng từ 60% đến 70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại). Cũng có nghĩa là còn từ 30% đến 40% số phương tiện đo thuộc Danh mục phải kiểm định chưa được kiểm định theo quy định.
- Cho đến nay, công nghiệp sản xuất phương tiện đo ở nước ta còn nhiều hạn chế, trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước. Hầu hết các chủng loại phương tiện đo dùng làm chuẩn và các phương tiện đo chính dùng trong công nghiệp đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo mang tính chuyên nghiệp rất ít. Phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo với sản lượng thấp, manh mún, trình độ công nghệ thấp, chất lượng phương tiện đo không ổn định.
3. Một trong những nguyên nhân của những bất cập trong hoạt động đo lường nêu trên là do các cơ chế, chính sách và pháp luật về đo lường của nước ta vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Cụ thể như sau:
- Các quy định hiện hành (gồm Pháp lệnh Đo lường năm 1999 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành) chưa bao quát toàn bộ lĩnh vực đo lường mà mới chỉ tập trung điều chỉnh một số vấn đề cơ bản nhất của đo lường (đơn vị đo lường pháp định và chuẩn đo lường; kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo; hàng đóng gói sẵn theo định lượng; sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện đo).
- Các quy định về xây dựng, quản lý hệ thống chuẩn đo lường, liên kết chuẩn đo lường vẫn còn những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế.
- Chưa tách bạch được hoạt động dịch vụ kỹ thuật về đo lường với công tác quản lý nhà nước về đo lường.
- Chưa quy định đầy đủ các biện pháp kiểm soát đo lường để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.
- Chưa có các quy định chi tiết, đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến đo lường.
Tóm lại, bối cảnh tình hình hoạt động đo lường và thực trạng pháp luật về đo lường ở nước ta cho thấy, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc ban hành một văn bản có hiệu lực cao về đo lường để điều chỉnh thống nhất và toàn diện lĩnh vực đo lường ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT ĐO LƯỜNG
Luật Đo lường được soạn thảo theo tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:
1. Thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đo lường đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay .
2. Đổi mới cơ chế, chính sách phát triển hoạt động đo lường, tăng cường hiệu lực của quản lý nhà nước về đo lường góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ, môi trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo lường.
3. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống đơn vị đo lường, chuẩn đo lường quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và chính xác của đo lường trên phạm vi cả nước.
4. Kế thừa các quy định hiện hành về đo lường đã được thực tiễn kiểm nghiệm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
III. QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO DỰ ÁN LUẬT
Sau khi được chính thức phân công nhiệm vụ xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật đo lường, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương thành lập Ban soạn thảo với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các nhà khoa học và quản lý.
Ban soạn thảo đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng quan thực trạng pháp luật và thực tiễn tình hình hoạt động đo lường ở Việt Nam trong những năm qua; kinh nghiệm của các nước khu vực và thế giới trong xây dựng và thực thi pháp luật về đo lường. Đồng thời, Ban soạn thảo cũng kế thừa và phát triển các nội dung còn phù hợp của Pháp lệnh Đo lường năm 1999.
Dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chuyên gia trong lĩnh vực đo lường; đồng thời, đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự án Luật trình Chính phủ đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
IV. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT
Dự thảo Luật gồm 40 điều, được chia thành 7 chương.
Chương I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Chương này gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8), quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung Dự thảo Luật gồm: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật; chính sách nhà nước về phát triển đo lường; nội dung quản lý nhà nước về đo lường; trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường; các hành vi bị nghiêm cấm.
So với quy định về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Đo lường hiện hành, Dự thảo Luật quy định rộng hơn, bao quát tất cả các hoạt động trong lĩnh vực đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá hoạt động trong lĩnh vực đo lường.
Chương II. ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Chương này gồm 2 Mục, 5 điều (từ Điều 9 đến Điều 13).
a) Mục 1 về đơn vị đo, gồm 2 điều (Điều 9 và Điều 10), quy định về: đơn vị đo pháp định; đơn vị đo khác.
Khác với Pháp lệnh Đo lường, nội dung Mục này của Dự thảo Luật đổi tên đơn vị đo lường hợp pháp thành đơn vị đo lường pháp định cho chính xác; quy định rõ phạm vi áp dụng đơn vị đo lường pháp định; quy định về sử dụng, chuyển đổi đơn vị đo khác sang đơn vị đo pháp định.
b) Mục 2 về chuẩn đo lường, gồm 3 điều (từ Điều 11 đến Điều 13), quy định hệ thống chuẩn đo lường; thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường; liên kết chuẩn.
Khác với Pháp lệnh Đo lường, nội dung của Mục này bổ sung thêm quy định chuẩn chính, chuẩn công tác; quy định rõ về thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn đo lường, về liên kết chuẩn.
Chương III. PHƯƠNG TIỆN ĐO, PHÉP ĐO, HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
Chương này gồm 3 mục, 7 Điều (từ Điều 14 đến Điều 20).
a) Mục 1 về phương tiện đo, gồm 3 Điều (từ Điều 14 đến Điều 16) quy định yêu cầu chung đối với phương tiện đo; biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo; phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường.
Nội dung mới của Mục 1 Dự thảo Luật so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:
- Quy định tất cả các phương tiện đo đều phải đảm bảo các yêu cầu chung.
- Quy định các biện pháp kiểm soát về đo lường đối với phương tiện đo.
- Quy định về phương tiện đo phải kiểm soát.
- Giao Bộ khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường và các biện pháp kiểm soát cụ thể đối với từng phương tiện đo thuộc Danh mục này.
b) Mục 2 về phép đo, gồm 2 Điều (Điều 17 và Điều 18) quy định về yêu cầu chung đối với việc thực hiện phép đo; phép đo pháp định.
Nội dung mới của Mục này so với quy định của Pháp lệnh Đo lường năm 1999 thể hiện như sau:
- Phân định phép đo thành 2 loại: Phép đo pháp định và phép đo khác.
- Quy định yêu cầu chung đối với việc thực hiện phép đo.
- Quy định phép đo pháp định;
c) Mục 3 về hàng đóng gói sẵn, gồm 2 Điều (Điều 19 và Điều 20), quy định yêu cầu chung về định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; kiểm tra đo lường đối với hàng đóng gói sẵn.
Chương IV. KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Chương này gồm 3 Điều (từ Điều 21 đến Điều 23), quy định về:
- Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước và theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
- Nguyên tắc chung đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
- Các điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết điều kiện hoạt động của các tổ chức này.
Chương V. QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC ĐO LƯỜNG
Chương này gồm 7 điều (từ Điều 24 đến Điều 30), quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng đóng gói sẵn; quyền của người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của tổ chức nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng trong việc thi hành các quy định của Luật.
Chương VI. THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG
Chương này gồm 3 Mục, 9 Điều (từ Điều 31 đến Điều 38).
Mục 1 gồm 2 Điều (từ Điều 31 đến Điều 32) quy định thanh tra về đo lường, nhiệm vụ và đối tượng thanh tra chuyên ngành về đo lường.
Mục 2 gồm 5 Điều (từ Điều 33 đến Điều 37) quy định về kiểm tra đo lường: đối tượng kiểm tra đo lường; nội dung kiểm tra đo lường; hình thức kiểm tra đo lường; xử lý kết quả kiểm tra đo lường; trách nhiệm kiểm tra đo lường. Các quy định trong Mục này chưa có trong Pháp lệnh Đo lường hiện hành.
Mục 3 gồm 1 điều, (Điều 38) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, gồm đối tượng; hình thức xử lý; mức phạt tiền trong xử lý vi phạm để khắc phục bất cập của quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Chương VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Chương này gồm 2 điều (Điều 39 và Điều 40), quy định về hiệu lực và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Luật.
V. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU
1. Về vấn đề kiểm tra đo lường
a. Ý kiến thứ nhất cho rằng Luật Đo lường cần phải quy định một mục riêng về kiểm tra đo lường để khẳng định rõ đối tượng, nội dung, hình thức và cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra đo lường. Đây sẽ là cơ sở, là công cụ pháp lý thúc đẩy, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra nhà nước về đo lường. Tình hình vi phạm các quy định về đo lường trên thực tế hiện nay khá phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ người dân và môi trường. Nếu chỉ dựa vào hoạt động thanh tra, không tăng cường công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường thì không thể đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
b. Ý kiến thứ hai cho rằng Luật Đo lường không cần thiết phải quy định về kiểm tra vì hoạt động thanh tra cũng dủ sức giải quyết tất cả những vấn đề bức xúc hiện nay mà việc thanh tra, tăng cường hoạt động thanh tra đã được các văn bản pháp luật về thanh tra quy định.
Dự thảo Luật Đo lường được soạn thảo theo ý kiến thứ nhất.
2. Về vấn đề bồi thường thiệt hại
a. Ý kiến thứ nhất cho rằng Luật Đo lường không cần thiết phải quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại vì căn cứ vào các quy định chung của Bộ Luật Dân sự cũng có thể giải quyết được.
b. Ý kiến thứ hai cho rằng vấn đề bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định về đo lường gây ra hiện nay là vấn đề có nhiều bức xúc, không có quy định phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý. Vì vậy, Luật Đo lường phải có quy định cụ thể về các nguyên tắc bồi thường thiệt hại, các loại thiệt hại phải bồi thường, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định về đo lường gây ra.
Dự thảo Luật Đo lường được soạn thảo theo ý kiến thứ nhất.
3. Về thẩm quyền và mức phạt
a. Ý kiến thứ nhất cho rằng, như đã trình bày ở trên, hành vi vi phạm các quy định về đo lường hiện nay khá tinh vi, có tính phổ biến và phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ người dân và môi trường. Nếu chỉ dựa vào mức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe. Vì vậy Luật Đo lường cần có quy định mức xử phạt cao hơn mức xử phạt trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành (như đã được quy định trong Luật SHTT và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá v...). Đồng thời để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền xử phạt, Luật cũng nên quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp mức phạt vượt quá mức tối đa quy định tại Điều này thì Chánh thanh tra chuyên ngành hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xử phạt.
b. Ý kiến thứ hai cho rằng Luật Đo lường không cần thiết phải quy định về thẩm quyền và mức phạt hành chính vì áp dụng các quy định chung của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính cũng đủ sức răn đe.
MỤC LỤC
Trang
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG ...............................................................................
4
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh ........................................................................................
4
Điều 2. Đối tượng áp dụng .........................................................................................
4
Điều 3. Giải thích từ ngữ ............................................................................................
4
Điều 4. Áp dụng pháp luật ......................................................................................... 5
Điều 5. Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đo lường .......................................
5
Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về đo lường .......................................................
5
Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường ..................................................
6
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm ......................................................................
6
Chương II
ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG 7
Mục 1. Đơn vị đo 7
Điều 9. Đơn vị đo pháp định ................................................................. 7
Điều 10. Đơn vị đo khác .....................................................................
7
Mục 2. Chuẩn đo lường
7
Điều 11. Hệ thống chuẩn đo lường .........................................................
7
Điều 12. Thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường ........................
8
Điều 13. Liên kết chuẩn ......................................................................
8
Chương III.
PHƯƠNG TIỆN ĐO, PHÉP ĐO, HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
8
Mục 1. phương tiện đo
8
Điều 14. Yêu cầu chung đối với phương tiện đo .......................................................
8
Điều 15. Biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo ..............................
9
Điều 16. Phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường ............................................... 9
Mục 2. Phép đo
9
Điều 17. Yêu cầu chung đối với phép đo ......................................................
9
Điều 18. Phép đo pháp định...........................................................................
9
Mục 3. Hàng đóng gói sẵn
10
Điều 19. Yêu cầu chung về định lượng đối với hàng đóng gói sẵn ........................................
10
Điều 20. Kiểm tra đo lường đối với hàng đóng gói sẵn ..................................
10
Chương IV.
KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
10
Điều 21. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm............................................
10
Điều 22. Nguyên tắc chung đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm... 10
Điều 23. Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm......... 10
Chương V.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
TRONG HOẠT ĐỘNG ĐO LƯỜNG 11
Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo ...............................................................................................................................
11
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm...........
12
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo
12
Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn ........................................................................................................................
13
Điều 28. Quyền của người tiêu dùng .........................................................................
13
Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nghề nghiệp về đo lường ..........................
13
Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ..........................
13
Chương VI.
THANH TRA, KIỂM TRA,
XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG
14
Mục 1. Thanh tra chuyên ngành đo lường ..........................................................................................
14
Điều 31. Thanh tra về đo lường .......................................................................
14
Điều 32. Nhiệm vụ và đối tượng thanh tra chuyên ngành về đo lường .................. 14
Mục 2. Kiểm tra đo lường
14
Điều 33. Đối tượng kiểm tra đo lường .......................................................................
14
Điều 34. Nội dung kiểm tra đo lường ........................................................................ 14
Điều 35. Hình thức kiểm tra đo lường .......................................................................
15
§iÒu 36. Xử lý kết quả kiểm tra đo lường ................................................................ 15
Điều 37. Trách nhiệm kiểm tra đo lường ...................................................................
16
Mục 3. Xử lý vi phạm pháp luật về đo lường
16
Điều 38. Xử lý vi phạm pháp luật về đo lường ...........................................
16
Chương VII.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 17
Điều 39. Hiệu lực thi hành ........................................................................................
17
Điều 40. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành......................................................
17
QUỐC HỘI
Luật số: /20.../QH...
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
LUẬT
ĐO LƯỜNG
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật Đo lường.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đo lường tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đo lường là việc xác định số đo của đại lượng cần đo.
2. Hoạt động đo lường là hoạt động thiết lập, sử dụng chuẩn đo lường, đơn vị đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phương tiện đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; thực hiện phép đo.
3. Phép đo là tập hợp các thao tác để xác định số đo của đại lượng cần đo.
4. Phương tiện đo là phương tiện kỹ thuật để thực hiện phép đo.
5. Chuẩn đo lường là phương tiện đo, vật đọ, hệ thống đo hoặc mẫu chuẩn để thể hiện, duy trì đơn vị đo và được dùng làm mốc so sánh với phương tiện đo hoặc chuẩn đo lường khác.
6. Kiểm định là hoạt động kỹ thuật để đánh giá và xác nhận đặc trưng kỹ thuật đo lường của đối tượng kiểm định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.
7. Hiệu chuẩn là hoạt động kỹ thuật để so sánh số đo của đại lượng thể hiện bằng chuẩn đo lường với số đo tương ứng thể hiện trên chuẩn đo lường khác hoặc trên phương tiện đo.
8. Thử nghiệm là thao tác kỹ thuật để xác định một hoặc một số đặc trưng kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
9. Liên kết chuẩn là các hoạt động kỹ thuật nhằm xác định độ chính xác của chuẩn đo lường được thực hiện thông qua chuỗi không đứt đoạn các hoạt động hiệu chuẩn hoặc kiểm định chuẩn đo lường này so với chuẩn đo lường có độ chính xác cao hơn.
10. Hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi lượng hàng hóa trên nhãn không có sự chứng kiến của người mua.
11. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định là tổ chức đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố danh sách để tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ yêu cầu quản lý về đo lường.
Điều 4. Áp dụng pháp luật
Hoạt động đo lường phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến đo lường thì áp dụng quy định của Luật này.
Điều 5. Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đo lường
1. Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, ưu tiên đầu tư xây dựng và duy trì hệ thống chuẩn đo lường Quốc gia, phát triển nguồn nhân lực về đo lường.
2. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ về đo lường.
3. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư, phát triển, hợp tác quốc tế trong hoat động đo lường.
4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo lường, tăng cường ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; khuyến khích các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm với tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.
Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về đo lường
1. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về đo lường.
2. Quản lý hệ thống chuẩn đo lường; quy hoạch, thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn quốc gia.
3. Phê duyệt mẫu phương tiện đo.
4. Quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
5. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ về đo lường.
6. Hợp tác quốc tế về đo lường.
7. Tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đo lường.
8. Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực hoạt động đo lường.
9. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đo lường.
Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc quản lý nhà nước về đo lường.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đo lường đặc thù phục vụ an ninh, quốc phòng.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
2. Sửa chữa, tẩy xoá nội dung trên dấu kiểm định, tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định.
3. Làm sai lệch kết quả đo.
4. Cố tình ghi sai lượng của hàng đóng gói sẵn.
5. Cản trở người thi hành công vụ trong lĩnh vực đo lường.
6. Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường.
7. Lợi dụng hoạt động đo lường để gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
CHƯƠNG II
ĐƠN VỊ ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Mục 1
ĐƠN VỊ ĐO
Điều 9. Đơn vị đo pháp định
1. Đơn vị đo pháp định bao gồm:
a) Các đơn vị đo thuộc hÖ đơn vị đo lường quốc tế (tiếng Pháp là Système International d'Unités, tiếng Anh là The International System of Units, sau đây viết tắt là hệ đơn vị SI), gồm các đơn vị đo cơ bản thuộc SI; các đơn vị đo dẫn xuất thuộc SI; các bội, ước thập phân của đơn vị đo thuộc SI.
b) Các đơn vị đo khác theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết đơn vị đo pháp định.
2. Các trường hợp sau đây phải sử dụng đơn vị đo pháp định:
a) Thể hiện trong văn bản do cơ quan nhà nước ban hành;
b) Trên phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này;
c) Ghi nhãn hàng đóng gói sẵn;
d) Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác.
Điều 10. Đơn vị đo khác
1. Đơn vị đo khác là đơn vị đo không được quy định tại khoản 1 Điều 9 của Luật này.
2. Trường hợp giải quyết tranh chấp có liên quan đến sử dụng đơn vị đo khác thì phải chuyển đổi từ đơn vị đo khác sang đơn vị đo pháp định.
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết về việc chuyển đổi đơn vị đo khác quy định tại Điều này.
Mục 2
CHUẨN ĐO LƯỜNG
Điều 11. Hệ thống chuẩn đo lường
1. Hệ thống chuẩn đo lường của từng lĩnh vực đo gồm:
a) Chuẩn quốc gia là chuẩn đo lường cao nhất của quốc gia, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để xác định số đo của chuẩn đo lường khác;
b) Chuẩn chính là chuẩn đo lường để kiểm định, hiệu chuẩn các chuẩn đo lường khác của một tổ chức hoặc địa phương;
c) Chuẩn công tác là chuẩn đo lường dùng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.
2. Các chuẩn đo lường thuộc hệ thống chuẩn đo lường phải được thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 12 và liên kết chuẩn theo quy định tại Điều 13 của Luật này.
Điều 12. Thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường
1. Thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn quốc gia
a) Chuẩn quốc gia phải được thiết lập theo Quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Trình tự, thủ tục phê duyệt chuẩn quốc gia; duy trì, bảo quản, sử dụng và chỉ định tổ chức giữ chuẩn quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
c) Nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc thiết lập, duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn quốc gia.
2. Chuẩn chính, chuẩn công tác do tổ chức tự thiết lập. Việc duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác được thực hiện theo quy định của người đứng đầu tổ chức giữ chuẩn đo lường này.
Điều 13. Liên kết chuẩn
1. Chuẩn quốc gia phải được liên kết với chuẩn quốc tế bằng việc định kỳ hiệu chuẩn, so sánh với chuẩn quốc tế hoặc với chuẩn quốc gia của nước ngoài đã được liên kết với chuẩn quốc tế.
Tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện việc liên kết chuẩn quy định tại khoản này.
2. Chuẩn chính, chuẩn công tác được định kỳ liên kết với chuẩn quốc gia hoặc với chuẩn đo lường có độ chính xác cao hơn đã được liên kết với chuẩn quốc gia.
Việc liên kết chuẩn quy định tại khoản này được thực hiện thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn quy định tại Chương IV của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng chuẩn chính, chuẩn công tác chịu trách nhiệm thực hiện việc liên kết chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều này.
CHƯƠNG III
PHƯƠNG TIỆN ĐO, PHÉP ĐO, HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
Mục 1
pHƯƠNG TIỆN ĐO
Điều 14. Yêu cầu chung đối với phương tiện đo
Phương tiện đo phải bảo đảm các đặc trưng kỹ thuật đo lường cơ bản. Các đặc trưng kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo phải được thể hiện trên phương tiện đo hoặc ghi trên nhãn.
Điều 15. Biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo
1. Biện pháp quản lý:
a) Phê duyệt mẫu: Việc phê duyệt mẫu do cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thực hiện trên cơ sở xem xét báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm mẫu phương tiện đo và xác nhận mẫu phương tiện đo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định.
b) Kiểm định: Việc kiểm định phương tiện đo do tổ chức kiểm định quy định tại Chương IV của Luật này thực hiện.
c) Hiệu chuẩn: Việc hiệu chuẩn phương tiện đo do tổ chức hiệu chuẩn quy định tại Chương IV của Luật này thực hiện.
d) Kiểm tra đo lường: Việc kiểm tra đo lường đối với phương tiện đo được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này.
2. Đối với phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường phải thực hiện một hoặc các biện pháp quy định tại khoản 1 của Điều này theo quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Đối với phương tiện đo không thuộc danh mục quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này được tự nguyện thực hiện một hoặc các biện pháp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 của Điều này.
Điều 16. Phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường
1. Phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường gồm các phương tiện đo sử dụng đơn vị đo pháp định và được sử dụng vào mục đích định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán; liên quan đến bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục các phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường.
Mục 2
PHÉP ĐO
Điều 17. Yêu cầu chung đối với phép đo
Phép đo phải bảo đảm:
1. Chính xác, phù hợp với các đặc trưng kỹ thuật đo lường của phương tiện đo tương ứng;
2. Được thể hiện bằng số đo và đơn vị đo.
Điều 18. Phép đo pháp định
1. Phép đo pháp định là phép đo được áp dụng khi sử dung Phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán; các phép đo liên quan đến bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể về phép đo pháp định và yêu cầu về đo lường đối với phép đo này.
Mục 3
HÀNG ĐÓNG GÓI SẴN
Điều 19. Yêu cầu chung về định lượng đối với hàng đóng gói sẵn
Hàng đóng gói sẵn sản xuất trong nước, nhập khẩu phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
1. Lượng hàng phải phù hợp với thông tin ghi trên nhãn, sai số không vượt quá giới hạn cho phép.
2. Việc ghi lượng hàng đóng gói sẵn trên nhãn phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn.
Điều 20. Kiểm tra đo lường đối với hàng đóng gói sẵn
Hàng đóng gói sẵn phải được kiểm tra về đo lường theo quy định tại Mục 1 Chương VI của Luật này.
CHƯƠNG IV
KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Điều 21. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân được thực hiện theo thoả thuận với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
2. Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước do tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định thực hiện.
Điều 22. Nguyên tắc chung đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm cho các bên liên quan .
2. Tuân thủ trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định.
3. Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện cho khách hàng.
Điều 23. Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tư cách pháp nhân, bộ máy tổ chức và năng lực đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực đăng ký hoạt động;
b) Thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu quy định;
c) Đăng ký hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đo lường.
2. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 của Điều này;
b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đo lường chỉ định.
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết điều kiện hoạt động của các tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
CHƯƠNG V
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC ĐO LƯỜNG
Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phù hợp để thực hiện biện pháp quản lý về đo lường theo quy định của Luật này;
b) Khiếu nại đối với kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; hành vi vi phạm hợp đồng đã ký kết với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
c) Khiếu nại đối với kết luận kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phương tiện đo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện các biện pháp quản lý về đo lường đối với phương tiện đo theo quy định của Luật này;
b) Chấp hành việc kiểm tra đo lường theo quy định;
c) Tuân thủ các quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Thông tin trung thực về các đặc trưng kỹ thuật đo lường của phương tiện đo;
đ) Thông báo điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng phương tiện đo;
e) Trả phí, lệ phí theo quy định.
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có các quyền sau đây:
a) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân trong phạm vi lĩnh vực đã đăng ký hoạt động hoặc được chỉ định;
b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có các nghĩa vụ sau đây:
a) Không được từ chối yêu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm khi không có lý do chính đáng;
b) Bảo mật các thông tin, số liệu, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của khách hàng, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
c) Bảo đảm trình tự, thủ tục kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường;
d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã cung cấp;
đ) Tuân thủ các quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo cung cấp thông tin, tài liệu kỹ thuật về đặc trưng kỹ thuật đo lường, điều kiện vận chuyển, bảo quản, sử dụng phương tiện đo;
b) Lựa chọn tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phù hợp để thực hiện biện pháp quản lý về đo lường theo quy định của Luật này;
c) Khiếu nại đối với kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; hành vi vi phạm hợp đồng của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
d) Khiếu nại đối với kết luận kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo thuộc Danh mục các phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện biện pháp quản lý đo lường quy định đối với phương tiện đo trong quá trình sử dụng;
b) Bảo đảm các điều kiện vận chuyển, bảo quản, sử dụng theo hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo. Trường hợp phát hiện sai hỏng, phải dừng việc sử dụng và thực hiện các biện pháp khắc phục;
c) Tạo điều kiện thuận lợi để người có trách nhiệm, khách hàng hoặc đại diện của khách hàng giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo theo quy định của pháp luật;
d) Tuân thủ các quyết định kiểm tra, thanh tra về đo lường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn
1. Thông tin về lượng của hàng đóng gói sẵn.
2. Thông báo điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hàng hoá đóng gói sẵn.
3. Bảo đảm lượng hàng đóng gói sẵn đáp ứng yêu cầu về đo lường theo quy định.
4. Chấp hành việc kiểm tra đo lường theo quy định.
5. Tuân thủ các quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 28. Quyền của người tiêu dùng
1. Được cung cấp thông tin trung thực về phương tiện đo, lượng hàng hóa đã mua.
2. Yêu cầu người bán hàng tạo điều kiện thuận lợi để kiểm tra phương tiện đo, thực hiện phép đo, lượng hàng hóa đã mua.
3. Được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Mục 2 Chương VI của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Điều 29. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nghề nghiệp về đo lường
1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng pháp luật về đo lường.
2. Hỗ trợ, nâng cao nhận thức và vận động tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật về đo lường.
3. Góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường.
4. Khiếu nại, khởi kiện các bên liên quan khi gây thiệt hại cho thành viên, tổ chức nghề nghiệp.
Điều 30. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
1. Đại diện cho người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi nhận được khiếu nại, phản ánh về hoạt động đo lường không phù hợp quy định của Luật này.
2. Nhận thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đo lường không phù hợp với quy định của Luật này và cung cấp thông tin này cho các cơ quan thông tin đại chúng, đồng thời chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp theo quy định của pháp luật.
3. Kiến nghị cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền xử lý, giải quyết các vi phạm pháp luật về đo lường.
4. Khiếu nại, khởi kiện tranh chấp về đo lường gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
5. Tổ chức hướng dẫn, tư vấn về quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới đo lường.
Ch¬ng VI
THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ ĐO LƯỜNG
Mục 1
THANH TRA CHUYÊN NGÀNH
Điều 31. Thanh tra về đo lường
1. Thanh tra về đo lường là thanh tra chuyên ngành.
2. Việc thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.
3. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về đo lường.
Điều 32. Nhiệm vụ và đối tượng thanh tra chuyên ngành về đo lường
1. Thanh tra chuyên ngành về đo lường có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện pháp luật về đo lường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.
2. Đối tượng của thanh tra chuyên ngành về đo lường là tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường.
Mục 2
KIỂM TRA ĐO LƯỜNG
Điều 33. Đối tượng kiểm tra đo lường
Đối tượng của kiểm tra đo lường bao gồm:
1. Chuẩn đo lường.
2. Phương tiện đo phải kiểm soát về đo lường.
3. Hàng đóng gói sẵn.
Điều 34. Nội dung kiểm tra đo lường
1. Đối với chuẩn đo lường:
a) Liên kết chuẩn;
b) Duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường.
2. Đối với phương tiện đo:
a) Ghi các đặc trưng kỹ thuật đo lường cơ bản của phương tiện đo;
b) Bảo quản, sử dụng phương tiện đo;
c) Thực hiện phê duyệt mẫu, kiểm định theo quy định;
d) Sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết của phương tiện đo với mẫu đã được phê duyệt;
đ) Sự phù hợp của các đặc trưng đo lường của phương tiện đo với yêu cầu quy định;
e) Thực hiện phép đo theo quy định.
3. Đối với hàng đóng gói sẵn:
a) Ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn;
b) Lượng hàng hóa thực tế.
Điều 35. Hình thức kiểm tra đo lường
1. Kiểm tra định kỳ được thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi giải quyết tranh chấp hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đo lường.
§iÒu 36. Xử lý kết quả kiểm tra đo lường
1. Trong quá trình kiểm tra đo lường, khi phát hiện chuẩn đo lường, phương tiện đo, hàng đóng gói sẵn không phù hợp với quy định của Luật này thì việc xử lý được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng chuẩn đo lường, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo dừng việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để bảo đảm chuẩn đo lường, phương tiện đo phù hợp với yêu cầu quy định;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn dừng việc sản xuất, kinh doanh và thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để bảo đảm hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu quy định;
c) Sau khi đã yêu cầu thực hiện các biện pháp quy định tại điểm a, điểm b khoản này mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng vẫn tiếp tục vi phạm, thì trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận kiểm tra, thông báo công khai tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng và những sai phạm liên quan. Đồng thời đề nghị cơ quan thanh tra khoa học và công nghệ và cơ quan có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình kiểm tra đo lường, phát hiện tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hành vi cố tình vi phạm pháp luật về đo lường, lợi dụng hoạt động liên quan đến đo lường để chiếm đoạt, lừa dối người tiêu dùng thì phải yêu cầu dừng ngay việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng, thông báo công khai đồng thời đề nghị cơ quan công an, quản lý thị trường hoặc cơ quan có thẩm quyền khác chủ trì hoặc phối hợp xử lý theo quy định.
Điều 37. Trách nhiệm kiểm tra đo lường
1. Cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra đo lường trong phạm vi cả nước.
2. Cơ quan chuyên môn về đo lường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra đo lường trên địa bàn địa phương.
3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết việc kiểm tra đo lường.
Mục 3
XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐO LƯỜNG
Điều 38. Xử lý vi phạm pháp luật về đo lường
1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức vi phạm pháp luật về đo lường thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với việc sản xuất, kinh doanh phương tiện đo được ấn định ít nhất bằng giá trị phương tiện đo đã vi phạm và nhiều nhất không quá 5 lần giá trị này.
4. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với việc sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường được ấn định bằng một đến năm lần giá trị chênh lệch được tính ra tiền do sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường sai lệch với yêu cầu quy định.
5. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn được ấn định ít nhất bằng giá trị chênh lệch của hàng hóa đã tiêu thụ do sai lệch về đo lường vượt quá giá trị quy định và nhiều nhất không quá năm lần giá trị này.
6. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp mức phạt vượt quá mức tối đa quy định tại Điều này thì Chánh thanh tra chuyên ngành hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xử phạt.
7. Chính phủ quy định chi tiết hành vi và mức xử phạt vi phạm hành chính về đo lường.
CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 39. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ... tháng ... năm 200..... Pháp lệnh Đo lường ngày 16 tháng 10 năm 1999 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Điều 40. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
-------------------------------------------------------------------------------------
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ ... thông qua ngày ... tháng ... năm 20....
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Phú Trọng
Dự thảo luật
Dự thảo Luật Đo lường
Cơ quan trình dự thảo: Chính phủ
Cơ quan chủ trì soạn thảo: Bộ Khoa học và Công nghệ
Ủy ban chủ trì thẩm tra:
Dự kiến thảo luận cho ý kiến tại:
Dự kiến biểu quyết thông qua tại:
Luật đo lường quy định về hoạt động đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường. Luật được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đo lường ở Việt Nam.
Gợi ý lấy ý kiến
Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau:
1. Về vấn đề kiểm tra đo lường
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật đo lường cần phải quy định một mục riêng về kiểm tra đo lường để khẳng định rõ đối tượng, nội dung, hình thức và cơ quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra đo lường.
- Ý kiến thức hai cho rằng, không cần thiết phải quy định mục riêng về kiểm tra đo lường. Hoạt động kiểm tra đo lường sẽ được thực hiện theo các quy định về thanh tra.
2. Về đề bồi thường thiệt hại
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật đo lường không cần thiết phải quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại. Các vấn đề về bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
- Ý kiến thứ hai cho rằng, các vấn đề về bồi thường thiệt hại trong hoạt động đo lường cần được quy định cụ thể ngay trong Luật Đo lường.
3. Thẩm quyền và mức phạt
- Ý kiến thứ nhất cho rằng, Luật đo lường cần quy định mức xử phạt cao hơn mức xử phạt được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Đồng thời để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền xử phạt, Luật cũng nên quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp mức phạt vượt quá mức tối đa quy định tại Điều này thì Chánh thanh tra chuyên ngành hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xử phạt.
- Ý kiến thứ hai cho rằng, thẩm quyền và mức phạt khi có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường sẽ được áp dụng theo các quy định chung của Pháp luật xử lý vi phạm hành chính, do vậy không cần quy định trong Luật đo lường.
Đo lường trong hội nhập kinh tế quốc tế
1. Xu h¬ướng toàn cầu hoá về đo l¬ường
Khi nói đến hệ thống đo lư¬ờng toàn cầu, ng¬ười ta nhớ ngay đến mốc lịch sử quan trọng đầu tiên - Công ư ¬ớc mét đư¬ợc ký tại Pari vào ngày 20/5/1875 với 17 nư¬ớc tham gia. Đây cũng là bư¬ớc đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo l¬ường đồng bộ trên toàn thế giới và nay là hệ đơn vị đo l¬ường quốc tế SI.
Sự ra đời của Tổ chức thư¬ơng mại thế giới WTO chính là b¬ước tiếp theo thúc đẩy việc hoàn thiện và sử dụng hệ thống đo l¬ường toàn cầu. WTO đã kêu gọi chính phủ của các n¬ước thành viên thực hiện Hiệp định TBT nhằm dỡ bỏ rào cản kỹ thuật trong th¬ương mại. Yêu cầu của Hiệp định này đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo lư¬ờng là minh bạch, dễ hiểu, không phân biệt đối xử và đ¬ược áp dụng cho tất cả các bên liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trong giao dịch thương mại. Điều này chỉ đạt đ¬ược khi các hiệp định th¬ương mại dựa trên sự hài hòa các tiêu chuẩn và các quy chuẩn kỹ thuật.
Trong 50 năm qua, Tổ chức quốc tế về đo lư¬ờng pháp quyền (OIML) đã có những đóng góp to lớn vào việc hài hoà các yêu cầu kỹ thuật và quy trình thử nghiệm trong lĩnh vực đo l¬ường pháp quyền trên toàn thế giới.
Nh¬ư vậy, các b¬ước để tiến tới hệ thống đo l¬ường toàn cầu là gì?
Hệ thống đo lư¬ờng toàn cầu đư¬ợc hiểu nh¬ư một mạng l¬ưới, trong đó nhiệm vụ đo l¬ường đư¬ợc giải quyết theo cùng một tiêu chí trên khắp thế giới. Ví dụ nh¬ư việc sử dụng thống nhất cùng loại đơn vị đo lư¬ờng, cùng loại tiêu chuẩn, cùng loại quy trình thủ tục và cùng một cách tính độ không đảm bảo do trên toàn cầu.
Hiện nay, không chỉ Uỷ ban Cân Đo quốc tế (CIPM), Tổ chức quốc tế về đo l¬ường pháp quyền (OIML) mà còn ILAC/IAF đã nỗ lực thành lập hệ thống đo lường và thử nghiệm toàn cầu. Bốn yếu tố thiết lập nên hệ thống đo l¬ường toàn cầu là:
-Hệ thống đồng bộ về quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo l¬ường pháp quyền;
- Hệ thống đồng bộ về tiêu chuẩn trong lĩnh vực đo lư¬ờng khoa học và công
nghiệp;
- Sự thừa nhận của toàn thế giới về dẫn xuất kết quả đo trên cơ sở của hệ
đơn vị SI;
- Hài hoà trên toàn thế giới đối với yêu cầu về năng lực các phòng thử nghiệm và các cơ quan chứng nhận.
Các tổ chức quốc tế khác nhau đóng góp 4 yếu tố để hình thành lên hệ thống đo l¬ường toàn cầu như¬ sau:
-WTO/OIML chịu trách nhiệm về hài hoà quy chuẩn pháp lý;
- ISO/IEC chịu trách nhiệm về hài hoà tiêu chuẩn;
- CIPM chịu trách nhiệm về sự thừa nhận của toàn thế giới đối với kết quả
đo đ¬ược dẫn xuất trên cơ sở của hệ đơn vị SI;
-ILAC/IAF chịu trách nhiệm về hài hoà trên toàn thế giới đối với yêu cầu về năng lực các phòng thử nghiệm và các cơ quan chứng nhận.
Trong thời gian tới, xung hư¬ớng phát triển đo lư¬ờng trên thế giới thể hiện trong từng lĩnh vực nh¬ư sau:
Trong lĩnh vực đo l¬ường khoa học và đo l¬ường công nghiệp:
- Đảm bảo thống nhất, chính xác các hệ thống chuẩn đo lư¬ờng, các quá trình liên kết chuẩn trên phạm vi toàn thế giới;
- Hài hoà các thủ tục thừa nhận lẫn nhau về các kết quả đo, thử nghiệm, liên kết chuẩn; so sánh liên phòng thử nghiệm;
- Xây dựng và hài hoà các tiêu chuẩn quốc gia về đo lường, thử nghiệm và hiệu chuẩn theo các Tiêu chuẩn (của ISO và IEC);
- Thay thế các yêu cầu kỹ thuật chi tiết bằng các yêu cầu chung hơn, mềm dẻo hơn (" phương pháp tiếp cận mới" của Liên minh Châu Âu).
Trong lĩnh vực đo l¬ường pháp quyền:
Tham gia và phát huy hiệu quả của hệ thống chứng chỉ OIML trên toàn thế giới;
- Tích cực dỡ bỏ rào 'cản thương mại bằng cách xây dựng các quy chuẩn quốc gia phù hợp các khuyến nghị quốc tế (của OIML);
- Hài hoà tập trung vào: đơn vị đo lường (SI); luật pháp; thủ tục kiểm định và thử nghiệm đo l¬ường;
- Tuỳ theo từng nền kinh tế, từng bước thực hiện khẩu hiệu "giảm qui chuẩn, giảm bớt ảnh hư¬ởng của chính phủ, tự do hóa, tăng t¬ư nhân hoá".
Với phân tích như ¬ trên, chúng ta có thể kết luận rằng hệ thống đo l¬ường toàn cầu và các chứng chỉ chấp nhận toàn thế giới là tầm nhìn cần h¬ướng tới. Với quan điểm này và thực hiện theo chiến lư¬ợc toàn cầu của WTO, đo l¬ường pháp quyền sẽ trải qua một sự phát triển mạnh mẽ và thực sự hội nhập trong thời gian tới
2. Đo l¬ường Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế
Những kết quả đạt đ¬ược trong hoạt động hội nhập quốc tế về đo l¬ường
Ở nư¬ớc ta, ngay từ những ngày đầu thành lập, cơ quan quản lý nhà nư¬ớc về đo l¬ường đã rất quan tâm tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về đo l¬ường, coi đây là biện pháp có hiệu quả để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế đầu t¬ư cho đo l¬ường. Cho đến nay, Chính phủ đã cho phép Tổng cục TĐC tham gia 15 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có các tổ chức quan trọng về đo l¬ường như¬:
- Năm 1992, tham gia Ch¬ương trình đo l¬ường Châu á- Thái Bình Dư¬ơng (APMP) với t¬ cách là thành viên chính thức;
- Năm 1 995 , tham gia Diễn đàn đo l¬ường pháp quyền Châu á- Thái Bình Dư¬ơng (APLMF) với t¬ cách là thành viên chính thức;
- Năm 2000, tham gia Nhóm công tác về đo l¬ường pháp quyền (LMWG) trong khuôn khổ Uỷ ban tư¬ vấn về tiêu chuẩn và chất l¬ượng của ASEAN (ACCSQ);
-Năm 2000, tham gia Tổ chức hợp tác công nhận phòng thử nghiệm Châu á Thái Bình Dư¬ơng (APLAC) với tư ¬ cách là thành viên chính thức;
-Năm 2001 , tham gia Tổ chức hợp tác công nhận phòng thử nghiệm quốc tế (ILAC) với t¬ cách là thành viên chính thức;
- Năm 2003, tham gia Tổ chức Đo lư¬ờng pháp quyền quốc tế (OIML) với tư cách là thành viên chính thức;
- Năm 2004, tham gia Hội nghị toàn thể về cân và đo (CGPM) của Công ước mét với t¬ư cách là thành viên hợp tác;
Bốn mư¬ơi lăm năm qua, việc chúng ta tham gia các tổ chức quốc tế về đo lường đã đánh giá đ¬ược công cuộc xây dựng và phát triển đo l¬ường Việt Nam trong quá trình hội nhập với đo l¬ường khu vực và quốc tế.
Kết quả chính của hoạt động hội nhập quốc tế về đo l¬ường thể hiện cụ thể thông qua các dự án hợp tác của UNIDO, EU, ETV2,...
Xu h¬ướng hội nhập quốc tê về đo l¬ường trong thời gian tới
Xu hư¬ớng toàn cầu hoá về đo lư¬ờng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và yêu cầu thực tế chủ quan và khách quan của đất nư¬ớc ta khi gia nhập WTO đang đòi hỏi đo l¬ường pháp quyền, đo lư¬ờng khoa học, đo l¬ường công nghiệp ở Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ cả về số l¬ượng lẫn chất lư¬ợng để phát huy kết quả đã đạt đư¬ợc và định hư¬ớng đúng đắn trong t¬ương lai. .
a) Đối với đo l¬ường khoa học và công nghiệp
Thời gian qua, hoạt động công nhận phòng thử nghiệm đã thúc đẩy đo lường khoa học và công nghiệp ngày càng đ¬ược quan tâm và phát triển. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu hư¬ớng hội nhập toàn cầu và đóng góp có hiệu quả trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất n¬ước, đo l¬ường khoa học và công nghiệp cần tập trung vào một số việc sau:
- Tiếp tục xây dựng hệ thống chuẩn đo l¬ường quốc gia ngày một hoàn thiện hơn theo quy hoạch đã d¬ược Chính phủ phê duyệt;
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, đánh giá và công nhận các phòng đo lường chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 1 7025 ;
- Tích cực thực hiện so sánh vòng các chuẩn đo lư¬ờng quốc gia với các chuẩn đo lư¬ờng của các n¬ước thành viên APMP;
- Tăng c¬ường nghiên cứu khoa học nhằm vào giải pháp nâng cao trình độ chuẩn, ph¬ương pháp sao truyền chuẩn; một số giải pháp kỹ thuật để kiểm soát có hiệu quả đối với phư¬ơng tiện đo có gắn phần mềm nh¬ư tắc ximét, cột đo nhiên liệu,...
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện Thoả thuận công nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (MRA).
b) Đối với đo l¬ường pháp quyền
Với xu hư¬ớng toàn cầu hoá về đo l¬ường, sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức th¬ương mại quốc tế WTO (tháng l/2007), đo lư¬ờng pháp quyền cần tập trung vào một số việc cụ thể sau:
- Rà soát, sửa đổi và hài hoà mạnh mẽ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản kỹ thuật về đo l¬ường theo các yêu cầu của Hiệp định WTO/TBT như¬ minh bạch hoá; không cản trở th¬ương mại; không phân biệt đối xử; có căn cứ khoa học, bằng chứng khách quan; hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ quốc tế
+ Đối với văn bản pháp quy về đo l¬ường: Nâng cấp Pháp lệnh Đo l¬ường thành Luật Đo l¬ường vào năm 2009; tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định về Đơn vị đo lư¬ờng chính thức; soát xét, sủa đổi một số văn bản do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành như¬: Danh mục phư¬ơng tiện đo bắt buộc kiểm định; quy định về quản lý chuẩn đo l¬ường, quy định đo l¬ường về hàng đóng gói sẵn.
+ Đối với văn bản kỹ thuật về đo lư¬ờng: thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ, chất l¬ượng đối với việc chuyển đổi Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) thành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo l¬ường phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo l¬ường pháp quyền nh¬ư: tích cực tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực; tham gia MAA và MRA.
Với những định h¬ướng nêu trên, chúng ta hy vọng rằng từ nay đến năm 2010, trên cả 3 lĩnh vực về đo l¬ường khoa học, đo l¬ường công nghiệp và đo lư¬ờng pháp quyền sẽ đạt đư¬ợc những kết quả to lớn trong việc hội nhập với quốc tế và khu vực, đồng thời phục vụ tốt cho doanh nghiệp và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nền kinh tế thị tr¬ường./. .
Trung tâm Đo lường Việt Nam
Công tác quản lý nhà nước về đo lường hiện nay - Cơ hội và thách thức
1. Hiện trạng hoạt động quản lý đo l¬ường:
Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản kỹ thuật về đo l¬ường
Thời gian qua, chúng ta đã xây dựng và hình thành tương đối đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lư¬ờng bao gồm Pháp lệnh Đo l¬ường sửa đổi năm 1999, 2 Nghị định và 12 văn bản do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Song hành với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua chúng ta cũng đã xây dựng nên đư¬ợc một hệ thống văn bản kỹ thuật đo l¬ường Việt Nam (ĐLVN) khá đầy đủ để thực thi các công việc cụ thể nh¬ư thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn phư¬ơng tiện đo và chuẩn đo l¬ường nhằm từng bư¬ớc đáp ứng đ¬ược nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo công bằng xã hội liên quan đến đo lường. Cho đến hôm nay, chúng ta đã có 160 ĐLVN đư¬ợc ban hành, đảm bảo hầu hết các ph¬ương tiện đo trong danh mục phải kiểm định đều đã có quy trình kiểm định t¬ương ứng và dần phù hợp với các khuyến nghị, tiêu chuẩn quốc tế. Đây thực sự là một thành tựu của việc nghiên cứu ứng dụng đ¬ưa các kết quả nghiên cứu khoa học của thế giới vào phục vụ công tác đo l¬ường ở nư¬ớc ta.
Về hệ thống chuẩn đo l¬ường
Căn cứ nhu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế xã hội cũng nhu yêu cầu của công tác quản lý nhà nư¬ớc về đo l¬ường giai đoạn mới, ngày 21/9/2004, Thủ tư¬ớng Chính phủ đã ký ban hành các Quyết định số 165 và 166/2004/QĐ-TTg về "quy hoạch phát triển chuẩn đo l¬ường quốc gia giai đoạn 2004-2010" và "quy chế phê duyệt chuẩn đo lư¬ờng quốc gia". Triển khai các Quyết định này, đến nay, 10 chuẩn đo lư¬ờng quốc gia đã đ¬ược Thủ tư¬ớng Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ sở kỹ thuật, vừa là cơ sở pháp lý để thực hiện thống nhất đo l¬ường trong cả n¬ước.
Về hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn ph¬ương tiện đo
Theo Danh mục phư¬ơng tiện đo phải kiểm định nhà ưn¬ớc ban hành kèm theo Quyết định số 65/2002/BKHCNMT của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), phư¬ơng tiện đo gồm 46 chủng loại thuộc 8 lĩnh vực đo: độ dài, khối l¬ượng, dung tích-l¬ưu l¬ượng, áp suất, nhiệt độ, hoá lý, điện-điện từ và bức xạ, trong đó nhiều nhất là các phư¬ơng tiện đo thuộc lĩnh vực đo khối l¬ượng, dung tích-lư¬u lư¬ợng và điện-điện từ. Để thực hiện việc quản lý và kiểm định các phư¬ơng tiện đo này, chúng ta đã xây dựng đư¬ợc hệ thống hơn 200 tổ chức kiểm định phư¬ơng tiện đo từ trung ư¬ơng đến các Bộ, ngành, địa phương và đang dần xây dựng, phát triển các tổ chức kiểm định cấp huyện.
Hệ thống kiểm định này hàng năm thực hiện kiểm định trên 3 triệu phư¬ơng tiện đo thuộc trong danh mục phải kiểm định, trải rộng trên mọi miền của đất nước, từ miền núi đến miền xuôi trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: thư¬ơng mại, sản xuất, an ninh quốc phòng, y tế, môi trư¬ờng nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Hệ thống các phòng hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo l¬ường tuy còn ch¬ưa mạnh cả về số l¬ượng lẫn năng lực như¬ng cũng đã thực hiện việc hiệu chuẩn phư¬ơng tiện đo phục vụ yêu cầu đảm bảo liên kết chuẩn đo l¬ờng của các ngành công nghiệp; thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu phư¬ơng tiện đo và các yêu cầu khác của hoạt động quản lý đo l¬ường.
Tuy nhiên, với cơ chế công nhận và uỷ quyền trư¬ớc đây việc phát triển hệ thống các tổ chức kiểm định còn nhiều hạn chế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục đến tháng 6/2006, với hệ thống các tổ chức kiểm định hiện tại mới chỉ kiểm định đư¬ợc xấp xỉ 50% số lư¬ợng ph¬ương tiện đo phải kiểm định.
Về hoạt động sản xuất, nhập khẩu ph¬ương tiện đo
Pháp lệnh đo l¬ường 1990 và 1999 đều khẳng định: Nhà nư¬ớc khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân sản xuất phư¬ơng tiện đo và đã thiết lập một hệ thống quy định khá thông thoáng để quản lý lĩnh vực này nhằm tạo thuận lợi cho nhà sản xuất, nhập khẩu phư¬ơng tiện đo.
Mặc dù còn nhiều hạn chế về năng lực kỹ thuật và trình độ công nghệ, cho đến thời điểm hiện tại đã có 283 mẫu ph¬ương tiện đo sản xuất, lắp ráp của khoảng 150 cơ sở sản xuất trong n¬ước và hơn 290 mẫu phương tiện đo nhập khẩu của khoảng 200 cơ sở nhập khẩu đã đ¬ược phê duyệt, tập trung chủ yếu vào các loại phư¬ơng tiện đo thông dụng, có nhu cầu lớn. Những số liệu này cho thấy ngành công nghiệp sản xuất phư¬ơng tiện đo n¬ước ta thời gian qua tuy đã có phát triển, song cần đ¬ược đẩy mạnh hơn.
Về quản lý phép đo trong th¬ương mại bán lẻ và hàng đóng gói sẵn theo định lư¬ợng
Đây là những lĩnh vực đo l¬ường hợp pháp gắn liền với quyền lợi của đông đảo ngư¬ời dân. Trên cơ sở các quy định của Quyết định số 31/2002/QĐ-BKHCNMT,Quyết định số 30/2002/QĐ-BKHCNMT, Quyết định số 61/2002/QĐ-BKHCNMT liên quan đến quản lý đo l¬ường đối với hàng đóng gói sẵn, Tổng cục và các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lư¬ờng Chất lượng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ ngư¬ời tiêu dùng, đảm bảo công bằng, khách quan trong mua bán thúc đẩy văn minh thương mại.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tốt đã đạt đư¬ợc, các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên ch¬ưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu hài hoà để hội nhập khu vực và quốc tế, có lúc công tác thanh tra, kiểm tra còn chư¬a phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các gian lận thương mại liên quan đến đo lư¬ờng.
Về hợp tác quốc tế' về đo l¬ường
Ngay từ những ngày đầu thành lập, cơ quan quản lý nhà nư¬ớc về đo lường đã rất quan tâm tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về đo l¬ường, coi đây là biện pháp có hiệu quả để tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế đầu t¬ư cho đo l¬ường. Cho đến nay, Chính phủ đã cho phép Tổng cục TĐC tham gia 18 tổ chức quốc tế và khu vực, trong đó có các tổ chức quan trọng về đo l¬ường như¬:
- Tổ chức đo lư¬ờng pháp quyền quốc tế (OIML);
- Diễn đàn đo lường pháp quyền Châu Á- Thái Bình Dư¬ơng (APLMF);
-Ch¬ương trình đo lư¬ờng Châu á- Thái Bình D¬ương (APMP);
- Ủy ban t¬ư vấn của ASEAN về tiêu chuẩn và chất l¬ượng - Nhóm công tác về đo lư¬ờng pháp quyền (ACCSQ-LMWG)
Nh¬ư vậy, với nền móng là Sắc lệnh 08/SL về Đo lư¬ờng, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành trong suốt 45 năm qua, chúng ta đã đạt đư¬ợc những thành quả đáng kể trong hoạt động đo l¬ường góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nư¬ớc .
2. Những thuận lợi, thách thức và một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác đo lư¬ờng phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo WTO
Thuận lợi:
- Chúng ta đã có hệ thống cơ sở pháp lý, kỹ thuật, tổ chức và kinh nghiệm trong hoạt động đo l¬ường đ¬ược xây dựng, củng cố trong suốt 45 năm qua.
- Chính yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế theo quy định của WTO đòi hỏi Chính phủ, các Doanh nghiệp và ngư¬ời dân nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của Đo lư¬ờng đối với xây dựng, áp dụng chính sách, luật pháp của Nhà nư¬ớc để bảo vệ quyền lợi của quốc gia, tạo cơ sở cho phát triển của Doanh nghiệp; nâng cao năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ trong hoạt động đo l¬ường nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp và ng¬ười dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo công bằng xã hội.
- Hoạt động hợp tác quốc tế về đo lư¬ờng thời gian qua đã đi vào chiều sâu, giúp nhận thức rõ hơn về lộ trình, cách tiếp tận để xây dựng hệ thống đo lư¬ờng ở các n¬ước có nền kinh tế thị tr¬ường.
Thách thức:
a) Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật về đo l¬ường cần đáp ứng yêu cầu hài hoà nhanh chóng với các văn bản tư¬ơng tự của các nư¬ớc trong khu vực và trên thế giới. Việc phải soát xét, sửa đổi toàn bộ hệ thống các văn bản pháp quy về đo l¬ường là yêu cầu cấp bách.
b) Với việc Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, cần tiến hành rà soát hệ thống gần 200 văn bản kỹ thuật đo l¬ường hiện có để sửa đổi, chuyển thành TCVN hoặc Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo l¬ường; đồng thời cần xây dựng các văn bản mới đáp ứng yêu cầu quả lý Nhà nước, của Doanh nghiệp và ng¬ười dân, trong khi lực l¬ượng tham gia còn hạn chế, cách thức xây dựng còn đang đ¬ược hoàn thiện nh¬ưng thời gian phải hoàn thành công việc này rất gấp.
c) Năng lực kỹ thuật về đo l¬ường, thử nghiệm của các đơn vị kỹ thuật của Việt Nam còn yếu, ở nhiều lĩnh vực, nhiều công việc cụ thể chúng ta ch¬a đáp ứng đư¬ợc đầy đủ yêu cầu
d) Tư¬ duy, cách làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành vẫn còn ảnh h¬ưởng nặng của nền hành chính, bao cấp tr¬ước đây. Trình độ của một bộ phận cán bộ, nhân viên còn yếu, ch¬ưa đáp ứng đư¬ợc yêu cầu, ch¬ưa nhận thức sức ép nặng nề của hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Những công việc cần làm trong thời gian tới
Với việc gia nhập WTO và trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế thế giới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục diễn ra cực kỳ mạnh mẽ, Đo l¬ường Việt Nam đứng tr¬ước những nhiệm vụ rất nặng nề cùng với những thách thức và cơ hội để phát triển hết sức tốt đẹp. Để đáp ứng nhu cầu xu thế hội nhập nêu trên, ngành tiêu chuẩn đo l¬ờng chất l¬ượng nói chung và hoạt động đo l¬ường nói riêng cần phải không ngừng cải tiến và đổi mới. Cụ thể nh¬ư sau:
Ở Trung ¬ương:
Thực hiện tốt kế hoạch xây dựng Luật Đo l¬ường trên cơ sở soát xét, sửa đổi, nâng cấp Pháp lệnh Đo l¬ường 1999 đã đư¬ợc Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức đề nghị Chính phủ trình Quốc hội đ¬ưa vào kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh quốc hội nhiệm kỳ 12 (2007-2011).
Hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2001/NĐ-CP về đơn vị đo l¬ường để trình Chính phủ vào cuối tháng 2/2007;
Tiếp tục thực hiện soát xét, sửa đổi và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về đo l¬ờng còn lại nh¬ư:
Danh mục phư¬ơng tiện đo phải kiểm định
- Quy định quản lý chuẩn đo lường
- Quy định quản lý hàng đóng gói sẵn, . . .
Thực hiện chuyển đổi các ĐLVN, xây dựng mới các TCVN và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để làm cơ sở pháp lý, kỹ thuật cho hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nư¬ớc về đo lư¬ờng và hội nhập quốc tế. Tinh thần chung của các quy chuẩn quốc gia và TCVN sẽ đ¬ợc rà soát nghiêm túc theo các tiêu chí của Hiệp định WTO/TBT mà Việt Nam có nghĩa vụ phải thực hiện: Đảm bảo không phân biệt đối xử, minh bạch, không cản trở th¬ương mại, có căn cứ khoa học và khách quan, hài hòa với quốc tế.
Tăng cư¬ờng cơ chế đánh giá thừa nhận kết quả thử nghiệm phục vụ phê duyệt mẫu ph¬ương tiện đo để thực hiện tiêu chí "một tiêu chuẩn, thử nghiệm một lần, đ¬ược chấp nhận mọi nơi";
Tăng c¬ường đào tạo, bồi d¬ưỡng cán bộ, công chức, viên chức và ngư¬ời lao động của cả hệ thống để mọi ngư¬ời nhận thức rõ yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tiếp tục triển khai dự án xây dựng Trung tâm Đo l¬ường Việt Nam tại khu công nghệ cao Hoà Lạc;
Thực hiện tốt quy hoạch các phòng đo lư¬ờng, thử nghiệm phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế;
Tiếp tục triển khai Chư¬ơng trình quản lý đo l¬ường trong xăng dầu, khí đốt và khí thiên nhiên;
Tại các địa ph¬ương
- Cập nhật th¬ường xuyên và triển khai có hiệu quả các quy định của Nhà nươc về đo l¬ường như ¬ Pháp lệnh Đo l¬ường, Văn bản của Chính phủ, các Quy định về đo lư¬ờng của Bộ Khoa học và Công nghệ (về việc phê duyệt mẫu, kiểm định ph¬ương tiện đo, quản lý chuẩn đo l¬ường,. . .);
-Tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ và chức năng quản lý nhà n¬ước về đo lư¬ờng ở địa phư¬ơng;
- Tăng cường và xây dựng các chuẩn chính đối với các lĩnh vực đo, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, thành phố để thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp và ng¬ười tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
- Thúc đẩy việc áp dụng mô hình công nhận phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 1 7025 ;
- Tăng cường áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học đo l¬ường để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phép đo và phư¬ơng tiện đo phù hợp với tình hình thực tiện của địa ph¬ương;
- Tăng cư¬ờng đào tạo và nâng cao đội ngũ kiểm định viên đo lư¬ờng.
- Phối hợp với Tổng cục trong việc biên soạn các quy trình kỹ thuật phục vụ cho việc thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn chuẩn, phư¬ơng tiện đo theo Luật TC &QCKT;
- Tiếp tục đầu tư¬ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà sở, . . . cho hoạt động kiểm định để nâng cao chất l¬ượng kiểm định, mở rộng hình thức kiểm định đáp ứng nhu cầu thực tế
- Tiếp tục triển khai và phát huy, nhân rộng các trạm cân đối chứng; triển khai mô hình kiểm định l¬ưu động; trạm kiểm định cho các huyện,'. . .
- Tăng c¬ường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức kiểm định thuộc địa bàn quản lý.
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc những thuận lợi, thách thức cũng nh¬ư nắm chắc những nhiệm vụ to lớn về đo l¬ường của toàn ngành trong thời kỳ hội nhập toàn diện về kinh tế với quốc tế, với tinh thần chủ động, chúng ta tin t¬ưởng rằng, trong thời gian sắp tới đo l¬ường của Việt Nam sẽ có b¬ước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của Doanh nghiệp và ngư¬ời dân./.
Trung tâm Đo lường Việt Nam
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top