Hài hước

Thỏ và rùa

Thỏ và rùa chạy thi. Vừa bắt đầu, Thỏ đã phóng chạy hết tốc độ, không dám lơ là, nhưng nó sững sờ khi thấy Rùa đã đứng ở đích trước nở nụ cười chiến thắng, đeo huy chương trước ngực.

Thỏ gào lên phản đối:

- Chắc có sự nhầm lẫn, đây là một con Rùa khác đấy.

Một thành viên trong ban giám khảo trả lời:

- Đây vẫn là con Rùa cũ, chúng tôi đã kiểm tra vân chân rồi.

Thế là Thỏ tiu nghỉu ra về. Rùa nhìn theo cười và nghĩ thầm:

- Ôi anh bạn đáng thương. Chẳng có gì khác nhau giữa 2 con rùa được nhân bản vô tính đâu.

Tỷ lệ nghịch

Bố ơi! Tỷ lệ nghịch là gì vậy bố? Một người cha chân chính phải biết chinh phục trái tim con trẻ bằng trí tuệ của mình, vì ngoài cái đó họ chẳng... còn gì cả! Nhưng khốn nỗi, gánh nặng tuổi tác... Trí nhớ của tôi dạo này rất tệ!

Chẳng hạn hôm qua, vừa lĩnh lương xong tôi cùng các chiến hữu lâm trận hết một phần ba. Quên béng đi mình còn... một vợ ba con! Cái cụ thể hằng ngày như thế mà còn chẳng nhớ huống hồ những khái niệm trừu tượng kia. Nhưng tuổi tác cũng có mặt mạnh, nó luôn tỷ lệ thuận với kinh nghiệm. Khi bị bế tắc, tốt nhất nên... đánh trống lảng! Biện pháp này tôi đã sử dụng thành công không ít lần với... vợ.

- Vào lấy cho bố cái giẻ khô!

Tôi cố tập trung suy nghĩ đến... hạn hán cả mặt mày!

- Giẻ đây... Tỷ lệ nghịch là gì vậy bố?

Tôi lùng bùng lúng búng:

- Người ta nói... hai đại lượng tỷ lệ nghịch với nhau khi...

- Thế... đại lượng là gì vậy bố?

Thật hỏng bét! Cái thằng chẳng... MC chút nào cả, cứ dồn dập hỏi. Khốn nỗi ngay lúc mình cần, chó không chịu sủa, điện thoại im re! Một lần nữa đành phải phát huy kinh nghiệm, tôi nghiêm mặt gằn gằn:

- Con hỏi ba cái chuyện vớ vẩn đó để làm gì? Học thuộc bài chưa?

- Thuộc rồi bố ạ! Chuyện này đâu phải vớ vẩn. Mai con học tới rồi, cô giáo bảo về soạn bài trước. Bố ơi!... Tỷ lệ nghịch là gì vậy bố?

Không thể phục chế được kiến thức hàn lâm đã bị chôn vùi, đành phải sử dụng tri thức hiện đại để giải quyết vấn đề này, bằng không...! Tôi đằng hắng:

- Thế này nhé... Đại khái như vầy, một cái tăng lên làm cái khác giảm đi. Hai cái đó nó tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu chưa?!

Tôi lấm lét theo dõi biến chuyển trên gương mặt cu cậu. Nó chau mày suy nghĩ rất lung. Cơ hội có vẻ đang thuộc về mình, tôi tiếp tục:

- Chưa hiểu à! Bây giờ bố ví dụ nhé. Khi hai người nói chuyện với nhau, người này nói càng nhiều ắt người kia nói...

- Càng ít!... Như bố và mẹ vậy, phải không?

Cái thằng... thông minh không chịu được! Đúng là con của mình...

- Bây giờ con hiểu rồi chứ gì?

Cu cậu mặt mày tươi rói gật đầu lia lịa. Tôi thừa thắng xông lên:

- Thử cho một ví dụ xem nào!

- Bố càng vui mẹ càng buồn và ngược lại...

Tôi giật mình cảnh giác:

- Sao con lại nói thế! Bố và mẹ luôn... đồng cảm với nhau mà.

- Không đâu! Như hôm qua bố đi nhậu mặt mày tươi rói, mẹ lại cau cau có có! Còn bữa trước mẹ đi siêu thị về hớn ha hớn hở khoe bộ đồ mới, bố cứ tắc lưỡi hít hà hoài...

Không nên để trẻ con sa đà vào những việc vặt vãnh trong gia đình, tôi e hèm cắt ngang:

- Cái đó chỉ nhất thời thôi. Bây giờ con mở rộng ra ngoài xã hội coi.

Đúng như đã dự báo, cu cậu tịt ngòi ngay!

- Thế này nhé! Lương của bố mẹ chỉ bấy nhiêu, nếu xăng lên giá thì cái gì sẽ giảm bớt đi?

- Bố phải giảm hút thuốc...

- Nếu vẫn chưa đủ thì sao?

- Mẹ phải giảm... xoa kem.

Cái thằng thật bất hiếu! Nó đè ngay bố mẹ mình ra mà cắt...

- Giả sử còn thiếu?

Thằng con tôi hoàn toàn có khả năng làm... cán bộ! Cu cậu chỉ táo bạo quyết đoán khi quyền lợi bị xâm phạm là của kẻ khác. Còn đến phiên mình nó cứ lừng khà lừng khừng...

- Bí rồi phải không?

- Thì con bớt... tiền ăn sáng vậy.

- Chính xác!

Tôi hể hả cười thay quần áo đi làm. Thằng bé vẫn tiu nghỉu ngồi ở góc sân. Vừa định đẩy chiếc xe ra, nó bỗng gọi giật lại:

- Nhưng nếu lương tăng, bố phải tăng lại tiền ăn sáng cho con bố nhé!

Đắn đo một lúc, tôi xuống giọng:

- Không được! Quan hệ tỷ lệ thuận rất ít khi xảy ra... Lương tăng không chừng bố con mình lại phải giảm nữa đấy!

Học... đi bộ

Cuối cùng, tôi cũng quyết định đăng ký học... đi bộ để lấy bằng. Bà xã cằn nhằn: "Anh đúng là dở hơi. Ai đời đi bộ mà cũng học, rồi thi lấy bằng như đi xe...".

Mặc kệ, phụ nữ nói hơi đâu để ý. Biết đâu mai mốt người ta phổ cập luật đi bộ, mình khỏi phải học! Tôi giả bộ năn nỉ:

- Em không thấy người ta xem mảnh bằng quan trọng cỡ nào sao? Có người vì cái bằng mà phải... học đại. Vả lại, thành phố cũng đang thí điểm nhiều phố đi bộ như ở nước ngoài. Học để biết đi đứng thế nào mà xe không đụng mình. Chuyện đi thi để lấy bằng lái xe là xưa rồi. Mình phải học đi bộ trước để đón đầu!

- Tui phải sợ... cái miệng lưỡi của anh luôn - Bả nói - Muốn ngăn nào được ngăn nấy hà! Sẵn anh đi khám sức khoẻ luôn xem lục phủ ngũ tạng có vấn đề gì không?

Tôi sung sướng biết chừng nào trước cái gật đầu của bà xã. Thế là tôi chạy một mạch đến nhà văn hóa ghi danh vào lớp học... đi bộ. Thời gian học diễn ra trong... một buổi, cơ bản cũng giống như học để thi lấy bằng lái xe hai bánh, kể cả việc phải đội mũ bảo hiểm khi đi đường. Người dạy giải thích: "Chuyện này nghe hơi lạ, nhưng rồi cũng sẽ quen thôi. Nếu lỡ vì lý do nào đó mà ngã, không sợ bị chấn thương sọ não; nhánh cây gãy, nước bọt "từ trên trời rơi xuống" cũng không ảnh hưởng đến đầu"... Nghe cũng hay hay.

Cầm mảnh bằng... đi bộ trong tay, tôi khoe bà xã. Bả bĩu môi:

- Có bằng rồi nhắm có áp dụng được những gì đã học không mới quan trọng.

Tôi cười trừ. Một hôm, trên đường đi bộ từ chợ về nhà, tôi tạt vào quán giải khát uống ly nước ngọt. Ngồi uống nước mà đội nón bảo hiểm hơi kỳ, tôi giở ra để xuống chiếc ghế trống bên cạnh. Do chưa quen, đến khi đi quên mất cái nón bảo hiểm. Khi anh cảnh sát giao thông hỏi giấy tờ tôi mới sực nhớ thì đã... muộn rồi.

- Anh đã vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên tuyến đường bắt buộc, nên đành phải giam phương tiện...

- Vậy là tôi bị giam à? - Tôi ngạc nhiên.

- Đúng vậy! Cũng giống như xe hai bánh thôi, giam 10 ngày - Anh cảnh sát giao thông trả lời.

Thế là tôi được đưa về ngôi nhà tạm không có vách trên bãi đất trống. Ở đó có rất đông người như tôi. Tôi xin phép anh cảnh sát giao thông điện thoại về báo cho vợ con biết. Anh ta lắc đầu:

- Anh thấy mấy chiếc xe giam ở bãi đất trống bên cạnh chịu cảnh dãi nắng dầm mưa có báo về cho ai biết đâu! Các anh ở trong nhà là may lắm rồi...

Tôi hoảng hốt, vùng vẫy la lớn: "Em ơi! Em ơi! Anh ở đây này!" đến khản cổ rồi... thức giấc. Bà xã lay tôi: "Anh mơ gì la lớn vậy?". Chẳng lẽ khai thật, đành vớt vát câu "nịnh đầm": "Thấy em đi lạc, anh gọi lại ấy mà!".

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #van