LÀ CHIM, CON PHẢI BAY!
"Bài viết dành cho thế hệ trẻ và cả những ông bố, bà mẹ". Hãy đọc hết!
Thế hệ Y (hay còn gọi là thế hệ Millennials) là thế hệ sinh từ năm 1980 đến đầu những năm 2000, chiếm 32% dân số thế giới, 35% dân số Việt Nam, đang là thế hệ chủ chốt trong lực lượng lao động toàn cầu và đồng thời cũng đang là thế hệ có sức ảnh hưởng lớn tới thế hệ trẻ sau này. Có thể thấy, giai đoạn tuổi TEEN của thế hệ Y có những khác biệt rất lớn so với giai đoạn tuổi TEEN của lớp trẻ sau này. Sự khác biệt đến từ công nghệ, mạng xã hội, điều kiện xã hội, chất lượng cuộc sống. Chính những điều đó làm thay đổi cách sống khá nhiều của các bạn TEEN bây giờ - những người được coi là thế hệ làm chủ trong tương lai. Một trong những điểm khác biệt đó chính là mạng xã hội và công nghệ làm cho giới trẻ, ngay từ khi còn nhỏ đã kết nối qua các thiết bị và màn hình nhiều hơn hẳn so với tương tác trực tiếp. Điều đó vô tình dẫn đến việc làm hạn chế một khả năng đặc biệt quan trọng để thành công, đó chính là năng lực cảm xúc. Tiếc thay, một phần lỗi trong số đó lại đến từ chính những người trưởng thành như chúng ta khi chưa biết yêu thương đúng cách. Qua bài viết này, hy vọng những người trưởng thành trong thế hệ Y và cả thế hệ trước đó, có những góc nhìn phù hợp để một phần tạo nên tác động và ảnh hưởng tích cực tới thế hệ trẻ sau này.
VÌ SAO NĂNG LỰC CẢM XÚC QUAN TRỌNG HƠN IQ?
Thống kê chỉ ra rằng, IQ chỉ đóng góp 15% vào thành công, trong khi 85% thành công được quyết định bởi NĂNG LỰC CẢM XÚC (EQ). Năm 1946, tại Oxford, United Kingdom, người ta thành lập một tổ chức rất đặc biệt, tính đến nay đã có hơn 121,000 thành viên có tên là Mensa - đây là hội tập hợp những người có chỉ số IQ cao nhất trên thế giới. Dĩ nhiên, trong hội này có rất nhiều người nổi tiếng như Bill Gate, Steve Jobs, các giáo sư, bác sĩ, luật sư, giám đốc,.. - những người thành công lẫy lừng. Thế nhưng, điều thú vị lại nằm ở chỗ, hội này cũng có cả những người được coi là không mấy thành công trong xã hội, chẳng hạn như công nhân, lao công, dọn dẹp đường phố,..
Từ đây, người ta nhận ra một sự thật rằng, hình như có cái gì đó sai sai ở đây. Như vậy, thông minh - tức chỉ số IQ - thứ mà giáo dục truyền thống nhắm tới (thông qua kết quả học tập, kiểm tra, thi cử), không phải là yếu tố cốt lõi quyết định thành công. Chỉ cần lên google và search cụm từ: "Kết cục cuộc đời của những thần đồng trên thế giới của thế kỷ XX", quả thực không khó để thấy các hiện tượng IQ cao nhất thế giới (gấp rưỡi Estein) hay thông thạo hàng chục ngôn ngữ từ khi còn nhỏ, nổi tiếng với tài năng bẩm sinh nhưng kết cục cuộc đời đầy bi kịch với những tư tưởng sống cực đoan, những cuộc đổ vỡ tan nát hôn nhân, hay bị xâm hại tình dục. Lý do rất đơn giản, bởi vì thời đó người ta coi trọng IQ hơn EQ - tức NĂNG LỰC CẢM XÚC.
THỰC TRẠNG CÁC BẠN TRẺ NẾU KHÔNG ĐƯỢC RÈN LUYỆN NĂNG LỰC CẢM XÚC NGAY TỪ KHI CÒN TEEN?
Không khó để thấy những thực trạng các em học sinh có những hành động rất dại dột và khó hiểu. Chẳng hạn cách đây vài năm một lớp học sinh khi nghe tin không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử đã xé toàn bộ đề cương và thả giấy từ tầng 3 xuống. Hay như gần đây nhất là các vụ nữ sinh và nam sinh vì áp lực với cha mẹ mà nhảy lầu tự tử. Hay như hiện tượng bạo lực học đường chưa bao giờ bớt nóng ở các trường học, thay vì học tập thì đánh nhau, trả thù, phe cánh. Bên cạnh đó, các em còn phải đối mặt cả những vấn đề về xâm hại tình dục: Theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ tại 30 trường phổ thông ở Hà Nội, có tới 11% học sinh bị xâm hại tình dục ít nhất 1 lần. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc giật mình với con số này. Những thứ phổ biến hơn như chơi game, nghiện game, sống ảo, dùng chất kích thích, đua xe thì thôi khỏi phải bàn. Những hành động trên, ngôn ngữ học sinh, gọi là TRẺ TRÂU. Còn tên khoa học của những "hiện tượng" này, là do thiếu NĂNG LỰC CẢM XÚC. Bởi lẽ, cốt lõi của năng lực cảm xúc chính là khả năng làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, làm chủ các mối quan hệ. Tức khả năng thấu hiểu, nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng như điều tiết, làm chủ các hành vi của mình.
Nếu như một em học sinh, trải qua giáo dục truyền thống, và chỉ biết học - theo kiểu một cái máy, với một đống kiến thức và bằng cấp bên mình nhưng thiếu đi năng lực cảm xúc thì tương lai nó sẽ như nào? Liệu nó có thể hòa nhập cộng đồng? Liệu nó có biết sống trách nhiệm với mọi người? Liệu nó có biết tự mình vực dậy bản thân khi gặp thất bại? Liệu nó có làm chủ bản thân để tránh xa được cám dỗ? Liệu nó có thể trở thành một công dân toàn cầu? Liệu nó có kịp thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của xã hội? Hay rồi, nó cũng lại lớn lên và lặp lại cái vòng lặp luẩn quẩn, cũng lại ép con nó, học như một cái máy, và lại phải kiến thức, sách vở đầy mình và rồi bị xã hội đào thải.
NGƯNG PHÁN XÉT, THAN PHIỀN, ĐỔ LỖI MÀ HÃY BẮT TAY VÀO HÀNH ĐỘNG
Về tâm lý, con người ai cũng muốn mình được tôn trọng. Vì thế, họ có xu hướng từ chối thất bại, dẫn đến việc quy trách nhiệm vào một điều gì đó. Cho nên, dù bạn là ai, ở lứa tuổi nào, thì thực ra, có một thứ cực kì quan trọng, đó là thời gian của bạn. Vì vậy, đừng để thời gian quý báu của mình, trôi qua vào những việc như phán xét, lên án người nọ, người kia, than phiền, đổ lỗi vì thế hệ, vì hệ thống giáo dục, tại điều này, tại cái kia. Cuộc sống này, nếu chúng ta bớt phán xét, trách móc, than phiền một chút, nỗ lực hiểu nhau nhiều hơn, nỗ lực thay đổi dù chỉ là nhỏ, thì chắc chắn nó sẽ tốt đẹp hơn rất là nhiều.
Bởi lẽ, cha mẹ, thầy cô, nhà trường, hay cả các em học sinh, ai cũng đều có khó khăn và nỗi niềm của họ. Tuổi cha, tuổi mẹ và tuổi con - 3 tuổi này là bằng nhau, nếu nhìn theo góc độ số năm làm con và số năm làm cha mẹ. Cho nên, giống như một đứa trẻ ngày đầu bỡ ngỡ thì cha mẹ cũng tương tự, họ cũng bỡ ngỡ những ngày đầu làm cha mẹ với bao nhiêu trăn trở, nhọc nhằn. Theo thống kê của các nhà kinh tế học, người ta chỉ ra rằng, số tiền mà cha mẹ bỏ ra để nuôi một đứa trẻ cho đến khi nó học xong, nếu cộng lại và đầu tư, có thể lên đến tiền tỷ và đủ để họ sống cuộc đời an nhàn. Cho nên, chẳng có cha mẹ nào mà lại không thương yêu con mình cả. Chẳng thầy cô nào mà lại không muốn học trò của mình tương lai tốt đẹp cả. Chỉ đơn giản, là bởi vì cuộc sống này quá rộng, có quá nhiều thứ thay đổi, có quá nhiều thứ phải học, dẫn đến việc nếu không kịp thời nắm bắt kiến thức, cập nhật kỹ năng thì có thể cha mẹ vô tình đánh mất tương lai con. Mà cụ thể ở đây, thế kỷ 21 là thời điểm cần tập trung hoàn toàn vào NĂNG LỰC CẢM XÚC cho con.
HÃY GIÚP CON NÂNG CAO NĂNG LỰC CẢM XÚC
1. Việc đầu tiên, hãy là một người thấu hiểu tâm lý. Một trong những nền tảng quan trọng là phải dành thời gian chất lượng cho con. Hàng ngày, khi con có bất kì vấn đề gì, từ việc học cho đến chuyện bạn bè, trường lớp, cuộc sống. Hãy là người lắng nghe con, thấu hiểu tâm lý của con. Về mặt tâm lý, khi một ai đó - chỉ cần được chia sẻ nỗi lòng và có người lắng nghe thực sự, chưa cần phải đưa ra giải pháp thì cảm xúc của họ trở nên tốt hơn, từ đó mà bản thân họ hạnh phúc hơn rất nhiều.
2. Cho phép con được trải nghiệm. Bao bọc con không phải là một dạng yêu thương đúng cách. Bởi lẽ, khi con được trải nghiệm, được vấp ngã, con được tôi luyện và trưởng thành. Cho con trải nghiệm ra ngoài cuộc sống, cho đến những môi trường lạ, cho giao lưu, học hỏi, kết nối - chính cuộc sống và thế giới bên ngoài sẽ là thứ giúp con trưởng thành.
3. Hãy chấp nhận con người và ước mơ của con. Chấp nhận không có nghĩa là đồng tình với những hành động chưa đúng. Nhưng nếu con không cảm thấy mình được chấp nhận, thì về mặt tâm lý, hình thức cực đoan sẽ là cố chấp đến cùng để làm theo ý mình, hoặc bỏ cuộc để làm theo ý cha mẹ nhưng bên trong lại không thỏa mãn. Cho nên, con người và ước mơ của con, hãy chấp nhận. Có chăng là điều chỉnh hành vi chưa đúng mực của con (nếu có). Làm sao cha mẹ có thể sống hộ cuộc đời của con khi cái gì cũng chọn hộ con, và không chấp nhận ước mơ, sở thích của con, nếu nó là chính đáng.
4. Đừng ép con học quá nhiều. Cha mẹ xuất phát từ lo lắng, nó lười quá, không ép nó học nó hư, nó dốt thì sao. Thế nhưng, cứng quá thì gãy, căng quá thì đứt. Mà thay vào đó, hãy cho con được ở trong những môi trường tích cực. Hãy quan tâm đến những người bạn xung quanh con, những người mà con hay tiếp xúc. Tâm lý con người là bầy đàn, nếu những người xung quanh con đều tích cực, ham học, vui vẻ thì tự khắc con cũng như vậy. Ở đây, quan tâm đến con và những người bạn xung quanh con, là quan tâm, thấu hiểu chứ không phải là kiểm soát. Hai điều này khác nhau hoàn toàn.
5. Rèn luyện cho con những thói quen tích cực ngay từ khi con còn trẻ. Khoa học chỉ ra một điều rằng, sau tuổi 18 người ta khó thay đổi hơn so với khi còn nhỏ. Và sau tuổi 35, người ta khó thay đổi hơn rất nhiều so với khi còn trẻ. Khi đó, người ta có hẳn một hiệu ứng tâm lý gọi là "Khủng hoảng tuổi trung niên". Bởi lẽ, "Uốn cây phải uốn còn non". Lúc các con còn nhỏ, thời học trò là lúc tốt nhất để rèn cho con những thói quen tích cực. Về mặt khoa học, một thói quen hình thành sau 28 ngày rèn luyện và sẽ nhanh hơn, tốt hơn khi có môi trường rèn luyện cùng. Những thói quen như suy nghĩ tích cực, lạc quan, luôn phản ứng tích cực trong mọi hoàn cảnh, biết cách chịu trách nhiệm, học cách biết ơn điều người khác làm cho mình, học cách đối xử tốt với mọi người,..chính là nền tảng để con thành công sau này.
"LÀ CHIM, CON PHẢI BAY"
Tương lai con, phần nhiều là do giáo dục, cha mẹ, thầy cô và những người bạn mà con gặp trong đời. Hành trình lớn bắt đầu từ những bước đi nhỏ ngay từ bây giờ. Cha mẹ và con cái, luôn luôn có những khoảng cách về thế hệ, về môi trường, về cuộc sống. Luôn luôn là như vậy, giữa cha mẹ và con cái luôn có sự khác nhau. Nhưng không có nghĩa là không làm được. Bài viết khép lại bằng một trích đoạn trong tựa sách "Chuyện con mèo dạy hải âu" tập bay, với thông điệp: con cái cũng giống như những cánh chim, và cha mẹ - hãy là người chắp cánh cho ước mơ, cho tương lai của con.
"Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Là chim, con phải bay."
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
- Edward -
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top