Chương 3: Gia đình
Còn nhớ lần đầu tiên tôi cất tiếng hỏi ngoại về bố:
"Tại sao bố không ở với chúng cháu?"
Ngoại, lúc ấy còn chưa già, mái tóc vẫn còn điểm những mảng tóc xanh, ngoại cũng chưa ăn trầu, da cũng chưa nhăn nheo, dáng đi chưa còng như sau này. Lúc tôi hỏi câu ấy, ngoại đang thái chuối cho lợn ở ngoài sân bèn dừng bàn tay đang cầm con dao phay lại, ngẩng đầu nhìn tôi sau đó xẵng giọng:
"Vì mẹ mày không biết đẻ con trai."
Rồi tôi nghe thấy tiếng vung xoong rơi loảng xoảng trong bếp. Mẹ tôi đang nấu cơm trong ấy.
Từ đó, tôi không bao giờ hỏi tại sao bố không ở cùng ba mẹ con tôi nữa. Tôi sợ phải nhìn lại ánh mắt giận dữ khi ấy của ngoại. Tôi sợ phải một lần nữa thấy mẹ lén ra vồng, ngồi dưới gốc chanh đào ôm chân khóc nức nở, mặc cho sương đẫm đầy đầu.
Lớn lên, dần dần tôi cũng hiểu ra nguồn cơn dẫn đến những nỗi đau của mẹ, qua những lời kể của ngoại, rồi của dì Mừng tôi.
Hồi còn trẻ, mẹ tôi đẹp lắm, lại hát hay, múa dẻo nên thường được gọi tham gia vào các chương trình văn nghệ của xã đoàn. Học xong phổ thông, mẹ vào làm công nhân nuôi tằm trong hợp tác xã, kiêm ủy viên ban chấp hành đoàn xã. Mẹ quen bố trong một lần đoàn văn công trên tỉnh về địa phương biểu diễn phục vụ bà con. Bố là phó đoàn văn công ấy. Bố mẹ phải lòng nhau chỉ sau một đêm đoàn văn công ở lại biểu diễn. Vài tuần sau, mẹ theo bố lên tỉnh, nghe nói bố xin cho mẹ vào làm trong đoàn nghệ thuật của tỉnh luôn. Ngày mẹ theo bố đi, ngoại khăng khăng phản đối. Ngay trước mặt bố, ngoại thẳng thừng nói rằng mấy người đàn ông đa tình như bố không sớm thì muộn cũng giở thói trăng hoa mà thôi. Nhưng mẹ còn tâm trí nào mà nghe ngoại khuyên răn nữa, mẹ bỏ lại ngoại với dì út còn đang đi học ở lại ngôi nhà tranh và theo bố lên tỉnh.
Ba tháng sau thì ông bà nội mang trầu cau về hỏi cưới mẹ. Ngoại dù chẳng bằng lòng, nhưng cũng không thể nào từ chối được, nên chỉ có thể mỉm cười nhận lễ của họ rồi gả con gái đi mà thôi.
Nhà ông bà nội tôi ở trên tỉnh, từ nhỏ đến lớn, tôi chưa một lần được gặp những người thân bên họ đằng nội, chỉ nghe nói ông bà nội đều là cán bộ nhà nước. Bố tôi là con trai duy nhất trong nhà nên vừa học hết phổ thông là ông bà sắp xếp cho đi học trung cấp nghệ thuật tỉnh, rồi về làm phó đoàn văn công lưu động, hàng tháng đều có chương trình về các địa phương biểu diễn. Bố mẹ cưới nhau về rồi cũng ở ngay tại nhà của ông bà nội. Nhưng mẹ tôi có xinh xắn, ngoan ngoãn, đảm đang tới đâu thì bà nội vẫn chê mẹ là con gái nhà quê, chẳng biết trang điểm làm đẹp mặt cho nhà chồng. Bà thậm chí còn hay lườm nguýt con dâu mỗi lần bố tỏ ra thân mật hơi quá với mẹ trước mặt ông bà. Bà thường nói bóng gió rằng mẹ là đồ mất nết, không được dạy dỗ. Dù vậy, mẹ vẫn luôn làm tròn phận dâu con với ông bà, vì ít nhất, mẹ có một người chồng tâm lý luôn hiểu lòng vợ và hết lòng an ủi mẹ mỗi khi mẹ nhớ nhà hay tủi thân.
Chị Vân tôi ra đời giữa tình yêu đầy hương sắc của họ, nhưng lại giết chết sự mong mỏi thằng cháu đích tôn của ông bà nội. Ông bà chẳng mấy khi ngó ngàng tới cháu, để mặc mẹ tôi vật lộn với chị sau những ngày sinh đầu tiên, cũng không cho về ngoại. Bà ngoại mang trứng lên chăm cháu cũng chỉ dám ở lại chơi một lúc rồi lại về, kẻo muộn một chút thì lại bị thông gia nói ra nói vào là "thêm miệng ăn tốn cơm tốn gạo". Bà ngoại về, mẹ ôm chị đỏ hỏn trong bọc tã mà cố nén tiếng khóc tủi hờn.
Việc mẹ sinh con gái đầu lòng khiến cho tình cảm của bố dành cho mẹ cũng phai nhạt đi nhiều, lại thêm bà nội lúc nào cũng nói ra nói vào càng khiến bố mẹ trở nên xa cách với nhau. Mẹ bận chăm con nhỏ, lại còn phải cơm bưng nước rót đủ ba bữa cho ông bà nội nên người càng thêm xác xơ, chẳng còn sức mà chăm sóc, chiều chuộng bố tôi được nữa. Chị Vân được hơn một tuổi thì mẹ lại lần thứ hai mang thai. Ốm nghén tôi làm cho mẹ không thể nào ăn uống được gì, lại phải chăm cho chị tôi nên người héo hon, gầy mòn, nhìn không còn một chút sức sống nào dù khi ấy mẹ mới chỉ bước sang tuổi hai mươi mốt. Bố suốt ngày đi công tác nên một mình mẹ phải vật lộn với chị tôi còn nhỏ và tôi lúc ấy còn chưa thành hình. Mẹ mang bầu tới cuối tháng thứ tám thì bố tôi công khai có người tình, thậm chí người phụ nữ ấy cũng đang mang trong mình giọt máu của bố tôi, đã được bốn tháng rồi. Mẹ sốc tới mức suýt ngất, rồi ngay sau đó một cơn đau tức khiến mẹ choáng váng.
Mẹ trở dạ khi tôi còn chưa được đủ ngày đủ tháng.
Những ngày tháng mệt mỏi vì chăm con, vì bố mẹ chồng coi như người dưng nước lã, vì chồng hờ hững không quan tâm đã làm mẹ hoàn toàn kiệt quệ, mẹ không có đủ sức để rặn tôi ra. Mẹ ngất ngay trên bàn đẻ khiến cho bác sĩ phải chuyển mẹ sang phòng mổ. Nghe ngoại kể, chỉ cần chậm vài phút thôi thì tôi đã chết ngạt trong bụng mẹ rồi. Vì ông bà nội, vì bố, vì người đàn bà cướp chồng kia mà suýt nữa tôi đã không có cơ hội nhìn thấy ánh mặt trời, thế nên sau này, dù có vài lần bố tôi tìm tới, nhưng với tôi, ông cũng chỉ là một người dưng hoàn toàn xa lạ, ngay cả hơi ấm tôi cũng chưa từng được nhận một lần mà thôi.
Mẹ nằm trong bệnh viện một thân một mình, may sao có người nhà biết nên báo cho ngoại. Ngoại lại tất tả vay mượn tiền bạc, bắt xe lên với mẹ. Lúc ngoại đến, âu cháo gà ngoại nấu đi từ quê đã nguội ngắt, vón cục lại. Ngoại bón cho mẹ mà rơm rớm nước mắt vì thương con, thương cháu. Mẹ nhìn ngoại, rồi cứ thế khóc òa lên. Chỉ có đứa trẻ con vô tâm nhất là tôi vẫn mặc kệ sự đời mà ngủ.
Mẹ ăn xong, ngoại để lại cho mẹ mấy đồng tiền lẻ rồi lại ra về. Còn dì Mừng ở nhà nên ngoại phải về thu xếp, sáng mai ngoại lại lên với mẹ con tôi. Đêm ấy, bố tôi bế chị Vân tới, nói rằng chị không chịu ăn, chỉ khóc đòi mẹ nên bố mang tới để mẹ dỗ. Mẹ lẳng lặng nhìn bố, ôm lấy chị dỗ dành. Từ đầu tới cuối cho đến tận lúc bố ra về, hai người cũng chẳng nói với nhau một câu nào. Ánh mắt khi bố cúi xuống nhìn đứa con thơ đã nói lên tất cả rồi.
Sáng hôm sau, ngoại lại lên, vẫn mặc chiếc áo nâu sờn vá vai với đội cái nón lá rách, tay mang cái túi lưới xanh đầy quần áo với mấy củ khoai lang, một hộp sữa bò cho mẹ uống. Ngoại nói đã gửi cửa nhà và chị Mừng cho cậu Nhân, ngoại sẽ ở lại trên này cho đến khi mẹ con tôi được ra viện. Vì đẻ mổ nên mẹ đau tới mấy ngày liền. Suốt mấy ngày đó, ông bà nội cũng như bố tôi cũng không một lần tới thăm, chỉ có ngoại và ba mẹ con tôi với nhau. Chị Vân hợp hơi bà ngoại nên cũng không nhằng nhẵng đòi mẹ bế nữa. Tối đến, ba mẹ con chúng tôi nằm chen chúc trên cái giường bệnh đơn bé tí, còn ngoại thì trải một tấm chiếu nằm dưới nền nhà lạnh lẽo.
Năm ngày sau, ngoại đưa mẹ con chúng tôi về quê. Mẹ hỏi ngoại lấy tiền ở đâu ra để thanh toán viện phí thì ngoại chỉ nói đi vay. Sau này mẹ mới biết ngoại đã vay tiền nhà ông Phúc giàu nhất làng. Ông Phúc có con cái đều ở trên Hà Nội nên của ăn của để bao nhiêu không ai biết. Nhà ông bà là ngôi nhà hai tầng đầu tiên trong làng, tường bao cao chót vót, cắm đầy mảnh sành, nhà còn nuôi thêm mấy con chó dữ nữa. Nhà ông Phúc giàu nhưng cũng là thành phần trí thức, ông bà cũng không làm khó ngoại, chỉ nói ngoại phải điểm chỉ vào giấy ghi nợ, đồng ý để ông bà cấy hai sào ruộng của ngoại cho tới lúc ngoại hoàn trả hết tiền là được. Thế là ngoại đồng ý, vì để ông bà Phúc cấy hai sào ruộng rồi ngoại vẫn còn hai sào nữa để cấy cày, mà cũng chẳng mất đi, chỉ là để ông bà ấy dùng tạm đến lúc ngoại trả xong hết nợ là được. Lúc biết điều này, mẹ tôi lại khóc rưng rức lên, luôn mồm xin lỗi ngoại vì ngày trước không chịu nghe lời, để giờ ngoại phải mang tiếng xấu với bà con làng xóm.
Ngoại nghe mẹ khóc thì gắt ầm lên:
"Mày có nín đi không con bé nó lại gào lên bây giờ! Liệu mà khỏe lại rồi đi làm trả nợ, chứ mày tưởng bà già này còng lưng nuôi mẹ con mày được mãi à?"
Mẹ biết ngoại mắng vì thương nên cũng không để trong lòng, lại cất tiếng lên tiếng ru não nòng để cho tôi được ngủ yên.
Năm tôi năm tuổi, sau khi tôi được chứng kiến trận lũ lụt đầu tiên trong đời, bố tôi đột ngột về thăm.
Lúc bố tôi bước vào sân, hai chị em tôi còn đang cào thóc. Nước lũ vừa rút, toàn bộ cánh đồng mới cấy đều hỏng hết, quê tôi phải bước vào vụ cấy thứ hai với sự trợ giúp về thóc giống của hợp tác xã. Mẹ và bà hôm nào cũng bận đi cấy ở ngoài đồng. Nhà tôi chỉ còn hai sào ruộng nên đã cấy xong từ trước, nhưng mẹ và bà đi cấy thuê cho các nhà khác trong làng. Dì Mừng đi lấy chồng từ năm ngoái, cũng ở một xã cùng huyện nhưng xa nhà chúng tôi lắm, thế nên công việc đồng áng đều đổ hết lên vai bà và mẹ. Chị em chúng tôi thường chỉ ở nhà quanh quẩn với mấy việc vặt và học bài mà thôi.
Cào được nửa sân thóc thì bố đi vào tới sân. Chị em tôi ngơ ngác nhìn nhau vì không biết người khách lạ ăn mặc đẹp đẽ này là ai. Bố lúc ấy vẫn còn trẻ và phong độ lắm, nhìn cũng chẳng thua gì mấy tài tử điện ảnh trong những bức hình mà Đông dán ở trên tường nhà anh cả. Chỉ là, không hiểu sao, ngay khi thấy ông bước vào, mắt còn lấm la lấm lét nhìn hết từ trong nhà ra tới ngoài vườn, tôi đã lập tức nghĩ ngay tới một người mà ngoại tôi hay gọi là "ăn trộm". Rồi dường như đoán chỉ có hai đứa trẻ ở nhà, ông nhìn cả hai chị em tôi, trong ánh mắt có vài vẻ phức tạp, nhưng ngay lập tức ông nhoẻn miệng cười:
"Thanh Vân phải không con?"
Nghe cách xưng hô lạ lẫm, chị tôi dựng thẳng cái bàn trang lên, sau đó gật đầu một cách dè dặt:
"Vâng."
Rồi ông ngồi xổm xuống trước mặt tôi, lúc này đang ngơ ngác đứng ngay bên chân ông. Ông đặt hai tay lên vai tôi, xoa xoa nhẹ rồi hỏi:
"Còn con, tên con là gì?"
Tôi sợ hãi lắc đầu không dám đáp. Ngoại tôi bảo, có vài kẻ trộm bây giờ ăn mặc lịch sự cứ thế đi vào trong nhà người ta hỏi chuyện, họ có khả năng thôi miên giỏi lắm, chỉ cần nói chuyện với họ vài câu là lập tức chẳng biết gì nữa, có bao nhiêu tiền bạc trong nhà sẽ đem ra cho người ta sạch. Nhưng "ông trộm" này có vẻ xui xẻo rồi, vì nhà tôi chẳng có gì đáng giá hơn cái xe đạp thồ cũ kĩ dựng ở trong bếp cả.
"Em ấy là Thanh Tâm." Không hiểu sao, chị tôi lại trả lời ngay lập tức. Chẳng lẽ chị tôi vừa trả lời ông ấy một câu đã bị thôi miên tới ngớ ngẩn rồi sao?
"Tên con cũng rất đẹp." "Ông trộm" xoa xoa đầu tôi, hành động đó của ông khiến cho tôi cảm thấy yên lòng hẳn. Một cảm giác rất kỳ lạ xâm chiếm đầu óc tôi, nhưng tôi chẳng biết gọi tên là gì.
"Mẹ các con đâu?"
"Mẹ đi gặt." Chị tôi vẫn đáp một cách bạo dạn.
"Còn bà ngoại?" Ông ấy lại hỏi, chắc muốn thăm dò xem nhà có người lớn hay không để ăn trộm đây.
Tôi quay đầu nhìn chị như muốn nói, nhưng chị chẳng nhìn tôi lấy một cái, mắt vẫn mở to nhìn ông ấy. Sau đó, tôi nghe chị rụt rè lên tiếng hỏi:
"Chú có phải là... bố?"
Tôi ngẩn ngơ, không tự chủ được lại quay đầu nhìn người đàn ông vẫn đang nửa ngồi nửa quỳ trước mặt tôi. Ông mỉm cười một cái thật hiền, sau đó gật đầu đáp:
"Ừ! Là bố đây con!"
Mắt tôi chưa bao giờ mở lớn hơn thế. Trước đây tôi có hỏi về bố một lần, nhưng sau đó bắt gặp ánh mắt đầy hằn học của ngoại và cảnh mẹ len lén chạy ra vườn khóc giữa đêm khuya, tôi chẳng bao giờ dám hỏi nữa. Bố trong tâm trí non nớt của tôi khi ấy giống như một con quái thú gớm ghiếc đã bắt ép người con gái xinh đẹp là mẹ tôi về làm vợ vậy, phải, cái đó là một câu chuyện cổ tích mà tôi đã được nghe chị Vân đọc. Lúc này khi ông xuất hiện trước mắt tôi, tôi mới lại nhớ ra, hình như con quái vật trong truyện ấy cũng là do một hoàng tử bị trúng lời nguyền mà biến thành. Như vậy mới đúng, nếu không tại sao bố trước mặt tôi lại đẹp trai tới như vậy.
Bố bế tôi lên, cảm giác đó khác hoàn toàn với cảm giác khi được cậu Nhân hay bác Hoài bế. Rất khác! Tôi cũng không biết khác như thế nào. Sau khi bố đi rồi, tôi mới nhận ra, cảm giác được bố bế lên rất thích, giống như tôi đang được mẹ ôm vậy. Đúng thế, lúc mẹ bế tôi, tôi cũng luôn có cảm giác như lúc này ông bế tôi trên tay. Ông một tay bế tôi, một tay dắt chị Vân tới ngồi trên cái chõng tre. Bố đặt tôi ngồi trong lòng ông, sau đó lấy từ trong túi đeo trên lưng một gói kẹo gôm và bóc ra, chia cho hai chị em tôi. Tôi cảm thấy đó là gói kẹo gôm bọc đường vị dâu ngọt ngào nhất cuộc đời tôi, cho tới khi tôi hiểu chuyện và cảm thấy chán ghét ông.
Đúng lúc ba bố con đang trò chuyện vui vẻ thì ngoại tôi về. Ngoại gánh theo một gánh đầy hai sảo dây khoai lang. Vừa bước vào, thấy bố tôi đứng dậy chào ngoại đã ngẩn ra, sau đó ngoại đặt phịch quang gánh xuống, tay cầm đòn gánh rồi quát lên:
"Thằng đểu!Mày hại đời con bà rồi còn dám vác mặt về đây à?"
Ngoại gần như muốn cầm đòn gánh xông thẳng tới quật vào người bố. Chị tôi lập tức khóc ầm lên, ôm lấy chân ngoại tôi giữ lại, rồi gào khóc:
"Ngoại ơi, ngoại đừng đánh bố con. Con xin ngoại đừng đánh bố con!"
Còn bố tôi thì vội vàng tránh sang một bên, nhỏ nhẹ nói:
"Mẹ, con về đây là muốn xin lỗi mẹ và xin lỗi nhà con. Con muốn đón mẹ con cô ấy quay lại. Ngày trước là con không đúng, con muốn được bù đắp cho mẹ con Vui, cho hai con của con."
"Cút! Ai là mẹ mày? Mẹ mày cổ đeo năm chỉ vàng, ăn sung mặc sướng ở trên tỉnh kia kìa. Tao mà đẻ ra được đứa con mất dạy như mày thì tao bóp chết từ lâu rồi. Cút ngay khỏi nhà tao!" Ngoại lại rống lên, tay vẫn lăm lăm đòn gánh, nhưng vì chị tôi đang ôm lấy chân ngoại, lăn cả xuống nền sân mà khóc ầm lên nên ngoại nhích được một chút rồi lại đứng yên tại chỗ.
"Hu hu, ngoại ơi ngoại đừng đuổi bố con đi!" Chị Vân ra rả khóc dưới chân ngoại.
Bà thấy thế càng thêm tức giận, chỉ tay vào hai chị em tôi quát:
"Còn chúng mày nữa. Đi vào trong nhà ngay cho bà. Đứa nào còn bênh, còn xin cho thằng bố chúng mày thì xéo ngay cùng nó cho tao!"
Thấy bên nhà tôi ầm ĩ, hai anh em Đông cũng chạy ra cầu ao ngóng sang. Còn cậu Nhân thì nhảy vọt qua bờ tường bao thấp, chạy vào sân sốt sắng hỏi:
"Có chuyện gì thế bà?"
Cậu ngẩn ra một chút khi thấy bố tôi, sau đó mắt cậu trợn ngược lên, cậu phi ngay vào bếp, vớ ngay lấy con dao rựa rồi lại lao ra sân, dứ dứ về phía bố tôi, nói:
"Tao phải chém chết mày, cái thằng khốn nạn này. Mày lừa chị gái tao mà còn dám vác mặt về đây à?"
Đến lượt tôi cũng khóc váng lên với chị vì sợ hãi.
Bố tôi mặt tái mét, vội vàng lui về phía ngõ, xua xua tay phân trần:
"Tôi về đây là thực lòng muốn xin lỗi mẹ và vợ tôi..."
Còn ngoại cũng hết cả hồn, chẳng còn gan đâu mà cầm đòn gánh đôi co với bố tôi nữa, vội vàng xông lên giữ lấy cánh tay cậu, van nài:
"Ôi con ơi, bác xin con! Con nghe bác, bỏ dao xuống rồi hãy nói."
"Mày có cút không hay ông chém chết mẹ mày bây giờ hả?"
Cậu trợn mắt rồi lại rướn người lên thêm một chút, con dao rựa vẫn lăm lăm trong tay. Thế là bố tôi chạy luôn.
Lúc mẹ về đến nhà, tôi vẫn đang ngồi thu lu trên chõng tre, còn chưa hết cơn nấc. Chị tôi thì vẫn lại tiếp tục cào thóc vào thành một đống giữa sân, mẹ hỏi mấy câu cũng lầm lì không chịu ngẩng đầu lên. Bà ngoại từ trong bếp bước ra, vừa thấy mẹ tôi đã chửi một tràng, tuốt tuồn tuột cả một nhà chúng tôi, từ bố tới mẹ, tới cả hai chị em tôi. Mẹ tôi hiểu ngay ra sự tình, chỉ có thể thở dài, sau đó lẳng lặng mang quần áo bẩn ra cầu ao giặt giũ. Bà ngoại vừa quét dọn, vẫn ra rả nói. Bà nói tới tận bữa cơm tối, mắng mẹ ngu nên không nghe lời bà, mắng sang cả chị em chúng tôi vì hồi chiều đã bênh vực bố. Cuối cùng, bà chửi cả việc có mấy cái dải khoai mà chị em chúng tôi cũng không nhặt cho sạch, ăn ngứa rách cả mồm. Ba mẹ con chúng tôi vẫn lặng im chịu trận, miếng cơm nuốt nghẹn nơi cổ họng, mãi mới chịu trôi. Chỉ có cái nghẹn trong tim là không biết đến chừng nào mới hết.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top