Chương 1: Nguyện vọng của mẹ.
Hùng xếp lại đống sách vở trên kệ bỏ vào hộp. Một, hai, ba, bốn chiếc hộp được cậu cẩn thận đóng lại. Dù cho nếu có thể quay về, sẽ phải xếp rất mệt nhưng ít nhất cậu không phải lau từng hạt bụi bám trên chúng. Hùng đeo chiếc ba lô lớn lên vai, cố gắng đảm bảo rằng cậu sẽ không hối tiếc vì quên mất thứ gì và chạy xuống dưới nhà, nơi có mẹ cậu đang chờ.
"Con chuẩn bị xong chưa?"
Hùng không trả lời, chỉ gật đầu hai cái rồi cố gắng nhìn thật kĩ căn nhà lần cuối trước khi cánh cửa gỗ đóng lại. Cả hai đi lên xe xích lô, thứ mà mẹ cậu luôn cảm thấy thật phí tiền trong khi có thể đi bộ hoặc xe đạp để đạt một tốc độ tương đương.
Hùng đưa đôi mắt rảo quanh phố thị lần nữa. Ánh sáng mặt trời còn nhập nhèm sau dãy núi. Loáng thoáng bóng bà cụ Tư gánh đòn xôi khúc về phía chợ, tiếng chị Thanh rao hàng, tiếng lá rơi xào xạc, tiếng then cài cửa lách cách như khiến một góc phố được sống dậy. Liệu bao giờ cậu mới được chứng kiến sự vồn vã của sớm mai lần nữa, khi gió mát hòa cùng sương sớm mơn trớn da mặt và từng kẽ tóc, nếu chỉ vội vàng nhét miếng bánh mì vào miệng và đạp xe thật nhanh sao cho kịp giờ học như mới hôm kia?
Rời xích lô, họ đi lên chuyến tàu hỏa đầu tiên trong ngày. Vì là chuyến đầu nên bên trong có rất ít người, nhưng không gian lại trông không được sạch sẽ lắm. Mùi mồ hôi, mùi cơ thể vẫn cứ quanh quẩn trong không khí khiến Hùng váng cả đầu. Chuyến tàu này vẫn không thể lấy được thiện cảm của cậu dù cho dù là thứ hai.
Sau khi có một vị trí ngồi ổn định, Hùng đưa mắt nhìn cửa sổ, ngắm nhìn những ngôi nhà lướt qua nhanh như xé gió. Liệu vì cậu đã lớn hay mục đích của chuyến đi này quá buồn để cậu chẳng thể thả hồn mình vào cảnh vật như lần đầu? Hùng không biết, nhưng lòng vẫn nặng trĩu vì những suy nghĩ chẳng thể nói ra.
Chợt, mẹ bắt lấy tay Hùng, nắm thật chặt rồi ôn tồn nói.
"Con ở với bà và bác phải ngoan nhé, mẹ sẽ cố gắng cùng ba về trước sinh nhật con."
Bà hứa với cậu.
Trong mắt Hùng, mẹ luôn là người nói được làm được. Không bao giờ thất hứa. Vì đó là danh dự của một nhà giáo và cũng là của chính bà.
Bản thân Hùng chẳng thể lắc đầu trước câu nói của mẹ.
Nhưng phải thừa nhận, khóe môi cậu đã cong lên một chút.
Mặt trời dần nhô lên, một nửa đã không còn e thẹn nấp sau khe núi. Phía ngoài cửa sổ, những chiếc thuyền chở đầy cá đã nô nức trở về, đem theo những nụ cười rạng rỡ của ngư dân làng chài.
"Mẹ có một nguyện vọng." Bà lấy ra trong túi một cuốn sổ da, đặt vào tay Hùng. "Hãy lấp đầy cuốn sổ này bằng nét bút của con, để mẹ có thể cảm nhận được những gì con nhận được tại thành phố Hải Phòng này khi mẹ trở về."
"Con nên viết gì đây ạ?"
"Bất cứ thứ gì, con yêu. Con có thể viết vài dòng thơ, cũng có thể viết một bản nhạc, hoặc là vẽ một cánh đồng lúa trổ vàng ươm."
Khi xe lửa dừng lại, mặt trời đã hoàn toàn ló rạng khỏi dãy núi cao. Hùng ôm cuốn sổ vào lòng, ậm ừ đôi ba câu tỏ vẻ đồng ý rồi đặt một tập phong thư vào tay mẹ.
"Mẹ phải thường xuyên viết thư cho con và bà đấy. Mẹ hứa đi. Mẹ biết con vẫn muốn nghe thêm chuyện ở chiến khu mà. Chuyện cô Dung và những ý tưởng tuyệt vời của cô ấy khi đội của mẹ bị cơn sốt rét rừng hành hạ, mẹ còn chưa kể hết đâu."
"Ừm, mẹ hứa."
Hai người đi xuống tàu, hòa vào với đám đông vội vã. Bác Thùy đội cái nón cũ, mặc chiếc áo hoa xanh nhạt cùng chiếc quần ống suông đen thoải mái. Mái tóc đen dài được bác búi lên gọn gàng với chiếc trâm yêu thích bác mua ở chợ Tết trên Hà Nội khoảng độ ba năm về trước.
Bác đón Hùng, nắm lấy tay cậu, tách cậu ra khỏi mẹ rồi trò chuyện với đứa em gái thân thương của mình. Suốt cuộc trò chuyện, Hùng chỉ im lặng, nhìn cho thật kỹ khuôn mặt của mẹ, để cảm giác nghẹn ngào trong cổ dâng lên khiến hai mắt đỏ hoe. Nhưng cậu vẫn phải cố gắng kìm lại những nỗi niềm đang muốn trực trào.
Mẹ thấy. Mẹ biết. Nhưng vì ái ngại nên chẳng hề kéo cậu lại dỗ dành.
Cậu cũng vậy. Vì ái ngại nên chẳng thể sà vào lòng mẹ và khóc thật to. Cho đến tận khi tàu đi mất, cậu cũng chỉ biết giương mắt nhìn theo hư vô đầy nuối tiếc.
Cuộc chia tay này trôi đi chẳng có nước mắt cũng chẳng đậm vị chia li, chỉ đầy những luyến tiếc cùng chút hi vọng nhỏ nhoi.
"Nào, ta đi về nhé?"
Bác Thùy nắm tay, dẫn Hùng đi trên con đường đất gồ ghề. Nắng hè oi ả đọng trên da cậu bỏng rát. Xa xa là đồng lúa còn xanh mơn mởn, mùi lá non hoà lẫn trong không khí mát lành.
"Vụ tám mới gieo chỉ cách đây có nửa tháng thôi."
Bác nói, nửa thì thầm nửa muốn Hùng nghe. Đi thêm một đoạn nữa, các cô cậu bé trạc tuổi cậu tụ tập thành nhóm nô đùa đủ thứ trò, nom vui mắt lắm.
Lần cuối cậu về ngót nghét cũng đã chín năm. Một cậu bé mới chỉ tròn bốn tuổi thì nhớ được gì nhiều cho cam? Ấy vậy mà mọi người nơi đây nhớ cậu lắm. Đi vài ba bước lại có vài người hỏi cậu có phải con mẹ Hương bố Thành, cháu bà Hồng không khiến cậu tủm tỉm cười không ít lần. Cậu thật sự có thể gọi nơi đây là "quê hương".
"Cháu có yêu nơi này không?"
Bác Thùy chợt hỏi. Ánh mắt trông chờ cùng nụ cười hiền hậu khiến cậu khó nói.
"Cháu có chứ, đây là quê cháu mà."
"Nếu chỉ vì đây là quê cháu thì cháu chưa thật sự yêu nơi này rồi. Trước mắt, cháu sẽ ở nơi này khá lâu, hãy tìm cho mình lí do để yêu nơi này nhé?"
Hùng trộm nhìn bác, lí nhí câu dạ vâng rồi ngẫm nghĩ. Cậu nhớ căn nhà hai tầng nhìn thẳng ra Hồ Tây. Nhớ những chiếc đèn lồng treo dọc khắp phố đi bộ Hồ Gươm. Đối với suy nghĩ của một đứa trẻ mười ba tuổi ấy, có gì đẹp đẽ hơn được đạp xe dưới ánh sáng đủ màu của đèn lồng cùng tiếng hò reo, vui cười của những người xung quanh.
"Cháu biết không. Sự tồn tại của cháu cũng vậy, là một lí do, là nguồn động lực để bố cháu luôn nghĩ tới và muốn quay trở về. Không như mẹ cháu, có bà, có bác. Bố cháu chỉ có mình cháu và mẹ cháu thôi Hùng ạ."
Cậu mở to hai mắt.
"Cháu quan trọng ạ?"
"Đương nhiên rồi."
Bác mỉm cười trìu mến, đưa tay vuốt ve đầu đứa cháu nhỏ. Có một nỗi buồn phảng phất chợt trào dâng trong lòng cậu. Nhưng rồi khoé môi cậu cong lên, bởi cậu biết, bản thân là lí do để bố cậu kiên cường hơn trên chiến trường.
"Bôn!"
Hùng dang tay, đón lấy chú chó lớn với bộ lông đen tuyền vào lòng. Vài năm trước Hùng đã nhận nuôi Bôn trên Hà Nội nhưng vì quá bận rộn nên mẹ quyết định đưa nó về Hải Phòng, để Bôn ở bên ngoại và bác.
"Ngoại đâu rồi mày biết không Bôn? Dẫn tao vào nhà ngoại nhé?"
Chú chó lâu ngày không gặp chủ cứ quấn quýt không ngừng, liếm lên hai bên má bỏng rát vì nắng của cậu mà khiến cậu cười khúc khích.
"Bôn à?"
Một giọng nói khác vang lên khiến sáu cặp mắt phải đổ dồn về phía trước. Một cậu bé tóc xoăn, dáng người mảnh khảnh đang đứng trước mặt cậu, miệng liên tục gọi Bôn về phía mình.
"A, Dương! Nay lại dẫn Bôn nhà bác đi chơi à?"
"Vâng! Mà tthằng đó là ai vậy bác?" Cậu nhóc chỉ tay vào Hùng, tỏ vẻ hoài nghi. "Cháu chưa thấy cậu ta bao giờ, cũng chẳng biết sao Bôn lại thích cậu ta tới vậy."
"Đây là Hùng, cháu của bác, lớn hơn cháu bốn tuổi."
"Ồ! Vậy đây là anh mà bác hay nhắc đến khi ngồi viết thư!"
Hùng là con một của gia đình gia giáo. Bởi vậy nên chẳng có ý quý mến một tên nhóc nhỏ tuổi hơn mình gọi mình là thằng ngay lần đầu mới gặp. Nhưng khi cậu nhóc đó tới gần xin lỗi và chào hỏi lịch sự, sự khó chịu trong lòng cậu cũng dần dịu bớt. Dương tò mò với cuốn sổ da trên tay Hùng, sau khi được nghe kể, nó ngỏ ý sẽ giúp cậu tìm kiếm những thứ đẹp nhất để có thể khoe với mẹ.
Dương dẫn Hùng đi men trên con đường mòn bằng đất. Đi qua những cánh đồng xanh bạt ngàn. Chẳng trách Hùng quá kiệm lời, chỉ trách Dương quá thân thiện mà kéo theo bao nhiêu cô chú tới hỏi thăm vị khách "lạ mà quen" giữa tiết trời nắng như đổ lửa này.
Khi tới gốc đa làng thì Hùng cũng thấm mệt, lưng áo, tóc mái đẫm mồ hôi. Dương cũng chẳng khấm khá hơn cậu là bao nhưng trông nó vẫn còn sảng khoái lắm. Đây là sự khác nhau giữa người miền quê và thành thị sao?
"Đối với bọn em thì chỗ này là đẹp nhất rồi! Đương nhiên, em sẽ dẫn anh đi thêm những chỗ khác nữa."
Dương ngồi phịch xuống, nhặt lấy một chiếc lá còn xanh, lau vào vạt áo cho thật sạch rồi đưa lên miệng thổi. Hùng phải thừa nhận, cái miệng luôn bô la bô lô của Dương xem vậy cũng không tệ. Cậu tựa lưng vào gốc đa, phóng tầm mắt ra đồng cỏ xanh rì, loáng thoáng chiếc nón vàng ươm được nhuộm màu bởi nắng. Vài ba chú bé ngồi trên lưng trâu, lắc đầu qua lại như thể ngân nga một bài hát gì đó hay lắm.
"Em có vẻ quen biết nhiều người."
"Không, ở đây tụi em biết nhau hết cả mà. Chỉ cần ra đường nhận mình là con mẹ Linh, thì ai ai cũng biết em hết."
Hùng khịt mũi, lại thêm một điểm khác nhau nữa giữa người nông thôn và thành thị. Cuộc sống ở thủ đô xô bồ lắm. Mở mắt ra thấy ai cũng tay xách nách mang vội vội vàng vàng với chiếc bánh bao còn cắn dở, cứ vài ba giây lại liếc chiếc đồng hồ, nào có kịp buông lời chào hỏi nhau bao giờ?
"Giờ anh tới đây rồi, em biết anh, mọi người cũng biết anh nữa!"
Sự hồ hởi đan xen vào từng câu chữ của Dương khiến Hùng phải phì cười.
_
Ngày 15 tháng 6 năm 1974.
Con đã quen được một người như thể quen được vạn người...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top