Buổi học đầu tiên, vậy mà cũng trễ.




Hôm này trời hè bỗng nhiên lại khá mát mẻ, bầu trời có phần xanh ngắt, mây cuộn bồng bềnh, mặt trời lại có gì đó e thẹn mà lắp lo qua những vạt mây, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, Lâm cố tình đạp chầm chậm để có thể ngắm người, ngắm phố trọn vẹn hơn, lâu lâu khi dừng đèn đỏ rảnh rỗi rồi đưa mắt lên cao nhìn vào mảng trời bao la ấy, song cậu thả hồn trên những cánh chim lượn lờ, đưa lòng tựa theo từng ngọn gió nhẹ lân lân, lâu rồi cậu không cảm nhận được sự thoải mái tâm hồn như lúc này. Thiết nghĩ cũng chỉ là đi chợ như mọi khi, nhưng hôm nay cớ gì mà thanh thản, thư giãn lạ kỳ.

Hết vòng chợ, Lâm mua được ba con cá lóc sống tươi roi rói còn nhảy đành đạch, miệng còn hô hấp phập phòng, mặt Lâm càng rạng rỡ hơn. Nụ cười sảng khoái cứ vậy mà hiện lên trên mặt cậu suốt từ trong chợ đến khi về, bây giờ trông Lâm có phần còn hơn hẳn thiên thần giáng trần, khiến cả chợ ai cũng không kiềm được lòng phàm mà trộm ngó, lén nhìn. Phải kể đến mấy cô nương chưa chồng trong chợ lúc này xa lạ hay thân quen, không hẹn mà thành "đồng chí" cùng nhau chứa một loại ảo tưởng cực mạnh, nghĩ rằng người con trai trên chiếc xe đẹp kia một ngày không xa sẽ là vị hôn phu của đời mình; có cô không khéo, mãi lo nhìn theo mà vội ngã nhào vào hàng rau, tự mình chuốc lấy họa lớn.

Mới tới cửa nhà thì điện thoại Lâm nhảy lên một Popup tin nhắn.

"Trưa nay có thể anh về trễ, mày cứ ăn trước đi khỏi đợi."

Lâm để yên thông báo đó không đụng, vờ như chưa thấy rồi vào bếp chuẩn bị bữa ăn.

Đồng hồ vừa vang lên tiếng báo 12 giờ trưa, cũng vừa lúc Lâm dọn đồ ăn lên bàn xong xuôi. Thấy anh Quang vẫn chưa về, cậu vội lôi đống tập sách Anh ra ngồi ôn bài trên bàn ăn.
Hai giờ đồng hồ chậm rãi trôi qua, cuối cùng thì tiếng mở cửa cậu mong chờ cũng vang lên. Lâm hớn hở cất tập vở và chạy ra đón anh cả mình.

"Anh về trễ sao không nói em một tiếng?" – Lâm giả vờ uất ức bực tức mà giở giọng trách mắng anh Quang..

"Ủa nãy anh nhắn tin cho mày rồi mà, chưa xem hả?"

"Ủa có hả? Chắc do anh không gọi, nãy điện thoại em hết pin, em sạc nên vẫn chưa có rờ tới." – Vẫn diễn thật tròn vai, cố tình tỏ vẻ ngạc nhiên bối rối.

"Hay là mày giả đò để chờ anh mày về ăn chung? Bớt diễn đi em trai." – Giọng anh Quang vừa cười vừa tỏ vẻ như đã đi guốc trong bụng tên tiểu tử này.

"Ây, làm gì mà lầy cỡ đó! Biết là anh về trễ, em sớm đã ăn hết chừa lại chén rau cho anh rồi." – Lâm cười cười đáp lại, quả thật Lâm bây giờ còn mỗi Quang là người thân, là anh cả, gánh luôn trách nhiệm của người cha người mẹ, đi họp phụ huynh, kiếm tiền nuôi Lâm, bảo vệ Lâm, lúc Lâm bệnh chẳng ngại xin nghỉ phép để toàn tâm chăm cho cậu. Nếu mà có một mình ăn cơm thì hẳn Lâm chỉ ăn chén rau thôi còn nhiêu thịt cá, cơm canh là để giành lại cho anh Quang lúc về ăn, nhưng nếu có thể, Lâm sẽ chờ anh Quang về, dùng chung như vậy cậu mới phần nào cảm nhận sự ấm áp, mới có thể đọng được một chút gì đó gọi là hương vị gia đình.

Không nói nhiều thêm Lâm, vào bếp hâm lại đồ ăn cho nóng. Chưa kịp dọn lại bàn ăn, anh Quang chợt xuất hiện trước mặt kèm theo một bịch sách vở, dụng cụ học tập, giầy dép các thứ sau lưng.

"Anh cho mày này. Cố mà học tốt để sau này đứng vững trên đôi chân mình nha, đàn ông có chỗ đứng rồi thì sẽ không còn sợ trời sợ đất gì nữa." – Anh Quang đưa bịch đó cho cậu và cười khuyến khích.

"Anh cho em chỗ ở, nuôi em, lâu lâu đi họp phụ huynh cho em, như vậy đã là quá đủ với em rồi, anh còn mua đồ lắm như vậy, em nợ anh cả đời này sao trả nổi?" – Lâm rươm rướm nước mắt nhìn anh Quang.

"Thằng ngu người này, chỗ anh em, không lo cho mày chẳng lẽ cho em hàng xóm? Lớn rồi, đừng có khóc, anh mày bây giờ có chỗ đứng và cứng chỗ đó rồi, việc bảo vệ và lo cho mày thì có anh mày gánh, việc mày là lo học cho thật tốt nghe chưa?"

"Em cảm ơn anh." – Một nụ cười thiên thần ngây ngất đáp trả. Cậu tự hứa sẽ cố gắng học thật tốt để sau này vinh danh bản thân và trả ơn người anh này.

"Thôi ăn lẹ để lát 4 giờ còn đi học nữa, ăn xong để chén bát cho anh rửa cho, đi nghỉ cho có sức học, cấp 3 nó khó hơn cấp 2 đó."

"Thôi, anh đi làm mệt rồi, lại nãy còn phải đi đây đi đó mua đồ cho em, anh nghỉ đi, chẳng lẽ rửa mấy cái chén em lại không làm được?"

"Vậy thôi anh không giành nữa, haha."

Loay hoay rửa chén dọn nhà thì cũng 3 giờ chiều, Lâm vào phòng tắm kì cọ thư giãn thật nhanh xong lên giường nằm nghỉ khoảng 15 phút rồi lấy xe đạp chạy thẳng đến trường.
Một người siêng năng là thế thì ở đâu đó không xa, một con "Lazy Dead" vẫn nằm ngủ chổng mông.

"Bé ơi ngủ đi, đêm đã khuya rồi, để những giấc mơ đẹp, sẽ luôn bên em ..." – Tiếng điện thoại báo thức vang lên trong ổ chăn của Đăng.

Đăng lăn lộn, đạp tung cả chiếc giường rộng rãi để kiếm cái cục nợ này tắt đi cái báo thức rồi ngủ tiếp, trong đầu cậu lúc này rất bực bội, thiết nghĩ đang mùa hè thật sự (vừa thi xong kỳ thi chuyển cấp toàn quốc, lớp học thêm thì chưa khai giảng) ai lại cài báo thức, hẳn là hôm trước thằng em trời đánh qua đây chơi, không thấy cậu ở nhà, đem lòng thù địch muốn chơi một cú.
Một hồi lâu sau đó, cũng tìm thấy chiếc điện thoại tắt được cái báo thức thì màn hình hiện lên thứ ngày tháng hôm nay "15:32 Thứ 2 ngày 6 tháng 8 năm 2012".

Đứng hình một lúc và chợt nhớ ra, quả thật cậu đã trách lầm thằng em. Cái này là do chính Đăng đặt trước đó cả tháng. Bởi hôm nay lớp học thêm khai giảng, nói đúng hơn là buổi học đầu tiên của cấp ba; sợ bản thân sẽ ngủ quên hoặc tệ hơn là không nhớ đến ngày tháng mà vô tình cúp học dẫn đến vô cùng nhiều hệ lụy. Ai mà đi học thêm ở trung tâm này rồi thì hẳn cũng biết, quy định ở đây chẳng khác gì trường chính quy, đôi khi còn hà khắc hơn cả vài bậc nữa. Nào là nam nữ không được ngồi chung, đi học phải mặc đồng phục của trường chính quy, không được mang dép đi học, nam đầu tóc gọn gàng, nữ không trang điểm đi học...và còn cả việc ngày đầu tiên đi học là để giữ chỗ! Nếu mà đi trễ hoặc nghỉ học sẽ chẳng còn chỗ nào thuận lợi nữa, lớp có khi lên đến cả trăm đứa nên việc chọn được một chỗ có thể trông thấy bảng, nghe được lời giảng, nhìn được thầy và mát mẻ thoải mái tiệt nhiên không hề đơn giản.

Vội vàng thay đồ và chuẩn bị tập vở là thế nhưng...

Ôi cái đệt cái tờ giấy thông báo lớp học và thời khóa biểu bay đâu rồi? Rõ ràng tháng trước lúc nhận được liền cất nó thật kỹ trong cuốn sách giáo khoa Hóa lớp 10, mà nay sao lại không thấy? Dù biết hôm nay học thêm Hóa với Lý, nhưng trong trung tâm đâu chỉ có mỗi lớp Đăng, có tận 40 lớp đang học, có mà mặt dày đi vào từng lớp xem danh sách của giáo viên thì hẳn cũng đã tốn chẳng kém 30 phút cộng thêm việc bây giờ lên đó thôi cũng đã trễ hết 5 phút, còn giành chỗ gì nữa chứ!

Điên khùng kiếm gần 10 phút, mẹ Trâm đi ngang phòng, Đăng cũng quán tính mà la ầm lên.

"Mẹ! Cái tờ giấy thời khóa biểu của con đâu?"

"À, hôm bữa mẹ thấy nó nằm dưới đất với cuốn sách Hóa, nên mẹ lấy cất vào vào cặp cho con đó, ngăn đầu tiên á."

Quả thật ở nhà mà kiếm không ra cái gì thì hỏi mẹ luôn là phương pháp đặc trị hiệu quả nhất.
Trên đường, Đăng đạp xe bán sống bán chết, ông trời cũng thương thương mà để cho đường hôm nay không quá đông nhưng vẫn chẳng vắng là mấy. Đến cổng trường, mặt Đăng trắng bệch chẳng còn giọt máu, mồ hôi đầm đìa như bị ước mưa, tiếng thở hồng hộc như một đứa đang lên cơn hen xuyển sắp tắt thở. So với tính toán thì đáng lẽ cậu đã trễ 15 phút, nhưng do có nỗ lực, Đăng đến sớm hơn 5 phút so với dự kiến. Nhưng xét về tổng thể là đã trễ, cơ hội có được chỗ ngồi như ý coi như đã bị đập tan tành. Cầm tờ giấy đi đến chỗ giám thị cầu thang lễ phép hỏi lớp.

Cái đệt mợ nó, số Đăng xui, nãy gấp quá nên theo thói quen của hè, cái chân đã xỏ vào một đôi dép lào không hơn không kém. Phải chi nãy Đăng siêng hơn chút, tự mình ra xem cái bảng danh sách lớp, vị trí lớp rồi đi cái cầu thang bên kia không có ma nào đứng gác thì đã không tự chuốc họa vào thân.

"Cậu hay nhỉ, giả bộ lễ phép đến hỏi lớp để tôi không để ý đến cái chân vi phạm của cậu sao? Tôi nói nhá, dù có là lần đầu hay gì nữa thì đây cũng là một lỗi. Tôi sẽ ghi vào sổ liên lạc của cậu. Tiện thể nhắc luôn là quá năm lần vi phạm trong một năm là tự biết mời phụ huynh lên phòng tổng giám thị mà bàn chuyện nhé! ..."

Ông nội này đứng đây cứ lãi nhãi một hồi lâu, đệt mợ ổng, đã trễ rồi còn hành con nhà người ta nữa, không thấy áo quần người ta nhễ nhãi mồ hôi sao? Mặt người ta đuối sức cực độ mà cũng chẳng rủ lòng mà cho qua nữa à? Thiệt là ác quá đi.

Lên được lớp thì cũng đã vừa trễ 15 phút tròn, đúng như truyền thuyết, phòng học kín chẳng còn chỗ hở, những đứa vào trễ hẳn dễ dàng nhận ra bởi chiếc ghế nhựa bọn chúng ngồi là do lấy ở hành lang rồi mang vào ngồi ghép. Tự biết thân biết phận, Đăng cuối đầu chào thầy và đi lấy ghế.

"Mình ngồi đây được không?" – Đăng nhỏ nhẹ hỏi một cặp ngồi đầu bàn gần cửa ra vào.

"Xin lỗi bạn nha, cái bàn này nó yếu quá, ba người chen vô nó gãy thì khổ." – Một giọng từ chối khéo mà Đăng cực ghét, đã không ưa thì cứ nói thẳng ra là bố đây không thích cưng ngồi kế, nói chi vòng vèo tốn thời gian.

"Bên đây còn chỗ nè." – Một giọng rất ấm bắn ra từ sau lưng Đăng.

Quay người lại là một cậu trai có màu da nâu khỏe khoắn, vai rộng ngực nở, sống mũi cao, nhân trung sâu, môi mỏng gợi cảm, đặc biệt là đôi mắt đẹp không kém của Đăng, đen lay láy to tròn mà đều đặn, cặp mày anh tú gói gọn trong khuôn mặt trái xoan; kèm theo một nụ cười thiện cảm làm tan chảy lòng người.

Với Đăng tự phụ nhà ta, quả thật con người này không lời cũng là đã trêu ngươi cậu rồi. Bởi cậu rất ghét trông thấy ai đẹp trai hơn cậu, trước giờ cậu luôn tự hào với bản thân là đôi mắt hút hồn, nay lại gặp một thằng sở hữu ánh mắt đầy mị hoặc chẳng kém. Cậu định giả bộ không nghe mà vào chỗ khác, nhưng thoáng thấy sự không hài lòng của thầy giáo và quả thật lớp rất đông, nên cậu đành đặt ghế ngồi cạnh con người này.

Lâm lúc này thì chẳng suy nghĩ nhiều như cái người mới ngồi xuống này. Đơn giản cậu thấy một người cần sự hỗ trợ, mà cậu đang có thể giúp nên mở lời. Từ cái ngày hôm đó, Lâm luôn quan niệm rằng, nếu có thể thì cho đi luôn là hành động cậu đặt lên đầu, huống hồ đây chỉ là việc chia sẻ một tẹo không gian trên cái bàn học.

Buổi học đầu tiên, vậy mà cũng trễ. Bực tức, khó chịu khi phải ngồi ké, Đăng cứ ngồi không yên, rục rịch mãi. Bộ dạng này trông thật giống bọn con nít cấp 1 mới đi học, cứ loay hoay vì chưa quen với việc phải bị giới hạn trong không gian gò bó giữa bàn với ghế. Lâm cũng tinh ý hiểu được Đăng không quen phải ngồi trong tư thế chéo (ngồi xoay góc 45° so với mặt phẳng vuông góc với bảng) nên giả bộ ngồi xích vào bạn bên kia, may là bạn bên kia gầy ngồi không tốn diện tích là mấy.

"Cậu để ghế ở đó đi, ghế này cũng đủ dài, vô ngồi chung luôn cho dễ chịu."

Do quá khó chịu nên Đăng cũng đành phải ừ một tiếng rồi chui vào ngồi chung, tuy là hơi chật nhưng so với ngồi chéo chéo xiên xiên thì dễ chịu hơn hẵn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top