Chap 1: Hạ
01.
Từng gợn sóng nhỏ lững lờ mang theo ánh chiều tà đỏ quạnh chiếu xuống sông Nhị Hà. Trời đã dần nhạt nắng, song cái oi nồng vẫn phả lên từ mặt đất, len lỏi qua từng mái nhà tranh quyện cùng làn khói bếp chiều bảng lảng trong không trung. Mấy bụi tre xanh ngả nghiêng lúc bắt được cơn gió, tiếng lá xào xạc hòa cùng tiếng ve vang vọng khắp thôn làng. Xa xa, chiếc thuyền độc mộc lác đác kéo lưới, bóng người mờ nhạt trong ráng chiều mỏng manh, tạo nên một khung cảnh đìu hiu, ảm đạm.
Dòng sông ấy cứ thế bao đời chảy trôi, mang theo câu chuyện của vương triều, của người dân, và cả những tâm hồn gửi gắm theo từng con sóng nhỏ. Ấy vậy mà con sông Nhị Hà mùa này cũng chẳng còn dồi dào như trước, nước rút xuống thấp để lộ những bãi bồi khô khốc trải dài hai bên bờ. Nước sông chỉ còn là một dòng chảy mỏng manh, lờ đờ uốn khúc giữa lòng sông rộng.
Trên bãi bồi lởm chởm sỏi đá, một cậu bé y phục ướt sũng, tay chân lấm lem, đang ra sức vỗ lưng cho một đứa trẻ trạc tuổi. Con bé ấy mãi chẳng dứt cơn ho, nước trên tóc thi nhau lăn xuống qua hai gò má bầu bĩnh. Nó chống tay xuống đất, cố gắng giữ thân mình khỏi ngã nhào sau khi vừa thoát khỏi lòng sông, bàn tay run rẩy còn lại vẫn vô thức níu chặt vạt áo của cậu nhóc kia, như thể sợ buông mất chiếc phao cứu sinh cuối cùng.
Cậu lo lắng cúi xuống gần hơn để nhìn mặt nó, hai má bỗng thoáng chút ửng hồng, tay không còn vỗ mạnh mà chuyển sang vuốt nhẹ sống lưng "Không sao mà, an toàn rồi."
Tiếng ho dần thưa, con bé gắng sức hít thở dồn dập rồi dáo dác đưa mắt nhìn quanh: "Khụ...Mẹ... mẹ tớ đâu rồi?"
Đôi mắt đẫm nước của nó chỉ nhận lại cái lắc đầu hoang mang từ cậu nhóc trước mặt. Cả hai chẳng hẹn mà cùng lúc ngước nhìn về phía dòng sông đang chầm chậm trôi trong lặng lẽ. Ánh dương cuối cùng vụt tắt, bầu trời phút chốc giăng kín mây đen, từng hạt nước trên trời rơi xuống xé tan cái oi nồng dai dẳng đã đè nặng nơi này suốt mấy tháng trường.
Trên bãi bồi lởm chởm sỏi đá, hai đứa trẻ cùng nhau òa khóc, tiếng nức nở vang vọng giữa thinh không, hòa vào tiếng reo hò mừng rỡ của dân chúng và binh lính. Họ hân hoan nhảy múa dưới mưa vì mùa màng cuối cùng cũng được đất trời cứu vớt.
02.
Từ lần suýt chết đuối hồi năm tuổi, có một giấc mơ thi thoảng vẫn xuất hiện nhưng tôi lại chẳng nhớ rõ gương mặt của cậu bé đó. Mấy ký ức nhỏ vụn cứ thế tan biến lúc tôi tỉnh giấc, thứ duy nhất lưu lại là cảm giác lưng chừng, như thể bản thân đã bỏ lỡ điều gì.
Đã bốn rưỡi chiều rồi. Chỉ vì dỗi mẹ mà tôi chạy lên tầng ngủ trưa, không thèm nằm điều hòa phòng mẹ ở dưới. Cái nắng hè chói chang ngoài cửa sổ vẫn chưa chịu dịu xuống như muốn thiêu đốt cả căn phòng, hấp chín đứa lười biếng vẫn đang nằm ì trên giường như tôi. Dưới nhà vang lên tiếng lách cách xoong nồi, hình như mẹ tôi đi làm về rồi. Tất nhiên tôi chẳng chịu nổi cái nóng hầm hập ở trên tầng, nhưng xuống dưới hai mẹ con chạm mặt căng thẳng còn khiến tôi khó chịu, bức bối hơn.
Có tiếng bước chân lên, tôi nhận ra nó nhưng vẫn vờ vịt như đang ngủ: "Chị An ơi, dậy xuống ăn chè đi, mẹ vừa nấu chè đậu đỏ ngon lắm" Tiếng Nghé líu lo ở ngoài cửa phòng, thấy tôi không phản ứng, nó tiến lại gần hơn lay lay vai tôi.
Chỉ chờ có thế tôi liền bật dậy, chồm lên hù con bé. Nghé thoáng chút giật mình lùi lại, rồi ngay lập tức lấy lại vẻ bình tĩnh. Hai tay nó chống nạnh, cau mày: "Chị trẩu vãi"
Tôi phì cười, hài lòng trước phản ứng của Nghé, thích thú nhìn hai má nó phồng ra, đôi môi chúm chím mím chặt lúc bị tôi chọc tức. Nghé kém tôi hơn một giáp, năm nay mới có 10 tuổi mà trông già đời như bà cụ non. Nhiều lúc tôi còn thấy nó trưởng thành hơn cả mình nữa. Một đứa hay cọc gặp một đứa thích trêu, cũng thấy vui nhà vui cửa.
"Mẹ còn giận chị không hả Nghé?" Tôi ngồi dậy, nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của nó đung đưa.
Nghé nghiêng đầu tỏ vẻ suy nghĩ: "Mẹ nấu chè cho chị ăn, thế chắc là hết giận rồi nhỉ?"
"Mẹ nấu chè cho cả nhà mà" Tôi lấy trán cộc vào đầu nó. Nghé lắc đầu thở dài: "Nhưng bình thường mẹ chỉ nấu chè ngày nghỉ thôi, nay đi làm về còn mua luôn đỗ với đường phèn, cả nước cốt dừa nữa, chị không xuống nhanh lên, mẹ cho chị nhịn luôn giờ" Tôi nghe vậy, mừng rỡ xoa rối tóc Nghé rồi hí hửng lao xuống nhà. Mẹ nấu chè giảng hòa với tôi đây mà.
Trái với sự ảo tưởng của tôi, mẹ đang thong thả ngồi xem tivi dưới phòng khách với dượng, thấy tôi xuống khuôn mặt ấy vẫn dửng dưng như không hề có đứa con gái nào đi xa mấy tháng mới về.
"Con chào mẹ, con chào dượng" Tôi vui vẻ nhảy tót đến ngồi cạnh hai người nhưng chỉ có dượng là ngẩng lên cười đáp lại tôi: "Mẹ mới nấu nồi chè ăn đi cho mát. Đợt này An nghỉ mấy ngày, khi nào thì lên Hà Nội?"
"Dạ con được nghỉ 4 ngày thôi, sáng sớm ngày kia con lên" Tôi nhanh nhẹn lấy bát với thìa trong bếp, sà xuống nồi chè đang để trước quạt cho nguội.
Thôi thì mặc dù không thấy sai nhưng tôi cứ mạnh dạn làm lành với mẹ vậy. Vừa đưa vào miệng thìa đầu tiên là tôi tíu tít hết lời khen ngon, mồm năm miệng mười khen mẹ tôi nấu kiểu gì mà không quán chè Hà Nội nào địch lại được, thế này mà mở quán thì mấy hãng đấy chỉ có nước đóng cửa. Mà thực sự tôi không khen điêu, dù có được ăn bao nhiêu lần thì chè mẹ nấu ngay miếng đầu tiên cũng ngon đến chấn động vị giác.
Bát chè có màu đỏ sẫm của đậu nổi bật giữa lớp cốt dừa trắng mịn. Từng hạt đậu được ninh kỹ, mềm bở nhưng vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng, mỗi khi cắn vào là vị ngọt bùi tan nơi đầu lưỡi. Cốt dừa béo ngậy, thơm mát lan tỏa, hòa quyện cùng vị đậu đỏ, tạo nên một nét cân bằng hoàn hảo giữa bùi, béo, và ngọt. Mỗi thìa chè đều đọng lại dư vị êm ái trong miệng mãi chẳng chịu tan. Thêm chút đá bào lạnh là mùa hè ngoài kia cũng chỉ dám dừng lại sau nồi chè của mẹ tôi.
Tôi muốn ăn thêm ba nồi chè nữa hoặc là đánh cắp rồi mang nó lên Hà Nội, nhưng chè ăn mãi cũng hết thì tốt nhất là nên đánh cắp luôn mẹ tôi.
"Dượng với mẹ con ăn chưa?" Tôi đút hai ba thìa cuối trong bát vào miệng cùng lúc, tay múc thêm chè trong nồi rồi tự thêm cốt dừa. Cảm thấy mình bỗng chốc trở về nạn đói năm 1945.
Dượng tôi bật cười: "Cứ ăn đi, tao với mẹ mày ăn trước để chuẩn bị đi bơi rồi"
Nhà tôi gần biển nên cứ chiều chiều, mọi người trong khu phố lại rủ nhau đi bơi cho mát, vừa vận động vừa tranh thủ cập nhật tình hình thời sự giá dưa giá lê, gắn kết tình làng xóm. Tôi thì không hứng thú lắm, có theo ra cũng chỉ ngồi trên bờ xây lâu đài cát với Nghé.
Tôi trộm liếc mẹ, khen thao thao bất tuyệt một bài dài như thế mà mẹ vẫn chẳng chịu để ý đến. Bình thường, dù có giận mấy thì chưa hết ngày mẹ cũng sẽ nói chuyện lại với tôi, nhưng hôm nay có vẻ mẹ thật sự giận lắm rồi, nhất quyết lạnh nhạt với tôi đến cùng.
Tôi xúc thìa chè cuối vào bát, vừa ăn vừa len lén nhìn dượng. Thấy dượng nhìn lại, tôi liền lập tức bật đèn pha, nháy mắt liên tục ra hiệu về phía mẹ. Dượng tôi ra chiều hiểu ý, dè chừng mẹ rồi hắng giọng: "Nay lại không thấy nóng lắm nhỉ?"
Mẹ tôi đang chăm chú xem phim, nghe thế thì quay lại nhìn dượng kỳ quặc: "Ông dở à, không nóng đã bật điều hòa rồi còn quạt lấy quạt để làm gì?" Dượng tôi lúc đó mới ngó xuống cái quạt mo trên tay, lẳng lặng đặt ra sau lưng.
Tôi thở dài, nhìn đồng minh của mình bị mẹ chiếu tướng ngay từ nước đầu tiên. Không đầu hàng, dượng tôi vờ vịt tiếp tục xem phim, nghĩ nghĩ hai phút lại quay sang bảo tôi: "Cái An trên Hà Nội chắc công ty toàn cho đi biển nghỉ mát nhỉ, tốn tiền tốn của mà về nhà biển đầy ra chả thấy đi chơi."
Mở bài hơi lòng vòng nhưng tôi đề cao tinh thần hàn gắn của dượng: "Ơ nhỉ, con quên mất đấy, dượng cho con đi bơi với" Đầu tôi như mọc thêm cái ăng ten, bắt sóng mượt mà hơn cả Sunsilk.
"Thôi nay tao đau lưng. Mẹ nó chở con An đi bơi đi, tao ở nhà nấu cơm cho!" Tinh thần đồng đội này có tuyệt vời không? Quá tuyệt vời là quá tuyệt vời.
Trình bày vấn đề xong xuôi, hai dượng con tôi nín thở chờ tín hiệu phản hồi từ mẹ.
Mẹ tôi vẫn lạnh lùng xem tivi.
Một phút rồi hai phút, tưởng chừng từ bỏ ngôi sao hy vọng ở đây thì tôi nghe tiếng "Cạch". Mẹ tôi để cái điều khiển xuống bàn kính, đứng dậy đi qua tôi: "Ăn no đi rồi lên thay quần áo".
Chờ mẹ đi rồi tôi liền quay sang làm động tác "Âu de" ăn mừng. Đợi mẹ hết giận, tôi sẽ làm đơn gửi các ban, bộ, ngành, lãnh đạo trao tặng huy chương "Mr. Grand Vietnam" cho dượng - người chiến sĩ đã kiên cường, bền bỉ gìn giữ hòa bình cho mái ấm nhỏ này suốt hơn chục năm qua.
Dượng nhấp ngụm nước chè, nuông chiều cười với tôi: "Không nhanh lên mẹ mày lại cho ở nhà bây giờ."
Tôi cứ nghĩ có thể tranh thủ lúc hai mẹ con ở riêng mà làm lành với mẹ, nhưng đời đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhân vật phản diện mà tôi không ngờ đến, bỗng xuất hiện ngay trước cổng nhà - cô Mai hàng xóm, với trang bị mũ bơi, phao kính sẵn sàng như chờ ở đây từ hôm qua. Vừa thấy chúng tôi ra, cô hớn hở khoác tay mẹ tôi: "Nài, biết gì chưa? Hôm qua con Hằng nhà bà Thu cãi nhau với chồng xong xách vali bỏ về nhà mẹ đẻ đấy!"
Mẹ tôi, tất nhiên, nào có bao giờ bỏ qua mấy tin tức nóng như này: "Đấy! Tôi đã bảo rồi mà lị, con bé đấy đỏng đảnh chảy nước, nhà cửa không chịu dọn, việc gì cũng đến tay chồng thì sao mà không cãi nhau." Thuận nước đẩy thuyền, cô Mai chép miệng: "Gớm xinh thế bố ai mà biết. Đây đây em kể cho mà nghe..."
Bấy giờ cô mới ngó thấy tôi, đứa vẫn đang tò tò theo sau lưng mẹ: "Ơ con An đấy à! Về nghỉ lễ hả cháu?"
"Cháu chào cô, cháu cũng mới về được ít hôm ạ" Tôi cười ngoan ngoãn trả lời cô rồi dắt chiếc xe đạp dân tổ đã theo tôi suốt những ngày cấp ba ra.
"Mày đi xe đấy đi để mẹ nói chuyện với cô!" Không một động tác thừa, cô Mai kéo tay mẹ tôi ra yên sau xe: "Biết sao không, hôm qua em ở nhà nghe thấy hai mẹ con nó..."
Thế rồi họ chở nhau đi mất, tôi lò dò đạp theo sau.
03.
Có những chuyện từ tận bao giờ, không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ, như lần cuối tôi ra biển bơi là khi nào.
Năm tuổi, mẹ lần đầu dạy tôi tập bơi. Vì ngay gần biển nên trẻ con trong khu tôi sống biết bơi rất sớm, mỗi mùa hè lại kéo nhau ra biển nghịch cát, nô đùa ầm ĩ. Mẹ sợ tôi đuối nước, kéo tôi đi tập bơi bằng được.
Chẳng phải con nhà nòi, nhưng tôi học rất nhanh, ngày đầu tiên đã biết bơi ngửa, hôm thứ hai liền có thể bơi chó. Tôi nhớ rõ ánh mắt trầm trồ của mấy đứa bạn cùng lớp mẫu giáo, khi thấy tôi bơi chó ngon lành một vòng quanh bể bơi, trong khi tụi nó chỉ biết lóng ngóng bơi ếch. Thú thực, tôi thấy bơi ếch rất xấu. Chỉ xét đến con ếch với con chó thôi cũng biết con nào xinh hơn rồi mà. Lúc bơi ếch hai chân phải dang rộng, tôi thấy không thanh lịch bằng sự khép nép uyển chuyển của bơi chó. Không những thế, các bạn cũng chẳng ngẩng mặt lên trên mặt nước hít thở liên tục được như tôi.
Chỉ một tuần sau, Hạ An đã có thể bơi sải trước ánh mắt hâm mộ của tất cả bạn bè đồng trang lứa trong hồ bơi trường mẫu giáo. Nhưng điều làm tôi hãnh diện nhất lúc đó, không phải vì bản thân bơi đẹp nhất, cũng không phải vì là đứa biết bơi nhanh nhất ở đây. Mà vì các bạn phải đi học giáo viên mà chẳng đứa nào biết bơi nhanh bằng tôi được mẹ dạy.
Tôi vẫn nhớ khoản tiền học bơi lúc đó rất đắt. Thay vì như các phụ huynh khác, chở con đến bể bơi rồi đứng ngoài xem, mẹ tôi phải xin lãnh đạo về sớm, tự kèm tôi hai tiếng mỗi chiều. Mẹ chưa bao giờ nói có thể kiếm được bao nhiêu tiền nếu ở lại cơ quan làm hết giờ hay tăng ca. Mẹ chỉ bảo: "An giỏi thế nhỉ, mới hai ngày đã bơi được một đoạn rồi, tiết kiệm bao nhiêu tiền học bơi cho mẹ."
Có lẽ vì câu nói ấy mà tôi có mệt cũng quyết bơi hết hai vòng bể bơi. Cũng vì câu nói ấy, tôi không do dự lao xuống biển cứu một bạn học đang chới với. Hạ An lúc năm tuổi, đã thực sự muốn trở nên mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ. Chỉ tiếc rằng đứa nhỏ năm tuổi lúc đó, đẩy được bạn vào bờ xong liền theo sóng trôi ngược ra biển. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, tôi xuống biển mà không mang theo áo phao.
04.
Chiều nay, khi nắng đã bớt gắt, khu bãi tắm cũng bắt đầu trở nên đông đúc. Khu vực này không phải vùng du lịch, chỉ đơn thuần là bãi tắm của người dân địa phương tự quản, nên vẫn giữ nét giản dị và mộc mạc vốn có của nó. Không có mấy anh trai sáu múi hay chị gái diện bikini sải dáng, xung quanh nơi tôi đứng toàn các cô chú có tuổi cùng đám trẻ con đang reo hò í ới, đuổi nhau thả diều. Tôi phì cười trước bác gái vì muốn tắm biển từ sớm mà phải mặc cả áo chống nắng, đeo kính râm và đội mũ rộng vành để đi bơi. Tiếng sóng biển rì rào hòa cùng tiếng cười nói ríu rít, dễ chịu như trong mấy audio tiếng ồn trắng mà tôi vẫn nghe lúc căng thẳng. Dượng tôi nói đúng, tôi đã bỏ lỡ khung cảnh này rất nhiều lần mỗi khi về quê.
Nhìn mọi người ai cũng thoải mái thư giãn còn tôi thì vẫn quanh quẩn chôn chân ở đây.
Một mình.
Tôi chán nản gảy gảy đống cát dưới chân. Mẹ với cô Mai đang say sưa hàn huyên chuyện nhà chị Hằng tít mãi ngoài chỗ chăng dây phao an toàn. Sao mọi người lại kéo nhau ra tận ngoài đấy nhỉ? Nước chỗ đó trong và mát hơn à?
Tôi cũng muốn ra đó.
Tôi đứng trên bờ biển rất lâu, gió vẫn thổi không ngừng còn hai bàn chân cứ dụi tới dụi lui. Do dự rồi chần chừ hết lần này đến lần khác, liệu có nên bước xuống? Đã quá lâu rồi tôi không dám bén mảng đến ao hồ sông biển. Cái cảm giác bị nhấn chìm đến ngộp thở ấy cứ đeo bám tâm trí tôi mãi chẳng buông. Ám ảnh nó như thế nhưng lại chẳng dám kể cho ai, tôi vẫn muốn mẹ tự hào khoe với mọi người là tôi bơi rất giỏi. Vẫn muốn là đứa trẻ không ngại nguy hiểm, lao xuống cứu bạn thoát chết. Tôi cứ từ chối rồi viện lý do, lâu dần mọi người chẳng ai ép tôi đi bơi nữa.
Chẳng biết mẹ tôi có lờ mờ đoán ra không, trước lúc xuống bơi, mẹ ấn cho tôi cái can rỗng. Tôi còn chẳng để ý mẹ xách nó đi lúc nào, chỉ biết vừa nãy dúi cho tôi xong, mẹ bảo: "Áo phao của Nghé không vừa nên dùng tạm cái này đi. Buộc dây vào eo, muốn xuống tắm thì bám vào. Nhớ đừng có đi xa bờ."
Dây thì buộc vào eo rồi, nhưng xuống thì tôi chưa dám. Hay cứ thử một lần?
Tôi ôm cái can vào ngực, đứng cách chỗ sóng biển đánh đến một bước chân, cúi thấp người xuống, rón rén nhón một ngón chân chạm vào nước.
"Biển ăn thịt chị à?"
Giữa cái lúc tóc tai đang dựng đứng vì tập trung thì giọng ai đó thì thầm vào tai làm tôi giật bắn.
Quay lại, một đám trẻ bốn năm đứa lạ hoắc đang đứng trố mắt nhìn tôi như sinh vật lạ. Cảm giác xấu hổ ập tới khiến tôi ý thức được hành động vừa nãy của mình trông có hơi hèn. Tôi cười sượng: "Chị thử xem nước có lạnh không."
"Điêu, chị không biết bơi chứ gì?" Một đứa cao ngang bụng tôi lên tiếng.
Tôi cuống quýt xua tay: "Vớ vẩn, chị bơi hơi bị siêu"
"Thế chị cầm cái can làm gì?" Đứa bên cạnh nó thắc mắc.
Tôi chột dạ, là do bọn trẻ con bây giờ lanh lợi quá hay do tôi đang bị nắm thóp nên chẳng nghĩ ra cách nào để phân bua: "Chị...ờm... chị... chị cầm hộ mẹ." Cái giọng ấp úng như mới bập bẹ biết nói của tôi không biết có bao nhiêu phần đáng tin, chỉ thấy chúng nó bụm miệng cười rồi thì thầm với nhau gì đấy. Quê không để đâu hết An ơi!
"Vậy chị có xuống bơi không?" Một đứa lại gần hỏi.
Thôi, nhỡ đâm lao rồi thì phải theo lao, tôi cố vòng vo để tụi nó đi ra chỗ khác cho đỡ quê vậy: "Chị có..."
"Deeee, thế xuống thôi"
"Nhưng phải chờ mẹ chị quay lại đã." Vế đằng sau còn chưa kịp thốt ra, cả đám nhóc đã xông lên xách tôi lao tùm xuống biển.
Ối giời ôi!! Cứu!!!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top