TRUYỀN THUYẾT VIỄN CỔ

Thời viễn cổ có rất nhiều truyền thuyết thần kỳ, chúng luôn phản ánh một sự thật lịch sử nào đó.


PHỤC HY VẼ BÁT QUÁI

Lưu vực sông Hoàng Hà vào thời kỳ viễn cổ trong truyền thuyết, xuất hiện một nhân vật thần kỳ, ông ta dạy con người đan lưới bắt cá, chăn nuôi gia súc, từ đó loài người đã biết sinh sống bằng nghề đánh bắt, hái lượm, chăn thả, nhân vật thần kỳ này chính là Phục Hy. Phục Hy đã vẽ ra Bát Quái, từ đó sinh ra chữ Hán. Bát Quái là một hình vẽ có tám nhóm dùng để bói toán, do ký hiệu "_" và "_ _" tạo thành. "_" là đại diện cho DƯƠNG, "_ _" đại diện cho ÂM, ÂM DƯƠNG phối hợp nhau, 3 vạch tạo thành một nhóm, tổng cộng 8 nhóm. Mỗi nhóm là một quẻ, mỗi quẻ đều có một tên riêng đại diẹn cho các sự vật thiên nhiên như Thiên (trời), Địa (đất), Thuỷ (nước), Hoả (lửa), Phong (gió), Lôi (sấm), Sơn (núi), Trạch (đầm), rất rõ . Hình vẽ Bát Quái khác xa với hình thể chữ Hán, các đường nét ngắn, dài sao có thể tạo ra được chữ Hán với các nét ngang dọc phong phú và kết cấu phức tạp chứ? Cho nên nói Bát Quái là khởi nguồn của chữ Hán thì thật khiến cho người ta khó tin. Nếu như nghiên cứu kỹ một chút thì chỉ có ký hiệu của chữ số và cực ít chữ Hán có liên quan với Bát Quái. Ví dụ như hình dạng của chữ số 3 thì hơi giống với hình thù quẻ Càn; hình thù chữ Hán cổ của chữ "Thuỷ" thì hơi giống với hình thù quẻ Khảm. Còn rất nhiều hình thù của những chữ Hán khác thì có tưởng tượng cỡ nào cũng không thể giống với hình thù của Bát Quái được. Vì vậy, nếu như nói Chữ Hán bắt nguồn từ Bát Quái là một thuyết không đáng tin.


KẾT DÂY THỪNG ĐỂ GHI NHỚ SỰ VIỆC

Kết dây thừng ghi nhớ sự việc là một phương pháp ghi chuyện vô cùng phổ biến trước khi chữ viết ra đời, là một phương pháp dùng vật thể để giúp đỡ trí nhớ, rất có tác dụng trong cuộc sống của con người vào thời viễn cổ. Kết dây thừng tức là dùng dây thừng kết lại, ghi việc lớn thì kết mối lớn, ghi việc nhỏ thì kết mối nhỏ, việc nhiều thì kết nhiều, việc ít thì kết ít. Có điều, những mối thừng này chỉ là ký hiệu mà một người nào đó hoặc một số người nào đó mới có thể hiểu được, nó chỉ có thể giúp đỡ trí nhớ, chứ không thể ghi chép và truyền bá ngôn ngữ. Ví dụ, để ghi chép lại việc săn bắn, người dân thời xa xưa đã kết một mối thừng để chỉ việc họ đã bắn hạ được một con hươu, một con heo rừng hay là một con sơn dương? Chỉ có người kết dây thừng mới biết việc này. Cho nên việc kết thừng ghi nhớ sự việc có hiệu quả rất thấp, phạm vi sử dụng cũng rất nhỏ càng không thể là biện pháp truyền bá thông tin rộng rãi. Tóm lại, dùng dây thừng để kết mối thừng, nhưng không thể tạo ra được con chữ với muôn hình vạn trạng. Sau khi nghiên cứu có người cho rằng, có khả năng, một số ký hiệu chỉ con số trong chữ viết cổ là do ký hiệu kết thừng diễn biến mà ra.

Con người kết thừng là để ghi chép sự việc, phát minh ra chữ Hán cũng có cùng mục đích tương tự, cho nên thời đại kết thừng đã không cách thời đại chữ viết là bao xa nữa.


THƯƠNG HIỆT TẠO CHỮ

Thương Hiệt tạo chữ là một truyền thuyết thần kỳ được lưu truyền rất rộng rãi. Tương truyền hơn 5.000 năm trước, tổ tiên của người Trung Quốc là Hoàng Đế thống nhất lưu vực sông Hoàng Hà, hợp thành liên minh các dân tộc Hoa Hạ. Hoàng Đế có một sử quan, tên là Thương Hiệt. Thương Hiệt là một người rất thần kỳ, ông có bốn con mắt, giỏi quan sát thế gian vạn vật, khi ông ngẩng đầu lên nhìn thấy hình dạng của muôn vàn vì sao trên bầu trời, cúi đầu xuống nhìn thấy dấu chân của chim thú đi trên mặt đất, ông cảm thấy hình dạng khác nhau có thể phân biệt được sự vật, việc này đã gợi ý cho ông sáng tạo ra chữ Hán tượng hình. Điều thần kỳ hơn nữa là, công đức của Thương Hiệt sáng tạo ra chữ viết đã làm Thiên Đế cảm động, Thiên Đế bèn ban cho trần gian một trận mưa thóc nhưng thuỷ quái lại lo lắng, có chữ viết thì những bí mật của chúng sẽ bị lộ ra, thế nên chúng sợ đến mức than khóc gào thét trong đêm. Trong cổ thư "Hoài Nam Tử" có ghi "Thương Hiệt tạo chữ, trời ban cho mưa thóc, ma quỷ kêu khóc suốt đêm".  Rõ ràng, sự xuất hiện của chữ viết là một sự kiện lớn kinh động trời đất, quỷ thần than khóc, trong quan niệm của người cổ đại, chữ Hán chính là "Thần Tự" (chữ viết thánh thần) mà họ vô cùng sùng bái.


GỢI Ý VỀ VIỆC TẠO CHỮ CỦA THƯƠNG HIỆT

Ngày nay nhìn lại, sự thần kỳ về việc Thương Hiệt tạo ra chữ Hán là một điều khó tin. Một mình Thương Hiệt tạo ra chữ viết không phù hợp với sự ra đời của chữ viết, bởi vì chữ viết phải trải qua quá trình phát triển tương đối dài. Trên thực tế, chữ Hán là sáng tạo tập thể trong cuộc sống lao động trường kỳ của tổ tiên người Trung Quốc. Nếu như thời kỳ viễn cổ thật sự có nhân vật Thương Hiệt này, thì ông ta hẳn la người có học vấn cao, có khả năng chỉnh lý được chữ Hán.

Truyền thuyết Thương Hiệt tạo chữ Hán rất có giá trị trong việc tìm tòi sự khởi nguồn của chữ Hán, Thương Hiệt dùng bốn con mắt quan sát sự vật để tạo ra chữ Hán, rõ ràng đã cho chúng ta thấy chữ Hán là một ký hiệu thị giác biểu ý, chữ Hán được tạo ra bắt nguồn từ hình vẽ.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top