Chương 1: Kaveh
Trời vừa mới tờ mờ sáng mà đất nơi thành Sumeru đã chật ních người qua kẻ lại. Các học sinh mặc đồng phục xanh trắng đi thành hàng dài ở trên đường, nhìn từ trên cao xuống, bọn họ trông hệt như những người máy sản xuất hàng loạt vậy.
Trên khung cửa sổ của một tòa nhà cao chót vót giữa lòng thành thị, một thanh niên tóc vàng đang say sưa ngắm nhìn các "người máy" bên dưới. Nắng sớm gay gắt ngang ngược chiếu thẳng lên mặt cậu, song thanh niên nọ có vẻ không lấy làm khó chịu. Cậu vươn tay về phía các học giả, nhìn bọn họ thành những mô hình nhân trong trò chơi lắp ráp mà bóp lấy.
"Cậu chủ, sắp đến giờ đi học rồi." Quản gia cất giọng đều đều. Tiếng gõ cửa làm gián đoạn mạch tưởng tượng của cậu làm cậu sực tỉnh.
Kaveh nhanh chân đá mấy vỏ chai rượu xuống gầm giường, vò vò mái tóc vàng hơi cháy nắng, uể oải ra mở cửa rồi ngáp ngắn ngáp dài: "Oáp... Cháu biết rồi bác George, cháu sửa soạn xong sẽ xuống nhà ngay."
Quản gia George liếc cậu một cái: "Và tốt nhất là cậu nên tắm rửa rồi thay một bộ đồ khác để không còn mùi rượu bám trên người nữa."
"Ấy chết, lộ rồi à?" Kaveh cười hì hì: "Cháu yên tâm lắm, bác sẽ không nói cho ông già biết đâu đúng không ạ?"
George đặt bộ đồng phục lên giường, bắt đầu thay quần áo cho cậu chủ: "Cậu vẫn còn chưa đến tuổi vị thành niên, thỉnh thoảng uống một chút cũng không sao nhưng phải biết chừng mực, không nên dùng quá nhiều cồn..."
Kaveh chặn tay ông lại: "Thế bác cứ ra ngoài trước đi, cháu tắm 10 phút xong rồi ra ngay."
George nhìn đồng hồ rồi thở dài: "Cậu nhớ phải mặc đồng phục đấy."
"Ôi, bác cứ yên tâm."
Quản gia George đã phục vụ cho ngôi nhà này đã gần 30 năm, trước cả lúc Kaveh ra đời. Cậu chỉ được nghe kể qua loa rằng ông ta vốn là người Mondstadt, từng có một đời vợ và một người con trai. Cũng chẳng biết người cha như cáo già thành tinh của cậu đã bỏ thuốc gì cho George mà ông ta coi trọng ông chủ còn hơn cả mạng mình, đồng thời tuân mệnh tuyệt đối các yêu cầu của ông chủ cho dù có vô lý đến mấy. Người cha bận bịu của cậu vắng nhà quanh năm suốt tháng, nhớ mặt đối tác còn hơn cả mặt con, thành ra chỉ có mỗi George là trông nom cậu từ bé đến giờ. Nếu như không có tấm ảnh gia đình to tướng treo trong nhà thì cậu còn hoài nghi George phải là người đẻ ra mình mới đúng.
Bản thân George cũng hiểu được tâm tình của cậu chủ. Từ nhỏ Kaveh đã là con đười ươi không bao giờ chịu ở yên một chỗ, tuổi dậy thì nổi loạn của cậu dường như đến sớm hơn người bình thường, cha mẹ chỉ Đông thì đi đằng Tây, nghịch như tướng cướp, hại ông ngày nào cũng phải sứt đầu mẻ trán để đối phó với cậu ấm đang trong thời kỳ phản nghịch này.
Song có vẻ như mấy năm gần đây Kaveh đã bắt đầu "hiểu chuyện" hơn, có lẽ phải kể từ lúc cậu nhập học Học Viện Sumeru theo sự sắp đặt của cha già.
Học Viện Sumeru là trường trọng điểm quốc gia, là bộ mặt của cả đất nước. Quần thể học sinh trong trường không phải tinh anh xã hội thì cũng là con nhà nòi. Biết bao thế hệ gia đình vì muốn con cái được đặt một chân vào Học Viện mà ra sức rèn giũa chúng nó từ khi mới biết bò. Không chỉ đơn giản là vì cái danh "học giả Học Viện Sumeru" khiến cả họ thơm lây, mà sau khi tốt nghiệp và có bài báo cáo thì sẽ có được một suất ghế cho vị trí học giả, cao hơn nữa là hiền giả có thể chính thức làm việc trong Giáo Viện của chính phủ – lương của hiền giả cao ngất ngưởng, đủ nuôi lớn ba đời chỉ dựa vào mỗi việc nghiên cứu.
Các thế hệ trước của nhà thiếu gia Kaveh đều làm hiền giả. Ông nội cậu tốt nghiệp từ khoa Công Nghệ của Học Viện, vừa học xong đã đi chu du khắp đại lục kết bạn tứ phương và mở rộng mối quan hệ làm ăn, sau khi về nước thì đã thành lập thương hiệu công nghệ mang tên ông, Ahangar, hiện nay đã trở thành thương hiệu có tiếng trong đất nước và quốc tế. Sau khi ông nội mất thì cơ nghiệp đã chuyển sang đứng tên cha cậu.
Trái ngược với ông nội, cha cậu ngại khó, ngại khổ, ngại vất vả, từ nhỏ đến lớn đều mù mờ nối gót theo ông nội, khi trưởng thành cũng mải mê cờ bạc gái gú, nhờ số hưởng nên sống đến gần nửa thập kỉ thì ngang nhiên ngồi chễm chệ trên đống gia sản thừa kế ông già để lại mà chẳng tốn một giọt mồ hôi nào.
Có điều cha già của cậu tuy bất tài nhưng khoản sĩ diện thì luôn đứng hạng nhất. Trong số các học giả của Học Viện, một nửa là thiên tài xuất chúng, một nửa là con ông cháu cha vào trường nhờ quan hệ. Lão không thích việc bị mọi người chỉ trỏ bàn tán mình chỉ được cái lắm tiền nhưng não rỗng, vì thế cũng ráng sức học hành, các kỳ thi đều đứng trong top đầu của khoa, thành công khiến bản thân được lọt vào nhóm "não to".
Nhưng Kaveh thì thuộc nhóm còn lại.
Điều này khiến ông già nhà cậu rất điên tiết. Ông ta cũng muốn con trai độc đinh nhà mình theo học khoa Công Nghệ rồi trở thành học giả ưu tú, làm mát mặt ông trong những buổi họp mặt hiền giả. Thế là ngay từ khi Kaveh còn bé ông đã để cậu tiếp cận với không biết bao nhiêu đồ công nghệ hàng xịn. Thấy Kaveh nhỏ có vẻ rất thích sờ máy móc, ông hài lòng lắm.
Đáng tiếc sự hài lòng ấy chỉ kéo dài đến năm Kaveh chuẩn bị nhập học. Kỳ thi đầu vào khoa Công Nghệ kết thúc, thằng con trời đánh này thờ ơ ném phiếu điểm vào mặt ông, tuyên bố không đủ điểm đỗ, ông nhắm xin xỏ hay đi cửa sau cho tôi vào trường thế nào cũng được, thích làm gì thì làm.
Đến giờ ông ta vẫn còn nhớ y nguyên cái ngày nhận thông báo điểm thi của thằng lỏi nhà mình, chỉ thiếu điều lên cơn đau tim rồi lăn ra ngất.
Điểm các môn đều thấp đã đành, điểm của khoa Công Nghệ lại còn là thấp nhất! Sờ cứt chim từ bé còn thi được điểm cao hơn thế này! Rốt cuộc hồi trẻ ông bị đột biến gen ở đâu, sao lại đẻ ra được cái giống này vậy!
Trong đống chữ số bé đến thảm thương ấy, chỉ có mỗi điểm của khoa Ngôn Ngữ là vừa đạt mức trung bình. Ông bèn cắn răng sắp xếp một vị trí trong khoa cho nó nhập học, đồng thời tuyên bố: Mày mà không học hành cho tử tế thì ra đường đừng nhận làm con tao.
Chương trình đào tạo tiêu chuẩn của Học Viện Sumeru là bảy năm, tính đến giờ Kaveh đã học được hơn sáu năm, vẫn dốt đặc như thuở ban đầu, thành thử trong hơn sáu năm ròng cậu chưa một lần gọi một tiếng "cha" ở bên ngoài. Bạn bè trên lớp đều biết cậu là con cháu của vị hiền giả nào đó, nhưng không tài nào đoán ra được bố cậu là ai cả.
Suốt những năm qua, ông chủ vẫn luôn yêu cầu George giám sát Kaveh. Mới đầu là vì muốn rèn sắt thành thép, cưỡng ép cậu đi vào khuôn khổ cho ra dáng con nhà tri thức. Sau đó thì nhận ra thằng ranh này chỉ là đá cuội không phải ngọc, thế là điên cuồng che giấu sự tồn tại của nó như mèo giấu cứt, luôn theo dõi sát sao để còn biết lúc nào nó có nguy cơ làm lộ thân phận mà kịp thời ngăn chặn.
George vẫn luôn biết đối với ông chủ, mặt mũi là số một, tiền bạc đứng thứ hai, còn đâu thì đều rồng rắn kéo dài ở phía sau danh sách "những thứ quan trọng nhất trong đời", chỉ cần không ảnh hưởng tới hai top đầu thì cái gì cũng như nhau hết. George đã chứng kiến Kaveh từ một đứa trẻ mang đầy hy vọng trở thành đứa con bị lãng quên, sớm đã coi cậu như con mình, vì vậy ông ngoài mặt thì nghe lời ông chủ nhưng vẫn luôn dùng cách của mình để âm thầm chăm sóc cho đứa trẻ này.
Theo như quan sát của ông, càng lớn Kaveh càng nhận ra sự quan tâm ban đầu mà cha dành cho mình đã dần vơi bớt. Thế là cậu ngày càng thu mình và trở nên "biết điều", không còn quấy phá như trước nữa... Ngoại trừ có một vài thói hư tật xấu chẳng biết học từ đâu như lén lút uống rượu và thường xuyên trốn học ra thì nhìn chung không có gì đáng ngại.
Tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 7 giờ, bây giờ đã là 7 giờ 28 phút, thiếu gia Kaveh cành vàng lá ngọc mới thủng thỉnh lê cái chân tôn quý xuống cầu thang. George nhìn cậu chỉ khoác hờ áo đồng phục bên ngoài cho có lệ, bên trong thì mặc quần áo xanh xanh đỏ đỏ theo kiểu phong cách đang thịnh hành trong đám thanh niên, trên tóc cài một đống ghim cài chằng chéo trông chẳng ra sao, thậm chí không cả đội mũ!
"Tắm gì tắm cả tiếng đồng hồ." Ông nghĩ. Nhưng nghĩ thì nghĩ, việc nhắc nhở lề thói của cậu chủ vẫn là trách nhiệm của quản gia. Ông nói: "Cậu chủ, tốt nhất là cậu nên thay đổi trang phục và mặc đồng phục thật chỉnh tề. Tôi sẽ đưa cậu đến trường..."
Ông còn chưa nói hết câu thì Kaveh đã khoát tay: "Ôi dào, đằng nào mà chả muộn rồi. Bác không cần phải rước cháu đâu, cháu cuốc bộ đến trường đây nhé. Bái bai bác!"
George: "..."
Trọng tâm có phải ở đấy đâu?
Kaveh bước thật nhanh ra khỏi nhà, thầm nghĩ: "Người già thật chẳng biết gì, 'mốt' bây giờ đang là quần bó đấy!"
Biệt thự nhà Kaveh nằm ngay mặt tiền giữa lòng thủ đô, cách Học Viện Sumeru có hơn mười phút đi bộ. Cậu ngước nhìn mái vòm màu xanh ngọc của Học Viện nổi bần bật lấp ló giữa những lùm cây cổ thụ cao chọc trời, ung dung xoay người đi hướng ngược lại, ra tận ngoại thành.
Trái ngược với khu nội thành toàn đám mọt sách và quan tham ngày nào cũng chĩa mũi dùi vào nhau, vùng ngoại thành phía Bắc Sumeru thì có vẻ yên bình hơn. Nơi đây tập trung chủ yếu là dân buôn bán và lính đánh thuê, dọc khu chợ có đủ muôn vàn màu sắc chứ không chỉ có mỗi hai màu xanh trắng đơn điệu. Kaveh cởi áo đồng phục buộc ngang hông, vừa soi mặt mình qua nước trong hồ vừa xuýt xoa cảm thán "Sao ông đây đẹp trai thế nhỉ", sau đó rất tự nhiên mà hòa một thể với cư dân ở nơi này.
Cậu đang dạo quanh mấy sạp khoáng sản thì một người bán hàng rong đi lướt qua. Bánh xe bỗng va phải mảnh sắt trắng rơi trên đường. Xe bán hàng rong rung lắc một chút, thế rồi đống đồ hàng trên xe bị hất văng lên người Kaveh. Cậu nhanh tay chụp được một món, ấy thế mà lại là một chiếc móc khóa hình mèo nom khá đáng yêu.
"Cậu gì ơi, không sao chứ?" Người bán hàng rong hớt hải chạy lại gần: "Xin lỗi xin lỗi, không để ý đường..."
"Không sao." Kaveh tốt tính nhặt hàng hóa bị rơi vãi lung tung giúp người đó. Người này lại có vẻ hối lỗi vô cùng, ăn nói hơi lắp bắp: "Hình như bị hất lên người cậu mà... Hay là... hay là cậu cứ lấy một cái coi như làm quà, nhé?"
Kaveh không ngờ người này lại hào phóng thế: "Ấy đừng đừng không cần làm vậy đâu, tôi cũng đâu có bị thương gì!"
"Cậu đừng khách sáo, dù sao đây cũng là hàng từ thiện mà."
"Hàng... từ thiện?" Kaveh lần đầu nghe nói đến khái niệm này, hơi mù mờ.
"Tức là quà lưu niệm liên kết với quỹ từ thiện cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo. Cứ mỗi một món được bán đi là một đứa trẻ được cứu chữa." Nói đến đây, tay bán hàng bỗng thở dài thườn thượt: "Chỉ tiếc... thói đời thời nay bàng quan vô tâm, chỉ biết đến miếng ăn cho mỗi thân mình, nào có mấy ai thèm để mắt tới những số phận hẩm hiu bị vùi trong bóng tối? Tôi rêu rao suốt mấy ngày nay cũng chỉ gặp được lác đác vài tấm lòng lương thiện. Cứ thế này thì những đứa trẻ ấy phải sống làm sao! Chỉ có năm ngàn Mora cho một món thôi mà, sao người ta lại tiếc rẻ lòng tốt đến thế cơ chứ!"
Thấy người này có vẻ sắp khóc đến nơi, Kaveh do dự một lúc, lôi hầu bao trong túi ra đếm đếm: gần 60.000 Mora, có thể mua được hơn mười món.
Ánh mắt tay bán hàng rong lóe lên. Kaveh đang định mở miệng thì một cây gậy không biết bay từ phía nào bất chợt nện thẳng lên người tay bán hàng rong: "Cút, cút ngay! Ngay giữa thanh thiên bạch nhật mà dám lừa tiền học sinh! Có tin bà đây báo cho Mahamatra không hả!"
Đó là gậy của một bà cụ nhìn vô cùng có khí thế. Cây gậy làm từ gỗ sáng, bị nó nện tuy không đến nỗi gãy tay nhưng cũng khá nhức người. Tay hàng rong nọ thấy người cả gan đánh mình chỉ là một bà già thì vẻ sụt sùi khi nãy tức thì biến mất, tráo trở lật mặt: "Bà thì biết cái mẹ gì mà dám nói tôi lừa đảo?"
Bà cụ ưỡn thẳng lưng, cái cằm cao ngạo hơi hếch lên, tuổi tuy đã lớn nhưng giọng nói lại cực kỳ áp đảo: "Bà mày vừa đi khám về. Bệnh viện lớn nhỏ trên khắp cái Sumeru này đều sống bằng tiền do chính phủ cấp, nào có cái chuyện mất tiền đi chữa trị?"
Tiếng bà vừa to vừa vang, hàng chục con mắt bị thu hút đều đổ dồn về phía này. Tay hàng rong biết mình không trụ thêm được, đành hấp ta hấp tấp kéo xe chạy khỏi.
Kaveh nắm chặt móc khóa con mèo trong tay, không nói xen vào được, chỉ biết trố mắt nhìn theo chiếc xe hàng lọc cọc đang dần sủi mất.
Bà cụ hình như vẫn chưa nguôi giận, quắc mắt nhìn cậu: "Cả cháu nữa, cháu đã đi viện bao giờ chưa?"
Kaveh nghệt mặt nhìn bà ấy. Ông già nhà cậu không dám dắt con trai ra ngoài đường, mỗi lần ốm đau thương tật đều mời bác sĩ tư nhân đến tận nhà khám chữa, quả thực chưa từng có vinh dự được nằm bệnh viện.
"Biết ngay mà. Đám trẻ các cháu bây giờ chỉ biết cắm đầu vào học, chẳng đứa nào chịu ra ngoài đời trải nghiệm thực tế, trong đầu chỉ đặc mớ lý thuyết suông trong sách vở, đến khi bị lừa cho một vố mới biết thế nào là gian thương."
Bà cụ thở dài. Kaveh hơi ngạc nhiên, hỏi: "Sao bà biết cháu đang đi học ạ?"
"Chứ không phải cái thứ đang quấn quanh hông cháu là áo đồng phục Học Viện à? Mấy người ở đây ít tiếp xúc với học sinh nên không biết. Bà cũng có thằng cháu đang học ở đấy, nhìn qua là biết ngay."
Kaveh hơi xấu hổ vì đã chẳng may múa rìu qua mắt thợ, bèn lảng sang chuyện khác: "À... bà vừa bảo nãy bà đi khám. Bà bị làm sao thế ạ?"
"Đau khớp chân, cứ dăm ba hôm lại phải đến trạm xá cho người ta xoa bóp một lần. Ôi, đã già lắm đâu mà đống xương khớp đã bắt đầu biểu tình rồi."
Kaveh cúi người nhặt gậy cho bà: "Sao bà không đến bệnh viện nội thành mà khám? Ít nhiều gì cũng tốt hơn ở đây chứ."
"Cảm ơn cháu." Bà nhận cây gậy gỗ sáng từ Kaveh, bảo: "Bà không muốn thằng cháu ở nhà biết. Nó đang học năm thứ sáu rồi, cả ngày cắm mặt vào sách, bà muốn nó chuyên tâm học hành nên mới giấu nó không muốn nó lo. Nhà bà cách trạm xá có mấy bước chân thôi, hàng ngày canh lúc nó đi học đến xoa bóp cũng tiện."
Kaveh chỉ thấy bà cụ nhắc đến mỗi cháu trai, đoán là trong nhà không có người lớn nào khác. Chuyện nhà người ta thì cậu cũng ngại hỏi sâu, bèn đổi sang chủ đề gần gũi hơn: "Trùng hợp quá, cháu cũng đang học năm thứ sáu này!"
"Thế à, cháu bà nó học khoa Ngôn Ngữ. Cháu ở khoa nào?"
Kaveh bỗng thấy hơi hối hận vì đã lắm lời, nhưng vì không muốn nói dối ân nhân nên cậu đáp thành thật: "Cháu khoa Cô... Ngôn Ngữ ạ."
Nét mặt bà cụ rạng rỡ được một giây, sau đó lập tức đanh lại: "Đúng là có duyên. Nhưng chẳng phải sáng nay khoa Ngôn Ngữ có tiết à, sao cháu lại ở đây? Trốn học?"
Kaveh: "..."
Cậu muộn màng phát hiện hình như mình không giỏi nói chuyện với người lớn cho lắm, chỉ chém gió là nhanh thôi.
"Đi về trường, mau!" Bà cụ cầm gậy chọc chọc xuống đất, xua như xua chó: "Nhanh lên! 9 giờ là vào tiết thứ hai rồi, còn khoảng nửa tiếng nữa, không chạy kịp thì đi xe công cộng! Bằng mọi giá không được phép trốn học!"
Kaveh không còn cách nào khác ngoài ngoan ngoãn vâng lời. Cậu ra đường lớn chờ mãi mới có một chuyến xe chở khách đi ngang qua, bèn hớt hải chạy lên xe, lúc trả khách còn đưa thừa cho tài xế 300 Mora.
Tận đến lúc dừng chân trước cổng trường, Kaveh mới định thần lại.
Suy nghĩ đầu tiên là: Bà cụ cũng tận tâm quá, nhớ rõ thời khóa biểu của cháu mình luôn.
Suy nghĩ thứ hai là: Tại sao mình phải nghe theo nhỉ?
Đến bố mình đập cho bay nửa cái mạng mà cậu còn không nghe, trong khi chỉ vài lời còn chưa tính là quát mắng của một bà lão lạ hoắc ngoài chợ lại khiến cậu không dám kháng mệnh lệnh. Ông già mà biết được thể nào cũng tức hộc máu mất.
Trước cổng trường có hai bảo vệ là Matra đang đứng gác. Matra là sĩ quan kỉ luật của Giáo Viện, có thể coi như là "chó săn" của chính phủ. Tất nhiên bọn họ đã được huấn luyện vô cùng bài bản, một Matra có thể chọi ba Eremite. Lúc này ngang nhiên xông vào rồi giơ tay chịu trói thì quá là ngu. Lợi dụng vốn am hiểu về địa hình của mình, Kaveh lén chuồn ra cổng sau của trường.
Kaveh đã sớm rèn ra kĩ năng leo tường và nhảy lầu qua những buổi trốn nhà đi chơi, dăm ba bức tường bê tông cao chưa đến ba mét này đối với cậu chẳng là gì sất. Cậu tung người nhảy vọt lên tường, hôn gió một cái với con mèo hoang đang ngồi liếm bi trên nóc, rồi nhẹ nhàng đáp xuống khiến mèo ta hết hồn kêu "Méo" một tiếng.
Song màn biểu diễn có vẻ không được thuận lợi lắm, vì cậu chẳng may rơi trúng người của một học sinh đang ngồi đọc sách ở chân tường.
Kaveh ngã đè lên người nam sinh nọ. Quyển sách trên tay người này bị rơi úp xuống đất, bìa sách còn bị khuỷu tay Kaveh tỳ lên. Đối với những người yêu thích đọc sách mà nói, sách bị bẩn còn đáng sợ hơn cả việc bị người khác tát vào mặt. Kaveh hiểu rõ điều đó và thấy vô cùng tội lỗi. Cậu luống cuống tay chân ngồi dậy, lóng ngóng phủi sách nhưng phủi cỡ nào cũng không ăn thua, đành cười gượng với chủ nhân của nó: "Xin lỗi anh bạn nhiều lắm... Quyển sách này cậu mua ở đâu, hết bao nhiêu tiền, ngày mai tôi đền cho cậu mười cuốn như thế. Cậu bỏ qua cho tôi được không?"
Chỉ sợ người bình thường đã làm ầm lên rồi, may thay anh bạn này có vẻ là người dễ tính. Người này lẳng lặng đánh giá Kaveh, đáp ứng luôn: "Được. Đây là sách 'Tuyển tập thi ca Hilichurl I'. Để lại tên, lớp và khoa của cậu đi, ngày mai tôi đến đòi."
Kaveh không ngờ anh bạn này đồng ý nhanh vậy, lòng thầm nghĩ hôm nay quả là ngày may mắn, mình đi đâu cũng gặp được người tốt. Cậu vui vẻ trả lời: "Tôi là Kaveh, học lớp 6-1 khoa Ngôn Ngữ. Đa tạ người anh em đã khoan hồng, ngày mai cứ đến đòi tôi nhé, không cần ngại đâu!"
Sau đó Kaveh chạy như bay qua dãy hành lang lớp học của năm Sáu, trèo cửa sổ vào trong lớp, ngồi phịch mông xuống vị trí của mình vừa kịp lúc tiếng chuông reo. Cậu thong dong sửa sang lại đồng phục cho chỉnh tề, "cải trang" thành một học sinh đứng đắn.
Tiết lúc 9 giờ là môn "Deshret học" của giáo viên chủ nhiệm lớp 6-1. Thầy chủ nhiệm bước vào lớp, nhìn lướt qua bốn phía lớp học đã vào trật tự rồi lên tiếng: "Hôm nay lớp có vẻ đông đủ nhỉ. Trực ban tuần này là Alhaitham đúng không, hồi sáng có trò nào ở lớp mình mắc lỗi gì không em?"
Alhaitham – trực ban của tuần vừa đi trực về, đang ôm một quyển sách nhàu nhĩ in đầy đất cát, ung dung báo cáo: "Thưa thầy, buổi sáng hôm nay có một học giả trốn tiết đầu tên là Kaveh. Ồ, là bạn nam tóc vàng không đội mũ ngồi ở cuối lớp dãy trong cùng kia kìa."
Kaveh: "..."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top