CHƯƠNG IV: NHỮNG MỐI TÌNH - Phần 2
2. MỘNG CẦM
Tôi biết được chị Mộng Cầm chỉ qua lời giới thiệu nửa đùa nửa thật của Thúc Tề. Anh Trí thì dấu kín, ở nhà không ai hay biết gì.
Thúc Tề cho tôi biết, Mộng Cầm tên thật là Nghệ, cháu kêu thi sĩ Bích Khê bằng cậu ruột, quen biết Hàn Mặc Tử qua văn thơ trên báo chí Saigon.
Mộng Cầm ở với cậu, lúc bấy giờ dạy học tại Phan Thiết.
Trong chương II tôi có dịp nói đến trong bối cảnh Saigon hoa lệ mà anh Trí và các bạn đã sống một thời gian làm báo tại đó.
Mối tình giữa hai người đã có một sôi nổi trong giới văn nghệ sĩ. Họ bàn tán thêu dệt theo cảm ý hay suy đoán của mỗi người.
Có người thương Hàn Mặc Tử thì trách Mộng Cầm bạc bẽo vội ôm cầm thuyền khác, khi vừa nghe tin anh mắc ác bệnh, nhất là khi nghe những lời thơ cay đắng trong những bài:
MUÔN NĂM SẦU THẢM
Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm
Nhớ thương còn một nắm xương hôi
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
Nghe hơi gió ôm ngang lấy gió
Tưởng chừng như trong đó có hương
Của người mình nhớ mình thương
Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì
Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm đều
Trăn năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi.
Hoặc khóc than não ruột như trong:
PHAN THIẾT, PHAN THIẾT
Ôi trời ôi! Là Phan Thiết, Phan Thiết
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi
Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
… Mà âm hưởng thương đau tạo nhiều ai oán trong giới nghệ sĩ Saigon để trở thành huyền thoại.
Cũng có người bênh vực Mộng Cầm còn quá trẻ mà nghiệp chướng hồng nhan đẩy đưa vào một cuộc tình hữu thủy vô chung tạo nhiều tai tiếng cho nàng.
Chưa ai biết rõ mối tình đó ra sao cả. Gia đình của chị cũng không hề hé răng tiết lộ, dù là để thanh minh.
Chỉ nghe mang máng một chuyện tình khá du dương, khi thì lầu Ông Hoàng, khi thì Cù lao Mũi Né.
Mộng Cầm cũng có lần nhắc nhở anh Trí đừng quên:
Rồi có khi nào trong phút giây
Trăng lên khỏi núi gió đùa mây
Thì anh nên nhớ người năm nọ
Đã được cùng anh sống những ngày
Mộng Cầm cũng là nữ sĩ, nhưng tôi chưa có cơ hội đọc thơ chị, nên không biết thế nào là:
“Sống những ngày…”
Đối với anh Trí chỉ cần đọc thơ Anh, cũng có thể hiểu được ít nhiều những gì anh muốn nói hoặc tâm sự. Nghe giọng văn anh rụt rè tình tứ trong mối tình đầu với Hoàng Hoa, cũng biết mối tình đó, thi sĩ chưa đạt được. Lòng anh muôn mơ ước mối tình nguyên hương trinh bạch, như nhiều lần anh thổ lộ trong thơ anh để cho hợp tình nghĩa trong trắng tâm hồn anh, như trong các bài: Ưng trăng, Tình hoa…
Chỗ đây khí hậu còn nguyên
Không ai chạm đến mà đến sao đang…
Tôi ưng nàng, tôi ưng nàng
Nàng xa xa quá ơi nàng nàng ơi
Hoặc giọng thơ dễ dãi, bạo dạn thì hiểu được cuộc tình bắt đầu không khó khăn, không
ngăn cách vì lễ giáo gia phong
Em tôi thở hổn hển
Áo xiêm lấm tấm vàng
Em tôi đã hiểu chưa
…….
Trăng lại dầm mình xuống nước
Trăng nước đều lặng nhìn nhau
Đôi ta bắt chước thì sao
Hoặc lời thơ chán chường gượng ép, như trong mối tình khi bắt đầu quen với Mai Đình mà ông Tấn đạo diễn cho vui.
Tuy nhiên, ai cũng biết tánh anh không hề muốn mất lòng ai. Tim anh luôn mở rộng đón lấy tình yêu của bốn phương trời. Thơ anh vẫn không thiếu phần tình tứ say sưa, khi mà máu nghệ sĩ tìm được mạch thơ, và mạch thơ đó dẫn dắt đến đâu, anh không cần biết.
Đối với chị Mộng Cầm, tôi chắc tình anh suông sẻ.
Với ít nhiều tư tưởng tiến bộ, có học trong bối cảnh văn minh, phóng khoáng, thì Mộng Cầm làm quen với anh Trí không khó khăn gì (xin đừng nghĩ là buông thả). Cho nên thơ anh
không giữ gìn ý tứ.
Vả lại phong cách hào hoa của chị, có thể đã làm cho anh không theo kịp cảm nghĩ của người con gái mới đó.
Những cuộc du ngoạn lầu Ông Hoàng, Cù lao Mũi Né đối với anh còn lạ lùng bỡ ngỡ trong nếp sống văn minh.
Anh viết trong:
SAY NẮNG
Mặt trời mai ấy đỏ ong
Nàng tiên tiên hóng mát trên hòn Cù lao
… Gió ơi lại đấy mà ngừa
Tôi đứng xa lắm xin chừa tôi đi
Hồn tôi mắc cỡ là vì
Không quen thưởng thức cái gì ngất ngây
Như là ánh nắng vàng lây
Mà thơ sắp sửa phô bày yêu thương…
Dù vậy cái hôn đầu tiên còn lưu lại một thứ hương vị lạ lùng mà anh khó quên, trên đôi môi trinh bạch:
Nhớ hàm răng, nhớ hàm răng
Mà ngày nào đó vẫn khăng khít nhiều
Và tự an ủi:
Hương không ngọt xuân sớm lẽ nào tham
Mật không đắng ân tình không thú vị
Nhưng rồi cũng tiếc nuối hờn dỗi như những chàng trai bị tình phụ:
Xưa những gì đích đáng ở đầu môi
Nay trả lại để tôi làm dấu tích
Mối tình Mộng Cầm chỉ có thế thôi mà cũng đã làm cho anh quên mất đi cái cốt cách phượng hoàng vĩ đại.
Rồi ngây dại nhờ thất tình chỉ hướng
Ta lang thang tìm đến chốn lầu trang
Lầu Ông Hoàng người thiên hạ đồn vang
Và cũng tầm thường nguyền rủa, khi cảm thấy cuộc đời tươi đẹp dừng lại trước đe dọa tàn phá của ác bệnh
Hỡi Phan Thiết, Phan Thiết
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư
*
Ở trên, tôi viết không hề biết đến Mộng cầm, chỉ qua lời giới thiệu của Thúc Tề.
Cho đến năm 1936, sau khi anh Mộng Châu qua đời, thì khoảng tháng năm chúng tôi dọn về số 20 đường Khải Định. Không lâu sau đó chị Mộng Cầm ghé lại Qui Nhơn có đến thăm.
Nghe nói chị có gởi thơ chia buồn về cái tang anh Mộng Châu, mà về sau cuốn sách Hàn Mặc Tử tiết lộ chị có xin phép để tang, xin anh Mộng Châu phù hộ cho hôn nhân hai người.
Tôi xin đem câu chuyện dưới đây kể lại trong tập Hồi ký này ngõ hầu giúp các nhà văn rộng đường khảo cứu cuộc đời Hàn Mặc Tử.
“Đêm trước, anh Trí đang trầm ngâm suy tư, bỗng chợt nói với tôi: “Nè nè Tín, ngày mai em tiếp khách giùm anh”.
Tôi hỏi: “Vậy thì anh đi đâu?”
“Không đi đâu cả nhưng anh muốn em giúp anh.”
Tôi hơi lấy làm lạ, bởi vì ở nhà chỉ khi nào có chuyện gì quan trọng phải nhờ cậy, anh mới lịch sự anh em, còn thường thì tao mi thân mật thôi.
Hôm sau, anh dậy sớm sửa soạn thay bộ đồ “tussor soie”, áo chemise trắng cổ “danton”, mang giày verni đen trông ra vẻ lắm.
Tôi hỏi: Ai mà quan trọng vậy – Anh chỉ cười, làm cho tôi có nhiều suy đoán ngờ vực, vì ngày thường anh ăn mặc rất lôi thôi.
Mới bảy giờ sáng, anh đã ra ngồi khoanh tay lại, thói quen cố hữu, thu mình trong chiếc ghế bành bằng mây. Không nói năng gì với ai nữa. Tôi bảo người nhà pha trà sẵn.
Mẹ tôi nhìn tôi dò hỏi. Tôi lắc đầu. Vậy là cả nhà chờ đợi một “biến cố” không ai đoán được cái gì cả.
Tám giờ hơn, một thiếu nữ nhỏ nhắn, tóc hớt ngắm ngang ót kiểu “bom – bê” khá xinh đẹp, duyên dáng trong chiếc áo cẩm châu đen trang nghiêm. Nhìn thấy đôi guốc cao gót tôi giật mình, suýt nữa thì tôi đánh giá cao tay lắm là em nữ sinh lớp nhì, lớp nhứt nào đó thôi.
Vậy là tôi phải đóng vai trò tiếp khách chu đáo cho anh Trí. Anh không giới thiệu gì cả. Cũng không biết anh chào hỏi ra sao, vì lúc ấy tôi đang quay lưng lại.
Chị chào hỏi rất tự nhiên, không có chút gì ngượng ngập, tự giới thiệu là bạn văn thơ của anh Trí, xưng là Mộng Cầm (À! Ra chị Nghệ đây mà. Ôi chao, chị còn nhỏ quá). Giọng nói pha trộn nhiều tỉnh, không cứng như tiếng Quảng Ngãi, rành rẽ. Có vẻ rất mới, nhất là mái tóc chị, mà thời bấy giờ ít ai dám mạnh dạn cắt ngắn như thế.
Chị nói chuyện tự nhiên, ngỏ lời chia buồn với gia đình và anh Trí như những người thành thạo nếp sống giao tế thông thường.
Chị cũng vui vẻ hỏi tôi biết làm thơ không. Chị khen thơ anh Trí rất hay và chị cũng đang chờ anh chỉ điểm thêm cho.
Trong lúc nói chuyện, thỉnh thoảng chị nhìn về phía anh Trí. Hình như chị hỏi anh có trở lại Saigon không. Anh lí nhí gì đó tôi không nghe rõ, vẫn luôn cười nhẹ, không tham gia câu chuyện.
Mượn cớ để cho hai người tâm sự, tôi cuống nhà dưới lấy thêm nước chế trà. Mẹ tôi hỏi: "Ai đó?"
Tôi thưa nhỏ: “Chị Mộng Cầm”. Bà cụ muốn ghé mắt xem. Tôi nói: “Để yên đã”.
Chưa cạn chén trà, nghe trên nhà vắng hoe.
Tôi trở lên thì vừa kịp thấy chị quay lưng lại chào rồi đi ra. Mẹ tôi lên theo, chỉ được trông thấy sau lưng. Anh Trí vẫn không thay đổi vị thế ngồi.
Bà cụ nói: “Còn trẻ mà dạn dĩ hé!” Tôi ngẫu hứng đọc mấy câu làm anh Trí bật cười:
Cô bé nhà ai dạn dĩ ghê
Áo đen quần trắng tóc bom – bê
Đến thăm anh Trí mà tôi tiếp
Hỏi chuyện thì ra chị Nghệ nè.
Mẹ tôi rầy:"Đừng nói bậy, mất lòng."
Anh Trí cũng cười.
Về sau một người bạn ở Nha Trang nghe chị kể chuyện: Anh Trí hình như mắc bệnh vì thấy hai tai anh đã dày lên.
Sau khi chị Mộng Cầm ra về, tôi suy nghĩ về thái độ của hai người trong suốt cuộc nói chuyện tại nhà.
Xét bề ngoài, cuộc viếng thăm có tính cách xã giao giữa hai người bạn quen biết. Không có gì để gọi là hẹn hò thân mật.
Anh Trí không hề thay đổi thái độ thường ngày: ngồi khoanh tay thỉnh thoảng lại cười nhẹ, sợ mất lòng khách, đôi khi như xa vắng không biết trước mặt mình đang có người bạn tình mà mình thương nhớ.
Tuy nhiên, có sửa soạn trong ăn mặc mà ngày thường rất lôi thôi.
Về phần chị Mộng Cầm cũng không có vẻ gì khác lạ. Khi gặp lại người mà chị từng viết: “Đã được cùng anh sống những ngày”. Nét mặt cũng không biểu lộ vẻ mặt thân mật của người tình, vẫn lịch sự vừa phải.
Từ lúc vào đến lúc đi, không hề nhắc đến một câu nào, tôi có thể nghe được về kỷ niệm Phan Thiết. Có lần tôi toan nhắc hỏi chuyện Lầu Ông Hoàng, nhưng kịp nghĩ lại sợ bất lịch sự chăng, nên lại thôi.
Tuy nhiên, tôi cũng cố tình dò xét mối tình hai người đã thể hiện ra sao, mà rốt cuộc vẫn chịu thua không hiểu nổi.
Có thể là nếp sống của chị Mộng Cầm phóng khoáng tự do đã quen, nên không thể nhìn thấy đổi thay trong cảm xúc khi chị tiếp xúc với bạn trai, dù là bạn tình.
Đó là những người đàn bà khó hiểu, mà đàn ông thường hay lầm lẫn khi nghe họ nói những lời ngụ ý. Hoặc thái độ có vẻ như buông thả nhưng lại đóng rất chặt. Đó là những thiếu nữ lạnh cảm bất thường.
Hoặc đã quá từng trải trong tình trường.
Mà Mộng Cầm thì quá trẻ, không thể xếp vào hai hạng nói trên. Chỉ còn phải xem chị ngây thơ, bắt chước nếp sống mới, thạo đời của Saigon văn minh thời bấy giờ. Vậy thì thật đáng thương hơn đáng trách.
Nếu ông Trần Thanh Mại được gặp chị sớm hơn, chắc phải dè dặt khi phê phán có phần trách móc chị.
Vì vậy, tôi không thể hình dung được những gì đã xảy ra trong các cuộc du ngoạn mà người đời đã thêu dệt. Dù sao thì cậu ruột Bích Khê vẫn còn là đệ tam nhân có trách nhiệm.
Tôi cho là đúng, vì sự thể anh Trí khẩn khoản nhờ tôi tiếp chuyện với chị Mộng Cầm như một nhân chứng để anh bớt hồi hộp. Tình trong trắng của anh còn được thấy rõ qua vẻ bối rối khi đối diện với chị Mộng Cầm.
Tuy nhiên đọc bài “Say chết đêm nay”, tôi không khỏi cảm thương cho mối tình lỡ dở của anh, mà nhớ thương còn đọng lại, ray rứt trong tâm tư con người bạc số đó.
… Trăng cổ độ hết vương cành trúc
Hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao
Đêm nay lại giống đêm nào
Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan.
Say thôi lại muốn nàng nâng đỡ
Nhưng nàng xa từ thuở vu quy
Nhớ thôi lòng những sầu bi
Lệ rơi vào rượu hàng mi lờ đờ.
Ta là khách bơ vơ phàm tục
Nhớ cầm trăng cung bậc tiêu tan
Không ai trang điểm má đào
Cho ta say chết đêm nào đêm nay.
Không lâu sau đó, nghe nói chị lập gia đình. Từ đó tôi không nghe ai nói gì về chị, ngoài trừ những chuyện huyền thoại về sau này.
Tôi cũng không biết hai người đã giải ước ra sao và lúc nào, vì bấy giờ tôi đã ở Đà Lạt.
Nhưng tôi vẫn linh cảm cuộc viếng thăm lần ấy có tính cách quyết định cho chị.
Đến nay, nhiều bạn hữu ngày xưa của anh, nghe nói còn gặp chị Mộng Cầm, nhưng chị sống kín đáo không muốn tiếp xúc với ai.
Viết lại câu chuyện chị Mộng Cầm, tôi ghi chép trung thực cảm nghĩ tôi lúc bấy giờ mà thôi, tuy ký ức cũng có thể có nhiều chỗ sai lạc về thời gian.
Mong chị thông cảm. Năm mươi năm rồi còn gì.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top