Cách viết bài phê bình sách
Bài phê bình (review) là gì?
Bài phê bình là sự đánh giá quan trọng về văn bản, sự kiện, đối tượng, hoặc hiện tượng. Bài phê bình có thể là bài đánh giá sách, bài báo, toàn bộ các thể loại hoặc lĩnh vực văn học, kiến trúc, nghệ thuật, thời trang, nhà hàng, chính sách, triển lãm, biểu diễn, và nhiều hình thức khác.
Ở đây, bài viết này sẽ tập trung vào bài phê bình sách.
Trên hết, một bài phê bình sẽ tạo ra một lập luận. Yếu tố quan trọng nhất của một bài phê bình đó là nó là một bài bình luận chứ không đơn thuần là một bản tóm tắt. Nó cho phép bạn tham gia vào cuộc đối thoại và thảo luận với tác giả cũng như với những độc giả khác. Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý và xác định trong kiến thức, nhận định, hoặc cấu trúc của tác phẩm đâu là chỗ bạn thấy có thể lấy đó làm mẫu hoặc đâu là chỗ còn thiếu sót. Bạn nên nêu rõ ý kiến của bạn về tác phẩm, và ý kiến đó có lẽ sẽ giống như các thể loại khác của văn bản học thuật, với luận điểm (thesis statement), các đoạn luận cứ ở thân bài, và kết luận.
Bài phê bình thường được viết ngắn gọn. Trong các tờ báo và tạp chí khoa học, chúng hiếm khi vượt quá 1.000 từ, mặc dù bạn có thể gặp những bài dài hơn và bình luận mở rộng. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, bài phê bình cần được viết một cách súc tích. Tuy khác nhau về lối diễn đạt, chủ đề và phong cách, chúng chia sẻ một số đặc điểm chung:
- Trước tiên, bài phê bình mang lại cho người đọc một bản tóm tắt ngắn gọn về nội dung. Điều này bao gồm việc mô tả chủ đề cũng như cái nhìn tổng quát về quan điểm, lập luận, hay mục đích của tác phẩm.
- Thứ hai, và quan trọng hơn, bài phê bình cung cấp một đánh giá quan trọng về nội dung. Điều này liên quan đến phản ứng của bạn đối với tác phẩm đang được phê bình: điều gì khiến bạn chú ý, nó có gây ảnh hưởng hoặc có sức thuyết phục hay không, và làm thế nào mà nó tăng cường sự hiểu biết của bạn về các vấn đề hiện tại.
- Cuối cùng, ngoài việc phân tích tác phẩm, bài phê bình thường gợi ý rằng độc giả sẽ đánh giá cao nó hay không.
Phát triển ý kiến đánh giá: trước khi bạn viết
Không có phương pháp bất di bất dịch nào để viết một bài phê bình, tuy nhiên, điều cần thiết là phải có tư duy phê phán về tác phẩm trước khi bạn thực sự bắt tay vào viết. Do đó, viết một bài phê bình là quá trình gồm hai bước: phát triển lập luận về tác phẩm đang được xem xét, và tạo ra lập luận khi bạn viết bản thảo với cấu trúc và luận cứ hỗ trợ tốt.
Dưới đây là một loạt các câu hỏi cần tập trung suy nghĩ khi bạn thâm nhập vào tác phẩm. Tuy các câu hỏi này dành cho việc xem xét các bài phê bình sách, bạn có thể dễ dàng hoán chuyển chúng thành bài phân tích các buổi biểu diễn, triển lãm, và các đối tượng khác. Không nên cảm thấy có nghĩa vụ phải trả lời từng câu hỏi; một số câu hỏi sẽ phù hợp hơn đến quyển sách so với những câu hỏi khác.
Luận điểm hoặc tranh luận chính của quyển sách là gì? Nếu tác giả muốn bạn chọn ra một ý tưởng từ quyển sách thì đó sẽ là gì? Nó so sánh hoặc tương phản như thế nào với thế giới mà bạn biết? Quyển sách đã đạt được điều gì?
Chủ đề hoặc đề tài của quyển sách là gì? Tác giả bao phủ chủ đề có đầy đủ không? Tác giả có bao phủ tất cả các khía cạnh của chủ đề một cách cân bằng? Phương pháp tiếp cận chủ đề là gì (chuyên đề, phân tích, theo thứ tự thời gian, mô tả)?
Tác giả hỗ trợ lập luận của mình như thế nào? Đâu là bằng chứng mà tác giả sử dụng để chứng minh quan điểm của mình? Bạn thấy bằng chứng đó có sức thuyết phục không? Tại sao có hoặc tại sao không? Có bất kỳ thông tin nào của tác giả (hoặc kết luận) xung đột với những quyển sách khác bạn đã đọc, các khóa học bạn đã tham gia hoặc các giả định trước đây bạn đã có về chủ đề này?
Tác giả tổ chức lập luận của mình như thế nào? Đâu là các phần tạo nên toàn bộ? Lập luận đó có ý nghĩa không? Liệu nó có thuyết phục bạn không? Tại sao có hoặc tại sao không?
Quyển sách này đã giúp bạn hiểu vấn đề như thế nào? Bạn muốn giới thiệu quyển sách này đến độc giả?
Ngoài các vấn đề bên trong quyển sách, bạn cũng có thể xem xét một số thông tin về tác giả và hoàn cảnh sáng tác:
Tác giả là ai? Quốc tịch, khuynh hướng chính trị, đào tạo, mối quan tâm nghiên cứu, lịch sử cá nhân, và bối cảnh lịch sử có thể cung cấp các chi tiết quan trọng về cách thức một tác phẩm được định hình. Ví dụ, nếu người viết tiểu sử là bạn thân nhất của đối tượng thì có vấn đề gì hay không? Điều khác biệt sẽ là gì nếu tác giả tham gia vào các sự kiện mà tác giả viết?
Thể loại của quyển sách là gì? Nó xuất hiện trong những lĩnh vực nào? Liệu nó phù hợp hay khác biệt so với các thông lệ của thể loại của nó? Những câu hỏi này có thể cung cấp tiêu chuẩn mang tính lịch sử hoặc văn chương để làm cơ sở cho việc đánh giá của bạn. Nếu bạn đang phê bình quyển sách đầu tiên viết về chủ đề nào đó, nên cho độc giả của bạn biết. Tuy vậy, hãy nhớ rằng khi khẳng định "đầu tiên" hay "tốt nhất" và "duy nhất" có thể mang lại nguy cơ trừ khi bạn hoàn toàn chắc chắn.
Viết bài phê bình
Một khi bạn đã thực hiện những quan sát và đánh giá tác phẩm đang được phê bình, khảo sát cẩn thận các ghi chú của bạn và cố gắng thống nhất những điều gây ấn tượng nơi bạn thành lời tuyên bố mô tả mục đích hoặc luận điểm của bài phê bình. Sau đó, vạch ra những lập luận (argument) hỗ trợ cho luận điểm (thesis) của bạn.
Các lập luận của bạn nên phát triển luận điểm một cách logic. Logic đó, không giống như cách viết học thuật chuẩn, ban đầu có thể nhấn mạnh lập luận của tác giả trong khi bạn phát triển lập luận riêng của mình trong quá trình phê bình. Sự nhấn mạnh tương đối phụ thuộc vào bản chất của việc phê bình: nếu độc giả quan tâm nhiều hơn đến chính bản thân tác phẩm, bạn có thể muốn làm cho tác phẩm lẫn tác giả nổi bật hơn; nếu bạn muốn bài phê bình phản ánh quan điểm và ý kiến của bạn, khi đó, bạn có thể tổ chức bài phê bình tập trung vào các quan sát của bạn hơn (nhưng không bao giờ tách rời) những quan sát của tác phẩm đang được phê bình. Những điều nêu sau đây chỉ là một trong nhiều cách để tổ chức một bài phê bình.
1. Phần mở bài
Vì hầu hết các bài phê bình đều ngắn gọn, nhiều người viết bài phê bình bắt đầu với một câu châm biếm hoặc giai thoại tạo sự lôi cuốn mang lập luận của họ một cách súc tích. Nhưng bạn có thể viết bài phê bình của mình theo một cách khác tùy thuộc vào lập luận và độc giả. Nói chung, bạn nên bao gồm:
Tên tác giả và tên sách cùng chủ đề chính.
Các chi tiết có liên quan đến việc cho biết tác giả là ai và tác giả đang đứng ở đâu trong thể loại hay lĩnh vực đang phê bình này. Bạn cũng có thể liên kết tên sách với chủ đề nhằm cho biết tên sách giải thích nội dung của chủ đề như thế nào.
Bối cảnh của quyển sách và/hoặc bài phê bình của bạn. Đặt bài phê bình trong một bối cảnh (framework) sẽ có hàm ý đối với độc giả của bạn và giúp họ định vị quyển sách theo bối cảnh bạn chọn cho bài phê bình. Ví dụ, có thể bạn muốn đặt một quyển sách về cuộc cách mạng ở Cuba trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Một nhà phê bình khác có thể muốn xem xét quyển sách này trong khuôn khổ của các phong trào xã hội ở châu Mỹ Latin. Sự lựa chọn bối cảnh sẽ đưa ra thông điệp về lập luận của bạn.
Luận điểm của quyển sách. Nếu bạn đang xem xét thể loại hư cấu (fiction), điều này có thể khó khăn vì tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn hiếm khi có những lập luận rõ ràng. Nhưng xác định điểm đặc biệt mới lạ, góc nhìn, hoặc nét độc đáo của quyển sách cho phép bạn trình bày những đóng góp cụ thể mà tác phẩm đang cố gắng thực hiện.
Luận điểm của bạn về quyển sách.
2. Phần tóm tắt nội dung
Phần này nên ngắn gọn vì phần phân tích nên được ưu tiên. Trong quá trình đánh giá, bạn sẽ hỗ trợ những tuyên bố khẳng định của mình với bằng chứng cụ thể từ quyển sách, vì vậy một số tóm tắt sẽ được phân tán khắp các phần khác của bài phê bình.
Liều lượng cần thiết cho phần tóm tắt cũng phụ thuộc vào độc giả của bạn. Nếu bạn đang viết bài phê bình sách cho các đồng nghiệp, chẳng hạn như nhằm chuẩn bị cho các kỳ thi toàn diện, bạn có thể muốn dành sự chú ý nhiều hơn tới việc tóm tắt nội dung của quyển sách. Mặt khác, nếu độc giả của bạn đã đọc quyển sách, bạn có thể có nhiều không gian hơn để khám phá các điểm tinh tế hơn và nhấn mạnh lập luận của riêng mình.
3. Phần phân tích và đánh giá quyển sách
Phân tích và đánh giá của bạn nên được tổ chức thành các đoạn văn chứa từng khía cạnh riêng lẻ của lập luận của bạn. Sự sắp xếp này có thể là một thử thách khi mục đích của bạn là xem xét quyển sách như một tổng thể, nhưng nó có thể giúp bạn phân biệt các yếu tố của những lời phê bình và bắt cặp những lời khẳng định với bằng chứng rõ ràng hơn.
Bạn không nhất thiết cần phải theo trình tự thời gian xuyên suốt quyển sách khi bạn thảo luận về nó. Với lập luận bạn muốn đưa ra, bạn có thể tổ chức các đoạn văn hữu ích hơn theo chủ đề, phương pháp, hoặc các yếu tố khác của quyển sách.
Nếu bạn thấy hữu ích khi thực hiện so sánh với các quyển sách khác, hãy so sánh ngắn gọn sao cho quyển sách đang được phê bình vẫn là tâm điểm của bài phê bình.
Tránh trích dẫn quá mức và cung cấp trang tham khảo trang cụ thể trong ngoặc đơn khi bạn trích dẫn. Hãy nhớ rằng bạn có thể viết lại nhiều trong số các quan điểm của tác giả theo cách của bạn.
4. Phần kết luận
Tổng hợp hay tái tuyên bố luận điểm của bạn hoặc đưa ra nhận định cuối cùng về quyển sách. Bạn không nên nêu thêm bằng chứng mới cho lập luận của mình trong phần kết luận. Tuy nhiên, bạn có thể nêu lên những ý tưởng vượt ra ngoài quyển sách nếu chúng mở rộng logic của luận điểm của riêng bạn.
Đoạn này cần phải cân bằng điểm mạnh và điểm yếu của quyển sách nhằm thống nhất sự đánh giá của bạn. Có phải phần thân bài của bài phê bình có ba đoạn nói về điểm yếu và một đoạn nói về điểm mạnh? Tất cả điều đó dẫn đến kết quả gì?
Cuối cùng, một số điều nên cân nhắc:
Bạn đang phê bình quyển sách trước mặt bạn chứ không phải là quyển sách mà bạn muốn tác giả lẽ ra phải viết. Bạn có thể và nên chỉ ra những thiếu sót hoặc thất bại, nhưng không nên chỉ trích quyển sách chỉ vì nó không phải là cái mà nó không bao giờ dự định trở thành.
Hy vọng là tác giả của quyển sách đã làm việc chăm chỉ để tìm ra những từ thích hợp thể hiện ý tưởng của mình. Bạn cũng nên cố gắng làm như vậy. Ngôn ngữ chính xác cho phép bạn kiểm soát cách diễn đạt của bài phê bình.
Đừng bao giờ ngần ngại thách thức bất kỳ giả thiết, phương pháp tiếp cận, hay tranh luận nào. Tuy nhiên, hãy đảm bảo trích dẫn các ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho lời khẳng định của bạn một cách cẩn thận.
Cố gắng trình bày tranh luận một cách cân bằng về giá trị của quyển sách dành cho độc giả của nó. Bạn có quyền và đôi khi bắt buộc phải lên tiếng mạnh mẽ rằng bạn đồng ý hay không đồng ý. Nhưng hãy nhớ rằng một quyển sách dở cũng tốn thời gian để viết như một quyển sách hay, và mỗi tác giả xứng đáng được đối xử công bằng. Rất khó để chứng minh nhận định nào là khắc nghiệt và với nhận định như vậy, có thể mang đến cho độc giả cảm giác rằng bạn không công bằng trong việc đánh giá.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top