TẬP 38
Tập 38
Chào tất cả mọi người! Hôm nay chúng ta học tiếp bài học hôm qua, chúng ta đề cập đến "đãi tỳ bộc, thân quý đoan, tuy quý đoan, từ nhi khoan. Thế phục nhân, tâm bất nhiên, lý phục nhân, phương vô ngôn".
Hôm qua chúng ta cũng đề cập đến, có nhân duyên mới tương hội. Có thể cùng ở dưới một mái nhà, cùng nhau làm việc đều là nhân duyên rất khó được, thế nên chúng ta đối với những nhân viên, những người làm đều có thể quan tâm, yêu thương. Đối với bọn trẻ chúng ta cũng nên dạy chúng biết cung kính đối với những nhân viên, người làm. Nên xưng họ là "chú Trần, dì Trần", khiến tâm hồn bọn trẻ từ nhỏ đều có thể cung kính với tất cả các bậc trưởng bối.
Vào thời nhà Hán có một thư sinh tên Lưu Khoan. Chúng ta nhìn thấy cái tên cũng có thể hiểu được tánh cách của người này, rất khoan hồng độ lượng. Từ nhỏ cha đã kỳ vọng ông được như vậy, nên tánh khí ông rất tốt. Người nhà ông muốn thử nghiệm xem, rốt cuộc ông có nổi nóng hay không, nên căn dặn người làm bưng vào cho ông một tách trà nóng. Khi bưng vào cố ý làm đổ, lúc đó Lưu Khoan đang mang triều phục, chuẩn bị lên triều buổi sáng, không ngờ ly trà nóng này đổ trên người ông. Phản ứng đầu tiên của Lưu Khoan là nói, tay của ngươi có bị nóng chăng?
Khi một người có đức hạnh như vậy, tin rằng gia đình họ sẽ như thế nào? Vô cùng hòa thuận an vui, và học theo đức hạnh của ông ta. Mà ông ta lại là quan lớn trong triều, cũng ảnh hưởng đến tất cả triều đình, ảnh hưởng toàn bộ nhân tâm, đây là "tuy quý đoan, từ nhi khoan". Chúng ta nên thấu hiểu chữ quý này, tuyệt đối không chỉ có địa vị mà thôi. Vì đằng sau địa vị còn có một thực chất quan trọng hơn, đó chính là bổn phận.
Khi chúng ta càng có địa vị, thì trách nhiệm gánh vác đối với xã hội càng nặng, chúng ta càng nên thận trọng dè dặt. Lúc nào cũng lãnh hội được nhu cầu của thuộc hạ và nhân dân, chúng ta mới không cô phụ địa vị này. Khi lúc nào chúng ta cũng giữ tâm như vậy, mới thật sự khế nhập ý nghĩa chân thật của phú quý. Trước đây chúng ta cũng đề cập đến thế nào là quý? "Nhân kính giả quý", khi tất cả mọi người thật lòng cung kính quý vị, đây mới thật sự là quý nhân.
Rất nhiều người đến làm trong gia đình chúng ta, gia cảnh của họ đều hơi khốn khổ, khó khăn. Khi họ vào gia đình chúng ta, ngoài việc cho họ tình thương yêu ra, còn có một điểm rất quan trọng, đó là cố gắng giáo dục họ. Có người mới mười ba mười bốn tuổi, không có cơ hội đọc nhiều sách, chúng ta nhanh chóng đem kinh điển thánh hiền dạy cho họ, vì sau này họ còn phải làm cha, làm mẹ. Khi họ có tư tưởng quan niệm đúng đắn, tin rằng cuộc đời của họ như thế nào? Nhất định sẽ thay đổi. Gia đình họ sau này, nhất định phát triển tốt đẹp. Nên thực tế mà nói, chỉ cần chúng ta chịu dụng tâm, có thể khiến sinh mạng của người bên cạnh bắt đầu phát quang, bắt đầu phát nhiệt. Đợi khi nhân duyên đã hết, rời khỏi gia đình này, tin rằng họ thường nhớ lại đoạn thời gian này, cũng cảm thấy trong lòng rất ấm áp, và rất biết ơn. Nên thiện phải có trước sau, để khi kết thúc mỗi đoạn nhân duyên, đều có hồi ức vô cùng tốt đẹp, đây là "đãi tỳ bộc, thân quý đoan, tuy quý đoan, từ nhi khoan".
Nếu như người thuê nhà của chúng ta, người thuê nhà là xây dựng trên quan hệ nào? Quan hệ tiền bạc. Nhưng cùng ở dưới một mái nhà như nhau, nên khi gặp mặt nên có ba phần tình cảm mới tốt. Giả dụ chỉ là kiến lập trên cơ sở tiền bạc, nên khi gặp nhau đều không chào hỏi, như vậy được chăng? Như vậy họ rất dể sinh bệnh, quý vị cũng sẽ sinh bệnh, nên chúng ta phải biết quý trọng nhân duyên này. Ví dụ có thức ăn gì ngon, có đồ mặc đẹp, chúng ta chủ động tặng họ một phần, tin rằng họ cũng cảm thấy rất ấm áp, dù sao họ đa phần đều là người rời xa quê hương. Khi chúng ta quan tâm như vậy, là có thể thực hiện giáo huấn của thánh hiền, người trong bốn biển đều là anh em. Quý vị có tâm rộng rãi như thế, sau này quý vị đi đến đâu tin rằng cũng có rất nhiều người xem quý vị như anh em, đối đãi với quý vị như người nhà vậy.
Câu tiếp theo "Thế phục nhân, tâm bất nhiên, lý phục nhân, phương vô ngôn". Nếu chúng ta dùng quyền thế, dùng địa vị để chèn ép người khác, trong lòng của họ sẽ không phục. Tuy ngoài mặt đối với chúng ta rất cung kính, nhưng khi rời khỏi tầm nhìn của họ, thì như thế nào? Có thể sắc mặt họ lập tức thay đổi, bắt đầu chỉ trích, mắng chúng ta. Nếu chúng ta tôn trọng người khác cũng bằng vẽ mặt bên ngoài, như vậy chúng ta cũng nên phản tĩnh. Vì tôn trọng như vậy là rất phù hoa không thật, chỉ tỏ vẻ bên ngoài, nhân sinh phải theo duổi điều thực tế hơn, chân thực hơn.
Có một đứa bé nói: Khi mẹ đánh tôi_tức là suốt quá trình từ nhỏ cho đến trưởng thành_mẹ đánh tôi tôi đều quên hết, nhưng ba đánh tôi tôi đều nhớ rất rỏ ràng. Cùng trách phạt như nhau, vì sao lại khác biệt quá nhiều như vậy? Vì sao? Mẹ đánh nó, động cơ là gì? Là yêu thương nó, là quản giáo nó, nên khi đánh xong trong lòng nó hiểu rỏ là mình đã sai, nên sẽ thay đổi. Nhưng ba đánh nó, xuất phát điểm không nhất định muốn giáo dục nó, mà là như thế nào? Có thể khi nỗi nóng liền đánh nó một trận, nên trong lòng nó không phục, nên mỗi lần đánh nó ghi nhớ rất rỏ. Nên bọn trẻ cũng rất rỏ ràng, rốt cuộc chúng ta dùng thái độ nào đối với chúng, chúng đều tiếp nhận một cách rỏ ràng. Nên phải "lý phục nhân, phương vô ngôn", gia đình cũng như vậy.
Trong khi chúng ta làm việc, ở trong xí nghiệp cũng như vậy, nên người lãnh đạo cũng phải có quy cũ nhất định. Không thể hôm nay quý vị thích người này thì dùng họ. Hôm nay không thích người này, mặc dù họ có năng lực, quý vị cũng áp đảo người ta. Lấy thế chế phục người như vậy, không cách nào thắng được sự ung hộ của nhân tâm. Nên tuân theo đạo lý "lý phục nhân, phương vô ngôn", phải dùng bình đẳng, mới có thể khiến nhân tâm ôn hòa. Phải dùng sự quan tâm, phải dùng sự kính yêu, mới có thể khiến nếp sống của toàn xã hội ngày càng hòa thuận.
Nhìn chung mấy ngàn năm lịch sử Trung quốc, chỉ cần dùng quyền thế, dùng vũ lực để đánh thiên hạ, thời gian của triều đại đó đều như thế nào? Không lâu dài. Còn triều đại lấy đạo đức, hiếu để để giáo hóa nhân dân, lấy thân mình làm gương, lịch sử của nó đều rất lâu dài, đối với hậu thế còn ảnh hưởng rất sâu sắc. Chúng ta thử xem triều đại dài nhất của Trung quốc là triều đại nào? Triều nhà Chu, chính là lấy đức trị thiên hạ, đây là "lý phục nhận". Còn dùng vũ lực đánh thiên hạ như triều đại nhà Tần chỉ có mấy mươi năm, thì như thế nào? Liền bị lật đổ. Từ trong lịch sử, chúng ta có thể học được, lấy đó làm gương, muốn cho gia đình và sự nghiệp tồn tại lâu dài, nhất định phải dùng đạo đức, tuyệt đối phải dùng lý trí mới có thể thắng được nhân tâm. Lịch sử có thể khiến chúng ta xem xét việc quá khứ và đoán biết được tương lai, không nên để cuộc đời đạp lên vết xe đổ của cổ nhân. Như vậy mới không cô phụ tổ tông để lại Nhị Ngũ Thập Sử cho chúng ta, để giúp ích cho cuộc đời. Đây là câu kinh văn cuối cùng trong Phiếm Ái Chúng. Phiếm Ái Chúng dùng danh từ hiện nay gọi là Nhân Tế Quan Hệ Học, làm sao để xử lý tốt quan hệ giữa con người với con người? Chính là thực hành giáo huấn trong phần Phiếm Ái Chúng của Đệ Tử Quy.
Thật ra muốn thương yêu người khác, tất nhiên cũng phải bắt đầu đặt nền móng từ cơ sở của hiếu để. Có ai trong chớp mắt đã có thể yêu thương tất cả mọi người? Nhất định bắt đầu học tập quan tâm người khác, trả giá cho người khác từ gia đình. Nên trong Luận Ngữ Khổng Tử mới đề cập đến "Hiếu để dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dữ". Tất cả năng lực quan hệ với người, tất nhiên đều xuất phát từ gia đình. Xây dựng nhân cách của một người, mấu chốt vẫn ở trong gia đình, nên chúng ta làm cha mẹ nhất định phải rất cẩn thận. Vì giáo dục gia đình thay đổi biến hóa hằng ngày.
Chúng ta đem quan hệ giữa người với người sửa đổi thành một chữ "nhường", nhường của lễ nhường, "nhường tắc hữu dư, tranh tắc bất túc". Giao tiếp giữa người với người nếu có thể lễ nhường, lễ nhường là khoảng cách tốt đẹp nhất giữa người với người. Khi quý vị gặp được người bạn lễ phép, cảm nhận của quý vị như thế nào? Rất dể chịu, rất hoan hỷ. Nên lễ là khoảng cách rất ưu mỹ giữa người với người. Mặc dù người có thân đến đâu, hoặc là vợ chồng, là cha con cũng nên lấy lễ đối đãi nhau, không thể vì quá thân mà không tôn trọng họ. Ví dụ như khi bước vào cửa, chưa gõ cửa đã bước vào. Một hai lần họ có thể chấp nhận, nhưng nhiều lần thì như thế nào? Có thể sự giận giữ sẽ nỗi lên, nên dù người có thân đến đâu cũng phải tôn trọng, cũng phải lấy lễ đối đãi nhau, duy trì cự ly ưu mỹ này.
Khi bọn trẻ, khi một người từ nhỏ biết cách lấy lễ đối đãi nhau, họ sẽ trở thành một người có chừng mực. Thế nên học lễ quan trọng nhất_thật ra toàn bộ giáo huấn trong Đệ Tử Quy cũng đều là dùng lễ một cách xuyên suốt. Cung kính đối với cha mẹ chính là "nhập tắc hiếu", cũng là lễ. Tiếp theo "xuất tắc để", huynh đệ hữu ái, tôn kính trưởng bối, cũng là gì? Cũng là lễ. Còn bộ phận của "cẩn", đối với vật phẩm cũng phải biết thương tiếc, cũng phải đem vật để ở vị trí cố định, không được lãng phí thực vật. Khi ăn uống, không được kén chọn. Nên đây là dùng thái độ lễ phép đối đãi với thực vật.
Tiếp đến "phàm xuất ngôn, tín vi tiên", trong ngôn ngữ của chúng ta, đối với người khác phải có lễ phép. Những gì nói ra đều phải thực hành, nếu không rất thất tín, rất thất lễ. Trong Nhạc Kinh nói "lễ giả thiên địa chi tự dã", nên "lễ" của lễ phép cũng tương thông với đạo lý. Tục ngữ nói: Có lý đi khắp thiên hạ, tức là giữa người với người, có quy luật vô cùng tự nhiên. Chúng ta không thể vượt qua quy luật đó, nếu không sẽ phát sinh xung đột.
"Phiếm ái chúng" cũng là thái độ lễ phép. Tiếp theo ở sau là "thân nhân, dư lực học văn". Đương nhiên đối với nhân đức, đối với thầy cô giáo nhất định phải lấy lễ đối đãi. Đối với học vấn, chúng ta cũng phải đối đãi cung kính. Có câu một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích. Bản chất của lễ chính là tâm cung kính, mà tâm cung kính chính là bản thiện của chúng ta, chính là chân tâm của chúng ta, nên cần phải học lễ nhường.
Trong giao tiếp giữa người với người còn phải học nhẫn nhường. Chúng ta xem chữ "nhẫn" này, một cây dao, còn có cái gì? Một chữ tâm, đây là chữ hội ý. Tượng trưng công phu của nhẫn phải đạt đến cảnh giới nào? Người ta lấy dao để trước ngực quý vị, quý vị cũng bất động. Đây không phải thật sự cầm một cây dao sắc để trước ngực quý vị, lưỡi dao sắc bén này giống như ngôn từ sắc bén của con người, họ dùng lời nói châm chọc, hũy báng chúng ta. Lúc này quý vị cũng phải nhẫn, vì chúng ta phải hiểu được, những phản ứng của cảm xúc này đều chỉ là tạm thời, chúng ta không nên tính toán với họ, nên có thái độ bao dung.
Có câu châm ngôn nói: "dĩ thứ kỷ chi tâm thứ nhân, tắc toàn giao; dĩ trách nhân chi tâm trách kỷ, tắc quả quá". Thật ra rất nhiều thái độ thay đổi trong một niệm, có thể là từ địa ngục đến thiên đường. "Nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý", mỗi ngày chúng ta tha thứ cho mình bao nhiêu lần? Rất nhiều lần. Nhưng người khác phạm sai lầm, chúng ta lại không khống chế được cảm xúc. Đổi một góc độ khác, lấy tâm khoan thứ chính mình để khoan thứ người khác, như vậy người khác tiếp xúc với chúng ta, cảm thấy rất thoải mái, không có áp lực, nên có thể bảo toàn tình hữu nghị, có thể giao tiếp rất nhiều bạn bè.
Nếu trách người, có thể chúng ta mỗi ngày đều nhìn thấy người khác có rất nhiều lỗi lầm. Dùng thái độ đó, thái độ chỉ trích người khác trở lại yêu cầu chính mình, như vậy đức hạnh chúng ta sẽ tiến bộ rất nhanh, lại có thể ít phạm sai lầm. Nên trong nhẫn nhường quan trọng nhất phải có tâm khoan thứ. Tử Cống từng hỏi Khổng Tử, thưa thầy! Có chữ nào có thể phụng hành suốt đời? Khổng tử liền đưa ra chữ "thứ" này, thứ của khoan thứ.
Thật ra thứ và nhân của nhân ái ý nghĩa hoàn toàn đương đồng. "Thứ giả như kỳ tâm", ở trên một chữ "như", bên dưới một chữ "tâm", tức là luôn đứng trên góc độ của họ để nghĩ, tự nhiên giải quyết được rất nhiều xung đột. Nhẫn nhường có thể "hóa can qua thứ khí ư vô hình", tục ngữ nói: nhẫn một chốc gió yên sóng lặng, lùi một bước biễn rộng trời cao. Thật ra trong khi nhẫn, chúng ta đã mở rộng khí độ của mình, liền có thể làm được "lý phục nhân, phương vô ngôn", cũng thức tĩnh tâm hổ thẹn của đối phương. Vì dù sao khi con người nỗi giận, thường đều là bị tình cảm hóa vấn đề. Đợi khi họ tĩnh tâm lại, sẽ cảm thấy mình vô lý. Nên nhẫn sẽ làm lộ ra đức hạnh của chính mình, cũng lộ ra sự hổ thẹn của đối phương, mà còn duy trì được quan hệ của hai bên. Bất luận người thân hay là bạn bè, nhân duyên này không dể có được. Không nên để giao tình bao nhiêu năm, nay vì một lời nói làm đau lòng đối phương, kết quả tình cảm ấm áp đều mất hết, như vậy là không tốt.
Nên lúc này chúng ta phải nghĩ đến "ngôn ngữ nhân, phẩn tự mẫn, phẩn tư nan". Nhất định phải giữ được cảm xúc, giữ được tính khí. Đây là sự giao tiếp giữa người và người, ngoài việc phải lễ nhường, còn phải nhẫn nhường, thêm nữa là cần phải khiêm nhường. Khi chúng ta hiểu được khiêm tốn, người khác như tắm ngọn gió xuân. Trái lại khi chúng ta có tiền, có tài hoa thì rất tự đắc, phần ngạo khí đó khiến thân hữu bên cạnh cảm thấy rất có áp lực.
Quý vị xem chúng ta lúc nhỏ, một vài bạn đồng học kiểm tra xong, thành tích của bạn rất tốt, nói với chúng ta: Mình về nhà không học bài đã thi được như vậy rồi. Còn tôi về nhà học gần chết, mà làm bài cũng không tốt bằng họ, họ lại nói với quý vị: Tôi về nhà chỉ chơi, không học bài. Thái độ như vậy có được chăng? Không được. Người khác thất ý, quý vị lại lớn tiếng kể về chuyện đắc ý của mình, khiến người ta rất mất mặt. Ngạo khí này đè bẹp người khác, làm thương tổn ấn tượng tốt, quan hệ tốt giữa người với người, thế nên khiêm nhường cũng rất quan trọng. Khiêm nhường có thể chừa đất sống cho người khác, không nên khiến người khác cảm thấy thấp bé hơn quý vị, quả thật không dể chịu. Ngoài việc có thể khiến người ta dể chịu ra, chúng ta khiêm tốn sẽhọc hỏi được nhiều thứ, có thể đạt được nhiều trưởng bối đề bạt chúng ta, hướng dẫn chúng ta, nên "khiêm" có rất nhiều lợi ích. Trong Kinh Dịch nói: "Thiên qua lục hào giai kiết", khi chúng ta luôn dấu tài dấu nghề, luôn để đất sống cho người khác, dần dần sẽ trở thành một người luôn biết nghĩ cho người khác.
Khi chúng ta nói với bọn trẻ từ nhỏ về lễ nhường, chúng sẽ trở thành một người rất có chừng mực. Nói với chúng phải biết nhẫn nhường, chúng có thể sống rất hòa thuận với mọi người, không phát sinh xung đột. Dạy chúng khiêm nhường, chúng sẽ luôn khiêm tốn, biết nghĩ cho người khác, chừa đất sống cho người khác. Vì vậy không nên tranh giành_tranh giành nhất định từ tranh giành biến thành gì? Đấu tranh, tiếp đến là chiến tranh. Còn nhường có thể thắng được tình hữu nghị, tranh tất nhiên là kiến lập kẻ địch. Đến sau cùng có thể phần lớn tinh lực của cuộc đời, đều hao vào đâu? Làm sao để ngăn cản người khác đến tổn thương mình, như vậy quả thật quá mệt.
Tiếp theo chúng ta đi vào phần thứ sáu "thân nhân". Thân là thân cận, có nghĩa là học tập. Thân cận người nhân đức, một người muốn thành tựu học vấn, có hai yếu tố tiên quyết. Một là thầy cô giáo tốt, hai là bạn tốt. Thầy cô giáo tốt chỉ đường giúp chúng ta, đem những giáo huấn quan trọng nói cho chúng ta. Bạn tốt có thể dìu dắt lẫn nhau, nhắc nhở lẫn nhau. Có thể "thiện tương khuyên, đức giai kiến", có thể "văn dự khủng, văn quá hân". Thái độ đó nhất định đạt được "trực lượng sĩ, tiệm tướng thân".
Quý vị thấy vấn đề của nhân sinh phải chăng Đệ Tử Quy có thể giải quyết được tất cả? Sau này quý vị đối mặt với bạn bè, họ muốn hỏi quý vị về vấn đề nhân sinh, quý vị có căng thẳng chăng? Đừng căng thẳng, một cuốn Đệ Tử Quy bảo đảm quý vị không có gì phải lo lắng, tin tưởng được chăng? Phải đầy đủ lòng tin. Hôm đó có người hỏi, vợ chồng sống với nhau không tốt phải làm sao? Bây giờ quý vị phải giúp họ, vợ chồng sống với nhau không tốt phải như thế nào? Nếu quý vị nói ra câu đó, họ lại không biết, dùng quan niệm nào để dẫn dắt họ hóa giải xung đột giữa vợ chồng, "ân dục báo, oán dục vọng" . Nghĩa là đều nghĩ đến oán nên mới ồn ào, còn nếu lúc nào cũng nghĩ đến công lao của đối phương trong thời gian này, thì nỗi giận này lắng bớt một nữa, "tương gia nhân, tiên vấn kỷ". Không nên cứ yêu cầu người khác, vậy chính mình làm được bao nhiêu? "Ngôn ngữ nhẫn, phẩn tự mẫn, thân hữu quá, gián sử cánh, di ngô sắc". Khi nói chuyện, sắc mặt khó coi thì ai chịu được, như vậy nhất định xảy ra xung đột.
Khi đọc mấy câu kinh văn ra, họ có thể phản tĩnh chính mình, dần dần thấu hiểu được vấn đề khó khăn này. Nếu họ không phản tĩnh chính mình, bảo đảm bài toán này như thế nào? Không giải được. Thế nên cương lĩnh của đạo lý nhân sinh đều bao hàm trong Đệ Tử Quy. Chỉ cần thâm nhập vào Đệ Tử Quy, đích thực thấu hiểu và hành trì đều tương ưng, sẽ khai trí tuệ.
Trong quan hệ thầy trò, trong quan hệ bạn đồng học, chúng ta cũng phải nắm bắt "thiện tương khuyên, đức giai kiến". Đối diện với thái độ của thầy cô giáo, làm sao để học tập thầy cô giáo? "Phụ mẫu hô, ưng vật hoản, phụ mẫu mạng, hành vật lại". Sách mà thầy cô giáo dạy chúng ta đọc, có thể giảm bớt đi chăng? Không được. Chỉ cần là lời của thầy cô giáo, phải nhanh chóng thực hành, không nên kéo dài. Vì kéo dài như vậy_trong thời đại này rất khó làm thầy, rất sợ kết oán thù với học sinh. Xem quý vị có ý muốn không cao, họ rất tôn kính quý vị, để khỏi như thế nào? Để tránh đắc tội quý vị. Nhưng giả như quý vị y giáo phụng hành, sư trưởng nhất định tận tâm tận lực dạy quý vị.
Thế nên chỉ cần chúng ta đem thái độ của chữ hiếu trong "Nhập tắc hiếu" để đối đãi sư trưởng, như vậy tự tánh lương thiện của chúng ta liền hiển lộ ra, lý trí của chúng ta cũng có thể mau chóng thành lập. Khi chúng ta đối với thầy cô giáo là hiếu tâm chí thành, tâm cung kính, thì tự tánh lương thiện và trí tuệ của chúng ta khai mở rất nhanh.
Chúng ta có hai loại tinh thần quan trọng nhất, chính là hiếu đạo và sư đạo. Mà sư đạo cũng kiến lập trên nền mống của hiếu đạo, có câu: "Phu hiếu, đức chi bổn dã", căn bản của đạo đức là hiếu. Người hiếu thảo cha mẹ, họ nhất định hy vọng mình thành tựu để dương danh hậu thế, khiến cha mẹ nở mặt. Họ đối với sư trưởng, nhất định cũng rất cung kính.
Trước đây chúng ta cũng đã đề cập đến sự hợp tác của phụ huynh và thầy cô giáo. Cha mẹ và thầy cô giáo phối hợp mật thiết, có thể giáo dục bọn trẻ một cách tốt đẹp hơn. Hiện nay tình trạng phối hợp giữa phụ huynh và học sinh có tốt chăng? Thứ nhất nhận thức của gia trưởng đối với tính nghiêm trọng của giáo dục gia đình chưa đủ, nên cảm thấy dạy bọn trẻ là việc của ai? Việc của thầy cô giáo. Lại do quá nuông chiều bọn trẻ, nên khi ở trường phát sinh chuyện gì, ví dụ thầy cô giáo hay mắng đứa bé này, đứa bé về nhà cũng không biết thuật lại như thế nào. Gia trưởng vừa nghe liền nỗi trận lôi đình, đi tìm ai? Tìm thầy cô giáo còn được, còn có thể hiểu được tình hình thực tế. Trực tiếp tìm hiệu trưởng, càng làm cho sự việc thêm phức tạp, vì hiệu trưởng cũng không ở hiện trường. Mà có thể thầy cô giáo mới đầu cũng muốn răn dạy và quở mắng con quý vị là muốn sửa đổi chúng. Có thể sơ tâm của họ là vì muốn tốt cho con quý vị, nhưng quý vị làm ra động tác này, có thể hiệu trưởng muốn gặp họ nói chuyện, khiến nhiệt huyết của họ đều bị dập tắt, ảnh hưởng tâm cảnh của thầy cô giáo. Càng phiền phức hơn là ảnh hưởng đến thái độ của bọn trẻ đối với thầy cô giáo, mà trong sự nghiệp học hành là một phần thành kính được một phần lợi ích.
Khi bọn trẻ thấy cha mẹ động một tí là đi tố cáo thầy cô giáo, như vậy chúng có tôn kính thầy cô giáo chăng? Điều đó không thể. Khi thầy cô giáo không giám dạy, thì bọn trẻ làm sao có đức được, làm sao có hiếu được? Đây là một ác tánh tuần hoàn. Đương nhiên khi chúng ta làm thầy cô giáo, cũng phải biết phản tĩnh, tuyệt đối không thể đi cầu bọn trẻ, gia trưởng đều phải rất tôn trọng chúng ta, hiện nay không thể cầu điều này. Vì sư đạo đã suy thoái, nên nói như thế nào? Như tôi thi đậu trường sư phạm rồi đi dạy, gặp rất nhiều bạn bè, câu đầu tiên họ hỏi tôi là gì? Tiền lương một tháng anh được bao nhiêu? Có sư đạo chăng? Sao không có người nào gặp tôi hỏi, anh thi đầu trường sư phạm rồi à. Hàn Dũ nói: "Sư giả, sở dĩ truyền đạo, thọ nghiệp, giải hoặc dã", tôi nghe như vậy nhất định pháp hỷ sung mãn. Họ lại không nói với tôi, muốn giải nghi hoặc của người khác, phải giải nghi hoặc chính mình trước. Nên làm thầy cô giáo phải tiếp tục học tập, làm thầy cô giáo phải khai trí tuệ mới được. Như vậy tôi đối với cuộc đời dạy học, nhất định phải như thế nào? Sung mãn động lực, mà còn không giám biếng nhác. Nên sư đạo cũng phải dựa vào thầy cô giáo, thật sự đem nó trở về, không thể đi cầu.
Ở Hải Khẩu rất nhiều thầy cô giáo đều tận tâm tận lực dạy Đệ Tử Quy, thực hành Đệ Tử Quy. Có một bà mẹ, trong sổ liên lạc với gia trưởng viết vô cùng cảm ơn, vô cùng cảm ơn, vô cùng cảm ơn, đã dùng ba câu "vô cùng cám ơn" để cám ơn thầy cô giáo. Có một vị phụ huynh, vì ông ta ở trong nội địa, trước đêm giao thừa, đang chuẩn bị đi máy bay về quê. Ở sân bay_sân bay Hải Khẩu, gọi một cuộc điện thoại cho thầy giáo của con. Ông ta nói: Thầy Lưu à, bây giờ cả gia đình chúng tôi sắp trở về nội địa đón tết, nên đặc biệt gọi điện tạm biệt thầy, chứng tỏ vị gia trưởng này đối với thầy giáo như thế nào? Rất tôn kính. Xin hỏi rất tôn kính là kết quả, vậy nguyên nhân ở đâu? Ở chổ thầy cô giáo thật tâm bỏ công sức ra, và phụ huynh cảm nhận được. Nên tôn nghiêm của sư đạo cần phải dựa vào phụ huynh dạy con cái, cũng phải dựa vào tấm gương tốt của chính thầy cô giáo, khiến người khác tôn kính.
Thời cổ đại người làm thầy đích thực đều là an bần lạc đạo, nhưng rất được đại chúng trong xã hội tôn kính. Mà gia trưởng cũng có thể nắm bắt cơ hội, dạy con cái cung kính thầy cô giáo, nên thời xưa đều có lễ bái sư. Cha dẫn con mình_có thể trẻ con năm sáu tuổi, bảy tám tuổi, đến chổ dạy học của thầy giáo. Người cha ở trước, đứa bé ở sau, đầu tiên là đối trước tượng Khổng Tử hành đại lễ ba quỳ chín lạy. Vì tất cả giáo huấn của thánh hiền trong Ngũ Kinh, Khổng Tử biên tập lại vô cùng hoàn thiện.
Nên người xưa tôn Khổng tử là Chí Thánh Tiên Sư, nên đầu tiên là hành lễ tam quỳ chín khấu đầu trước Khổng tử. Lạy Khổng tử xong thầy giáo ngồi vào vị trí, sau đó người cha dẫn con hành lễ ba quỳ chín khấu đầu trước thầy giáo. Trẻ con năm sáu tuổi, người tôn kính nhất là ai? Cha mẹ, đặc biệt là cha_mẹ hiền cha nghiêm_rất kính sợ cha. Nên khi cha đối với thầy giáo lại cung kính như vậy, trong tâm hồn nhỏ nhắn của chúng, nhất định không giám thất lễ với thầy giáo, không giám thô lỗ, vô cùng cung kính.
Tuy chỉ là một nghi lễ ba quỳ chín khấu, nhưng đã đem căn bản học nghiệp của bọn trẻ như thế nào? Cắm vững sự cung kính. Hiện nay nghi lễ này còn chăng? Không còn nữa. Năm đầu tiên tôi làm thầy giáo, chủ nhiệm một lớp, chủ nhiệm lớp sáu. Có một bà cụ khoảng sáu bảy mươi tuổi, cháu cụ không mang theo vở bài tập, bà cụ cầm đến giúp cháu, liên tục leo lên mấy lầu? Bốn tầng lầu, leo đến thở không nỗi. Đương nhiên bà cụ làm như vậy đúng chăng? Không đúng. Cháu đã lớn như vậy rồi, phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm, nếu không rất có thể suốt đời cũng không học được tinh thần trách nhiệm.
Khi tôi nhìn thấy vị trưởng bối này, bà cụ cũng ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi, lập tức cúi đầu 90 độ với tôi, bà cụ nói: Chào thầy Thái. Bà vừa cúi người xuống, tâm cảnh của tôi không giống như trước nữa. Hai chữ thầy giáo này có dễ gánh vác chăng?
Quý vị biết vì sao lưng tôi hơi cong chăng? Trưởng bối cúi đầu như vậy, chào thầy giáo! Trách nhiệm quá lớn. Chúng ta không nổ lực dạy con cái người ta, làm sao xứng đáng trước cái cúi đầu chân thành đó. Nên tôi đột nhiên lãnh hội được, ngày xưa khi hành lễ bái sư, lúc cha đứa bé hành lễ ba quỳ chín lạy trước thầy giáo, thử hỏi trong lòng vị thầy này có cảm nhận như thế nào? Trách nhiệm. Người ta đối với tôi như vậy, giả như không giáo dục con họ thật tốt, thì làm sao xứng đáng được, giống như trong lòng gánh một tảng đá vậy. Đợi những đứa trẻ này thật sự thành tựu, trong lòng thầy cô giáo mới có chút an ủi.
Nên những người thầy ngồi trên đó, không phải cảm thấy rất dể chịu, mà là gì? Thấp thỏm, như đến gần hồ nước sâu, như đi trên lớp băng mỏng. Thầy giáo không chỉ nghĩ đến phải phụ trách con cái gia đình người ta, còn vì truyền thừa đạo chính thống của văn hóa xưa, mà không thể đoạn mất trong tay họ, nên đây đều là bổn phận mà họ luôn ghi nhớ. Đạo chính thống của người xưa đặc biệt cường điệu sự kế thừa. Kế thừa là gì? Điều này đáng để cho chúng ta tìm hiểu.
Thầy tôi là pháp sư Tịnh không, ông đến Đài Trung thỉnh giáo thầy của ông là Lý Bỉnh Nam. Lần đầu tiên đi thầy Lý nói với ông, muốn theo tôi học phải có ba điều kiện, anh nhất định phải tuân thủ, nếu anh giữ được tôi mới có thể dạy. Thứ nhất, chỉ được nghe mình thầy giảng. Thứ hai, tất cả những sách muốn xem, những gì muốn tiếp xúc, thầy đồng ý mới được xem. Thư ba, thầy Lý nói với ông, sở học trước đây của anh tôi hoàn toàn không thừa nhận. Vì sư trưởng tôi đã đi giảng dạy rồi, không ngờ thầy ông nói, sở học trước đây của ông hoàn toàn không được thừa nhận, đối với nội tâm như thế nào?
Chúng ta thử xem kỷ ba quy định này, chúng ta không nên chỉ nhìn thấy sự nghiêm khắc của quy định này, mà phải nhìn thấy sự ảnh hưởng và lợi ích của quy định này về sau, như vậy chúng ta mới có thể yên tâm để tuân thủ. Vì sao điều đầu tiên là chỉ có thể nghe mình thầy giảng? Vì khi chúng ta chưa thật sự khế nhập vào học vấn, rất dể chuyển đổi. Quý vị tiếp xúc quá nhiều thứ, đến lúc đó không biết đâu mà tìm. Một vị thầy một con đường, hai người thầy hai con đường, nghe ba người thầy là ngã ba đường, nghe bốn người thầy là ngã tư đường.
Chư vị, quý vị quan sát tường tận xem, xung quanh chúng ta có rất nhiều người thích xem sách, nhưng họ xem được năm ba năm. Quý vị có phát giác, tư duy của họ ngày càng hổn loạn. Ví dụ tác giả nước ngoài đó viết như vậy, đột nhiên lại nói, nhưng tôi lại xem cuốn sách đó_tư tưởng, quan niệm của họ không nắm bắt được cương lĩnh của đạo đức, nên đạo lý dạy học quý ở chổ chuyên nhất. Dạy và học cùng một việc, nên đạo của học tập cũng phải lấy sự chuyên nhất làm trọng mới được.
Giả như bốn người thầy, liền trở thành ngã tư đường cái, mà khi quý vị học quá nhiều. Ví dụ quý vị học ba năm, 5 năm, học quá nhiều, nếu học lại từ đầu có dể chăng? Quả thật không dể, có thể cần phải bỏ ra nhiều thời gian để bài trừ những tư tưởng sai lầm, nên chọn thầy không thể không cẩn thận, chọn thầy giáo phải cẩn thận.
Từ trong môn học của mấy ngày nay, quý vị có cảm nhận được tánh quan trọng của việc cẩn thận ngay từ ban đầu chăng? Quý vị có trí tuệ mới giúp con mình "thận ư thủy", quý vị có trí tuệ mới làm cho mình quyết định đúng đắn. Nên thầy giáo đưa ra điều kiện thứ nhất, tại sao ngoài mình ông ra thì không được nghe ai khác? Đó là đang che chở giữ gìn tri kiến của học trò. Thứ hai, những sách cần đọc nhất định phải được thầy đồng ý, nếu không không được xem, đó là rất quý trọng học sinh, làm cho tâm họ chuyên chú không tạp loạn. Vì chuyên chú mới có định, định mới có thể khai trí tuệ, nên điều kiện thứ hai là tất cả sách phải được thầy đồng ý mới xem, đây đều là trân trọng giữ gìn học sinh.
Điều thứ ba, sở học trước đây đều không thừa nhận, dụng ý điều này là gì? Dụng ý ở đâu? Có câu người chỉ biết chút ít đã tự cho mình giỏi, người có kiến thức hời hợt rất khó học tập, nên thầy muốn ông buông bỏ tất cả, phải để tâm trống rỗng, dùng thái độ khiêm tốn để thụ giáo, như vậy mới học tốt được. Ba điều kiện này có ý nghĩa rất sâu xa, nên sư trưởng tôi đã đồng ý. Kết quả giữ được ba tháng, trong lòng rất vui mừng, liền đến nói với thầy Lý. Ông nói: Thầy ơi, trong ba tháng này, con đã cảm nhận được, vì giữ ba điều này nên tâm ngày càng thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh có thể sanh trí tuệ, có thể sanh giác chiếu. Nên ông nói với thầy Lý, con không phải chỉ giữ 5 năm, con muốn tăng thêm gấp bội, phải giữ bao lâu? 10 năm.
Khi chúng ta muốn theo học tập các bậc thánh hiền, cũng nhất định phải làm được ba điều kiện này, không nên xem quá nhiều sách. Nhất định phải đi theo con đường cũ, nếu không nghe lời người đi trước, thiệt thòi ngay trước mắt. Nếu muốn tìm thầy cô giáo, chúng ta phải theo thầy cô giáo nổ lực học tập. "Theo" quan trọng nhất phải chăng là thân thể đi theo? Là gì? Tâm phải theo. Thầy cô giáo dạy câu nào, chúng ta phải thực hành câu đó.
Nên ngày xưa như Mạnh tử không gặp Khổng tử, nhưng Mạnh Tử rất cung kính kiền thành lạy ai làm thầy? Lạy Khổng tử làm thầy. Tâm chân thành cung kính của ông vượt qua thời gian và không gian, nên học rất tốt, được người đời tôn xưng là Á Thánh, đứng sau thánh nhân là Khổng tử. Tư Mã Thiên cũng lấy Tả Khưu Minh làm thầy, vô cùng cung kính lễ bái đọc tụng Tả Truyện của ông. Tư Mã Thiên cũng thâm nhập vào công phu viết văn chương của Tả Khưu Minh, nên ông cũng viết ra kiệt tác để đời là Sử Ký.
Thế nên chư vị, chúng ta có thể theo học tốt với các bậc thánh hiền hay không, quan trọng nhất là phải cố gắng nâng cao sự hiếu học và tâm cung kính của chính mình để đối đãi kinh điển, đối đãi thiện hữu, đối đãi thiện tri thức.
Tiết học này chúng ta tạm dừng ở đây, cám ơn mọi người.
Hết tập 38
,����
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top