VĂN TỰ BIỂU Ý Ở CÁC NỀN VĂN MINH SÔNG MẸ

Từ không có ngôn ngữ cho đến ngôn ngữ ra đời, là bước tiến nhảy vọt trong lịch sử tiến hoá của nhân loại; từ không có chữ viết cho đến chữ viết ra đời, lại là một lần nhảy vọt nữa của lịch sử tiến hoá nhân loại.


THỜI KHÁC HƯỚNG TỚI VĂN MINH

Đại để, chữ viết trên thế giới có hai loại, một là chữ viết biểu ý, hai là chữ viết biểu âm. Chữ viết xuất hiện sớm nhất trên thế giới: chữ viết cổ xưa của các dân tộc ở phương Đông, được phát triển từ hình vẽ, thuộc về chữ viết biểu ý. Khoảng 5.500 năm trước, người Sumer ở lưu vực sông Tigris và sông Euphrates (Mesopotamia - vùng đất giữa hai sông, hay còn gọi là lưu vực Lưỡng Hà) đã in lên miếng đất sét thành chữ viết hình nêm; 5.000 năm trước, người Ai Cập ở lưu vực sông Nile đã viết ra chữ tượng hình trên giấy papyrus; 4.500 năm trước, người Ấn Độ ở lưu vực sông Ấn sáng tạo ra chữ viết con dấu tượng hình. Những loại chữ viết cổ này ban đầu đều là chữ tượng hình. Khoảng 4.500 năm đến 3.000 năm trước, chữ Hán mà những người Trung Quốc sống trong lưu vực sông Hoàng Hà và Trường Giang khắc trên đồ gốm, xương thú, đồ đồng thau cũng là chữ tượng hình. Những chữ viết cổ xưa của các dân tộc khác, đều dùng hình thể biểu ý, tượng hình, đã thể hiện được những nền văn minh sông mẹ rực rỡ khác nhau. Những văn tự từ thời xa xưa tuy không hoàn toàn ghi lại được như ngôn ngữ, nhưng những thông tin chủ yếu của ngôn ngữ đó đã được lưu giữ trong những ký hiệu đó.


CHỮ VIẾT HÌNH NÊM CỦA NGƯỜI SUMER CỔ

Chữ viết hình nêm hẳn là loại chữ viết sớm nhất trên thế giới. 5.500 năm trước, người Sumer sinh sống tại Mesopotamia đã sáng tạo ra loại chữ viết kỳ lạ này, đó là dùng một loại bút bằng cỏ lau khắc trên đất sét, nét bút một đầu to đậm, một đầu nhỏ mảnh, giống như cái đinh hoặc cái nêm, nên được gọi là "chữ viết hình nêm" hoặc là "chữ viết đầu đinh". Tiền thân của chữ viết hình nêm vẫn rất giống với những bức tranh, thuộc về chữ viết tượng hình dưới dạng hình vẽ. Chữ viết hình nêm do người Sumer phát minh, cực kỳ hưng thịnh vào thời kỳ Babylon, tồn tại khoảng hơn 3.000 năm, sau dần dần biến mất. Ngày nay, sau khi chữ viết hình nêm biến mất hơn 2.000, tổng cộng có 75 miếng đất sét có khắc chữ viết hình nêm đã được phát hiện, ngoài ra, còn có thể thấy rất nhiều chữ viết hình nêm được khắc trên vách đá, bia đá, cột đá, trong đó nổi tiếng nhất là cột đá "Luật Hammurabi" nổi tiếng và vách núi Behistun đã thể hiện được những đặc trưng của chữ viết hinh nêm.

Năm 1851, học giả người Anh Rawlinson đã dịch chữ viết hình nêm được viết trên một vách đá, đã vén màn bí mật của chữ viết hình nêm. Minh văn Behistun được khắc trên vách núi dựng đứng cao 91m ở vùng Behistun, nó được khắc bằng ba thứ tiếng, trên cùng là chữ viết hình nêm Babylon, ở giữa là chữ Elam, cuối cùng là chữ Ba Tư cổ. Bản dịch của Rawlinson được bắt đầu từ văn Ba Tư cổ mà ông rất thành thạo, dịch chữ viết hình nêm đã giúp chúng ta thấy được diện mạo lịch sử cổ xưa của lưu vực hai sông (Tigris và Euphrates), nếu không, nền văn minh cổ xưa huy hoàng đó có thể vĩnh viễn bị chôn kín trong lớp bụi mờ của lịch sử.


CHỮ VIẾT TƯỢNG HÌNH AI CẬP CỔ

Khoảng 5.000 năm trước, những cư dân Ai Cập cổ sinh sống ở lưu vực sông Nile đã sáng tạo ra chữ viết tượng hình, loại chữ viết dưới dạng hình vữ này hiện nay vẫn có thể nhìn thấy trên các Kim Tự Tháp, miếu thờ. Người Ai Cập cổ thường dùng bút bằng lau sậy viết loại chữ này trên loại giấy papyrus, làm thành những quyển sách bằng giấy papyrus, đây có lẽ là những cuốn sách đầu tiên trên thế giới. Năm 525 trước Công nguyên, Ai Cập bị Ba Tư chinh phục, chữ viết tượng hình đã tồn tại 3.000 năm ở Ai Cập cổ từ đó dần dần biến mất, sau khi vị thầy tế hiểu được chữ viết tượng hình Ai Cập cuối cùng qua đời, thì không còn ai có thể hiểu loại chữ này nữa.

Đã từ rất lâu chữ tượng hình AI Cập luôn bị bao phủ bởi một bức màn thần bí. Năm 1798, Napoléon nước Pháp viễn chinh Ai Cập, sang năm sau trong lúc xây cứ điểm ở một thị trấn nhỏ tên là Rosetta gần cửa sông Nile, trong đống đá lộn xộn đó binh sĩ Pháp đã phát hiện một bia đá khắc đầu ba loại chữ, chữ tượng hình Ai Cập cổ, chữ tượng hình phổ thông và chữ Hy Lạp, đó chính là "Bia đá Rosetta" nổi tiếng. Năm 1824, chữ viết trên "Bia đá Rosetta" được học giả người Pháp tên là Champollion, một người tinh thông mười mấy loại cổ ngữ đã dựa vào chữ tượng hình trên bia đá minh văn của Hy Lạp để dịch ra, như vậy mới phá giải được bí mật về chữ viết tượng hình Ai Cập cổ, văn minh Ai Cập cổ cũng từ đó mà lộ ra chân dung đích thực của mình, "Ai Cập học" từ đó đã xuất hiện trên thế giới.


KÝ HIỆU DẤU ẤN THẦN BÍ - CHỮ VIẾT ẤN ĐỘ VIỄN CỔ

Ấn Độ cổ là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, đối với văn minh thế giới, Ấn Độ cổ đều có những cống hiến mang tính khai sáng trong các lĩnh vực như triết học, văn học, khoa học tự nhiên... Đến đầu thế kỷ thứ 20, văn minh viễn cổ Ấn Độ mới được phát hiện, chính là "Văn hoá Harappa". Văn hoá Harappa là văn hoá thời đại đồng thau ở Ấn Độ cổ, xuất hiện vào khoảng 4.500 năm trước, 3.700 năm trước đột nhiên biến mất, thời gian tồn tại đại thể song song với triều Hạ của Trung Quốc (năm 2070 trước Công nguyên - năm 1600 trước Công nguyên). Nhân viên khảo cổ phát hiện ra mấy di chỉ thành phố Harappa, quy mô rất lớn, được mệnh danh là "Manhattan của thời đại đồng thau". Chuyên viên khảo vổ đã phát hiện ra chữ viết thời kỳ Harappa trong những di chỉ thành phố này. Những chữ viết này phần lớn được khắc trên con dấy chế tác từ đá, đồ sứ và ngà voi, cho nên được gọi là "chữ viết con dấu". Hiện nay đã phát hiện được hơn 2.500 con dấu, hơn 500 ký hiệu chữ viết, những ký hiệu này phần lớn là chữ tượng hình, trong đó có một số ký hiệu biểu âm. Điều khiến người ta kinh ngạc là, trên mỗi một con dấy nhỏ cũng đều được khắc những hình vẽ động vật tinh xảo, trình độ nghệ thuật tương đối cao, khiến cho người ta khó có thể tin được.

Điểm khác với chữ hình nêm Mesopotamia và chữ Ai Cập là chữ viết con dấu của Ấn Độ viễn cổ đến nay vẫn chưa được dịch ra, hơn nữa văn minh Harappa chỉ tồn tại mấy trăm năm đột nhiên biến mất, do đó chữ viết con dấu Ấn Độ và văn hoá Harappa vẫn vô cùng thần bí đối với các nhà văn tự học và sử học thế giới. Còn về chữ Phạn cổ của Ấn Độ mà mọi người đều biết lại là chuyện của sau này, cơ bản là không có quan hệ trực tiếp nào với chữ viết con dấu.


CHỮ VIẾT TƯỢNG HÌNH CỦA TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI

Trung Quốc là một trong những đất nước có nền văn minh lâu đời của phương Đông và thế giới, lịch sử chữ viết ít nhất cũng có 5.000 năm. Những ký hiệu khắc hoạ chữ tượng hình trên đồ gốm sứ ở vùng Đại Vấn Khẩu thuộc tỉnh Sơn Đông hạ du sông Hoàng Hà đã cho thấy rằng đây là văn tự sớm nhất của Trung Quốc. Chữ Giáp cốt được khắc trên mai rùa, xương thú chính là chữ viết tương đối thành thục đã tạo thành hệ thống văn tự của Trung Quốc, chữ Hán về sau cơ bản đều dựa trên chữ Giáp cốt mà phát triển thành. Giống như các loại văn tự cổ của các dân tộc phương Đông có nền văn minh sông mẹ, ký tự văn tự sớm nhất của người Trung Quốc cũng đều là hình vẽ, đều dùng hình thể tượng hình để biểu đạt ý niệm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top