Chương 3: Ngây Thơ

Như mọi ngày, bảy giờ sáng Dương được mẹ dẫn ra mẫu giáo rồi ra đồng làm việc. À năm nay em của Dương đủ tuổi đến lớp rồi, mẹ vừa mới đăng kí cho em gửi lớp, hôm nay mới là ngày đầu tiên. Dương có cậu em trai năm nay mới lên ba tên là Đức, Đức trắng trẻo đáng yêu lắm. Đến cửa lớp mẹ đưa em cho các cô bế, rồi nhanh chóng trốn đi, Đức không thấy mẹ đâu khóc ngôi khóc ngả. Dương cũng mới chỉ là một cô bé bốn tuổi nào có dỗ được em, cứ ôm em khư khư vỗ về, các cô cũng túm lại làm đủ trò dỗ dành Đức. Thằng bé Đức thì lì lắm cơ, khóc cả tiếng đồng hồ, đến khi mệt rồi rồi vẫn còn âm ỉ rưng rức.

Như mọi khi là đến trưa mẹ sẽ ra đón hai chị em về vì mẹ không có đóng tiền ăn ở lớp, mà nay sao mẹ đi làm đồng về muộn quá. Đến giờ ăn trưa rồi mà mẹ cũng chưa đến đón, các bạn đều được cô gọi đi ăn cả, còn hai chị em chỉ biết ngồi trong lớp chơi với nhau chờ mẹ. Thấy thương hai đứa nhỏ, lại sợ Đức còn nhỏ nhanh đói, cô Hường bèn múc ra một bát cháo đưa cho Dương kêu Dương đút cho em ăn. Dương cũng đói, Dương cũng muốn ăn lắm nhưng bát cháo chỉ có một, Dương lại ngồi dỗ dành đút cho em ăn từng thìa. Mắt vẫn liên tục trông ra ngoài cổng ngóng mẹ. Ngóng mãi ngóng mãi cho đến khi đút hết cho em bát cháo thì dáng mẹ mới xuất hiện ngoài cánh cổng, Dương mừng như vớ được sao hai mắt sáng lung linh đứng bật dậy chạy về phía mẹ vừa chạy vừa không ngừng gọi, Đức chệnh choạnh lon ton lon ton chạy theo sau.

- Mẹ! Mẹ! Mẹ ơi! Sao nay mẹ về muộn thế?

Các cô nghe tiếng hai đứa ríu rít thì ngó đầu ra vừa cười vừa nói.

- Sao mà về muộn thế? Khổ thân hai đứa cứ ngồi đợi mẹ. Cô Hường thương quá lại múc cho bát cháo bảo cái Dương xúc cho em ăn.

- Khổ cố cấy nốt mấy đón mạ cho xong chị ạ.

- Ừ thế mấy mẹ con về đi.

Mẹ bế Đức lên rồi dắt tay Dương ra về, trên đường về mẹ không khỏi lo lắng hỏi han.

- Nay em có khóc nhiều không con?

- Em khóc nhiều lắm mẹ, dỗ mãi nó mới nín. Nãy cô Hường còn cho một bát cháo, con xúc cho em ăn hết luôn.

Mẹ chẳng nói gì nữa chỉ xoa đầu Dương rồi đưa hai chị em về thẳng bà. Bố mẹ Dương không có nhà riêng, hiện tại vẫn ở chung nhà với ông bà nội, ông bà ở nhà trên, nhà Dương ở nhà dưới nằm ngay phía trái nhà trên. Nhà trên thì lớn hơn mái trần bê tông, còn nhà dưới thì nhỏ lợp ngói, tường cũng chát lâu rồi, xi măng đã long ra vài mảng để lộ ra lớp gạch cam cam đỏ đỏ vữa tớt lơ.

Dương nhát lắm, sợ nhất là con ngáo ộp, mỗi khi đi ngủ lại nằm giữa bố mẹ túm chặt áo hai người để con ngáo ộp không đến bắt ai đi cả. Hôm nào được ông dỗ ngon dỗ ngọt lại chạy lên nhà trên ngủ với ông. Dương lúc nào cũng đòi nằm ngoài rồi bật quạt đắp chăn, dí sát mặt vào quạt mới chịu. Ông dậy sớm lắm, mỗi ngày vào cùng một thời điểm ông lại dậy hút thuốc lào rồi ngồi đến năm giờ sáng thì gọi cháu dậy.

Sáng nào ông cũng kiệu Dương lên cổ, một tay thì bế Đức, ba ông cháu dẫn nhau ra ngoài đình mua đồ ăn sáng. Thật ra nó là cái chợ nhỏ mà người làng tạo ra ở giữa làng, cạnh phía sau cái đình nên người ta hay nói là "ra ngoài đình", đồ được buôn bán ở đây hầu như là rau với thịt của các bà các bác trong làng tự trồng tự nuôi rồi mang ra bán. Ở đây thì cũng có mấy quán tạp hoá, mà ngày đó Dương đâu có biết đến từ "tạp hoá", Dương nghe mọi người nên bắt trước gọi là nhà bà Đông, nhà bà Tặng với nhà ông Thự. Chỉ cần nói như vậy là người làng tự hiểu với nhau.

Hai chị em thích nhất cái gói tôm hùm cay cay ở nhà bà Tặng, sáng nào cũng phải đòi ông mua cho một gói mới chịu. Ông cũng biết nên không hôm nào quên dẫn hai đứa ghé vào, mặc dù chiều cháu quà vặt nhưng ông vẫn mua đồ ăn sáng cho cháu. Hôm thì bánh cuốn, hôm thì bánh uôi, bánh dày, bánh gai, hôm lại mấy miếng lòng ăn với cơm,.. Bánh cuốn thì chỉ đơn giản là bột gạo người ta lát mỏng vừa phải hấp chín rồi xếp chồng lên nhau, đến khi bán thì lột lên từng lớp, cứ một miếng là ba bốn lớp bánh cuộn lại, cắt ra từng khúc xong phết chút mỡ hành phi lên, miếng bánh dầy cộp dai dai sần sật trắng muốt thêm mỡ hành phi béo ngậy chấm với mắm pha tỏi ớt đặc trưng, đơn giản mà thơm ngon khiến người ta cứ muốn ăn mãi, gắp hết đũa này đến đũa khác cho đến khi no căng. Còn như bánh uôi, bánh dày, bánh gai thì đều làm từ bột bọc lá chuối hấp lên, bên trong có nhân đậu xanh, chỉ riêng bánh gai là có một cái màu đen xì xì đăng chưng mà ngọt từ vỏ bột vào đến ruột dỗ, nghe thì có vẻ giống nhau nhưng mỗi loại lại có mùi vị riêng chẳng lẫn vào đâu. Nhưng Dương thì mê nhất là món bánh rán, chiếc bánh gạo nhỏ chỉ bằng bang tay Dương được rán vàng óng, bên trong có nhân đỗ xanh, bên ngoài thì bọc đường. Ai ăn gì thì ăn chứ Dương phải có một chiếc bánh này mỗi sáng.

Ở trong nhà Dương chỉ nghe lời ông chứ chẳng nghe lời ai, mà cô bé cũng ngoan nên cũng không ai nói động gì. Ai mà có vô tình chọc cô khóc là y rằng bị ông chửi cho một trận té tát. Lúc ông giận ông mắng thì sợ lắm, ông trừng mắt lên chửi mà đến mấy nhà bên cùng nghe thấy, có khi cầm vật gì trên tay là lăng thẳng đi loảng xoảng cả. Ông nóng tính là vậy nhưng tốt bụng lắm, ai cần gì cũng giúp, ai xin gì cũng cho. Đặc biệt là cực kì cực kì thương cháu, có gì ngon cũng dành cho cháu trước, cả nhà ai cũng từng bị ông chửi nhưng với các cháu ông chưa từng nặng lời một câu. Tối đến lại gọi cháu lên nằm ngủ bên cạnh, ônv hay dụ là ngủ với ông thì hôm sau ông dẫn đi chợ mua quà. Dương bám ông từ nhỏ nên nghe ông dụ vài câu là chạy theo ngay, còn Đức thì hiếm khi nào, chỉ có suốt ngày bám ríu theo mẹ.

Ăn cơm trưa xong Dương ngủ một giấc say sưa. Đến chiều mẹ lại đưa hai chị em ra lớp, lần này Đức ngoan hơn hẳn. Ở lớp sau những giờ học hát, học thơ, nghe đọc truyện, đọc bảng chữ, bảng số thì đám trẻ sẽ được ra chơi. Mấy đứa nhóc lại quây quần lại hát hò hoặc chơi chò cô dâu chú rể. Mấy đứa nhỏ này suốt ngày chỉ rêu rao hát đi hát lại bài Vầng Trăng Khuyết. Lạ lắm bao nhiêu bài không hát, lại cứ thích nhạc trẻ cơ. Đang chơi vui thì có tiếng máy bay ù ù bay qua, cả đám túa hết ra ngoài sân nhảy cẫng lên, vừa nhảy vừa vỗ tay.

- Máy bay là máy bay! Máy bay là máy bay!

Chiếc máy bay vừa bay mất thì cái công nông bên ngoài chạy ngang qua, chúng lại thi nhau nhảy nhót reo hò.

- Công nông là công công!

Đối với đám trẻ trông thấy mấy thứ này còn vui hơn là người lớn nhặt được vàng, trong mắt chúng thì máy bay hay công nông đều là những thứ thú vị đặc biệt hiếm hoi và chúng di chuyển khác thường vì hầu hết người trong làng đều di chuyển bằng xe đạp không thì đi bộ. Ông nội Dương cũng có một chiếc xe công nông nên Dương cũng không hào hứng cho lắm, nhưng với mấy bạn khác thì ngược lại.

Sau một ngày dài ở lớp, hai chị em lại chán nản ngồi trước bậc thềm chờ mẹ, Dương ngồi thu chân chống cằm hai mắt mơ màng nhìn chăm chăm vào chiếc cổng sắt đã tróc sơn. Chiều lắng xuống, bầu trời đã di chuyển khuất sau cái nóc mái, nay mẹ đến đón họ sớm hơn thường ngày. Chúng lại hớn hở nhảy cẫng lên chạy lon ton ôm chầm lấy mẹ, thi nhau nói, kể cho mẹ nghe về những câu chuyện ở lớp, khoe cho mẹ coi phiếu bé ngoan mà chúng có được.  Mẹ hiếm khi nào đến đón hai đứa sớm lắm, hầu như hai đứa toàn về muộn nhất, có hôm mãi không thấy phụ huynh đến đón, các cô phải dẫn hai đứa về giúp hoặc gửi người quen cùng làng để đóng lớp.

Đây một ngày đơn giản và nhẹ nhàng tại vùng nông thôn ở cái đất làng Chảy thuộc Xã Liêm Thuận huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam. Ngôi làng nổi tiếng với làn điệu Trống quân, với mái đình di tích, có con sông Biên Hoà chảy ngang kéo ra từ Sông Hồng. Gió hát rì rào kéo mây về phía tây ôm lấy mặt trời, quả cầu lửa nấp sau áng mây trắng đã tạo ra một vầng ngũ sắc. Dương cứ đứng nhìn mãi, "đẹp quá" cô bé thốt lên, trong mắt tràn ngập một tình yêu thơ ngây với bầu trời. Bước ra khỏi mẫu giáo, hướng ánh nhìn về bên tay phải là con đường dọc theo bờ hồ, người ta gọi nó là cái ao Hồ, Dương loáng thoáng nghe những người vừa đi làm về xì xào nói chuyện. Họ còn đeo cái ủng lấm lem, có khi là đôi chân trần sắn cao quần nói về ruộng lúa, phân đạm, về chuột bọ, sâu hại. Đồng lúa xanh mơn mởn lấp lánh ánh bạc dưới nắng chiều tà, nó õng ẹo khoe mẽ với người đi ngang qua rằng: chủ của chúng đã phải chăm sóc chúng từ khi mặt trời mới nhú dạng cho đến khi xế bóng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top