ĐỘNG LỰC Ở ĐÂU RA?

VÌ SAO CHÚNG TA LUÔN KHÔNG TÌM THẤY ĐỘNG LỰC? 

"ĐỘNG LỰC" là một từ khóa hot ở trên mạng, với hơn 10 triệu kết quả sau 0.59 giây tìm kiếm. Hay hàng ngàn bài viết thể loại các cách giúp bạn tăng động lực. Và đi tìm động lực vẫn là bài toán muôn thuở không chỉ của người trẻ, người trưởng thành mà thậm chí cả người già.

Không khó để bạn nghe thấy những tiếng nói ở trong đầu, hoặc từ người khác như: làm sao để có động lực học, tôi không có động lực làm việc, tôi không có động lực đến phòng gym tập thể dục, tôi chẳng có động lực để bứt phá trong công việc, tôi cũng muốn làm chuyện nọ, việc kia mà chưa có động lực. Và rồi, bài toán đi tìm động lực bắt đầu.

THỨ "ĐỘNG LỰC" NHIỀU NGƯỜI TÌM KIẾM CHỈ LÀ CẢM HỨNG NHẤT THỜI

Tình cờ đọc một cuốn sách đầy lý thú. Bạn quyết tâm sau khi khép lại cuốn sách, cuộc đời mình sẽ bước sang một trang mới, nhưng rồi mấy ngày lại đâu vào đấy. Tình cờ xem một clip trên mạng về một người nói tiếng Anh như gió, bạn quyết tâm mỗi ngày sẽ học 3h, nhưng rồi chỉ được ba hôm. Một ngày đẹp trời, bạn nổi hứng đăng kí mấy tháng liền đến phòng gym, cuối cùng tập được 3 buổi thì khỏi tập nữa. Bạn tự nhủ sao mình chỉ có động lực được mấy ngày và chẳng biết mình thuộc thể loại gì nữa? Bạn lại quay về cuộc sống cũ, nếp sống cũ, thói quen cũ, và chấp nhận kết quả cũ.

Bạn luôn hy vọng một ngày nào đó mình sẽ tìm thấy một thứ động lực dài lâu. Nhưng cuộc đời không như là mơ. Thứ động lực mà bạn tìm kiếm đó, có lẽ chỉ ở trong tưởng tượng bởi động lực là thứ bạn phải học cách xây dựng, chứ không phải đi tìm. Tại sao lại như vậy?

Thứ "động lực" mà bạn thường gặp, được mấy hôm lại đâu vào đấy bản chất là một dạng cảm xúc nông, là một cảm hứng nhất thời, chứ không phải động lực bền vững. Thứ cảm hứng đó làm bạn cảm thấy hưng phấn, muốn thay đổi, chìm trong men cảm xúc, và tin rằng mình sẽ thay đổi, bạn có thể điên cuồng làm tất cả mọi thứ, chẳng hạn tuyên bố với cả thế giới bạn sẽ đổi đời. Nhưng chỉ trong giây phút ngắn ngủi, khi cảm hứng ấy hết, bạn quay trở lại như cũ.

Điều này cũng dễ hiểu là bởi vì cảm hứng nhất thời giống như những con sóng biển, lên rồi lại xuống, đó là quy luật. Cuộc sống cũng vậy, sau cơn mưa trời sẽ tạnh, sau đêm tối bình minh sẽ lên, cảm hứng sau khi hết sẽ lại có. Nhưng thứ cảm hứng này là thứ cảm xúc không bền vững, và càng không phải là thứ động lực thực sự để bạn có thể thay đổi lâu dài.

KHI CẢM HỨNG PHẢN TÁC DỤNG

Có thể ví thứ cảm hứng này giống một ly cà phê làm bạn hưng phấn. Khi bạn buồn ngủ, một ly cà phê xuất hiện sẽ làm cho bạn tỉnh táo, hoạt động tốt hơn, trí óc minh mẫn hơn. Nhưng cà phê không phải là thuốc chữa chống buồn ngủ. Cách duy nhất để bạn vượt qua tình trạng thiếu ngủ là phải đi ngủ. Thế nhưng vô tình nhiều người không hiểu được điều này, họ luôn đi tìm kiếm một thứ cảm hứng và nghĩ rằng mình buộc phải có trong khi nó cũng có thể phản tác dụng.

Không khó để nhận ra hiện tượng này trong cuộc sống. Lấy ví dụ đơn giản trong trường hợp bạn là một người nghiện uống cà phê. Những ngày đầu khi chưa nghiện, một ly cà phê sẽ có tác dụng rõ rệt với bản thân bạn. Khi các chất kích thích tác động vào cơ thể, một sự thay đổi sẽ diễn ra. Nhưng khi bạn uống cà phê nhiều, cơ thể sẽ quen, não bộ sẽ thích nghi. Khi đó, việc bạn uống thêm cà phê không giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn mấy. Thậm chí, có những người nghiện cà phê, nếu một ngày không uống, tự nhiên cơ thể còn cảm thấy mệt mỏi. Lẽ ra, uống cà phê là để bạn tỉnh táo, chứ không phải khi thiếu cà phê bạn mất tỉnh táo. Trường hợp này là hậu quả khi mà cơ thể đã lệ thuộc vào thứ cảm hứng mang tên cà phê.

Cha mẹ và thầy cô thường nhắc nhở con cái, học sinh về những vấn đề chẳng hạn lười học, ham chơi game, mải nói chuyện,... Đôi khi nhắc nhẹ nhàng không được, người lớn chuyển sang chế độ mắng, hoặc nói nhiều, lặp đi lặp lại một thông điệp. Những lần đầu, lời nói ấy có tác dụng, vì nó cũng giống như ly cà phê, có sự tác động đến "người sử dụng". Nhưng rồi, nếu ngày nào cha mẹ và thầy cô cũng nhắc đi nhắc lại một thông điệp, ngày qua ngày, tuần qua tuần, thậm chí tháng qua tháng, tự khắc ở lũ nhỏ sẽ xuất hiện tình trạng "lờn thuốc", và không còn hiệu quả nữa. Kết quả là người lớn nhắc cứ nhắc, lũ nhỏ không chịu thay đổi. Cá biệt, tụi nhỏ còn phản kháng lại.

Chính bản thân chúng ta cũng vậy. Khi luôn phụ thuộc vào một nguồn cảm hứng để đạt được một điều gì đó, rất có thể chính chúng ta bị lờn thuốc hoặc bị lệ thuộc. Chẳng hạn, cứ phải có người động viên hoặc được ai đó nhắc nhở chúng ta mới làm việc thì sẽ không bao giờ bạn tự lập được. Có rất nhiều người kỳ lạ, họ luôn phụ thuộc vào một điều gì đó chẳng hạn phải giải trí mới làm việc được, hoặc phụ thuộc một ai đó chẳng hạn người yêu để có thứ cảm hứng nhất thời mà họ gọi và họ nghĩ là "động lực". Để rồi khi không còn chương trình giải trí, không có người yêu bên cạnh, không còn điều mang lại cảm hứng, họ không thể tự mình làm được việc.

THỨ CHÚNG TA CẦN LÀ MỘT LOẠI ĐỘNG LỰC BỀN VỮNG

Nếu thứ cảm hứng nhất thời không giúp chúng ta thay đổi bền vững với những mục tiêu to lớn trong cuộc đời, thì chắc chắn chúng ta cần một loại động lực bền vững. Trong loạt bài chia sẻ về chủ đề rèn mình luyện người với NLP (Ứng dụng ngôn ngữ lập trình tư duy), chắc hẳn bạn đã tìm ra 3 phương pháp để giúp bạn có thứ động lực lâu dài, đó là:

1. Có một cú huých mạnh mẽ về tâm lý (Have an epiphany)

2. Sự thay đổi môi trường sống (Change your enviroment what surrounds you)

3. Thực hiện liên tiếp các thay đổi nhỏ (Take baby steps)

Trong bài viết này, Edward không bàn luận sâu về chủ đề đi xây dựng động lực bền vững, mà chỉ muốn nhấn mạnh: nếu bạn đã từng hoặc đang nhầm lẫn về thứ cảm hứng nhất thời và luôn luôn đi tìm kiếm thứ động lực để mình thay đổi, thì có thể việc làm này vừa mất thời gian, vừa không có tác dụng.

Suy cho cùng, nếu bạn cứ có cảm hứng, rồi lại mất cảm hứng thì thực ra bạn là một người bình thường. Bởi lẽ, nếu lúc nào bạn cũng luôn vui vẻ, hớn hở 24/24 thì chắc hẳn bạn ảnh hưởng về tâm lý. Còn nếu bạn lúc nào cũng buồn sầu, ủ rủ thì nguy cơ cao là bạn bị trầm cảm. Cho nên, hãy quên chuyện đi tìm kiếm "cảm hứng" nhất thời nếu bạn muốn thay đổi lâu dài. Tự tin, vui vẻ mà sống, mà hành động. Hãy chịu khó rèn luyện thói quen để không bị phụ thuộc vào cảm hứng, bạn sẽ thành công.

Chẳng hạn như nếu bạn biết đi xe máy và sử dụng xe máy được một thời gian, chắc chắn bạn không cần thứ "động lực" để mình có thể lái xe máy đi làm cho dù ngày nắng hay mưa, đường thoáng hay tắc. Bởi vì khi đó lái xe với bạn đã là một thói quen mà không bị phụ thuộc vào cảm hứng. Cuộc sống cũng như vậy, đừng để những cảm hứng khiến cho bạn bị lệ thuộc. Bạn là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn thay đổi, chứ không phải là một ai khác.

THỈNH THOẢNG TRONG ĐỜI, CHÚNG TA VẪN CẦN MỘT "LY CÀ PHÊ"

Như đã nói ở trên, cảm hứng nhất thời giống như một ly cà phê. Muốn thay đổi lâu dài, bạn không thể phụ thuộc vào nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc đời này chúng ta bỏ "cà phê". Đôi khi bạn cần tỉnh táo, ly cà phê vẫn phát huy tác dụng. Và một "ly cà phê" cuộc sống cũng vậy. Nó làm cho bạn khí thế hơn, nhiệt huyết hơn, cháy mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn từ 80% năng lượng biến thành 150% năng lượng.

Có những lúc bạn vẫn cần cảm hứng: đi một buổi hòa nhạc, đi nghe một talk show, đọc một quyển sách, tham gia một khóa học, đi phượt để có trải nghiệm, đến ăn ở một nhà hàng, nói chuyện với một người giàu năng lượng, một đêm thức trắng để biết cuộc sống về đêm,... bất kỳ điều gì mà bạn muốn làm. Một chút cảm hứng đó sẽ làm cho cuộc đời của bạn thú vị hơn rất nhiều. Nhưng bạn chỉ cần nhớ là đừng phụ thuộc vào nó hoàn toàn là được.

Nguồn: Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng

Edward + Elon

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top