Bạn đang chán ?

Hình như chỉ có con người mới biết buồn chán. Con vật khi bị bắt có vẻ cũng buồn, nó đi đi lại lại và ngáp, nhưng về bản chất tôi không tin rằng con vật có bất cứ cảm giác nào tương đương với sự chán. Phần lớn thời gian, con vật phải canh chừng kẻ địch hoặc đi tìm thức ăn (hoặc cả hai cùng một lúc), đôi khi chúng giao phối, đôi khi chúng tìm chỗ ấm để nằm. Nhưng ngay cả khi chúng không hạnh phúc, tôi không nghĩ rằng con vật biết chán.

Một trong những yếu tố cơ bản của buồn chán là sự tương phản giữa hiện tại ảm đạm và những lúc khác tươi sáng hơn (chúng ta không muốn nghĩ đến, nhưng trí tưởng tượng bao giờ cũng lôi hai thứ ấy ra so sánh với nhau).

Khi mình nói mình chán tức là mình đang rất muốn một cái gì đấy xảy ra, cái gì cũng được, miễn là một biến cố, để cho mình biết ngày hôm nay có cái khác với ngày hôm qua. Đối lập với buồn chán không phải niềm vui (pleasure) mà là sự kích động (excitement).

Con người hiện đại ít bị chán hơn tổ tiên khi trước, nhưng lại sợ nó nhiều hơn. Chúng ta biết (đúng hơn là tin) rằng buồn chán không phải là trạng thái tự nhiên của con người và có thể tránh được bằng cách theo đuổi những việc kích động, hấp dẫn.[...]

Càng leo cao trên bậc thang xã hội chúng ta càng quyết liệt truy tìm sự náo nhiệt trong những cuộc vui.

Người khá giả thì cứ đi du lịch hết chỗ này đến chỗ khác, đi đến đâu cũng vui vẻ, nhảy múa và rượu chè, nhưng vì lí do nào chẳng hiểu, cứ muốn đi làm lại những việc ấy ở một chỗ khác nữa. Những người phải kiếm ăn hàng ngày thì tất nhiên thấy chán khi phải đi làm, còn những người có đủ tiền và không phải lao động nữa thì luôn mơ đến một cuộc sống toàn những vui chơi mà không bao giờ thấy tẻ nhạt.

Đây là một lý tưởng đẹp, nhưng tôi cho khó mà thực hiện được: đêm hôm trước càng vui vẻ say sưa thì sáng hôm sau càng chán.[...]

Có lẽ đời ai cũng cần phải chán một tí. Mong muốn thoát khỏi buồn chán là một điều tự nhiên, và quả thật trên đời ai cũng cố gắng thoát khỏi nó khi có cơ hội. Khi những người thổ dân lần đầu tiên được nếm rượu của người da trắng, họ phát hiện ra một lối thoát sau hàng trăm năm nhạt nhẽo, và nếu chính phủ không can thiệp, họ uống say đến chết mới thôi.

Vì vậy buồn chán là vấn đề tối quan trọng đối với các nhà đạo đức: ít nhất một nửa số tội lỗi của con người được tạo ra chỉ vì nếu không phạm tội thì chán quá, chẳng có gì để làm.

Cuộc đời mà lúc nào cũng sôi động, náo nhiệt là một cuộc đời mệt mỏi; sự kích động trở thành một phần tất yếu của niềm vui và người đó luôn thèm khát một cái gì náo nhiệt hơn nữa. Một người quá quen với sự phấn khích giống như một người thèm ăn hạt tiêu đến mức bệnh hoạn, đến nỗi ăn một lượng hạt tiêu đủ làm người khác nghẹn thở mà cũng không thấy cay miệng tí nào. Muốn tránh sự kích động như trên thì tất phải có lúc chán.

Phấn khích, vui vẻ quá mức không chỉ làm hại sức khỏe mà còn làm chai lì sự cảm nhận đối với mọi lạc thú trên đời, người ta đâm ra thích sự khêu gợi nhục dục hơn những thỏa mãn tự nhiên, thích khôn lỏi hơn trí tuệ và thích những thứ kỳ quặc thô thiển hơn vẻ đẹp giản đơn.

Ý tôi không muốn phản đối đến cùng những cuộc vui náo nhiệt. Một ít thôi thì thật tuyệt vời, nhưng cũng như mọi sự ở đời, vấn đề là số lượng.

Quá ít thì gây ra những ham muốn bệnh hoạn, quá nhiều thì gây ra mỏi mệt. Vì thế, để sống hạnh phúc nhất định phải có khả năng chịu đựng sự buồn chán, và đây là một khả năng cần phải dạy cho người trẻ.[...]

Tiểu thuyết nào mà rực rỡ từ trang đầu tới trang cuối thì ắt không phải một cuốn sách tuyệt hay.

Cuộc đời của các vĩ nhân cũng vậy, chẳng có gì đáng kể trừ một vài khoảnh khắc vĩ đại. Socrates có thể thi thoảng cũng đi ăn tiệc, và rất có thể đã vui vẻ chuyện trò với môn đệ trong khi chờ liều thuốc tự tử ngấm vào người, nhưng phần lớn đời mình ông sống trong lặng lẽ với vợ là Xanthippe, buổi chiều thì đi dạo và có thể cũng gặp dăm ba người bạn trên đường tản bộ. Người ta kể rằng suốt đời mình, Kant – triết gia vĩ đại – chưa bao giờ đi quá 10 dặm ra khỏi làng Konigsberg. Darwin – cha đẻ thuyết tiến hóa – sau khi chu du vòng quanh thế giới, sống phần đời còn lại quanh quẩn trong nhà. Marx, sau khi khuấy động vài cuộc cách mạng, quyết định dành những năm tháng còn lại đi làm ở một nơi yên tĩnh là Bảo tàng Anh quốc.

Nhìn chung một cuộc đời tĩnh lặng là nét đặc biệt của tất thảy các vĩ nhân, và niềm vui của họ, người ngoài nhìn vào chỉ thấy chán ngán.[...]

Khả năng chịu đựng một cuộc đời tẻ nhạt cần phải được rèn luyện từ thuở bé. Về mặt này, các bậc cha mẹ hiện đại thật đáng trách; họ cho con cái hưởng quá nhiều loại giải trí thụ động, như các buổi biểu diễn ca nhạc hay những đồ ăn ngon, và họ không nhận ra một đứa bé cần phải tập cho quen với những ngày buồn tẻ.[...] Du lịch quá nhiều, nhìn thấy cảnh vật mới quá nhiều đều không tốt cho trẻ em và khiến chúng khi lớn lên không thể chịu đựng nổi sự nhàm chán.[...]

Vì những lí do trên, một thế hệ không có khả năng sống qua những lúc buồn chán là một thế hệ của những người tầm thường, những người cố tách khỏi chu trình chậm rãi của tự nhiên, những người mà trong họ sự sống khô héo từ từ như hoa bị cắt rễ rồi ngâm trong nước.

Cuộc đời hạnh phúc là cuộc đời sống phần nhiều trong yên tĩnh, vì chỉ trong bầu khí tĩnh lặng, niềm hoan lạc đích thực mới có thể nảy mầm.

Bài này lược dịch từ chương 4 cuốn "The Conquest of Happiness" của Bertrand Russell.

Theo chiep.co  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top