CHƯƠNG III: BẠN BÈ VÀ ẢNH HƯỞNG

Hàn Mặc Tử ở trong gia đình ít tha thiết đến anh chị em ruột thịt nhưng bạn bè là cả một sức sống năng động của Anh, và cần thiết cho Anh, bất cứ lúc nào, ở đâu.

Bạn bè chi phối Anh dễ dàng chỉ vì Anh dễ dãi, chiều bạn và sẵn sàng chấp nhận phần thua thiệt.

Còn bạn bè thì thương yêu Anh như ruột thịt, không nề hà câu nệ.

Anh Trí chưa bao giờ biết trong nhà sống thiếu đủ ra sao, nhưng lại rất quan tâm đến đời sống của bạn.

Nghe nói, hồi ở Saigon, Anh tự xem như có bổn phận lo lắng cho tất cả "như triết gia Mặc Địch, thời chiến quốc chủ trương thuyết Kiêm ái".

Có lần Hoàng Diệp nghe Mẹ tôi kể chuyện những chuyến ra đi của Anh, bao giờ cũng có một va - li đầy ắp áo quần mền gối, nhưng khi trở về chẳng có gì bưng xách nặng tay cho phiền toái. Xuống xe kéo là xin năm xu trả tiền.

Diệp hỏi anh:

- Ở Saigon, tiền bạc làm ra nhiều lắm, sao về nhà không có một xu dính túi ?

Anh cười một cách cố hữu:

- Tụi nó đói nhăn răng ra mà để dành tiền làm chi.

Không phải chỉ ở Saigon, Anh mới biết làm cái việc nghĩa hiệp đó, mà ngay ở Qui Nhơn cũng vậy.

Một lần đang ăn tối, nghe một ám hiệu nào đó ngoài đường, Anh bỏ đũa đứng dậy đi vào phòng, mang ra một bọc giấy lớn, thản nhiên bước ra cửa. Tôi nhìn theo, thấy rõ người bạn thân nhất của Anh đang đứng bên kia lề đường.

Biết Anh thường tiếp xúc ngoại lệ, ngay cả những ngày anh Mộng Châu còn ở nhà, không ai để ý làm gì.

Mẹ tôi thì quán xuyến hơn, thỉnh thoảng lưu ý đến áo quần Anh, bà cho tôi biết có nhiều bộ đồ còn mới biến đi đâu mất, kể cả bộ nỉ nâu, Anh thừa hưởng của anh Mộng Châu để lại.

Tôi hỏi Bùi Tuân, người mà Mẹ tôi xem như con cái, thường sống với chúng tôi nhiều hơn ở nhà anh (cách năm cây số).

Tuân hời hợt:
- Có lẽ để giúp một vài người bạn vừa đi tù về.

Tôi tò mò nhận xét những ai mặc âu phục và những ai mặc nam phục. Về sau tôi biết rõ hơn. Kể ra thì cũng xứng đáng được anh Trí giúp đỡ.

Ở Saigon về, Anh tiếp xúc với nhiều bạn hữu, xa có gần có. Ngoại trừ nhóm Phong Đình thưa thớt, còn toàn là lớp trẻ mà là cựu học sinh College Qui Nhơn. Họ đều là bạn anh Trí, có người như Trọng Quy cùng lớp với tôi biết nhau thân nhau từ ngày còn đi học.
Quậy nhất đám là mấy tay Thúc Tể, Trọng Quy, Bùi Tuân thì chất phác, Yến Lan hiền lành e ngại, Chế Lan Viên như cô nữ sinh thẹn thò nhưng đôi mắt có nhiều ánh lửa vàng tinh tế.

Hình như anh Trí đặc biệt mến Hoan hơn cả. Còn Hoàng Tùng Ngân, tôi gọi là trầm ngâm vì ít nói mà Mẹ tôi khen có cái miệng sang tướng. Hoàng Diệp thì có dáng dấp thi sĩ đa tình.

Tôn Thất Vỹ khắc khổ như một nhà tu. Còn anh Mỹ (hay Thống gì đó) một người bạn đến sau, hơi ngỡ ngàng một chút, thỉnh thoảng đưa bài thơ cho anh Trí phê phán mà vẻ áy náy bồn chồn khiến Anh bật cười nói đùa:

- Nghe nói Anh có bài thơ tuyệt vời lắm, còn làm bài khác làm chi nữa. Sao không mang xuống cho anh em xem với.

Anh chàng đỏ mặt, Bùi Tuân quay nói nhỏ:
- Hắn mới cưới vợ.

Nếp sinh hoạt thật vui thích và nhẹ nhàng.

Thỉnh thoảng anh Trí nhận được thơ Bích Khê, Trần Thanh Địch hay Quách Tấn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top