Chương 1

Tôi là Minh, đang đi làm ở một công ty nhỏ gần nhà và phụ mẹ chăm sóc người bà đã ngoài tám mươi, tuổi đã cao cộng với chứng đãng trí của người già khiến sức khoẻ bà sa sút hẳn đi. Bà hay nhầm tưởng tôi là ông ngoại, rồi ôm chầm lấy khóc lớn, thủ thỉ biết bao điều từ mấy mươi năm trước, lần đầu họ gặp nhau, kết hôn đến khi ông từ giã gia đình vì tiếng gọi quê hương. Đặc biệt, thứ khiến tôi đau lòng nhất trong lời kể của bà là tủi hờn của bà suốt những năm tháng quạnh vắng nuôi con vừa kiên trì đợi ông với nỗi vô vọng.

Tôi và mẹ sợ bà buồn nên không phân bua giải thích, tôi bóp bụng đóng vai của ông ngoại, vỗ về, an ủi bà về những tủi thân khi không có ông bên cạnh. Nhưng sáng nay, bà lại im lặng, không rỉ rả chuyện trò như thường thấy mà đôi mắt ráo hoảnh chằm chằm nhìn tôi, bà mấp máy âm giọng già yếu của mình:

- Mày thấy ông ngoại về chưa?

Câu hỏi của bà làm tôi dừng hẳn tấm chăn đang xếp dở, ấp úng đáp:

- Tôi đây. Tôi ở bên bà mà. – Dù rất nhiều lần giả vai ông vai nhưng thật tình tôi không thể nào quen được nên luôn trong trạng thái lắp ba lắp bắp.

- Thằng oắt con, mày còn dám giả ông. - Bà trách móc nhưng trên khoé miệng nhen nhóm ý cười, một tình yêu không tả xiết trên gương mặt khiến tôi hạnh phúc vô bờ. Tôi muốn nhảy cẫng lên để báo niềm vui với cả nhà vì sau thời gian bà chìm trong quá khứ, cuối cùng ngoại đã tỉnh táo để nhận ra tôi.

- Hì hì... con trêu ngoại ấy mà. - Tôi gãi đầu, bật cười ngượng ngùng.

- Mày xem coi sao ông ngoại chưa về? Hay đưa tao đi tìm ông ấy? - Bà ngồi trên ghế, ánh mắt tha thiết nhìn về cửa sổ, hai tay chống lên thành ghế để đứng, toan hướng ra cửa... dường như bà thật muốn làm theo đúng lời mình vừa nói.

Tôi chẳng biết bà đã hoàn toàn tỉnh hẳn để đi tìm ông – một ước muốn chưa bao giờ nguôi trong lòng bà - hay trong trí nhớ tràn ngập dấu hiệu thời gian, bà luôn an ủi mình rằng ông vẫn còn sống nhưng dù thế nào, dáng vẻ của bà vẫn vô cùng quyết liệt để bước đi trên đôi chân gầy yếu.

Mẹ tôi nói, ông đi lúc mẹ chưa ra đời nên những câu chuyện của ông được mẹ biết đến qua lời kể của ngoại và những bức thư ông gửi về. Những mảnh giấy nhuốm mùi năm tháng ấy được bà xem như báu vật, cất trong két sắt mà nơi ấy vốn được chúng tôi mua cho ngoại để an tâm giữ tiền mừng của con cháu.

Nhưng những bức thư là lẽ sống của bà năm xưa đã dần biến mất hẳn khiến bà đợi chờ trong vô vọng, bà luôn mong mỏi một tín hiệu nào đấy nhưng hoàn toàn bặt tin. Năm 1975, hoà bình lặp lại, những người lính xa quê hương đã lần lượt trở về, lành lặn hay đã gửi một phần cơ thể nơi chiến trường đều có, nhưng rất nhiều người bặt vô âm tín, trong đó có ông, hôm nào bà cũng đứng ở đầu ngõ ngóng trông đến mặt trời khuất bóng, bà ôm mẹ vào lòng, nuốt sự nghẹn ngào, nói với mẹ:

- Ba con sẽ về. Ông ấy trọng nhất lời hứa. Không gửi thư về chắc là ông ấy biết sắp hoà bình nên cho mẹ con mình bất ngờ.

Mỗi khi nghe mẹ kể đoạn ấy, tôi không biết bà đang an ủi mẹ hay chính bà nhưng lúc đó mẹ tôi cũng ôm chầm lấy bà, giống như ngoại, mẹ nuốt nước mắt ngược vào trong. Bởi lẽ, có một chuyện mẹ luôn giấu kín ngoại, khoảng năm 1960, có một người đồng đội của ông... đã báo rằng ông đã mất tích trên chiến trường. Mẹ tôi gật đầu, không nói với ngoại vì chính mẹ cũng đang ôm hy vọng không thực.

Mẹ tôi lén ngoại, lập bàn thờ để tưởng nhớ ông ở một ngôi nhà khác của gia đình, dựa vào ngày đồng đội báo tin ông mất. Thời gian ấy, mẹ tôi cũng âm thầm nhờ người tìm thân xác ông để rước về... dù nắm tro tàn nhưng ít ra ngày ngoại trăm tuổi, họ được nằm cạnh nhau ở năm tháng cuối đời. Phần khác, mẹ cũng muốn đưa ông về mảnh đất quê hơn.

- Mày không đi thì tao tự đi.

Âm thanh cáu gắt của bà đã cắt ngang dòng suy nghĩ mông lung của tôi. Tôi chẳng biết phải đáp thế nào. Nếu nói sự thật ông đã mất, bà không chịu nổi đả kích, còn nói dối thì bà lại sống trong chờ mong. Ngoại đã dành trọn cuộc đời để đợi ông, tôi không thể ác độc khiến bà phải đau đáu thêm trong quãng thời gian ít ỏi của mình.

- Hôm nay chế hai ẵm cháu cóc về cho ngoại, ngoại thay đồ rồi ra đón cháu nghe ngoại. - Tôi sực nhớ đến chế tôi hôm nay về thăm nên vội lảng sang chuyện khác, cố gắng dời tầm chú ý của bà.

Bà gật gù, vui vẻ đến đôi mắt híp lại:

- Ừm... con Hoa bế cu Tí về chơi. Thôi mai hả đi kiếm ổng cũng được. – Niềm vui của người lớn tuổi rất đơn giản, chỉ quanh quẩn bên con cháu đã giúp bà rạng rỡ suốt ngày.

Tôi tạm thời giải vây được tình hình cấp bách nhưng không ngờ liên tục một tuần sau đó, bà nằng nặc phải đi tìm ông cho bằng được. Trong thời gian ngắn nhưng bà đã gầy đi rất nhiều. Việc ăn uống cũng chẳng còn tha thiết khiến mẹ tôi cũng rầu rĩ, xuống sắc thấy rõ.

Hôm nay, mẹ tôi đi chợ về, kỳ lạ là bà không vào nhà mà thập thò người cửa như ăn trộm, vẫy vẫy tay, ra hiệu cho tôi tới chỗ bà.

Tôi cười cười chọc bà:

- Mẹ định đổi nghề ăn trộm à? Định cướp két sắt của ngoại hả.

Mẹ đánh vai tôi, gằn giọng trách móc:

- Cái thằng tào lao này. Tao sợ ngoại nghe nên kêu mày ra đây.

- Chuyện gì mà quan trọng. Ngoại lãng tai, mẹ đứng kế bên chưa chắc ngoại đã nghe được. – Tôi không ngại nhắc nhở bà một việc vô cùng hiển nhiên. Đừng nói đến việc ngoại nghe thấy, đôi khi bà quên đeo máy trợ thính, tôi đứng kế gào khản cả cổ ngoại cùng chỉ đáp lại tôi bằng từ "hả, hả" ngoài ra chắc có gì khác.

Mẹ đánh lên bả vai tôi một cái rõ đau, đôi mắt sắc lẹm lườm tôi, sau đó thỏ thẻ nói:

- Bạn mẹ chỉ có nhà ngoại cảm hay lắm. Chủ yếu tìm hài cốt của chiến sĩ. Tao tính liên hệ tìm ông ngoại mày. Cùng tỉnh với mình luôn nè.

Tôi nhìn mẹ, biết bà đang rất nghiêm túc. Bởi lẽ đây không chỉ là khoắc khoải của ngoại mà con của mẹ - người phụ nữ ngoài năm mươi chưa một lần gặp được ba. Tôi không tin lắm vào chuyện tâm linh nhưng chẳng muốn đập vỡ hy vọng mẹ nên đáp:

- Mẹ tính sao cũng được. Nếu may mắn thì đưa ông ngoại về thì tốt còn gì bằng.

Mẹ lật đật móc mảnh giấy ghi số điện thoại vừa xin được, bảo tôi:

- Mày gọi cho mẹ.

- Dạ! - Tôi chạy ào vào nhà, lấy điện thoại ra ngoài cổng. Bấy giờ, hai mẹ con tôi đều thập thò hệt như ăn trộm.

"Tít..." Tiếng chuông chờ vang lên rồi dừng, đến mấy bận nhưng hoàn toàn không ai nghe máy. Tâm trạng phấn chấn của mẹ xìu đi không ít, nhìn mẹ, tôi thật nhói lòng. Mẹ luôn an ủi ngoại nhưng tôi biết mẹ khổ sở không kém ngoại là bao. Việc tìm ông đã khiến mẹ hao tâm khổ trí trong mấy mươi năm. Chế hai thường khuyên mẹ bỏ cuộc, còn tôi luôn im lặng nhưng... thầm tán đồng với ý kiến của chế. Chiến tranh tàn tốc đã vùi sâu bao cha ông xuống lồng đất, muốn tìm âu chẳng phải chuyện dễ dàng.

"Ting..." Lúc tôi với mẹ thất thiểu tiếng chuông điện thoại lại vang lên, là số máy mẹ con tôi đã cố gắng gọi rất lâu.

Mẹ tôi bắt máy, giọng trân trọng tuyệt đối dù chẳng biết khả năng thật sự của đối phương:

- Cô Trang nhà ngoại cảm phải không cô? – Mẹ tôi gấp gáp nên vào thẳng vấn đề.

Bên kia chẳng biết nói gì nhưng tôi thấy gương mặt mẹ giãn ra, niềm vui lộ rõ. Có lẽ bà đã tìm được đúng người. Mẹ ngồi xổm xuống bóng râm, kể sơ lược về ý muốn của gia đình. Lâu lâu bà chen vào thêm những lời nhờ vả đầy chân tình.

Tôi không thể đứng đây cùng mẹ vì ngoại đã thức giấc. Bà ngoại nhìn thấy tôi, đôi mắt hoen lệ, giọng nghẹn ngào:

- Vì sao ông mày không về thăm tao?

Tôi đau lòng trước vết ố sâu thẳm tựa đã ăn sâu vào xương cốt của bà. Tôi thầm khẩn cầu, người phụ nữ mà mẹ đang liên hệ có thể giúp được, để họ có thể hoàn thành tâm nguyện duy nhất suốt cuộc đời ngoại.

Lúc ăn cơm chiều, mẹ khều khều tôi nói:

- Được rồi. Cô Trang hẹn hai ngày nữa đến.

Ngoại ngồi trên ghế tựa chứng kiến bộ dạng thì thầm rất đỗi vui vẻ của mẹ tôi, khẽ nói:

- Ông ngoại bây sắp về sao?

Khi nghe bà đột nhiên nói thế, tôi và mẹ đều giật mình nhưng tôi cúi đầu, tiếp tục ăn cơm, vờ như chẳng nghe câu hỏi của bà để mẹ tôi đối phó.

Ngay sau đó, tôi nghe giọng của mẹ:

- Con vẫn tìm ba. Má đừng lo.

- Hì... tao biết ổng giữ lời hứa mà. – Ngoại cười hiền, giọng điệu mềm dịu tràn đầy niềm tin.

Mẹ con tôi nhìn nhau, nở nụ cười gượng gạo, đôi mắt ai cũng ẩn hiện tia trông chờ không thể nào tả xiết nhưng cũng chứa đầy những trăn trở bởi việc tìm một người đã mất mấy mươi năm... rất khó.

Tối đến, tôi ngủ cùng ngoại, đêm nay ngoại hay mớ nên tôi không ngủ được, thức trọn đêm để canh bà vừa lướt xem những tin tức trên mạng.

Lúc không gian yên ắng nhất một "rầm" chát chúa ngoài cửa sổ chợt vang lên tiếng đập cửa. Tôi mặc kệ, vì cho rằng gió thoảng làm cánh cửa run lên.

Nhưng một lúc sau, tôi nhận rõ sự ngây ngô của mình, tiếng "rầm" đó không dứt đi, mà nó kéo dài và kéo thêm những chuyện oái oăm khác.

---

Chế: chị (theo cách phát âm của địa phương)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top