Chương 5: Hồ Ngầm
Nhiều năm về trước, Lôi Bản Xương vô tình gặp phải một tên trộm mộ ở nơi này, tên trộm mộ nói với ông ta, trong cánh rừng tùng phía sau núi có một ngôi mộ cổ, long quan khuẩn trong mộ đã bắt đầu trưởng thành, trong vòng ba năm sau, bất cứ lúc nào cũng có thể đến hái. Ông ta tuổi ngày càng cao, vốn cũng không muốn dùng đến thứ bàng môn tả đạo này, nhưng đến hôm nay, đây là cơ hội duy nhất để câu được con cá này trong lúc vẫn còn sống.
Tôi vừa nghe liền biết đại khái chuyện gì xảy ra rồi, bao gồm những chuyện ông ta muốn nói và không muốn nói. Trước đây, ông ta từng nói mình đã từng "cầm đèn" suốt hơn năm mươi năm, vừa nhìn là biết Muộn Du Bình cũng là dân trong nghề.
"Cầm đèn" là một trong những tiếng lóng vùng Trung Nguyên, chỉ người phụ trách chia chiến lợi phẩm trong lúc đổ đấu. Mấy chục năm trước đồ trong mộ cổ hẵng còn nhiều, lúc chia chiến lợi phẩm phải dựa vào chức trách, kinh nghiệm, mức độ mạo hiểm, mỗi người trong đội lại chia phần trăm khác nhau. Con số này phải được thỏa thuận rõ ràng trước khi lên đường, đa phần đều có ám hiệu riêng, chia thành các bậc "hoa mai", "cá hố", hoặc là "xe lửa". Thế nhưng giặc trộm mộ trình độ văn hóa thấp, hễ đào ra được đồ tốt là có vài người trở mặt ngay, cho nên phải có người "cầm đèn". Lũ trộm mộ thỏa thuận phân chia các ám hiệu "hoa mai", "cá hố", "xe lửa", "quân K" xong liền giao cho người cầm đèn, như thế, sau này nếu có kẻ nào trở mặt thì cứ tìm người cầm đèn mà kiểm chứng, người cầm đèn sẽ biết ai là kẻ lật lọng (nhưng nếu người cầm đèn cũng là tên vô lại thì hết cách rồi). Về sau khi lại gắp Lạt ma, người ta sẽ tìm người cầm đèn hỏi ý kiến.
Thực ra đó chính là một kiểu hệ thống đánh giá rủi ro tín dụng.
Người cầm đèn thường tiếp xúc với rất nhiều kẻ trộm mộ, hơn năm mươi năm, chỉ cần liếc mắt một cái là nhận ra ai là người trong nghề rồi. Bàn Tử và tôi từng nói, tú bà nhìn một đám người, nhìn một cái biết ngay ai là gái điếm. Người trong ngoại bát hàng rất khác với người bình thường.
Tôi nhìn chằm chằm ông lão, cũng có chút cảm khái. Nếu là tôi của mấy năm trước, ắt sẽ cảm thấy đây đúng là một lão tiền bối, người từng trải từng cái giơ tay nhấc chân đều đem lại cảm giác áp bách, có khi tôi còn run rẩy cả hai chân ấy chứ. Nhưng hiện giờ, trong thôn làng này, gặp ông cụ này, kỳ thực tôi cũng đã là một tay sừng sỏ chốn giang hồ rồi. Điệu bộ của ông ta, cách uống trà, cách nói năng, rất ra dáng đấy, nhưng không biết từ bao giờ, khi nhìn thấy những ông cụ như thế này, trong lòng tôi chỉ còn lại thương hại.
Nếu anh đã từng đi còn xa hơn người ta, anh sẽ không còn chút gì sợ hãi nữa.
"Loại sách cổ này có tin được không?" Tôi lật xem tập Ngư chí phô tô kia: "Tuy không biết sau núi là chỗ nào, nhưng nghe là biết chỗ đó cách đây không quá xa, sao ông không tự đi lấy đi? Mộ đã từng bị người ta đào rồi, chắc cũng không nguy hiểm gì đâu."
Lôi Bản Xương thở dài, lắc đầu nói: "Tuy tôi có quen nhiều tên trộm mộ, nhưng bản thân tôi thì không được. Thực ra suốt mấy năm nay tôi cùng từng nhờ vả rất nhiều người, nhưng họ đều không muốn giúp. Những người này, nếu không được lời lãi gì thì còn lâu mới giúp người khác."
Mộ cổ kia rõ ràng đã bị trộm rồi, đổi lại là tôi tôi cũng chả chịu đao to búa lớn chỉ vì giúp người ta đào một cỗ quan tài đâu. Nhưng ông ta từng nói bọn tôi sẽ có món bở béo gì mà, tôi bèn hỏi đó là cái gì.
Ông lão đột nhiên nhòm ra phía cửa, đứng dậy đóng cửa lại, sau đó mới quay vào buồng trong, cũng đóng chặt cửa buồng nốt, sau đó bảo bọn tôi giúp dọn hết đống cần câu treo trên một mặt tường xuống. Xong xuôi, bọn tôi mới kinh ngạc nhìn thấy trên vách tường kia có đầy nét vẽ.
Thư pháp của ông lão rất đẹp, trên các nét vẽ đều có dòng chữ chú giải, có mấy đường nét nhìn là hiểu, đó là hình vẽ mấy đỉnh núi, cạnh hình vẽ đều có đánh dấu khoảng cách. Bên dưới mấy ngọn núi đó vẽ rất nhiều nhánh sông, tôi vừa nhìn liền biết những đường cong rất dài rất kỳ quái được bôi đen đó không phải sông chảy giữa các hẻm núi trên mặt đất, mà chính là mạch nước ngầm.
"Tôi câu cá ở sông ngầm chỗ này, để biết rõ hướng chảy của sông ngầm, câu được cá tôi bèn đánh dấu lên nó, sau đó thả lại xuống nước. Hơn mười năm trôi qua, cá trong đầm ở chỗ này đều câu được ở đầm bên kia, nơi xa nhất là cách ba mươi cây số. Đánh dấu lại hết, xong liên kết chúng lại với nhau, toàn bộ đều ở đây cả, đây chính là hướng chảy của hệ thống sông ngầm." Ông cụ hưng phấn nói, giống như một đứa bé đang khoe khoang chiếc đĩa CD mà mình giấu được.
Ba người bọn tôi đứng cả dậy, đứng thành một hàng, học tập điệu bộ của Muộn Du Bình, hai tay đút túi, mắt nhìn lên tường. Những đường cong màu đen này cứ như những mạch máu hóa đen, trên hệ thống mạch máu này có chú giải rất nhiều chữ số, có đến hơn mười hàng chữ liền.
"Đây là cái gì?"
"Đấy là thời gian." Ông lão nói: "Là quãng thời gian cá được thả ở đây, đi qua sông ngầm chỗ này, đến được đầm nước kế tiếp. Làm thế để phán đoán được mức độ ngoắt ngoéo của mạch nước ngầm. Rất kỳ diệu, có những đầm nước chỉ cách nhau có một hai cây số thôi, nhưng cá bơi qua đấy phải mất đến mấy tháng trời. Có những đầm nước cách nhau những hơn ba mươi cây số, nhưng cá chỉ mất một buổi tối là đến bờ đầm bên kia rồi."
"Là do dòng nước à?" Tôi hỏi.
"Hồi đầu tôi cũng tưởng vậy, nhưng không phải. Tôi thử thả cá ở đầm nước cách đấy hơn ba mươi cây số, nhưng đến đầm nước tiếp theo ở phía ngược dòng thì vẫn câu được đúng con cá đó, chỉ trong vòng một ngày. Nếu là vì dòng nước thì đáng lẽ chỉ xuôi dòng thôi chứ, sao ngược dòng cùng vẫn vậy? Về sau tôi mới phát hiện, còn có một lý do khác. Có khả năng là thế này, thứ liên kết tất cả các đầm nước kia không phải là mạch nước ngầm, mà là một thứ khác."
Ông ta chỉ vào vùng trung tâm, có một vòng tròn lớn đánh dấu ở đó, tô kín một màu đen. Tất cả các đường cong vẽ mạch nước đều nối vào hình tròn đen này.
"Đó là cái gì?" Bàn Tử hỏi.
"Đây là hồ ngầm." Ông lão tiếp tục nói: "Nhưng không phải hồ tự nhiên. Mà là do sức người tạo nên."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top