Về Viết Lách
Ngày trước, mình chỉ nghĩ đơn giản rằng việc viết lách tốt thì nói tốt nên rèn luyện viết sẽ giúp cho việc giao tiếp và nói chuyện. Nhưng không ngờ nó còn nhiều tác dụng hơn thế, chẳng hạn giúp cân bằng cảm xúc, rèn luyện khả năng diễn đạt, là một cách giao tiếp hiệu quả khi không phải điều gì cũng có thể và nên nói ra thành lời. Đồng thời viết cũng là một cách để có thể lưu lại những điều ý nghĩa, hay đơn giản là những khoảnh khắc. Giống như người thợ ảnh lưu lại bằng những bức ảnh, nhà soạn nhạc để lại các bài hát, thì tác giả cũng có thể để lại những dòng tâm tư tình cảm của mình qua từng con chữ.
1. Về độ dài
Thông thường người viết sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là không biết viết gì, không có ngôn từ hay ý tưởng để viết. Giai đoạn 2 sau khi qua giai đoạn 1 là viết lan man, dài dòng quá, có nhiều thứ muốn viết quá. Qua 2 giai đoạn này sẽ đến được giai đoạn 3 là viết vừa đủ. Bài học kinh điển trong viết lách là nguyên lí chiếc váy. Tức nó vừa đủ dài để tế nhị và cũng vừa đủ ngắn để gợi cảm. Vì thế không nên viết ngắn quá dưới 500 từ, cũng không nên viết dài lê thê khoảng 4000 từ. Một bài viết thông thường, 800-1200 từ là đẹp.
Người nào chưa viết nhiều thì nên bỏ cái tư duy "mình viết hay thì người ta sẽ đọc" là bởi vì, nhìn thấy dài quá họ đã chán rồi thì làm sao họ muốn đọc để cảm nhận cái hay của bạn. Mà cái hay hay không cũng phải là do bạn đọc cảm nhận, chứ cảm nhận bản thân sẽ là chủ quan. Có lần mình viết bài trên Triết học đường phố ngày xưa, có những bài viết khoảng 20,000 view/tháng, khoảng 5000 like thì khi đó mình mới dám nhận đây là bài viết hay. Còn không thì sẽ dễ bị "ngồi trên nóc tủ"
Một lưu ý nhỏ xíu nữa còn là viết cái gì, và viết cho ai. Độ dài trên là với viết blog hay viết bài chia sẻ thông thường, chứ viết email hay viết chia sẻ cảm xúc thì lại khác. Nhớ có lần học một khóa về Communication thế kỉ 21, mình rất tâm đắc khi được chia sẻ về việc giao tiếp với Peer khác với Manager, và càng khác với Executive. Có người thì cần dài dòng rõ ràng, nhưng với nhà điều hành thì phải tiết kiệm gọn gàng lời nói.
2. Về nội dung
Đôi khi viết cần có trải nghiệm. Ngày xưa đọc một tạp chí về đàn ông, mình rất thích một mục là On the road, trong một bài viết nói về vùng đất kì ảo, họ để cho tác giả đi du lịch ở một vùng xa xôi là Tây Tạng rồi sau đó là review về nó, chứ không phải là ngồi nhà lên mạng tìm hiểu rồi sau đó chém gió. Nên đôi khi, phải biết và phải trải thì viết nó mới có hồn. Chứ một người chưa thi đại học mà chia sẻ về kinh nghiệm thi đại học bạn cần thế nọ cần thế kia thì buồn cười lắm. Một người chưa trải qua thất tình thì viết bài động viên để vượt qua chuyện tình cảm vẫn là chưa có chiều sâu và sẽ có mùi lí thuyết sách vở.
Đó cũng là một giới hạn của người viết. Nên là có những bài viết, mình có ý tưởng nhưng do thiếu trải nghiệm nên cứ trì hoãn chưa viết, vì viết ra người đọc mà có trải nghiệm họ chỉ thấy buồn cười. Gần đây thấy buồn cười khi trên mạng có một thanh niên cũng còn trẻ mở khóa học về khởi nghiệp cho sinh viên và các bạn trẻ từ 18-25 tuổi trong khi xác suất để thành công cao nhất cho khởi nghiệp mà một doanh nhân mình gặp (đã khởi nghiệp thành công) chia sẻ lại là từ 35-40 tuổi. Bạn chưa khởi nghiệp thành công và cũng chưa đến tuổi đủ chín mà lại đi chia sẻ về cái đó, thật buồn cười và tội cho mấy bạn sinh viên đi học.
3. Edit, again, again, again and again
Đây là nguyên tắc bất di bất dịch của người viết. Viết khác với nói ở chỗ lời nói gió bay, nhưng viết thì câu chữ còn lưu lại, vì thế mà việc viết đi viết lại là điều cần thiết, để bỏ từ thừa, để chau chuốt thêm ví dụ, để ngôn ngữ logic, văn phong mạch lạc. Nguyên tắc này chỉ cần nhớ câu nói kinh điển của Lý Tiểu Long "Tôi không sợ những người đá 10,000 cú đá qua 1 lần mà tôi chỉ sợ những người đá đi đá lại 1 cú đá 10,000 lần".
Có những bài viết, mình có ý tưởng và đã từng viết từ 2013, nhưng hồi đó thiếu trải nghiệm, bây giờ viết lại, chỉnh sửa lại câu cú, thêm cả những trải nghiệm mới, góc nhìn toàn diện hơn, chiều sâu hơn. Và dĩ nhiên là không tránh khỏi cảm giác, sao hồi đấy mình viết dở thế? Nhưng nếu bản thân bạn thấy mình trong quá khứ không tốt thì có nghĩa bạn trong hiện tại đang tốt hơn, đó là tín hiệu mừng.
Chung quy lại, việc luyện tập này cần thời gian, và cần những sự khởi đầu. Với kinh nghiệm và trải nghiệm hạn chế của bản thân mình, cộng với việc "Rượu nhạt uống mãi cũng say, lời hay nói mãi cũng nhàm", bài này dừng lại tại đây, đáp ứng đủ tiêu chuẩn 800-1200 từ.
Tự nhiên, thời gian này bản thân mình cảm thấy rất thấm bài học: "Không quan trọng là bạn làm cái gì, mà điều quan trọng là bạn làm "cái gì" đó với đẳng cấp như thế nào" – sự khác biệt nằm ở đẳng cấp khi làm một cái gì đó.
Nhiều người cứ hay kêu làm một điều gì đó chán, dĩ nhiên lúc đầu làm một điều gì đó thì thường được một thời gian là quen, mà quen rồi thì chán. Nhưng cái nào cũng vậy, chính việc làm một cái gì đó ở đẳng cấp khác hoàn toàn mới là thứ tạo nên sự khác biệt.
Cũng là đấm, nhưng Lý Tiểu Long có thể đấm 1s được 9 cú đấm, có thể đấm được cú đấm 1 inch (tức cách vật thể 2,54 cm) khiến cho lực tác động tương đương với quả tạ 60 kg bay ngang. Cũng là dùng côn nhị khúc, nhưng Lý Tiểu Long có thể dùng nó để chơi bóng bàn và quẹt que diêm. Cũng là hít đất, nhưng Lý Tiểu Long có thể hít đất bằng 2 ngón tay. Là bởi vì, Lý Tiểu Long đã luyện đến mức thành expert và tạo ra đẳng cấp mỗi lần thực hiện như vậy. Đó là lý do vì sao mà Lý Tiểu Long nói rằng "Tôi không sợ thằng nào đấm 1 lần được 10,000 cú đấm, tôi sợ thằng nào đấm 1 cú đấm nhưng lặp đi lặp lại 10,000 lần".
Có lần đi mua vịt nướng, mình khen chị chặt vịt sao nhanh mà miếng thịt nhìn gọn gàng và đẹp thế. Anh chủ đứng bên cạnh, miệng vừa cười vừa đùa "Thì cũng trảm cả nghìn con rồi còn gì". Chị chặt nhanh, chặt đẹp, chặt chuyên nghiệp là bởi vì chị làm công việc ấy nhuần nhuyễn, thuần thục lên đến một đẳng cấp khác hoàn toàn. Còn như mình, Tết về chặt con gà mẹ luộc, chặt xong thấy miếng nào cũng xấu xí hết. Cho nên, không quan trọng là có chặt hay không, mà là chặt ở đẳng cấp như nào.
Mỗi lần đi xa đâu đó đến gần Hồ Tây, mình hay tạt vào ăn một quán bún đậu. Quán này có điểm duy nhất mình thích đó là họ có món chả cốm rất rất ngon. Mà chưa một quán nào mình ăn ở HN thấy có rán chả cốm ngon như vậy. Không quan trọng là bạn rán chả cốm hay không, mà quan trọng là rán đến mức độ ngon như thế nào.
Trong team chơi AOE của mình, anh em cũng cùng rút ra triết lý tương tự như vậy. Không quan trọng là bạn có thể đánh được nhiều quân, mà quan trọng là bạn đánh một loại quân giỏi đến mức không ai đánh thắng được bạn hay là không. Để đánh giỏi được, thì phải luyện một quân luyện đi luyện lại thật nhiều cho đến khi hiểu và thành thục về nó, chứ không phải là luyện quá nhiều quân.
Hồi đầu bán sách, mình cũng nghĩ bán sách chắc chán lắm. Thế rồi, khi làm thật, mỗi lần khách hàng hỏi về nội dung của quyển sách, tư vấn đi tư vấn lại, lại thấy hình như mình càng chưa hiểu nhiều về quyển sách. Đọc thêm, trải thêm, lại thấy một chân trời mới. Có những hôm bán sách, có quyển sách, tư vấn đến cả hai chục lần, nói mỏi cả mồm. Nhưng cũng vì có những quyển tư vấn quá nhiều mà thành ra, có những lần gặp khách, khách bảo thôi thôi anh đừng tư vấn nữa, không có em mua hết bộ sách ở đây mất.
Trong diễn thuyết cũng thế: "Không quan trọng Trainer nói gì, điều đó học viên đã biết hay chưa, mà quan trọng là cách mà Trainer nói có khiến cho học viên thấm hay là không." Trong khi đi Coach chắc cũng vậy, có lẽ không quan trọng là đi Coach được bao nhiêu khóa học mà là đi Coach một khóa học nhưng đi được bao nhiêu lần và Coaching ở đẳng cấp như thế nào.
Các cụ vẫn nói "Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề" – chắc hẳn cũng là do như vậy. Làm một việc, nhưng tạo ra nhiều thành quả và là chuyên gia trong việc mình làm, còn hơn là cái gì cũng biết, nhưng làm không tới và biết nửa chừng.
Dạo gần đây học khóa về Story Telling, cứ tưởng người ta dạy cách kể chuyện trong diễn thuyết. Ai ngờ đó là khóa về làm phim của Pixar, mà thông điệp chủ đạo của họ là như này: để có một kịch bản, một câu chuyện hay, thì cách duy nhất là kể, và sau đó kể lại, kể lại, kể lại, kể lại. Cũng tương tự như thế, triết lý trong viết lách, đó là "Edit, again, again and again". Không một bài nào mà viết cái hay luôn, thường những lúc chỉnh sửa lại thì câu cú mới rành mạch, lời văn mới rõ ràng, khúc chiết.
Làm cái gì cũng được, một khi đã lọt vào top expert trong thứ mình làm, hoặc top 10% những người giỏi nhất, hoặc thậm chí 1% giỏi nhất trong lĩnh vực đó, thì tự nhiên đam mê và thành công sẽ đến. Cho nên, không quan trọng là bạn làm cái gì, mà điều quan trọng là bạn làm "cái gì" đó với đẳng cấp như thế nào!
Suy cho cùng: Vẫn là KỸ NĂNG đi trước ĐAM MÊ hay Practice makes it perfect!
Nhưng tập luyện có thầy (thầy phải giỏi) thì đường đi nhanh hơn!
Sưu tầm
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top