1.
- Chồng à! Sáng nay vội đi hay sao mà quên hộp cơm ở nhà rồi này.
Trong căn bếp nhỏ của một căn nhà cấp bốn, cậu trai trẻ bận rộn vừa tay dao tay thớt, vừa kẹp trên vai chiếc điện thoại hẵng còn đang nối máy với chồng mình.
- Vịt Lộn! Không được bỏ đồ chơi vào miệng con!
Lẫn trong tiếng còi xe huyên náo của đường phố những ngày giáp Tết, Gia Minh nghe thấy tiếng cười khe khẽ của anh.
Thế Nam vẫn không hiểu sao vợ mình lại đặt cho con một biệt danh nghe kì quặc như vậy, dẫu cho cậu đã giải thích rất nhiều lần là vì hai người họ gặp mặt lần đầu tiên ở quán cháo đêm mà anh phụ bán thời sinh viên. Món Gia Minh gọi hôm đó là trứng vịt lộn. Không phải anh không nhớ, nhưng dù sao Vịt Lộn cũng vẫn là một cái tên không giống ai, chỉ lo rằng nó sẽ làm đứa con trai 4 tuổi rưỡi của bọn họ trở thành tâm điểm trêu chọc của đám trẻ trong lớp.
Trái ngược hoàn toàn với những gì họ nghĩ, bé con không những không ghét bỏ, mà còn vô cùng yêu thích khi ba nhỏ dùng giọng điệu đáng yêu gọi "Vịt Lộn ơi! Vịt Lộn à!". Ngược lại, nếu như có hôm nào đó Gia Minh nghiêm mặt gọi tên thật Lê Minh Khôi, thì nghĩa là cậu nhóc đã làm sai điều gì và chuẩn bị chịu phạt từ người ba vốn rất dịu dàng của mình.
- Vậy hộp cơm anh định thế nào đây? À chút nữa chú Thành qua lấy cây giò biếu sếp, hay là em nhờ cậu ấy mang qua cho anh nhé!
/Thôi em đừng phiền nó! Lỡ rồi thì anh về nhà ăn cơm với hai ba con luôn!/
- Anh về trưa hả? – Gia Minh cố ý cao giọng. Bé con đang miệt mài lắp ráp đồ chơi nghe được lời ba nói, mặc kệ đống lego được các chú hàng xóm hùn tiền mua tặng nhân dịp tròn 4 tuổi, chạy đến ôm chân cậu lắc lư thích thú.
- Xem cún con nào đang ôm chân em phấn khích kìa!
Người chồng ở đầu dây bên kia cười hạnh phúc. Cuộc điện thoại bị cắt ngang bởi tiếng khách vẫy anh chở ra bến xe. Thế Nam chỉ kịp nói với vợ một câu yêu thương rồi lại tiếp tục vật lộn với những cuốc xe cuối năm vội vã.
Gia Minh luôn tâm niệm rằng, điều đúng đắn nhất cậu từng quyết định làm trong đời là lấy Lê Thế Nam làm chồng, cùng anh xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc như hiện tại. Mỗi một cuộc đời đều có những mối trăn trở riêng, bởi vốn dĩ không có cái gọi là hoàn hảo tuyệt đối, chỉ có sự an phận và tự hài lòng của con người lấp đầy những lỗ khuyết xấu xí mà thôi. Có thể ngày nào vợ chồng cậu cũng phải lo quanh quẩn cơm áo gạo tiền và ti tỉ thứ chi phí khác để duy trì cuộc sống. Nhưng Gia Minh dám tự hào vỗ ngực, mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Ít nhất là khi cậu còn được dậy thật sớm mỗi ngày nấu cơm cho chồng mang đi làm, được ôm lấy bé con nhà mình sau khi tan lớp mẫu giáo. Bữa cơm tối hiếm hoi trong ngày đầy đủ ba thành viên được nghe chồng kể về những chuyện hay ho gặp trên đường. Cuộc sống của Minh tính ra rộng bao nhiêu? Chắc cũng chỉ gói gọn loanh quanh hai bố con nhà họ. Nếu như một ngày... nếu như thôi, một trong hai điều quan trọng ấy có bất ngờ xảy ra chuyện gì, chỉ sợ rằng cậu sẽ sụp đổ mất.
- Ba ơi!
Bé con giật giật chiếc tạp dề quấn ngang eo người ba đang bận rộn bếp núc từ sáng tới giờ để lôi kéo sự chú ý.
- Ơi! Ba đây! Sao con?
- "Thằng xe ôm" nghĩa là gì hả ba?
Câu hỏi ngô nghê của con trai làm Gia Minh phải ngừng cả đôi tay đang bận bịu trộn nhân nem lại. Cậu tháo vội chiếc bao tay nilon, ngồi xuống ngang tầm với đứa trẻ rồi nghiêm giọng hỏi.
- Lê Minh Khôi! Ai dạy con từ này?
- Ba ơi con sợ! – Thằng bé mếu máo khi nghe ba gọi cả họ tên đầy đủ của mình.
- Trả lời tử tế! Ai nói cho con biết từ này?
- Là bạn Beo ạ! Bạn Beo ở lớp nói con là đồ có bố là thằng xe ôm...
Gia Minh buồn bực lấy tay day trán, bé con tưởng ba giận mình, chạy đến vòng tay nhỏ ôm lấy cậu.
- Con không được nhắc lại từ này một lần nào nữa trước mặt ba, càng không được nói với bố Nam. Đã nhớ chưa?
- Con nhớ rồi!
Thằng bé cúi đầu, giọng nói có vẻ kìm nén uất ức. Nó chỉ nghe người ta trêu chọc mình thế, vì khó chịu mới tìm ba để hỏi cho ra nhẽ. Vậy mà ba Minh vốn dịu dàng của nó lại ngay lập tức nghiêm giọng, rồi còn không cho bé con ôm nổi lấy một phút.
Gia Minh thấy vẻ mặt tủi thân của con, bình tâm lại nhận ra phản ứng của mình cũng hơi gay gắt. Chỉ là động đến nghề nghiệp của chồng cậu, Minh có chút nhạy cảm. Gia đình ba người họ sống hạnh phúc được đến ngày hôm nay, ngoài công vun vén thu xếp tổ ấm của Gia Minh, còn nhờ cả vào trụ cột kinh tế trong nhà là Thế Nam. Minh không phải là người vô dụng cậy chồng chiều chuộng nên ở nhà lười nhác. Cậu cũng đã từng tốt nghiệp từ trường trung cấp đào tạo đầu bếp hàng đầu cả nước, cũng đã từng có ý định xin việc ở nhà hàng cao cấp để không bỏ lỡ tấm chứng chỉ rất có giá của mình. Nhưng chồng cậu đã nói rằng: Tiền thì lúc nào cũng có thể kiếm được, anh còn đủ sức nuôi em và con. Những năm đầu đời của Vịt Lộn rất quan trọng, anh muốn một người ở cạnh sát sao nhất có thể, để con không bị thiệt thòi so với đám trẻ cùng lứa.
Gia Minh xót chồng vất vả, nhưng lại cũng không thể làm khác. Vậy nên cậu gác lại mọi thứ, thỉnh thoảng ở nhà làm mấy món ngon bán online, kiếm thêm đồng ra đồng vào, rồi dành hết tình yêu cho những bữa cơm mỗi khi anh tan làm về đến nhà.
- Vịt Lộn của ba! "Xe ôm công nghệ" là nghề nghiệp của bố Nam con. Con biết đúng không?
- Dạ con biết!
- Nhưng "thằng" là một từ xấu xí. Nếu như dùng nó để gọi người khác thì vô cùng hư và mất lịch sự, đặc biệt là đối với người lớn con ạ! Vậy nên, ...
- Vậy nên mấy đứa vừa rồi là bọn hư thân mất nết không được giáo dục đàng hoàng. Con không cần để ý đến tụi nó!
Tiếng nói oang oang vọng từ ngoài cửa bếp vào cắt ngang lời vị phụ huynh đang cẩn thận dạy con.
- A! Chú Kẹo Lạc!
Người lớn được gọi cũng chạy đến đón lấy thân hình nhỏ bé bế xốc lên cao.
- Ba con nói thế thôi! Chứ những đứa như vừa rồi thì gọi là "thằng" được con ạ!
- Cậu đừng dạy hư cháu!
Gia Minh coi như tìm được bảo mẫu thời vụ cho Minh Khôi, thảnh thơi quay sang làm nốt công việc còn dang dở.
- Em nói thật đấy! Trẻ con là tấm gương phản chiếu ba mẹ chúng rõ nhất. Không phải đứa trẻ nào cũng được dạy dỗ cẩn thận như Vịt Lộn nhà mình. Nếu không phải bố mẹ chúng có thói thượng đẳng, thì một đứa trẻ mới 4 tuổi làm sao biết được những từ như thế này, đúng không?
Minh thở hắt ra, rồi điềm nhiên nói sang chuyện khác.
- Sang đây không phải chỉ để ôm cháu hộ anh đâu đúng không?
Lạc thả Vịt Lộn xuống với đống mô hình xếp dở. Cậu rất tự nhiên đi tới tủ lạnh, mở cửa ngắm nghía mấy món ăn Gia Minh đã làm sẵn được xếp ngay ngắn bên trong.
- Hôm nay em lười nấu cơm!
- Lấy đi! Trong đó có giò lụa, giò thủ, thịt đông. À! Hay ngồi đợi một lúc nữa anh rán chỗ nem này rồi mang một đĩa về.
Tủ lạnh mở ra lâu đã kêu tít tít báo động sốt ruột gia chủ. Cậu trai trẻ đắn đo một hồi không biết chọn cái gì, cuối cùng lấy đại một bát thịt đông ở ngăn giữa.
- Em gửi tiền!
- Không! Hâm à! Cầm về đi!
- Anh mới hâm ấy! Bán đồ ăn thì được mấy đồng, lại còn lấy công làm lãi, cứ cho mãi thì kiếm đâu ra tiền lời.
- Có nhiều nhặn gì đâu! Mà sáng nay Thành cũng lấy cây giò rồi! Chắc là đem biếu ông trưởng phòng mới lên à?
Chú Kẹo Lạc của Vịt Lộn gật đầu qua loa.
- Rách việc lắm! Người nhà em thì đâu biết khéo léo gì. Em mà không bảo có khi lại mua mấy giỏ quà 8 nghìn lá 2 nghìn xôi ấy. Rồi vừa mất tiền vừa chẳng được việc gì.
Xóm lao động bọn họ chỉ có quanh quẩn bằng ấy nếp nhà nằm gọn lại với nhau. Hàng xóm vẫn nói Minh là sung sướng nhất, lấy được một tấm chồng cái gì cũng nhất vợ. Lê Thế Nam lao ra đường kiếm cơm từ sớm, sau này có gia đình nhỏ lại là trụ cột kinh tế. Chuyện gì anh cũng sành sỏi, tính cách lại nhiệt tình thoải mái không hay nề hà, họ hàng trong gia đình lớn hai bên nội ngoại cũng vì thế mà cứ tiện nhờ vả một số công chuyện. Gia Minh không phải người hẹp hòi. Nhưng đã là vợ chồng, cậu làm sao tránh khỏi những lúc xót xa khi thấy anh vừa chạy một cuốc xe xa giữa trời mưa rét, rồi lại sấp sấp ngửa ngửa chở đào Tết về cho cô, bác họ đằng nhà vợ. Đành rằng họ hàng giúp đỡ nhau là chuyện nên làm, nhưng chỉ có bản thân Minh biết, người ta đã nói về chồng cậu chẳng ra gì trong những buổi giỗ chạp anh vắng mặt. Gia Minh không lấy làm tủi thân trước những lời rèm pha được bọc dưới cái lốt mĩ miều "thật lòng", rằng tại sao cậu lại chấp nhận lấy một người chồng nghề ngỗng không ổn định, bởi mục đích cuối cùng của họ cũng chỉ cốt để tạo ra một phông nền đủ thấp kém cho những lời khoe khoang phía sau mà thôi. Minh biết, lời nói ra tuy có nhiều mục đích nhưng ý tứ khinh thường chồng cậu thì bằng thật. Cậu không muốn nói đến tai chồng những lời không hay, để anh khỏi phiền lòng chuyện nhỏ nhặt. Nhưng cũng vì vậy mà Thế Nam vẫn vô tư để bị nhờ vả, mà chẳng than phiền lấy một lời.
Chuông nhắc việc trên điện thoại kêu vang. Gia Minh rửa tay, lau vội vào tạp dề rồi lật đật chạy đi tìm men tiêu hoá cho con trai uống đúng giờ. Thằng bé ngồi dưới thảm chơi lego cùng chú Kẹo Lạc của nó, thấy ba cầm chén thuốc trên tay đã mếu máo lắc đầu nguầy nguậy. Trẻ con đứa nào cũng vậy, sợ nhất là uống thuốc. Nhưng có một thứ mà Lê Minh Khôi còn sợ hơn cả thuốc đắng.
- Vịt Lộn! Nếu con không uống, ba sẽ gọi điện bảo bố trưa nay không về ăn cơm với con nữa. – Gia Minh nghiêm giọng.
Bé con nghe đến đó thì vội vàng nhận lấy cốc thuốc từ tay ba, uống một hơi hết sạch. Kẹo Lạc bên cạnh lắc đầu lè lưỡi đùa.
- Anh phát xít với cháu em quá!
Nói rồi quay sang nhìn Lê Minh Khôi 4 tuổi rưỡi bên cạnh mình.
- Đắng không con?
- Không ạ!
Từ lúc Vịt Lộn bắt đầu nhận thức được mọi thứ xung quanh, nó đã biết bố Nam của mình luôn bận rộn với công việc bên ngoài. Bé con tập quen với việc sẽ chỉ có mỗi ba nhỏ đưa đón nó đến trường mẫu giáo. Hội thi "Bé khỏe bé ngoan" mùa thu năm ngoái, Minh Khôi tỉ tê tâm sự với bố rằng các bạn cùng lớp ai cũng có cả cha và mẹ cùng đến cổ vũ. Cô giáo nói hôm đó nhà trường sẽ tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho các gia đình, đem phóng to rồi rửa ảnh phát về tận tay các bạn nhỏ. Bố Nam đã gật đầu đồng ý và còn hứa rằng hôm đó nhất định sẽ có mặt. Vậy mà sau đó bức ảnh được phát về tay Minh Khôi còn to hơn hẳn của bọn trẻ trong lớp; nhưng trong hình lại chỉ có ba Minh bế nó, đứng xung quanh là chín người chú hàng xóm ngày nào nó cũng nhìn đến thân thuộc như người nhà. Đám trẻ trong lớp nhìn thấy tấm ảnh "oách xà lách" của Minh Khôi, vây quanh nó trầm trồ ngưỡng mộ. Thằng Sóc cháu ông Tư "nổ mìn" ở xóm bên còn hùng hồn khẳng định đây rất giống các đại ca đang đi trừ gian diệt ác bảo vệ người đẹp và trẻ em vẫn thường thấy trong mấy bộ phim Hồng Kông xưa lơ xưa lắc chú mình hay xem. Vịt Lộn nhìn vào tấm ảnh, cảm thấy tủi thân nhiều hơn. "Người đẹp" thì đích thực là ba Minh rồi, trẻ em thì là mình, còn "người hùng" trong mắt nó lại không có ở đây. Nếu như bố Nam có trong tấm hình này, chắn chắn tụi thằng Sóc thằng Beo, sẽ còn phải trầm trồ hơn nữa. Vì ba Minh vẫn thường khen bố rất ngầu và đẹp trai đấy thôi!
Chú Kẹo Lạc đã cầm theo bát thịt đông về nhà từ lâu, Minh Khôi ngồi xếp bằng trên tấm thảm lông ấm áp, trước mặt là mâm cơm thịnh soạn toàn những món ăn ngày Tết ba Minh đã dày công chuẩn bị.
- Con thích Tết!
- Ba cũng thích Tết!
- Tết con không cần đi lớp, được ngủ nướng.
- Tết ba cũng được ngủ nướng, bố con cũng được ngủ nướng. Cả nhà mình ôm nhau ngủ nướng.
- Tết con sẽ được lì xì.
- Lì xì của con sẽ thành của ba thôi.
- Cho ba hết đấy! Con chỉ cần ba và bố ở nhà chơi với con thôi!
Gia Minh bê nốt tô canh nóng hổi đặt xuống bàn, mâm cơm thế là đủ đầy chỉ chờ người đàn ông được "săn đón" nhất nhà về cùng ăn. Cậu quay sang ôm lấy hai cái má phính trắng như búng được ra sữa ngọt của con trai, vừa nhéo yêu vừa nói: "Con nhà ai dạy khéo thế này! Ba thương em nhất trên đời!" Bé con cười khanh khách, nhưng nhanh chóng tiu nghỉu kêu "Ba ơi con đói quá! Bao giờ bố mới về?"
- Ừ sao bố con lâu về thế nhỉ? Để ba gọi xem nhé!
Đáp lại cậu vợ trẻ chỉ là tiếng tút dài trong điện thoại. Minh đoán có lẽ chồng mình lại tham công tiếc việc, cố nốt mấy cuốc để kiếm thêm chút đây mà.
- Ba lấy cơm con ăn trước nhé? Ăn ngoan rồi bố về chơi cùng con.
Thằng bé lắc đầu nguầy nguậy, nó nhất quyết đợi bố Nam về bằng được. Gia Minh cũng sốt ruột. Gọi đến cuộc thứ năm, điện thoại Nam chỉ còn giọng nói tổng đài "Thuê bao quý khách...". Vịt Lộn từ háo hức chuyển sang tiu nghỉu buồn bã. Dưới sự nài nỉ của ba Minh, bé đành ăn hết bát cơm rồi lên giường ngủ trưa, ôm theo hi vọng rằng mở mắt ra sẽ thấy bố Nam đang ở nhà.
Cậu vợ trẻ nóng ruột cả buổi chiều. Điện thoại chồng liên tục thuê bao. Hay là hết pin? Suy nghĩ được Minh gạt phăng đi ngay sau đó. Nam là lái xe công nghệ, lúc nào trên người anh cũng mang theo một cục sạc dự phòng dung lượng cao đề phòng lúc điện thoại cạn pin. Có lẽ họ hàng nhà cậu lại nhờ vả anh chở đào chở quất về nhà. Chồng cậu nào có biết từ chối ai bao giờ. Minh nghĩ như vậy, thấy yên lòng hơn đôi chút. Cậu nhìn về căn phòng nơi đứa con trai nhỏ đang say ngủ rồi cặm cụi làm nốt mấy đơn thịt đông để mai ship nốt cho khách.
Bữa cơm tối qua đi trong sự ảm đạm. Nhà vốn neo người, vậy mà trưa nay có tiếng cười của Vịt Lộn lại thấy ấm áp đủ đầy đến thế. Giờ đây, bé con nhà cậu lại chỉ ngồi im lặng ăn hết phần cơm ba lấy cho, rồi lẳng lặng bỏ về phòng tô nốt bức tranh nhà ba người hẵng đang dang dở. Minh vẫn cặm cụi với nào nem nào thịt. Nhiều lúc cậu thấy mình như ốm nghén, mùi mỡ ngấy nhợn nhợn nơi cổ họng tích tụ suốt mấy ngày làm hàng cao điểm vừa qua. Cậu nhìn ra cửa sổ tối om khung cảnh xóm lao động nghèo. Tiếng pháo giả văng vẳng từ ngôi nhà khang trang sáng rực nào đó bên khu tái định cư cách đây không xa dội về trong bóng tối tĩnh mịch đêm 27 Tết. Minh nghĩ đến chồng cậu chắc hẳn còn đang ở xó xỉnh nào đó của thành phố vật lộn với áo cơm, tủi thân trào lên hốc mắt. Tết chỉ về khi anh ấy đặt chân tới bậc thềm trước nhà, dang tay đón lấy con trai bế xốc lên, rồi nhẹ nhàng đặt nụ hôn lên môi cậu.
Đồng hồ điểm 23h đêm, Minh đang múc nốt mấy bát thịt để vào tủ lạnh cấp đông. Chuông điện thoại chợt reo, cậu bật dậy nghe máy như một phản xạ có điều kiện được tạo nên từ trông mong đợi chờ. Rốt cuộc, giọng nói trong đó lại chẳng phải người Minh đang mong.
---o0o---
Hành lang Bệnh viện Công an Thành phố...
Ánh đèn đỏ phòng cấp cứu hòa trộn với bảng exit xanh lét chập chờn nhảy múa trong mắt cậu trai trẻ...
Minh bế con nhỏ chạy trên hành lang bệnh viện. Trước cửa phòng cấp cứu đông người hơn cậu nghĩ. Sắc áo xanh cảnh phục khiến những thường dân chỉ mong một cuộc đời bình đạm như Minh thi thoảng còn chột dạ nhẹ khi bắt gặp trên đường giao hàng. Minh thấy lẫn trong những gương mặt nghiêm nghị lạ lẫm ấy là người quen của vợ chồng cậu – Thượng Úy Trịnh Gia Huy.
Anh là bạn từ hồi còn đi nghĩa vụ quân sự với Nam. Sau khi ra quân, hai con người ấy rẽ sang hai hướng khác biệt hoàn toàn. Huy thi vào Học viện Cảnh sát, thẳng thớm đi trên con đường trở thành một cảnh sát xuất sắc, lập được nhiều chiến công và trở nên nổi tiếng giữa những cái tên khác của Công an Thành phố. Còn Nam, anh quay về cuộc sống trước đây, cặm cụi lao động, bán mồ hôi nước mắt cho trời đất, cốt sao đổi lại một nơi chốn bình yên giữa cuộc đời ồn ào vô thường.
Mỗi lần nghĩ đến đó, Minh lại thấy có chút biết ơn Gia Huy. Nghe chồng cậu bảo cái tên ấy sáng giá đến mức nếu như không có sai số gì xảy đến, chắc chắn anh ấy sẽ trở thành Đội trưởng tương lai của Đội Trọng án Công an Thành phố. Kỳ thực, con người ta khi đứng trên tầng bậc cao cấp của danh vọng và quyền lực, làm sao còn muốn thân mình chằng chịt vướng víu bởi những thứ dây leo yếu ớt quấn rịt lấy nữa. Nhưng Trịnh Gia Huy không như thế. Tuy không thường xuyên, nhưng đều đặn 2-3 tháng anh lại ghé thăm ngôi nhà cấp bốn của vợ chồng Minh, tỉ tê nói đủ thứ chuyện phiếm trên trời dưới đất với Lê Thế Nam. Đôi lúc người đàn ông ấy để lộ cả những nét bất lực u sầu không nên xuất hiện trên gương mặt của một tay cảnh sát khét tiếng với trình độ phá án, một vị lãnh đạo đang bước từng bước vững như đá trên con đường tiến lên đỉnh xã hội. Trịnh Gia Huy bước vào sân nhà cậu, vai bằng vai với Thế Nam, không có cách biệt gì cả. Lần nào ra về, trên tay vị cảnh sát trẻ cũng xách theo mấy cây giò mua đắt từ nhà cậu, với lý do "Bếp ăn nấu cứ lạt lạt, anh em thích được tăng cường thêm thức ăn cậu làm lắm!". Hời nhất có lẽ là Vịt Lộn, cháu ngoan Bác Hồ, bé khỏe bé ngoan, Trung thu, Tết nhất năm nào cũng "bòn" được từ túi bác Huy những phong bao đỏ chói dày cộm. Minh nhiều lần nghiêm mặt nhắc con không được nhận vô tư như thế, nhưng chính chồng cậu tặc lưỡi gạt đi: "Nó giàu, nhưng nó vô tư lắm".
Tiếng khóc của bé con đánh động vào hành lang tịch mịch. Thằng bé gắt ngủ, mở mắt lại thấy mình trong bệnh viện. Đúng là thứ ác mộng kinh khủng nhất. Mà giá như, Minh ước giá như nó là ác mộng... Bởi người bạn tốt của chồng cậu đang đứng trước mặt Minh, với bộ quân phục làm người ta bất an, bằng chất giọng trầm lạnh như đang phán quyết bản án tàn nhẫn nhất cho cậu vợ trẻ.
- Chồng cậu được phát hiện bất tỉnh ở bãi đá dưới chân cầu Ba. Trên người có nhiều vết thương, bước đầu xác định có thể do bị hành hung. Tình hình cụ thể bác sĩ có lẽ sẽ nắm rõ hơn tôi.
Đất dưới chân Minh như lở xuống từng mảng, làm đôi chân cậu đột nhiên như bị rút mất lực. Cậu vợ trẻ khuỵu xuống. May sao vị Thượng úy trước mặt đã kịp đón lấy đứa cháu đang nức nở trong tay. Người ta nói kì thực cuộc đời công bằng đến đáng sợ, không cho ai vẹn toàn và cũng chẳng khiến ai cùng đường tuyệt lộ. Nhưng có phải do chính cậu? Chính cậu đã quá hài lòng và hạnh phúc, ỷ y vào cuộc sống tốt đẹp mà chồng cậu bao bọc trong tay bấy lâu nay, để rồi ông trời đang bắt đầu cướp tất cả của Minh đi mất?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top