CHƯƠNG VII: TRẦN THANH MẠI VÀ HÀN MẶC TỬ
Khi ở Lào về, đọc cuốn Hàn Mặc Tử lần đầu tiên tại Huế, tôi rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao, ông Trần Thanh Mại có thể dùng một thứ ngôn ngữ thô bạo có vẻ như nhục mạ vô nhân, thóa mạ gia đình tôi nặng nề, cũng như không che dấu thái độ khinh bạc khi viết về bạn bè anh Trí ở Sài Gòn.
Ông bỏ rơi đâu rồi cái phong độ hào hoa nhà văn xứ Huế.
Ông Trần Thanh Mại vốn là một cây bút phê bình có hạng, mà anh Trí đem lòng ngưỡng mộ, toan nhờ giới thiệu. Tôi nghĩ với tài năng anh Trí, ông Mại chắc không bỏ qua.
Tuy nhiên ông Quách Tấn cho chúng tôi biết: "Ông Mại coi anh Trí như thằng điên (nguyên văn) và không nhận lời giới thiệu văn thơ Anh mà ông ta xét chẳng ra gì".
Khi Anh Trí qua đời, nhiều bạn bè và những người ngưỡng mộ thơ Anh đều mong đợi một cuốn sách nói về thân thế và sự nghiệp của Anh, mà trong đó, nhiều bài thơ hay không thể giải thích được.
Tôi thiết nghĩ, ông Mại tuy bề ngoài tỏ vẻ lạnh nhạt, cao giá, nhưng bên trong ông cũng đã chuẩn bị nghiên cứu kỹ lưỡng rồi.
Đọc cuốn Hàn Mặc Tử của ông, cũng đã thấy ông viết rất công phu. Có phương pháp khoa học với nhiều thủ thuật tâm lý. Mặt khác, ông Trần Thanh Địch, em ruột ông Mại vốn là bạn tâm giao anh Trí, qua nhiều trao đổi thơ tín với anh Trí, có thể đã cung cấp cho ông Mại một số tài liệu về văn thơ bệnh hoạn và cả gia cảnh của Hàn Mặc Tử.
Tuy dư luận nhắm vào hai nhà văn có điều kiện viết về anh Trí: Một là ông Quách Tấn, nhà thơ Đường luật, từng tuyên bố được Hàn Mặc Tử uỷ quyền lưu giữ bút tích; người thứ hai là ông Trần Thanh Mại, nhà văn bình luận có kinh nghiệm, nhưng anh Trí vẫn tin tưởng và chọn ông Mại.
Vậy mà khi đọc cuốn Hàn Mặc Tử, tôi nhận thấy có cái gì trục trặc, lúng túng đều phải suy diễn một cách gượng ép thiếu cơ sở, thậm chí xuyên tạc.
Quả thật, khi về đến nhà tôi mới vỡ lẽ. Thật là điều không may cho chúng tôi, trong thời gian tôi ở Lào, gia đình tôi không ý thức được tầm quan trọng của việc sưu tầm tài liệu khi ông Mại tìm đến hỏi thăm về Hàn Mặc Tử.
Không ai trong gia đình tiết lộ điều gì có liên quan đến cuộc đời anh Trí. Có lẽ cũng tin lời anh Tấn, không hy vọng gì nơi ông Mại, mà anh Tấn thì không muốn ai biết gì về anh Trí, ngoại trừ anh là người có uỷ quyền.
Cho nên sự đón tiếp ông Mại, mà tôi suy đoán, không lấy gì làm vui vẻ,khiến ông phật ý đến phẫn nộ mà lời lẽ trong cuốn sách nghe như "giận cá chém thớt".
Dù vậy, ông Trần Thanh Mại cũng đã tỏ ra có nghiên cứu về Hàn Mặc Tử với nhiều định kiến mà ông tin chắc là đúng, và ông đã hoạch định một phương án khá chính xác dựa trên cơ sở khoa học và tâm lý.
Ông Mại viết rằng: "Với những phương pháp mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đã phân tích ra từng cử chỉ trong tánh tình của nhà thi sĩ, từng giai thoại trong đời người.
Những cái ấy mà bề ngoài tưởng như vô bổ ích và chỉ để kéo dài dòng tư tưởng, đều ăn nhịp với nhau như những vòng của sợi dây chuyền, để mà ảnh hưởng đến đích của người viết muốn đi tới:
"Cắt nghĩa thi phẩm của nhà thơ".
"Không rõ hết những cái vặt vãnh, thắc mắc trong đời một thi sĩ, không làm sao hiểu được thơ người ấy."
Nói thì nói như vậy, nhưng khi ông không đạt đuợc những gì mà ông muốn tìm biết về anh Trí thì chính những cái vặt vãnh mà ông nói trên, đã làm cho ông lúng túng, phải để nhiều khoảng trống trong phương án khiến nhiều dự kiến bị lạc lõng không được đặt lại cho chính xác.
Chẳng hạn như ông dự liệu đề cao thiên tài Hàn Mặc Tử lên cỡ Marcel Proust, đại văn hào Pháp, mà đã được sinh ra trong trường hợp bất thường, thiếu tháng, vì bà mẹ bị khủng hoảng tinh thần, thì Hàn Mặc Tử cũng phải được sinh ra thiếu tháng trong cơn tuý loạn (chẳng hạn) của bà mẹ. Chỉ vì ông trông thấy anh Trí nhỏ thó, và theo ông là có vẻ "điên điên", cho nên ông suy diễn thêm cái hình thù quái dị của con nhái chàng để phù hợp với hậu quả tai hại của rượu lậu mà cha tôi làm Thương chánh mang về đầy nhà (mặc dù sự suy diễn đó không có cơ sở vững chắc như đã nói ở chương I).
Không biết đoạn văn này có nằm trong cơn phẫn nộ nhằm trả đũa không, mà ông giảm bớt kích thước của thiên tài Hàn Mặc Tử xuống bằng con nhái chàng, để bày tỏ quyền ban ơn có hạn chế theo "cung cách dòng họ Cổ Y".
Thủ đoạn viết lách của nhà văn xứ Huế đó, khiến tôi phải kiêng nể. Hồ Lư, một bạn cũ, có một câu "xanh dờn về ông Mại: "Anh chưa biết cái sâu sắc đáng sợ của nhà văn xứ Huế đó đâu". Rồi anh tiếp nửa đùa nửa thật như lối nói những anh chàng nhà báo tỏ ra lão luyện.
"Ông ta giận ông Tấn, thách đố ngang tàng, vậy mà cứ ngọt ngào đề cao tinh thần nghĩa hiệp, rồi phong tước Mạnh thường quân cho ông ấy chỉ vì có mấy chục bạc".
Cả anh Bùi Tuân cũng bày tỏ khâm phục ông Mại một cách dè dặt. Kể ra cũng đáng sợ thật, khi đọc đến đoạn văn nói về chị Mai Đình, ông Mại giới thiệu một cách thân mật như "không còn gì phải che đậy nữa", để rồi mô tả cuộc tình giữa cô gái yêu văn đó với nhà thơ phụng đã diễn ra như thật nồng nàn suốt mấy tuần trăng mật.
Đoạn văn xuyên tạc này đã hạ thấp giá trị cây viết, nhà văn xứ Huế đó.
*
Ở địa hạt bệnh hoạn, ông Mại viết: "Marcel Proust có bị bệnh suyễn cột chân trên giường, mới phát kiến ra được thuyết thời gian, Hàn Mặc Tử có mắc bệnh phong cùi, thơ Việt Nam
mới thấy mở ra những chân trời mới lạ."
Và ông nói: Bệnh hủi đã ảnh hưởng anh Trí trong thơ văn mà Trăng đã tác động từng lúc khuyết hay tròn.
Ông Mại muốn chứng minh bằng trích dẫn lại người hủi thành Aoste của Xavier de Maistre.
"Cơn bệnh lên xuống, tăng hay giảm theo con trăng tròn hay khuyết".
Lập luận như vậy hình như không vững, vì chính ông cũng thú nhận không hề có sách nào nói đến ảnh hưởng của trăng đối với người mắc bệnh hủi.
Ngay cả những người hủi ở Quy Hòa mà ông đã gặp trong chuyến đi điều tra, cũng không ai xác nhận điều ấy. Cuối cùng, ông dựa vào sự thể có hai phần ba thơ trong tập Đau Thương, nói đến trăng, để kết luận có liên quan đến trăng.
Thật ra thì, trăng ở trong thơ Hàn Mặc Tử không có vẻ gì hành hạ anh, nghĩa là không ảnh hưởng gì đến bệnh hoạn mà hình như rất quen thuộc, ràng rịt như một bạn tình không dứt bỏ nhau được.
Ở điểm này tôi xin nhắc lại sự kiện anh bị ám ảnh của Trăng như thế nào, trước khi mắc bệnh, mà trăng là một tình nghĩa thắm thiết, quen nhau với anh Trí từ năm 1924-1925-1926 cho đến khi anh mang bệnh.
Đó là thời gian gia đình chúng tôi còn ở Sa Kỳ (đã kể trong chương I khi nhắc đến lúc còn đi học ở Quảng Ngãi). Tại đó có một động cát lớn rất đẹp về đêm, trong những mùa trăng sáng.
Con trăng ở đó huyễn hoặc, dị thường gây nhiều ảo giác rờn rợn khi chúng tôi còn nhỏ thường hay đến chơi.
Bài văn xuôi Chơi giữa mùa trăng là kỷ niệm khó quên trong đời anh, đã trở thành áng văn trác tuyệt. Về sau, những khi còn học ở Huế, mỗi lần đi về Quy Nhơn anh thường ghé Quảng Ngãi để đi Sa Kỳ (cách 12 cây số) thăm lại con trăng đó, như bị một hấp lực quyến rũ
lạ lùng mà anh không cưỡng nổi.
Anh thường nói với tôi: "Động cát Sa Kỳ vẫn còn đẹp như xưa" và anh đùa
"Trăng đó lớn
lắm rồi và đẹp lắm".
Không biết anh có ám chỉ người con gái ngày xưa mà anh gọi là Gái Quê tên của tập thơ anh. Chắc là cả hai. Trăng và Nàng. Anh cũng có bài thơ, nhắc lại mối tình trẻ con đó:
Từ lúc tóc em bỏ trái đào
Tới chừng cặp má đỏ au au
.......
Nghe nói ba em chưa chịu nhận
Cau trầu của khách láng giềng bên.
Trong bài Chơi giữa mùa trăng và các bài thơ khác, Anh đã phản ảnh lại, đã sống lại những mùa trăng ở đó.
"Chúng tôi đang ở giữa mùa trăng... Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria... Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn và giải thoát cái "ta" của tôi ra khỏi giam cầm xác thịt..."
Những lúc đau yếu, trăng giúp anh thoát khỏi cái "ta" dẫn dắt anh thoát ra ngoài xác thịt, chu du trên vầng thượng thanh khí...
Ảnh hưởng của trăng to lớn đã bắt đầu từ bài Trăng Sa Kỳ.
Con trăng ở đó đã ghi đậm vào não trạng anh nhiều hình ảnh tuyệt với, hình ảnh Đức Trinh nữ Maria mà trăng là ánh sáng thanh khiết luôn luôn bám sát trí khôn Anh với ý muốn ngày càng dâng lên cao cho tới thiên đàng.
Anh thường ca tụng ánh sáng Trăng là ánh sáng muôn năm. Anh viết về
VẦNG TRĂNG
Hãy nâng lên, và nâng lên chút nữa
Sáng thơm tho như ánh ngọc hừng đông
.......
Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách ánh thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đậm
Linh hồn tôi, thơ mát rượi hương nguyền
Nhớ Sa Kỳ, nhớ con Trăng tình nghĩa đó Anh viết:
Ha, ha, ta đuổi theo trăng
Ta đuổi theo trăng
Trăng bay lả tả ngả trên cành vàng
Tới đây là nơi tôi được gặp Nàng.
Và đi "Chơi trên trăng" rất thích thú
Tôi đi trong ánh sương mờ
Tìm con "Trăng" lạc ngoài bờ bên kia...
Tôi nhập hồn tôi trong khúc hát
Để nhờ không khí đẩy lên trăng
Để nghe tiếng nhạc Nghệ Thương trối
Để hợp tinh anh của Nguyện cầu
Và để thoát ly ngoài thế giới
Để cười để trũng để yêu nhau.
Trên đây là một bài thơ không thể gán cho của một người cùi buồn thảm được.
Vì thế, tôi thiết nghĩ, trăng không liên quan gì bao nhiêu đến bệnh trạng của anh Trí.
Những cảnh trí sáng ngời trong các bài thơ nói đến trăng không thể nào tìm thấy nơi tâm hồn buồn tẻ của những người bất hạnh với bệnh hủi nan y.
Ông Mại cũng đã nghĩ đến một chứng bệnh tâm thần mà ảnh hưởng có thể đẩy cảm nghĩ anh Trí ra ngoài thực tế. Dù ông Mại đã mất đi cái cơ hội tìm hiểu cặn kẽ về Hàn Mặc Tử, tôi vẫn thấy ông rất tế nhị khi ông nhận xét qua văn thơ anh:
"Hơn hết cả thi hào trên thế giới, Hàn Mặc Tử đã phóng thoát ra cái bản năng loài người, cởi lột được bao nhiêu cốt cách của loài người để ăn nhịp vào vũ trụ, biến thành một hiện tượng của vũ trụ.
Nhờ nguồn cảm thụ lực mạnh phát triển đến cực độ, Hàn Mặc Tử là nhà thơ đầu tiên nghe ngóng được những lời âm thầm của tạo vật, nghe được cả hơi thở của cành lá, cả va chạm của hai đường ánh sáng".
Đó là một sự bí mật rất lớn về Hàn Mặc Tử mà năm mươi năm ít ai hiểu nổi "Anh là ai".
Nếu chỉ dựa trên khoa học, chứng minh sách vở thì hiện tượng bên ngoài có thể dẫn dắt đến sai lạc.
Viết lại thiên hồi ký này, tôi xin xác nhận một lần nữa: Theo tôi thì anh Trí là một người bình thường như mọi người, đôi khi còn tầm thường nữa trong những cơn hỉ nộ ái ố lạc mà
người đã đưa đến cho anh. Thế nhưng, cái gì đã xảy đến, biến đổi anh trở thành khó hiểu như vậy.
Tôi đã từng theo dõi những đam mê, diễn biến tâm trạng, những biến cải hình thể anh, trong những năm ở gần anh nên không thể không xem đó là một điều lạ lùng chưa từng nghe thấy.
Tôi đã ghi nhận biến cải đó từ sau lần anh suýt chết đuối ở bờ biển Quy Nhơn. Mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn sợ hãi, không quên được cảnh tôi trông thấy Anh không còn giống Anh nữa, Anh khác lạ hẳn đi với đôi mắt lạc thần.
Cảnh tượng đó ám ảnh tôi mãi mà tôi tin anh đã được ơn cứu trợ lạ lùng của Đức Mẹ. Cho đến nay đức tin đó, tôi xem là đáp số vững chắc để cắt nghĩa những gì nghi ngại về Anh.
Khả năng tế nhị trong văn chương, trong âm nhạc đều bắt đầu tác động anh từ lúc đó, từ lúc mà Anh sống thu hình lại cả tâm hồn lẫn thể xác mà vốn dĩ ham muốn dồi dào súc tích đã có
sẵn từ bẩm sinh.
Những cảm xúc bồng bột nông nỗi trong thể trạng khoẻ mạnh, đã xô đẩy anh không ngừng từ đam mê này đến đam mê khác, cho đến một thời điểm nhất định bắt Anh phải dừng lại, rồi hướng Anh đi sâu vào một trạng thái suy niệm đến xuất thần.
Thời điểm đó đã đến với Anh một cách thình lình, như chớp lóa sáng chói, khiến Anh ngất đi, ngơ ngác mù mịt, để rồi biến cải Anh hoàn toàn.
Từ đó thơ Anh cũng bị ảnh hưởng, nhất là bước vào địa hạt thơ mới, mà tư tưởng Baudelaire và các môn đồ bắt đầu muốn tác động nguồn thơ phú của Anh. Có vẻ như Anh đã đấu tranh không ngừng với ảnh hưởng của thơ thác loạn trong tình yêu.
Khi ở Sài gòn về Anh tìm cho Anh một lối thoát. Đó là Trăng mà khởi đầu là bài Bẽn lẽn được giới nhà văn tán thưởng nhiệt liệt, vì trong đó Anh còn pha trộn nhiều màu sắc thời
đại:
Trăng nằm sóng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.
Trong khóm ví lau rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
Vô tình để gió hôn bên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.
Thế nhưng, càng về sau, thì trăng của Anh càng trinh khiết và càng ngày càng thoát tục hơn, không pha trộn gì nữa.
Trong những bài thơ Anh viết về mối tình Hoàng Hoa, Mộng Cầm, đều mượn trăng hoa, nắng gió để thay thế bạn tình, những cơn rào rạt yêu đương.
Rõ ràng nhất trong bài:
HÃY NHẬP HỒN EM
Trời từ bi cảm động ứa sương mờ
Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá
Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã
Anh đoán chừng cơn ấy em ngất đi
Khổ lòng chưa em hỡi Mộng tình si
Cuồng dại quá, khiến nước mây sường sượng
Nhưng qua rồi, những phút giây tư tưởng
Anh nhìn trăng lỏn lẻn đậu ngành cao
Phải giờ này em đang lúc chiêm bao
Và chính giờ, anh đang yêu em thiệt
Em hãy nhập hồn em vào bóng nguyệt.
Anh không thể yêu ai bằng xác thịt mà người yêu phải nhập vào trăng. Anh nói rõ hơn trong bài:
RƯỢT TRĂNG
... Tới đây là nơi tôi được gặp nàng
Chúng tôi nói chuyện bằng hơi thở
Dần dần hoa cỏ biến ra thơ
Chúng tôi là người của ước mơ
Không xác thịt chỉ có linh hồn đang mộng.
Trong cuốn sách Hàn Mặc Tử, trăng là tiết mục quan trọng mà cần phải mổ xẻ, khai triển nhiều khía cạnh khác nhau để giải thích tư tưởng, tình ý của Anh.
Hầu hết các bài thơ, bất kể là trong tập thơ Đau Thương hay trong Gái Quê gần như mỗi bài đều có một hay nhiều chữ trăng.
Trăng trở thành một ám ảnh, một thói quen trong thơ Hàn Mặc Tử, không thể thiếu được cho thơ Anh. Trăng đôi khi rất sống động trong các mối tình, cao trọng trong các lời cầu nguyện, êm ái trong đau thương, mua vui trong những cơn buồn bã, và luôn luôn dẫn đưa Anh ra khỏi cái "Ta" nặng nề của xác thịt.
Tiếc thay, ông Mại đã để mất đi cái vòng xích của sợi dây chuyền vặt vãnh, như ông đã nói, nên ông không thể hiểu biết cội rễ con trăng đã ảnh hưởng đến văn thơ Hàn Mặc Tử như thế nào.
Sự thiếu xót này, làm cho người đọc mất đi cơ hội nghe ông Mại bình luận các bài thơ huyền diệu của Anh. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mại cũng tìm được cách lắp dấu sự thiếu sót đó bằng một thủ thuật tâm lý rất thành công.
Ông nhấn mạnh đến bệnh hoạn, nghèo túng, để phũ phàng lên án tinh thần vô trách nhiệm của gia đình, anh em, cho là bạn bè bỏ bê, rẻ rúng Anh trong cô quạnh bi đát của tình phụ.
Tất cả bằng một giọng văn oán trách kích động lòng trắc ẩn của mọi người mà không thể nào bỏ qua được.
Kế hoạch này đã giúp ông đưa độc giả đến gần với anh Trí, yêu mến Anh mà không cần đi sâu vào văn thơ Anh. Người đọc dễ dàng quên đi, không tìm hiểu thơ, mà chỉ chú trọng đến
nỗi bất hạnh của nhà thơ trẻ tuổi đã chết trong tẻ lạnh nghèo nàn.
Ông Mại không cắt nghĩa các bài thơ hay về nội dung, nhưng nói đến âm nhạc trong thơ, hướng dẫn độc giả nghe những bài thơ trong đó âm điệu đã làm cho độc giả rung cảm dễ dàng.
Ông cũng còn tìm ra được lối đọc thơ theo thể ngắt quãng, cho bài thơ trở thành bài nhạc có nhịp điệu quyến rũ người đọc tài tình. Chính nhờ ở điểm tài ba đó, người đọc say mê thích thú với thơ Hàn Mặc Tử và yêu mến Anh.
Ông Chế Lan Viên từng viết về đề tựa cho tập thơ Hàn Mặc Tử (xuất bản ở Nghĩa Bình) đã lý luận trong một đoạn văn về sự tìm hiểu thơ văn Hàn Mặc Tử. Ông nói: "... Các nhà thơ khác, ta tìm hiểu rồi làm quen, quen rồi đến thuộc nhập tâm, ta càng khám phá ra yêu họ.
Nhưng với Hàn Mặc Tử, có khi phải yêu Anh trước, thuộc anh trước, như thế là quen với những "Kỳ" những "Siêu", những "Điên", những "dại", những "tột đáy", những "tột trời" và như thế ta lại "hiểu" được Anh."
Ông Mại cũng đánh mạnh vào tình cảm dư luận đương thời, và mọi ngừơi đều thương số phận Anh, thương cái bất hạnh của Anh mà yêu mến Anh tha thiết. Nhờ vậy, mà ông Mại đã thành công rất lớn về phía đó. Mặc dầu chưa ai hiểu được thơ Anh bao nhiêu. Con người Anh gắn liền với thơ Anh đã được người đời tìm hiểu từ năm mươi năm chỉ vì yêu mến Anh.
*
Năm 1942, tôi về Huế mấy hôm, ngồi ở Lạc Viên, đi qua Paul Bert, Trường Tiền, ở đâu cũng nghe người bạn trẻ của Khải Định, của Đồng Khánh, trao đổi với nhau những vần thơ tình tứ hay xót xa như trong bài:
NHỮNG GIỌT LỆ
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.
Ngay cả trêu đùa, họ đọc cho nhau nghe "Nỗi buồn vô duyên" nhưng Thương Thươnglại đọc trại ra Nương Nương:
Chiều nay tàn tạ hồn hoa
Nhớ Nương Nương quá xót xa tâm bào...
Tôi sung sướng đến ứa lệ, khi nghe mọi người đều biết Anh tôi, ngâm thơ Anh tôi và yêu mến Anh. Gia đình tôi cũng mãn nguyện không còn mong gì hơn. Cay đắng tủi nhục đã được đền bù xứng đáng.
Tên tuổi Hàn Mặc Tử nổi lên rất cao, cũng đồng thời tên tuổi Trần Thanh Mại được nhắc đến, nhất là sau vụ kiện "đạo văn" mà ông Quách Tấn đứng tư cách dân sự nguyên cáo.
Ông Mại bị kiện vì trích dẫn quá nhiều văn Hàn Mặc Tử mà không có sự đồng ý của ông Tấn là người được uỷ quyền bảo thủ. Đã một dạo, người ta bàn tán xôn xao cái chuyện "ăn trộm" văn (đạo văn) đó.
Dư luận ngã nhiều thiện cảm về phía ông Mại, và ông Mại bỗng trở thành người "hùng" của vụ kiện lịch sử văn học chưa từng có. Cố nhiên là cuốn Hàn Mặc Tử bán chạy như tôm tươi.
Tên tuổi Hàn Mặc Tử lại càng mở rộng tươi thắm như hoa. Vụ kiện đạo văn đó đã được tòa tuyên xử bác đơn của ông Quách Tấn. Nghe nói ông Tấn không đến dự nghe phán quyết của tòa.
Còn ở lại Huế mấy hôm, tôi nhờ bạn bè chỉ dẫn đến thăm ông Trần Thanh Mại với mục đích trước hết là cảm ơn ông đã thực hiện được mơ ước của anh Trí. Đồng thời mang đến cho ông một số tài liệu văn bản về cuộc đời anh Trí mà chưa hề được tiết lộ, trong đó có nhiều nhận xét và cảm nghĩ trung thực của người em gần gũi, có truyền giao cảm ứng với Anh, cũng như nhiều sai biệt liên quan đến danh dự những người đã kinh qua cuộc đời Hàn Mặc Tử.
Tôi đã đến căn nhà 24, 25 gì đó rên bờ sông Quai (Đông Ba). Khi vào đến cửa, một thiếu phụ hỏi. Tôi nói xin gặp ông Trần Thanh Mại. Bà hỏi tôi: "Ông là ai?– Tôi là em ruột Hàn Mặc Tử". Người đàn ông dáng tầm thước, vẻ quan trọng đang ngồi nơi phòng khách ngẩng nhìn tôi, rồi trả lời: "Ở đây không phải nhà ông Mại".
Tôi ra về gặp anh Bùi Tuân, kể lại chuyện đi thăm ông Mại. Tuân nói: "Có lẽ là nhà của giáo sư Nguyễn Đình Thuý con rể cụ Trần Thanh Đạt, hình như ông Mại ở bên An Cự thì phải".
Tôi nhờ anh Tuân chuyển lời tôi cảm ơn ông Mại và không quay lại nữa. Từ đó tôi không có dịp ra Huế gặp lại ông Mại vì còn bận phải "tha phương cầu thực".
Nhưng lòng tôi vẫn còn ân hận không giúp được gì thêm cho ông Mại để hoàn thành tốt đẹp hơn tác phẩm của ông về Hàn Mặc Tử mà tôi tin tài năng ông còn có thể làm cho nổi tiếng hơn.
*
Năm 1946, khi anh Quách Tấn từ Nha Trang di tản về Bình Định, có đến báo tin cho gia đình tôi biết anh đã bỏ rơi dọc đường tất cả thơ văn bút tích anh Trí trong khi chạy giặc. Gia đình tôi không ai phản ứng gì, có vẻ như đã khoán trắng cho anh Tấn rồi. Mẹ tôi cũng không có vẻ gì phiền trách anh.
Nghĩ đến cái mất mát vô cùng bất hạnh đó, tôi thầm cám ơn ông Mại đã phổ biến được nhiều bài thơ giá trị của Hàn Mặc Tử cho người đời thưởng thức tài năng Anh, có ông Mại tài năng Anh mới được người đời biết đến.
Cuốn Hàn Mặc Tử không ra đời, e không ai biết đến thơ Anh Trí rộng rãi như vậy. Nếu có đọc được bài nào của Anh, mà biết chắc là của Anh đi nữa, thì nếu không bị bóp méo vo tròn cũng có tên tuổi kẻ nào đó ký dưới bài thơ.
Đó là một cú đạo văn có kích thước lớn mà không ai kiện cáo gì được. Năm mươi năm rồi, còn luật lệ gì nữa.
Nguyễn Minh, người bạn đồng sở với tôi ở Nha Trang cũng tản cư ra Bình Định, kể chuyện đi ngang khu chợ Đầm trông thấy vô số mảnh giấy đã ngả màu vàng, mà người bán hàng ở chợ lượm về gói hành tỏi. Anh cũng có mang theo một số cho tôi xem. Đó là những bài thơ Anh Trí đã sáng tác, bút tích có chỗ bị gạch xóa, có nhiều chỗ đổi hết ý nghĩa mà tôi biết. Tôi còn đọc đựơc mấy câu.
ĐÔI TA
Cố làm ngơ không biết đến thời gian
Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn v.v...
....
Thế là mất hết thơ Anh Trí rồi!
Bất giác nhớ lại bài thơ "Nhớ Trường Xuyên" anh Trí viết tặng anh Tấn, đến nay đọc lại nghe còn nghẹn ngào:
Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!
Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời...
Ai nhờ ai thương mình quá tệ
Có ai khăng khít lại quên ai.
*
Viết lại chương này, tôi chỉ mong mang đến cho cuốn sách Hàn Mặc Tử những cái vặt vãnh mà ông Trần Thanh Mại không có cơ duyên tìm thấy từ nửa thế kỷ nay, cái mắt xích cần thiết để nối sợi dây chuyền tài liệu, khiến cho sách của ông bị mất đi một phần lớn giá trị mà
tài năng ông chưa có dịp phát huy hết được. Tiếc thay, ông đã qua đời.
Và tôi cũng tâm niệm từ năm mươi năm nay:
"Trả lại César những gì thuộc về César".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top