Chương 2: Lon ta lon ton
Lách tách, lách tách, lách tách.
- Bà ơi! Cho cháu đi ra lớp đi ạ.
- Đi đâu?
- Ra ngoài mẫu giáo ạ.
- Hôm nay chủ nhật mà cháu, làm gì có ai đi học. Trời ạ!
Bà bất lực nheo mắt nhìn con bé phì cười. Dương đứng giữa nhà dậm chân vung tay phụng phịu.
- Có mà!
- Hôm nay chủ nhật các cô không dạy.
- Các cô có dạy mà.
Bà chỉ tay ra ngoài cửa dỗ dành cô cháu gái bé nhỏ.
- Trời đang mưa này, ra ngoài ướt hết. Lát tạnh mưa bà cho ra nhé.
- Dạ vâng ạ!
Bà vẫy tay gọi cô bé lại giường ngồi, Dương lon ton chạy lại, chui vào lòng bà thủ thỉ.
- Lát mà tạnh mưa bà dẫn cháu đi lớp nhé.
- Ừ lát tạnh bà dẫn đi. Ngủ đi.
Dương ngồi dậy, bò đến bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Phía đối diện là lưng tường nhà hàng xóm, giữa hai nhà có một con đường nhỏ. Mưa to từ đêm qua đến giờ đã làm con đường ngập úng nước, cô bé áp sát mặt vào giữa hai song cửa cố liếc mắt nhìn xuống. Ống dẫn nước trên trần nhà bên tuôn ra xối xả và cả ống dẫn nước trên trần nhà bà nữa.
Ở làng này hầu như nhà nào cũng làm trần mái bằng, chỉ quây tường chắn xung quanh, chờ mưa đến nước sẽ đọng lại trên trần rồi theo ống chảy xuống bể nước. Người ta lấy nước đó làm nước ăn, nước trong lành và sạch lắm. Nếu đầy bể rồi thì phải bịp ống lại, ở trên trần sẽ làm một cái ống nhỏ khác xả nước thừa ra ngoài đường để tránh nước làm hỏng trần, ngấm xuống tường nhà.
Tiếng nước dội như ai đứng trên cao đổ cả một chậu nước lớn xuống, nước đập vào tường, đập xuống đường hoà vào dòng nước ào ào, rào rào mãi không hết. Cô muốn xuống đó vầy nước quá mà sợ bà đánh, cứ vịn tay vào song cửa gỗ sơn xanh đăm chiêu nhìn xuống. Mưa vẫn tí tách rơi mãi, làm cô bé càng bồn chồn khó chịu sợ rằng mưa sẽ không tạnh. Được một lúc thì mưa ngớt, chỉ còn lắt nhắt lưa thưa vài hạt, Dương mừng rỡ đứng bật dậy.
- Bà ơi mưa tạnh rồi, cho cháu đi học đi ạ.
- Tạnh đâu mà tạnh? Hẵng còn mưa.
- Ứ phải! Tạnh thật rồi mà, bà xem này.
Cô nắm lấy tay bà, vừa kéo vừa chỉ tay về phía cửa sổ.
- Không có đi đâu cả. Khổ quá, chủ nhật ai dạy học mà đi?
Thấy bà vẫn cương quyết phủ nhận, không chịu dẫn mình đi học, Dương mếu máo, đôi mắt tròn xoe long lanh ầng ậc nước chỉ trực tuôn ra. Đôi môi bé xíu run rẩy, cái miệng chu ra chuẩn bị gào lên. Bà thấy vậy đành chịu thua thở dài đứng dậy.
- Thôi đi. Ra ngoài đó mà không có ai bà đánh đít nhá?
- Vâng ạ!
- Đi! Ra bà dẫn đi. Ra đó mà không có ai là đánh đít.
Dương vịn vào tay bà đỡ leo xuống giường. Xách cái túi vải đỏ mà bố mua cho lững thứng đi theo bà ra ngoài mẫu giáo. Cái túi vừa to vừa dài hết nửa người cô bé nhưng Dương thích lắm, cứ kè kè theo mình. Đi được nửa đường thì hai bà cháu bị một vũng nước lớn chặn lại. Chỗ này đường trũng xuống nên nước mưa dồn vào thành một đoạn kéo dài qua hai nhà, ngập phải đến đầu gối người lớn. Bà Toàn vừa ra cổng thì bắt gặp liền lên tiếng hỏi.
- Mưa gió thế này hai bà cháu tòng hành nhau đi đâu đấy?
- Cháu chào bà! - Dương nhanh nhảu.
- Thím Toàn ạ! Đấy bảo nó là hôm nay chủ nhật, mẫu giáo có mở cửa đâu, nó cứ nằng nặc đòi đi lớp.
Bà Toàn nhìn bé Dương bật cười.
- Nay chủ nhật có lớp đâu mà đi?
Dương lại bĩu môi chu mỏ, vung vẩy đáp.
- Ứ ừ! Cháu muốn đi ra lớp cơ.
Bà Toàn cũng bó tay mà lắc đầu ngao ngán. Bà nội đứng cạnh cũng đành chiều cô cháu ương bướng, cúi xuống xắn quần bé Dương lên thật cao quá đùi. Dương túm hai tay vào mép quần kéo lên đến háng tủm tỉm cười.
- Mặc quần xe lít. Cháu có quần xe lít.
Bà già rồi chân đau không bế cháu được, đành cầm tay dắt cháu qua vũng nước lớn.
- Đi khéo không ướt hết quần. Khổ lắm cơ!
Cô bé liêu xiêu, chẹo vẹo bước đi trong vũng nước dâng cao đến sát mép quần. Hai bà cháu dắt nhau lội từng bước khó khăn. Dương chúi mình về phía trước dùng sức lội, cô bé rất thích vầy nước nên được lội qua vũng nước lớn như vậy Dương khoái chí lắm. Hai bà cháu cuối cùng cũng đến trước cổng mẫu giáo, Dương vừa thấy chiếc cổng khoá đã ỉu xìu rầu rĩ. Vậy là hai bà cháu lại dẫn nhau về, trên đường đi bà vẫn lẩm bẩm mắng cô vài câu.
- Đấy có ai đâu. Bà đã nói rồi mà không nghe. Trời thì mưa gió ướt hết cả.
Dương chẳng nói gì, cứ lẳng lặng cúi mặt mà đi, cô bé chắc là hụt hẫng lắm. Dương rất mê đi học vì đến lớp được các cô thương yêu, được bạn bè yêu quý. Dương thông minh học giỏi, ở lớp lại ngoan ngoãn nghe lời, lúc nào cũng được các giáo viên khen ngợi, tuần nào cũng được phiếu bé ngoan. Dương thích nhất là được điểm 10 đỏ chót trên tay, mỗi lần như vậy đều về khoe với ông nội.
Dương là niềm tự hào lớn nhất của ông nội bởi vậy ông rất cưng chiều nâng niu cô cháu gái này, đi đâu cũng khoe. Cũng vì lẽ đó mà cô bé rất tự tin kiêu ngạo, hầu như chẳng sợ ai, vì cứ nhắc đến cháu ông Huấn là chẳng ai dám bắt nạt. Ai cũng kiêng nể ông vì ông có tiếng là cực kì khó tính lại từng là chiến sĩ, giọng nói lúc nào ầm ầm hùng hồn, nhất là đám trẻ con cứ thấy ông là rụt rè sợ hãi. Cũng vì vậy mà cô bé rất thích đi học, cô thích được tuyên dương, được khen ngợi, bây giờ quen bạn Trung, Dương lại càng muốn mau đến lớp để gặp bạn.
Dương vừa về nhà nắng đã hửng lên rồi, trời quang mây đãng, chim ríu rít ríu rít cả lên. Ông vừa mới đi đâu đó về, cô bé vừa trông thấy đã chạy oà tới luyến thắng.
- Ông ơi hôm nay ông có ra nhà ông Liu chơi cờ không ạ? Ông cho cháu đi với nhé.
Ông mỉm cười xoa đầu Dương đáp lại.
- Ăn xong ông đưa đi chơi nhá.
- Dạ!!!!!
Dương hào hứng "dạ" một tiếng rõ dài, cười khúc khích.
Sau bữa cơm trưa Dương no nê nằm chỏng chơ trên giường, ngáp một hơi rất dài tưởng như sái cả quai hàm. Hai mắt nặng trĩu lim dim, cô bé chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Ở vùng nông thôn này trưa đến vô cùng yên ắng, chó mèo cũng kéo nhau đi ngủ, chỉ có mấy con gà mái hay đẻ lúc nào cũng thấy chúng nó cục tác ban trưa. Cũng không biết qua mấy tiếng, Dương thức dậy nhìn căn nhà trống vắng không bóng người, ông cũng đi đâu mất. Dương mếu máo lững thững ra ngoài hiên, thấy bà nội và cô Linh đang ngồi bên bờ ao nói chuyện hóng mát bèn tiến lại.
- Bà ơi! Ông đâu?
- Ông đi có việc một tí, lát ông về. Ra đây với bà.
Dương còn ngái ngủ, vừa mếu vừa ngáp rúc đầu vào bụng bà. Bỗng ngoài đường có tiếng "pò pe", "pí po" ngang qua, âm thành quen thuộc này phát ra từ cái còi của mấy cô chú bán kem dạo.
Cái còi ngộ lắm, nó có cái vòi dài thòng bằng kim loại đầu xoè ra như cái ô doa, chuôi cắm vào một quả bóng cao su, chẳng cần dao mời gì cứ hễ nghe thấy tiếng còi ấy thì ai cũng biết là xe kem. Thùng kem bằng gỗ được chằng ở yên sau con xe đạp thống nhất, thường người ta sẽ bán vào buổi trưa cho đến chiều.
Cô Linh khi ấy mới là thiếu nữ mười sáu tuổi, nghe tiếng còi kem thì hớn hở.
- Mẹ ơi mua kem đi.
- Ừ mày ra mua ba que đi, mỗi người một que.
Cô đứng phắt dậy vừa chạy ra cổng vừa gọi với lại.
- Kem ơi! Kem ơi!
Được một lúc thì cô quay lại trên tay cầm ba que kem màu nâu đỏ. Cô đưa cho mỗi người một cây, bà hỏi:
- Kem gì đây?
- Kem đỗ đen mẹ ạ.
Que kem chữ nhật dài dài được cắm trên một cái thanh tre be bé vót tròn, nhìn kĩ còn thấy vài hạt đỗ đen, kem cứng như đá rất khó cắn Dương chỉ có thể liếm từng chút một. Ăn xong que kem Dương cũng tỉnh cả người. Bà ngó nhìn cây mít đằng xó bếp trĩu quả mới lẩm nhẩm.
- Không biết mít có quả nào chín chưa nhỉ? Linh mày vào mang cái ghế cao ra đây, mẹ xem có quả nào chín không thì hái xuống bổ ăn.
Cô Linh đi vào trong nhà lệ khệ bê cái ghế gỗ cao hơn thân mình xuống dưới sân, chật vật nhích nó từng chút. Cái ghế có bốn chân trụ xung quanh, kết hợp cùng mấy thanh chắn ngang vừa để cho chắc chắn vừa để leo lên leo xuống, chiếc ghế này cũng được chính tay ông nội Dương đóng. Ông tài lắm vừa làm thợ xây lại vừa biết làm mộc.
Bà đang loay hoay trèo lên xem mít thì đúng lúc ông về, vừa vào đến sân đã í ới gọi.
- Cả nhà đi đâu hết rồi!
Dương nhanh nhảu từ sau bếp chạy ra. Cái bếp được đặt nằm ngay sau cái bể nước mạn trái bếp là cái bờ ao, xung quanh ao ông bà trồng rất nhiều cây ăn quả vừa có trái ăn vừa để giữ đất quanh ao không bị sụt. Nếu đứng ở sân thì chỉ nhìn thấy được cái mái bếp. Ông dắt xe dựa vào gốc cây táo dại góc sân, Dương chẳng biết nó được trồng từ bao giờ nhưng nó to và cao lắm, bóng cây rất rộng che mát cả một góc sân, mỗi tội là quả vừa chua vừa chát. Thấy ông Dương liền hỏi:
- Ông vừa đi đâu đấy?
- Ông á, ông đi bắt con ngáo ộp.
- Con ngáo ộp là con gì ạ?
- Con ngáo ộp là con ngáo ộp.
- Sao nó lại là con ngáo ộp ạ?
- Tại vì nó sẽ cắn đứa nào hư, hay khóc nhè. Cháu hư là nó sẽ cắn cháu.
- Cháu không hư. - Dương lại mếu máo.
- Cháu không hư à? Chắc chưa?
- Dạ chắc ạ.
- Thế không hư sao lại khóc nhè?
- Tại vì cháu sợ con ngáo ộp.
- Thế để ông đánh con ngáo ộp nhé?
- Dạ!
- Để ông đánh chừa con ngáo ộp cho nó khỏi cắn cháu mình.
Ông bật cười khẽ xoa đầu Dương. Nghe thấy tiếng bà với cô Linh đang rì rầm bên trái bếp ông liền ngó đầu ra gọi.
- Hai mẹ con làm gì ở đấy thế? Khiếp quá leo trèo lại ngã ra đấy bây giờ.
- Xem có quả mít nào chín không mà chả tìm được quả nào. - Bà đáp lại.
Dương túm áo ông lắc lắc.
- Ông không ra nhà ông Liu ạ?
- Không nay ông không ra nhà ông Liu.
Dương vừa nghe đến đây liền cúi gằm mặt ỉu xìu. Thấy cháu dỗi, ông Huấn bế Dương lên, đi ra ngoài cổng, trước khi đi còn không quên dặn dò.
- Bà với cái Linh ở nhà nấu cơm nhé. Tui với cái Dương ra nhà ông Triệu chơi tí rồi về.
Nhà ông Triệu chỉ các nhà ông có mấy nhà thôi. Đến cổng ông đặt Dương xuống rồi đứng ngoài gọi. Ông Triệu nghe tiếng gọi từ trong nhà chầm chậm đi ra, thấy hai ông cháu liền ra mở cổng.
- Bác Huấn à! Vào trong này uống nước.
Ông nội dẫn Dương vào trong, nhưng trước sân nhà ông Triệu có một cái xe nhỏ xíu ba bánh màu xanh xinh lắm, nó đã thu hút sự chú ý của cô bé. Đến khi hai ông mải truyện Dương lẻn ra sân, leo lên cái xe táy máy.
Đang chơi vui thì có người đến, còn dẫn theo một đứa trẻ khác gửi lại đấy rồi rời đi, hình như là cháu ông Triệu. Nó vừa xuống sân đã chạy đến giằng lấy cái xe mà cô bé đang chơi. Dương cũng không chịu thua mà giật lại. Vậy là hai đứa nhào vào đánh nhau chí choé, khóc inh ỏi. Hai ông từ trong nhà tưởng cháu làm sao hốt hoảng chạy ra.
Ông Huấn vội bế cháu lên nhưng Dương nhất nhất túm vào cái xe không chịu buông lại càng khóc tợn. Cô bé một hai đòi phải có được cái xe ấy, từ đó đến giờ mọi thứ mà cô bé muốn ông nội đều đáp ứng cả, chẳng cần biết nó là cái gì là của ai, cứ thích là cô bé phải đòi có cho bằng được. Bấy nhiêu người xúm lại dỗ đến mỏi cả mồm Dương mới chịu buông. Trên đường về vẫn còn thút thít nấc lên từng tiếng. Ngay ngày hôm sau ông đã vội vàng mua ngay cho cô bé một cái xe ba bánh mới màu đỏ, ở đầu xe còn có hình một con mèo rất đáng yêu, Dương thích lắm kéo xe đạp đi khắp nơi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top