TẬP 7

  TẬP 7

Chúng ta vừa mới giảng đến, có vị cư sỹ 40 tuổi tiếp nhận năm ngày giáo huấn thánh hiền, trong lòng sanh khởi niềm hoan hỷ lớn, có sự cảm nhận lớn. Cho nên vào ngày thứ tư, sáng sớm khi cơm sáng chưa chuẩn bị xong anh ta hẹn tôi, nói anh ta muốn nói chuyện với tôi. Tôi cảm thấy có chút kỳ lạ, tôi ngồi xuống cảm thấy như ngồi trên cây kim. Anh ta lập tức đến trước mặt tôi nói: trong đời tôi chỉ lạy cha mẹ, chỉ lạy thầy. Tôi vừa thấy biết rằng có điều không tốt, lập tức đứng dậy. Đích thực là vì giáo huấn của thánh hiền, khiến anh ta rất cảm động, chúng tôi không có công lao gì nên không nhận nổi. Cuối cùng nam tử hán 40 tuổi này, nắm chặt hai vai tôi không cho tôi đứng dậy, tôi không biết phải làm sao, thấy anh ta thành ý như vậy, tôi mới cảm thấy yên tâm, thành tựu tâm cung kính này của anh ta. Chúng tôi cũng cảm nhận được trách nhiệm trên vai mình rất nặng. Hy vọng thông qua những bài học này của chúng tôi, có thể thật sự khiến nhiều người hiểu được, đích thực cổ thánh tiên hiền của chúng vô cùng vĩ đại, cổ thánh tiên hiền nhất định có thể khiến chúng ta, thông qua giáo huấn của họ, để tương lai, trong thế kỷ 21 có thể đạt được gia đình êm ấm, xã hội an định. Thế nên các bạn, mặc dù quý vị hiện nay đã bốn năm mươi tuổi. Mặc dù con cái quý vị đã hai mươi mấy tuổi, quý vị cũng không nên sợ hải. "Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai", chỉ hỏi đạo đức và học vấn của chúng ta có đủ hay không, tuyệt đối không nên lo người khác không thay đổi.

Chúng ta tiếp tục xem những thứ khác, vì sao trẻ em thường biếng nhác? Nguyên nhân ở đâu? Các bạn, tôi nghĩ hiện nay quý vị cũng rất biết phân tích. Trẻ làm biếng không phải lớn lên mới tập thành. Có câu: "Thiếu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên", cho nên vì sao giáo dục nhất định phải nắm bắt càng sớm càng tốt. Vì một khi đã thành tập quán sẽ không dễ thay đổi.

Tôi nhớ đứa cháu ngoại của tôi khi còn nhỏ, khi chú nhìn thấy mẹ lau bàn, vừa lau được một nữa thì có việc phải đi xử lý. Đứa bé thấy mẹ mình lau rất lâu, nó liền đến lấy khăn cũng bắt chước lau, sau đó chị tôi đến. Các bạn, quý vị nên xử lý thế nào? Chị tôi liền nói với con trai, chị nói: "Vĩ Vĩ à, con còn nhỏ như vậy, đã hiểu được hiếu thảo cha mẹ rồi. Còn biết giúp mẹ lau bàn, con thật là ngoan". Nó vốn là chỉ lau lau vậy thôi nhưng càng lau càng có tinh thần.

Nên bọn trẻ phải thông qua sự động viên khuyến khích và khẳng định của chúng ta, sẽ khiến tiềm năng của chúng bộc phát. Sau khi nó lau xong bàn, chị tôi lại nói với nó: "Tiểu Vĩ khi lau bàn nếu như bốn gốc này đều lau cho kỷ lưỡng sạch sẽ, thì cái bàn này con đã lau một cách hoàn mỹ". Thứ nhất là khẳng định hiếu tâm của chúng, thứ hai là dạy chúng phương pháp làm việc nên đứa cháu ngoại này của tôi rất thích sạch sẽ. Ba bốn tuổi nhưng đều tự xếp mền, xem ra rất sạch sẽ chỉnh tề. Cho nên từ nhỏ đã dạy chúng thái độ quan trọng.

Làm một người mẹ, nếu như chị chạy đến vô cùng giận dữ nói: Trời ơi! Con đang làm gì vậy, ra mau! Không nên ở đây làm rộn. Quý vị dùng tay đẩy nó hai lần, ba lần, như vậy lần sau chúng có đến nữa chăng? Không bao giờ. Cho nên làm cha mẹ phải nắm bắt cơ hội giáo dục, bằng không rất nhiều cơ hội đã bỏ qua ngay trước mắt. Đến khi chúng không biết giúp quý vị làm việc nhà, lúc đó quý vị có giận giữ cũng vô ích. Rất nhiều phụ huynh đều nói chỉ cần con học hành chăm chỉ là được, ngoài ra không cần quan tâm, như vậy có tốt chăng? Quý vị thấy chúng chỉ biết học hành, ngoài ra không biết làm gì cả. Đối với chúng mà nói chúng có tin tưởng năng lực làm việc của mình chăng? Không tin tưởng. Chúng càng không tín nhiệm thì lại càng không giám đảm đang công việc. Càng không đảm đương, như vậy có tâm trách nhiệm chăng? Không có. Cho nên đây đều là quan hệ liên đới.

Chúng ta phải suy nghĩ chín chắn, bọn trẻ hoạt động nhiều giúp ích rất lớn cho gân cốt của chúng. Trong khi hoạt động, chúng sẽ cảm nhận được thì ra mẹ chăm sóc một gia đình thật không dễ. "Tôi mới lau nhà khách đã mệt thế này, mẹ phải đi làm, trở về còn nấu cơm và làm rất nhiều việc". Chúng vừa lau nhà, trong lòng lại sanh khởi cảm ân. Vì thế tục ngữ nói "tích lao", chúng thật sự bỏ công sức ra, thật sự lao động mới biết cảm ân, mới biết sự cực nhọc của người bỏ công sức. Thế nên phải để bọn trẻ lao động, tuyệt đối không để chúng tập thành thói biếng nhác.

Chúng ta thử xem quy luật của cuộc sống, vì sao bọn trẻ sống không có quy luật? Tôi từng hỏi học sinh của tôi: hôm nay ai có ăn cơm sáng dơ tay? Rất nhiều, hầu như gần một nửa không ăn. Tôi hỏi tiếp, do mẹ các em không nấu ư? Chúng nói, mẹ em còn đang ngủ. Cơm sáng của chúng chính là mấy đồng tiền để trên bàn, trên đó viết hai chữ "cơm sáng", phụ huynh bỏ tiền ra. Xin hỏi phụ huynh bỏ tiền ra đã thật sự thấu hiểu, mấy đồng tiền đó có thật sự chuyển thành cơm sáng hay không? Có hay không? Không, làm sao quý vị biết? Chuyển thành điều gì? Trở thành trò chơi điện tử, trở thành một đống thức ăn vặt có sắc tố. Nếu trẻ em ăn những thứ này, ăn khoảng một năm đến hai năm, thể chất nhất định sẽ yếu dần đi. Rất nhiều em đi chơi điện tử, đều không ăn sáng.

Vì sao tôi biết? Vì tôi làm thầy giáo cần phải quan tâm bọn trẻ, quan tâm học trò. Tôi phát hiện, vì tôi dạy là học sinh lớp sáu, lớp sáu là giai đoạn đang phát dục, đặc biệt là rất dễ đói bụng, khoảng gần mười giờ là bụng sôi lên ục ục rồi, vì thế trong hôcc bàn của tôi lúc nào cũng có để bánh, chúng đều rất thích bánh của tôi. Những bạn nhỏ này đều đến. Trên cơ bản thì rất nhiều em khoảng hơn chín mười giờ, quý vị xem khi chúng đang ngồi học, sắc mặt bắt đầu tái xanh vì đói bụng. Khi hiểu ra, tiền của chúng không phải để ăn sáng mà đã tiêu pha hết. Thế nên chúng ta làm cha mẹ phải để con cái sống có quy luật, tự mình phải làm gương, phải để con mình ăn ba bửa đầy đủ. Chúng ta cũng phải bỏ công sức nhiều hơn một chút, quý vị bỏ những công sức này đối với con cái ảnh hưởng suốt cả đời. Bất luận thân thể của chúng hay là làm gương đối với chúng đều rất quan trọng.

Các bạn, những thói quen xấu này quý vị có tin hay không, chỉ cần một điều thiện tăng trưởng thì tất cả đều giải quyết? Điều thiện nào tăng trưởng? Trăm điều thiện hiếu đứng đầu, câu này tùy theo mức độ thâm nhập giáo huấn thánh hiền của quý vị mà lãnh hội ngày càng sâu sắc. Câu này có hai nghĩa, ý thứ nhất là hiếu đứng đầu trăm điều thiện, trong trăm điều thiện hiếu đứng đầu. Nghĩa thứ hai là hiếu tâm đã khai mở, trăm điều thiện liền tự nhiên khai mở. Chúng ta thử xem một người hiếu tâm có tự tư chăng? Không. Người có hiếu tâm biết cãi lại người lớn chăng? "Phụ mẫu hô, ưng vật hoãn. Phụ mẫu mạng, hành vật lại".

Các bạn, chúng ta không nên xem thường Đệ Tử Quy. Một điều "nhập tắc hiếu" liền giải quyết được tất cả vấn đề của bọn trẻ. Khi chúng biết "thân hữu thương, di thân ưu", cuộc sống của chúng có bị điên đảo chăng? Không bao giờ. Chúng có trách nhiệm chăng? "Đức hữu thương, di thân tu", chúng sẽ rất cần cù vì "thân sở háo, lực vị cụ", hy vọng có thể khiến cha mẹ vui lòng, để cha mẹ được an ủi. Vì thế hiếu tâm mở ra, ngoài việc hiếu kính đối với cha mẹ, đối với anh chị em thì sao? Thân mật. Vì huynh đệ phát sinh xung đột, ai đau lòng nhất? Cha mẹ. Thế nên "huynh đạo hữu, đệ đạo cung. Huynh đệ mục, hiếu tại trung". Chúng ta cũng lãnh hội được, một người thật sự có hiếu tâm, họ đối với cha mẹ người khác cũng có tâm cung kính nên nó thúc đẩy rộng ra, phần hiếu này, phần kính này của họ sẽ đối với tất cả các bậc trưởng bối. Chúng có hiếp đáp những đứa trẻ khác chăng? Không bao giờ, vì chúng biết khi những đứa trẻ khác bị tổn thương thì cha mẹ nó là người đau khổ nhất.

Đây là chúng biết đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ, nên tự nhiên mà được mở rộng ra. Vì thế lòng nhân từ của một người là từ khởi nhân này, từ "phụ tử hữu thân", hiếu đạo này được lan truyền ra. Cho nên học "nhập tắc hiếu" rất quan trọng.

Như vậy chúng ta đi vào "nhập tắc hiếu" dạy con trẻ về hiếu đạo. Đầu tiên phải nói với chúng, vì sao cần phải hiếu? Thường nói tri ân mới biết báo ân, nên chúng ta phải dẫn dắt con trẻ nhớ về ân đức của cha mẹ. Bắt đầu chúng ta nói: trong hai ba ngàn năm trước có một bậc thánh nhân người ta thường gọi ngài là Đức Phật. Một hôm ngài thống lãnh đệ tử đi ra ngoại thành, đúng lúc gặp một đống xương khô. Đức Phật phân đống xương này thành hai loại, một loại xương trắng sạch, một loại màu sắc đen hơn. Đệ tử ngài cũng rất hiếu học, họ biết "tâm hữu nghi, tùy trát ký, tựu nhân vấn, cầu xác nghĩa", cho nên họ hiểu về học vấn, biết cách đưa ra câu hỏi. Đức Phật liền nói với đệ tử. Ngài nói: vì sao hai đống xương khô này một đống thì xương trắng nhẹ? Một đống thì màu sắc đen hơn? Xương cốt màu đen này là của người nữ, xương của người nữ vì sao mà đen? Vì người mẹ khi mang thai mười tháng trường, trong quá trình mang thai mười tháng, tất cả dinh dưỡng của thai nhi đều từ trong máu huyết của người mẹ, chuyển qua cho thai nhi. Khi đứa trẻ chất vôi không đủ, phải cần từ trong xương cốt người mẹ rỉ ra, cho nên mười tháng cưu mang rất cực nhọc.

Chúng tôi từng bày trò chơi cho học trò, kêu chúng cầm một quả trứng sau đó để trên người, gọi là trò chơi bảo vệ quả trứng một ngày. Nói với chúng hôm nay em cảm nhận một chút, cảm giác bảo hộ một quả trứng. Chỉ cần một ngày, xem em có thể bảo vệ tốt cho nó chăng. Mới bắt đầu chúng rất cẩn thận, nhưng khoảng một hai tiếng đồng hồ thì hầu như quên mất vì thế nghe rất nhiều âm thanh "a" đến tiết học cuối cùng của ngày hôm đó, còn lại không được mấy quả nguyên vẹn.

Thế nên thầy cô hướng dẫn chúng. Họ nói: các em xem, các em mới giữ một ngày mà không giữ được. Nêys mẹ các em cũng như các em, ngày nào cũng nhảy nhót, thì khi các em vừa sinh ra bên này xanh một chỗ, bên kia tím một chỗ. Các em xem người mẹ mang thai mười tháng đều phải bảo vệ các em rất cẩn thận. Hơn nữa trọng lượng cơ thể các em ngày càng nặng. Khi mẹ mang thai thường có phản ứng sinh lý như nôn mửa, không ăn được cơm nhưng khi mẹ ăn cơm không nỗi, vẫn miễn cưỡng ép mình cố gắng ăn.

Này các em, vì sao mẹ không muốn ăn nhưng phải cố gắng ăn? Vì sao? Vì để cơ thể mình có dinh dưỡng để chuyền qua cho các em, nên mặc dù rất khó chịu, nhưng người mẹ cũng cố gắng ăn uống đầy đủ. Thế nên các em à, các em có thể kén ăn được chăng? Các em xem, mẹ đã vì các em mà chịu khó ăn uống, các em cũng nên báo đáp mẹ, không nên kén ăn. Những gì cần ăn để có dinh dưỡng phải cố gắng ăn, để thân thể mạnh khỏe, khiến mẹ yên lòng.

Chúng tôi hướng dẫn như vậy, bọn trẻ cảm thấy như chính thân mình chịu. Khi mang thai mười tháng, trọng lượng cơ thể rất nặng, đi lại thật không dễ. Chúng tôi cũng từng đem bóng rổ cho các em để vào người, khiến chúng cảm nhận_vì còn rất nhiều điều quý vị cần phải cảm nhận mới sanh ra cảm xúc.

Tiếp theo chúng tôi lại hướng dẫn học sinh, tôi nói: thầy từng tìm hiểu giường bên trong phòng sinh, có hai cây nhôm, to chừng này. Kết quả hai cây to như vậy đều cong hết. Này các em, sức mạnh gì khiến hai câu nhôm này công vậy? Các em nói là sức mạnh của sự đau đớn. Vì người mẹ khi sinh sản rất đau đớn nên nắm chặt vào hai cây nhôm đó. Lâu ngày chày tháng, khiến cây nhôm này bị những sức mạnh này kéo cong. Khi sinh nở còn đau đớn hơn cả bệnh ung thư.

Vì sao nhiều người mang bệnh ung thư tự sát? Không chịu đựng được nỗi đau, như vậy mà người mẹ đã chịu đựng nỗi đau khổ còn hơn cả ung thư, để sanh đứa bé ra. Câu đầu tiên, ý niệm đầu tiên là gì? Đó là gì? Đứa bé có mạnh khỏe hay không. Tình thương yêu của mẹ đối với các em, có thể quên đi tất cả nỗi đau mà mình phải chịu. Thế nên ân đức này, suốt đời này chúng ta phải ghi nhớ trong lòng.

Tiếp theo là dưỡng dục và giáo dục, việc này còn gian nan hơn. Có một người bạn nói khi chưa sinh con, thường muốn nhanh đến ngày sinh, nhưng khi sanh rồi cảm thấy rất muốn đem nó bỏ về lại. Cho nên công dưỡng dục lớn hơn công sinh thành, vì biết bao đêm trường phải chăm nom những đứa con này. Nếu như ban đêm chúng không ngủ, người trong nhà phải như thế nào? Luân phiên ra trận để tiếp sức. Vì tôi cũng đã từng như vậy. Khi cháu ngoại không ngủ, tôi cũng đến lượt, nhưng khi đến phiên tôi khoảng 20 phút thì không chịu được, tay như muốn gảy. Tôi bồng đứa cháu và nói với nó, sau này con mà bất hiếu với mẹ con, cậu sẽ là người đầu tiên trừng phạt con. Vì không biết bao đêm người mẹ khổ nhọc ru chúng vào giấc ngủ, bồng chúng thức qua đêm. Bao nhiêu lần bị bệnh, đều là cha mẹ nửa đêm đem con đi khám bác sĩ. Bao nhiêu ngày lo lắng bửa cơm sau của con phải như thế nào. Những áp lực trong cuộc sống, trọng trách của giáo dục từng giờ từng phút đều đặt nặng trên vai cha mẹ.

Nên Đức Phật nói với các đệ tử: ân đức của cha mẹ trong đời này chúng ta không sao báo đáp được. Chúng ta nên tận tâm tận lực để làm một người con hiếu đạo. Chúng ta nói với bọn trẻ tất cả những nỗi gian truân của cha mẹ. Trong quá trình nói, có một số em cảm động rơi nước mắt. Chúng tôi lại thêm một bước nói với học sinh, chúng ta rất cảm động trước nỗi gian truân của cha mẹ, sau khi rơi nước mắt rồi thì phải làm gì? Các em thật sự đã cảm nhận được ân đức của cha mẹ, thì nên khởi lên hành vi hiếu thảo. Khi các em có thể làm được một điều trong Đệ Tử Quy, chính là đã tận được một phần hiếu tâm. Khi các em đã làm theo tất cả những gì trong Đệ Tử Quy thì chữ hiếu của các em đã làm một cách rất viên mãn.

Vì thế khi chúng đã khởi tâm tri ân, chúng ta tiến thêm một bước hướng dẫn chúng cách báo ân. Nỗ lực thực hành hiếu đạo từ đâu? Chúng ta xem Đệ Tử Quy, đoạn văn này, chúng ta cùng đọc qua một lượt.

"Nhập tắc hiếu. Phụ mẫu hô, ưng vật hoãn. Phụ mẫu mạng, hành vật lại. Phụ mẫu giáo, tu kính thính. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa". Phụ mẫu hô, ưng vật hoãn. Điều này nói đến, thái độ nói chuyện đối với cha mẹ rất quan trọng. Thật ra đạo đức và học vấn của một người nhận ra được từ đâu? Từ lời nói hành vi của họ. Cho nên thái độ con cái nói chuyện với cha mẹ, đối với chúng ảnh hưởng rất sâu xa. Những gì chúng hình thành là hiếu tâm, là tâm cung kính, thì học vấn của chúng đã cắm được căn bản rất tốt. Khi chúng không có hiếu và kính này, chúng sẽ khởi tâm như thế nào? Có thể là ngạo mạn, có thể là không cung kính. Rất có thể điều này sẽ hũy đạo nghiệp cả một đời của chúng, tôi nói như vậy không khoa trương.

Trong Đại Học có đề cập đến, một người nếu muốn cống hiến cho xã hội, quốc gia "cổ chi dục minh minh đức ư thiên hạ giả", trước nên như thế nào? Trước trị nước mình. Người muốn trị nước, trước phải tề gia. Người muốn tề gia, trước phải tu thân. Người muốn tu thân, trước phải chánh tâm. Cho nên bọn trẻ phải thành ý, chánh tâm chúng mới có thể tu thân, tề gia. Trưởng dưỡng hiếu và kính cho chúng, chính là chánh tâm của chúng. Như thế nào để thánh ý, chánh tâm? Cần phải nghiên cứu đến cùng để biết nguồn gốc của sự vật. Truy tìm nguồn gốc, chính là khai trừ vật dục của chúng, phế trừ tập tánh xấu của chúng, không chịu khó mà kêu mạn chính là tập tánh xấu. Từ nhỏ là có thể chuyển hóa tập tánh này của chúng, chính là truy nguyên, chính là có thể thành ý chánh tâm. Cho nên đại học vấn đều bắt đầu cắm rễ từ chỗ nhỏ nhất.

Chúng ta thử nghĩ xem, trẻ em bây giờ quý vị gọi chúng: Tiểu Minh à, chúng trả lời như thế nào? Ồ, đáp án chính xác. Ví dụ như hiện nay có đứa trẻ, quý vị gọi chúng, chúng đi đến. Chú à, có chuyện gì vậy? Quý vị sẽ đối với nó như thế nào? Đột nhiên kính nể. Hiện nay bọn trẻ thật sự là người tài, cho nên bọn trẻ phải dạy. Rất nhiều phụ huynh_Tôi nói bọn trẻ từ nhỏ phải dạy chúng lễ phép. Nhìn thấy trưởng bối phải chào hỏi. Họ nói: Chào hỏi? Chúng có thể cười với quý vị là tốt rồi, còn phải chào hỏi nữa à. Chư vị, thái độ đó đối với chúng đúng hay sai? Quý vị xem, chúng ta hiện nay dạy bọn trẻ hạ thấp tiêu chuẩn, sẽ tạo thành kết quả như thế nào? Đời này không như đời trước. Quý vị xem kết quả không phải đều đã hiện ra rồi sao?

Nên tiêu chuẩn dạy trẻ em, tuyệt đối không thể vì thời đại mà thay đổi, phải nắm bắt nguyên tắc, bọn trẻ có thể học đến trình độ này. Vì thế chúng ta phải hướng dẫn chúng, khi cha mẹ kêu các con phải lập tức đi đến, ba mẹ có việc gì không ạ? Đương nhiên chúng ta làm phụ huynh, trước phải làm để cho chúng nhìn thấy. Khi ông bà gọi, chúng ta làm cha mẹ nhất định phải cung kính, diễn cho các con xem. Mặc dù hiện nay quý vị không diễn được, cũng phải như thế nào? Tập quán thành tự nhiên.

Nên khi chúng ta có thái độ như vậy, không khí hiếu tâm và cung kính này sẽ lan tràn, hình thành nếp sống của gia đình quý vị. Ngoài "phụ mẫu hô, ưng vật hoãn" lòng cung kính như vậy ngoài đối với cha mẹ còn phải đối với ai? Đối với sư trưởng, cũng phải "sư trưởng hô, ưng vật hoãn" còn đối với ai nữa? "Trưởng bối hô, ưng vật hoãn", "thượng ty hô, ưng vật hoãn". Nếu như ngày mai đi làm, cấp trên gọi quý vị lập tức chạy đến, giám đốc, ông gọi tôi có chuyện gì chăng? Giám đốc quý vị nói, hôm nay quý vị có bị sốt chăng? Không sao, bắt đầu thay đổi từ chúng ta thì toàn thể địa cầu đều thay đổi, không nên xem thường sức mạnh của chính mình, cho nên học tập phải học một biết mười. Phải từ nội tâm chúng ta, thường nói tâm hành nhất như. Tâm là căn bản, tất cả hành vi đều từ tâm quý vị mà hiển lộ ra. Khi một người nội tâm thật sự cung kính, họ sẽ đối với mọi người đều cung kính.

Nên bài thứ nhất trong Lễ Ký, mở đầu Khúc Lễ liền nói: "Khúc lễ viết, vô bất kính" đối với tất cả người, sự, vật đều phải cung kính. Chư vị bằng hữu, một người đối với cha mẹ, đối với anh em, trưởng bối đều cung kính. Đối với việc cha mẹ giao phó, chúng sẽ như thế nào? Cũng tận tâm tận lực. Khi chúng cung kính người khác thì đối với việc sẽ cung kính. Khi chúng cung kính với người khác, cha mẹ gian khổ kiếm tiền mua thực vật, chúng có xem thường chăng? Không bao giờ. Nên khi bọn trẻ biết cách cung kính với người, sự, vật thì tâm tự nhiên sẽ sanh cung kính. Thế nên chư vị bằng hữu, tâm cung kính này rất quan trọng.

Đối với bọn trẻ có cần "nhi tử hô, ưng vật hoãn" quý vị không nên nói thầy Thái nói, đối với tất cả mọi người đều phải cung kính. Hôm nay trở về con quý vị gọi, quý vị lập tức chạy đến, con à có chuyện gì chăng? Như vậy là quý vị đã học đến ngu ngơ. Đối với con cái, chúng ta là cha mẹ, chúng là con cái. Chúng ta phải để chúng cung kính chúng ta, phải thành tựu tâm cung kính của chúng. Thế nên nếu bọn trẻ nói: ba ơi qua đây một chút. Quý vị có nên đến không? Không thể. Nếu nó nói: sao ba không đến. Sau đó chúng đến chỗ ba, ba nói: chúng ta cùng nhau học Đệ Tử Quy. Quý vị không nên trách cứ chúng ngay, không nên, phải dẫn dắt từng bước, cùng học với chúng. Tự nhiên trong các câu chuyện thánh triết này, nó sẽ muốn học theo. Cho nên chúng ta đối diện với các mẫu người khác nhau, cần phải hiểu làm sao để vận dụng học vấn.

Có một cô giáo, một hôm con cô ấy đứng trước cửa gọi cô. Mẹ chồng cô ấy đi đến, chắc là gọi cháu đi ăn. Không ngờ đứa cháu trả lời bà một câu: bà đừng ồn nữa! làm sao đây? Quý vị xem, nó đối với bà nội không cung kính vì thế giáo dục rất quan trọng. Phải cẩn thận khi ban đầu, khi quý vị phát hiện cần phải xử lý gấp, nếu không khi chúng thành thói quen sẽ rất khó thay đổi. Cô giáo này rất mẫn cảm lập tức mở cửa nói với con, đến xin lỗi bà nội ngay, lập tức chỉnh đốn thái độ bất kính và nói chuyện ngạo mạn của chúng. Đứa trẻ này chết cũng không xin lỗi, không muốn xin lỗi. Nhưng mẹ chồng cô ấy nói: khí hậu nóng thế này, xin lỗi cái gì.

Lúc này nên làm sao? Điều này đang khảo nghiệm trí huệ của những bậc cha mẹ. Cuối cùng thấy con không xin lỗi, mẹ nó liền nói_cô ấy nói: mẹ à, không dạy tốt con cái là sai lầm của con, con xin lỗi mẹ. Cô giáo này vừa nói xong thì đứa con này đã rơi nước mắt. Rơi nước mắt nói lên điều gì? Thấy xấu hổ. Sau đó cô giáo lại nói với con mình: con xem, con không cung kính với bà nội nhưng bà nội không lúc nào không nhớ đến con, sợ con quá nóng. Con có thấy được tấm lòng của bà nội chăng, đều từng giây từng phút lo cho con. Làm con dâu phải nói thay cho bà nội, bà nội nghe xong rất cảm động, sau đó đi nơi khác, nên quan hệ mẹ chồng nàng dâu vì chuyện này mà phát triển rất tốt. Vì bà nội cảm thấy, đứa con dâu này hiểu được lòng bà.

Tiếp theo đứa trẻ này, cô giáo này nói với nó: tối nay con nên viết nhật ký, để tự kiểm điểm lại xem. Rốt cuộc đứa bé này tối đến đã viết nhật ký, nói nó có hai cái tôi. Một cái tôi rất lương thiện còn một cái là không lương thiện. Cái không lương thiện và lương thiện đang ở đó giằng co.

Các bạn, tuổi nhỏ như vậy đã có sự đấu tranh lớn như vậy, sau khi lớn lên có sự tranh đấu càng lớn hơn, nhưng nếu tâm hiếu được cắm rễ từ nhỏ, thì cuộc đời chúng sẽ không có mâu thuẫn như vậy. Cuộc đời chúng cũng không vì không cung kính, vì tính xấu mà làm những việc khiến mình hối hận. Cho nên khi con cái phạm sai lầm, chúng ta làm cha mẹ cũng phải rất mẫn cảm, nên lập tức xử lý. Câu giáo huấn này "phụ mẫu hô, ưng vật hoãn", phải cung kính. "Phụ mẫu mệnh, hành vật lãn", cũng là cung kính. "Phụ mẫu giáo, tu kính thinh. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa",đều là một phần tâm cung kính đối với cha mẹ. Thật ra làm một người, có thể lãnh hội được ân đức cha mẹ một cách sâu sắc thì tâm cảnh của họ sẽ tự nhiên nhu nhuyến, tự nhiên cung kính.

Tôi nhớ khi chị tôi lấy chồng. Tôi là con trai duy nhất nên tôi là người giúp anh rễ mở cửa, trên đường có rất nhiều nghi lễ đón dâu. Thật ra những nghi thức đón dâu này đều có ý nghĩa của nó, trong đó có một nghi thức, khiến tôi có ấn tượng sâu sắc nhất. Chính là rước dâu sau cùng, anh rể dẫn chị tôi bái biệt cha mẹ, tôi đứng một bên xem lễ. Khi chị tôi và anh rễ quỳ xuống, ba tôi trong chốc lát nước mắt đã trào ra. Giọt nước mắt của ba tôi trào ra, trong chốc lát nước mắt tôi cũng trào ra. Khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được tâm trạng của người làm cha. Cha chăm sóc con gái suốt hơn 20 năm, không biết đã khổ tâm biết bao nhiêu, không biết lo lắng biết bao nhiêu điều. Mỗi niệm đều hy vọng con cái sống tốt, con cái học hành tốt, con cái có thể có một nơi yên ấm, nên giọt nước mắt đó của ba là có một chút an ủi này, rốt cuộc hôm nay cũng giúp con gái tìm được nơi trở về tốt đẹp, là giọt nước mắt an ủi, nước mắt cảm động mà sự quan tâm và gian nan của cha mẹ đối với con cái, phải chăng là gả đi rồi sẽ không còn lo lắng nữa? Không phải mà là yêu thương bảo bộc suốt cả đời.

Có câu: "mẫu hoạt nhất bách tuế, thường ưu bát thập nhi", mẹ già mặc dù sống đến trăm tuổi, nhưng con cái 80 tuổi trong mắt mẹ vẫn là đứa trẻ của bà. Khi nội tâm tôi cảm nhận được nỗi cực nhọc gian truân của người làm cha. Tôi nói với chính mình, suốt đời này cũng không báo đáp hết được ân đức của cha mẹ. Tuyệt đối không thể nói lời ngỗ nghịch, nói lời bất kính đối với cha mẹ. Vì có một phần lãnh hội này, nên tự nhiên thấy ba mình liền sinh tâm cung kính, tâm sanh hoan hỷ vì thế rất quan trọng. Chúng ta phải luôn luôn để ân đức cha mẹ trong lòng, tự nhiên "thành ư trung, hình ư ngoại", ngôn ngữ và hành vi cung kính của chúng ta, sẽ biểu hiện ra bên ngoài.

"Phụ mẫu mạng, hành vật lại", chúng ta bằng lòng làm việc giúp cha mẹ thì không thể biếng nhác, đã đồng ý thì phải làm. Điều này chúng ta yêu cầu bọn trẻ rất dễ, không phải con nói muốn đi tắm ư? Đi tắm nhanh. Mệnh lệnh của cha mẹ không được làm biếng. Khi quý vị và con cái đều có chung một ngôn ngữ, chúng ta đều phải cùng nhau tuân thủ giáo huấn của Khổng Lão Phu Tử. Con cái và quý vị có cùng chung ngôn ngữ, như vậy rất dễ câu thông. Chúng ta nên suy nghĩ lại, chúng ta lớn như vậy nhưng mệnh lệnh và những việc cha mẹ giao phó, chúng ta có biếc nhác chăng? Việc mà chúng ta đáp ứng trước thân hữu, việc dễ bất tuân nhất là việc gì? Với ai? Là thân nhất như cha mẹ, thậm chí là thân như chồng hay vợ. Thân nhất với chúng ta đều là người quan trọng nhất, có ân đức nhất đối với cuộc đời chúng ta. Rốt cuộc chúng ta trái lại rất dễ không giữ chữ tín với họ.

Nguyên nhân gì? Vì không giữ chữ tín với khách hàng thì không kiếm được tiền, nhưng không giữ chữ tín đối với cha mẹ còn có thể mượn cớ: Ôi chao, con gần đây rất bận, thật xin lỗi, thật ngại quá! Cho nên con người nên phản tỉnh, chúng ta càng phải giữ chữ tín với cha mẹ, thái độ như vậy mới đúng đán. Đương nhiên giữ chữ tín với cha mẹ thì cũng phải nên giữ chữ tín với tất cả mọi người. Hôm nay học xong tiết học này, chúng ta nên nghĩ xem có việc gì đã hứa với cha mẹ, đến nay vẫn chưa làm thì nên làm nhanh.

Ở Thẩm Quyến có một thầy giáo, đúng lúc thầy cũng nghe giảng, liền nói: mấy ngày trước đúng lúc tôi trở về nhà, thấy ba tôi cầm cây dao cạo râu rất xấu. Tôi nói, ba à cây dao này đã quá cũ, đừng dùng nữa để con đi mua cái khác cho ba. Nói xong cầm cây dao cạo râu của ba vứt vào trong giỏ rác nhưng lại quên mất. Ba thầy ấy giận mất mấy ngày, khi nghe xong bài giảng thầy đột nhiên nhớ lại. Lập tức gọi điện về xin lỗi ba và mua gấp cây dao gởi về. Rốt cuộc không chỉ có một thầy, mà có một vị thầy khác cũng phát hiện, mình hứa mua dao cạo râu cho ba nhưng cũng không mua. Cho nên người cần phải có người nhắc nhở, vì thế cạnh mình có bạn tốt. Quý vị thường thường có thể xem kinh sách, liền có thể phát hiện mình còn có điểm nào còn thiếu sót.

Thời cổ đại có rất nhiều hiếu tử, họ không đợi cha mẹ sai bảo, họ có thể cảm nhận được cha mẹ cần gì, tự mình chủ động làm. Vào thời Tam Quốc, có một người con hiếu thảo gọi là Mạnh Tông. Có thể mọi người đã nghe qua "Mạnh Tông Khấp Trúc", anh ta thấy mẹ đã một thời gian dài không ăn được gì, đột nhiên rất muốn ăn canh măng hầm. Anh ta thấy thế, vì bao tử mẹ đau lâu ngày, tỳ vị đều suy nhược. Đột nhiên rất muốn ăn một cái gì đó, nếu như không ăn được thì như thế nào? Rất đau khổ! Nên anh ta vào trong vườn tre khóc lóc, tự mình không biết phải làm sao.

Hiếu tâm này, tâm chân thành này, nước mắt chảy xuống đã làm cảm động điều gì? Làm cảm động cây tre. Nước mắt chúng ta giọt từng giọt xem có thể cảm động hay không? Lúc đó là mùa đông, trên cơ bản thì măng không mọc vào mùa này, nhưng vì hiếu tâm của anh ta, tinh thần dẫn đến, vàng đá cũng phải tan. Tre là thực vật_tiến sĩ Giang Bổn Thắng người Nhật đã nghiên cứu ra, ý niệm con người có thể ảnh hưởng khoáng vật, có thể ảnh hưởng nước. Khi con người có thiện niệm, nước sẽ kết tinh rất đẹp. Khi con người có thiện niệm, đến hồ nước rất dơ bẩn đều trở thành rất thanh tịnh, nên đại tự nhiên và nhân tâm xuất hiện sự hổ tương lẫn nhau, xuất hiện động thái.

Thế nên cổ đại có nhiều hiếu tử như vậy, vì sao có thể cảm động được cây tre, có thể cảm động rất nhiều động vật, thậm chí cảm động cả con cọp hung hãn nhất? Đều dựa vào điều gì của họ? Lòng hiếu thảo. Kịch hay như vậy, các bậc tổ tông chúng ta đã diễn mấy ngàn năm. Kịch hay như vậy, chúng ta có nên tiếp tục giảng chăng? Nên, chỉ cần chúng ta có thể học được lòng hiếu thảo của họ, nhất định có thể ngay trong cuộc đời chúng ta trở thành kịch hay, diễn cho mọi người cảm động rơi nước mắt. Thế nên khi mẹ anh ta ăn canh măng hầm này xong thì bệnh liền lành. Người có lòng hiếu thảo thật sự có thể khiến cha mẹ khuây khỏa, khiến cha mẹ thân thể mạnh khỏe nên mệnh lệnh cha mẹ không nên biếng nhác.

"Phụ mẫu giáo, tu kính thinh", khi cha mẹ dạy bảo, chúng ta cần phải cung kính lắng nghe, tuyệt đối không thể mẹ nói một lời con đáp chín lời. Nếu như khi cha trách mắng chúng ta, nói mười việc, trong đó chỉ có hai điều là thật, còn tám việc quý vị cảm thấy là họ hiểu lầm mình, như vậy có cần lập tức cãi lại chăng? Có cần làm như vậy chăng? Không nên. Vì khi trách mắng chúng ta, chính là lúc rất giận, lúc này chúng ta chỉ nên nói "dạ", có thể cha chúng ta vốn là lửa giận bừng bừng nhưng dần dần nhẹ xuống. Đợi khi họ la xong, cảm xúc của họ đã điều chỉnh lại, đột nhiên nghĩ lại không biết mình mắng con như thế nào rồi? Mắng hơi quá đáng. Có thể họ chủ động cắt ít trái cây: đến đây cùng ăn trái cây nào. Làm hòa. Lúc này quý vị cũng rất tự nhiên đi đến, coi như không có việc gì xảy ra. Tuyệt đối không nên nói, ba à, sao rồi, muốn làm hòa với con à? Không nên ngốc như vậy, chúng ta nên tùy thuận.

Nên khi cha mẹ trách mắng, chúng ta đều không cãi lại. Hiểu lầm đối với mình đều có thể bình tâm tịnh khí tiếp nhận, thì lòng tôn kính, bội phục của cha mẹ đối với chúng ta sẽ như thế nào? Nâng cao. Khi cha mẹ càng tôn kính quý vị, sau này quý vị cùng cha mẹ rất dễ câu thông. Họ từ từ cảm thấy, ai đáng để mình tín nhiệm? Chính là con trai mình, chính là con gái mình. Cho nên cha mẹ dạy, cần phải cung kính lắng nghe. Ví dụ ba mình bị bệnh tim, chúng ta cũng phải xem tình huống mà định. Ví dụ cha nhìn thấy quí vị, la mắng rất hung dữ, bệnh tim của cha sắp phát tác. Quý vị vẫn đứng đó, "cha mẹ dạy cần phải lắng nghe", nên như vậy chăng? Nên cầu học vấn là phải học một cách linh hoạt, phải thường nghĩ cho cha mẹ, thì chúng ta sẽ biết điều này nên làm như thế nào, như vậy tiến thoái mới thích hợp.

"Phụ mẫu trách, tu thuận thừa". Cha mẹ có trách phạt, thậm chí đánh chúng ta cũng nên tự nhiên tiếp nhận, thử nghĩ lại vì sao cha mẹ giận dữ như thế, rốt cuộc chúng ta sai ở chỗ nào?

Có một lần cha của Tăng Tử vì Tăng Tử phạm sai lầm, ông rất giận giữ cầm cây roi rất lớn đánh Tăng Tử. Tăng Tử nói vì "cha mẹ trách nên đón nhận", cho nên đứng yên để ba đánh. Rốt cuộc vì xuất lực quá mạnh, đánh Tăng Tử ngất đi. Chuyện này truyền đến tai Khổng Lão Phu Tử, ông liền nói với học trò, Tăng Tử làm như vậy là bất hiếu, vì sao vậy? Không Phu tử nói, khi cha mẹ đang giận không khống chế được cảm xúc. Nếu lở tay đánh một roi vào đầu quý vị, con cái chết đi ai thương tâm nhất? Đúng vậy. Cho nên Khổng Phu tử nói: "Tiểu trượng tắc thọ", cầm cây roi nhỏ có thể ngoan ngoãn chịu phạt, roi lớn thì nên chạy đi. Người xưa rất nho nhã, "đại trượng tắc tẩu", nên khi thấy ba cầm cây roi to, có thể đánh chết người, phải chạy nhanh không nên để ba mẹ rơi vào chỗ bất nghĩa.

Các bạn, học học vấn của thánh hiền phải vận dụng thật linh hoạt. Cho nên cha mẹ dạy phải cung kính lắng nghe, cha mẹ trách mắng phải đón nhận. Tôi thường hỏi học sinh, tôi nói mỗi lần các em bị cha mẹ la, trong lòng các em nghĩ gì? Đáp án của các em là gì? Xui quá, bị cha mẹ nhìn thấy, lần sau không để họ bắt gặp nữa. Thế nên chúng ta quan sát được, khi bọn trẻ tiếp nhận sự giáo huấn của cha mẹ, thái độ của chúng không đúng, nên quý vị phải nói thay cha mẹ đúng lúc, sửa đổi thái độ của chúng.

Chúng tôi thường nói với học sinh, khi ba mẹ các em trách phạt các em, khi họ đang giận dữ, thật ra thân thể họ đã bị thương nên một lần nóng giận, cần mấy ngày thân thể mới khôi phục bình thường? Cần trên dưới ba ngày. Cho nên quý vị thấy có ai thích mắng người chăng? Mắng người không tốt cho sức khỏe như thế, nên cha mẹ chúng ta vì để chúng ta nhớ giáo huấn này, sau này không nên làm việc bất hiếu cho mình. Vì thế họ thà tức giận, tổn thương chính mình, cũng không muốn thấy chúng ta học được thói hư tật xấu, chúng ta cần phải thấu hiểu khổ tâm này của cha mẹ. Vì để đạo đức và học vấn chúng ta ngày càng tăng tiến, không đọa lạc nên họ mới dạy bảo, trách phạt chúng ta như thế, nên quý vị không được phụ tấm lòng yêu thương chăm sóc này của cha mẹ. Cách yêu thương con cái của cha mẹ, có khi là nhỏ nhẹ khuyên lơn con cái, có khi lại vô cùng hung dữ nhưng tất cả đều đối với quý vị rất mực yêu thương, chúng ta phải lãnh hội điều này.

Chúng ta phải xứng đáng với sự dạy dỗ của cha mẹ, không để cha mẹ uổng công nóng giận, không thể để cha mẹ tổn thương thân thể một cách vô ích. Chúng ta ghi nhớ sai lầm này, phải biết được bị đánh mắng có thể đổi được điều gì? Tiến bộ. Cần học tập học sinh tốt của Khổng lão phu tử là đức hạnh của Nhan Uyên. Không thể "bất nhị quá", lần này bị cha mẹ la xong, nhất định phải ghi nhớ, lần sau không được tái phạm điều khiến cha mẹ nóng giận thương tâm. Khi con cái có thái độ như vậy, chúng không cảm thấy mình xui xẻo. Những gì chúng ghi nhớ chính là lần sau không được tái phạm.

Bài học hôm nay chỉ học đến đây, cám ơn mọi người.

Hết tập 7

@


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: