hang son den QMD

TỪ HẰNG SƠN ĐẾN QUANG MINH ĐỈNH

Trung Quốc là xứ sở của núi non hùng vĩ. Trong những rặng núi đó có nhưng ngọn đã trở thành thiêng liêng, là "đạo trường" của Bồ-tát như Ngũ Đài sơn của Văn-thù, Nga Mi sơn của Phổ Hiền, Cửu Hoa sơn của Địa Tạng và Phổ Đà sơn của Quan Âm. Đó là "tứ đại danh sơn" mà về sau sẽ được nhắc tới.

Song song, Trung Quốc còn có năm rặng núi thiêng khác được gọi là Ngũ Nhạc với trung tâm và bốn hướng đông tây nam bắc. Đó là Tung sơn ở trung tâm, thuộc tỉnh Hà Nam; Thái sơn phía đông, thuộc tỉnh Sơn Đông; Hoa sơn, phía tây thuộc tỉnh Sơn Tây; Hành sơn phía nam, thuộc tỉnh Hồ Nam và Hằng sơn phía bắc thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngũ Nhạc là nơi "trời đất giao nhau", nơi các đời vua chúa từ 2000 năm nay đến cầu đất nước thái bình thịnh trị.

Trung Nhạc Tung sơn, cách Lạc Dương khoảng 50km phía đông nam, đỉnh cao nhất là 1440m. Tại Tung sơn, Thiếu Lâm tự được xây dựng năm 495, nó là quê hương của Thiền tông Trung Quốc, võ lâm bắc đẩu. Đây là ngôi chùa mà khoảng năm 520 Bồ-đề Đạt-ma đã đến đây, quay mặt vào tường chín năm và cuối cùng truyền tâm cho Huệ Khả.

Đông Nhạc Thái sơn được xem là rặng thiêng liêng nhất, đó là rặng núi của Đạo giáo. Nằm về phương đông , phía mặt trời mọc, Đông Nhạc là nơi vua chúa thân hành đến tế trời đất từ hơn 2000 năm nay. Chỗ cao nhất của Thái sơn đo được 1545m. Thái sơn là nơi thờ thần Thái Sơn phủ quân của Đạo giáo, vị thần thống lĩnh đời sống trần gian, chỉ nghe lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế. Đền cao nhất của Thái sơn là đền Ngọc Hoàng, cao 1524m.

Tây Nhạc Hoa sơn là rặng núi cũng với năm đỉnh đông tây nam bắc và trung tâm, mà đỉnh cao nhất là Liên hoa đỉnh, cao 2100m. Giữa năm đỉnh đó là con đường đá đi từ vách này qua vách khác mà cứ mỗi bước chân là dẫn đến một phong cảnh khác lạ. Ngày nay trên Hoa sơn người ta còn thấy một phiến đá phẳng. Huyền sử chép rằng đó là chỗ Triệu Khuôn Dẫn, thái tổ nhà Tống, đánh cờ với Trần Đoàn, đạo sĩ trường sinh bất tử. Triệu Khuôn Dẫn thua, phải nhường Hoa sơn cho đạo sĩ.

Nam Nhạc Hành sơn có đến 72 đỉnh mà đỉnh cao nhất đo được 1290m. Tương truyền rằng trên đỉnh Tử Cái, một đỉnh cao của Hành sơn, nhà vua thần kỳ Hoàng Đế đã hội nghị với các chư hầu miền nam. Đến thế kỷ thứ 20 (trước công nguyên), có nhà vua tên Vũ, cháu năm đời của Hoàng Đế, hậu duệ của Nghiêu Thuấn, là kẻ khai sáng đời nhà Hạ (thế kỷ 21-16). Ông lên đây quan sát địa thế để vạch kế hoạch trị thủy, ngày nay còn để lại danh thơm. Tại Nam Nhạc Hành sơn hiện còn có rất nhiều đền đài của Đạo giáo và Phật giáo.

Bắc Nhạc Hằng sơn nằm cách Đại Đồng khoảng 75km là một rặng núi mênh mông với đỉnh phía bắc cao 2017m. Trên đỉnh phía bắc này ngày nay còn lại đền thờ lớn nhất của Hằng sơn, xung quanh là rừng thông bao phủ. Trên sườn núi Hằng sơn có nhiều đền đài mà nổi tiếng nhất là Huyền Không tự, tức là "chùa treo". Chùa này được tôn là một trong mười thắng cảnh của tỉnh Sơn Tây. Huyền Không tự quả nhiên như treo cheo leo trên sườn núi. Từ xa người ta tưởng là sườn Hằng sơn được vẽ tạc hình một ngôi chùa, tới gần mới hay đó là một tổng thể khoảng 40 điện thờ nhỏ bé với rất nhiều tượng Phật, Bồ-tát. Các điện này được xây dựng trong thế kỷ thứ sáu, nối với nhau bằng các hành lang gỗ, nằm cheo leo trên sườn núi, được chống bằng những cột sắt.

Tôi đến Hằng sơn vào buổi trưa, nghỉ trong một quán mang tên "Hằng sơn tửu điếm". Nghe tên Hằng sơn, lòng tôi đã rộn rã, bỗng nhớ Kim Dung và Lệnh Hồ Xung của ông vô cùng. Cám ơn Kim Dung, ông là người làm tôi biết và yêu mến một nước Trung Quốc trừu tượng trong ký ức. Quá khứ tôi bỗng hiện về rõ mồn một, tôi nhớ những năm của đầu những năm sáu mươi, khi truyện của Kim Dung còn đăng báo ngày và mình nằm dài trên nền nhà đọc tờ Tiếng Vang, trong đó có Cô Gái Đồ Long. Kim Dung đưa tôi đi khắp Trung Quốc với các địa danh tuy xa lạ nhưng rất thú vị như Động Đình Hồ, Ngũ Nhạc, Thiếu Lâm tự. Quan trọng hơn, ông khắc họa cho tôi về một xã hội Trung Quốc tuy xa vời vợi như hoang đường nhưng hết sức gần gủi hầu như ta có thể tìm thấy mình trong đó. Tôi vẫn nhớ Kim Dung trong mỗi bước đi tại Trung Quốc, trong mỗi dòng viết về Trung Quốc. Vì thế tôi rất để ý tìm hiểu Khưu Xứ Cơ, Vương Trùng Dương, Trương Tam Phong, những nhân vật có thật, tiền bối của Trương Vô Kỵ. Tôi thích nhắc tới Chu Nguyên Chương không phải vì ông là thái tổ nhà Minh, cũng không phải ngày trước ông là tăng sĩ, mà vì ông là nhân vật có thật trong Cô Gái Đồ Long, được kể lại trong truyện lúc Trương Vô Kỵ bắt đầu sống đời nhàn nhã với Triệu Minh. Với Cô Gái Đồ Long, Kim Dung đã vẽ nên một xã hội hiện thực của loài người, trong đó thiện ác lẫn lộn, ánh sáng và bóng tối chồng lên nhau nhiều lớp, cái phải cái trái tồn tại song hành cùng một lúc trong xã hội và trong tâm lý con người. Chính phái và ma giáo tưởng chừng như hai thái cực đối lập với nhau đã hòa với nhau, trong chính phái có những hành động hết sức đen tối và trong ma giáo có những con người đáng làm thầy của những kẻ tưởng mình đi trên đường vương đạo. Và nhất là Kim Dung đã cho tình yêu nảy nở giữa những con người mà quê hương chính tà của họ cách nhau vạn dặm, cho thấy những giá trị thuộc đầu óc lý luận chưa bao giờ thay thế tiếng nói sâu thẳm của trái tim.

Sau Cô Gái Đồ Long, Kim Dung còn một kiệt tác, đó là Tiếu Ngạo Giang Hồ, bản thân ông đã già giặn hơn rất nhiều sau các tác phẩm trước. Với Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung đã vẽ một toàn cảnh đương đại với một khung xã hội và chính trị rộng lớn, trong đó con người vừa là kẻ đạo diễn mọi điều xẩy ra trên sân khấu, vừa chịu cảnh vui buồn của những gì do mình bày ra. Tác phẩm này đã một thời làm tôi biết nhìn cuộc đời không phải chỉ gồm hai màu đen trắng. Thế nhưng cần nói thêm là, với số tuổi ngày nay, tôi càng nhận ra rằng đó là một tác phẩm phản ánh sâu sắc kiếp nhân sinh, xót xa thay số phận con người nằm trong mọi sự xô đẩy của những ngọn sóng lành dữ khác nhau, những đam mê đầy nhân tính, những âm mưu quỉ quyệt. Cũng trong bức tranh đầy những mảng tối sáng đó, con người với tình yêu của nó mới sáng lên tính cá thể của mình. Và ngay cả tình yêu tưởng chừng là một điều rất riêng tư cũng không bao giờ trọn vẹn, Lệnh Hồ Xung của Kim Dung tuy hạnh phúc hòa hợp với Doanh Doanh nhưng chàng vẫn tưởng nhớ đến một tình yêu vô vọng.

Với Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi biết đến Ngũ Nhạc và ngày nay đến đây, lòng tôi sao khỏi có niềm rộn rã kính trọng. Hằng sơn tửu điếm này nằm ngay dưới chân Hằng sơn của phái Nga Mi phải là nơi giang hồ đã lắm người qua lại, nơi Lệnh Hồ Xung và Đào cốc lục tiên ghé ăn nhậu còn nàng Nghi Lâm mà tôi yêu mến chắc không khi nào dám vào. Tiểu nhị đem bánh bao ra ! Thì ra bánh bao là một thứ người Trung Quốc hay ăn như ta ăn cơm, và ta ăn cơm trắng thì bánh bao của họ trắng trơn không nhân. Tôi thử chiếc bánh bao và công bằng mà nói thì thấy nó nhạt nhẽo, không hiểu tại sao đại hán ngày xưa ăn "mấy cân bánh bao" một lúc. Và rượu thì ngày xưa hẳn Đào cốc lục tiên uống không bao giờ đủ, ngày nay người Trung Quốc uống bia. Như tại Việt Nam, ở đâu cũng có bia, tỉnh nào cũng có hiệu bia, chai nào chai nấy to gần cả lít. Bia Thanh Đảo nổi tiếng nhất, nhưng tại rặng Cửu Hoa sơn xa xôi cũng có bia Cửu Hoa.

Nhớ chàng trai Trương Vô Kỵ tôi không thể không nhớ đến Quang Minh Đỉnh. Đó là sào huyệt của Ma giáo mà chàng đã lần mò theo một ông hòa thượng leo lên tới. Nhưng Quang Minh Đỉnh có thật chăng ?

Quang Minh Đỉnh là một đỉnh của rặng Hoàng sơn. Hoàng sơn là đệ nhất danh sơn của Trung Quốc. Ngũ Nhạc đã đẹp nhưng Hoàng sơn vượt xa Ngũ Nhạc.

(Hình trích của "Huangshan in China", Publishing house of China National, Academy of fines Arts, 1994)

Hoàng sơn nằm trong tỉnh An Huy, là một rặng núi có 72 đỉnh mà đỉnh cao nhất là Liên Hoa đỉnh (1860m) và sau đó là Quang Minh Đỉnh (1840m). Huyền sử chép rằng nhà vua Hoàng Đế đến đây để luyện linh đan sống ngàn năm nên núi có tên Hoàng sơn. Ngày nay dưới chân Hoàng sơn là một thành phố có sân bay, đến từ Hàng Châu, Thượng Hải rất tiện.

Nhà du khảo nổi tiếng đời Minh, Từ Hà Khách, là tác giả của "Từ Hà Khách du ký", một tác phẩm có giá trị về văn hóa và khoa học. Ông đã đến đây và thốt lên:"Đến Ngũ Nhạc thì không kể mọi danh sơn khác, đến Hoàng sơn thì không kể Ngũ Nhạc". Hoàng sơn thật là một cảnh non bồng nước nhược với bốn đặc tính: sườn núi như vách dựng đứng, rừng thông đầy hình thù kỳ dị, thế đá lạ lùng bí hiểm và cảnh mây bọc núi, núi xuyên mây. Hoàng sơn là nơi thống nhất uy danh của các núi lớn: cái tôn quí của Thái sơn, màu hoang dã của Hoa sơn, biển mây mênh mông của Hằng sơn, thác nước cuồn cuộn của Lư sơn và phong thái thần tiên của Nga mi sơn. Hoàng sơn chính là đối tượng sơn thủy của tranh thủy mặc từ nhiều ngàn năm nay. Trên sườn Hoàng sơn vào mùa xuân người ta chỉ thấy một vùng trắng như tuyết nhưng không phải tuyết, hỏi ra thì đó là Đào hoa phong, đỉnh chỉ trồng hoa đào.

Tôi đến Hoàng sơn để ngắm những ngọn núi hầu như cổ tích này. Trung Quốc mênh mông và quá nhiều cảnh đẹp, nếu chỉ thăm một núi thì đó là Hoàng sơn; nếu chỉ thăm một hồ thì đó là Tây hồ ở Hàng Châu. Nằm dưới chân Hoàng sơn lại còn có một thị trấn còn giữ lại được từ thời nhà Tống, thế kỷ thứ 9, thứ 10. Thị trấn này làm tôi nhớ đến Hội An, ngày nay nó là cũng chỗ bán đồ lưu niệm nhưng nó cổ hơn Hội An khoảng 400 năm và toàn bộ nhà cửa ngày xưa còn nguyên vẹn suốt cả một con đường dài vài km.

Hoàng sơn là đệ nhất danh sơn, "đến Hoàng sơn thì không kể Ngũ Nhạc", đó phải là lý do mà Ma giáo đã một thời chọn Quang Minh Đỉnh làm ngai vàng để muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ, chống lại các chính phái. Đến Hoàng sơn tôi hiểu thêm rằng, những gì mình đọc Kim Dung ngày xưa là một sự phối hợp tài tình giữa lịch sử và địa lý có thật của Trung Quốc, hòa trong nền tảng thực tế của đạo lý, tâm lý và xã hội của đất nước này, cùng với tài hư cấu tuyệt vời để khắc họa những trong nhân vật, sáng tạo những hành động và cảnh ngộ vừa hoang đường vừa hiện thực.

Cuộc ác chiến trên Quang Minh Đỉnh không hề có thực nhưng Hoàng sơn, ngọn núi nằm tại hạ lưu sông Dương Tử, là kẻ chứng kiến những trận chiến đẫm máu suốt trong lịch sử Trung Quốc. Trước công nguyên tại vùng này đã xảy ra cuộc Hán Sở tranh hùng, cuối cùng Hạng Vũ thua, tự tử tại Cai Hạ trên bờ Dương Tử. Trước đó, Ngô Phù Sai cũng bị Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nơi đây. Đầu thế kỷ này, đây cũng là nơi Nhật và các nước phương tây xâu xé Trung Quốc. Và, làm sao khác được, cũng chính đây là nơi phát sinh các cuộc cách mạng vũ bão tại đất nước mênh mông này.

Tôi đến Hoàng sơn, hoa đào trên đỉnh Đào hoa phong vẫn nở trắng trinh nguyên như ngày trời đất mới mở hội. Tất cả, những gì hư cấu hay có thực, đã chìm trong lịch sử. Mầu nhiệm thay, thời gian.

TỪ TIỂU NI CÔ NGHI LÂM ĐẾN NÀNG LÝ NGƯ

Dưới chân Hằng sơn tôi không thể không nhớ đến một người con gái tên gọi là Nghi Lâm. Đó phải là một thiếu nữ tươi đẹp, hoạt bát, đầy nhựa sống, ham hoạt động. Thế nhưng đồng thời, nàng là một tiểu ni cô với hạnh nguyện nghiêm túc mà cuộc đời mãi mãi gắn liền nơi cửa Phật. Những cuộc đấu tranh long trời lỡ đất trong Tiếu Ngạo Giang Hồ đưa đẩy nàng xuống núi hành hiệp, nhưng cứ mỗi lần phạm chút lỡ lầm, nàng lại thầm cầu mong bồ-tát tha tội.

Với tuổi tác và võ công non kém, Nghi Lâm "hành hiệp" không hiệu quả lắm, nàng chỉ có một vai trò rất phụ thuộc. Nàng chỉ "nổi" trong sự hoạt bát đầy thông minh của mình và cũng với tấm lòng yêu cuộc sống đó, nàng cảm thấy gần gủi tự nhiên với Lệnh Hồ Xung, một chàng trai dễ yêu. Theo đà câu chuyện, Kim Dung sáng tạo ra cả cảnh Lệnh Hồ Xung phải miễn cưỡng làm cả trưởng môn phái Nga Mi của Hằng sơn, dẫn đầu cả một đám nữ đệ tử trong đó có Nghi Lâm. Hay thay cái chính tà đan chéo lẫn lộn, một kẻ bị trục xuất ra khỏi Hoa sơn vì "theo tà bỏ chính" mà lãnh đạo Hằng sơn, các vị ni sư Hằng sơn dám phá chấp để gọi một chàng trai ham rượu chè về núi để điều động đệ tử. Trong khung cảnh đó một tình cảm nẩy nở trong lòng Nghi Lâm mà nàng không biết gọi tên.

Nghi Lâm không biết gọi nó là tình yêu, thứ tình cảm mà nàng thấy thể hiện bằng sự quyến luyến Lệnh Hồ đại ca. Nàng không tìm cách kềm chế nó như các vị sư trưởng của nàng mong đợi, vì đối với nàng, tình cảm đó chưa có gì là tội lỗi. Các vị sư tỉ của nàng già giặn hơn, biết đó là tình yêu và tìm cách ngăn cản một cách nhẹ nhàng, đầy từ bi như bồ-tát của họ. Dễ thương biết bao, mối tình nhẹ nhàng này của tác phẩm, nó xuyên suốt đến cuối câu chuyện để Nghi Lâm rốt cuộc trở thành một người chủ chốt, hạ thủ cả Nhạc Bất Quần. Đáng thương thay cho nàng, nàng sẽ ân hận suốt đời vì hành động mà người như Nghi Lâm sẽ cho là vô đạo đó. Và không ai rõ sau khi câu chuyện chấm dứt, các vị sư nữ trở về núi tu hành tụng niệm, làm sao Nghi Lâm quên được lòng "quyến luyến" của mình. Liệu sau đó nàng biết đó là tình yêu hay không, đó là điều người đọc truyện tự trả lời.

Đến Hằng sơn, tiếc thay tôi không còn thấy một tiểu ni cô nào cả. Đi nhiều nơi thăm nhiều tự viện tại Trung Quốc ngày nay, tôi cũng không thấy một vị sư nữ nào, chứ đừng nói tới ni cô vai mang kiếm đi hành hiệp. Tại nhiều chùa tôi nghe nói đến có sư nữ nhưng hình như chúng tôi không được thăm viếng. Hẳn hình ảnh sư nữ Phật giáo đã biến mất khỏi xã hội Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng tại Bắc Kinh, tôi gặp một chuyện lạ. Tôi được đi xem opera, tuồng "Truyện nàng Lý ngư" tại Nhà hát lớn ở Bắc Kinh, cách quảng trường Thiên An môn không xa.

Tuồng kể có chàng thư sinh nọ, gia đình nề nếp. Lúc nhỏ chàng đã được đính hôn với con gái của một ông quan. Về sau cha mẹ chết sớm, gia đình sa sút, chàng thư sinh ngày càng nghèo, gia đình ông quan nọ tỏ vẻ xa lánh chàng. Chàng thư sinh buồn bã không thiết gì đến việc học hành, ngày đêm thở vắn than dài. Ngày nọ cô tiểu thư con ông quan đến thăm thư sinh, bày tỏ vẫn yêu thương chàng, nhưng tại cha mẹ nàng sinh lòng rẻ rúng, chứ nàng vẫn quyết một lòng chung thủy với chàng. Chàng thư sinh hết sức phấn khởi, chăm chỉ học hành. Chàng có ngờ đâu người con gái đó là một nàng Lý ngư sống trong hồ, tu luyện lâu năm, biết được hoàn cảnh của chàng, biến hiện thành tiểu thư nọ đến khuyên nhủ để chàng yên tâm dùi mài kinh sử.

Ngày nọ đến hội hoa đăng, đôi trai tài gái sắc đi hội, không ngờ gặp nàng tiểu thư thật ! Chàng thư sinh lấy làm kỳ thấy hai người giống nhau như hệt mà người nào cũng tự xưng là tiểu thư cả. Ông quan nọ được vời đến để phân biệt ai là con gái mình, thế nhưng không sao biết được cả, vì nàng Lý ngư có thần thông đã biết hết mọi chuyện riêng tư của nàng tiểu thư. Nàng Lý ngư đã lỡ hiện hình tiểu thư, nàng phải làm cho trót vai trò, nhưng còn thêm một điều thú vị, đó là nàng đã lỡ yêu chàng thư sinh mất rồi. Ông quan nọ không biết làm sao nên đem cả hai nàng đến Bao Công nhờ phân xử. Nàng Lý ngư có một ông anh sống tại thủy cung, thần thông xuất chúng. Ông anh này liền biến mình thành Bao Công để tìm cách bênh vực cho cô em gái. Thú vị thay khi thấy hai Bao Công và hai tiểu thư giống hệt nhau trên sân khấu trong sự hoang mang hoảng hốt của ông quan nọ và chàng thư sinh tốt số. Cuối cùng Bao Công thật mới dùng cái kế muôn đời là đem thư sinh vô tội ra đánh đòn trừng trị để xem phản ứng của hai nàng tiểu thư, qua đó mà biết ai thật ai giả. Cũng lụy vì tình mà nàng Lý ngư lộ bản chất chỉ là con cá chép tu luyện ngàn năm. May mắn thay cho nàng, chàng thư sinh không chê nàng mà đem lòng yêu thương, theo về đến thủy cung.

Tưởng như vậy là ổn, ai ngờ đây là một chuyện sai đạo lý, người không thể chung sống với súc sinh ! Và người thi hành đạo lý đó là tướng nhà trời Dương Tiễn. Dương Tiễn đem quân đến thủy cung bắt Lý ngư. Ngờ đâu Lý ngư cũng như chàng thư sinh yếu đuối nhất định đánh lại, thà chết chứ không chịu xa nhau. Cuối cùng Lý ngư đánh không lại Dương Tiễn, nàng cầu cứu Phật Bà Quan Âm. Bồ-tát Quan Âm hiện ra, cho nàng lựa chọn, nếu là vì tình yêu thì được biến thành người, chung sống với thư sinh nhưng phải mất công phu tu luyện, mất tuổi thọ mấy ngàn năm. Nàng Lý ngư thưa: "Nếu không có tình yêu thì sống ngàn năm phỏng có ích gì". Xúc động thay lời nói của nàng. Sau đó nàng chịu cho Dương Tiễn rút ba cái vảy thần, chúng là hiện thân của kết quả tu luyện ngàn năm của mình và về sống làm người với cuộc đời dân giã.

Trong bóng tối, tôi thầm lặng cảm nhận câu chuyện, nhận ra lòng mình nhiều cảm khái về opera của Bắc Kinh nổi tiếng toàn thế giới mà ta tạm gọi là "hát bộ". Hay thay, giải pháp có tình có lý đầy từ bi, đầy tính người của Quan Âm. Liều lĩnh thay, Lý ngư, dám bỏ công phu tu luyện ngàn năm để làm kiếp nhân sinh nhiều rủi ro, đầy trắc trở; bỏ thần thông để làm con người yếu đuối và bất lực trước mọi hoàn cảnh. Tất cả những hy sinh đó chỉ để làm theo tiếng gọi của trái tim. Và lạ lùng thay, giữa Bắc Kinh mà có những vở tuồng có tính phê phán xã hội và đầy tính tâm linh tôn giáo, trong đó Bao Công thật và giả đấu tranh với nhau trước mắt người dân, trong đó hình ảnh của Nam Hải Quan Âm được trình bày hết sức trân trọng và cuối cùng giải pháp của Ngài đề ra là chung quyết, trọn vẹn cho con người.

Nghi Lâm và nàng Lý ngư đều là những hình tượng tuyệt đẹp để tả tình yêu trai gái, một khía cạnh ưu việt của văn hóa nghệ thuật Trung Quốc. Hai câu chuyện khác nhau xa về kết cục nhưng giống nhau ở chỗ hai nàng đều xả thân, không tiếc mạng sống mình. Những điều đó làm rung động đến tâm can người đọc người xem. Những mối tình nhẹ nhàng như của Nghi Lâm, mãnh liệt như của Lý ngư đều có một nguồn gốc chung là tính người. Vì thế chúng được thể hiện khắp nơi, có thể nằm trong một bộ trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung, cũng có thể ở trong một tích tuồng đầy màu sắc và tiếng thanh la não bạt của opera Bắc Kinh.

NGŨ ĐÀI SƠN ( Wutaishan)

Năm 67 sau công nguyên, Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan gặp Hán Minh Đế và sau đó như ta đã biết, Bạch mã tự là chùa đầu tiên được xây dựng. Nhà vua người Hán còn hỏi hai vị Phạm tăng: "Pháp Phật chỉ lưu truyền ở Thiên trúc, sao không thấy giảng giải tại Trung nguyên". Hai vị đáp: "Có chứ, ngày nay có vị Bồ-tát Văn-thù đang giảng pháp tại Thanh Lương sơn".

Thanh Lương sơn cũng là địa danh được nhắc tới trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Bồ-tát trụ xứ: "Vùng Đông Bắc [2]

có núi Thanh Lương từ xưa đến nay các vị Bồ-tát thường trú ở đó. Hiện có Bồ-tát Văn-thù Sư-lợi cùng quyến thuộc và các Bồ-tát khác nữa đông tới vạn người thường thuyết pháp ở đây" [3] .

Thanh Lương sơn là tên khác của Ngũ Đài sơn, nằm tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Vì những lẽ trên mà từ xưa tới nay, Ngũ Đài sơn được xem là trú xứ, là đạo trường của Văn-thù Sư-lợi. Theo truyền thuyết, Bồ-tát Văn-thù là người cùng với A-nan kết tập bộ kinh Hoa Nghiêm, sau đó trao cho Long Vương cất giữ rồi Long Vương mới trao cho luận sư Long Thụ để phổ biến. Vì thế mà Kinh Hoa Nghiêm rất gần gủi với Văn-thù và Ngũ Đài sơn là nơi các vị tổ của tông Hoa Nghiêm tu học.

Văn-thù Sư-lợi là vị Bồ-tát được gọi là vị "đại trí". Ngài là một vị cổ Phật nhưng đóng vai trò Bồ-tát để giáo hóa, nhiều vị thành Phật là cũng nhờ Ngài. "Văn-thù Sư-lợi vẫn thường làm mẹ của vô lượng chư Phật. Ngài luôn làm thầy của vô lượng Bồ-tát. Ngài giáo hóa vô lượng chúng sinh...Ngài trụ trong trí huệ thâm sâu, thấy biết được tất cả các pháp đúng như thật, Ngài thông đạt thấu suốt tất cả cảnh giới giải thoát" [4] . Đó là lời của Di-lặc nói với Thiện Tài và khuyên Thiện Tài nên đi gặp Văn-thù Sư-lợi. Tại sao Thiện Tài phải tìm đến gặp Văn-thù ? "Vì từ trước đến nay, mọi thiện tri thức mà ông gặp để rồi được nghe hành bồ-tát, để vào được cửa giải thoát, để được đầy đủ đại nguyện, đều do thần lực của Văn-thù Sư-lợi" [5] .

Tôi từ Đại Đồng, xuống phía nam, đến Ngũ Đài sơn đảnh lễ Văn-thù. Ngũ Đài sơn là một rặng núi cách Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây khoảng 200km. Đây là một rặng núi với năm "đài" mà đỉnh phía Bắc, Bắc đài, cao đến 3058m. Từ thời Hán Minh Đế ở đây đã có một tự viện thờ Văn-thù, về sau nơi đây có hàng trăm đền chùa, bảo tháp. Ngày nay trên núi có 54 đền chùa, nằm rải rác khắp rặng núi. Sau khi đi qua nhiều con đèo hiểm nghèo, xe đến Đài Hoài trấn, đó là thị trấn nằm giữa lòng Ngũ Đài sơn và cũng là nơi đi bộ leo lên nhiều tự viện chủ yếu của núi. Tôi đến Đài Hoài trấn buổi trưa nhưng trời mát lạnh, ở đây có độ cao 1435m. Đường đèo dẫn đến Đài Hoài tuy rất tốt nhưng hết sức vắng xe, có ai ngờ đến đây mới thấy đây là một thị trấn tấp nập toàn cả khách hành hương tham bái. Đường đến Ngũ Đài sơn rất khó khăn và cũng nhờ thế mà các tự viện ở đây thoát khỏi sự tàn phá trong thời cách mạng văn hóa.

Từ làng Đài Hoài ta có thể đi bộ lên phía bắc để đến Hiển Thông tự. Đây là ngôi chùa cổ nhất của Ngũ Đài, được kiến lập trong thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Theo thời gian Hiển Thông Tự được mở rộng để ngày nay có 7 tự viện nằm trên một trục và nhiều đền nằm xung quanh. Tổng diện tích của Hiển Thông tự lên đến 80.000 m2. Hiển Thông tự là nơi mà Thanh Lương Trừng Quán thời nhà Đường, tổ thứ tư của tông Hoa Nghiêm trụ trì và dịch, chú giải kinh Hoa Nghiêm. Tại đây có câu đối nói về Pháp thân và Văn-thù:

Pháp thân vô khứ vô lai, trụ tịch oai nghi bất động,

Đức tướng phi không phi hữu, ứng tùy cơ dĩ hằng châu.

(Pháp thân không đi không đến, vững yên oai nghi không động,

Đức tướng chẳng không chẳng có, luôn luôn tùy cơ ứng hiện)

Phía bắc của Hiển thông điện là Bồ-tát đỉnh, theo truyền thuyết từ thời Bắc Ngụy (386-534), đó chính là trú xứ của Văn-thù. Tôi leo 108 bậc thang để lên Văn-thù đỉnh, lòng xúc động và cám ơn cơ duyên vô danh nào đã cho mình cái dịp ngàn năm một thuở này. Những bậc thang này chính là nơi mà hàng ngàn năm nay, kể từ đầu công nguyên tới nay, hàng vạn người đã đến đây để đảnh lễ Văn-thù, từ các nhà vua đến các hàng thứ dân, từ các thiền sư đến các cư sĩ, từ vị đại lạt-ma đến các tiểu tăng sa di. Người ta kể rằng, đến Ngũ Đài sơn, ai có lòng tin tưởng thì thế nào cũng sẽ gặp Văn-thù trong một dạng hình nào đó.

Tôi còn nhớ, trong tác phẩm Sư tử tuyết bờm xanh [6] , mình có biên dịch câu chuyện của một vị lạt-ma tên là Yahden. Vị này mất sáu tháng để từ Tây Tạng đến Ngũ Đài sơn chiêm bái Văn-thù, trên đường đi ông hết lòng tụng niệm và thiền định liên tục. Và cuối cùng ông được "leo lên 108 bậc thang" để đến Bồ-tát đỉnh. Ông vừa lên gần đến đỉnh thì gặp một người ăn xin cụt chân, người đó nói với ông: "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng". Yahden mở túi xách, lấy một ít tiền cho kẻ ăn xin thì người đó nói tiếp: "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một. Thứ ít ỏi này ta không thèm lấy của ngươi. Ta đòi ngươi cả trái tim!". Yahden vừa biết kẻ đó là ai thì người đó đã biến mất. Yahden mở mắt thật lớn nhìn quanh và nhảy như bay lên những bậc cuối và chỉ còn nghe chuông chùa đánh 108 tiếng.

Tôi lên đến Bồ-tát đỉnh, chỉ nghe tiếng chuông vang ra từ Văn-thù điện xây trên đó. Trên Bồ-tát đỉnh này vua Càn Long đời Thanh đã cho dựng một tấm bia đá cao 6m, với thủ bút của ông viết bốn văn tự: Hán, Mãn Châu, Mông cổ và Tây Tạng, ca tụng trí huệ của Văn-thù. Cách đó khoảng 1km, ta tìm thấy Thù Tượng tự, trong đó là bức tượng nổi tiếng của Văn-thù cao 9m, ngồi trên lưng sư tử. Chùa này được kiến lập trong đời Đường, nhưng bị hư hoại và được xây dựng lại năm 1487.

Yahden được Văn-thù "tùy cơ ứng hiện", được Ngài đọc lại cho nghe yếu nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm. Đến đạo trường của Văn-thù, tôi lấy lại kinh Hoa Nghiêm ra đọc, xem Ngài nói gì với Thiện Tài, khi Thiện Tài vâng lời Di-lặc đi tìm Ngài.

"Lành thay, lành thay! Này thiện nam tử, nếu lìa khỏi lòng tin thì tâm sẽ yếu kém, sẽ lo âu tiếc nuối, nên công hành không tròn đủ, sẽ thối thất tinh cần, mà chỉ bám trước vào một thiện căn. Với chút ít công đức ấy sẽ cho đó là đủ, thế nên sẽ không phát khởi được hành nguyện, sẽ không được thiện tri thức nhiếp thọ, không được chư Như Lai ức niệm, sẽ không biết được Pháp tính (...giảng Pháp tính), Pháp môn (...giảng Pháp môn), công hành (...giảng công hành), cảnh giới (...giảng cảnh giới), sẽ không thể nào biết hết, biết nhiều, biết đến tận cùng, biết rõ, hướng nhập vào giải thoát, cũng như phân biệt, chứng biết và chứng đắc giải thoát. Mọi điều ấy sẽ không sao có được" [7] .

Đến đây thì tôi hiểu. Vị đại trí Văn-thù mà cũng cho rằng phải có "lòng tin" mới phát khởi được hạnh nguyện và trí huệ. Chúng ta thường dễ cho rằng dùng trí là có thể hiểu được pháp, thậm chí trí huệ ưu việt hơn lòng tin. Thế nhưng trí nào hiểu được "cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một" ? Trí nào nắm bắt được cái nghịch lý đó ? Tư duy logic thông thường của chúng ta không thể hiểu Kinh Hoa Nghiêm, đó là điều tôi dám kết luận. Đó cũng là lý do sau khi Phật thành đạo Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày nhưng không ai hiểu cả, chỉ trừ các bậc đại bồ-tát.

Tư tưởng Hoa Nghiêm nói về Chân Như tuyệt đối, trong đó không còn bóng dáng của sự phân biệt nhị nguyên nữa. Còn tư duy logic của chúng ta lấy nhị nguyên, lấy ta-người làm cơ sở, nó không thể vươn lên, với tới mức độ tuyệt đối. Như thế phải chăng không ai có thể hiểu Hoa Nghiêm ? Văn-thù chỉ cho ta một cách, đó là dùng lòng tin mà "phát khởi hành nguyện". Lạ thay, Văn-thù mà cũng cần lòng tin! Lấy hành nguyện thật lớn, "phát tâm bao la không cùng, khởi tâm vô ngại lìa bỏ tất cả các cõi, rời xa tất cả các chấp" [8] . Vì thân biến theo tâm nên với tâm "bao la không cùng" đó hành giả sẽ có thân vô lượng, siêu việt lên ta-người, bỏ tính cá thể và trực nhận Chân như tuyệt đối hiện lên trong "Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một". Với cách đó Thiện Tài đã siêu việt tâm thân mình, hiểu ngộ tất cả các pháp mà chúng ta thấy là mâu thuẫn không sao hiểu được và đã thể nhập vào hạnh lớn mà kinh sách gọi là thể nhập vào đạo trường của Phổ Hiền Bồ-tát.

Văn-thù là vị đại trí vì Ngài là kẻ chỉ đường tu học cho chúng sinh. Nhưng muốn có trí thì phải dùng lòng tin mà phát tâm học tập, đó là bài tôi học được hôm nay. Vì vậy mà có câu "Ta đòi ngươi cả trái tim". Ngày trước khi biên dịch chuyện Yahden này, tôi chỉ nhớ câu "Huyền diệu thay, cái Một trong thiên hình vạn trạng và cái thiên hình vạn trạng của cái Một", còn "trái tim" tôi cho là phụ. Bây giờ tôi hiểu, "trái tim" là tiên quyết, "nếu lìa khỏi lòng tin thì tâm sẽ yếu kém", không có trái tim rộng lớn thì không thể hiểu được Văn-thù.

Còn Phổ Hiền là vị "đại hạnh", vì nguyện lực cho hành động (hạnh) của Ngài là rộng lớn vô biên, cũng phải cùng hành động như Ngài mới hiểu được đại trí của Văn-thù. Tôi chỉ là người học trò nhỏ, dùng trí logic thông thường mà đoán mò về các điều nằm ngoài suy luận. Trí huệ và hạnh nguyện của các vị bồ-tát quá to tát, quá xa vời đối với tôi, thế nhưng tôi cũng sẽ đến đạo trường Phổ Hiền để đảnh lễ Ngài. Đạo trường đó nằm trên đỉnh Nga Mi sơn, tỉnh Tứ Xuyên.

CÒN ĐÂU NƯỚC THỤC

Tôi đến Tứ Xuyên, lòng bồi hồi. Tỉnh Tứ Xuyên là tỉnh đông dân của Trung Quốc, ngày nay khoảng 120 triệu dân, có diện tích hơn nửa triệu cây số vuông. Về dân số cũng như diện tích, Tứ Xuyên lớn gấp rưỡi nước Việt Nam. Tỉnh Tứ Xuyên có địa thế rất hiểm trở, có hình lòng chảo, bốn phía núi non bao bọc. Phía nam là cao nguyên Vân Nam, phía đông bắc tiếp giáp với Thiểm Tây với các dãy núi cao trên 2500m, phía đông là rặng Vu sơn, phía tây là Thanh Hải, Tây Tạng. Tứ Xuyên ngày xưa là một vùng biên cương của Trung Quốc, đời sống khô cằn, đến thế kỷ thứ tư trước công nguyên mới được người Hán đến khai khẩn, thường được mệnh danh là "biên địa hạ tiện".

Thế nhưng Tứ Xuyên là một vùng đất được nhiều người yêu mến do ngày xưa nó chính là nước Thục của Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, của Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Như ta đã biết đầu công nguyên (năm 67) có một nhà vua tên là Hán Minh Đế là người đầu tiên cho truyền bá đạo Phật. Đó là thời Hậu Hán, có khi được gọi là Đông Hán. Sau đó gần 200 năm, con cháu của Minh Đế tên là Hiến Đế lên ngôi, bị Đổng Trác và Tào Tháo chuyên quyền lấn hiếp. Trong giới tôn thất nhà Hậu Hán có một người tên là Lưu Bị [9] , chỉ làm nghề dệt chiếu, đóng dép, đau lòng vì cơ nghiệp nhà Hán, mới kết nghĩa cùng Quan Công, Trương Phi dấy quân, phò vua giúp nước. Mới đầu cơ nghiệp không đi tới đâu nhưng về sau Lưu Bị gặp một kỳ nhân, đó là Khổng Minh Gia Cát Lượng [10] . Khổng Minh giúp Lưu Bị chiếm được đất Thục, nay là tỉnh Tứ Xuyên, đóng đô ở Thành Đô [11] , nay là thủ phủ của Tứ Xuyên. Nhờ tài thao lược của Khổng Minh mà nước Thục mở rộng về phía đông, chiếm được Kinh Châu, nằm trên sông Dương Tử, nay có tên là Sa Thị. Người trấn thủ Kinh Châu là Quan Công.

Còn Tào Tháo [12] bị nhiều người ghét vì tính "đa nghi" nhưng thật ra là một nhân vật xuất sắc. Ông là người thao lược, giỏi cả văn lẫn võ. Ông giữ đất Trung Nguyên, gọi là nước Ngụy, khi đó Lưu Bị đã chiếm đất Thục, Tôn Quyền dựng nước Ngô. Lúc Tào Tháo chết rồi, con là Tào Phi lên thay mới phế bỏ Hiến Đế và chính thức xưng đế, hiệu là Văn Đế, khai sinh nhà Ngụy. Đó thời Tam Quốc nổi tiếng (220-280).

Ba nước này chia Trung Quốc ra thế chân vạc, đó là ba vùng đất to lớn. Nước Ngụy nằm phía Bắc, xung quanh sông Hoàng Hà; nước Thục phía Tây, dựa lưng vào Tây Vực và cao nguyên Hy-mã; nước Ngô phía đông ở Giang Nam. Ba vùng đất này tự nó là ba nước cực lớn, nếu ta nhớ lại thời Chiến quốc, Trung Quốc có hàng trăm nước. Tôi nhớ lại các vương quốc Ấn Độ, tương đối nhỏ hơn nhiều nhưng họ sống hòa hoãn với nhau. Thế nhưng người Trung Quốc có óc thống nhất quốc gia từ thời nhà Tần, họ đã quen nghĩ đến một nước Trung Quốc mênh mông từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Ba nước Ngụy, Thục và Ngô vì thế mà đánh nhau liên miên, khi chiến khi hòa và để lại cho hậu thế tác phẩm Tam quốc chí bất hủ. Tiếc thay lịch sử không đúng như mong ước của người đọc đời sau. Lưu Bị, Khổng Minh bại trận, nước Thục mất. Lưu Bị thất bại hẳn cũng có số trời như Khổng Minh đã nói, nhưng ông đã không nghe lời Khổng Minh, phạm sai lầm cuối cùng của đời mình và là sai lầm quan trọng nhất. Chiến lược của Khổng Minh là không đánh nước Ngô, liên hiệp với nước này mà đánh nước Ngụy. Lưu Bị cũng biết thế nhưng khi Quan Công bị nước Ngô sát hại tại Kinh Châu thì Lưu Bị quên mọi tính toán chiến lược, kéo quân đi dọc Trường Giang về đánh nước Ngô, báo thù cho người em kết nghĩa. Thất bại, ông rút lui về thành Bạch Đế [13] trên sông Trường Giang và chết tại đó.

Tôi leo lên Bạch Đế thành, lòng đầy xúc động. Ôi, tại ngọn núi vắng vẻ này mà đã từng diễn ra cảnh cả Lưu Bị chết, giao con cho Khổng Minh để rồi nước Thục đi vào diệt vong thật chăng. Bạch Đế thành nằm trên núi cao, nhìn xuống dòng Trường Giang, ngày nay người ta có thể đi bộ hoặc xe cáp lên đỉnh. Thành này được Công Tôn Thuật xây năm 25 sau công nguyên, ông là người xưng đế ở Thục (25-36) thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Tây Hán. Truyền thuyết kể rằng ông thấy trên núi đó, từ một cái giếng thoát ra khói có dạng như một con rồng trắng và nhân đó mà ông xưng là "Bạch đế". Ngày nay giếng vẫn còn, trên miệng giếng có dựng hình một con rồng. Tôi tìm tới cung Vĩnh An là nơi Lưu Bị chết. Xúc động biết bao khi thấy tại chốn này cảnh diễn tả lại Lưu Bị nằm trên giường bệnh, giao lại cơ nghiệp và con trai Lưu Thiện cho Khổng Minh. Quần thần đứng nghiêm trang ngậm ngùi xung quanh, trong đó có đại tướng Triệu Vân. Hai người anh hùng kia là Quan Công thì đã bị hại và Trương Phi đã bị ám sát trước đó hai năm. Cảnh này được ghi lại bằng hình tượng có kích thước như người thật, vô cùng sinh động. Đáng cảm khái thay được thắp một nén hương ngay chỗ 18 thế kỷ trước đã có một nhà vua đã từ trần, người được bao thế hệ Trung Quốc đến ngày nay vẫn còn thờ cúng.

Lý Bạch có bài thơ Há Giang Lăng khi tạ từ Bạch đế thành:

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian

Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ

Khinh chu dĩ quá vạn trùng sơn

Sớm rời Bạch đế rạng tầng mây

Nghìn dặm Giang Lăng tới một ngày

Tiếng vượn đôi bờ kêu chẳng dứt

Núi non thuyền nhẹ vượt như bay [14]

Từ tay Lưu Bị, Khổng Minh tiếp nhận cơ đồ và Lưu Thiện. Nhưng Lưu Thiện chỉ là kẻ bất tài, còn Khổng Minh không còn tướng giỏi. Ông đã sáu lần đem quân đi đánh nước Ngụy, cuối cùng sức quá suy nhược, Khổng Minh mất ngay trong trại thọ 54 tuổi. Đó là năm 234, con người mưu lược, thông thiên văn địa lý đó cũng không tránh khỏi số mệnh.

Đi đường dài mới thấy ngày xưa Tam quốc phải là một thời kỳ kịch chiến tiêu hao sức lực của cả ba nước, từ quân vương đến binh sĩ. Chỉ kể Thành Đô đến Bạch Đế thành là đã 600km, đường bộ lẫn đường sông, tính đến Kinh Châu là thêm 300km nữa. Từ Bạch Đế thành hãy đi ngược dòng Dương Tử để về Thành Đô, đó phải là đường ngày xưa người ta đưa thi hài Lưu Bị về chôn cất. Đi khoảng 50km Lưu Bị sẽ chào từ giã Trương Phi, đó là chỗ người em kết nghĩa này bị hại, ngày nay còn đền thờ trên bến sông. Sau đó có lẽ đám ma của Lưu Bị sẽ đến Trùng Khánh và từ đó đi đường bộ về Thành Đô.

Tôi đến Thành Đô, ngày xưa là kinh đô nước Thục, ngày nay là thủ phủ Tứ Xuyên. Tại đây khách không thể không tham quan đền Vũ Hầu. Vũ Hầu là tên dành cho Khổng Minh nhưng đền này chính là nơi thờ cả Khổng Minh lẫn ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi. Thật là một ngôi đền xứng đáng với những công trình xây dựng hết sức nghiêm trang, những bức tượng cực kỳ sinh động. Đáng chú ý nhất là bức tượng của Lưu Bị và Khổng Minh bằng đất mạ vàng, mỗi tượng cao khoảng 3m. Đáng quí nhất là một bia đá cao 3,7m truyền lại từ đời nhà Đường. Tả hữu dọc theo các điện thờ là 28 bức tượng của các công thần nhà Thục, công trạng của các vị đó được ghi lại trên các bia đá.

Phía tây của các ngôi đền là một gò đất cao khoảng 12m, chu vi khoảng 180m, trên đó cây cối mọc như rừng. Đó chính là lăng mộ của Lưu Bị và hai bà hoàng hậu của ông. Tôi đi suốt một vòng gò, nhưng không tìm ra cửa vào, có lẽ đó chính là điều phải giữ bí mật trong 18 thế kỷ trước. Trên gò tiếng chim hót vang lên trong tiếng gió thổi qua các cành cây, hồn thiêng Lưu Bị hẳn đã tìm ra sự bình an.

Trong đền Vũ Hầu còn có một tòa xây dựng rất đáng lưu ý mới được mở cửa năm 1984, đó là nhà triễn lãm lịch sử của thời Tam quốc. Khách vào đó sẽ được xem mọi chi tiết của những cuộc chiến long trời lỡ đất của thời đại này cũng như những dấu tích còn lại của đời sống văn hóa, xã hội và nghệ thuật của người dân hồi đó của cả ba nước Thục, Ngô, Ngụy.

Tại nước Ngụy thì viên tướng tài chống lại được Khổng Minh là Tư Mã Ý. Về sau Ngụy diệt được nước Thục năm 265 nhưng ngai vàng lại bị cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm cướp, biến thành nhà Tấn. Tư Mã Viêm là tay kiệt xuất, kéo quân diệt luôn nước Ngô năm 280, thống nhất sơn hà, đời sau gọi là Tây Tấn.

Trên nước Trung Quốc thống nhất mênh mông ngày nay, trong đó Tứ Xuyên không còn là biên địa nữa mà gần như nằm giữa trung tâm, tôi thầm nghĩ ngày xưa dù ai thắng ai thì có lẽ bây giờ cũng thế này thôi. Kẻ thắng người bại ngày nay đều chỉ là những nắm xương tàn mục. Thế nhưng điều lưu danh với sử xanh là lòng trung liệt mà nổi bật nhất là Gia Cát Lượng, Quan Công, Trương Phi. Lưu Bị mất, Lưu Thiện bất tài mà Khổng Minh không có chút tơ hào vương tước, đúng là lòng "Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ" (hết lòng hết sức, đến chết mới thôi) như trong bài Tiền xuất sư biểu của ông. Còn Lưu Bị Quan Công Trương Phi, điển hình kết nghĩa đó đã trở thành biểu tượng nhân nghĩa của xã hội Trung Quốc. Trong trận đồ đẫm máu Tam quốc dài 60 năm, kẻ chiến thắng cuối cùng là Tư Mã Viêm nhưng không ai thờ ông cả mà ngược lại ở đâu cũng có bàn thờ ba người anh em kết nghĩa. Điều làm lòng người, bất cứ ở thời đại nào, xã hội nào, tôn thờ khâm phục không phải là cơ đồ sự nghiệp mà là phẩm chất của con người, đó là điều tôi rõ ra hơn bao giờ hết.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top