Chương 4: Dì Mừng


Lúc tôi bốn tuổi, dì đi lấy chồng.

Trong kí ức của tôi, đó là một đám cưới đơn sơ tới thảm hại. Dì không mặc váy cô dâu, chỉ có một bộ áo dài trắng giản dị. Ngày cưới dì, ngoại giận nằm ở trong buồng không ra, còn mẹ chải tóc cho dì, hai chị em ôm nhau khóc.

Dì kém mẹ tới năm tuổi, lấy chồng năm hai mươi tuổi, hai năm sau, tức là khi tôi chuẩn bị vào lớp 1 thì dì lại quay trở về với ngoại và ba mẹ con tôi. Ngoại có chửa dì vừa hết tháng thứ tám thì dì đã đòi ra. Ngày ngoại sinh mẹ, chỉ có mình ngoại và cụ của chúng tôi, người mà mẹ và dì gọi là bà nội. Cụ ông của tôi ngày trước là dân quân du kích trong làng và làm giao liên cho đơn vị bộ đội ở địa phương. Ngày quân Pháp tràn về, chúng bắt cụ lên huyện rồi chặt đầu thị uy ngay giữa chợ. Đến đêm, mọi người lén cướp đầu cụ về chôn, còn xác thì bọn giặc đã quăng xuống sông Thái Bình, không bao giờ tìm được lại. Cụ bà khi ấy vừa tròn hai mươi tuổi, ông ngoại tôi mới vừa thôi nôi. Cụ ở vậy phụng dưỡng bố mẹ già và nuôi ông ngoại tôi thành người.

Lúc ngoại đau đẻ, cụ phải bế mẹ tôi sang nhà hàng xóm gửi rồi nhờ ông Hưng – bố bác Hoài, cũng là anh con chú con bác với ông ngoại tôi và ông Nhưng – bố cậu Nhân, hồi ấy vẫn chưa mất, cũng là anh họ của ông ngoại, khiêng võng đưa ngoại tôi ra trạm xá. Ngoại đau dữ lắm, mãi mới sinh được dì ra. Do ở trong lâu quá nên dì bị ngạt nước ối, khiến sau này dì phải mang căn bệnh viêm xoang mãn tính cả đời.

Ngoại sinh dì vất vả một thì nuôi dì vất vả mười. Ngày còn nhỏ, dì bị đủ các loại bệnh, sài, đẹn, trốc đầu, còi xương,... lúc nào dì cũng trong tình trạng quặt quẹo. Ngoại vừa phải lo công việc đồng áng trong nhà, tối đến không quản mưa gió bão bùng, mang theo cái đèn bão đi bắt cóc vàng về làm ruốc để nấu bột cho dì ăn. Ngoại kể, có lần ngoại suýt vồ ngay phải con rắn hổ mang trong bụi chuối, may lúc ấy ngoại hoảng quá, vất cả cái đèn đi mà chạy khiến cho dầu tràn ra, bắt lửa làm bụi chuối cháy bùng, con rắn cũng sợ quá bò mất. Dù vậy, sau đó ngoại vẫn tiếp tục tìm bắt cóc, chỉ là khi đi còn cầm theo cả một cây gậy cho chắc ăn. Năm dì tròn mười tuổi, mẹ tôi mười lăm thì cụ ngoại mất, mang theo nỗi niềm áy náy với con dâu và các cháu đi tìm cụ ông. Mẹ nói, lúc cụ mất, cụ vẫn dặn đi dặn lại với ngoại, nếu ông ngoại có về thì nhất định không được cho ông đeo tang. Ngoại coi như đã không còn người con ấy trên đời. Dù vậy thì ông ngoại cũng chẳng về, một mình mẹ và bà con trong dòng họ lo đám tang cho cụ rồi đưa cụ ra ngoài đống Chèm, cái bãi tha ma vốn là một gò đất nhô cao nằm cạnh con sông Cái, tít tắp cuối làng tôi.

Dì càng lớn lên càng giống ngoại, lại thêm cái dáng gầy nhỏ, lúc nào cũng liêu xiêu giống như chỉ cần một trận gió nhẹ lay cũng đủ làm dì ngã xuống. Nhưng cả dì và mẹ đều thừa hưởng nét xinh gái và duyên dáng của ngoại, thế nên vừa bước vào tuổi mới lớn là đã có không ít trai làng, thậm chí trai làng bên ngó nghé rồi đánh tiếng. Mẹ tôi đẹp đến nỗi bố tôi vừa gặp đã mê mẩn, lập tức có ý muốn đưa mẹ lên tỉnh sống. Mười tám tuổi, mẹ tôi mặc những lời can ngăn của ngoại, vội vã theo bố tôi về làm dâu thành thị, khi ấy dì mới mười ba.

Ngày ngoại dẫn mẹ và chị em tôi về, dì cũng vừa tròn mười lăm. Dì là người thấu hiểu nhất những gì mẹ phải trải qua tại chính quê nhà mình, những lời chì chiết đay nghiến của ngoại, những lời bàn tán, xì xào, dè bỉu của xóm làng, không chỉ ngoại, không chỉ mẹ, mà cả dì, cô học trò vừa bước sang tuổi thiếu nữ cũng phải hứng chịu. Thế nên mẹ cũng rất thương dì. Ngày ông bà Vạn, chủ mấy cái lò gạch lớn ở trong làng đánh tiếng hỏi dì cho con trai út của ông bà, một người đàn ông ba mươi tuổi bị thọt một chân đã có một đời vợ, mẹ và dì đã quỳ xuống chân ngoại mà van xin ngoại đừng gả dì vào nhà đó. Nghe nói vợ trước của chú này về làm dâu được hơn ba năm nhưng mãi chẳng thấy có con nên bị họ hàng nhà chồng nói ra nói vào, cuối cùng không chịu được phải bỏ xứ mà đi. Họ muốn hỏi dì về làm dâu cũng chỉ vì cái niềm mong mỏi mong có cháu bế mà thôi, hơn nữa nhà chúng tôi nghèo, còn họ thì rất giàu, ông bà Vạn cho rằng được bước vào cửa nhà họ cũng là phúc ba đời của dì tôi rồi. Về đấy dì sẽ được ăn sung mặc sướng, chẳng phải động tay động chân việc gì, suốt ngày chỉ cần ngồi giám sát công nhân làm việc và tính toán một chút sổ sách là xong. Với một người phụ nữ, cuộc đời như thế là đã quá viên mãn rồi.

Dì không chịu. Mẹ tôi cũng không đành lòng để dì – cô thiếu nữ vừa bước sang tuổi mười bảy, lại đẹp phơi phới phải gả cho một người đàn ông như thế. Chỉ có ngoại là băn khoăn. Đời ngoại, rồi tới mẹ tôi, đều đã gặp phải  những người đàn ông chẳng ra gì, ngoại chỉ mong đứa con gái út là dì được gả vào nhà tử tế. Nhà ông Vạn là dân làm ăn nhưng cũng chưa từng có tiếng lừa lọc ai bao giờ, lại có mấy cái công nông liên tục chở gạch đi đổ ở khắp các nơi trong huyện, con trai nhà ấy cũng chẳng ai cờ bạc, rượu chè, đánh vợ chửi con, nếu dì vào được nhà đó cũng là cái phúc phận của dì. Ngoại chỉ băn khoăn một nỗi người muốn cưới dì lại là người đàn ông đã có một đời vợ, không những thế còn bị thọt chân, nếu phải gả con gái cho một người đàn ông như thế thì quả thật ngoại cũng có chút không đành lòng.

Cuối cùng, có lẽ vì ngoại cũng là một người đàn bà yếu đuối dễ mềm lòng nên ngoại đã chiều lòng mẹ và dì, không bắt mẹ phải sang nhà ông Vạn làm dâu nữa, rồi còn đồng ý cho dì lên tỉnh làm, học may ở xưởng may của một người mẹ đã quen hồi còn sống trên ấy, sau khi lành nghề sẽ về làng mở một hiệu may nhỏ rồi lấy một người chồng mà ngoại ưng ý nhất.

Mười bảy tuổi, dì bước vào đời với một ít tiền ngoại dúi cho để chi tiêu khi cần, mấy cái áo hoa, quần vải lanh của mẹ tôi. Đấy là đồ bố đã thuê người may cho mẹ tôi làm quà cưới lúc bố mẹ mới lấy nhau, khi về quê thì mẹ cảm thấy nó không phù hợp lắm để mặc nên cũng bỏ dưới đáy hòm. Để tiết kiệm tiền xe, mẹ mượn cái xe đạp của nhà bác Hoài rồi chở mẹ lên tỉnh. Sắp xếp cho mẹ ở chỗ học may xong mẹ lại tất tả đạp xe về. Mẹ và dì đi từ bốn giờ sáng, đến tận hơn chín giờ tối mẹ mới về đến nhà, cả người đầy mồ hôi và bụi đất, mệt không ăn nổi miếng cơm.

Từ lúc dì đi, cứ hai tháng dì lại về thăm nhà một lần, dì nói vì mình đang học việc nên không thể xin nghỉ nhiều được. Ngoại có hỏi học may tới đâu, dì cũng chỉ cười trừ, nói rằng lúc đầu họ không truyền nghề cho ngay đâu, sáu tháng đầu dì lên đấy, họ còn chẳng cho dì động vào cái kéo, miếng vải một chút nào chứ đừng nói là máy khâu, máy may. Công việc chính của dì thời gian đầu vẫn chỉ là sáng sớm dậy mở cửa hàng, quét dọn, đêm lại quét dọn và đóng cửa hàng. Ngoài ra, dì còn phải giúp chủ hiệu may nấu ăn, giặt đồ, thậm chí là đấm bóp mỗi lần người ta mệt mỏi. Ngoài ba bữa cơm và chỗ nghỉ hàng ngày, nhà chủ ấy cũng trả cho dì năm nghìn đồng mỗi tháng để chi tiêu cá nhân và cho tiền xe mỗi lần về thăm nhà. Dì chẳng tiêu gì tới số tiền đó nên mỗi lần về đều đưa hết cho ngoại, chỉ giữ lại tiền xe đi lại mà thôi. Mỗi lần dì đi, ngoại đều đưa cho dì một bọc hơn chục quả trứng gà để dì mang lên biếu chủ hiệu may.

Thấm thoắt, dì đi học may tới tận ba năm, rồi đùng một cái dì dẫn chú về nói muốn xin ngoại cho cưới. Chú là người cùng huyện, ở cách nhà chúng tôi gần hai mươi cây số, nơi đó đã sát đất thị xã rồi. Dì nói quen chú khi tới cửa hàng của chú lấy vải về cho tiệm may. Chú có một sạp buôn vải rất lớn trong chợ thị xã. Ấn tượng của tôi về chú không nhiều, vì tôi chỉ gặp chú đúng ba lần trong đời, lần đầu là khi chú theo dì về ra mắt gia đình tôi, lần thứ hai là trong đám cưới của chú dì, và lần cuối cùng tôi gặp chú là Tết năm tôi bước sang tuổi thứ năm. Chú cao lớn, hơi gầy, nước da sáng nhạt chứ không ngăm ngăm đen như những người lao động chân tay khác. Ngoại tôi không ưa chú ra mặt, ngoại nói hạng đàn ông ẻo lả như chú thì chả làm được việc gì ra hồn. Mẹ tôi thay dì khuyên ngoại, ngoại lại giận lẫy, mắng: "Cái thân mày mày còn chẳng lo xong, còn dám nói thay cho nó à. Tao bảo rồi, 'cá không ăn muối cá ươn', trước mày không nghe tao nên giờ mày mới thế này. Nó không nghe tao rồi đời nó cũng thế thôi..."

Thế là tối hôm ấy, dì lại quỳ xuống xin ngoại hãy chấp nhận cho dì theo chú. Lần đầu tiên dì quỳ trước ngoại để từ chối một cuộc hôn nhân, lần này, lại là xin ngoại chấp nhận cuộc hôn nhân do chính mình chọn. Dì nói rằng dì đã trót trao thân cho chú, đời này dì chẳng thể lấy ai khác ngoài chú nữa. Ngoại nhìn dì trân trối, sau đó ngoại khóc, ngoại chỉ khóc mà chẳng nói chẳng rằng. Dì cũng khóc. Chị em tôi cũng khóc.

Hôm sau thì ngoại ốm. Ngoại không cho phép dì lại gần, ngoại nói coi như ngoại không có đứa con như dì. Mẹ lẳng lặng chuẩn bị cho dì một đám cưới đơn giản, mời bà con trong họ tới chia vui. Chỉ có một mâm cơm cúng với xôi gấc và con gà luộc, dăm mâm cơm mời họ hàng với đậu phụ, cá kho, canh dải khoai nấu tép và bát cà muối chấm mắm cáy. Nhà trai cũng chỉ có mấy người, đi mấy cái xe cúp xuống đón dâu. Chú rể mặc áo sơ mi trắng đóng thùng, tay cầm bó hoa dơn màu đỏ trao cho dì. Thắp hương các cụ xong thì đại diện nhà gái nhận trầu cau của nhà trai rồi trao dâu. Thế là dì cũng đã đi làm dâu nhà người.

Sau đám cưới, chú có đưa dì về làm lễ lại mặt, rồi thưa chuyện với ngoại rằng sẽ mở cho dì một hiệu may nhỏ ngay trong chợ, chú bán vải, dì may quần áo, hai vợ chồng cũng ở riêng chứ không ở cùng bố mẹ chú. Ngoại tôi vẫn còn giận dì, nhưng rốt cuộc thì chú dì cũng đã thành vợ thành chồng, ngoại chỉ có thể bằng mặt nhưng không bằng lòng mà chấp nhận người con rể này. Mặc dù lấy chồng cách nhà cũng chẳng quá xa nhưng số lần dì về thăm nhà vô cùng ít ỏi, mỗi lần về chỉ kịp dúi cho ngoại ít tiền, cho chị em tôi mỗi đứa một cái áo mới do dì tự may, ăn một bữa cơm, ngủ lại một tối rồi sáng hôm sau lại tất tưởi đi ngay. Ngay cả với mẹ tôi, dì cũng không bao giờ tâm sự gì cả. Mỗi lần dì về, ngoại đều gói ghém cho chục quả trứng gà, rồi căn dặn: "Đàn bà có xinh đẹp mấy, giỏi giang mấy mà không có lấy mụn con thì cũng chẳng có giá trị gì ở nhà chồng cả. Chúng mày làm ít ít thôi, dành thời gian mà sinh lấy đứa con đi." Dì chỉ cười trừ, nhận lấy bọc trứng, bỏ vào trong cái làn nhựa rồi để mẹ đèo lên huyện bắt xe đi thị xã mà thôi.

Cái Tết năm tôi sáu tuổi chỉ có dì về một mình, trước ánh mắt nghi ngờ của ngoại, dì nói chú bận buôn bán nên không về được. Ngoại nghi ngại nhìn cái bụng phẳng lì của dì, sau đó cũng chẳng nói gì, lại đội nón ra vườn nhổ cỏ. Sau đó bốn tháng thì dì về hẳn.

Ngày dì về, tài sản vẫn y như lúc dì ra đi, chỉ có vài bộ quần áo ngày trước mẹ cho, thêm một cái máy may đã cũ mà thôi. Bữa cơm tối hôm ấy, trước khi buông đôi đũa, ngoại chỉ nói một câu: "Ngày ấy tao đã nói mà không đứa nào nghe tao. "Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư", mặt tao cũng đầy tro đầy trấu lúc con Vui về rồi, giờ tới lượt mày, tao cũng chẳng có gì phải xấu hổ thêm nữa cả. Chúng mày học cao hiểu rộng, khinh tao bà già nhà quê, không biết chữ, không có học, đứa nào cũng đũa mốc muốn chòi mâm son. Giờ thì chúng mày sáng mắt ra chưa?"

Mẹ lẳng lặng và cơm, dì cúi gằm mặt không nói, tôi liếc nhanh sang, chỉ thấy một giọt nước mắt rơi nhanh xuống bát cơm trong tay dì. Ngoại đặt đôi đũa cái "cạch" xuống mâm khiến tôi giật nảy người, lại vội vàng cúi xuống bát cơm của mình mà và lấy và để vào miệng khiến cho mấy hạt cơm rơi cả ra ngoài. Tôi vội vàng nhặt lại vào bát, len lén nhìn mẹ vì lần nào tôi làm vãi cơm mẹ cũng mắng và bắt tôi nhặt lại. Nhưng lần này mẹ không nói gì. Ngoại đứng dậy và bước vào trong buồng, cùng với những tiếng lục cục như tiếng mở hòm xiểng là tiếng ngoại vọng ra: "Tao già rồi tao chết, lúc ấy chắc đời tao mới hết khổ."

Những ngày sau, căn nhà của chúng tôi chìm trong sự im lặng đáng sợ của từng người. Ngoại cả ngày chỉ loanh quanh ở ngoài vườn, hết cuốc đất lại tới trồng rau, nhổ cỏ, chẳng lúc nào ngơi tay. Mẹ vẫn ra đồng, lúc rảnh rỗi thì ngồi đan mấy cái rổ, cái rá, vá mấy cái vó. Còn dì cũng chẳng đi đâu, chỉ loanh quanh từ trong nhà ra ngoài sân, lúc có người đến chơi lại chạy tọt vào buồng. Bữa cơm là lúc gia đình sum họp, nhưng ở nhà tôi thì bữa cơm lúc nào cũng là thời gian căng thẳng nhất. Nếu ngoại không nói gì thì bữa cơm sẽ diễn ra trong câm lặng tuyệt đối, ngoài tiếng bát đũa lanh canh, tiếng cái môi nhôm múc canh đập vào thành bát tô và tiếng ngoại chống đũa xuống mâm lúc ăn xong, ba mẹ con chúng tôi và dì đều không gây ra thêm bất kì tiếng động nào. Trường hợp thứ hai là ngoại vừa ăn, vừa than thở, vừa chửi. Ngoại chửi đám đàn ông bạc bẽo, mắng mẹ với dì ham giàu sang phú quý, rồi than thở chuyện không dám vác mặt đi đâu vì xấu hổ với bà con hàng xóm. Bữa cơm cuối cùng trở thành một màn độc thoại của ngoại, một vở bi kịch của dì, còn tôi trở thành một khán giả ngu ngơ không hiểu chuyện, hễ cứ nghe thấy ngoại to tiếng là tôi đã sợ rồi. Có một điều đặc biệt là không ai đề cập tới lý do vì sao dì về đây, về sau chị Vân thì thào với tôi lúc chị dạy tôi tập viết chữ trong buồng: "Dì không có con nên bị nhà chồng đuổi về ".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top