Chương 24: Người Câu Xác Trên Sông Hoàng Hà
Chúng tôi ngẩng đầu lên, thấy phía trên đỉnh đầu chúng tôi treo rất nhiều lư hương chạm rỗng hình tròn, to gấp đôi một trái hạch đào. Có lẽ là bởi chúng được treo bên dưới mái hiên, nên không bị kết nhiều muối lắm, có thể nhìn thấy xen kẽ những mảng muối là kim loại đen sì sáng bóng. Tôi giơ tay lên, dùng dao gõ gõ vào một trong số đó, thấy từ bên trong rơi ra lả tả nhiều mảnh vụn. Chúng tôi đều lùi lại né tránh, phát hiện dường như đó là cặn thuốc bắc.
Muộn Du Bình ngồi xổm xuống xem xét một lúc, rồi đứng dậy gỡ một cái lư hương xuống. Thì ra trên trần trang thờ này có treo rất nhiều lưỡi câu, móc lấy cái vòng tròn gắn trên đỉnh lư hương. Hắn ngửi thử một cái, rồi lắc lắc, cũng không biết là cái gì.
Bàn Tử cũng tháo một cái xuống, gạt hết muối dính bên trên. Đó là một món đồ được chạm rỗng, làm bằng bạc, đã biến màu đen sì, vốn là có thể vặn mở nắp ra, nhưng bây giờ chúng đã bị ăn mòn rồi dính chặt vào nhau rồi. Anh ta dốc hết cặn thuốc bên trong ra, xác định chắc chắn bên trong không có sâu bọ gì, mới bỏ nó vào ba lô.
"Anh làm gì thế?" Tôi nổi giận hỏi. Bàn Tử nói: "Chưa bao giờ thấy cái của nợ nào như thế, chắc là đáng tiền nhỉ?"
"Bây giờ chúng ta còn thiếu tiền sao? Cả đời có thể tiêu được bao nhiêu tiền chứ." Tôi nói. Bàn Tử chậc một tiếng: "Cậu xem cậu đi, ai hiếm lạ gì mấy đồng tiền thúi của cậu chứ. Cái người ta muốn là cảm giác này cơ."
Tôi không để ý đến anh ta nữa, nhìn xung quanh một lượt. Đi qua trang thờ này, còn có thể tiến vào trong nữa, bàn thờ thần này hình như vẫn chưa phải trung tâm hồ, phía trước có lẽ vẫn còn những thứ khác.
Kiểm tra kỹ lưỡng lại một lần nữa, vẫn không có thu hoạch thêm gì, tiền tiếp tục đi về phía trước. Tôi liền nghĩ đến câu chuyện Long Vương trong ao tù mà Muộn Du Bình đã nói đến.
Tôi không biết bất kỳ truyền thuyết nào về "tử thủy Long Vương", nhưng "tử thủy Long Vươn", nghe tên, thì có mấy cách giải thích. Một là, Long Vương ở trong ao tù, "tử thủy" thường để chỉ những vùng ao tù nước đọng không được lưu thông, trong đầm nước khép kín, nước sẽ dần dần bốc mùi tanh hôi. Bởi thế, trong các tiểu thuyết chí quái ngày xưa, những vùng nước nơi rồng sinh sống thường đòi hỏi yêu cầu rất cao, không phải là vùng nước ở gần động tiên đất lành, thì cũng là đầm sâu vạn trượng, nối thẳng đến biển khơi, hoặc là điểm hội tụ của chín con sông lớn. Long Vương gì mà lại ở trong ao tù, đây là cái thiết lập gì không biết, chẳng lẽ là vì nghèo quá.
Suy nghĩ một chút thì thấy cũng phải, ông Long Vương nào mà lại mọc một cái đầu cá, chắc chắn là không có sức thuyết phục gì cả. Còn một cách giải thích khác, "tử thủy" là loại nước đụng vào là chết, có thể là nước độc, nước ngập, hay nước sôi. Tôi nghĩ, nếu là Long Vương trong nước sôi, thế thì đúng là canh đầu cá nấu đậu phụ rồi. Còn hai loại nước kia, bây giờ còn chưa nắm được manh mối gì.
Muộn Du Bình sẽ không giải thích với tôi, tôi cũng không hỏi hắn. Hắn không truyền thụ bất kỳ kiến thức gì của hắn cho người khác, cứ như thể đây là một loại truyền thống mà hắn buộc lòng phải tuân thủ vậy.
Chúng tôi tiếp tục đi về phía trước, đi được khoảng mười mấy phút, gió bỗng nhiên nổi lớn, tôi rõ ràng cảm nhận được gió vốn đang tạt ngang, bỗng đổi hướng thành gió từ trên đỉnh đầu. Bàn Tử cầm đèn mỏ chiếu là trên đỉnh đầu, trên vòm trần hang của mặt hồ, chúng tôi nhìn thấy vô số lỗ hổng lớn, vô cùng đáng sợ, gió đều từ trong đó thổi ra.
Đây là cảnh tượng rất hiếm gặp, chúng tôi bật hết tất cả các đèn mỏ và đèn pin mắt sói lên, quét qua khu vực trần hang ở vùng hồ này, liền nhìn thấy trong nhiều hang động trên trần còn có các thác nước đổ xuống. Thác nước không lớn, tiếng nước chảy bị lấn át bởi tiếng gió.
"Nước trong hồ ngầm dưới lòng đất này, có một phần là đến từ những hang động trên kia đây, vào mùa nước lớn, nước từ trên núi đổ xuống đây. Các cửa hang trên kia chắc là những hang động do bị ăn mòn mà thành, còn có một phần nữa là các hang động dưới đáy nước, thông xuống con sông ngầm bên dưới." Tôi nói.
"Cá trong hồ này, làm sao mà đi được trên mặt đất chứ?" Bàn Tử hỏi.
Tôi nói: "Chắc là vào thời điểm năm đó, mực nước ở đây rất cao, cánh đồng muối mà chúng ta vừa đi qua vốn cũng là đáy hồ."
Thực ra điều này vẫn không hợp logic cho lắm, thời điểm con quái ngư kia xuất hiện vào năm đó vốn là vào mùa nước cạn, Phúc Kiến hiếm khi gặp hạn hán lớn, có khi mực nước hồi đó còn thấp hơn cả bây giờ. Thế nhưng con cá kia dường như vẫn có thể lên được mặt đất, chẳng lẽ là vì mực nước cạn quá, nên mới khiến cá trong hồ phải ngoi lên bờ tìm nguồn nước mới. Nên mới lên trên mặt đất?
Bàn Tử lôi di động ra selfie vài tấm, ở đây không có sóng, may mà số pin còn lại vẫn đủ để bật flash, anh ta kéo Muộn Du Bình lại chụp mấy tấm liền. Còn bắt Muộn Du Bình chụp một kiểu ảnh cho tôi với anh ta nữa chứ.
"Cậu nói xem, hồi đó mà điện thoại tiên tiến như bây giờ, chắc tụi mình đã nổi như cồn trên mạng từ lâu rồi." Bàn Tử nsoi: "Tiếc thật, trước cửa Thanh Đồng tụi mình phải chụp một tấm mới phải, Thiên Chân, hay là chúng mình quay lại đấy chụp bù đi."
Tôi thầm cười hề hề, giục bọn họ đi tiếp. Đi thêm khoảng nửa giờ nữa, tôi bắt đầu thán phục trước sự mênh mông của cái hồ này. Đến chỗ này, đèn pin chiếu xuống nước, chúng tôi phát hiện mực nước ở đây đã cạn lắm rồi, hình như là do đáy hồ có một quả đồi, nhưng không nhô lên khỏi mặt nước. Nhưng đứng từ vị trí này có thể nhìn thấy đáy hồ trắng xóa, thế thì mực nước chỉ đến thắt lưng chúng tôi là cùng.
Không nhìn thấy bất kỳ con cá nào, hơi có cảm giác như đang ở bên bờ biển ngắm bãi san hô cạn vậy. Tiếp tục chiếu đèn pin về phía trước, chúng tôi lại chiếu đến một tòa kiến trúc to lớn, nằm ở ngay trên đoạn đê phía trước. Về hình dáng, tòa kiến trúc này giống hệt như ngôi miếu thờ vừa nãy. Đèn pin và đèn mỏ sắp hết pin, không thể chiếu rõ được toàn cảnh của thứ đó được. Còn có thể nhìn thấy, trên con đường bờ tường đá mà chúng tôi đang đi thông thẳng vào trong tòa kiến trúc kia bắt đầu xuất hiện những pho tượng tử thủy Long Vương. Nhưng lần này, các pho tượng không quay về phía mặt nước nữa, mà quay về phía chúng tôi.
Chúng tôi đều dừng bước, nghĩ thầm quả nhiên trong này có Càn Khôn, không biết đây là cái nơi quái quỷ gì đây.
Cái bóng đen kia ít nhất cũng phải cao cỡ một tòa nhà mười mấy tầng, nhìn toàn bộ đường nét cái bóng thì trông cũng giống như một pho tượng Long Vương kia vậy. Bàn Tử nhìn tôi, tôi cũng nhìn Bàn tử, rồi cả hai chúng tôi cùng nhìn Tiểu Ca. Cả ba đứa ôm bả vai nhau, Bàn Tử lấy cái bóng đen kia làm bối cảnh, dựa vào số pin còn lại, chụp một tấm tập thể. Di động Bàn Tử tự động sập nguồn. Sau đó, chúng tôi quay gót bỏ đi thẳng.
Đã không còn liên quan gì đến tôi nữa rồi.
Dọc đường trở về, đến khi quay lại chỗ trang thờ nọ, mới thấy Lôi Bản Xương cũng đi theo sau. Bao nhiêu đồ nghề câu cá ông ta đã bày ra hết, nhưng tay vẫn khư khư cầm cây cần cốt thép gói bằng cánh buồm màu vàng kia, cũng chính là cây cần câu xác. Ông ta dùng búa đập vào một vết nứt trên tường đá, lắp ổ trục và buộc dây câu vào một đầu cần, sau đó, ông ta rút từ trong ba lô ra một cái hộp cơm đựng đầy cát, bên trên cũng dán giấy vàng.
Lôi Bản Xương cố gắng thắp ba nén nhang, quỳ xuống trước hộp cơm, dập đầu ba cái, sau đó mới bắt lấy một con cua từ trong hộp cát ướt, dán giấy vàng lên, rồi buộc vào một đầu dây câu. Ném xuống nước.
"Đây là kỹ thuật câu gì vậy? Sao tôi chưa thấy bao giờ?" Tôi hỏi.
Lôi Bản Xương nói: "Đây là con cua do một người câu xác trên sông Hoàng Hà tặng tôi, nó sẽ giúp tôi tìm được con trai mình."
Bàn Tử thở dài, vỗ ông lão một cái, rồi đi nghịch hộp cơm kia. Trong cát vẫn còn nhiều con cua khác, không quá lớn không quá nhỏ. Bàn Tử lắc đầu chê bôi. Tôi thầm nghĩ, má nó ngay cả cua của người câu xác mà ông anh cũng muốn xơi à.
Buổi tối hôm đó, thực ra thì trời sắp sáng rồi, chúng tôi dựng lều ở bên bờ, Bàn Tử ngồi một bên đặt mấy cái bẫy, vạch dây thép cảnh giới. Chúng tôi đun nước nấu cơm, ăn xong thì đánh một giấc, ngủ đẫy rồi, Lôi Bản Xương mới bắt đầu câu con quái ngư kia. Chuyện mà ông ta muốn làm từ hai mươi năm trước, cuối cùng cũng sắp thực hiện rồi.
Bàn Tử lôi rượu ra, sau khi Lôi Bản Xương ngà ngà say, mới bắt đầu chịu mở lời, kể cho chúng tôi nghe cặn kẽ những gì mà con trai ông ta đã trải qua vào năm đó.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top