Hanh trinh tam linh nhan loai

Chương I. Tiền đề cho cuốn sách

Sáng 11 tháng 9 năm 2001 một sự kiện long trời, lở đất đã xảy ra như để mở màn sự chứng nghiệm lời dự báo của nhiều nhà chính trị thần học, rằng khác hẳn các thế kỷ trước, chỉ là các cuộc chiến tranh giành đất, giành thị trường, giành tư tưởng, thiên niên kỷ thứ III sẽ là cuộc đụng đầu của các tôn giáo - đó là cuộc chiến tranh tâm linh nằm ở thượng tầng tư tưởng.

Sự kiện hai chiếc phi cơ lao vào hai toà nhà ở New York - cao nhất nước Mỹ - cũng là biểu tượng uy quyền hiện đại của nước Mỹ, gây tiếng nổ khủng khiếp, sụp đổ rùng rợn, chôn vùi và cháy nhiều tháng trời ... không chỉ gây kinh hoàng cho nước Mỹ và thế giới bởi sức mạnh phá huỷ vật chất, mà kinh hoàng hơn nhiều là lô-gic của những linh hồn tấn công, đầy tự quyết, đầy tự giác, đầy mưu mẹo, và dũng lược của những cảm tử quân nhắm vào hậu cứ tưởng là xa nhất, an toàn nhất, của một nước Mỹ hùng mạnh nhất, đang tự cho rằng mình xuất khẩu chiến tranh phòng ngừa từ xa để được "bình chân như vại".

Sự kiện tầy đình này, thực ra chỉ là một giọt nước tràn khỏi chiếc ly đã tích tụ đầy ắp những thực trạng đối đầu cả ngấm ngầm lẫn công khai trước đó.

Ngày 27/12/1979 quân đội Liên Xô kéo nhiều sư đoàn vào Afghanistan, ngót mười năm chiến tranh hao người tốn của chẳng hậu thuẫn nổi cho lực lượng mình ủng hộ, đành rút quân về (2/1989). Tiếp đó, cực chẳng đã, 7 giờ sáng, ngày 17 tháng giêng năm 1991, Mỹ cùng 26 nước đồng minh phải huy động cả hải quân, không quân, lẫn lục quân vào cuộc đại chiến chống Irắc, một dân tộc chỉ vẻn vẹn có 16 triệu người. Rút cục "Tổng Tư lệnh" của họ Sadam Hussel sau cả 10 năm vẫn còn nguyên vẹn. Còn đắng cay hơn, vào ngày

17/12/1996, chính thể Iran chẳng nể nang chú Sam cường quốc số một thế giới, đã ập vào bắt trọn gói cả 54 thành viên đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tê - hê - ran (Tehran), cuộc khủng hoảng kéo dài mãi đến năm sau mới hé mở giải pháp ban đầu.

Cuộc thập tự chinh vẫn chưa thực sự bắt đầu. Sau ngòi nổ 11/9/2001, cỗ xe nước Mỹ buộc phải lao vào một bi kịch thụ động nhất, họ huy động nhiều nước đồng minh tấn công vào vùng núi Afghanistan, theo vệt xe trượt của Liên Xô, mong bóp nát thế lực khủng bố của Taliban từ trong ổ. Cuộc chiến huy động nhiều tầu sân bay, nhiều vùng đất yểm trợ trên đại lục, biết bao vũ khí tối tân còn chưa bóc tem được đem ra tiêm kích, vậy mà thuốc nổ siêu nặng sau nhiều tháng trời dường như vẫn chưa tẩy trừ được bao nhiêu linh hồn kiên cường của những "thánh chiến quân" khỏi vùng đất thiêng được dựng lên quanh vị thủ lĩnh "bất quy hàng"của họ là Taliban... Chưa hết sau sự sa lầy quân sự, là sự đổ vỡ phá sản của hàng loạt những công ty đầu sỏ ở Hoa Kỳ, công ty viễn thông ENRON, công ty tài chính WORLD. COM và hàng loạt các công ty kếch sù liên đới khác...

Moses và lề luật của Thiên Chúa

Tất cả dường như mới chỉ bắt đầu, trong bối cảnh bên bờ vực của một cuộc chiến khủng hoảng trên quy mô toàn cầu như vậy, một số chiến lược gia phương Tây đang kêu gọi một cuộc thập tự chinh mới để dạy cho đạo Hồi một bài học - một thứ đạo mà họ cho rằng quá lạc hậu. Liệu đấy có phải tiếng kêu hiếu chiến mời gọi một cuộc thập tự chinh mới. Cuộc thập tự chinh đầu tiên (Crusades) mở màn từ năm 1096, với khẩu hiệu "Chúa muốn vậy" (God wills it), kéo theo bảy cuộc thập tự chinh khác, cùng hai cuộc thập tự chinh trẻ em, kết cục vua Louis nước Pháp, người dẫn đầu cuộc thập tự chinh thứ bảy, chết trên chiến trường không phải vì tay gươm giáo mà bởi căn bệnh dịch hạch quái ác. Cuộc thập tự chinh cuối cùng thất bại vào năm 1270, chấm dứt 174 năm chiến tranh liên miên, xương chất thành núi, máu chảy thành sông (1). Lý do của cuộc thập tự chinh đầu tiên, là bảo vệ vùng đất thánh Jerusalem khỏi sự chiếm cứ của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày nay thì sao? Kìa vẫn mảnh đất thánh ấy, là chiếc nôi của ba tôn giáo lớn nhất thế giới, Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, cả ba đều chung ông tổ Abraham, nghĩa là cùng một gốc mà ra, vậy mà giờ đây ngày nào thế giới cũng phải rùng mình chứng kiến các cuộc tấn công vũ trang của người Israel nhắm vào người Palestin, và các cuộc đánh bom cảm tử của người Palestin chống lại người Israel. Cuộc chiến kéo dài liên miên này là một ung nhọt khủng hoảng ngay giữa lòng thế giới Ả Rập, sau đó biến thành dây cháy nổ cho cuộc xung đột tôn giáo của toàn thế giới. Cuộc thập tự chinh mới hay chiến tranh thế giới mới có diễn ra không? hay là nó kịp dừng lại trước đà lăn vào vực thẳm? Cái đó hoàn toàn đang nằm trong quyền kiểm soát của con người.

Nhưng, các tôn giáo lớn, các thế lực lớn, các đế quốc lớn, và loài người liệu có kiểm soát nổi để có giải pháp kìm chế cỗ xe chiến tranh? Trong thực tế, theo các chiến lược gia, thì cuối thế kỷ XX, cả Mỹ và Nga đều đã vừa lúng túng như gà mắc tóc, vừa bị động, vừa thất sủng trước những vấn đề Hồi giáo. Và giờ đây, bình minh của Thiên niên kỷ thứ ba, đám mây đen "thất sủng" đó không tan đi mà mỗi ngày mỗi nặng nề hơn.

* *

*

Cuốn sách của tôi, mục đích chính không nhắm đến việc lý giải có Thượng Đế hay không? Mà, giống như thực tại đang diễn ra trên toàn cầu, trước hết, nó đề cập đến, tôn giáo là một thực tại đang có thật ở trần gian. Hiện đang có hàng tỉ tín đồ Ki-tô giáo, hàng tỷ tín đồ Hồi giáo, hàng tỉ tín đồ Phật giáo, rồi tín đồ Hin - đu, Bà - la - môn cũng đông hàng tỷ, còn lại những tín đồ bái vật giáo thờ ma gà, ma xó, ma cây... thì đếm khôn xiết kể. Liệu chúng ta đếm lại được, còn bao nhiêu người vô thần thuần khiết - những người chẳng hề tin vào bất cứ cái gì siêu hình, siêu nhiên? Đặt câu hỏi như vậy, không có nghĩa là chúng ta quá đề cao tôn giáo, mà là đang tìm cách thừa nhận vấn đề tôn giáo đang tồn tại, để có giải pháp hiện thực cho cuộc đời. Bởi một lẽ, giản dị như trên chúng ta đã đề cập, dù Mỹ là cường quốc lắm của nhiều tiền, khoa học tiến bộ là vậy, dù Nga hùng mạnh đến thế nếu không có giải pháp thực tiễn, vẫn bị "vấn đề tôn giáo" xỏ mũi như thường.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

- Sinh năm 1957, học đại học An Ninh

- Anh là một người khác thường mà nhà thơ Đỗ Minh Tuấn gọi là "Anh hề triết học, chàng Đông-ki-sốt văn chương"

Tác phẩm đã in

1. Ý hướng tính văn chương. Chuyên luận và 9 cuốn khác.

Tác phẩm sắp in

1. Ngưỡng cửa làm người (tiểu thuyết, 2 tập, và 12 cuốn khác)

2. Người Việt Nam tự ngắm mình (chuyên luận)

3. Hành trình nhận thức duy niệm của nhân loại (chuyên luận, chungta.com đăng nhiều kỳ)

4. Hành trình tâm linh nhân loại (chuyên luận, chungta.com đăng nhiều kỳ)

5. Công lý và Dục vọng (chungta.com đăng nhiều kỳ)

6. Quan phẩm và Nhân phẩm (chungta.com đăng nhiều kỳ)

Xem trang Tác giả...

Trước khi xem xét, tôn giáo là sự cần thiết của tâm linh hay sự bất lực của tâm hồn? chúng ta phải đối mặt trước một hiện thực là nó có tồn tại. Giản dị, như cái đói - cái khát là cái xấu chẳng ai muốn ở đời, dẫu vậy nó vẫn luôn xuất hiện. Và muốn loại bỏ đói - khát, thì trước hết phải thừa nhận nó. Trong tác phẩm "Anh em nhà Ca - ra - ma - dốp" rất nổi tiếng, đại văn hào Dostoievski đã diễn tả sự tồn tại của linh hồn đại loại như sau. Ivan là một trí thức, y là một con người thực chứng, không tin vào cái gì không nhìn thấy, mơ hồ, ảo tưởng. Nhưng sau bi kịch của gia đình, cha bị chết, y rơi vào cuộc khủng hoảng tâm hồn. Trong lúc y đang ăn năn, dằn vặt, chất vấn mình, thì tâm hồn của y nổi lên những chuỗi cười khanh khách, nó dội ra câu hỏi: - Ivan, có ta không? (nghĩa là có cơn ác mộng là nội dung sống của tinh thần bên trong không).

Ivan đáp: Không, ngươi không có, ngươi chỉ là giấc mơ của ta thôi.

Tâm hồn y nói: Đúng, ta chỉ là giấc mơ của ngươi, nhưng ta luôn luôn tồn tại. Qua phần đối thoại giữa nhân vật và tâm hồn của y, Dostoievski đã bày tỏ một hiện thực rằng: Ngay cả những cơn ác mộng chẳng bao giờ có cơ hội trở thành hiện thực có thể sờ mó, dẫu vậy trong tình trạng chỉ là ảo ảnh nó vẫn tồn tại. Tôn giáo là gì? Cái căn bản của nó gồm hai phần:

1. Thực tại chủ quan là tâm linh con người, độc lập, riêng rẽ, về mặt bản thể tách khỏi phần xác. Tâm linh là một bản thể được nhiều nhà triết học, nhà khoa học, các tôn giáo, và một bộ phận lớn kinh nghiệm của nhân loại chấp nhận.

2. Đối tượng khách quan: Đó là một Thượng Đế vô thuỷ, vô chung, vô cùng toàn năng, toàn thể, toàn hảo và tuyệt đối. Thượng Đế là lĩnh vực bất lực của mọi nhà thần học, mọi nhà khoa học, và mọi kinh nghiệm nhân loại theo cách đòi chứng tỏ thực chứng về Ngài. Một cách tư duy, Ngài chỉ là sản phẩm của suy lý biện chứng. Một cách tâm linh, Ngài được nhận biết qua cách mơ hồ của siêu trực giác.

Bởi hai phần chính trên, nhiều nhà khoa học, xã hội học chủ trương vô thần khăng khăng phủ quyết rằng: Thượng Đế không có bởi Ngài không hiện diện thực chứng. Do vậy, khi tâm linh đòi thấy Ngài, đời sống từ suối nguồn của Ngài, đòi mọc rễ hút nhựa sống từ Ngài, là ảo tưởng và lạc hậu. Nhưng có một điều trân trân thực chứng rằng, dù tôn giáo có lạc hậu hay không thì thế giới đang có hơn 90% tín đồ không theo tôn giáo này thì tôn giáo khác. Và chúng ta không thể chối bỏ thực tại đến mức muốn ảo giác rằng, mình đang sống trong một thế giới không còn tôn giáo. M.A. Bakunin khẳng định: "Không một quốc gia nào từng phi tôn giáo, cũng chẳng có quốc gia nào có thể sống không cần tôn giáo" (No state is ever without religion, or can be without it) (2). Nhỏ hơn cả mức quốc gia , Franz Boas xác định : "Không có bộ lạc nào trên thế giới mà những hoạt động tôn giáo không trở thành một đề tài tư tưởng".

Jerusalem, Israel

Chắc hẳn, không có một dân tộc nào không mở màn lịch sử bằng một huyền thoại có mầu sắc tôn giáo. Nghĩa là mở màn khai sinh bởi một thế lực siêu nhiên hơn chính con người. Dân tộc Việt Nam thì được sinh ra từ chiếc bọc 100 trứng của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, sau đó năm mươi người con lên rừng, năm mươi người con xuống biển để dựng xây quốc gia rừng vàng biển bạc. Dân tộc Trung Hoa thì ra đời bởi mẹ Nữ Oa đội đá vá trời. Dân tộc Hy Lạp thì thai nghén trên đỉnh Ô - lanh - pơ từ mối tình thần Dớt sấm chớp với nữ thần Hê - ra, và nhiều tiên nữ, cũng như phụ nữ bình thường khác. Các vị thần Hy Lạp không chỉ là đề tài tư tưởng mà còn gieo trồng mọi cuội rễ cho đời sống của người Hy Lạp: từ sinh hoạt cộng đồng, đạo đức, thể chế, lập pháp, hành pháp cho đến mọi quy tắc ứng xử xã hội. Cụ thể, trước công nguyên ngót nửa thiên niên kỷ, triết gia Socrate đã lấy các vị thần Hy Lạp là biểu trưng lý tưởng cho những tranh biện tư tưởng nhằm lý giải những chuẩn mực tối cao của con người về cái thiện, sự thông thái, lòng khoan dung... Sau ông, triết gia Platon và triết gia Aristote cũng làm tương tự. Kết quả là ba triết gia đồ sộ bất hủ này đã tạo ra những lý thuyết làm nền móng cho triết học toàn thế giới. Chưa hết, các vị thần Hy Lạp còn đóng vai cội nguồn tinh thần cho cả đế quốc La Mã ngay sau đó. Để có tiền đề cho tư tưởng và văn hoá, ngay từ trước công nguyên, vào lúc mà quốc gia La Mã manh nha thành lập, nó đã thay tên đổi họ, các vị thần Hy Lạp, để biến thành thần thánh của xứ sở mình. Chẳng hạn, thần Zeus (Dớt) bị đổi thành Jupiter, nữ thần Hera thành Juno, thần chiến tranh Apollo thành Phoebus, nữ thần tình yêu Aphrodite thành Venus, và thần đại dương Poseidon thành Neptune... (3).

Nhưng những vị thần Hy Lạp cũng chẳng ấm chỗ được lâu, sau công nguyên, sau sự kiện Chúa Jesus Christ giáng thế để làm lên "lịch sử cứu độ" đan xen giữa lịch sử văn minh, sau khi Chúa Jesus bị đóng đanh tử nạn, hai tông đồ Pierre và Paul (4) từ mảnh đất thánh đã băng Địa Trung Hải đến La Mã để truyền đạo, cuốn tiểu thuyết "Quo Vadis" nổi danh được giải Nobel của nhà văn Ba Lan Henryk Sienkiewicz (5) đã diễn tả, hoàng đế Neron hung bạo, muốn bảo toàn cho "sự bảo trợ vốn có của các vị thần Hy Lạp", cũng như xoá bỏ mầm mống của một tôn giáo mới, vào năm 64 CN, đã khủng bố đạo Ki-tô giáo bằng cách dồn họ vào một góc đấu trường, rồi thả sư tử bị bỏ đói, xông ra ăn thịt... Sau đó còn nhiều vụ tàn sát của nhiều vị vua kế tiếp xảy ra, nhưng nghịch lý thay, sau nhiều thế kỷ bị vùi dập, "Ki-tô giáo vẫn trở thành tôn giáo độc nhất được đế quốc La Mã chấp nhận" (6). Và hơn cả thế, ngay giữa lòng đế quốc đó, mọc lên một toà thánh nguy nga - là đầu não Ki-tô giáo toàn cầu.

Sự kiện Ki-tô giáo đăng quang ngay trên mảnh đất đầy sức sống của các vị thần La Mã (gốc Hy Lạp), là mở màn một khúc quanh vô cùng hệ trọng của tôn giáo: "Đa thần giáo" bị thay thế bằng "nhất thần giáo". Sự tàn sát khét tiếng của vua Neron cùng nhiều vua La Mã nhắm vào Ki-tô giáo, không huỷ diệt nổi nó, lại càng thúc đẩy nó đơm hoa kết trái, giống như càng hất gió vào lửa càng làm nó cháy bùng lên, không chỉ là bản mẫu diễn ra ở La Mã, mà diễn ra khắp thời trung cổ ở Châu Âu, và thời tiền hiện đại trên toàn thế giới. Hegel, một triết gia, được giới triết học coi như cha đẻ của "biện chứng lịch sử hiện đại" sau khi nghiên cứu kỹ toàn bộ lịch sử châu Âu đã quả quyết rằng: "Lịch sử đương đại được lãnh trị bằng cuộc đối kháng giữa nhà thờ và quốc gia. Nhà thờ đó là nội tại tính, là nhận thức chân lý tuyệt đối. Nhà nước, đó là thế giới thực tiễn, lúc đầu nó xa lạ với một nhận thức về chân lý một cách sâu sắc. Tất cả lịch sử châu Âu là kết quả của cuộc đối kháng giữa hai nguyên lý này, và là cuộc hoà giải giữa chúng" (Lhistoire le temps moderns est dominée par lopposition de lÉglise et de lÉtat. LÉglise, cest lintériorité, la conscience de la vérité absolue. L État, cest le monde réel, dabord étranger à la conscience profonde du vrai. Toute lhistoire européene resulte de loppostion de ces deux principes et de leur réconciliations" (7).

Đền thờ Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ

Quan niệm của Hegel chỉ rõ rằng, không quốc gia nào ở châu Âu có thể phát triển, nếu hoặc xem nhẹ vấn đề Nhà nước, hoặc xem nhẹ vấn đề Nhà thờ. Không có Nhà nước, quốc gia không thể vận hành bộ máy hành chính để dẫn lối và quản lý mọi hành động của mình. Nhưng mọi hành động sẽ nhắm về đâu và đã đạt kết quả nào? Người ta không thể biết được nếu không quy chiếu vào các chuẩn mực duy niệm thuần ý thức: khát khao khả thi và lý tưởng. Chuẩn mực duy niệm đó chính là Nhà thờ. Về phía mình, những chuẩn mực lý tưởng không phải là thứ viển vông, vô thưởng vô phạt, bởi lẽ, nếu nhà thờ cũng dúng tay vào thực thi mọi chuẩn mực như một tổ chức hành chính, thì họ cũng sẽ gặp thất bại, "lực bất tòng tâm" như những tổ chức hành chính khác, và mất đi cái ánh sáng "nhận thức chân lý tuyệt đối". Như vậy, cái duy niệm - tức Nhà thờ, và cái duy thực - tức Nhà nước phải cùng liên kết nhau. Bởi cái này không thể làm hộ chức năng cho cái kia và ngược lại.

Một cách tương tự, hoàng đế Napoléon nhà chính trị, quân sự đệ nhất thế giới cũng quan niệm như vậy, ông nói: "Một dân tộc không có tôn giáo thì chỉ có thể cai trị bằng súng". Dân tộc không có tôn giáo, nghĩa là họ không tư duy, không sinh hoạt, cũng không hoạt động theo ánh sáng "nội tại tính" bên trong của tinh thần, họ chỉ sống theo cơ bắp bên ngoài, bởi thế có thể áp chế họ bằng súng đạn, những vũ khí đe doạ thẳng vào da thịt. Câu nói của Napoléon, ngày nay cũng còn là tấm gương soi chiếu cho các nước Hồi giáo, so với Mỹ và các nước phương Tây, họ rất tụt hậu về sức mạnh quân sự, cũng như tiềm năng kinh tế, ấy vậy mà hàng loạt các nước như Iran, Irắc, Afghanistan... vẫn cả gan đương đầu dấn thân vào cuộc đấu tranh không cân sức nhiều mất - một còn, đặc biệt là Palestin với lực lượng mỏng và vũ khí rất ít trong tay đã dám làm cuộc thánh chiến đánh bom cảm tử chống lại Israel có Mỹ đứng sau thiên vị cả ngoại giao, chính trị lẫn khí tài quân sự. Tại sao họ dám làm vậy, đơn giản chỉ vì họ tin, vũ khí không dễ gì thắng được linh hồn - tin vào Chúa - và được Chúa bảo trợ, phù trì. Thiên Chúa không có mặt ở đời, có thể không là gì cả, nhưng theo quan niệm của triết gia Hegel lại đóng vai trò "nhận thức chân lý tuyệt đối" giúp tư tưởng hành động. Với Napoléon, thì xem như, chinh phục cơ bắp chỉ cần vũ khí, nhưng chinh phục dân tộc có đời sống tôn giáo phải dùng đến những giá trị nhiều hơn là vũ khí. Cả hai cách nghĩ trên, một của nhà triết học thiên tài, một của nhà chính trị thiên tài đều có sự đồng nhất với văn kiện của Công đồng Vatican II (11/10/1962), về Giáo hội trong thế giới ngày nay : "Con người hãy nhìn nhận Thiên Chúa một cách minh bạch, rõ ràng hơn, phải tìm lại Thiên Chúa bởi vì nhờ Thiên Chúa mà con người có được phẩm giá và hoàn thành được phẩm giá".

Chúng ta vừa đề cập sơ qua về tính xã hội của vấn đề Thượng Đế. Một Thượng Đế không có mặt, nhưng người ta xâm lăng vì lý do Thượng Đế, tranh chiến vì lý do Thượng Đế, cai trị vì lý do Thượng Đế, hiếu chiến hay cố thủ cũng vì lý do Thượng Đế. Nhưng chưa hết, Thượng Đế không chỉ là lý do xã hội giành cho các nhà chính trị hay quân sự, mà còn xuất hiện như một cõi bờ vô tận giành cho các nhà bác học, văn học, và thần học. Nghĩa là, Thượng Đế còn là lý do mở màn một cách có sở cứ (của nhận thức).

Nhà triết học, văn hào Voltaire không một chút ảo tưởng mơ hồ, đã tìm cách đặt nền tảng nhận thức cho vấn đề Thượng Đế: "Những chân lý tôn giáo không bao giờ được được thấu hiểu một cách đích đáng bởi những kẻ đã đánh mất lý trí" (In truths of religion are never so well understood as by those have lost the power of reason). Quả vậy, vấn đề Thượng Đế, không chỉ đơn giản được tỉ - tỉ tín đồ trên hành tinh làm dấu suy niệm mỗi ngày, mỗi tuần, mà trái nghịch lại lúc nào Thượng Đế cũng bị giáng cho những đòn chí tử. Max Nordau đã lên tiếng "Tôn giáo chỉ là phó sản của sự yếu ớt" (Religion is a functional weakness) (8).

Nhà độc tài Benito Mussolini trong một diễn văn đọc tại Lausanne tháng bảy 1904 cũng kết tội: "Tôn giáo là căn bệnh tinh thần. Nó luôn luôn là chứng bệnh phản nghịch lại nhân loại" (Religion is a species of metal disease. It has always had a pathological reaction on mankind) (9). Trong cuốn sách "Phê bình triết học Hegel về lề luật" (A Criticism of the Hegelian philosophy of Law), Karl Marx có phán xét: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" (Religion is the opium of the people" (1844), và lời phán xét này vào năm 1919 đã được những người Bôn - sê - vích (Bolsheviks) Nga lấy làm khẩu hiệu để đấu tranh với một chuyển ngữ là "Religia opium dlia naroda" (10). Ngày 9 tháng 5 năm 1927, khi trả lời sự cật vấn của một đoàn đại biểu công đoàn Mỹ đến thăm Nga, về vấn đề tôn giáo, lãnh tụ Joseph Stalin đã nói rằng: "Chúng tôi đảm bảo cho mọi công dân quyền đấu tranh bằng luận chứng, bằng tuyên truyền, bằng khích lệ chống lại bất kỳ cũng như tất cả mọi tôn giáo. Đảng cộng sản không thể trung lập trước vấn đề tôn giáo. Đảng đứng về phía khoa học, trong khi tất cả mọi tôn giáo đều chống nghịch khoa học" (We guarantee the right of every citizen to combat by argument, propaganda, and agitation any and all religion. The communist party can not be neutral toward religion. It stands for science, and all religion is opposed to science) (11). Nhà văn Oscar Wild còn rúc lên cả tiếng kèn khai tử như thể đang trông thấy tôn giáo bị vùi xuống huyệt, ông nói: "Những tôn giáo đang chết khi phải đối chứng trước sự thật. Khoa học sẽ làm chứng cho cái chết của tôn giáo" (Religions die when they are proved to be true. Science is record of dead religions) (12).

Nhưng sự thực nào đang diễn ra? Có phải các tôn giáo vẫn đang tồn tại như một hiện thực mỗi ngày mỗi trở lên vấn đề lớn đến mức, các chiến lược gia trước những sự thật không thể khước từ đã dự đoán, thiên niên kỷ thứ ba sẽ là cuộc đụng độ chí tử của các tôn giáo!

Có hai cách nhìn về tôn giáo.

1- Cách thứ nhất cho rằng tôn giáo chỉ là sản phẩm của sự mê muội, vậy cho đến khi nào ánh sáng khoa học rọi chiếu những tia sự thật vào giữa đống ảo ảnh bịt bùng đó, thì tôn giáo sẽ chết. Cách này cho rằng, tôn giáo chưa phải là sự thực, sự thực chỉ xuất hiện khi khoa học chứng tỏ tường tận.

2 - Cách thứ hai cho rằng, bản thân tôn giáo đang tồn tại như chính sự thật, bởi những sự thật hiển nhiên của vũ trụ đang tương tác cộng thông với linh hồn, và linh hồn do bị thúc đẩy bởi một "sự thật mặc khải" đã tìm đến tôn giáo, như một nhu cầu tất yếu.

Khoa học là thực chứng, nghĩa là người ta chỉ tin khi nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy. Muốn làm được điều đó, theo triết gia Kant sau này, thì phải thực hiện trong điều kiện không gian và thời gian nhất định. Giả sử như tôi nhìn thấy một ngọn núi phía xa, thì điều đó chỉ có thể diễn ra trong một điều kiện thời tiết - đủ ánh sáng nhất định. Nhưng theo ông, Thượng Đế là vô cùng tận không thể xuất hiện cho điều kiện khả giác của con người, chẳng hạn bàn tay vô tận, vô hình của Ngài không thể biến thành nhỏ bé để tay ta có thể sờ được. Ngài là phi điều kiện tính vượt khỏi mọi giác quan của con người. Ngài là sự thật, nhưng là sự thật mặc khải; chứ không phải là sự thật có thể thực chứng qua giác quan của khoa học. Quan niệm của Kant, là sự nối tiếp quan niệm của Kinh Thánh, sách Philip 3:12 có viết: "Không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ". Lòng tin cậy nơi xác thịt nghĩa là lòng tin đó dựa vào những giác quan, nghe, nhìn, ngửi, sờ của thân xác. Thân xác xuất hiện trong hoàn cảnh không gian nhất định, và để thực hiện chức năng khả giác của mình, nó cũng đòi hỏi đối tượng cho nó phải trình ra chiếc thẻ về "điều kiện không - thời gian". Nhưng Thượng Đế toàn năng đâu có thể lại co mình nhỏ bé thành điều kiện không gian - thời gian để con người tiếp xúc.

Tôn giáo chưa chết, bởi một lý do rất lớn, nó không chỉ rủ rê những tín đồ mê muội, mà nó còn cuốn hút một cách lý tính nhất với các triết gia, các nhà bác học, các nhà thông thái hàng đầu thế giới. Chẳng hạn, nhà triết học John Stuart Mill đã mở đầu tín điều tôn giáo bằng một cật vấn như sau: "Cha tôi dạy tôi rằng câu hỏi "Ai làm ra tôi?" chỉ có thể trả lời khi ngay lập tức nó đặt ra câu hỏi cao hơn "Ai làm ra Thượng Đế?"" (My father taught me that the question "Who made me?" can not answered since it immediately suggests the further question "Who made God?").

Ai sinh ra ta? Câu trả lời thật đơn giản, cha ta phối ngẫu cùng mẹ ta, rồi mẹ ta mang thai đẻ ra ta. Nhưng cha mẹ sinh ra ta là do ngẫu nhiên hay tất yếu? Về nguyên lý chắc hẳn là ngẫu nhiên. Vì cả cha và mẹ ta không thể tạo ra nguyên lý tinh trùng - gặp trứng thì mang thai. Vậy nguyên lý đó ngẫu nhiên của các nguyên tử sắp đặt thành hay của một Đấng tất nhiên nào đó? Câu hỏi trên còn dẫn đến suy lý hiển nhiên rằng! Ta do cha đẻ ra, cha do ông đẻ ra, ông do cụ sinh ra , cụ do kỵ sinh ra, kỵ do trước kỵ sinh ra... Tất cả chuỗi sản sinh đó là ngẫu nhiên hay tất nhiên? Câu hỏi này dẫn đến câu trả lời tất yếu rằng: Dù ta, hay cha, hay ông, hay cụ... tất cả sinh ra chỉ bởi người này có người kia, nghĩa là con người là THỤ TẠO, không thể chối cãi vì không ai có thể tự tạo! Con người, vạn vật, chim muông, cây cỏ sinh ra đều là thụ tạo, vậy có cái gì TỰ TẠO không? Trong Kinh Thánh có câu "chiếc bình không thể biết được cách bàn tay đã làm ra nó". Chiếc bình là thụ tạo vì được làm ra, lần ngược lên bàn tay cũng là thụ tạo vì là chi thể của ai đó - con ông nào đó, vậy cứ lần mãi đến đích cuối cùng thì có chạm phải: Cái cuối cùng phải là TỰ TẠO, để mở màn cho tất cả các loài thụ tạo. Đó chính là cách triết gia Mill đã lý giải: Khi đặt câu hỏi "ai sinh ra ta", thì tất yếu sẽ dẫn đến câu hỏi "Ai làm ra Thượng Đế". Nếu Thượng Đế vẫn chỉ là thụ tạo, thì Thượng Đế đó phải được Thượng Đế là cha khác đẻ ra, và cuối cùng phải có một Thượng Đế tự sinh ra mình: đó là Đấng TỰ TẠO".

Trước công nguyên, bậc thầy của sự thông thái, cha đẻ của phép luận lý, Aristote đã đặt nền tảng cho sự xuất hiện của bộ môn thần học, theo tinh thần bản thể luận hết sức mạch lạc: "Toán học nghiên cứu những gì không chia cắt và bất động... Vật lý nghiên cứu những gì chia cắt và chuyển động. Khoa học về thần thánh là cao nhất trong các môn khoa học" (La mathématique étudie les choses non séparées et immobiles... La physique étudie les choses séparées et mobiles ... La science du divin, la plus élevée des science) (14).

Rõ ràng, toán học nghiên cứu những số nguyên hay thập phân, thì đều là những đơn vị định giá ngay trong chính bản thân nó, và nó bất động như một đơn vị chính xác dù cho nhà toán học có nhân nó thế này, cộng nó thế kia, hay luỹ thừa nó... Vật lý, từ cơ học lượng tử đến các photon thì chỉ dừng ở mức nghiên cứu mọi nguyên lý vận động của vật chất... Nhưng thần học, là môn khoa học về thần thánh nó nghiên cứu tất cả những gì rõ mặt, chưa lộ mặt, và không bao giờ lộ mặt, để tìm đến nguyên lý TỰ TẠO đầu tiên, từ đó sản sinh vạn vật. Về điểm này có thể thấy, cho dù tôn giáo và khoa học luôn chống báng nhau, nhưng theo nhiều chuyên gia thì chính tôn giáo là định mệnh của khoa học, vì nó là nơi sản sinh những câu hỏi siêu hình để khoa học nhắm tới tìm kiếm lời giải đáp.

Trong các khoa học với nhau, một lần nữa Aristote xác định vị trí cao nhất của khoa thần học. Bởi theo ông, trong các khoa học thì khoa học lý thuyết là cao nhất bởi nó tìm kiếm những định lý tất yếu của đối tượng. Nhưng trong các khoa học lý thuyết thì khoa thần học là cao nhất, bởi vì nó nhắm tới đối tượng là một Thượng Đế vô biên - vô tận. Ông nói: "Khoa học lý thuyết được đánh giá cao nhất trong các khoa học, và thần học là cái cao nhất của khoa học lý thuyết" (Ainsi les science théorétiques sont estimées les plus hautes des sciences, et la Théologie la plus haute des sciences théorétiques) (15).

Thượng Đế đến từ đâu? Con người sinh ra mở đầu ngước mắt nhìn thấy trời cao, hiển nhiên không ai có thể bồng bột cho rằng, cả bầu trời xanh cùng những vì sao nhấp nháy kia thuộc về mình, họ nhà mình, hay của một hoàng đế oai phong đến đâu, bởi lẽ mọi người đều chứng nghiệm, trời đẹp thì đi chơi, trời mưa gió sấm chớp thì phải tìm nơi trú; và như triết gia Mill, nếu con người lần đầu mở màn đặt câu hỏi "ai sinh ra ta" thì lập tức vấp phải câu hỏi về những thụ tạo, cùng Đấng sáng tạo. Có lẽ, chẳng có gì hiển nhiên như vậy nên triết gia Feuerbach quả quyết: "Thượng đế đặt tôi vào suy nghĩ đầu tiên, lý trí đặt tôi thứ hai, con người đặt tôi vào cách nghĩ thứ ba". (Dieu fut ma première pensée, la Raison ma deuxième, l Homme ma troisième) (16). Lý giải cách nghĩ của Fenerbach thì:

1 - Đầu tiên nhìn thấy vũ trụ, ta buộc phải nghĩ, ai đã sáng tạo ra nó. Đó là vấn đề Thượng Đế đã đặt ta vào suy nghĩ đầu tiên.

2 - Ta không thể thả lỏng cho mình để bồng bột nghĩ rằng, thế này là đúng, thế kia là sai. Mà buôc phải vấn hỏi nền tảng lý trí của mình, để từ đó có thể suy xét. Đó là bước thứ hai.

3 - Từ Thượng Đế, đến lý trí suy xét, ta mới có thể đặt câu hỏi: Con người liệu có phải là những thụ sinh do Thượng Đế tạo ra. Đó là bước thứ ba.

Theo triết gia Montague, thì việc suy tưởng ra Thượng Đế, Đấng vắng mặt là linh hồn cho vũ trụ, tất yếu như ta suy diễn từ trong thân xác ta có một linh hồn ngự trị, vậy thì trong thân xác vũ trụ cũng sẽ có một linh hồn ngự trị - đó là Thượng Đế. Ông nói: "Thượng Đế mà tôi tin tưởng hẳn phải là vô hạn và vĩnh cửu giống như vũ trụ là thân thể của Ngài" (Montagues theism: The God I believe to be most probable is infinite and eternal like the universe which is his body) (17).

Trong các nhà bác học, Darwin là một thủ lĩnh ít tin vào Thượng Đế nhất, bởi lý thuyết chính yếu của ông là "Tiến hoá luận". Ở đó ông trình bày, thế giới ngày nay chỉ là kết quả của sự tiến hoá của muôn loài, đấu tranh sinh tồn, thích hợp hoá trong môi trường, hoàn cảnh, và điều kiện để tồn tại. Và mọi cuộc tiến hoá đó mở màn từ ngày hỗn mang, các thực vật và động vật ngẫu nhiên được sinh ra. Nhưng chính ông, chứ không phải ai khác, đã thú nhận sau những suy tư rằng, thế giới được tạo thành từ tay Đấng tự tạo tất yếu nào đó thì đúng hơn là nó ngẫu nhiên tạo ra mình, ông nói: "Còn một lý lẽ rất mạnh nữa khiến tôi tin ở Thượng Đế, đó là lý lẽ lý trí chứ không phải lý lẽ cảm tính. Người ta rất khó, thậm chí hầu như không thể quan niệm được rằng: cả cái vũ trụ mênh mông và kỳ diệu này, trong đó con người, với khả năng nhìn lùi lại quá khứ và hướng về tương lai, lại có thể là kết quả của một sự ngẫu nhiên mù quáng... Sau khi suy nghĩ miên man như vậy, tôi tự cảm thấy phải tin rằng có một cội nguồn khởi thuỷ có trí thông minh tương tự như người, nghĩa là tôi tin có Thượng Đế" (18)

Cùng thời gian Darwin suy ngẫm ngược tiến hoá luận để quay tìm Đấng sáng tạo, vào năm 1908, bác sỹ Dennaert đã công bố kết quả cuộc điều tra của ông về tín ngưỡng của 300 nhà bác học lỗi lạc nhất của 3 thế kỷ: 17, 18, 19, trong số 300.

- 38 vị không biết được ý kiến.

- 20 vị thờ ơ hay không tín ngưỡng.

- 242 vị có lòng chân thành (tin).

Như vậy 92% số các nhà bác học tin có Chúa Trời (Sách "Có Đức Chúa Trời chăng", trang 113).

Trong số 92% tin đó, chắc hẳn phải có Newton nhà vật lý vĩ đại hàng đầu thế giới. Newton đã thú nhận: "Khoa học chỉ là một chút đá cuội và vỏ sò ngoài bãi biển". Newton quan niệm rằng, vũ trụ nếu như là một cỗ máy ngẫu nhiên hiện diện, thì cỗ máy đó không thể thoát khỏi việc mở đầu khởi động (điểm départ). Mà lực khởi động cho dù với bất kỳ động cơ nào phải rất mạnh, gấp chục, gấp trăm, gấp nghìn lần để đưa động cơ từ điểm chết vào vận động. Nhưng khi đã chuyển động, nó không thể cứ mang theo lực đó vọt đi, mà lại phải được điều khiển, kìm hãm, duy trì trong tốc độ điều độ. Chúng ta thử quan sát hệ mặt trời của mình, đã từ bao lâu rồi, hàng triệu triệu năm, trái đất vẫy quay đều đặn 24 giờ mỗi ngày, 365 1/4 ngày mỗi năm chẳng hề xê dịch. Tại sao nó không phải là cỗ máy, lúc đầu nhiều nhiên liệu thì quay thục mạng, sau đó cạn đà thì yếu ớt dần? Vật chất vô tri có thể ngẫu nhiên sinh ra? Nhưng làm sao có thể ngẫu nhiên tự điều khiển lấy mình ! (?) Newton cho rằng cỗ máy vũ trụ muốn vận động đều đặt, tinh vi, và ăn khớp đến từng chi tiết như vậy, hẳn phải do bàn tay của Chúa tạo tác và điều khiển. Newton nói: "Cả một hệ thống hùng vĩ và vô cùng ngoạn mục gồm mặt trời, hành tinh và sao chổi chỉ có thể xuất phát từ một Đấng Toàn trí, Toàn năng... Giống như người mù, không biết đến mầu sắc, chúng ta cũng không thể biết được Thượng Đế nhận thức các sự vật ra sao?" (18).

Newton nhà vật lý vĩ đại thuần khiết khoa học, chắc hẳn chúng ta không thể coi rằng, vì trí tuệ còn u mê nên ông đã nghĩ ra Thượng Đế, trái lại từ chính những thành quả đã phát hiện của mình, ông thấy những vấn đề của vật lý hiện đại dù duy khoa học cũng chạm phải những vấn đề bí ẩn lớn hơn - phi lô-gic của con người, cái chỉ có thể thuộc về Thượng Đế. Tờ Paris Match, ngày 29/5/1997, có viết về cuộc trăn trở Thượng Đế trong sự nghiệp vật lý của Newton như sau: "Ngay cả Newton, người cha của vật lý hiện đại đã luôn chìm đắm trong sự ám ảnh, cho đến khi chết, ông đã muốn chứng minh rằng vũ trụ là một chương trình bí ẩn đặt giữa Đấng toàn năng. Tiểu sử của ông tả lại ông muốn giải thích ẩn ngữ của bộ não Thượng Đế, ẩn ngữ của những biến cố quá khứ và tương lai thần thánh tiết lộ trước" (Newton lui même, le père de la physique moderne, a sacrifié à lobsession, jusqu à sa mort, il a voulu prouver que l Univers était un gigantesque cryptogramme unis en place par le Tout puissant. Son biographe raconte quil voulait "déchiffrer lenigme du cerveau de Dieu, lenigne des événements passés et futurs divinement préconỗus".

Giống như Aristote, quan niệm thần học là bộ môn khoa học cao nhất trong các môn khoa học lý thuyết, Einstein - nhà vật lý vĩ đại - cha đẻ của "Thuyết tương đối", cho tôn giáo vừa là thể nghiệm vừa là cuốn hút cao nhất của khoa học cũng như nghệ thuật. Ông coi: "Cảm xúc đẹp nhất mà con người có thể có được là cảm xúc thần bí. Nó là mầm của nghệ thuật và khoa học chân chính". Einstein lý giải: "Sự thể nghiệm tôn giáo vũ trụ là một thể nghiệm cao cả nhất, mạnh mẽ nhất có thể nảy sinh từ một sự nghiên cứu khoa học sâu sắc.

Người nào mất đi ý thức về sự huyền bí cũng sẽ mất đi năng lực thán phục, tôn trọng sâu sắc, và giống như một người đã chết " (Tạp chí "Đối thoại", số 1, tr. 136).

Tại sao Einstein lại coi tôn giáo là ý thức về sự huyền bí? Để lý giải điều này cách tốt nhất là dựa vào lý thuyết mới nhất của Freud - cha đẻ của môn phân tâm học hiện đại. Theo Freud, thì trong tâm thức người ta, cái ý thức chỉ là cái rất nhỏ soi giữa cái thế giới tối tăm bịt bùng - bí nhiệm vô biên của cõi vô thức. Và vô thức là tiềm năng và đất sống vô tận cho ý thức. Một người càng thông thái thì miền vô thức của anh ta càng lớn, vì đó là miền đất vô biên kêu gọi ý thức lên đường. Trái lại, người càng thiển cận, thì miền vô thức càng nhỏ, khi đó tiếng gọi vọng về cho ý thức càng ít ỏi.

Ý thức giống như kẻ đi phiêu lưu vào thế giới vô thức, nó nhìn thấy những núi sông kỳ vĩ mà buông lời thán phục, đó là cách Einstein gọi là "sự huyền bí - cùng năng lực thán phục". Tâm thức càng lớn - thế giới huyền bí càng mở ra và sự thán phục càng lớn. Trái lại, nếu thế giới của tâm thức nhỏ như một cái làng, đường ngang ngõ tắt đã thuộc lòng, thì hẳn nhiên mọi thán phục sẽ tắt lịm và Einstein gọi là "giống như một người đã chết".

Ở đây, chúng ta cần phân biệt: ý thức khao khát lý giải huyền nhiệm vô biên đẻ ra tôn giáo khác hẳn thứ ý thức mê muội sợ hãi của mê tín. Nhà triết học E. Durkheim nói: "Không nhà thờ nào ma thuật cả " (There is no église magique) (20).

Đúng vậy, nhà thờ, từ Ki - tô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, hay Phật giáo, đều có những Kinh sách kinh điển, bên trong đựng rất nhiều lời và ý đã từng là tinh hoa ngôn ngữ và trí tuệ của con người mở màn từ bình minh nhân loại, có những linh mục, tu sỹ, sư sãi, uyên thâm cả đời chuyên nghiệp theo đuổi đề tài thần học, khác hẳn với những lời mê tín: ra ngõ gặp gái, gặp mèo, gặp kẻ bỏ bùa bằng dăm chiếc lá vớ vẩn, rồi cúng bái thần cây đa, ma cây gạo... Triết gia Nietzche một kẻ báng bổ đến độ đọc diễn văn khai tử "Thượng Đế đã chết", vậy mà ông cũng phải thú nhận, đạo tin lành là cha đẻ của triết học Đức. Chưa hết, trong thời ánh sáng, có rất nhiều thần học gia và triết gia đã quan niệm: Thần học là mẹ đẻ của triết học. Tại sao họ quan niệm như vậy? Vì giống Einstein, họ cho rằng: Thần học là cái đem trao tặng triết học , những mời gọi bí nhiệm đòi lý giải. Triết gia F. Tomlin đã miêu tả con đường triết học của Hegel - cha đẻ của phép biện chứng như sau: "Với Hegel Ki - tô giáo không chỉ là một tín điều riêng biệt, nó là một yếu tố quy hiệp hệ thống triết học của ông" (Pour Hegel le Christianisme n est pas seulement une conviction privée, c est un élement intégral de son système philosophique) (21).

Hegel từng nói: "Cái gì hợp lý thì cái đó tồn tại, cái gì tồn tại thì cái đó hợp lý". Tôn giáo, theo kinh sách đã tồn tại ngót trên 3000 năm, theo dã sử tồn tại cùng với lúc ngoài người mở mắt, vậy sự tồn tại của nó có hợp lý không? Khoa học đòi thực chứng bằng giác quan - đó là sự trải nghiệm của thân xác. Vậy khi con người thức dậy mang theo sự hân hoan của giấc mơ hay sự u ám của một cơn ác mộng - vậy đó có là sự trải nghiệm của tâm linh không? Theo triết gia E. Hocking thì chắc chắn đời sống tâm linh đó không thể bị gạt ra ngoài kinh nghiệm sống của con người. Ông nói: "Ý nghĩa của Thượng Đế nằm trong kinh nghiệm nhân loại" (The meaning of God in Human Experience) (22).

Nói về giấc mơ, để hình dung một cách giản dị nhất về trải nghiệm của tâm linh. Trên thực tế, tôn giáo không chỉ đơn giản sống nhờ những giấc mơ của nhân loại, hơn thế, nó được nhân loại trải nghiệm qua mọi lĩnh vực: thiên nhiên, lịch sử, khoa học, và định mệnh. Về vũ trụ tự nhiên, hai nhà triết học Leibniz và Berkeley đều phát giác như sau: "Đằng sau thế giới hiện tượng là một tinh thần vô hạn, nó vừa là cơ cấu hạ tầng, và là Đấng sáng tạo vũ trụ" (Behind the phenomenal world is an infinite spirit that is both sub-structure and creator of the cosmos) (23).

Đây là một quan niệm giống với Newton khi ngắm nhìn cỗ máy vũ trụ, Newton thấy mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú ăn khớp nhau đến mức chúng hợp thành một bộ máy hoàn hảo, và ông cho rằng chẳng ai khác ngoài Thượng Đế là tác giả sáng thế và điều hành cỗ máy vũ trụ đó. Không chỉ ở tầm vĩ mô, mà ngay cả trong lĩnh vực vi mô, từ những côn trùng bé nhỏ cho đến những photon ánh sáng nhỏ bằng phần tỉ các côn trùng đó cũng đều vận động trong một chu trình không hề sai lệch dù chỉ một phần triệu ly (điều này chúng ta sẽ bàn kỹ ở chương sau)... Một lần nữa chúng ta gặp lại Darwin, một chuyên gia vĩ đại trong lĩnh vực "sự sống của các loài", sau khi nghiên cứu kỹ những hành vi kiếm mồi, sinh sản, tiến hoá của chúng, chẳng còn cách nào khác, ông phải thừa nhận rằng: tin vào việc có một Thiên Chúa điều hành tất cả các sự sống đó tốt hơn là coi chúng ngẫu nhiên được sinh ra. Để dễ hiểu chúng ta hãy quan sát xã hội của bầy ong hay bầy kiến. Chúng làm gì có được trí não để nghĩ ra hệ thống lập pháp cũng như hành pháp, vậy mà mỗi tổ ong hay tổ kiến đều vận động trong một trật tự vô cùng khoa học: từ kiếm mồi, tích mồi, bảo vệ đời sống, đến di cư, sinh sản, tách đàn... tất cả, sự khôn ngoan của chúng như được ai đó "cài đặt" vào. Những hình ảnh như vậy, từ con chim trên trời di cư theo làn gió, đến các loài dưới biển sống theo nhịp thuỷ triều của nhạc trưởng mặt trăng, tất cả đều hoà điệu diệu kỳ trong nhịp sống kỳ vĩ và tinh xảo. Đến mức thánh Gandhi đã reo lên "Những biểu hiện về Thượng Đế nhiều vô kể!"

Những hình ảnh như vậy, từ con chim trên trời di cư theo làn gió, đến các loài dưới biển sống theo nhịp thuỷ triều của nhạc trưởng mặt trăng, tất cả đều hoà điệu diệu kỳ trong nhịp sống kỳ vĩ và tinh xảo. Đến mức thánh Gandhi đã reo lên "Những biểu hiện về Thượng Đế nhiều vô kể!"

Đó là nhịp sống thường hằng - cái được xem là vĩnh cửu. Nhưng còn các sự kiện xảy ra, như động đất, núi lửa, lụt lội, hạn hán... Chúng ập đến như những cơ hội bất ngờ, nhưng giống như những nạn hồng thuỷ, châu chấu, dòng sông máu từ trong Kinh Thánh, chúng xuất hiện như một tiền định của Đấng sắp đặt mọi bề. Đặc biệt, là các bệnh dịch, như tả, dịch hạch, siêu vi trùng... Chúng ập đến, cho dù loài người có cố gắng bao nhiêu cũng chẳng thể nào ngăn cản, nhưng rồi đến lúc chúng biến khỏi như một phép lạ. Sách thần học New Catholic viết: "Ngôn ngữ của Chúa là những sự kiện" (The word of God is events) (24). Tại sao nói, ngôn ngữ của Chúa là những sự kiện? Bởi một lẽ, nhìn vào tự nhiên hay xã hội, con người gặp vô vàn những hoàn cảnh không thể nào lý giải nổi tại sao như vậy? Những sự kiện vượt ra ngoài mọi lôgic suy lý của con người.

Hãy nhìn kìa, thiên tài quân sự vĩ đại Napoléon bách chiến bách thắng, đã tính kỹ mọi bề cho trận Oa - téc - lô, vậy mà đúng vào lúc quan trọng nhất của trận chiến, ông lại bị một cơn đau bụng dữ dội bất ngờ xảy đến, và một cánh quân rút chạy vu vơ của đối phương đột nhiên kéo vào chiến trường đã bày binh bố trận của ông, thế là tất cả sụp đổ. Nhiều sử gia cho rằng, cơn đau bụng đó là của Chúa. Lịch sử có vô vàn chuyện ngẫu nhiên xảy ra như vậy, nhưng, sự ngẫu nhiên đó không phải cái gì vu vơ, mà như một bản lề định mệnh, xoay chuyển cả cục diện cuộc chiến. Nhìn vào lịch sử, những chiến thắng nhiều khi rơi vào tay kẻ yếu, người Trung Hoa đã đúc kết rằng "Vật tranh, Trời chọn". Người Hy Lạp thì thể hiện, ý muốn của thánh thần áp đặt định mệnh của lịch sử, qua tích chuyện "con ngựa thành Tơ - roa". Quân Hy Lạp vây hãm quân Tơ - roa suốt chín năm trời, chiến tranh xương chất thành núi - máu chảy thành sông, mà không tài nào thắng nổi. Vậy mà cuối cùng, chỉ một mẹo nhỏ của Ô - đi - xê, là giả vờ rút chạy, để lại một con ngựa gỗ khổng lồ trên bờ, trong đó ém sẵn một số tướng sỹ. Quân Tơ - roa cũng nghi ngờ mẹo đó, họ sai người leo thang lên tận đít ngựa, thò giáo vào bụng ngựa khua khoắng kiểm tra, giáo dài chạm phải gươm dáo bên trong kêo loảng xoảng, nhưng thánh thần tìm cách "bịt" lỗ tai quân Tơ - roa lại, họ như bị điếc đặc chẳng nghe thấy gì. Thế là họ hò nhau, phá tường thành để kéo con ngựa gỗ vào. Ban đêm, quân Hy Lạp trên các chiến thuyền quay trở lại, tường thành đã bị phá - trở thành vô hiệu, lại thêm quân nội công từ bụng ngựa chui ra, trong đánh ra - ngoài đánh vào, quân Hy Lạp đại thắng thành Tơ - roa dễ như trở bàn tay. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, có vô vàn những sự kiện xảy ra như thế, triết gia, người cha của biện chứng lịch sử hiện đại, Hegel đã nghiên cứu rất kỹ các sự kiện và tiến trình lịch sử đã nói rằng: "Thượng Đế mặc khải cho con người trong lịch sử đó là nhà hát của Đấng quan phòng" (God reveals himself to man in history which is the theater of Providence) (25).

Cùng cách nghĩ của Hegel, triết gia Merleau Ponty cho rằng, con người đi theo những dự phóng, những gợi ý và tiền định của lịch sử. Ông nói: "Chúng ta cho lịch sử một ý nghĩa, một hướng đi, nhưng không phải lịch sử không đề nghị với ta hướng đó" (Nous donnons son sens à l'histoire mais non sans qu'elle nous le propose).

Tại sao khoa học đã tiến bộ nhảy vọt, theo đó tại sao tôn giáo không lụi tàn đi mà còn phát triển thêm? Bởi lẽ, nhân loại cũng giống như Newton, Darwin, Einstein, và nhiều nhà khoa học khác, khi tiến sâu vào lý giải thế giới huyền bí thì lại càng gặp nhiều câu hỏi huyền bí hơn.

Giống như về vật lý vĩ mô con người càng lên đến mặt trăng, hay sao hoả, hay đi ra khỏi thiên hà của mình càng nhìn thấy những thiên hà rộng lớn hơn, bịt bùng vô tận. Về vật lý vi mô, con người càng đi sâu vào phân tử, thì gặp nguyên tử, đi sâu nữa thì gặp hạt quark... nhưng chưa phải là giới hạn cuối cùng, nghĩa là con người không thể đi đến gặp nguyên nhân cuối cùng của những nguyên nhân. Nhà văn Bec - na - sô đã lý giải về khoa học như sau: "Tôn giáo đem lại cho chúng ta sự tin tưởng, sự vững chãi, cái khiến tất cả chúng ta lo sợ. Khoa học thì hành động hoàn toàn ngược lại. Khoa học luôn luôn tỏ ra sai lầm. Nó không bao giờ giải quyết một vấn đề gì lại không đặt ra hàng chục vấn đề mới" (26).

Tại sao tôn giáo lại có thể an ủi sự sợ hãi của con người mà khoa học thì không? Bởi lẽ, tôn giáo thuộc về vũ trụ vô biên - nằm trong tay Đấng vô cùng, cái là khách thể vô tận nằm ngoài chủ quan tính giới hạn của con người. Con người giới hạn không thể dựa vào chính sự giới hạn của mình, cũng như dựa vào các bộ môn khoa học dù tiến bộ đến đâu (đều do trí não - bàn tay giới hạn của mình làm ra), Descartes cho rằng dù khoa học của con người có phát triển vô tận, thì cũng chỉ là cái vô tận của sự giới hạn, chứ không phải là cái vô tận của vô tận. Khoa học đó cố đạt đến chỗ này chỗ kia thì đó mới chỉ là khả năng của con người đang chứng tỏ sự vượt thắng giới hạn cũng như sự bất lực của chính mình, trái lại, Thượng Đế không phải là khả năng, Ngài là hiện thực mọi nơi mọi lúc, Ngài không phải cố đi từ nơi này đến nơi kia, thành tựu này sang thành tựu khác. Chính cái toàn thể của Ngài mới có thể an ủi nỗi lo sợ về sự giới hạn của con người. Mặt khác, nhiều triết gia cho rằng, khoa học chỉ để ý đến "dụng thể" mà không để ý đến "tính thể". Nghĩa là, ở đâu khoa học cũng chỉ mới tìm tòi các khả năng sử dụng hữu dụng của vật chất, mà bỏ quên câu hỏi về "tính thể" của nó - nghĩa là: nguyên nhân đầu tiên của nó là gì? Tại sao nó như vậy? Và bởi đâu nó được sinh ra? Vì vậy niềm an ủi khoa học mang lại cho con người mới chỉ là tính tiện nghi "dụng thể" cho thân xác, chứ chưa thể là niềm an ủi của Đấng tự tạo giành cho nỗi lo lắng "loài thụ tạo" của con người. Để dễ hiểu, nhiều người hay ngắm bản mẫu khoa học qua ngành y học.

Y học càng phát triển, càng nhiều máy móc tối tân, càng nhiều thuốc siêu biệt dược, thì vi trùng càng trở nên nguy hiểm, càng nhiều chứng bệnh nan y hơn xuất hiện. Chẳng hạn giờ đây y học đang bất lực trước siêu vi trùng HIV, đến khi nào nó nghĩ ra thuốc diệt siêu vi trùng này, thì liệu có phải đối mặt trước một thứ siêu vi trùng mới... và liệu có một ngày y học lớn tiếng tuyên bố: đã nghiên cứu - đã hiểu biết - đã tiêu diệt - đã khống chế được tất cả các loài vi trùng trên thế gian, cũng như ngoài hành tinh xâm nhập đến? Đấy, mới chỉ nói riêng ngành y học thôi, các y, bác sỹ đã không dám chắc chắn về cái ngày y học sẽ khải hoàn ca trên xác những vi trùng bé nhỏ, thì làm sao các môn khoa học khác có thể hy vọng ngày nào đó sẽ chiến thắng tống dọn vấn đề Thượng Đế vào ngăn kéo? Triết gia Kant cho rằng, chừng nào nhận thức của con người còn bất cập trước vũ trụ vô cùng thì tôn giáo còn hiện diện. Ông nói: "Trong khi hạn chế nhận thức, tôi phải tạo một chỗ đứng cho tín ngưỡng".

Vậy chừng nào con người hết bị hạn chế nhận thức? Bộ não con người dù có phát triển đến đâu, nó cũng chỉ là sinh linh giới hạn trong vũ trụ vô cùng, và dù nó cố bao nhiêu "nhanh hơn, cao hơn, xa hơn", thì lại càng chứng minh nó chỉ là sinh vật đang cố vượt qua chính giới hạn của mình, chứ làm sao đạt tới ranh giới vô cùng? Con người, đi bộ tốc độ 10km/h, rồi đi xe hơi - tốc độ 100km/h, rồi máy bay - 1.000km/h, rồi vệ tinh vạn - vạn km/h rồi nhanh hơn nữa, nhưng tốc độ siêu tốc chỉ có ý nghĩa với chính con người, còn so với vũ trụ vô biên vô tận chẳng nghĩa lý gì. Đây có thể coi như một nguyên lý tồn tại của tôn giáo: Khi con người chỉ là khả thể hữu hạn, nó buộc phải trông mong vào một hiện thể vô cùng - đó là Thượng Đế.

Triết gia Heidegger cho rằng tôn giáo tồn tại như một hiệu lực của tinh thần. Ông nói: "Tôn giáo không còn là một sản phẩm lịch sử, mà là một nguyên tắc định mệnh; khoa học được xét đoán không căn cứ trên sự hữu dụng thực tiễn của nó, mà trên hiệu lực tinh thần của nó" (27).

Theo cách bàn của Heidegger, thì không nên nhìn tôn giáo theo con mắt hữu dụng thực chứng của khoa học. Tôn giáo đã tồn tại suốt dòng lịch sử, và nó sinh ra không phải để đáp ứng những đòi hỏi của khoa học, mà là để phục vụ nguyên tắc định mệnh cho tâm hồn của con người. Vậy khi nhìn nhận tôn giáo, hãy nhìn nhận hiệu lực tinh thần của nó.

Nietzsche một người chống Chúa cho đến tận cái chết của mình, cũng đã thừa nhận, "hiệu lực tinh thần" của con người chính là cái ánh sáng bên trong - cái khát vọng vươn ra bên ngoài gặp cuộc đời và băng về cõi vô cùng, nơi ngự trị một Thượng Đế là hình ảnh vươn tới của con người: Như Nietzsche từng nói, "Thiên Chúa giáo còn khải thị cho chúng ta một điều khác; đó là Thượng Đế, nó cho phép chúng ta đón gặp người khác từ bên trong và đi tới vô tận" (28).

Chính vì cái "hiệu lực tinh thần" bên trong đó, làm nên nguồn bổ dưỡng vô tận cho con người, mà thi sỹ Lamartine trong bài Thượng Đế (Dieu) đã viết: "Con người ngừng tin tưởng thì cũng ngừng tồn tại" (L'homme cessa de croire, il cessa d'exister) (29). Theo thi sỹ, nhìn vào vũ trụ cùng lịch sử, đằng sau những sự kiện vĩ đại xảy ra, chắc hẳn phải có bàn tay Thượng Đế: "Trong những thay đổi lớn mặc khải sự hiện diện của Ngài" (Dans ces grandes changements révèle ta présence) (30).

Con người của khoa học đầu tiên phải là con người thực tiễn dù đồng ý hay bác bỏ, dù coi tôn giáo là cao siêu hay mê tín, chúng ta đều không thể không thấy một hiện thực này: trên thế giới có hơn 90% dân số có tín ngưỡng về Thượng Đế, và cũng có hơn 90% các nhà bác học tin vào Thượng Đế; bởi thế một cách hiện thực chúng ta nên tiếp xử vấn đề tôn giáo bằng cách đối mặt với nó, chứ không phải bằng cách phủ quyết cho nó "không có mặt". Có thể, tôn giáo là cái "không nên có", dẫu vậy nó vẫn đang có, và ta không thể nào sống trong một thế giới không có hiện thực về nó. Sách "Merveilles et Secrets de l'Esprit Humain" (Sự chói sáng và huyền bí của tinh thần nhân loại) có viết: "Không cần phải lãng quên một tôn giáo. Nó là một hệ thống, một sự cân bằng. Nó không phải thứ tạo ra món đồng nát thập cẩm ngẫu nhiên của những lời lẽ rườm rà, hay những trò bất xứng bê bối... Tôn giáo là một kiến giải phổ quát và kết dính của một toàn thể sức chống đỡ và an ủi cho xã hội và con người" (Il ne faut pas oublier qu'une religion... est un système, un équilibre. Elle n'est pas fait de pièce et de morceaux assemblés au hasard avec des lacunes, des redondances et des disproportions scandaleurses... Une religion est une explication général et cohérente de l'univers soutenant et animant la vie de la société et des individus) (31).

Nhà tư tưởng José Bergamin cho rằng, tôn giáo mặt xấu có thể dìm con người vào mê muội, nhưng mặt mạnh nếu biết sử dụng nó sẽ trở thành thần dược kích thích tâm linh. Nhìn các nước Hồi giáo, hay đặc biệt nhìn dân tộc Palestin bé nhỏ dám thánh chiến chống lại nước lớn, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Bergamin nói: "Có hai loại người: Loại người uống rượu vào thì ngủ say và loại người uống rượu vào thì tỉnh táo, một loại rượu làm cho u mê, còn loại kia rượu kích thích thêm sáng suốt. Đối với một dân tộc, tôn giáo không phải là thuốc phiện nhưng có thể là rượu. Tôn giáo có thể làm cho một dân tộc ngủ li bì nhưng tôn giáo có thể thức tỉnh dân tộc khác và kích thích cho hết buồn ngủ ".

Một cách hiện thực, gắn với hiện thực và trải dài cùng hiện thực lịch sử, tôn giáo mở màn cũng như song hành cùng mọi dân tộc đến mức, như Franz Boas nói : "Tôn giáo đã trở thành đề tài tư tưởng của mọi dân tộc". Đồng một quan điểm như vậy, triết gia Heidegger cho rằng, loại bỏ tôn giáo tức là loại bỏ một giá trị của tâm linh. Ông nói: "Bất luận kẻ nào đã thể nghiệm cái chết của Thượng Đế đều là một kẻ đánh cắp Thượng Đế" (32).

Các nhà kiến trúc sư, cùng ngành du lịch thế giới đều thấy rõ rằng, bằng tôn giáo con người đã xây lên những đền đài đẹp nhất thế giới. Triết gia Hegel đã phân tích về mỹ học rằng, nếu không có nội dung "ngước lên cao" tìm chân lý tuyệt đối, các đền đài sẽ không có những hàng cột, những mái, những vòm, những hình chóp, và những tháp muốn thể hiện sức vươn lên trời xanh. Vậy loại bỏ tôn giáo đi, ngành kiến trúc liệu có phải loại bỏ cả kiến trúc Gô - tích (Go-thique), cùng bao nhiêu công trình kiến trúc nguy nga đồ sộ đầy vẻ trầm tư thành kính sao? Còn nữa, những bản thánh ca hợp xướng Cantatas của Johan Sebastian Bach liệu có còn chỗ đứng? Cùng các bản nhạc của các thiên tài âm nhạc khác, như "Tiến lên bàn thánh" của L. Van Beethoven, "Quỳ trước hang đá Belem" của G.F Haendel, "Kính mừng Maria" của F. Schubert hay "Ngôi lời nhập thể" của L.F.Daquin... làm sao có mặt? Về hội hoạ, các bức tranh nổi tiếng của các danh hoạ thiên tài, "Mẹ thánh thần" của Giovanni, "Thập giá hạ xuống" của Giotto di Bondone, "Đức mẹ và hài đồng lên ngôi giữa thánh sủng" của Raphael, hay "Gia đình thần thánh" của Michelangelo.... sẽ bắt đầu từ nguồn cảm hứng nào để bước lên tranh. Về vật lý cơ học lượng tử hiện đại, nếu đánh rơi ám ảnh về "linh hồn" của vật chất, liệu các nhà vật lý có bị mất đi khả năng tìm kiếm hay lý giải cho các điện tử khôn có thể liên lạc hoà điệu cùng nhau cách xa hàng tỷ dặm?

Từ các triết gia đến khoa học gia, nhiều người đã từng thừa nhận giá trị của tôn giáo. Triết gia Hegel cho rằng, thực tại tối hậu đồng bàn tính với lý tưởng. Nghĩa là, nếu không có tôn giáo toả ánh sáng từ cõi vô cùng, ngoài biên giới hữu hạn của con người đến, thì thực tại tự thân của trần gian không có mục đích, không có dự trình vận động. Giống một con người không có dự phóng cho ngày mai, anh ta sẽ không thể sống như đang từng sống trong hiện tại. Cái dự phóng ngày mai, hiện chỉ là ý định nhắm về lý tưởng, nhưng nó đang hoà quện trong chính thực tại vật chất của người đang sống. Còn Einstein, như trên chúng ta đã bàn thì cho rằng, tôn giáo là mầm của mọi nghệ thuật và khoa học chân chính. Đến đây, một câu hỏi cũng như câu trả lời của chúng ta đã lộ ra: Đánh mất Thượng Đế thì tâm hồn con người sẽ giầu có lên hay nghèo nàn đi?

Đánh mất Thượng Đế cũng có nghĩa là đánh mất câu hỏi siêu hình lớn nhất để con người đi tìm kiếm ánh sáng của sự thật! Đánh mất Thượng Đế, con người cũng đánh mất ánh sáng lý tưởng, mất đi giá trị tham chiếu đòi siêu vượt khỏi chính mình! Đánh mất Thượng Đế cũng là mất đi hiện thể vô cùng để khả thể con người tìm kiếm dự phóng trở thành cái gì đó lớn hơn!

Đánh mất Thượng Đế, nếu không biết được giá trị của "Vật" bị đánh mất, sẽ rơi vào chủ nghĩa duy vật thiển cận cứng nhắc, như nhà bác học L.M. Palov phát ngôn: "Tôi bài bác chủ nghĩa duy vật cận thị từng đơn giản hoá sự vật một cách thô thiển và quá sớm, từng hạ thấp sự vật trước bản tính trong sáng và toàn vẹn" (33). Nhà bác học Pascal thì đưa ra một lời khuyên rất hiện thực :

"Với Chúa, nếu bạn được, bạn được tất cả, nếu bạn mất bạn chẳng mất gì. Vậy thì hãy được, đừng lưỡng lự" (C'est à - dire Dieu, "Si vous gagnez vous gagnez tout, sivons perdez, vous ne perdez rien. Gagnez donc qu'il est, sans hesiter" ) (34).

Phần tiền đề cho cuốn sách đến đây đã được trải ra. Trước khi khép lại, tôi xin nêu rõ mục đích của cuốn sách . Mục tiêu chính của cuốn sách không nằm trong khuôn viên của bất kỳ tôn giáo nào, cũng không trả lời câu hỏi Thượng Đế có hay không, bởi lẽ câu hỏi này từ cổ chí kim loài người chưa trả lời được, và cuốn sách này cũng không có tham vọng trả lời.

Dẫu vậy, cuốn sách nhằm trình bày hiện thực tôn giáo đang diễn ra trên trần gian, và đang trở thành những xu hướng thời đại không nhỏ tác động trực tiếp vào những trào lưu, những cách sống, cách văn hoá, cách đạo đức, cách sinh hoạt, lớn hơn là cách tinh thần của nhân loại.

Mọi cuốn sách đích thực trên đời ít hay nhiều phải chứa nhận thức. Sự thật đó không nằm ngoại lệ ở cuốn sách này, cho dù sách có bàn về tôn giáo thì không có nghĩa có quyền chìm đắm trong những tín điều u mê ma thuật; trái lại cuốn sách này chủ yếu trình bày, diễn xuất lại những ý tưởng của các triết gia, nhà bác học, thần học gia, danh nhân lỗi lạc một cách vừa lý trí, vừa thực tiễn xung quanh vấn đề tín ngưỡng và cái vô cùng.

Cuốn sách gồm 7 chương, nhưng tất cả quy tụ thành 3 điểm chính sau đây:

1 - Tâm linh có hay không?

2 - Thượng Đế có hay không?

3 - Hành trình của tâm linh nhân loại chỉ gói gọn trong một câu: đi từ Đa thần đến Nhất thần.

Nhưng tâm linh là một bản thể trừu tượng - khó nắm bắt vào bậc nhất, bởi thế hành trình của tâm linh sẽ không được trình bày theo lược sử thời gian, mà theo tính vấn đề.

* *

*

Ngoài ra, cuốn sách còn nhắm vào ba mục đích khác:

1 - Đức tin cho đời sống: Cả phía có tin hay phía không tin, thì đều không thể dửng dưng hoạch định một lần là xong. Có nhiều người tưởng ta đã tin có một Đấng tối cao, thế là họ yên trí ẩn nấp trong một vài cử chỉ làm dấu, đọc kinh, đinh ninh rằng dù ta có sống thế nào - cứ yên tâm vì có Chúa trên cao đã phù trì, che chở. Trái lại, nhiều người không tin, ngay câu nói cửa miệng đã phản bác thần linh, ấy vậy mà họ cứ sì sụp đi cúng bái thập thụt hết đền này đến miếu kia, để cầu tài, cầu quan, hay cầu hình nhân thế mạng.

2 - Đức tin cho hành động: Đức tin không việc làm là đức tin chết, vậy tin vào Thượng Đế không phải là một xác tín vô thưởng vô phạt mà xác tín đó phải biến thành lối sống đạo đức, nhân ái.

3 - Đức tin cho nhận thức: Dù tin hay không, nó phải là một thao thức khôn nguôi, để gắn cho ngọn lửa nhận thức một phao dầu không bao giờ cạn. Người tin, sau thử thách thao thức sẽ tin hơn. Người vô thần, sau khi căn cứ vào sở cứ vô thần của mình một cách trăn trở, đã trở thành vô thần - vô nhiễm - thuần khoa học.

Về ngôn ngữ, chỗ này sách dùng chữ "Thượng Đế", chỗ kia dùng "Thiên Chúa", để cho uyển chuyển - phong phú hơn, tuy vậy cả hai cụm từ đó đều có ý nghĩa như nhau, đều ám chỉ một Đấng chỉ định của khoa học, chứ không phải Đấng nằm trong tín điều tôn giáo.

Về học thuật, sách thiên về ba tôn giáo lớn - lấy đó làm cơ sở để tham chiến, bởi lẽ cả ba tôn giáo: Ki - tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo đều chung một ông tổ Abraham, và đều quan niệm có một Đấng sáng tạo ra vũ trụ là Chúa Trời duy nhất. Và môn thần học được xây trên ba tôn giáo này, đặc biệt là Ki - tô giáo nhiều hơn hẳn các tôn giáo khác.

Với Phật giáo, vì tôn giáo này chủ trương "Nhất thế chúng sinh giai hữu phật tánh" (Tất cả chúng sinh đều có phật tính) (Kinh Viên giác), không coi thế giới do một Đấng duy nhất nào đó tạo nên, bởi thế, Phật giáo được tham chiến ở khía cạnh tín ngưỡng nhiều hơn là mục đích thần học : nhắm tới Đấng tối cao.

Cấu trúc cuốn sách được sắp đặt như sau:

Chương I: Tiền đề. Tìm cách đặt vấn đề toàn thể.

Chương II: Thượng Đế và Khoa học. Mục đích đưa cái nhìn khách quan đầu tiên đến bạn đọc. Để bạn đọc lựa chọn một nhận thức mà không phải tuân thủ tín điều võ đoán của tôn giáo (Một phần lớn chương này, để đạt tới niềm tin chắc chắn nhất, tôi xin được trích nguyên văn cuốn "Thượng Đế và Khoa học" (Dieu et la Science), mô tả cuộc đối thoại khoa học giữa Jean Guitton Viện sỹ Viện hàn lâm Pháp cùng hai tiến sỹ vật lý thiên văn và vật lý lý thuyết Grichka Bogdanov và Igor Bogdanov.

Chương III: Thượng Đế và Xã hội. Trình bày tôn giáo như một hiện thực xã hội, có Kinh sách, lề luật, đạo đức tình yêu, sức kết dính.

Chương IV: Thượng Đế và Tâm linh. Trình bày nhu cầu và đời sống của tâm linh đòi hướng về vấn đề Thượng Đế.

Chương V: Thượng Đế và Thần học. Trình bày quan điểm của các triết gia về vấn đề tâm linh cùng Thượng Đế.

Chương VI: Phản bác vấn đề Thượng Đế. Đưa ra những chứng lý phản bác vấn đề Thượng Đế. Đồng thời, cả những lý lẽ đối đáp lại.

Chương VII: Thượng Đế có hay không? Câu trả lời vẫn chỉ là câu hỏi. Cuối cùng cuốn sách trở về với hiện thực nhân loại - đó là: một nhân loại vẫn còn tôn giáo.

Vì tâm linh là lĩnh vực trừu tượng - vô biên, nên sự phân chia ranh giới giữa các chương chỉ là cách biệt tương đối. Nó được phân chia để hợp về nguyên khối tinh thần.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top