CHƯƠNG 6: HÀNH ĐỘNG
"Hành động không mệt, nghĩ mới mệt!"
Có lẽ nhiều người trong chúng ta thường hay suy nghĩ hơn hành động. Thật sự tôi cũng đã dành gần 10 năm để suy nghĩ đấy nhưng ảo tưởng vẫn hoàn ảo tưởng thôi. Khi xưa mỗi tối tôi đều tưởng tượng viễn cảnh của các bộ phim, truyện mỗi khi tôi thích và có lẽ là mỗi ngày tôi dành cả 3 tiếng để mơ tưởng là bình thường. Vâng, quá trình tưởng tượng chắc chắn rất đẹp rồi vì chúng ta có tưởng tượng cái gì xấu bao giờ đâu nhưng sau đó thì tôi thấy rằng kết quả của các cuộc mơ tưởng chỉ có một: Thời gian trôi dần đi nhưng chưa có cái gì thành cả!
Thật đấy, tôi chỉ tưởng tượng gần 10 năm trời mà không thật sự viết được một bộ tiểu thuyết nào hết mà đến giờ thì tôi cũng chẳng còn hứng thú và ý tưởng sáng tác tiểu thuyết cả nên tôi mới chuyển sáng viết thể loại self-help. Và quả như một câu nói bất hủ mà tôi đã từng nghe:"Sau này tất cả chúng ta sẽ hối hận về những gì mình không làm hơn là những gì mình đã làm". Những kinh nghiệm của tôi cho tôi thấy rằng câu ấy là hoàn toàn chính xác (tôi cũng khá nuối tiếc khi ấy không viết tiểu thuyết đấy).
Bạn hãy nhớ lại những lần vì sợ hãi mà bạn đã không giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học mà cuối cùng nó lại đúng hay những lần bạn im lặng nghe theo chỉ dẫn của cha mẹ là phải học trường này trường nọ trong khi trái tim bạn lại mách bảo rằng bạn không thích cái ngôi trường đó tẹo nào hay bạn muốn học cùng trường với crush cơ. Đa số chúng ta đều im lặng, ít khi hành động như cách mình muốn và có lẽ đâu đó trong ta vẫn còn vài phần nuối tiếc về quá khứ đã qua ấy, giống như tôi vậy. Nhưng những lúc như vậy bạn hãy nhớ đến một câu nói của Mark Twain:"Khi bạn đang rơi lệ vì đã bỏ lỡ ánh dương, bạn sẽ lại bỏ lỡ những vì sao"
Những giây phút hối hận ấy khiến ta tự dằn vặt chính mình và quả thật thâm tâm ta vẫn đang rơi lệ và có lẽ tồi tệ hơn là ta bắt đầu ghét bỏ hay chê trách cái tính trì hoãn đáng ghét của mình. Nhưng điều đó thật sự lại đang lãng phí thời gian và năng lượng của chúng ta đấy và kết quả là ta sẽ lại "bỏ lỡ những vì sao". Nhưng bạn cũng đừng quá căng thẳng vì khi bạn hối hận cũng đồng nghĩa với tín hiệu của trái tim để bạn làm một cái gì đó. Và điều bạn cần nhất là bước ra khỏi sự phán xét hay nỗi hối hận của bản thân để làm một cái gì đó-bất cứ cái gì bạn vẫn luôn tưởng tượng hay ao ước và hãy tin tôi, điều đó sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tưởng tượng viễn vông đấy.
Có lẽ ước muốn của bạn là có một thân hình thon gọn thì hãy bắt đầu đi bộ quanh hẻm xóm và nếu có một cái công viên gần nhà thì càng tốt, và bạn chỉ cần bắt đầu với 10 phút một ngày thôi.Còn nếu bạn muốn có một công việc tốt hơn lương thưởng cao hơn thì bạn phải hoàn thiện mình để cho mình xứng đáng với công việc mơ ước ấy bằng cách đọc thêm tài liệu chuyên khoa, học hỏi từ các đàn anh, đàn chị hay trau dồi cho bản thân thêm những kỹ năng mềm như giao tiếp ,thuyết trình hoặc lắng nghe bởi suy cho cùng thì sẽ làm gì có công việc tốt từ trên trời rơi xuống cho chúng ta cho đến khi ta đủ trình độ đâu.
Có thể bạn sẽ tự nhủ: "Mấy cái đó ai mà chẳng biết cơ chứ, chỉ là tôi có thử lên kế hoạch đầy đủ không thiếu ngày nào luôn rồi và vứt bỏ nó sau một ngày đấy. Tôi chẳng thể kiên trì với mấy cái trò nhàm chán này đâu!". Và sự thật là tôi cũng từng có suy nghĩ như thế đấy nhưng mọi chuyện đều có nguyên nhân của nó và bạn hãy tự hỏi mình vì nguyên nhân gì mà bạn lại dễ bỏ cuộc như thế. Tôi đoán là bạn sẽ nghĩ: "Cái này thì nghĩ bằng đầu ngón chân cũng biết, không thích chứ gì nữa, tôi mê cái điện thoại với hàng chục bộ phim, truyện hay cái PC với hàng đống trò chơi mới hơn cơ"
Và rồi chúng ta sẽ cùng nhau đi phân tích niềm tin đã chi phối hành vi của mỗi người nhé. Và có lẽ bạn đã nhận ra rằng chúng ta phần nhiều sẽ cho rằng để có thể hành động thì cần phải có động lực, tức là đây là bài toán một chiều: động lực->hành động nhưng liệu đó có phải sự thật? Đúng là vậy ấy nhưung bài toán ấy vẫn chưa hoàn thiện vì nó phải là dấu tương đương cơ: ĐỘNG LỰC<=>HÀNH ĐỘNG. Tức là động lực dẫn tới hành động và hành động sẽ tạo động lực. Bạn thấy được vấn đề rồi chứ: bởi vì chúng ta còn chưa hành động đủ gì thì lấy đâu ra động lực cơ chứ!
Một số bạn đã hành động được vài ngày (là nhiều) có lẽ sẽ bảo:"Vô lí! Tôi hành động rồi thấy chán muốn chết nên mới bỏ ấy chứ động lực thì chẳng thấy đâu". Vâng chúng ta cần phân tích tiếp nhé. Tôi nghĩ rằng đa số chúng ta ban đầu khi muốn học hay thay đổi một thứ gì đó sẽ đều lấy giấy bút ra lên kế hoạch đầu tiên. Và tất cả mọi người thay đổi thành công hay bỏ giữa chừng đều làm vậy cả. Vậy sự khác biệt nằm ở đâu đây? Cũng đặt ra mục tiêu rõ ràng rồi thời hạn các kiểu như bao cuốn sách self-help vẫn thường bảo nhưng sao có người thì thành công rực rỡ còn có người thì chẳng viết xong cái bảng biểu là vứt nó ở một xó nào rồi.
Các thí nghiệm cho thấy sự khác biệt lớn nhất nằm ở nội dung của những tấm bảng biểu hay thời khóa biểu ấy. Câu trả lời rất đơn giản: Những người có thể kiên trì đến cùng đã thêm vào những hoạt động học thích làm đan xen với những gì họ cần/nên làm. Bạn thử nghĩ lại đi, mỗi khi bạn lên kế hoạch cho bản thân có phải là những môn học Toán, Lí, Hóa, Văn, Anh hay những hoạt động đọc sách, nghe tiếng Anh nối liền nhau mà nhìn thôi cũng đã thấy mệt không. Chắc chắn rằng có người cũng sẽ kiên trì được với cái bảng kế hoạch ấy nhưng tiếc thay số lượng ấy thì lại ít đến không đáng kể. Nên bên cạnh những thứ bạn muốn mình phải làm hãy viết thêm những thứ bạn thích làm nữa như đọc truyện xem phim, chơi game,...
Vậy cách để thay đổi khôn ngoan không phải là as much as possible - càng nhiều càng tốt đâu mà là vận dụng sức mạnh của thói quen. Bạn đã thử đi ngủ trễ và dần dà nhận ra nó đã trở thành thói quen không? Tôi thì có đấy nhưng khi bạn phát hiện ra và muốn ngủ sớm thì lại "trằn trọc đêm khuya giấc chẳng thành" như Bác Hồ vậy. Và những lúc như vậy tôi khuyên bạn thay vì chuyển từ ngủ lúc 12 giờ đêm sang 9 giờ đêm thì hãy chuyển từ 12 giờ đêm sang 11 giờ 50 phút đêm. Có lẽ bạn sẽ thấy có 10 phút thì có ý nghĩa gì đâu cơ chứ! Nhưng vấn đề nằm ở đó đấy! Bạn thấy 10 phút ngủ sớm hơn không có ý nghĩa hay 10 phút đi bộ lòng vòng quanh khu nhà cũng chẳng là bao nhiêu nên bạn mới có thể tiếp tục làm đấy.
Chính vì bạn thấy những hành động nhỏ ấy không đáng kể nên bạn thực hiện chúng rất nhẹ nhàng mà không cần sự gò bó ép buộc hay những lời thề thốt:"Tôi hứa mai tôi sẽ làm" nữa bởi vì vấn đề bây giờ đâu còn khó khăn nữa thì cần gì để mai, giờ làm luôn đúng không. Và dần dà trong lúc bạn không ý thức thì những thói quen nhỏ ấy đã thành một phần của bạn và bạn sẽ thấy rất trống vắng nếu thiếu chúng đấy! Và đó là lúc chúng sẽ tạo động lực cho bạn, như 10 phút ngủ sớm cho bạn đỡ mệt hơn và bạn lại tiến đến 20 phút sớm hơn, 30 phút,... 1 tiếng! Bingo! Thành công vượt mong đợi.
Thành công hay thất bại sẽ tùy thuộc vào những thói quen nhỏ tốt hay xấu như thế đấy! Đọc xong chương này tôi tin rằng bạn đã có ý định thực hiện những gì mình luôn hứa hẹn bấy lâu rồi phải không? Bất kể cái gì đi chăng nữa, nếu giảm cân thì đi bộ 10 phút, ăn ít một muỗng cơm, muốn học thêm Toán thì lấy vở bài tập ra giải một bài hay nghiền ngẫm kiến thức mà giáo viên giảng còn muốn kiếm một công việc tốt hơn thì đọc vài trang sách để nâng cao trình độ chuyên môn. Bất kể thứ gì, hãy bắt đầu ngay bây giờ từ những điều nhỏ nhặt nhất vì những điều phi thường, vĩ đại bản chất cũng là những điều bình thường, nhỏ nhặt thôi!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top