Chương 3: Là chữ thiên nào?
Dân trong vùng thường kháo nhau rằng muốn biết lão Thường giàu có thế nào cứ đến xem phủ đệ nhà lão ắt sẽ rõ. Sự xa hoa, sang quý của phụ đệ ấy không phải thứ dân đen có thể tưởng tượng ra đâu!
Bốn bề phủ đệ bao bằng tường gạch cao chừng năm đến sáu Thước Kinh (1). Mặt trước lẫn mặt sau đều mở một cổng vào kiểu vòm nguyệt. Cổng chính phía trước xây gạch chạm khắc hoa văn tinh xảo, hai bên tả hữu ghi hai câu đối bằng chữ Hán. Riêng tổng thể bên ngoài nhìn vào đã bề thế gấp mấy lần nơi ở của người thường!
Nằm ngay sau cổng vào chắn trước nhà chính là bức bình phong kiểu cuốn thư xây gạch đắp nổi khảm sành hình long mã, nghe nói phủ đệ nhà quan lại nhất là mấy vị đằng trong kinh thành Phú Xuân (2) chuộng loại bình phong này lắm. Bởi long mã vốn là loài báo hiệu điềm lành, biểu tượng cho sự trường thọ, hạnh phúc to lớn, dùng bình phong hình long mã cũng xem như một cách chặn tà khí, cầu phúc lộc.
Tiện nói đến mấy người quyền quý trong Phú Xuân, người ta rỉ tai nhau phải chăng phủ đệ nhà lão Thường học theo mấy vị ấy? Cũng có khả năng này lắm, bởi bố trí trong phủ đệ này từ cách đặt cái bể cạn với non bộ sau bình phong để điều tiết hỏa khí tụ thuỷ tích phúc cho đến cả vị trí nhà chính nhà phụ cũng giống nữa.
Mà nhắc tới chính đường, tiền đường cùng các dãy nhà phụ trong phủ lão Thường thì mấy nơi ấy còn xa hoa gấp bội so với bên ngoài. Bộ khung toàn bằng gỗ lim, liên ba, kèo, đố bản trang trí đủ các thể loại hoa văn cầu kì, mà lợp trên mái nhà đều dùng ngói âm dương là chính, một số ít sử dụng ngói liệt thì lợp đến tận hai lớp.
Nhẩm sơ sơ tiền bạc đổ vào xây dựng phủ đệ này chao ôi cứ phải líu hết cả lưỡi!
Đám người xuất thân nhà nông quanh năm suốt tháng chỉ quen ruộng vườn với mấy căn nhà tranh vách đất xập xệ, nay nhờ dịp phủ tuyển người theo hầu Hạc mới được tận mắt nhìn thấy cơ ngơi to đẹp thế này, trong lòng ai nấy đều xuýt xoa không ngớt về cuộc sống xa hoa của phường quyền thế.
Cả đám nối gót theo Lúa đi qua vô số tòa kiến trúc chính phụ to nhỏ khác nhau mới đến dãy nhà Hạc ở.
Nơi cậu ở là một nhà phụ ba gian hai chái rộng lớn xây trên nền cao, bó vỉa bằng đá thanh, nền lát gạch Bát Tràng. Gian giữa là nơi tiếp khách, hai gian còn lại một gian để nghỉ ngơi, một gian là nơi đèn sách. Hai chái bên cạnh dành cho người theo hầu, hiện mới chỉ một chái có người ở là Lúa, chái còn lại phải chờ hôm nay cậu chọn người.
Lúa thấy đám người nghển đầu nhìn ngang liếc dọc không khỏi nhớ lại bản thân gã khi mới được nhận vào phủ. Gã lúc ấy cũng giống họ thôi, phủ đệ tường cao ngói dày này khiến gã vô cùng tò mò, chỗ nào cũng muốn nhìn ngó chỗ nào cũng muốn hóng chuyện, nhưng vào phủ lâu rồi sẽ chẳng còn muốn nhìn nữa, mà đôi khi là không dám nhìn, không thể nhìn.
- Mấy cậu xếp hàng chờ ở đây đi, tôi gọi đến ai thì người đấy đi vào. Ai được nhận theo hầu ai không được nhận đều do cậu cả quyết định, nên nhớ gặp cậu thì lời ăn tiếng nói cử chỉ đàng hoàng vào đấy! - Lúa cao giọng nói, không quên nạt đám người một hai câu tránh cho chúng thấy cậu hiền mà vô lễ. - Người đầu tiên, Ngô! Ngô có đây không?
- Có, dạ có tôi đây ạ!
Người đầu tiên được gọi hớn hở đi vào bên trong gian nhà, có điều chưa được bao lâu đã thấy hắn trở ra, mặt mày ngơ ngác như thể không hiểu chuyện gì cả. Mới đầu người ta còn tưởng hắn quên gì đó mới ra đây lấy nhưng đã có một gia nhân tiến đến làm động tác mời hắn rời khỏi đây.
Đám người đang chờ được gọi thấy vậy khẽ ghé đầu trao đổi với nhau vài câu. Thời gian gã trai này đi vào trong cùng lắm chỉ đủ nói được đôi ba câu là cùng, không biết bên trong đã xảy ra chuyện gì mà thằng cha này bị đuổi nhanh thế nhỉ?
Tiếng nói chuyện lặng xuống khi người tiếp theo được gọi tên. Người thanh niên tự tín đi vào rồi trở ra cũng nhanh chẳng kém người đầu tiên là bao.
Đám người đứng chờ lại thêm một phen xôn xao, có khi nào lời phong thanh về tính tình ôn hoà của Hạc chẳng hề đúng thực chất đây cũng lại là một chủ nhân khó hầu hạ? Thật giả khó nói, song trong lòng ai cũng thấy hiển nhiên kiếm được miếng cơm nhà giàu còn khó hơn cả họ tưởng.
Ước chừng chưa đến một canh giờ (3) ngoài sân chỉ còn duy nhất một chàng trai đứng chờ.
Thiên nhìn cửa gian chính khuất sau tấm mành che nắng lòng dạ bồn chồn không yên. Những người khác đều không được Hạc chọn theo hầu có nghĩa cơ hội của chàng rất lớn, nhưng nhìn tình hình này chàng chẳng thể lạc quan nghĩ rằng bản thân sẽ không giống bọn họ.
- Cậu là Thiên nhỉ? - Lúa cất giọng hỏi, tay lật mấy tờ giấy ghi chép ba đời nhà Thiên, là một cậu trai xuất thân nhà nông không có gì đặc biệt, chẳng biết có được Hạc nhận hay không đây?
- Đúng vậy, tôi tên Thiên. - Thiên đáp lại, giọng điệu bình thản dù vậy vẫn nhìn ra nét lo lắng trên gương mặt chàng.
- Được rồi, mau vào đi.
Chờ Thiên bước qua bậc cửa Lúa liền rón rén đi đến nghe lén. Đừng thấy gã nghiêm túc mà tưởng gã không thích hóng hớt thế, gã giả vờ cả đấy, nhìn hết người này đến người khác không được chọn Lúa cũng tò mò lắm chứ, rõ ràng Hạc có phải người thích hạnh hoẹ hay khó tính đâu mà chưa chọn được ai nhỉ?
Thiên bước vào trong nhìn qua một lượt. Gian chính có kê một bộ trường kỷ gỗ khảm xà cừ cùng chậu hoa nhài nho nhỏ toả ra mùi hương dễ chịu, nhưng không thấy bóng người nào. Hai gian bên cạnh một gian buông rèm lụa không nhìn được bên trong, một gian rèm được cuốn ngay ngắn sang hai bên. Thiên chọn đi đến gian không buông rèm.
Bên trong gian phòng này không có mấy thứ đồ sơn son thiếp vàng phô bày sự giàu có làm người ta phải chùn bước vì thân phận. Hầu hết đồ đạc trong phòng đều là những vật quen thuộc có phần tinh xảo hơn bình thường, chỉ duy chiếc bình phong lụa sau sập gỗ là khiến Thiên chú ý hơn cả.
Trên bình phong thêu cảnh đàn chim hạc sải cánh bay phiêu diêu trên nền trời xanh. Những đôi cánh thuần trắng hoặc điểm xuyết chút sắc đen nhẹ nhàng vờn lấy hoa văn mây cuộn mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh.
Nhưng khi Thiên nhìn đến người ngồi trên sập trước bình phong chàng ngẩn người thầm than, thì ra chiếc bình phong ấy có đẹp đến đâu cũng chỉ là vật làm nền cho người này mà thôi.
Người ngồi trên sập đương tuổi thiếu niên, dáng dấp hơi gầy cũng không cao lắm có lẽ chỉ đứng đến vai Thiên là cùng. Nhưng chàng cá là chẳng ai chú ý đến mấy điều ấy quá lâu bởi gương mặt và khí chất của thiếu niên mới khiến người ta phải để tâm hơn hết thảy.
Mặc cho nét trẻ con vẫn còn đó cũng chẳng thể át đi sự anh tuấn lộ ra từ đường nét gương mặt cho đến đôi mày, sống mũi, cánh môi. Mặt mày thiếu niên đẹp đẽ như quan ngọc (4), khí chất lại chẳng hề thua kém. Từ dáng ngồi đến cử chỉ nhỏ như nghiêng mặt, cúi đầu, nhấc tay đều mang đến cảm giác nho nhã nghiêm chỉnh.
Chỉ là Thiên cũng nhận ra dưới ánh nắng loá mắt nước da của thiếu niên vẫn hiện rõ sắc trắng xanh nhợt nhạt. Nhớ lại những đồn đoán về cậu ấm này, xem chừng chuyện bệnh tật lâu năm là thật, hơn nữa tình trạng sức khỏe của cậu cũng không tốt lắm.
Kể từ khi Thiên bước chân vào phòng ánh mắt chàng chưa hề rời khỏi người Hạc, cậu muốn lờ đi cũng khó, nhưng Hạc chẳng vội đáp lại ánh mắt ấy. Tính cậu không thích chuyện dở dang, miếng trầu còn chưa têm xong thì sao có thể bỏ đấy mà làm việc khác?
Năm ngón tay nhỏ nhắn như búp măng thuần thục lấy lá trầu đã được bôi vôi tỉa thành hình cánh phượng ra têm lại rồi cài vào miếng cau, sau cùng thêm vào miếng trầu tỉa hình đuôi phượng, lúc này mới tính là xong một miếng trầu têm cánh phượng. Hạc đặt nó xuống đĩa, ngẩng đầu nhìn người đang ngắm cậu.
- Anh tên là gì?
Phần đuôi mắt của Hạc hơi rũ xuống khiến đôi mắt nhuốm vẻ u buồn, nhưng lạ làm sao khi đôi mắt ấy nhìn thẳng vào Thiên lại khiến chàng sinh ra cảm giác nó sắc bén lạ thường. Chàng vội vàng vái chào để tránh ánh mắt của cậu, đáp.
- Bẩm cậu tôi tên là Thiên.
- Thiên? - Hạc thoáng ngạc nhiên, cậu hỏi tiếp. - Là chữ thiên nào?
- Chữ thiên mang nghĩa thay đổi (5). - Thiên cũng lờ mờ đoán được sự ngạc nhiên của Hạc là do đâu, chàng giải thích thêm. - Mẹ tôi vốn muốn chọn chữ thiên mang nghĩa chỉ trời cao (6), nhưng sợ phạm phép kỵ huý (7) nên đổi thành chữ thiên mang nghĩa thay đổi. Bà nói dù sao cũng đều là thiên, trong lòng hiểu thế nào thì bản thân sẽ thành thế ấy.
- Ra là vậy.
Dưới vòm trời này đều là đất của Thiên tử hiển nhiên không thể xuất hiện chữ thiên. Nghĩ vậy Hạc cũng gạt đi chẳng hỏi người trước mặt hiểu cái tên của bản thân thế nào, để rồi phải qua thật nhiều mùa hạ nữa cậu mới hay chữ thiên trong lòng chàng có nghĩa ra sao.
—-
Chú thích:
(1) Thước Kinh: dùng để đo chiều dài của cột, kèo, gian, chái, đo chiều dài đường đi hay khoảng cách giữa cách khu vực. Thước Kinh dưới thời Nguyễn trong giai đoạn đầu có giá trị trong khoảng 42,4 cm - 42,5 cm.
(1) Phú Xuân: nay là Huế.
(2) Một canh giờ: tương ứng khoảng 2 giờ đồng hồ hiện nay.
(3) Quan ngọc: ngọc trang sức trên mũ. Thường chỉ đàn ông có dung mạo đẹp.
(4) Thiên (遷) : thay đổi, di dời.
(5) Thiên (天): trời, bầu trời.
(6) Hiện nay Lạc Triêu chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về lệ kiêng tránh chữ Thiên (天) vào thời vua Minh Mạng.
Tuy nhiên theo các tài liệu có kê lớp địa danh làng xã trước đời Tự Đức như: Các trấn tổng xã danh bị lãm, Bắc Thành địa dư chí lục và tài liệu thừa biên trong đời Tự Đức là Hà Nội địa bạ, cho thấy đời vua Tự Đức có lệ kiêng húy từ tôn kính, như họ của vua là chữ Nguyễn (阮) và chữ Thiên (天).
Vậy nên để cẩn thận không phạm phép kỵ huý Lạc Triêu sẽ sử dụng lệ kiêng húy chữ Thiên (天) như đời vua Tự Đức.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top