Phần 4: Chiến tranh Việt Nam trong điện ảnh

  Một số bộ phim nổi bật về sự tham chiến của HQ trong CTVN đã được sản xuất67. Trên hết trong số chúng là chuyển thể điện ảnh của The Shadow of Arms, nhưng sau nhiều năm đồn thổi về việc sản xuất nó (một đạo diễn đã được chọn và dự án được cho là đồng sản xuất với chính quyền VN), bộ phim vẫn chưa được thực hiện. Một tiểu thuyết khác đã được chuyển thể thành phim: White Badge, do An Sŏnggi thủ vai chính, được phát hành năm 1992. Bộ phim về VN này tiếp sau phim kinh dị R-point năm 2004, là phim kinh dị tuổi thiếu niên Muoi vào năm 2005 và Sunny (một sự dịch thuật tai hại từ tên gốc có nghĩa là My Love in a Faraway Place) vào năm 2008. Tính tất cả, một số lượng phim rất nhỏ về CTVN đã được sản xuất, đặc biệt là khi so với số lượng phim của Mỹ về CTVN. Raybang trên thực tế không được tính đến trong số những bộ phim này, do nó không đề cập tới CTVN và chỉ sử dụng VN như là biểu tượng. Song nghịch lý thay, đây là bộ phim duy nhất đề cập tới tác động thực sự của trải nghiệm VN đối với xã hội HQ. 

Điện ảnh HQ có truyền thống mạnh mẽ về việc sản xuất các bộ phim phê phán xã hội đương đại với các loại hình hiện thực, châm biếm, hài kịch hay bi kịch. Tuy vậy, cũng giống như văn chương về CTVN, thái độ phê phán không dễ dàng xuất hiện trong các bộ phim về VN. White Badge là một sự chuyển thể trung thành của tiểu thuyết, thể hiện sự tuyệt vọng của cựu chiến binh HQ tham chiến ở VN, có sự đau khổ không được thừa nhận và hồi ức không được phép trong lĩnh vực công khai68. Sự nhấn mạnh của bộ phim vào trải nghiệm bi kịch của cựu chiến binh tham chiến ở VN, được thể hiện rõ ràng qua nhân vật chính, một cựu trung sĩ đã kết thúc bằng cách tự tử. Ý tưởng và sự triển khai của White Badge rất giống với phim điển hình về CTVN của Hoa Kỳ: lảng tránh mọi sự đối đầu trực tiếp với vấn đề HQ tham chiến ở VN, tập trung vào sự đau khổ của binh lính HQ và giảm nhẹ một cách đáng kể sự đau khổ của người VN. Đồng thời, cảm giác đặc biệt về những trải nghiệm được phản ánh xuất hiện, người VN trải qua những gì mà người Hàn đã trải qua nhiều thập kỷ trước đó. Cảnh tiết lộ diễn ra trong một câu lạc bộ tình dục ở It'aewŏn, quận ăn chơi thường xuyên được lính Mỹ đóng quân ở Seoul lui tới. Sự tương đồng giữa người VN và người HQ được nhấn mạnh bằng cách thể hiện phụ nữ Hàn (lao động tình dục) phục vụ lính Mỹ, những cảnh trước đó trong bộ phim đã mô tả phụ nữ VN phục vụ binh lính HQ. Sự so sánh giữa người Việt và người Hàn được diễn tả lặp đi lặp lại (trong cả ngôn ngữ và hình tượng của tiểu thuyết), đồng thời sự so sánh ngầm giữa lính HQ ở VN và lính Mỹ ở HQ bị bỏ qua. Những bối cảnh khác trong tiểu thuyết (có trong cả hai cuốn tiểu thuyết của Hwang và Pak đã được đề cập phía trên) cũng xuất hiện trong phim.White Badge thể là chuyển thể điện ảnh của lời biện minh thường xuyên được sử dụng, giải thích các vụ thảm sát thường dân là: binh lính HQ nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là kẻ thù và họ chịu thiệt hại nhân mạng (do bẫy mìn) trước khi sát hại cả toàn bộ dân chúng của một làng.

Bối cảnh nghèo khổ cũng nổi lên. Trước khi lên tàu sang VN, binh lính trong trung đội tụ tập và uống say. Đến cuối buổi tối say sưa, máy quay phim chiếu cận cảnh bức tường, nơi có ai đó viết: "Hãy đợi anh, Sunja, anh sẽ quay trở về với sự giàu có từ VN." Cuối cùng, ý tưởng cho rằng VN là bài thực hành cho Kwangju quay lại trong bi kịch chung cuộc của bộ phim: nhân vật chính đón cựu hạ sĩ quan của anh ta ở bệnh viện, tại đó viên hạ sĩ đã chấp nhận bị cắt mất tai (trong một ca phẫu thuật, giống như số phận tương tự của những Việt Cộng đã chết và những thường dân VN đã chết bị báo cáo là Việt Cộng). Đi trên những đường phố của Seoul, những anh lính lạc lõng trong cuộc biểu tình của sinh viên và những cảnh bạo lực của cảnh sát, nhấn mạnh rằng VN là khúc dạo đầu và là sự ám chỉ tới những đau khổ của HQ hiện đại. Bộ phim Sunny năm 2008 đã được chờ đợi nồng nhiệt, khi Yi Chunik làm đạo diễn. Yi cũng là đạo diễn của phim The King anh the Clown, một phim lịch sử nhạy cảm về tình yêu giữa hai người đàn ông và Once upon a Time in a Battlefield, một bộ phim hay về lịch sử, xung đột địa phương và sự hy sinh cá nhân, trái ngược với tiêu đề tiếng Anh ngây ngô của nó.

Yi Chunik cũng chứng tỏ bản thân là một đạo diễn sáng tạo, không ngại ngần tấn công các chủ đề nhạy cảm như tình dục đồng giới và chủ nghĩa địa phương. Hơn nữa, ông còn làm điều đó theo hướng cho phép các điều cấm kỵ ấy được thảo luận trong xã hội. Trong cả hai bộ phim, Yi đã thành công trong việc giúp cho các nhóm thiểu số câm lặng (và bị áp bức) bày tỏ tiếng nói. Trong cảm xúc của người xem, đó là một bộ phim mạnh mẽ thể hiện nỗ lực của một phụ nữ cố gắng tìm kiếm người chồng đang tham chiến ở VN để thụ thai và mang bào thai về nhà. Mẹ chồng thúc giục cô làm như vậy, Sunny là một bức tranh nhạy cảm về người phụ nữ vật lộn với chế độ gia trưởng. Đây cũng là một câu chuyện có tính thời đại về một cô gái nông thôn ngây thơ và trinh trắng bị biến thành một nghệ sĩ giải trí từng trải và chín chắn về tình dục. Bối cảnh của câu chuyện ở VN tạo ra tính bi kịch đủ lớn để thu hút khán giả vào nhiệm vụ phi lý của Suni, nhưng đồng thời nó cũng mang đến cho bộ phim hương vị thuộc địa và viễn đông trong phạm vi truyền thống đen và trắng của điện ảnh viễn đông Anh Quốc. Người VN không nổi bật trong Sunny, chỉ là một nhóm (đã được dự báo) tú bà, gái mại dâm, thanh niên ngây thơ, du kích Việt Cộng (người này chỉ thừa nhận là lính Việt Cộng khi mọi việc đã quá muộn). Trong một cảnh đáng nhớ, Suni và cả nhóm bị một nhóm Việt Cộng bắt giữ và hỏi tại sao họ tới đây. "Để kiếm tiền", họ trả lời, viên chỉ huy Việt Cộng đáp lại: "Thế là tụi mày đến đây với cùng một lý do như quân đội HQ." Cảnh này đáng nhớ cả vì nó cho thấy rõ ràng đạo diễn nghĩ gì về vai trò của quân đội HQ ở VN cũng như người đa sầu đa cảm bẽn lẽn và đơn giản được thể hiện sau đó. Khi cả nhóm bị đưa đi hành quyết, Suni bắt đầu hát, giải tỏa những cảm xúc dồn nén của du kích VN. Cả nhóm sau đó trở thành khách, làm việc cùng với các du kích Việt Cộng và gia đình của họ, đào hào và sau đó vào buổi tối tất cả bọn họ cùng đến để nghe Suni hát, đung đưa và vỗ tay theo những bài hát HQ của cô. Quan niệm cho rằng người Hàn và người Việt về cơ bản là giống nhau và chỉ có cuộc chiến tranh (hay nói cách khác là Hoa Kỳ) là chia rẽ họ được thể hiện rõ ràng trong phần cuối của bộ phim. Sau khi trại ngầm của du kích bị quân đội Mỹ đột kích, du kích bị giết hoặc bắt làm tù binh, một lần nữa âm nhạc lại cứu cả nhóm. Khi ba chỉ huy của quân du kích bị hành quyết tại chỗ, trưởng nhóm bắt đầu hát bài Star-Spangled Banner, thể hiện sự tương đồng giữa người Hàn và người Mỹ. Sự tái lập sự khác biệt giữa họ với người VN khi đối mặt với quân đội Hoa Kỳ, các thành viên HQ sống sót nhờ hát giai điệu của Hoa Kỳ. Mặc dù đạo diễn có thành tích và đã từng biến một bộ phim về tình dục đồng giới thành bộ phim nổi tiếng nhất từng được sản xuất ở HQ (cho đến khi kỷ lục này bị bộ phim The Host vượt qua vào năm sau), ông cũng không khám phá tiếp về sự mập mờ căn bản trong vị thế của HQ ở VN. Trong khi bộ phim là câu chuyện về một người phụ nữ phiêu lưu trong môi trường nam giới thống trị hoàn toàn, và trong khi nó không thu hẹp những sự lựa chọn khó khăn (như khi Suni đồng ý ngủ với viên chỉ huy người Mỹ vì anh ta có thể giúp cô tìm chồng), Sunny là bộ phim đơn thuần lấy HQ làm trung tâm, trong đó VN chỉ là bối cảnh để gia tăng thêm cho sức nặng của những lo lắng trong nước.

Dĩ nhiên truyền thống trình diễn về CTVN quá mạnh để đạo diễn có thể vượt qua hoặc ông có thể muốn đưa ra một số quan điểm khác, nhưng sự mô tả mập mờ về sự bất lực hoàn toàn của quân đội HQ ở VN trong việc tự ra quyết định hoặc giúp Suny tìm chồng chỉ củng cố thêm luận điểm đã có về văn học, sử học và điện ảnh HQ liên quan đến VN: quân đội HQ chỉ là lính đánh thuê ở VN. Họ không cần phải có tiếng nói trong hành động và hệ quả là không phải gánh chịu trách nhiệm. Trong bộ phim này, cũng như văn học về chủ đề này, trách nhiệm cần được đặt vào quân đội Hoa Kỳ. 

Bộ phim kinh dị Muoi: Legend of a Portrait, trong phim một nữ văn sĩ HQ viếng thăm người bạn già ở VN và bị bi kịch gắn với bức chân dung của một cô gái trẻ cuốn hút, hoàn toàn theo nghĩa là một bộ phim thực dân. Muoi là dạng phim kinh dị viễn xứ lấy bối cảnh một nơi kỳ thú ở nước ngoài. Bối cảnh đầu tiên là một khu Vườn Địa Đàng có thực: thảm thực vật nhiệt đới tươi tốt được tô điểm bằng các nam gia nhân và nữ hầu xinh đẹp mặc áo dài. Đó là một nơi bí ẩn mà tiền mua được nhiều thứ hơn ở quê nhà: vai phản diện có thể sống xa hoa trong căn biệt thự của bà ta với gia tài mang theo từ HQ. Bất chấp những khung hình đẹp và kỹ thuật quay phim khéo léo, cho thấy VN trong những chi tiết quyến rũ, bộ phim này không nói về VN. Đó là phim về HQ và hầu hết là về sự tưởng tượng của người Hàn về VN. Đồng thời phần của HQ trong CTVN không được thảo luận cũng như dẫn dắt, sự tương đồng giữa lịch sử gần đây của VN và HQ chỉ được phác thảo vài lần.

Góc độ thực dân trong cách người Hàn tưởng tượng về VN cũng được thể hiện rõ trong một phim kinh dị khác là R-point. Vượt trội trên tất cả mọi góc độ (quay phim, giá trị sản xuất, diễn xuất, kịch bản, đạo diễn, biên tập, vân vân...), đó là câu chuyện về một trung đội lính HQ được điều tới một nông trại của Pháp bị bỏ hoang (được gọi là R-point), tại đó họ phải tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với một trung đội lính HQ khác đã mất tích. Những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra và binh lính bắt đầu phát điên hoặc đột tử, đồng thời mọi thứ trở nên rõ ràng là người Hàn trở thành mục tiêu bởi vì họ xâm lược và chiếm đóng VN. Nông trại được xây dựng trên một cái hồ bị lấp, nơi từng là chiến trường giữa quân xâm lược Trung Quốc và quân đội VN. Một tấm bia xuất hiện vào cuối bộ phim, trên đó viết rằng tất cả những kẻ xâm lược VN đều sẽ bị giết. Người Hàn, trong vai trò một đồng minh của người Mỹ, cũng bị coi là những kẻ xâm lược như người Trung Quốc, người Pháp và người Mỹ, tất cả đều sẽ bị giết chết tại cùng một nơi. R-point là một ngoại lệ theo nghĩa là trực tiếp lên án quân đội HQ vì đã xâm lược VN. Một lần nữa, cũng giống như các bộ phim khác, người VN không thực sự được khắc họa trong bộ phim này, nhưng thông điệp của R-point là rõ ràng: những kẻ xâm lược là sai về mặt đạo đức và sẽ bị trừng phạt – ít nhất là trong phim kinh dị, nếu không phải là trong đời thực. Các thức huyền ảo mà R-point được tạo ra khiến người ta hầu như không phân định được rằng những người lính Hàn bất hạnh là nạn nhân trong sự trả thù của những hồn ma VN, thủ phạm hay cả hai, gợi nhớ đến The Shadow of Arms, trong đó thế lưỡng nan tương tự cũng được trình bày nhưng không được giải quyết. R-point đã tiến thêm một bước trong việc đưa ra lời lên án; bộ phim vẫn phù hợp với tư tưởng thông thường của người HQ, khi nó thể hiện binh lính HQ ở VN trước hết là nạn nhân (của chính quyền, Hoa Kỳ và Việt Cộng), trước khi thừa nhận quyền lực thực dân mà họ thi hành (và sự lạm quyền). Tính đạo đức giả của Muoi hay White Badge, những bộ phim nhấn mạnh sự đau khổ chung của VN và HQ, không xuất hiện, nhưng người VN vẫn không xuất hiện (trong bộ phim này có thể nói theo nghĩa đen như vậy).

Cuối cùng, Raybang, trong khi không phải là một bộ phim về VN, dĩ nhiên là biểu tượng đẹp nhất về VN trong trí tưởng tượng của công chúng HQ. Bộ phim ít đề cập đến VN, nhưng thiếu VN thì sẽ không có bộ phim. VN được mô tả như là nơi mà những giấc mơ sẽ trở thành hiện thực và vẫn có thể kiếm được tiền (như bức ảnh cũ kỹ về ông chú đeo kính Ray-Bans đứng cạnh một phụ nữ VN xinh đẹp cho thấy). Sự ám chỉ về VN có ba phần: nó tồn tại trong lịch sử của chiếc kính râm, trong giấc mơ của ba tài xế taxi về việc trốn sang VN để sống cuộc sống tốt hơn và trong việc so sánh giữa sự hi sinh cho kinh tế của thế hệ người chú với sự hi sinh cho kinh tế của thế hệ hiện tại, trong khi cùng phải chịu đựng chung một sự lảng tránh. VN thường xuyên bị giấu đi, nhưng luôn luôn hiện diện như là nơi của những giấc mơ chưa thành hiện thực và những hy sinh chưa được thừa nhận.  

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top