Ham doi thiet giap ham Hoa Ky trong WW2 3
Mang cờ Hải quân Hoa Kỳ
Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Pennsylvania
Xưởng đóng tàu: Newport News Shipbuilding
Đặt lườn: 27 tháng 10 năm 1913
Hạ thủy: 16 tháng 3 năm 1915
Đỡ đầu: Elizabeth Kolb
Hoạt động: 12 tháng 6 năm 1916
Bị mất: Bị đánh chìm sau khi thử nghiệm bom nguyên tử ngoài khơi Kwajalein ngày 10 tháng 2 năm 1948
Ngừng hoạt động: 29 tháng 8 năm 1946
Xóa đăng bạ: 19 tháng 2 năm 1948
Tặng thưởng: Đơn vị Tuyên dương Hải quân
8 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 31.400 tấn
Chiều dài: 185,3 m (608 ft)
Mạn thuyền: 29,6 m (97 ft 1 in)
Tầm nước: 8,8 m (28 ft 11 in)
Tốc độ: 39 km/h (21 knot)
Quân số: 915
Vũ khí: 12 × pháo 356 mm (14 inch)/45 caliber (4 × 3)
14 × pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber[1] (14 × 1)
4 × pháo phòng không 76 mm (3 inch)
4 × six-pounder (2,7 kg)
2 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)
Vũ khí điện tử: radar RCA CXAM-1[2]
USS Pennsylvania (BB-38) là một thiết giáp hạm của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó thuộc thế hệ các thiết giáp hạm "siêu-dreadnought"; và là chiếc tàu chiến thứ ba của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang Pennsylvania.Được đưa vào hoạt động khi Đệ nhất thế chiến còn đang tiếp diễn, nó từng hoạt động trong cả Thế chiến I và Thế chiến II. Nó từng là mục tiêu được quân Nhật nhắm đến trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, nhưng chỉ bị hư hỏng nhẹ. Sau khi được sửa chữa, nó tiếp tục hoạt động tại mặt trận Thái Bình Dương cho đến hết Thế chiến II. Nó bị đánh chìm vào ngày 10 tháng 2 năm 1948 khi được sử dụng trong thử nghiệm bom nguyên tử ngoài khơi Kwajalein.
Thiết kế và chế tạo
Pennsylvania được đặt lườn vào ngày 27 tháng 10 năm 1913 bởi hãng Northrop Grumman Newport News tại Newport News, Virginia. Nó được hạ thủy vào ngày 16 tháng 3 năm 1915, được đỡ đầu bởi Elizabeth Kolb ở Philadelphia, Pennsylvania, và được đưa vào hoạt động ngày 12 tháng 6 năm 1916 dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Henry B. Wilson.
Lịch sử hoạt động
Hạm đội Đại Tây Dương
Pennsylvania thoạt tiên được bố trí đến Hạm đội Đại Tây Dương. Vào ngày 12 tháng 10 năm 1916, nó trở thành soái hạm của Tư lệnh Hạm đội Đại Tây Dương, khi Đô đốc Henry T. Mayo chuyển cờ hiệu của mình từ chiếc Wyoming (BB-32) sang chiếc Pennsylvania. Vào tháng 1 năm 1917, Pennsylvania lên đường tham gia diễn tập hạm đội trong vùng biển Caribbe. Nó quay về căn cứ tại Yorktown, Virginia ngày 6 tháng 4 năm 1917, ngày mà Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức. Nó đã không lên đường gia nhập vào Hạm đội Grand của Hải quân Anh vì nó dùng dầu đốt thay vì than, và không thể dành thêm tàu chở dầu để chuyên chở nhiên liệu bổ sung sang Anh Quốc, lúc này đang bị thiếu hụt dầu. Trong hoàn cảnh như vậy, chỉ có các thiết giáp hạm chạy bằng than mới được chọn cho nhiệm vụ này. Đặt căn cứ tại Yorktown, nó duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu qua các đợt diễn tập hạm đội và huấn luyện chiến thuật trong khu vực vịnh Chesapeake, xen kẻ với việc đại tu tại Norfolk và New York, cùng một lần cơ động đến Long Island.Vào ngày 11 tháng 8 năm 1917, trong khi ở tại Yorktown, Pennsylvania xếp hàng thủy thủ đoàn trên boong tàu để chào mừng khi chiếc Mayflower cùng Tổng thống Woodrow Wilson đến nơi. Lúc 12 giờ 15 phút, Tổng thống Wilson đi duyệt qua Pennsylvania với nghi thức trọng thể đầy đủ.Vào ngày 2 tháng 12 năm 1918, Pennsylvania đến thả neo ngoài khơi Tompkinsville, New York. Ngày 4 tháng 12, nó lên đường đi đến Brest, Pháp. Lúc 11 giờ 00, chiếc George Washington treo cờ hiệu của Tổng thống Hoa Kỳ tiến ra khơi cùng với sự hộ tống của mười tàu khu trục. Pennsylvania xếp hàng thủy thủ đoàn trên boong tàu và bắn 21 phát đại bác để chào mừng. Nó chiếm lấy vị trí phía trước chiếc George Washington dẫn đầu đoàn hộ tống danh dự cho Tổng thống. Đến Brest ngày 13 tháng 12, thủy thủ đoàn xếp hàng và chào mừng khi chiếc George Washington đi ngang vào chỗ neo đậu. Ngày 14 tháng 12, Pennsylvania khởi hành quay về New York, và đến nơi ngày 25 tháng 12.Vào tháng 2 năm 1919, Pennsylvania tham gia cuộc cơ động của hạm đội tại vùng biển Caribbe, và quay trở về New York vào cuối mùa Xuân. Trong khi ở lại New York, ngày 30 tháng 6 năm 1919, chức vụ Tổng tư lệnh Hạm đội Đại Tây Dương của Đô đốc Mayo được thay thế bởi Phó Đô đốc Henry B. Wilson, nguyên là thuyền trưởng đầu tiên của con tàu.Tại Tompkinsville ngày 8 tháng 7 năm 1919, Pennsylvania đón lên tàu Phó Tổng thống Thomas R. Marshall, các Bộ trưởng trong nội các Daniels, Glass, Wilson, Baker, Lane và Nghị sĩ Champ Clark rồi tiến ra khơi. Lúc 10 giờ 00, thiết giáp hạm Oklahoma được nhìn thấy cùng với chiếc George Washington đang treo cờ hiệu vủa Tổng thống cùng với đoàn tàu hộ tống. Pennsylvania bắn một loạt pháo chào mừng Tổng thống, rồi chiếm lấy vị trí dẫn đầu phía trước chiếc Oklahoma hướng về phía New York, dừng lại để tiễn các vị thượng khách danh dự lên bờ trước khi quay về chỗ neo đậu.Ngày 7 tháng 1 năm 1920, chiếc thiết giáp hạm rời New York tham gia cuộc cơ động của hạm đội tại vùng biển Caribbe, và quay trở về New York ngày 26 tháng 4 năm 1920. Nó tiếp tục thực hiện lịch trình huấn luyện tại chỗ cho đến ngày 17 tháng 1 năm 1921 khi nó rời New York đi đến vùng kênh đào Panama. Pennsylvania đi đến Balboa, Panama ngày 20 tháng 1, gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương và trở thành soái hạm của hạm đội hỗn hợp, khi Tổng tư lệnh Hạm đội Đại Tây Dương nắm quyền chỉ huy Hạm đội Thiết giáp hạm theo lệnh của Bộ Hải quân.Ngày 21 tháng 1 năm 1921, Hạm đội khởi hành từ Balboa đi Callao, Peru, và đến nơi ngày 31 tháng 1 năm 1921. Rời cảng này ngày 2 tháng 2, Pennsylvania quay về Balboa vào ngày 14 tháng 2, rồi tiến hành các đợt thực tập ngắn trong khi ở lại Căn cứ Hải quân vịnh Guantanamo, Cuba. Quay về Hampton Roads ngày 28 tháng 4 năm 1921, nó bắn 21 loạt đạn chào khi đi ngang qua chiếc Mayflower. Sau đó Bộ trưởng Hải quân, Thứ trưởng Hải quân và Trưởng phònng Hành quân Hải quân cùng lên tàu chuẩn bị cho lễ tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ. Lúc 11 giờ 40 phút, Tổng thống Warren Harding lên tàu và cờ hiệu của ông được kéo lên cột buồm chính.
Hạm đội Thái Bình Dương
Ngày 22 tháng 8 năm 1922, Pennsylvania rời Lynnhaven Roads gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương. Đi đến San Pedro, California ngày 26 tháng 9 năm 1922, khu vực hoạt động chủ yếu của nó cho đến năm 1929 là dọc theo bờ biển California, Washington và Oregon, với các cuộc cơ động và thực tập chiến thuật được tổ chức định kỳ tại khu vực kênh đào Panama, vùng biển Caribbe và khu vực Hawaii. Chiếc thiết giáp hạm cùng Hạm đội rời San Francisco, California ngày 15 tháng 4 năm 1925, và sau khi tham dự một cuộc tập trận tại khu vực Hawaii, đã rời Honolulu, Hawaii ngày 1 tháng 7 lên đường sang Melbourne, Australia. Sau khi ghé thăm Wellington, New Zealand, nó quay trở về San Pedro vào ngày 26 tháng 9 năm 1925.Vào tháng 1 năm 1929, Pennsylvania thực hiện chuyến đi đến Panama; và sau các đợt cơ động huấn luyện trong thời gian đặt căn cứ tại vịnh Guantanamo, Cuba, nó di chuyển xưởng hải quân Philadelphia, đến nơi ngày 1 tháng 6 năm 1929, để tiến hành đại tu và hiện đại hóa. Chiếc thiết giáp hạm ở lại xưởng tàu gần hai năm; khi dàn pháo hạng hai giảm xuống còn 12 khẩu pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber và số súng phòng không 76 mm (3 inch) được thay thế bằng tám khẩu pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber.[1] Ngày 8 tháng 5 năm 1931, nó khởi hành một chuyến đi huấn luyện học viên mới đến vịnh Guantanamo, Cuba, rồi quay trở về. Ngày 6 tháng 8 năm 1931, một lần nữa chiếc tàu chiến lại đi đến Guantanamo, rồi tiếp tục đi đến San Pedro, nơi nó lại gia nhập Hạm đội Thiết giáp hạm.Từ tháng 8 năm 1931 đến năm 1941, Pennsylvania tham gia các đợt thực hành chiến thuật và tác xạ của Hạm đội dọc theo bờ Tây Hoa Kỳ, cũng như tham dự các cuộc tập trận cơ động Vấn đề Hạm đội được tổ chức định kỳ tại vùng biển Hawaii và biển Caribbe. Pennsylvania là một trong số 14 tàu chiến được trang bị kiểu radar thế hệ đầu CXAM-1 của hãng RCA.[2] Sau một đợt đại tu và cải biến tại Xưởng hải quân Puget Sound nhằm tăng số pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber lên 12 khẩu,[1] ngày 7 tháng 1 năm 1941, chiếc thiết giáp hạm khởi hành hướng đến vùng biển Hawaii, nơi nó thực hiện các hoạt động thường xuyên cùng các đơn vị của Lực lượng Đặc nhiệm 1 và 5 trong suốt năm đó, và từng thực hiện một chuyến đi ngắn đến bờ Tây nước Mỹ cùng Lực lượng Đặc nhiệm 18.
Thế Chiến II
1941-1943
Vào lúc Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Pennsylvania đang trong ụ tàu của xưởng hải quân Trân Châu Cảng. Nó là một trong những tàu chiến đầu tiên nổ súng khi các máy bay ném bom bổ nhào và máy bay ném ngư lôi đối phương bắt đầu cuộc tấn công. Chúng đã không thành công trong những nỗ lực phóng ngư lôi vào thùng chặn của ụ tàu, nhưng Pennsylvania cùng khu vực chung quanh bị bắn phá nặng nề. Một khẩu đội pháo 127 mm (5 inch) bị loại khỏi vòng chiến khi một quả bom đánh trúng mạn phải tàu và phát nổ trong ngăn số 9. Các tàu khu trục Cassin và Downes, ngay phía trước chiếc Pennsylvania trong ụ tàu, bị hư hại nặng do trúng phải bom, và bản thân chiếc thiết giáp hạm bị bao phủ bởi một cơn mưa mảnh vụn. Một phần của ống phóng ngư lôi trên chiếc Downes, nặng khoảng 450 kg (1.000 lb), bị thổi tung lên cầu tàu chiếc Pennsylvania. Khi cuộc tấn công kết thúc, chiếc tàu chiến bị tổn thất 15 người thiệt mạng (bao gồm Sĩ quan Cao cấp của nó), 14 người mất tích và 38 người bị thương.Ngày 20 tháng 12 năm 1941, Pennsylvania khởi hành đi San Francisco, và đến nơi ngày 29 tháng 12 năm 1941. Công việc sửa chữa những hư hỏng của nó kéo dài đến tận ngày 30 tháng 3 năm 1942. Từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 1 tháng 8 năm 1942, Pennsylvania tiến hành huấn luyện và tuần tra dọc theo bờ biển California, bị ngắt quãng bởi các lần đại tu tại San Francisco. Trong giai đoạn này, vào ngày 4 tháng 6 năm 1942, Đô đốc Ernest J. King, Tổng tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ, chủ trì một buổi lễ ngắn trên chiếc Pennsylvania để trao tặng Huân chương Phục vụ Dũng cảm cho Đô đốc Chester W. Nimitz do những cống hiến xứng đáng trong cương vị Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ từ ngày 31 tháng 12 năm 1941. Sau đó nó khởi hành như một trong số bảy thiết giáp hạm dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc William S. Pye sẵn sàng đánh chặn lực lượng Nhật Bản nếu như chúng có ý định tấn công bờ Tây Hoa Kỳ. Sau khi trận Midway kết thúc bằng chiến thắng rõ ràng cho phía Mỹ, lực lượng khởi hành đi San Pedro.Ngày 1 tháng 8 năm 1942, Pennsylvania rời San Francisco hướng đến Trân Châu Cảng, và đến nơi ngày 14 tháng 8. Nó tiến hành thực tập tác xạ và tham gia vào lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay hoạt động tại vùng biển Hawaii. Vào ngày 4 tháng 10, Pennsylvania quay về San Francisco, rồi ở lại đó để đại tu và cải biến cho đến tận ngày 5 tháng 2 năm 1943. Các kiểu pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber và 127 mm (5 inch)/25 caliber được thay thế bằng 16 khẩu 127 mm (5 inch)/38 caliber pháo đa dụng bố trí trên các tháp pháo đôi.[1] Nó bắt đầu tiến hành các cuộc huấn luyện ôn tập và tuần tra phòng không ngoài khơi bờ biển California. Vào ngày 23 tháng 4, Pennsylvania khởi hành đi Alaska tham gia Chiến dịch Aleut.Vào ngày 30 tháng 4 năm 1943, Pennsylvania đi đến vịnh Cold, Alaska. Trong các ngày 11 và 12 tháng 5, nó tham gia bắn phá các mục tiêu tại vịnh Holtz, Attu và cảng Chicago để hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ. Khi nó rút lui khỏi Attu ngày 12 tháng 5, một máy bay tuần tra phát tin cảnh báo một làn sóng ngư lôi đang hướng chiếc Pennsylvania. Chiếc thiết giáp hạm cơ động lẫn tránh với tốc độ tối đa và né tránh được quả ngư lôi an toàn. Tàu khu trục Edwards hợp cùng Farragut truy tìm kẻ tấn công. Sau mười giờ liên tục săn đuổi bằng mìn sâu, chiếc tàu ngầm Nhật Bản I-31 bị buộc phải nổi lên mặt nước và bị hỏa lực pháo của chiếc Edwards bắn trúng. Dù bị hư hại nặng, chiếc tàu ngầm đối phương vẫn sống sót cho đến ngày 13 tháng 6 khi nó bị tàu khu trục Frazier đánh chìm. Sóng ngư lôi lại được trông thấy vào buổi sáng ngày 14 tháng 5, và lần này những chiếc tàu khu trục truy tìm một cách vô vọng. Cùng buổi sáng hôm đó, thủy phi cơ của Pennsylvania (những chiếc OS2U Kingfisher) được tung ra để hoạt động từ chiếc tàu chở thủy phi cơ Casco để càn quét các mục tiêu đối phương trên đảo Attu.Trưa ngày 14 tháng 5, Pennsylvania tiến hành đợt bắn phá bờ biển thứ ba, lần này là nhằm hỗ trợ cho cuộc tấn công của bộ binh lên cánh phải vịnh Holtz. Sau đó nó hoạt động ở phía Bắc và Đông Attu cho đến ngày 19 tháng 5 khi nó khởi hành đi Adak. Nó rời Adak ngày 21 tháng 5 và về đến xưởng hải quân Puget Sound, Bremerton, Washington ngày 28 tháng 5. Chiếc thiết giáp hạm quay trở lại Adak ngày 7 tháng 8, và rời nơi đó ngày 13 tháng 8 như là soái hạm của Chuẩn Đô đốc Francis W. Rockwell, chỉ huy Lực lượng tấn công Kiska. Ngày 15 tháng 8, lực lượng tấn công đã đổ bộ lên các bãi biển phía Tây Kiska mà không gặp sự kháng cự. Đến chiều tối ngày 16 tháng 8, sự việc trở nên rõ ràng là quân Nhật đã triệt thoái dưới sự che chở của sương mù trước cuộc đổ bộ. Pennsylvania tuần tra ngoài khơi Kiska thêm một thời gian trước khi quay về Adak vào ngày 23 tháng 8.Pennsylvania quay về đến Trân Châu Cảng ngày 1 tháng 9. Nó nhận lên tàu 790 hành khách rồi khởi hành ngày 19 tháng 9 hướng đến San Francisco, và đến nơi ngày 25 tháng 9. Nó quay lại Trân Châu Cảng ngày 6 tháng 10, và sau khi đưa hành khách lên bờ, chiếc thiết giáp hạm tham gia thực tập tác xạ và huấn luyện tại khu vực Hawaii. Nó trở thành soái hạm của Chuẩn Đô đốc Richmond K. Turner, Tư lệnh Lực lượng Đổ bộ 5, và tham gia vào Lực lượng Tấn công cánh Bắc, rời Trân Châu Cảng ngày 10 tháng 11 để tấn công lên đảo san hô Makin trong quần đảo Gilbert.Lực lượng Đặc nhiệm bao gồm bốn thiết giáp hạm, bốn tàu tuần dương, ba tàu sân bay hộ tống các tàu vận tải và tàu khu trục đã tiếp cận đảo san hô Makin từ hướng Tây Nam vào buổi sáng ngày 20 tháng 11. Pennsylvania khai hỏa nhắm vào đảo Butaritari trước tiên bằng các khẩu pháo chính của nó ở khoảng cách 13 km (14.200 yard) rồi sau đó khai hỏa các khẩu pháo hạng hai của nó.Ngay trước khi sẵn sàng tác chiến vào lúc sáng sớm ngày 24 tháng 11, một tiếng nổ dữ dội xảy ra về phía mạn phải con tàu trong khi Pennsylvania đang đi đến vị trí yểm trợ ngoài khơi Makin. Trong nhiều phút sau vụ nổ, một đám cháy bừng lên chiếu sáng cả khu vực. Tin tức nhận được cho biết chiếc tàu sân bay hộ tống Liscome Bay đã bị trúng ngư lôi, bị chìm với tổn thất nhân mạng nặng nề, bao gồm Chuẩn Đô đốc Henry M. Mullinnix tư lệnh hải đội. Máy bay phóng ngư lôi đối phương tiếp nối các cuộc tấn công ban đêm kiên quyết vào các đêm 25 và 26 tháng 11 nhưng bị đánh lui mà không gây thêm thiệt hại nào cho Lực lượng Đặc nhiệm.
1944
Vào ngày 31 tháng 1 năm 1944, Pennsylvania tiến hành nã pháo xuống đảo Kwajalein và tiếp tục suốt ngày hôm đó. Cuộc đổ bộ được thực hiện vào ngày 1 tháng 2, khi Pennsylvania tham gia hỗ trợ bắn pháo các mục tiêu đối phương trước và trong khi đổ bộ. Chiều tối ngày 3 tháng 2, chiếc thiết giáp hạm thả neo trong vũng biển san hô gần Kwajalein. Sự thành công của chiến dịch Kwajalein đã được đảm bảo và Pennsylvania rút lui về đảo san hô Majuro để được tiếp tế đạn dược.Ngày 12 tháng 2 Pennsylvania lên đường tham gia chiến dịch tấn công Eniwetok. Vào ngày 17 tháng 2, Pennsylvania táo bạo băng qua luồng nước sâu tiến vào vũng biển Eniwetok trong khi các khẩu đội pháo khai hỏa. Nó di chuyển dọc theo một một luồng trong vũng biển đến một vị trí ngoài khơi đảo Engebi và thực hiện nã pháo các vị trí đối phương. Sáng ngày 18 tháng 2, Pennsylvania tiến hành nã pháo xuống Engebi trước và trong khi các đợt của lực lượng tấn công các bãi đổ bộ. Sau khi Engebi đã được đảm bảo, Pennsylvania di chuyển về phía Nam băng qua vũng biển đến khu vực phụ cận đảo Parry, nơi nó tiến hành nã pháo các mục tiêu trong các ngày 20 và 21 tháng 2 nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công đổ bộ lên đảo này. Vào lúc bắt đầu đợt bắn phá, hòn đảo này được che phủ bởi những rừng cây cọ dày đạc che phủ cho đến mép nước; nhưng đến khi kết thúc cuộc bắn phá, không còn cây nào đứng vững. Sáng ngày 22 tháng 2, nó bắn pháo dọn đường cho cuộc đổ bộ lên đảo Parry.Pennsylvania rút lui về Majuro ngày 1 tháng 3, rồi sau đó di chuyển về phía Nam đến cảng Havannah, Efate, New Hebrides. Nó ở lại Efate cho đến cuối tháng 4, và đến ngày 29 tháng 4, Pennsylvania đi đến Sydney. Nó quay lại Efate ngày 11 tháng 5 rồi tiếp tục di chuyển đến cảng Purvis, quần đảo Florida, nơi nó tiến hành các cuộc thực tập bắn pháo và tấn công đổ bộ. Chiếc thiết giáp hạm quay trở lại Efate ngày 27 tháng 3, và sau khi được tiếp tế đạn dược, nó khởi hành ngày 2 tháng 6 và đi đến Roi ngày 3 tháng 6.Ngày 10 tháng 6, Pennsylvania hợp cùng một lực lượng các thiết giáp hạm, tàu tuần dương, tàu sân bay hộ tống và tàu khu trục lên đường chuẩn bị cho cuộc tấn công và đổ bộ lên quần đảo Mariana. Đêm hôm đó, một tàu khu trục đang hộ tống báo cáo nghe được âm thanh đối phương nên lệnh cơ động lẫn tránh 90 độ sang mạn trái được ban ra. Do sự cơ động này, Pennsylvania va chạm với chiếc tàu vận tải cao tốc Talbot và bị hư hại nhẹ. Talbot bị buộc phải quay về Eniwetok để được sửa chữa khẩn cấp.Ngày 14 tháng 6,Pennsylvania tham gia bắn phá Saipan chuẩn bị cho cuộc tấn công đổ bộ được tiến hành sáng hôm sau trong khi chiếc thiết giáp hạm di chuyển ngoài khơi bờ biển Đông Bắc Tinian, thực hiện các cuộc bắn phá xuống hòn đảo nhằm vô hiệu hóa các khẩu đội pháo đối phương có thể khai hỏa vào các bãi đổ bộ tại Saipan. Vào ngày 16 tháng 6, chiếc thiết giáp hạm tiến hành bắn phá các mục tiêu đối phương tại Orote Point, Guam, rồi sau đó rút lui để bảo vệ khu vực Saipan. Pennsylvania rời Mariana ngày 25 tháng 6, và sau khi ở lại Eniwetok một thời gian ngắn, lại khởi hành ngày 9 tháng 7 để tiếp tục hỗ trợ cho chiến dịch Marianas.Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 7, Pennsylvania tiến hành đợt bắn pháo lên đảo Guam nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công và đổ bộ lên hòn đảo này. Sau khi hoàn tất việc nã pháo vào chiều tối ngày 14 tháng 7, nó quay về Saipan được tiếp tế đạn dược. Nó quay lại Guam vào ngày 17 tháng 7, dùng hỏa lực hỗ trợ cho các nhóm công binh dọn đường. Cùng lúc đó chiếc thiết giáp hạm tiếp tục bắn pháo có chủ định vào các mục tiêu được chỉ định cho đến ngày 20 tháng 7, Trong quá trình chiến dịch Guam, nó đã bắn nhiều quả đạn pháo hơn bất kỳ chiếc tàu chiến nào khác trong một chiến dịch duy nhất.[3] Vì lý do đó, nó có được một trong các tên lóng là "Old Falling Apart," vì nó tung ra quá nhiều sắt thép đến mức dường như nó sắp rời ra từng mảnh.Sáng ngày 21 tháng 7, Pennsylvania chiếm lấy vị trí giữa bãi Agat và bán đảo Orote, thực hiện bắn pháo xuống khu vực bãi biển để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ trong khi lực lượng và thiết bị được chất lên các tàu đổ bộ và sắp xếp các đợt đổ bộ. Khi các bãi đổ bộ đã được hình thành, nó ở vị trí trực chiến sẵn sàng nã pháo theo yêu cầu có thể có từ các nhóm trinh sát pháo binh trên bờ, và tiếp tục vai trò này cho đến ngày 3 tháng 8. Nó di chuyển đến Eniwetok, rồi tiếp tục đến quần đảo New Hebride, và sau một cuộc tổng dượt tấn công đổ bộ tại mũi Esperance, Guadalcanal; chiếc thiết giáp hạm đi đến cảng Purvis, đảo Florida. Nó khởi hành ngày 6 tháng 9 trong thành phần của Đội đặc nhiệm bắn pháo và yểm trợ hỏa lực Palau. Từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 9, Pennsylvania tham gia bắn phá dày đặc các mục tiêu trên đảo Peleliu. Vào ngày 15 tháng 9, nó còn hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ trên hòn đảo; rồi sau đó tấn công phá hủy các vị trí pháo đối phương đặt dọc theo đỉnh núi và sườn đồi bên cạnh bãi Red trên đảo Angaur.Ngày 25 tháng 9, Pennsylvania đi đến Manus thuộc quần đảo Admiralty thực hiện sửa chữa khẩn cấp, vào một ụ tàu nổi tại đây vào ngày 1 tháng 10 năm 1944. Nó khởi hành vào ngày 12 tháng 10, là một trong số sáu thiết giáp hạm thuộc lực lượng bắn phá và hỗ trợ hỏa lực của Chuẩn Đô đốc Jesse B. Oldendorf trong thành phần Đệ Thất hạm đội dưới quyền chỉ huy chung của Phó Đô đốc Thomas C. Kinkaid, sẽ hoạt động tại khu vực Trung Philippine.Pennsylvania đi đến vị trí hỗ trợ hỏa lực tại bờ Đông đảo Leyte vào ngày 18 tháng 10, và bắt đầu đợt bắn pháo che chở cho các toán trinh sát bờ biển, các toán công binh hoạt động dưới nước, và các đơn vị quét mìn hoạt động trong vịnh Leyte và tại cảng San Pedro. Nó thực hiện các nhiệm vụ bắn phá vào ngày hôm sau và hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Leyte vào ngày 20 tháng 10. Nhiệm vụ bắn pháo được tiếp tục cho đến ngày 22 tháng 10, bao gồm cả việc quấy nhiễu đối phương và bắn pháo sáng vào ban đêm.Ngày 24 tháng 10, mọi tàu chiến Mỹ có mặt trong khu vực đều được huy động chuẩn bị trong khi hạm đội Nhật đang đến gần, khai mào Trận chiến vịnh Leyte. Pennsylvania và năm thiết giáp hạm khác, cùng các tàu tuần dương và tàu khu trục trong lực lượng của Chuẩn Đô đốc Oldendorf di chuyển về phía Nam, và khi đêm xuống đã được bố trí chắn ngang lối ra vào phía Bắc của eo biển Surigao, chờ đợi sự xuất hiện của lực lượng đối phương. Đêm hôm đó, các tàu tuần tra ngư lôi (PT boat) Mỹ bố trí ngay lối vào phía Nam eo biển Surigao tấn công trước tiên bằng ngư lôi. Kế tiếp, lực lượng tàu khu trục bố trí hai bên sườn tiếp nối đợt tấn công bằng ngư lôi và hải pháo. Lúc 03 giờ 53 phút ngày 26 tháng 10, thiết giáp hạm West Virginia khai hỏa trước tiên, rồi nhanh chóng được các thiết giáp hạm và tàu tuần dương khác tham gia. Lực lượng Nhật Bản đã thẳng tiến vào một cái bẫy hoàn hảo: Chuẩn Đô đốc Oldendorf đã bố trí được đội hình tàu chiến của mình vào tư thế vốn là điều mơ ước của các nhà chiến thuật hải quân khi cắt ngang chữ T đội hình của đối phương. Phía Nhật bị mất hai thiết giáp hạm Yamashiro và Fusō cùng ba tàu khu trục trong trận chiến eo biển Surigao; tàu tuần dương Mogami cùng một tàu khu trục là những lực lượng duy nhất còn lại thoát ra được. Lực lượng của Chuẩn Đô đốc Oldendorf không bị bất kỳ thiệt hại nào, trong khi Mogami bị máy bay từ các tàu sân bay đánh chìm ngày hôm sau.Ngày 26 tháng 10 năm 1944, mười máy bay đối phương đã đồng loạt tấn công một tàu khu trục bên cạnh Pennsylvania, và chiếc thiết giáp hạm đã giúp đỡ vào việc bắn rơi bốn máy bay và đánh đuổi những chiếc còn lại. Đêm 28 tháng 10, nó bắn rơi một máy bay ném bom đang dự tính tấn công bằng ngư lôi.
1945
Pennsylvania tiếp tục tuần tra lại khu vực vịnh Leyte cho đến ngày 25 tháng 11, di chuyển đến Manus thuộc quần đảo Admiralty và sau đó đến Kossol Passage nơi nó được tiếp đạn. Nó khởi hành ngày 1 tháng 1 năm 1945 cùng lực lượng hỗ trợ hỏa lực của Phó Đô đốc Oldendorf hướng đến Lingayen Gulf. Đội đặc nhiệm chịu đựng các cuộc không kích nặng nề trong các ngày 4 và 5 tháng 1, khi chiếc tàu sân bay hộ tống Ommaney Bay bị một máy bay tự sát đâm trúng và bị hủy hoại do đám cháy phát sinh. Nhiều tàu chiến khác cũng bị hư hại.Sáng ngày 6 tháng 1, Pennsylvania thực hiện cuộc bắn phá xuống các khu vực mục tiêu trên đảo Santiago tại cửa vịnh Lingayen. Trưa hôm đó, chiếc thiết giáp hạm tiến vào vịnh thực hiện các cuộc phản pháo hỗ trợ cho các lực lượng quét mìn trước khi rút lui khi đêm xuống. Sáng hôm sau, 7 tháng 1, toàn bộ lực lượng hỗ trợ hỏa lực tiến vào vịnh Lingayen bắn pháo hỗ trợ cũng như tiêu diệt mục tiêu đối phương , và công việc nả pháo chuẩn bị này kéo dài cho đến hết ngày hôm sau. Vào ngày 9 tháng 1, Pennsylvania thực hiện bắn pháo hỗ trợ cho các đợt đổ bộ. Máy bay đối phương đã tấn công lực lượng trong vịnh Lingayen vào ngày 10 tháng 1. Bốn quả bom đã nổ sát bên cạnh, nhưng không gây thiệt hại gì cho Pennsylvania. Trưa hôm đó, nó thực hiện nhiệm vụ bắn pháo theo yêu cầu lần cuối cùng nhằm hỗ trợ cho hoạt động trên bờ với 12 quả pháo nhằm tiêu diệt một điểm tập trung xe tăng đối phương được phát hiện bởi một toán trinh sát pháo binh trên bờ.Từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 1 năm 1945, Pennsylvania thực hiện một chuyến tuần tra trong khu vực biển Nam Trung Quốc, ngoài khơi vịnh Lingayen, cùng các tàu chiến khác của đội đặc nhiệm. Ngày 17 tháng 1, nó thả neo tại vịnh Lingayen và ở lại đây cho đến tận ngày 10 tháng 2, khi nó lên đường đến Manus thuộc quần đảo Admiralty để thực hiện các sửa chữa tạm thời. Lại lên đường ngày 22 tháng 2, chiếc thiết giáp hạm đi ngang qua quần đảo Marshall và Trân Châu Cảng trước khi về đến San Francisco vào ngày 13 tháng 3. Nó đi vào xưởng tàu Hunter's Point để được đại tu rộng rãi. Các khẩu pháo chính và pháo hạng hai của nó được tái trang bị, trong đó một số nòng pháo 356 mm (14 inch) mới của nó được vớt lên từ chiếc thiết giáp hạm Oklahoma bị chìm trong vụ quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Ngoài ra, các vũ khí phòng không bổ sung, radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực được cải tiến cũng được trang bị.Sau khi hoàn tất việc đại tu, Pennsylvania tiến hành các cuộc chạy thử máy tại vùng biển ngoài khơi San Francisco, rồi được tiếp nối bằng các đợt huấn luyện ôn tập trong thời gian ở lại San Diego, California. Nó rời San Francisco ngày 12 tháng 7 hướng đến Trân Châu Cảng, và đến nơi vào ngày 18 tháng 7. Nó khởi hành đi Okinawa vào ngày 24 tháng 7. Trên đường đi chiếc thiết giáp hạm tham gia vào cuộc bắn phá đảo Wake vào ngày 1 tháng 8; và sau khi khi được tiếp đạn tại Saipan ngày hôm sau, nó lại tiếp tục hành trình. Tại Okinawa nó th̉a neo trong vịnh Buckner cạnh thiết giáp hạm Tennessee. Vào ngày 12 tháng 8, chỉ ba ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng, một máy bay ném ngư lôi đối phương xâm nhập vịnh Buckner mà không bị phát hiện và phóng một quả ngư lôi nhắm vào Pennsylvania lúc đó đang thả neo tại đây. Bị đánh trúng phía đuôi tàu, Pennsylvania bị hư hại đáng kể. Vụ nổ do quả ngư lôi gây ra đã làm thủng một lỗ khoảng 9 m (30 ft) đường kính phía đuôi tàu, khiến 20 người thiệt mạng v̀a 10 người bị thương, cùng nhiều ngăn bị ngập nước. Pennsylvania bị nghiêng nặng về phía đuôi, tuy nhiên độ ngập nước của con tàu đã kiểm soát được nhờ hoạt động của các đội cứu hộ trên chiếc Pennsylvania cùng với sự trợ giúp kịp thời của hai tàu kéo cứu hộ. Ngày hôm sau, nó được kéo vào chỗ nước nông nơi những hoạt động cứu hộ được tiếp tục thực hiện.Ngày 18 tháng 8, được hai tàu kéo lai dắt, Pennsylvania rời vịnh Buckner. Nó đi đến cảng Apra, Guam ngày 6 tháng 9 và vào ụ tàu tại đây, nơi một tấm thép lớn được được hàn vào lỗ thủng bởi ngư lôi, cho phép chiếc thiết giáp hạm quay trở về Hoa Kỳ bằng chính động lực của nó. Ngày 4 tháng 10, nó lên đường thực hiện chuyến hải trình về nhà dưới sự tháp tùng của tàu tuần dương Atlanta và tàu khu trục Walke. Đến ngày 17 tháng 10, đang trên đường đi, trục số 3 bất ngờ trượt ra, buộc phải cử thợ lặn xuống nước cắt rời trục và chân vịt cho chúng chìm xuống biển. Bị ngập nước và chỉ hoạt động một chân vịt, Pennsylvania gắng gượng lê lết về Xưởng hải quân Puget Sound, Washington, vào ngày 24 tháng 10.Việc sửa chữa được thực hiện cho phép Pennsylvania di chuyển đến quần đảo Marshall nơi nó được sử dụng như một tàu mục tiêu cho việc tiến hành Chiến dịch Crossroads, một cuộc thử nghiệm tác động của bom nguyên tử đối với các tàu chiến tại đảo san hô Bikini vào tháng 7 năm 1946. Sau đó, nó được kéo về vũng biển Kwajalein, nơi chiếc thiết giáp hạm kỳ cựu được cho nngưng hoạt động vào ngày 29 tháng 8 năm 1946. Nó ở lại Kwajalein để được nghiên cứu tác động phóng xạ và cấu trúc cho đến ngày 10 tháng 2 năm 1948 khi nó bị đánh chìm ngoài khơi Kwajalein với phần đuôi chìm trước. Pennsylvania được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 19 tháng 2 năm 1948.Pennsylvania được tặng thưởng Đơn vị Tuyên dương Hải quân và tám Ngôi sao Chiến đấu do thành tích phục vụ trong Thế Chiến II.
Mang cờ Hải quân Hoa Kỳ
Đặt hàng: 15 tháng 12 năm 1938
Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm South Dakota (1939)
Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Corporation
Đặt lườn: 5 tháng 7 năm 1939
Hạ thủy: 7 tháng 6 năm 1941
Đỡ đầu: Harlan J. Bushfield
Hoạt động: 20 tháng 3 năm 1942
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ ngày 25 tháng 10 năm 1962
Ngừng hoạt động: 31 tháng 1 năm 1947
Xóa đăng bạ: 1 tháng 6 năm 1962
Tặng thưởng: 13 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 35.000 tấn
Chiều dài: 207,3 m (680 ft)
Mạn thuyền: 33 m (108 ft 3 in)
Tầm nước: 11 m (36 ft 4 in)
Lực đẩy: 4 × turbine hơi nước
8 nồi hơi đốt dầu, 4 trục
công suất 130.000 mã lực (97 MW)
Tốc độ: 50,2 km/h (27,8 knot)
Tầm xa: 37.000 km ở tốc độ 28 km/h
(20.000 hải lý ở tốc độ 15 knot)
Quân số: 2.364
Vũ khí: 9 × pháo 406 mm (16 inch)/45 caliber Mark 6
16 × pháo 127 mm (5 inch)/38 caliber
68 × súng phòng không 40 mm
76 × súng phòng không 20 mm
Cảm biến:
Vỏ giáp: Tối đa 310 mm (12,2 inch)
Máy bay: 2 × OS2U Kingfisher
USS South Dakota (BB-57) là một thiết giáp hạm được Hải quân Hoa Kỳ đưa ra hoạt động từ năm 1942 đến năm 1947. Là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó, South Dakota là tàu chiến thứ ba của Hải quân Mỹ mang cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang thứ 40 của Hoa Kỳ. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, chiếc thiết giáp hạm hoạt động chủ yếu tại Mặt trận Thái Bình Dương, và đã được tặng thưởng 13 Ngôi sao Chiến đấu. Nó được cho ngừng hoạt động không lâu sau khi chiến tranh kết thúc, và được bán để tháo dỡ vào năm 1962.
Thiết kế và chế tạo
South Dakota được đặt lườn vào ngày 5 tháng 7 năm 1939 bởi hãng tàu New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey. Nó được hạ thủy vào ngày 7 tháng 6 năm 1941, được đỡ đầu bởi Bà Harlan J. Bushfield, Phu nhân Thống đốc tiểu bang South Dakota; và được đưa ra hoạt động vào ngày 20 tháng 3 năm 1942 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá hải quân Thomas L. Gatch.Sau khi được trang bị tại xưởng hải quân Philadelphia, Pennsylvania, South Dakota thực hiện chuyến đi chạy thử máy và huấn luyện từ ngày 3 tháng 6 đến ngày 26 tháng 7 năm 1942.
Lịch sử hoạt động
Hạm đội Thái Bình Dương
South Dakota rời Xưởng hải quân Philadelphia vào ngày 16 tháng 8 năm 1942 hướng đến Panama. Chiếc thiết giáp hạm đi qua kênh đào Panama vào ngày 21 tháng 8 và thẳng hướng đến quần đảo Tonga, đi đến Nukuʻalofa, Tonga, vào ngày 4 tháng 9. Hai ngày sau, nó đụng phải một dãi san hô ngầm không được vẽ trên bản đồ tại eo biển Lahai và bị hỏng đáng kể lườn tàu, vì vậy vào ngày 12 tháng 9 nó bị buộc phải quay về xưởng hải quân Trân Châu Cảng để sửa chữa.South Dakota lại sẵn sàng vào ngày 12 tháng 10 năm 1942 và bắt đầu hoạt động huấn luyện cùng Lực lượng Đặc nhiệm TF 16, vốn được xây dựng chung quanh chiếc tàu sân bay Enterprise. Lực lượng Đặc nhiệm rời Trân Châu Cảng vào ngày 16 tháng 10 để phối hợp với Lực lượng Đặc nhiệm TF 17, vốn được tập trung chung quanh chiếc tàu sân bay Hornet và đang hoạt động tại khu vực Đông Bắc Espiritu Santo. Cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 24 tháng 10; và giờ đây lực lượng phối hợp này, dưới tên gọi mới là Lực lượng Đặc nhiệm TF 61 thuộc quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc T.C. Kinkaid, thực hiện một cuộc càn quét tại khu vực quần đảo Santa Cruz rồi di chuyển về hướng Tây Nam nhằm ngăn chặn mọi lực lượng Nhật Bản tiến đến Guadalcanal.Những máy bay tuần tra ném bom PBY "Catalina" đã trông thấy một lực lượng tàu sân bay Nhật vào giữa trưa ngày 25 tháng 10, và Lực lượng Đặc nhiệm TF 61 hướng về phía Tây Bắc để đánh chặn. Sáng sớm ngày hôm sau, khi các lực lượng đối địch đang ở trong tầm tấn công, một máy bay trinh sát Nhật phát hiện lực lượng Mỹ và Trận chiến quần đảo Santa Cruz mở màn. South Dakota và nhóm Enterprise ở cách nhóm Hornet khoảng 18 km (10 hải lý) khi trận không chiến xảy ra.Đợt tấn công đầu tiên của đối phương tập trung vào Hornet. Lúc 10 giờ 45 phút, South Dakota hoạt động gần chiếc Enterprise để cung cấp hỏa lực bảo vệ từ số lượng lớn súng phòng không của nó khi nhóm này bị máy bay ném bom bổ nhào tấn công. Khoảng một giờ sau, có chừng 40 máy bay phóng ngư lôi tấn công hai chiếc tàu chiến. Một đợt tấn công thứ ba, bao gồm cả máy bay ném bom bổ nhào và máy bay phóng ngư lôi, tiếp nối vào lúc 12 giờ 30 phút. South Dakota trúng phải một quả bom 225 kg (500 lb) bên trên tháp pháo số 1. Khi hoạt động tác chiến kết thúc lúc chiều tối, lực lượng Mỹ rút lui về phía Nouméa, New Caledonia, khi chiếc thiết giáp hạm được ghi nhận bắn rơi 26 máy bay đối phương.Lúc 04 giờ 14 phút ngày 30 tháng 10, trong khi cơ động để lẫn tránh tàu ngầm đối phương, South Dakota va chạm cùng tàu khu trục Mahan gây hư hại cho cả hai. Mũi chiếc Mahan bị uốn cong sang mạn trái, hư hỏng khoang 14 và phát sinh một đám cháy phía trước tàu nhưng được dập tắt nhanh chóng. Cả hai chiếc tàu tiếp tục đi đến Nouméa, nơi chiếc tàu sửa chữa Vestal tiến hành phục hồi các hư hỏng của South Dakota do tai nạn và trong chiến đấu.Vào ngày 11 tháng 11 năm 1942, South Dakota, trong thành phần của Lực lượng Đặc nhiệm TF 16, khởi hành rời Nouméa hướng đến Guadalcanal. Sau khi trận Hải chiến Guadalcanal bắt đầu vào ngày 13 tháng 11 khiến hầu hết các tàu tuần dương Đồng Minh trong khu vực bị mất hoặc hư hỏng, nó hợp cùng thiết giáp hạm Washington, các tàu khu trục Preston, Walke, Benham và Gwin để hình thành Lực lượng Đặc nhiệm TF 64 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc W. A. Lee đến tăng cường tại khu vực này. Chiều tối ngày hôm sau lúc 23 giờ 30 phút, lực lượng này đang hoạt động cách Guadalcanal 90 km (50 hải lý) về hướng Tây Nam khi Lee được tin một đoàn tàu vận tải Nhật Bản sẽ di chuyển qua eo biển ngoài khơi Savo trong khoảng giữa 00 giờ 30 phút và 02 giờ 30 phút. Đó chính là đội đặc nhiệm của Đô đốc Nobutake Kondo có nhiệm vụ tiêu diệt sân bay Henderson trên đảo Gudalcanal và đưa một lực lượng tăng cường cùng hàng tiếp liệu cho quân Nhật trên đảo này.Vào ngày 14 tháng 11, lực lượng của Đô đốc Kondo được tách làm ba nhóm: nhóm bắn phá bao gồm thiết giáp hạm Kirishima, các tàu tuần dương hạng nặng Takao và Atago và hai tàu khu trục hộ tống; nhóm hỗ trợ gần bao gồm tàu tuần dương Nagara và sáu tàu khu trục; và nhóm hỗ trợ xa bao gồm tàu tuần dương Sendai và ba tàu khu trục ở giữa các nhóm khác. Ánh trăng thượng tuần cho phép có tầm nhìn tốt, và ba tàu chiến đối phương được nhìn thấy từ cầu tàu South Dakota ở khoảng cách 16,6 km (18.100 yard). Washington nổ súng vào chiếc dẫn đầu, cho rằng nó là một thiết giáp hạm hay một tàu tuần dương hạng nặng; South Dakota tiếp nối một phút sau đó khi khai hỏa vào con tàu gần nó nhất. Cả hai loạt pháo đều trúng đích và gây phát hỏa trên mục tiêu. Sau đó South Dakota bắn vào một mục tiêu khác và tiếp tục cho đến khi nó biến mất khỏi màn hình radar. Tháp pháo số 3 nổ súng vào một mục tiêu khác và tiếp tục cho đến khi được cho là đã chìm. Dàn hỏa lực hạng hai nhắm vào tám chiếc tàu khu trục gần bờ đảo Savo.Một khoảnh khắc tạm lắng ngắn ngủi trước khi màn hình radar cho thấy bốn tàu chiến đối phương vừa ló ra khỏi bờ trái đảo Savo và tiến đến gần bên mạn trái ở khoảng cách 5,3 km (5.800 yard). Đèn pha trên chiếc tàu chiến đối phương thứ hai chiếu sáng rõ ràng South Dakota. Washington khai hỏa dàn pháo chính của nó vào chiếc tàu chiến Nhật dẫn đầu, cũng là chiếc lớn nhất; trong khi dàn pháo hạng hai của South Dakota bắn hỏng đèn pha tàu chiến đối phương và nó hướng dàn pháo chính nhắm vào tàu chiến thứ ba, tin rằng là một tàu tuần dương, và nó nhanh chóng ngập trong khói. Lúc 23 giờ 50, một hỏng hóc trong bảng điện của phòng động cơ khiến cho South Dakota bị mất điện toàn bộ: không có radar, không thông tin vô tuyến liên lạc, và hầu hết các tháp pháo không thể hoạt động.[1] South Dakota, ở gần đối phương nhất, chịu đựng hỏa lực của ít nhất ba tàu chiến đối phương, bị bắn trúng 42 phát và gây một số hư hại đáng kể.[2] Hệ thống liên lạc vô tuyến hư hỏng; màn hình radar không hoạt động; ba radar điều khiển hỏa lực bị hỏng; một đám cháy trên cột buồm chính; và nó bị mất liên lạc cùng Washington. Có 39 người tử trận và 59 người bị thương trong số thành viên thủy thủ đoàn. Vì không còn bị hỏa lực đối phương nhắm tới và không còn mục tiêu nào, South Dakota rút lui, gặp lại Washington tại điểm hẹn đã được ấn định trước; rồi cùng đi đến Nouméa. Trong số các tàu khu trục Mỹ chỉ có Gwin quay về cảng; ba chiếc kia bị hỏng nặng trong trận chiến. Walke và Preston bị đánh chìm. Một phần mũi chiếc Benham bị thổi tung do một quả ngư lôi, và trên đường quay về Nouméa cùng với chiếc Gwin bị hư hại theo hộ tống, nó bị buộc phải bỏ lại và bị Gwin đánh chìm bằng hải pháo. Bên phía Nhật Bản, Takao và Atago bị bắn trúng và hư hại; Kirishima và chiếc tàu khu trục Ayanami bị hỏng nặng do hải pháo và bị buộc phải bỏ lại và đánh đắm.
Đại Tây Dương
Tàu sửa chữa Prometheus đã khắc phục tạm thời một số thiệt hại trên chiếc South Dakota ngay tại Nouméa, cho phép chiếc thiết giáp hạm lên đường vào ngày 25 tháng 11 năm 1942 hướng đến Tongatapu rồi sau đó quay về nhà. South Dakota về đến New York ngày 18 tháng 12 để được đại tu và hoàn tất việc sửa chữa các hư hỏng trong chiến đấu. Nó trở ra biển khơi vào ngày 25 tháng 2 năm 1943, và sau khi hoàn tất việc chạy thử máy, đã hoạt động cùng tàu sân bay Ranger trong khu vực Bắc Đại Tây Dương cho đến giữa tháng 4. Sau đó South Dakota hoạt động cùng Hạm đội Nhà Anh Quốc, đặt căn cứ tại Scapa Flow, cho đến ngày 1 tháng 8 khi nó quay trở về Norfolk, Virginia.
Quay lại Thái Bình Dương
Vào ngày 21 tháng 8 năm 1943, South Dakota rời Norfolk lên đường đi đảo Efate, và đến cảng Havannah vào ngày 14 tháng 9. Nó di chuyển đến Fiji vào ngày 7 tháng 11 và khởi hành từ đây bốn ngày sau đó cùng với các hải đội thiết giáp hạm 8 và 9 để hỗ trợ cho Đội Đặc nhiệm 50.1, một nhóm các tàu sân bay, cho Chiến dịch Galvanic, cuộc tấn công đổ bộ vào quần đảo Gilbert. Các tàu sân bay đã tung ra các cuộc không kích nhắm vào các đảo san hô Jaluit và Mili thuộc quần đảo Marshall vào ngày 19 tháng 11 để vô hiệu hóa các sân bay đối phương tại đây. Sau đó hạm đội Mỹ hỗ trợ trên không cho cuộc đổ bộ lên các đảo san hô Makin và Tarawa thuộc quần đảo Gilbert.South Dakota, cùng với năm thiết giáp hạm khác, hình thành nên một đội đặc nhiệm vào ngày 8 tháng 12 để bắn phá đảo Nauru. Một sự phối hợp không kích và nả pháo đã gây hư hại nặng nề các căn cứ và sân bay của đối phương trên bờ. Sau đó, South Dakota rút lui về Efate vào ngày 12 tháng 12 năm 1943 để bảo trì và tiếp đạn. Hoạt động tiếp theo của nó diễn ra vào ngày 29 tháng 1 năm 1944, khi các tàu sân bay tung ra cuộc không kích xuống Roi và Namur thuộc quần đảo Marshall. Ngày hôm sau, chiếc thiết giáp hạm di chuyển vào vị trí bắn pháo xuống các vị trí đối phương tại đây, rồi cùng các tàu sân bay hỗ trợ cho các cuộc đổ bộ lên Kwajalein, Majuro, Roi và Namur.South Dakota rời quần đảo Marshall vào ngày 12 tháng 2 cùng một lực lượng đặc nhiệm với nhiệm vụ tấn công Truk, căn cứ chủ lực và vững chắc của quân Nhật, trong các ngày 17 và 18 tháng 2. Sáu ngày sau, nó nằm trong thành phần hộ tống cho các tàu sân bay tung ra các đợt không kích đầu tiên xuống quần đảo Mariana. Lực lượng liên tục bị các đợt máy bay đối phương tấn công, và South Dakota đã bắn rơi bốn máy bay Nhật. Nó quay về Majuro từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 22 tháng 3, khi chiếc tàu chiến lại lên đường cùng lực lượng tàu sân bay nhanh của Đệ Ngũ hạm đội. Các cuộc không kích được tung ra từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 1 tháng 4 xuống các đảo Palau, Yap, Woleai và Ulithi về phía Tây quần đảo Caroline.South Dakota quay trở về Majuro vào ngày 6 tháng 4, rồi lại khởi hành một tuần sau đó, một lần nữa tháp tùng các tàu sân bay. Vào ngày 21 tháng 4, các cuộc không kích được tung ra nhắm vào Hollandia (nay là Jayapura) thuộc New Guinea, và ngày hôm sau, xuống vịnh Aitape, vịnh Tanahmerah và vịnh Humboldt hỗ trợ cho cuộc đổ bộ của lực lượng Đồng Minh. Trong các ngày 29 và 30 tháng 4, được sự hộ tống của South Dakota, các tàu sân bay quay trở lại Truk ném bom căn cứ này. Ngày hôm sau, chiếc thiết giáp hạm nằm trong lực lượng hỗ trợ hỏa lực tiến hành bắn pháo xuống đảo Ponape trong quần đảo Carolines. Nó quay về Majuro để bảo trì từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6, rồi lại lên đường cùng Lực lượng Đặc nhiệm 58 tham gia Chiến dịch Forager, cuộc đổ bộ lên Saipan và Tinian. Các tàu sân bay bắt đầu tung ra các cuộc không kích vào ngày 11 tháng 6 nhắm vào các vị trí đối phương trên khắp các hòn đảo. Ngày 13 tháng 6, South Dakota cùng sáu thiết giáp hạm khác được cho tách ra khỏi lực lượng tàu sân bay nhanh để tiến hành nả pháo xuống Saipan và Tinian, khi South Dakota tiến hành bắn phá bờ biển Tây Bắc cảng Tanapag, Saipan, trong hơn sáu giờ bằng cả các khẩu pháo hạng nặng lẫn dàn pháo hạng hai của nó.Chiều tối ngày 15 tháng 6, 12 máy bay tiêm kích và máy bay ném bom đối phương vượt qua được hàng rào tuần tra chiến đấu trên không để tấn công đội đặc nhiệm. SouthDakota nhắm vào bốn chiếc trong số chúng và bắn hạ được một, trong khi tất cả 11 chiếc còn lại đều bị bắn hạ bởi các tàu chiến khác. Vào ngày 19 tháng 6, một lần nữa chiếc thiết giáp hạm lại hoạt động cùng các tàu sân bay; khi tin tức tình báo nhận được cho biết một lực lượng hạm đội đối phương mạnh mẻ đang tiến đến từ phía Tây, nên các tàu chiến chủ lực Mỹ được bố trí sao cho có thể tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ tại Saipan đồng thời vẫn có thể đánh chặn hạm đội đối phương.Lúc 10 giờ 12, một nhóm lớn máy bay đối phương hướng đến từ phía Tây xuất hiện trên màn hình radar; và đến 10 giờ 49 phút, một chiếc D4Y "Judy" ném một quả bom 225 kg (500 pound) xuống sàn tàu chính của South Dakota, vụ nổ làm thủng một lổ lớn, cắt đứt dây điện và ống dẫn, nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng nào khác. Tuy nhiên, tổn thất về nhân mạng khá lớn với 24 người chết và 27 người bị thương. Chiếc thiết giáp hạm tiếp tục chiến đấu suốt ngày hôm đó khi các cuộc không kích tiếp diễn không ngừng. Đây chính là ngày đầu tiên của Trận chiến biển Philippine, vốn còn có tên lóng là "Cuộc săn vịt trời Marianas vĩ đại" do lực lượng Nhật Bản bị bắn rơi hơn 300 máy bay chỉ trong một ngày. Cuộc không chiến còn tiếp tục kéo dài sang ngày hôm sau 20 tháng 6. Khi trận chiến kết thúc, hạm đội Nhật Bản bị đánh bại nặng nề không còn là mối đe dọa cho lực lượng Mỹ đang chinh phục Marianas. Đội đặc nhiệm quay trở về Ulithi vào ngày 27 tháng 6, và South Dakota tiếp tục hành trình ngang qua Trân Châu Cảng để quay về bờ Tây Hoa Kỳ, và về đến Puget Sound ngày 10 tháng 7.Chiếc thiết giáp hạm được cho đại tu tại xưởng hải quân ở đây; và sau các chuyến đi thử máy, nó lại khởi hành vào ngày 26 tháng 8 hướng đến Trân Châu Cảng. South Dakota lại thẳng tiến đến Ulithi, và khi đến nơi nó được bố trí vào Đội Đặc nhiệm 38.3; một trong số bốn đội đặc nhiệm hình thành nên Lực lượng Đặc nhiệm 38, lực lượng tàu sân bay nhanh chủ lực của hạm đội Thái Bình Dương. Lực lượng Đặc nhiệm 38 khởi hành vào ngày 6 tháng 10, và bốn ngày sau chúng tung ra các cuộc không kích nhắm vào Okinawa. Trong các ngày 12 và 13 tháng 10, các cuộc không kích tập trung vào các căn cứ và tàu bè tại Đài Loan. Ba trong số bốn đội đặc nhiệm, trong đó có đội của South Dakota, được cho rút lui và hoạt động tại khu vực phía Đông quần đảo Philippine cho đến ngày 24 tháng 12. Trong đợt này, các tàu sân bay đã tung các cuộc không kích vào các mục tiêu đối phương tại Manila và Luzon hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lên Mindoro. Trong giai đoạn từ ngày 30 tháng 12 năm 1944 cho đến ngày 26 tháng 1 năm 1945, lực lượng tàu sân bay nhanh tiến hành không kích Đài Loan trong các ngày 3, 4, 9, 15 và 21 tháng 1; vào Luzon trong các ngày 6 và 7 tháng 1; Cape Saint Jacques và vịnh Cam Ranh vào ngày 12 tháng 1; Hong Kong và Hải Nam vào ngày 16 tháng 1; và xuống Okinawa vào ngày 22 tháng 1.South Dakota hoạt động cùng các tàu sân bay nhanh trong các cuộc không kích xuống khu vực Tokyo vào ngày 17 tháng 2 năm 1945, và xuống Iwo Jima trong các ngày 19 và 20 tháng 2 để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ tại đây. Tokyo trở thành mục tiêu tiếp theo vào ngày 25 tháng 2, và sau đó đến lượt Okinawa vào ngày 1 tháng 3. Sau khi được tiếp đạn tại Ulithi, các đội đặc nhiệm một lần nữa lên đường hướng về phía Chính quốc Nhật Bản, tấn công các mục tiêu tại Kobe, Kure thuộc Hiroshima và khu vực Kyūshū trong các ngày 18 và 19 tháng 3. Chúng tung ra các đợt không kích xuống Okinawa vào ngày 23 tháng 3; và vào ngày 24 tháng 3, chiếc thiết giáp hạm tham gia một nhóm hỏa lực tiến hành nả pháo xuống khu vực Đông Nam Okinawa. Nó lại gia nhập đội đặc nhiệm của mình, và sau khi ném bom xuống Okinawa, đã tấn công các sân bay đối phương ở phía Nam đảo Kyūshū vào ngày 29 tháng 3, rồi sau đó từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4, lại nhắm vào các mục tiêu tại Okinawa. Vào ngày 7 tháng 4, tất cả các tàu sân bay lại tung ra một đợt tấn công vào một hạm đội đối phương về phía Tây Nam Kyūshū, đánh chìm chiếc siêu thiết giáp hạm Nhật Bản Yamato cùng với một tàu tuần dương hạng nhẹ và bốn tàu khu trục.South Dakota một lần nữa tham gia vào việc bắn phá bờ biển phía Đông Nam Okinawa vào ngày 19 tháng 4 hỗ trợ cho cuộc tấn công toàn lực của Quân đoàn 24 Lục quân Hoa Kỳ vào các phòng tuyến đối phương.Trong khi được tiếp đạn từ chiếc tàu tiếp liệu Wrangell vào ngày 6 tháng 5 năm 1945, một thùng chứa thuốc nổ dung lượng cao dành cho pháo 406 mm (16 inch) phát nổ, gây ra một đám cháy và kích nổ thêm bốn thùng khác. Tháp súng số 2 được làm ngập nước và dập tắt được đám cháy, nhưng đã có ba người chết tại chỗ, tám người khác chết do thương tích trầm trọng và 24 người bị thương. Chiếc thiết giáp hạm bị buộc phải rút lui về Guam từ ngày 11 đến ngày 29 tháng 5 để sửa chữa, trước khi lên đường đi đến Leyte, và đến nơi vào ngày 1 tháng 6.South Dakota rời Leyte ngày 1 tháng 7, hỗ trợ các tàu sân bay thuộc Đội Đặc nhiệm 38.1 trong nhiệm vụ không kích khu vực Tokyo vào ngày 10 tháng 7. Vào ngày 14 tháng 7, như một phần của nhóm bắn phá, chiếc thiết giáp hạm nả pháo vào Nhà máy thép Kamaishi tại Kamaishi trên đảo Honshū. Đây là cuộc tấn công bằng hải pháo lần đầu tiên nhắm vào các đảo chính quốc Nhật Bản. Từ ngày 15 đến ngày 28 tháng 7, South Dakota một lần nữa hỗ trợ cho các tàu sân bay khi chúng tiến hành không kích xuống Honshū và Hokkaidō. Trong đêm 29 tháng 7 rạng sáng ngày 30 tháng 7, nó tham gia bắn phá Hamamatsu trên đảo Honshū; và vào ngày 9 tháng 8, nhắm vào Kamaishi. Chiếc thiết giáp hạm hỗ trợ các tàu sân bay trong cuộc không kích phần phía Bắc đảo Honshū vào ngày 10 tháng 8, và tại khu vực Tokyo vào các ngày 13 và 15 tháng 8. Đây chính là hoạt động tác chiến cuối cùng của con tàu chiến, vì trong ngày hôm đó Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.South Dakota thả neo tại Sagami Wan, Honshū, vào ngày 27 tháng 8 năm 1945; và tiến vào vịnh Tokyo vào ngày 29 tháng 8. Nó khởi hành rời vịnh Tokyo ngày 20 tháng 9, ghé qua Okinawa và Trân Châu Cảng trước khi về đến Bờ Tây Hoa Kỳ. Ngày 29 tháng 10, chiếc thiết giáp hạm di chuyển dọc bờ biển từ San Francisco, California đến San Pedro, California.
Sau chiến tranh
South Dakota lên đường đi đến Bờ Đông Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 1 năm 1946, đi đến Philadelphia trải qua một đợt đại tu. Đến tháng 6, nó được phân về Hạm đội Dự bị Đại Tây Dương. Ngày 31 tháng 1 năm 1947, chiếc thiết giáp hạm được chính thức cho ngừng hoạt động; và nó ở trạng thái này cho đến khi được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 6 năm 1962. Ngày 25 tháng 10 năm 1962, chiếc tàu chiến kỳ cựu được bán cho Chi nhánh Lipsett thuộc hãng Luria Brothers & Company Inc., để tháo dỡ với giá 446.000 Đô la Mỹ.[3] Một phần của thỏa thuận mua bán yêu cầu hãng Luria Brothers phải hoàn trả cho chính phủ các trang thiết bị trên chiếc USS South Dakota trị giá khoảng hai triệu Đô-la, bao gồm các tấm vỏ giáp nặng 6.000 tấn cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Hoa Kỳ.[3] Chiếc tàu chiến được lưu niệm tại Sioux Falls, South Dakota, nơi các bảng sự kiện và các hiện vật của con tàu được trưng bày trong một khoảng mô phỏng sàn chính của USS South Dakota.South Dakota được tặng thưởng 13 Ngôi sao Chiến đấu do thành tích hoạt động trong Thế Chiến II.
Mang cờ Hải quân Hoa Kỳ
Đặt hàng: 28 tháng 12 năm 1915
Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Tennessee
Xưởng đóng tàu: Xưởng hải quân New York
Đặt lườn: 14 tháng 5 năm 1917
Hạ thủy: 30 tháng 4 năm 1919
Đỡ đầu: Helen Lenore Roberts
Hoạt động: 3 tháng 6 năm 1920
Bị mất: Bị bán để tháo dỡ ngày 10 tháng 7 năm 1959
Ngừng hoạt động: 14 tháng 2 năm 1947
Xóa đăng bạ: 1 tháng 3 năm 1959
Tặng thưởng: Đơn vị Tuyên dương Hải quân
10 Ngôi sao Chiến đấu
Các đặc tính chung
Lượng rẽ nước: 33.190 tấn (ban đầu);
40.950 tấn (sau khi tái cấu trúc)
Chiều dài: 190 m (624 ft)
Mạn thuyền: 29,7 m (97 ft 4 in)
Tầm nước: 9,4 m (31 ft)
Tốc độ: 39 km/h (21 knot)
Quân số: 57 sĩ quan, 1.026 thủy thủ
Vũ khí: 12 × pháo 356 mm (14 inch)
14 × pháo 127 mm (5 in)
4 × pháo phòng không 76 mm (3 in)
2 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 in)
USS Tennessee (BB-43) là một thiết giáp hạm của Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến II, là chiếc dẫn đầu trong lớp tàu của nó, và là chiếc tàu chiến thứ ba của hải quân Mỹ được đặt cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang thứ 16. [1] Nó từng bị hư hại trong vụ tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, nhưng được sửa chữa và tiếp tục hoạt động tại mặt trận Thái Bình Dương cho đến hết Thế chiến II. Nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 14 tháng 2 năm 1947, bị xóa đăng bạ vào ngày 1 tháng 3 năm 1959, và bị bán để tháo dỡ vào ngày 10 tháng 7 ăm 1959.
Thiết kế và chế tạo
Thiết kế
Tennessee cùng với chiếc tàu chị em với nó California (BB-44) là những thiết giáp hạm Mỹ đầu tiên có sườn tàu được thiết kế theo kiểu "hậu-Jutland". Nhờ kết quả của việc nghiên cứu và thử nghiệm một cách rộng rãi, việc bảo vệ sườn tàu bên dưới mực ngấn nước được cải tiến đáng kể so với các lớp thiết giáp hạm trước đó; và cả dàn pháo chính lẫn pháo hạng hai đều được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực. Lớp thiết giáp hạm Tennessee và ba chiếc thuộc lớp Colorado tiếp theo sau có thể dễ dàng nhận biết bởi hai cột buồm lớn chống đỡ hệ thống kiểm soát hỏa lực lớn bên trên. Đặc tính này giúp phân biệt năm chiếc thiết giáp hạm nhóm "Big Five" so với những chiếc còn lại cho đến tận Thế chiến II. Vì các tháp pháo chính 356 mm (14 inch) của Tennessee có thể nâng lên cho đến 30o thay vì chỉ 15o trên những thiết giáp hạm trước đó, tầm bắn của những khẩu pháo này được tăng thêm 9.100 m (10.000 yard). Thêm vào đó, các thiết giáp hạm bắt đầu chở theo thủy phi cơ để hiệu chỉnh bắn pháo ở tầm xa, khả năng của Tennessee có thể bắn "bên kia đường chân trời" có một giá trị thực tiễn.
Chế tạo
Nó được đặt lườn vào ngày 14 tháng 5 năm 1917 tại xưởng hải quân New York. Nó được hạ thủy vào ngày 30 tháng 4 năm 1919 dưới sự đỡ đầu của Helen Lenore Roberts, con gái của Thống đốc tiểu bang Tennessee Albert H. Roberts, và được đưa vào hoạt động ngày 3 tháng 6 năm 1920 dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Richard H. Leigh.
Lịch sử hoạt động
1920-1941
Sau khi được trang bị, Tennessee thực hiện các chuyến chạy thử máy tại Long Island từ ngày 15 đến ngày 23 tháng 10 năm 1920. Trong khi Tennessee còn ở tại New York, một trong những máy phát điện dịch vụ 300 Kw của nó bị nổ vào ngày 30 tháng 10, phá hủy toàn bộ phần đuôi turbine của máy tàu và làm bị thương hai người. Các cuộc sửa chữa cần thiết được thực hiện, cho phép chiếc thiết giáp hạm rời New York ngày 26 tháng 2 năm 1921 thực hiện các cuộc chạy thử tại vịnh Guantánamo. Sau đó nó di chuyển lên phía Bắc hướng đến Virginia Capes và đến Hampton Roads ngày 19 tháng 3. Tennessee thực hiện các cuộc bắn pháo thử nghiệm để hiệu chỉnh tại Dahlgren, Virginia rồi vào ụ tàu ở Boston trước khi bước vào đợt chạy thử hết tốc độ ngoài khơi Rockland, Maine. Hai trong số 14 khẩu pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber được tháo bỏ.[2] Sau khi ghé qua New York, nó hướng về phía Nam, đi qua kênh đào Panama, và vào ngày 17 tháng 6, đến San Pedro, California, cảng nhà mới của nó, nơi nó sẽ phục vụ trong 19 năm sau đó.Tại đây, nó gia nhập Lực lượng Thiết giáp hạm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương. Đến năm 1922, Hạm đội Thái Bình Dương được đổi tên thành Hạm đội Thiết giáp hạm (đổi tên thành Lực lượng Thiết giáp hạm vào năm 1931) thuộc Hạm đội Hoa Kỳ. Trong hai thập niên tiếp theo, đội thiết giáp hạm của Hạm đội là hạt nhân thống lĩnh lực lượng tàu nổi của Hải quân, và Tennessee phục vụ tại đây cho đến khi Thế Chiến II bùng nổ.Các hoạt động theo chu kỳ hàng năm trong thời bình cùng với đội thiết giáp hạm bao gồm việc huấn luyện, bảo trì và tập trận sẵn sàng chiến đấu. Nó tham gia tranh đua thực hành tác xạ pháo và thực hành kỹ thuật, cũng như tham gia tập trận "vấn đề hạm đội", cuộc tập trận quy mô lớn trong đó hầu hết hoặc tất cả các tàu chiến Hạm đội Mỹ được chia ra các phe đối địch và được đề ra một loạt các tình huống chiến lược và chiến thuật để giải quyết. Bắt đầu với Vấn đề Hạm đội I vào năm 1923 và được tiếp tục cho đến Vấn đề Hạm đội XXI vào tháng 4 năm 1940, Tennessee có một vai trò nổi bật trong các cuộc tập trận này.Trong năm 1925, nó tham gia cuộc tập trận cơ động phối hợp Lục quân-Hải quân nhằm thử nghiệm việc phòng thủ quần đảo Hawaii trước khi thăm viếng hữu nghị Australia và New Zealand. Các đợt thực hành chiến thuật và vấn đề hạm đội tiếp theo sau đưa Tennessee từ Hawaii đến Caribbe và Đại Tây Dương, và từ vùng biển Alaska đến Panama. Các khẩu pháo phòng không 76 mm (3 inch) nguyên thủy được thay thế bằng tám khẩu pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber trong những năm 1929- 1930.[2]Vấn đề Hạm đội XXI được tiến hành tại vùng biển Hawaii trong mùa Xuân năm 1940. Cuối đợt tập trận, lực lượng thiết giáp hạm không quay trở về San Pedro; nhưng theo chỉ thị của Tổng thống Roosevelt, căn cứ hoạt động của chúng được chuyển đến Trân Châu Cảng với hy vọng hành động này có thể ngăn cản sự bành trướng của Nhật Bản tại Viễn Đông. Sau một đợt đại tu tại Xưởng hải quân Puget Sound sau khi kết thúc Vấn đề Hạm đội XXI, Tennessee đi đến căn cứ mới của nó vào ngày 12 tháng 8 năm 1940. Do tình hình thế giới ngày càng trở nên tồi tệ, cuộc tập trận Vấn đề Hạm đội XXII dự định tiến hành vào mủa Xuân năm 1941 bị hủy bỏ. Vì thế, hoạt động của Tennessee trong những tháng hòa bình cuối cùng chỉ là những hoạt động ở quy mô nhỏ.
Thế Chiến II : 1941-1943
Sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, Tennessee neo đậu bên mạn phải của "Hàng Thiết giáp hạm", tên đặt cho dãi nước sâu thuận tiện cho việc neo đậu các tàu có lượng rẽ nước lớn, nằm dọc theo mặt Đông Nam của đảo Ford tại Trân Châu Cảng.Trong quá trình trận tấn công Trân Châu Cảng, Tennessee đã xoay sở đưa vào hoạt động các khẩu pháo phòng không và tìm cách bảo vệ cảng trong phạm vi có thể. Tennessee bị đánh trúng hai quả bom xuyên thép nổ ở tầm sâu.[3] Quả đầu tiên đánh trúng khẩu pháo giữa của tháp súng số 2 khiến cả ba khẩu pháo đều không thể hoạt động.[3] Quả thứ hai xuyên qua nóc tháp súng số 3 và làm hư hại khẩu súng bên trái.[3] Tennessee chịu một cơn mưa mảnh đạn khi hầm đạn của chiếc Arizona nổ tung và phần đuôi tàu bị chìm ngập trong biển lửa do dầu máy bị tràn ra từ chiếc Arizona.[3] Sau khi được sửa chữa sơ bộ tại Trân Châu Cảng, Tennessee quay về Xưởng hải quân Puget Sound để được sửa chữa triệt để.Ngoài việc sửa chữa các hư hỏng, chiếc thiết giáp hạm còn được nâng cấp hỏa lực pháp phòng không và trang bị các radar tìm kiếm và kiểm soát hỏa lực; cũng như các cải biến khác để nâng cao khả năng sống sót của con tàu.Vào ngày 26 tháng 2 năm 1942, Tennessee rời Puget Sound sau khi hoàn tất việc sửa chữa. Sau khi về đến San Francisco, California, nó bắt đầu một giai đoạn thực hành huấn luyện khẩn trương cùng Lực lượng Đặc nhiệm 1 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc William S. Pye, bao gồm những chiếc thiết giáp hạm đang sẵn có của Hạm đội Thái Bình Dương và các tàu khu trục hộ tống.Khi các trận hải chiến thay đổi từ phương thức giáp chiến giữa các chiến hạm nổi sang kiểu đối đầu giữa các lực lượng tàu sân bay nhanh, những chiếc thiết giáp cũ như kiểu Tennessee trở nên quá chậm chạp không thể theo kịp những tàu sân bay hiện đại. Tennessee trải qua một thời gian cùng Lực lượng Đặc nhiệm 1 tuần tra khu vực Đông Thái Bình Dương do mối lo ngại rằng lực lượng hạm đội Nhật có thể liều lĩnh thực hiện một "đòn không kích cuối cùng" vào bờ Tây nước Mỹ.Vào ngày 1 tháng 8 năm 1942, Tennessee lên đường rời San Francisco cùng Lực lượng Đặc nhiệm 1. Sau một tuần thực tập, những chiếc thiết giáp hạm hợp cùng tàu sân bay Hornet (CV-8) lên đường đi đến khu vực Nam Thái Bình Dương hỗ trợ cho chiến dịch Guadalcanal, và hộ tống chiếc tàu sân bay đến tận Hawaii. Đi đến Trân Châu Cảng ngày 14 tháng 8, Tennessee quay trở về Puget Sound ngày 27 tháng 8 để được hiện đại hóa.Vào lúc Tennessee rời Xưởng hải quân Puget Sound ngày 7 tháng 5 năm 1943, nó mang một dáng vẻ hoàn toàn mới khác biệt hẳn so với trước đây. Việc cải biến đã tăng cường sự bảo vệ chống lại ngư lôi nhờ các ngăn kín nước bên trong được sắp xếp lại và cải tiến, một thiết kế cấu trúc thượng tầng gọn gàng hơn giúp vào công việc kiểm tra và chỉ huy trong khi lại ít gây trở ngại cho hỏa lực phòng không. Bản thân các khẩu pháo phòng không cùng radar kiểm soát hỏa lực cũng được nâng cấp. Hệ thống pháo hạng hai nguyên thủy gồm các khẩu pháo 127 mm (5 inch)/51 cùng kiểu súng phòng không 127 mm (5 inch)/25 được thay thế bằng 16 khẩu pháo đa dụng 127 mm (5 inch)/38 bố trí thành tám tháp súng đôi và được điều khiển bằng bốn hệ thống kiểm soát hỏa lực Mk 37.[2]Ngày 31 tháng 5 năm 1943, Tennessee lên đường hướng đến Alaska và tham chiến tại quần đảo Aleut. Trong khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ từ phía biển cho lực lượng đổ bộ, lực lượng Hải quân Nhật đã không gây ngăn trở gì. Thay vào đó, chiếc thiết giáp hạm đã sử dụng những khẩu pháo mạnh mẽ của nó áp chế các vị trí trên bờ của đối phương. Đó là một nhiệm vụ mà nó sẽ thực hiện trong suốt cuộc chiến. Quần đảo Aleut lại nằm trong vòng kiểm soát của lực lượng Hoa Kỳ, và chiếc thiết giáp hạm quay trở về cảng nhà San Francisco vào ngày 31 tháng 8. Sau đó Tennessee bước vào một giai đoạn luyện tập khẩn trương.Nhiệm vụ tiếp theo của Tennessee là hỗ trợ cuộc tấn công Betio trong Trận Tarawa. Từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 11 năm 1943, trận chiến diễn ra dưới sự yểm trợ của các khẩu pháo trên chiếc Tennessee, và nó cũng phối hợp cùng các tàu chiến khác trong việc đánh chìm chiếc tàu ngầm Nhật I-35. Chập tối ngày 3 tháng 12, Tennessee rời khu vực chiến sự quay về Trân Châu Cảng rồi tiếp tục đi đến San Francisco. Tại đây nó được nhanh chóng sơn lại màu ngụy trang theo kiểu "Dazzle". Từ ngày 29 tháng 12 năm 1943, Tennessee bắt đầu khẩn trương thực tập tác xạ, nả pháo xuống đảo San Clemente nhằm chuẩn bị cho đợt tấn công quần đảo Marshall.
1944
Sáng sớm ngày 13 tháng 1 năm 1944, Tennessee khởi hành đi Hawaii cùng Phân đội Đặc nhiệm 58.5.1, và thả neo tại Lahaina Roads ngoài khơi Maui ngày 21 tháng 1. Ngày hôm đó, con tàu được thị sát bởi một nhóm quan chức Bộ Hải quân do Thứ trưởng James Forrestal dẫn đầu. Ngày 29 tháng 1, Tennessee, cùng với Forrestal trên tàu, hướng đến quần đảo Marshall.Đến nơi ngày 31 tháng 1 năm 1944, Tennessee tiến hành bắn phá các hòn đảo hỗ trợ cho lực lượng trên bờ và phá hủy nhiều khẩu đội pháo duyên hải cùng một kho đạn Nhật tại Namur. Vào ban đêm, lực lượng trên bờ nhiều lần gọi điện yêu cầu hỗ trợ chiếu sáng. Các tàu khu trục sử dụng các đèn chiếu sáng rọi vào các khu vực do quân Nhật chiếm giữ, trong khi các khẩu pháo 127 mm (5 inch) trên Tennessee bắn nhiều đạn pháo sáng. Nhiều lúc chiếc thiết giáp hạm tiến sát vào các mục tiêu, như vào buổi trưa ngày 20 tháng 2, nó đã áp chế hệ thống phòng ngự bờ biển bằng các khẩu pháo 40 mm.Ngày 23 tháng 2 năm 1944, Tennessee khởi hành đi Majuro. Tại đây, nó sáp nhập với các thiết giáp hạm New Mexico (BB-40), Mississippi (BB-41), và Idaho (BB-42) dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Robert M. Griffin. Những chiếc tàu chiến rời Majuro ngày 15 tháng 3 cùng hai tàu sân bay hộ tống và 15 khu trục.Mục tiêu của chúng là các căn cứ không quân và hải quân tại Kavieng ở mỏm cực Bắc của đảo New Ireland. Quần đảo Bismarck, với hai đảo lớn New Britain và New Ireland, nằm về phía Đông New Guinea. Rabaul, giờ đây trở thành căn cứ chủ lực của Nhật Bản của vòng đai phòng thủ phía ngoài, ở rìa phía Đông của New Britain, ở đối diện New Ireland phía bên kia một eo biển hẹp. Khoảng 386 km (240 dặm) về phía Tây Bắc Rabaul, phía bên kia biển Bismarck, là nhóm quần đảo nhỏ Admiralty.Một lần nữa các khẩu pháo lớn của Tennessee lại dội lửa lên các vị trí của quân Nhật, phá hủy các khẩu đội pháo duyên hải và hỗ trợ cho lực lượng trên bộ đánh bại đối phương cũng như dội pháo xuống sân bay Nhật Bản và các mục tiêu khác.Chiến dịch Forager, đòn tấn công lên quần đảo Mariana, được vạch kế hoạch gồm hai mũi gọng kìm. Lực lượng Đặc nhiệm 51 của Phó Đô đốc Richmond K. Turner được tổ chức lại thành một lực lượng tấn công phía Bắc (Lực lượng Đặc nhiệm 52) do ông đích thân chỉ huy, và một lực lượng tấn công phía Nam (Lực lượng Đặc nhiệm 53) dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Richard Conolly. Lực lượng tấn công phía Bắc được tập trung tại Hawaii vào giữa tháng 5 năm 1944. Sau các đợt tổng dợt ngoài khơi Maui và Kahoolawe, nhóm hỗ trợ hỏa lực thứ nhất khởi hành đi Kwajalein trong khi lực lượng tàu vận tải đổ bộ tập trung tại Eniwetok. Ngày 10 tháng 6 năm 1944, Tennessee cùng đội đặc nhiệm của nó rời Kwajalein hướng đến Saipan.Tại Saipan, ngoài vai trò bảo vệ hạm đội, Tennessee còn bắt đầu bắn phá một cách hệ thống khu vực đổ bộ được lựa chọn ở phần phía Nam bờ biển phía Tây Saipan để hỗ trợ cho các tàu quét mìn thực hiện việc rà phá mìn tại đó. Các đội công binh phá mìn (UDT: Underwater Demolition Team) tiếp cận bãi đổ bộ trên những con tàu nhỏ để do thám các bãi đổ bộ và lắp đặt các cột mốc radar làm các tiêu điểm cho cuộc đổ bộ ngày hôm sau. Tennessee đã tiến sát đến Agingan Point ở khoảng cách 2.700 m (3.000 yard) và khai hỏa các cỡ pháo 355 mm (14 inch), 127 mm (5 inch) và 40 mm.Lực lượng Nhật Bản bắt đầu nã đạn cối và súng máy vào các đội công binh, trong khi đạn pháo bắt đầu nổ quanh các con tàu yểm trợ từ các khẩu đội pháo ở Tinian gần đó. Tàu tuần dương Cleveland (CL-55) được an toàn, trong khi California và tàu khu trục Braine (DD-630) trúng đạn. Tennessee khai hỏa phản pháo vào lực lượng phòng thủ đang đối đầu với những đội công binh, và các khẩu pháo chính của nó nhắm vào Tinian. Ngay sau giữa trưa, nó di chuyển về phía Tây Bắc để nả pháo các vị trí kiên cố Nhật Bản tại Afetna Point, gần trung tâm khu vực đổ bộ.Vị trí chiến đấu của Tennessee ở phần cực Nam của bãi đổ bộ, và trong đợt tấn công đổ bộ đầu tiên, pháo của nó liên tục nhắm vào vị trí này dọn đường cho cánh phải của Sư đoàn 4 Thủy quân Lục chiến chiến đấu mở đường lên bờ. Các khẩu pháo 120 mm (4,7 inch) Nhật Bản bố trí trong các hang động tại Tinian bắn trả nhắm vào Tennessee. Chiếc thiết giáp hạm tiến hành phản pháo, nhưng loạt đạn thứ ba của đối phương đã bắn trúng ba phát. Một quả phá tung một tháp pháo 127 mm (5 inch) nòng đôi, làm bùng phát một đám cháy nhưng được dập tắt chỉ trong vòng hai phút bởi đội kiểm soát hư hỏng và người của các khẩu đội lân cận. Quả thứ hai trúng vào mạn tàu, gây hư hại cho tấm thép ốp ngoài, nhưng sự hư hại được ngăn ngừa nhờ đai giáp bảo vệ chính. Quả thứ ba xé toang một lổ hổng tại phần sau của sàn tàu chính, tung ra một cơn mưa mảnh đạn xuống hầm tàu bên dưới. Tám người tử trận do các mảnh đạn, và 26 người khác bị thương do mảnh đạn và bỏng. Tuy nhiên, những hư hại trên không thể ngăn cản Tennessee tiếp tục thực hiện nả pháo theo yêu cầu nhằm giúp phá vỡ cuộc phản công của quân Nhật gần Agingan Point trước khi chiếc thiết giáp hạm rời vị trí chiến đấu để sửa chữa khẩn cấp các hỏng hóc. Vào buổi chiều và tối hôm đó, nó chiếm lấy vị trí hỗ trợ cho các tàu vận chuyển. Bốn máy bay ném bom bổ nhào Nhật tấn công các tàu bè lân cận vào lúc 18 giờ 46 phút, và các khẩu đội pháo 127 mm (5 inch) của Tennessee đã nổ súng nhưng không bắn trúng chiếc nào. Đêm hôm đó, đài phát thanh Tokyo thông báo thắng lợi của họ tại Saipan, cho rằng họ đã đánh chìm được một thiết giáp hạm được nhận diện "có thể là New Jersey".Chiếc Tennessee "bị đánh chìm" quay về eo biển Saipan ngày hôm sau. Nhiều cuộc phản công của quân Nhật bị đánh chặn trong đêm đó, và hỏa lực yểm trợ của Tennessee đã giúp lực lượng Thủy quân Lục chiến tổ chức lại và củng cố bãi đổ bộ của họ. Đêm 22 tháng 6, Tennessee khởi hành đi Eniwetok, nơi chiếc Hector (AR-7) thực hiện sửa chữa các hư hại trong chiến đấu của nó trong khi cuộc chiến tại Saipan đi đến hồi kết thúc vào ngày 9 tháng 7. Điểm đến kế tiếp của nó là Guam.Ngày 20 tháng 7, chiếc thiết giáp hạm tham gia một đợt bắn phá mang tính hệ thống vốn đã được bắt đầu vào ngày 8 tháng 7, được vạch kế hoạch cẩn thận nhằm vô hiệu hóa sức kháng cự của đối phương trong khi cố gắng giữ an toàn cho dân cư tại Chamorros trên hòn đảo. Một lần nữa Tennessee hỗ trợ hỏa lực ban ngày và bắn pháo sáng ban đêm yểm trợ cho lực lượng đổ bộ lên đảo. Quần đảo Palau là mục tiêu tiếp theo sau của Tennessee. Đây không phải là một đảo san hô mà là một cụm kéo dài các đảo phía Bắc đường xích đạo ở về phía cực Tây của quần đảo Caroline. Trận Peleliu là một trong những trận đánh quyết liệt nhất tại Mặt trận Thái Bình Dương, và sự kháng cự có tổ chức của đối phương chỉ có thể dập tắt vào tận tháng 11 với tổn thất lớn về nhân mạng. Mục tiêu của Tennessee là hòn đảo Angaur nhỏ hơn cách Peleliu vài dặm về phía Nam. Sáng ngày 12 tháng 9, Tennessee và Pennsylvania cùng bốn tàu tuần dương hạng nhẹ và năm tàu khu trục bắt đầu một cuộc bắn phá kéo dài trong khi các tàu sân bay cùng thực hiện vai trò của mình.Chiếc thiết giáp hạm nhận được lệnh triệt phá một ngọn hải đăng bằng đá nổi bật trên bờ biển phía Tây của đảo Angaur để quân Nhật không thể sử dụng nó trong việc trinh sát pháo binh. Mười hai phát đạn 356 mm (14 inch) đã được ngắm vào nó, xới tung cả khu vực chung quanh, và ba phát đã trúng đích nhưng không thể đánh sập ngôi tháp. Công việc bắn phá các mục tiêu khác đã khiến Tennessee bận rộn suốt ba ngày tiếp theo sau. Tennessee sẵn sàng ngoài khơi Peleliu vào buổi sáng ngày 15 tháng 9 phòng ngừa trường hợp hỏa lực pháo của nó cần thiết để hỗ trợ cho lực lượng tấn công đổ bộ. Khi công việc này hoàn tất, nó quay trở lại vào chiều tối ngày 16 tháng 9 để thanh toán nốt ngọn hải đăng ngoan cố trước khi diễn ra cuộc đổ bộ vào buổi sáng ngày hôm sau.Tennessee nhổ neo vào ngày 12 tháng 10 lên đường hướng đến vịnh Leyte. Dưới sự chỉ huy tối cao của Tướng MacArthur, lực lượng Đệ Thất hạm đội của Phó đô đốc Thomas Kinkaid vận chuyển hai quân đoàn Lục Quân đến khu vực tấn công.Lúc 06 giờ 09 phút sáng ngày 18 tháng 10, Tennessee cùng với lực lượng yểm trợ hỏa lực tiến qua eo biển giữa các đảo Homonhon và Dinagat. Máy cắt dây mìn ngầm được giăng ra hai bên lườn tàu trong khi Thủy quân Lục chiến trên thượng tầng tàu đánh chìm hoặc phá nổ những quả ngư lôi trôi nổi. Các con tàu quét mìn tiếp tục phần công việc còn lại trong khi những chiếc tàu chiến hạng nặng di chuyển chậm chạp dọc lên vịnh Leyte.Cuộc đổ bộ được dự định thực hiện vào ngày 20 tháng 10, và vào lúc 06 giờ 00, Tennessee khai hỏa để vô hiệu hóa sự kháng cự của đối phương. Chiếc thiết giáp hạm tiếp tục thực hiện vai trò giúp đỡ ngoài khơi khu vực đổ bộ cho đến khi sự hỗ trợ hỏa lực không còn cần thiết, và hoạt động của không lực Nhật Bản ngày càng gia tăng buộc nó phải di chuyển vào khu vực đổ bộ để các khẩu pháo phòng không của nó có thể yểm trợ cho các tàu chở quân và vận tải.Chiều tối ngày 21 tháng 10, trong khi đang nằm im trên biển dưới sự che phủ của một màn khói ngụy trang nhằm che chở khỏi bị máy bay tấn công, Tennessee bị chiếc tàu vận tải USS War Hawk (AP-168) đâm trúng gần phía đuôi tàu. Không có thương vong, và cấu trúc chắc chắn của thân tàu giúp cho nó ít bị thiệt hại, nhưng mệnh lệnh đưa ra cho một nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực ban đêm bị hủy bỏ.Trong khi Tennessee hoạt động ngoài khơi đảo Leyte, Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản nhận ra quy mô của cuộc tấn công đang được tiến hành và đã quyết định chọn hòn đảo này làm nơi diễn ra trận hải chiến phản công quyết định: trận chiến vịnh Leyte. Kế hoạch của Nhật, dựa trên sự phối hợp về địa hình, tiếp liệu và sự thiếu sót một lực lượng tàu sân bay thích đáng, tung ra bốn mũi tấn công gọng kìm nhắm vào khu vực vịnh Leyte trong một nỗ lực nhằm tiêu diệt bằng mọi giá lực lượng đổ bộ MỹMột lực lượng tương đối yếu dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Shoji Nishimura, hướng đến phía Nam đảo Palawan và vượt qua biển Sulu để đi ngang giữa Mindanao và Leyte. Lực lượng của Nishimura sẽ vấp phải một lực lượng hỗn hợp các tàu chiến Mỹ, trong đó có Tennessee, trong trận chiến eo biển Surigao.Khi chúng đi ngang mũi đảo Panaon vào lúc chiều tối ngày 24 tháng 10 và rạng sáng ngày 25 tháng 10, lực lượng Nhật Bản lọt vào một cái bẫy chết người do lực lượng của Đệ Thất hạm đội giăng ra. Chuẩn Đô đốc Jesse Oldendorf có trong tay sáu thiết giáp hạm: Mississippi, Maryland, West Virginia, Tennessee, California và Pennsylvania, tất cả ngoại trừ Mississippi đều là những cựu binh từng bị hư hại tại Trân Châu Cảng; bốn tàu tuần dương hạng nặng :USS Louisville (soái hạm), Portland, Minneapolis và HMAS Shropshire; bốn tàu tuần dương hạng nhẹ: USS Denver, Columbia, Phoenix và Boise; 28 tàu khu trục và 39 tàu tuần tra-ngư lôi PT.Bên trên chiếc Tennessee, các quan sát viên có thể thấy được ánh lửa từ phía xa của các quả đạn pháo khi các tàu tuần tra-ngư lôi và tàu khu trục đụng độ cùng lực lượng Nhật Bản, và không lâu sau đã có thể nghe thấy tiếng nổ. Lúc 03 giờ 02 phút, radar của chiếc thiết giáp hạm bắt được tín hiệu của lực lượng Nishimura đang tiến đến gần ở khoảng cách 40.000 m (44.000 yard) và bắt đầu theo dõi chiếc dẫn đầu. Đó chính là soái hạm của hạm đội Nhật, thiết giáp hạm Yamashiro. Cùng với tàu tuần dương Mogami và tàu khu trục Shigure, đó là tất cả những gì còn lại của lực lượng Nhật Bản. Lúc 03 giờ 51 phút, Oldendorf ra lệnh cho các tàu tuần dương hai bên sườn nổ súng, và cuối cùng đến 03 giờ 56 phút, chiếc thiết giáp hạm khai hỏa ở khoảng cách 19.000 m (20.600 yard).Hệ thống điều khiển hỏa lực bằng radar đã cho phép các thiết giáp hạm Mỹ có thể bắn trúng mục tiêu từ một khoảng cách mà phía Nhật không thể đáp trả do hệ thống điều khiển hỏa lực lạc hậu của họ. Những chiếc Yamashiro và Mogami bị phá hủy bởi các quả đạn pháo xuyên thép 356 mm (14 inch) và 406 mm (16 inch). Shigure quay mũi bỏ chạy, nhưng bị mất lái và chết đứng. Yamashiro chìm lúc 04 giờ 19 phút. Cho đến nay, Trận chiến eo biển Surigao là trận chiến của hàng thiết giáp hạm cuối cùng trong lịch sử hải quân; Yamashiro là thiết giáp hạm cuối cùng đối đầu một chiếc khác trong chiến trận, và là một trong số ít ỏi những chiếc bị đánh chìm bởi một thiết giáp hạm khác trong Thế Chiến II. Trong số bảy tàu chiến của Nishimura, chỉ còn lại Shigure sống sót.Nhiều ngày tiếp theo sau đó là khoảng thời gian khá yên bình đối với Tennessee, cho dù quân Nhật tung ra nhiều cuộc không kích xuất phát từ đất liền nhắm vào lực lượng đang tập trung tại vịnh Leyte. Ngày 29 tháng 10, chiếc thiết giáp hạm khởi hành quay trở về Xưởng hải quân Puget Sound. Lần tái trang bị này không làm thay đổi nhiều dáng vẽ bên ngoài của Tennessee. Các khẩu pháo chính được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực với radar Mark 8, trong khi radar Mark 4 dùng cho các khẩu pháo 127 mm (5 inch) được thay thế bằng thiết bị kiểu phối hợp Mark 12 và Mark 22 đa mục đích. Sự hữu ích của Tennessee như một tàu phòng không được nâng cao nhờ việc bổ sung radar kiểu SP đo độ cao. Màu ngụy trang của nó được thay thế bằng lớp sơn cuối cùng màu xám đậm vốn được tính toán nhằm giảm thiểu sự phô bày trong các cuộc tấn công tự sát kamikaze, bắt đầu được sử dụng từ khi diễn ra việc tái chiếm Philippines và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong mùa Đông năm 1944 và phần còn lại của năm 1945 tại Thái Bình Dương.
1945
Trong khi Tennessee được tái trang bị, các cuộc đổ bộ được thực hiện tại miền Trung Philippines và tại Luzon; và nhiệm vụ giải phóng Philippines đã sắp hoàn thành. Vào ngày 2 tháng 2 năm 1945, Tennessee lên đường hướng đến khu vực Tây Thái Bình Dương, ngang qua Trân Châu Cảng và Saipan, nó đến nơi kịp lúc để gia nhập lực lượng yểm trợ hỏa lực của Chuẩn Đô đốc W.H.P. Blandy tham gia trận Iwo Jima.Sáng sớm ngày 16 tháng 2 năm 1945, nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực được giao đã đưa Tennessee đến khu vực dọc theo bờ biển Đông Nam đảo Iwo Jima. Các khẩu pháo chính 356 mm (14 inch) của nó nả vào sườn núi Suribachi ở tầm xa từ 2.000 m (2.200 yard) đến 5.500 m (6.000 yard) trong khi các khẩu pháo hạng hai nhắm vào các điểm cao phía Bắc bãi đổ bộ, các khẩu đội 40 mm nhắm vào các mục tiêu khác trên bãi đổ bộ và xác nhiều chiếc tàu Nhật bị đắm gần bờ; chúng từng được sử dụng làm nơi ẩn nấp cho các tay súng bắn tỉa và ổ súng máy tại Tarawa gây nhiều khó khăn lúc đổ bộ, và từ đó luôn được xem là những mối đe dọa tiềm tàng. Nhiều đám cháy bùng lên trên bờ, và một kho đạn trúng đạn phát nổ một cách ngoạn mục và bùng cháy trong nhiều giờ.Sáng hôm sau, bắt đầu từ 08 giờ 03 phút, Tennessee cùng với Idaho và Nevada tiến sát bờ khoảng 2.700 m (3.000 yard) và bắt đầu khai hỏa. Những con tàu tiến quá gần bờ đến mức có một lúc Tennessee trúng phải hỏa lực bắn trả của một khẩu đội pháo duyên hải 127 mm (5 inch)/38 làm thiệt mạng một người và bị thương bốn người khác. Đến 10 giờ 25 phút, chiếc thiết giáp hạm được lệnh rút lui nhường chỗ cho lực lượng đổ bộ. Người ta nhận thấy là những loạt đạn từng phát một ở tầm gần, sử dụng cách "ngắm thẳng" qua kính ngắm, tỏ ra chính xác và hiệu quả. Khái niệm sử dụng hải pháo 356 mm (14 inch) để bắn tỉa có vẻ mới, nhưng xem ra khá hữu dụng.Cuộc chiến trên bộ tại Iwo Jima tiếp diễn cho đến tận ngày 26 tháng 3, khi sự kháng cự ngoan cố của quân Nhật dần dần bị đẩy lui khỏi các vị trí mà họ tiếp tục phòng thủ cho đến người cuối cùng. Tennessee tham gia cuộc chiến đấu này cho đến ngày 7 tháng 3, khi nó khởi hành đi Ulithi, sau khi đã rót xuống Iwo Jima tổng cộng 1.370 quả đạn pháo 356 mm (14 inch), 6.380 quả đạn 127 mm (5 inch) và 11.481 quả đạn 40 mm. Tại Ulithi, nó bắt đầu chuẩn bị để hoạt động trong Chiến dịch Okinawa.Hoạt động của chiếc thiết giáp hạm ngoài khơi Okinawa bao gồm hỗ trợ hỏa lực vào đất liền và chống trả các đợt tấn công cảm tử kamikaze. Công việc trực chiến kéo dài nhiều giờ liền khiến mọi người căng thẳng và mệt mỏi, khi chiếc tàu chiến tuần tra dọc hòn đảo nả pháo vào mọi mục tiêu khả nghi, trong khi danh sách báo cáo về các cuộc tấn công tự sát ngày càng kéo dài.Sự kháng cự trên hòn đảo chỉ kết thúc vào ngày 21 tháng 6. Trong thời gian đó, lực lượng Hải quân phải chiến đấu ngày đêm chống lại các cuộc tấn công tự sát kamikaze không ngừng nghỉ. Xế trưa ngày 12 tháng 4, thay cho nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực, Tennessee đang di chuyển trong đội hình phòng không khi năm chiếc máy bay kamikaze ló ra từ trong đám khói dày đặc bốc lên từ chiếc tàu khu trục Zellars (DD-777) và nhắm thẳng vào Tennessee. Bốn chiếc bị bắn rơi, ba chiếc cuối trong số đó chỉ còn cách chiếc thiết giáp hạm vài trăm mét. Chiếc cuối cùng bốc cháy do trúng đạn pháo 127 mm (5 inch) và bổ nhào một góc 45 độ xuống nước sát đuôi tàu. Cùng lúc đó, một máy bay ném bom bổ nhào Aichi A6M "Val" bay thấp bên mạn phải hướng thẳng đến cầu tàu của Tennessee. Các quan sát viên phát hiện chiếc "Val" từ khoảng cách 2.300 m (2.500 yard), và mọi vũ khí tự động trên tàu có khả năng đều khai hỏa. Một trong các bánh đáp cố định của chiếc máy bay bị bắn rời, và động cơ bắt đầu bốc khói.Thoạt tiên nhắm vào tháp cột buồm phía trước của Tennessee, viên phi công Nhật lái chệnh đi và đâm vào cầu tàu. Xác máy bay cháy bùng trượt dọc về phía sau cấu trúc thượng tầng, cày nát các khẩu đội phòng không và dừng lại tại tháp pháo số 3. Nó mang theo một quả bom 113 kg (250 lb), và cùng với những gì còn lại của chiếc máy bay, xuyên qua sàn gỗ và phát nổ. Có tổng cộng hai mươi hai người chết cùng 107 người bị thương.Tuy nhiên, những thiệt hại đó không đủ để loại Tennessee khỏi vòng chiến. Những người chết được mai táng trên biển, trong khi những người bị thương được chuyển sang chiếc tàu tải thương Pinkney (APH-2). Công việc sửa chữa khẩn cấp được tiến hành, và đến ngày 14 tháng 4, chiếc thiết giáp hạm lại tiếp tục nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực. Tennessee còn ở lại khu vực ngoài khơi Okinawa thêm hai tuần nữa.Ngày 1 tháng 5, Đô đốc Deyo chuyển cờ hiệu của ông sang một tàu tuần dương, và Tennessee lên đường đi Ulithi. Tại đây, chiếc tàu sửa chữa Ajax (AR-6) thực hiện các công việc bảo trì cần thiết, thay thế các tấm thép bị hư hại trong chiến đấu và trang bị các khẩu đội pháo thay thế cho số đã bị mất. Ngày 3 tháng 6, chiếc thiết giáp hạm lên đường, và đi đến Okinawa vào ngày 9 tháng 6. Đến lúc này, những điều tồi tệ nhất đã qua đi, khi các đơn vị Lục quân tiến hành những trận đánh để tiêu diệt những ổ kháng cự cuối cùng của quân Nhật, và hỏa lực của Tennessee lại tỏ ra hữu ích trong việc yểm trợ. Cùng các thiết giáp hạm "cũ" khác, nó tiếp tục nhiệm vụ hỗ trợ cho đến khi sự kháng cự có tổ chức cuối cùng chấm dứt vào ngày 21 tháng 6.Phó Đô đốc Oldendorf được đặt làm chỉ huy lực lượng hải quân tại quần đảo Ryukyus, và ông đặt cờ hiệu của mình trên Tennessee khi chiếc thiết giáp hạm hỗ trợ cho các chiến dịch quét mìn tại biển Đông Trung Quốc và tuần tra tại vùng biển ngoài khơi Thượng Hải trong khi các tàu sân bay hộ tống tung ra các đợt không kích dọc theo bờ biển Trung Quốc. Tennessee tiếp tục hoạt động tại khu vực này cho đến khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc xung đột tại Thái Bình Dương. Lúc đó chiếc thiết giáp hạm đang hoạt động ngoài khơi Okinawa và đang chuẩn bị để tham gia kế hoạch tấn công Nhật Bản.
Sau chiến tranh
Nhiệm vụ cuối cùng của chiếc thiết giáp hạm trong chiến tranh là hỗ trợ cho cuộc đổ bộ lực lượng chiếm đóng lên Wakayama. Nó đến nơi vào ngày 23 tháng 9, rồi sau đó tiếp tục đến Yokosuka. Tại đây, thủy thủ đoàn của Tennessee có dịp nhìn thấy tận mắt xưởng tàu và căn cứ hoạt động một thời của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trước khi lên đường đi Singapore vào ngày 16 tháng 10. Tại Singapore, Đô đốc Oldendorf chuyển cờ hiệu của ông lên chiếc tàu tuần dương Springfield (CL-66), và Tennessee tiếp tục chuyến hành trình dài quay trở về nhà ngang qua mũi Hảo Vọng.Vào dịp kỷ niệm bốn năm ngày Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Tennessee đang thả neo tại Xưởng hải quân Philadelphia. Trong những năm đó, chiếc thiết giáp hạm đã bắn tổng cộng 9.347 quả đạn pháo 356 mm (14 inch), 46.341 quả đạn 127 mm (5 inch) và hơn 100.000 phát đạn phòng không.Quá trình cắt giảm lực lượng Hải quân sau chiến tranh được tiến hành. Tennessee được xếp loại là cũ, cho dù vẫn còn hữu dụng, và được chọn để đưa về "hạm đội bỏ xó"; và vào năm 1946, được cho tiến hành bảo quản và chuẩn bị để ngưng hoạt động. Công việc tiến triển chậm chạp, do số lượng lớn các con tàu được đưa về dự bị và do thiếu nhân lực. Cuối cùng, vào ngày 14 tháng 2 năm 1947, cờ hiệu của Tennessee được hạ xuống lần cuối cùng khi nó được chính thức cho ngừng hoạt động.Tennessee ở lại hạm đội dự bị thêm 12 năm nữa, khi thời gian trôi đi và kỹ thuật hải quân không ngừng tiến triển. Ngày 1 tháng 3 năm 1959, tên nó được xóa khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân; và vào ngày 10 tháng 7 năm đó, nó được bán cho hãng Bethlehem Steel Company để tháo dỡ.Tennessee được tặng thưởng Đơn vị Tuyên dương Hải quân và mười Ngôi sao Chiến đấu do thành tích hoạt động trong Thế Chiến II.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top