CHƯƠNG IV: NHỮNG MỐI TÌNH

Trong cuộc đời nổi tiếng của Hàn Mặc Tử, thơ văn gắn liền với tình yêu, như bóng với hình, mà thơ thì lại là sự sống của anh. Hễ có thơ là có tình và có tình chắc chắn là có thơ.

Thế nhưng tình của anh không biểu lộ giao tiếp song phương để cụ thể hóa mối tình đó,mà chỉ toàn là cảm ứng giữa những tâm hồn nghệ sĩ, kể cả với trăng.

Tình của anh là một thứ tình tưởng tượng, ước mơ trong bao nhiêu ngày tháng, trên bao nhiêu giấy mực và bao nhiêu thương nhớ chơi vơi.

Có vậy thôi, không đi đến đâu cả!

Vậy mà cũng tạo được cho người đời, những suy cảm say sưa, để rồi cũng xót xa với anh, nhức nhối với anh, từ nửa thế kỉ nay.

Tưởng tượng của anh phong phú kỳ lạ, ước mơ của anh thiết tha chân thành, đến nỗi ngừơi ta xem anh là một thi sĩ đào hoa, phong lưu lãng mạn, mà vẫn không hề lưu lại tiếng hờn tủi cho bất cứ ai.

Cứ nghe anh thành thật:

… Bao giờ, ai hóng hơi hương báu
Ngoài cõi tâm tư sẽ lỗi nghi
Chắc đâu đi lụy cho nhân quả
Thôi cứ say mềm với nữ nhi.

Nếu viết lại cho hết những người bạn gái tạt ngang qua đời anh, như mộng lớn, mộng con của thi sĩ Tản Đà, thì không tài nào nhớ hết được.

Chẳng hạn như:

Ta đồ chữ NGỌC lên tàu lá
SƯƠNG ở cung thiển nhỏ chẳng thôi.

Hoặc:

Ta đuổi theo trăng, ta đuổi theo trăng
Trăng bay là là, ngã lên cành vàng
Tới đây là tôi được gặp nàng
(Cành vàng lá ngọc)

Trong chương này, tôi chỉ xin chép lại bốn mối tình của anh mà bóng dáng còn lưu lại đậm đà trong văn thi anh, và cũng là bốn mối tình anh mang nhiều ray rứt trong tâm tư.

Anh Trí vốn ít nói, sống thầm lặng, nhất là sau tai nạn ở bờ biển, lại càng khép kín hơn.

Gần bên anh lâu ngày, tôi biết anh có nhiều tâm sự chưa hề tiết lộ với ai. Bên ngoài có vẻ như lặng lẽ vô tình nhưng bên trong lại rất nồng nàn mãnh liệt mà anh đang sống bằng cảm thụ.

Giá như anh không làm thơ để “bài tiết” cái tâm sự của anh, thì thật nguy hiểm vô cùng, nhất là với tình trạng mà tôi cho là bất bình thường sinh lý sau đây:
Từ thời còn đi học giáo lý, anh chịu ảnh hưởng sâu đậm của cha Thiềng, một linh mục nhân đức có nếp sống đơn sơ mà anh rất cảm phục yêu mến.

Có hai điều giáo lý của cha mà anh ghi nhớ rất cẩn thận và tuân thủ vô cùng chặt chẽ. Đó là:

– Nhân đức sạch sẽ (có nghĩa tinh khiết) mà cha hay nói: “Điều răn thứ sáu (tình dục) rất đáng sợ, thậm chí các Thánh ngày xưa không dám nói đến tên.

– Đừng bắt chước bọn Pharisiêu mà kinh thánh cho là giả hình. Cần phải sống bằng nhân đức khiêm nhượng kín đáo (humilité).

Trong đời anh, người con gái duy nhất mà anh dám trò chuyện vui đùa là chị Như Lễ, ngoài ra anh không hề mở miệng với bất cứ thiếu nữ nào đồng trang lứa dù là để chào hỏi, kể cả láng giềng hay bà con.

Chị Lễ có học, ít nhiều có khiếu văn chương, rất hợp với anh. Nhưng hễ ngồi lại là hay tranh cãi, nhất là cãi giáo lý, và chị Lễ thường bị anh chỉ trích là Pharisiêu, vì chị có thói quen đứng hàng giờ bên bàn thờ sau buổi kinh tối (tôi nghĩ hai chị em không có đề tài để nói chuyện ngoại trừ tranh cãi giáo lý).

Và chị Lễ cũng là người con gái đầu tiên được anh ca ngợi tán dương trong bài “Chơi giữa mùa trăng” như một pho tượng trinh nữ.

Ở Huế về, đã mười chín tuổi, cái tuổi của những thanh niên khí lực sung mãn mới lớn, đáng lẽ anh phải có những giây phút mơ mộng, hoặc bị những đòi hỏi khát khao của tuổi trẻ chi phối. Nhưng anh đã dồn hết vào khoảng thời gian đó những đam mê thể thao thể dục, và có lẽ vì thế anh rất ít bận tâm đến sinh lý thông thường chăng?

Thế nhưng, thời gian đó qua đi rồi, mà vẫn không thấy anh thay đổi tính tình, không thấy anh trò chuyện với thiếu nữ nào, đừng nói là có bạn gái.

Nói đến chuyện lứa đôi là đỏ mặt.

Không biết có phải vì anh có những nét nhân đức thật sự, hay vì e ngại tôi lỗi, mà cha Thiềng nhắm muốn đỡ đầu cho anh đi tu, xem anh như có ơn kêu gọi, cho nên anh rất sợ bị dòm ngó đạo đức của anh mà vốn dĩ anh là đứa trẻ nghịch ngợm nhất nhà. Ngay cả những khi đọc kinh anh cũng rất kín đáo, tràng hạt trong túi áo, hai tay thọc sâu vào đi đi lại lại im lặng. Không ai biết anh lần tràng hạt hay làm thơ. Thế rồi, anh biết yêu. Khi anh tiến sâu vào địa hạt văn thơ.

Bạn bè đều biết anh bắt đầu yêu sau khi tiếng tăm thơ văn anh được báo chí nói đến, cũng đống thời có nhiều cảm ứng trong giao thiệp văn chương với một số nữ sĩ. Tôi hay đùa: Thơ và tình đến với anh cùng một lúc.

Vì vậy, anh ước mơ người đẹp một cách cổ điển: “Thư trung hữu mỹ nữ”.

“Để rồi một buổi trăng sáng nào đó yên lặng, anh chờ người đẹp từ từ trong sách hiện ra với anh”.

Cho nên gần suốt cuộc đời anh, vẫn chưa gặp được người yêu mơ ước và cuối cùng phải thở than:

Đời không có ngọc trong pho sách
E hết khôi nguyên ở Thượng Trì.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top