Chương 4: Di Dời Quan Tài

Phần mộ tổ tiên nhà họ Ngô nằm trên sườn hướng nắng của một ngọn núi đá, núi cao chừng 200 mét, không nguy nga hùng vĩ gì, ở đó cũng không chỉ có mỗi phần mộ của nhà họ Ngô. Ở sườn núi phía chính diện, nằm rải rác ở nhiều vị trí khác nhau đều có khoảng bốn, năm ngôi mộ đủ hình dáng. Đều là âm trạch của các hộ nhà giàu trong thôn. Trên núi có một con đường đất, vì bình thường không mấy ai qua lại nên cỏ dại mọc um tùm, cũng may bây giờ đang là mùa đông, trên người mặc nhiều quần áo, cỏ cũng ít hơn mùa khác, đi lại không quá khó khăn.

Trước mặt ngọn núi này vốn có một con suối rất lớn, cái khái niệm gọi là đất báu phong thủy đối với người xưa cũng chính là cảnh "nhìn sông tựa núi" như thế này đây. Có điều, bây giờ người ta xây một cái đập thủy điện nho nhỏ ở đó, lại còn có cả người khai thác cát, con suối đó đã cạn khô từ lâu rồi.

Nghi lễ di dời phần mộ được lựa chọn cử hành vào buổi sáng ngày thứ ba từ khi tôi về thôn, xem hoàng lịch thì đó là một ngày tốt, cho nên không chỉ nhà chúng tôi mà nhiều nhà dân khác cũng đang tất bật chuẩn bị, trên núi đá chật như nêm cối, chỗ này một đám, chỗ kia một đám.

Tôi thuộc hàng trên cùng trong đám đích tôn, đã đến sớm quỳ trước phần mộ từ lâu, bên cạnh có lão đạo sĩ đang chuẩn bị cho công việc, khắp bốn phía liên tục vang lên những tiếng pháo lẹt đẹt nối tiếp nhau không ngớt.

Lúc trước tôi vẫn luôn hứng thú muốn xem xem phần mộ của một thổ phu tử trông như thế nào, nhưng nhìn rồi mới thấy thất vọng, cũng chẳng khác gì mộ phần của nông dân bình thường là bao, một ngôi mộ nom như một bức bình phong hình quạt được rưới xi-măng lên, đằng sau là một tấm bia to tướng cũng bằng xi-măng, đằng sau là khoảnh đất mộ nối liền với núi, mọc đầy cỏ dại, nếu không có phần xi-măng kia thì chắc chắn không nhìn ra được ở đó có mộ phần.

Chú Ba nói, mộ tổ nhà chúng tôi coi như cũng thuộc hàng lão làng trong thôn, thời Thanh triều còn có hương thân tu sửa lại, đám xi-măng kia là được tưới lên từ sau ngày đất nước mới thành lập. Phần mộ của ông nội được xây bên trên lớp mộ cũ, chừng sáu bảy mét bên dưới lớp mộ cũ kia mới đúng là phần mộ tổ tiên, nhưng nó trông như thế nào, thì bản thân các chú cũng chưa từng được nhìn thấy. Nhưng mà chắc chắn là không có địa cung, chú bảo tôi đừng có mong chờ gì, làm nghề này chỉ mong được toàn thây, sẽ không bao giờ làm cái chuyện rầm rộ này đâu.

Tôi nghe vậy mà bi ai, rồi đột nhiên lại cảm thấy rất chi là buồn cười. Cả một đám quỳ ở đây cũng phải đến một nửa là hạng người chuyên đi đào mộ phần nhà người khác, công đoạn bốc mộ lát nữa không biết có do bọn họ ra tay hay không nữa, nghĩ đến cảnh tượng đám người này đột ngột móc ra cả một đống xẻng gấp, tôi không khỏi tức cười. Giặc trộm mộ tự di dời mộ tổ nhà mình và pháp y tự khám nghiệm thi thể người thân mình, có lẽ phần nhiều đều là bất đắc dĩ.

Tôi quỳ mọp ở đó suốt hai, ba tiếng đồng hồ, tôi rét đến mức run lên cầm cập, mãi cho đến gần 11 giờ, lão đạo sĩ đi giày Nike kia mới làm lễ cúng bái xong xuôi, bố tôi dẫn đầu mấy người chú họ hàng đi đến nhấc bia mộ lên trước, sau đó cầm búa lên, bắt đầu mở mộ.

Đây là một công việc hoàn toàn không có tính kỹ thuật gì cả, đập suốt hai tiếng đồng hồ mới phá được lớp bên ngoài ra, ở dưới có bốn cái lỗ bằng xi-măng nằm ngang nhau, quan tài được đặt nằm trong đó. Có hai cái lỗ trống, chắc là chuẩn bị trước cho bà nội và bố tôi, hai cái còn lại chứa hai cỗ quan tài cổ bằng gỗ, tôi biết một trong số đó quan tài ông nội tôi nằm, cỗ quan tài còn lại là ai thì tôi không biết.

Chú Hai kiểm tra lại tên trên bia mộ, từ đây bắt đầu truy ngược lại, so với gia phả, thì bên dưới chắc hẳn còn chín cỗ quan tài nữa. Chú Ba nói, có một số là quan tài chôn di vật, ví dụ như ông cố hoặc cụ cố, những người có bối phận quá lớn, lên trên nữa tôi cũng không biết phải gọi là gì nữa, không biết bây giờ những cỗ quan tài cổ ấy như thế nào rồi, nếu đã bị sập thì lại càng phiền phức to.

Hai cỗ quan tài được khiêng ra ngoài, sau đó, bố tôi đập vỡ toàn bộ lớp mộ xi-măng bên trên, rồi bắt đầu đào xuống phần bùn đất bên dưới. Đến đây là nghề của đám chú Ba rồi, chỉ trong vòng một nén nhang, bọn họ đã đào xuống rất sâu bên dưới, chẳng mấy mà xuyên đến phần gạch xanh, chính là phần đỉnh của ngôi mộ tổ cũ.

Công đoạn sau đó tôi không được phép xem nữa, tôi bị bố gọi ra ngoài. Tiếp đó người ta bắt đầu khui phần đỉnh mộ ra, lão đạo sĩ bắt đầu niệm kinh, rải tiền giấy.

Tôi không biết bên trong phần mộ cũ đó như thế nào, nhưng xem ra thì có vẻ niên đại đã rất rất lâu rồi, mãi cho đến khi mặt trời xuống núi mới có một cỗ quan tài được khiêng lên trên. Đó là một cỗ quan tài cũ đã vừa mốc vừa nát đến nỗi không còn hình dạng gì nữa, vừa nhìn là biết không phải thuộc về thời hiện đại. Cỗ quan tài này vừa đặt xuống đất đã bốc lên một mùi cực kỳ khó chịu, chắc là mùi đặc biệt của đất bùn dưới đất.

Sau đó, cứ hết cỗ này đến cỗ khác được chuyển lên, một số cỗ vẫn còn bám đầy đất bùn. Chẳng mấy chốc, cả chín cỗ quan tài đã được chuyển ra ngoài, xếp thành một hàng thẳng tắp trên mặt đất bằng trên sườn núi. Mấy người xung quanh phun nước vào phần đầu quan tài, nơi có khắc tên chủ nhân cỗ áo quan. Sau đó, lão đạo sĩ bắt đầu ghi chép lại.

Tôi gần như tê cóng cả người rồi, mặc dù đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh tượng này, nhưng mà tôi vẫn chẳng có tí tẹo hứng thú nào, trên núi này lạnh quá đi mất. Khi nhìn thấy cỗ quan tài cuối cùng được chuyển lên, cuối cùng tôi cũng an tâm hẳn, nghĩ thầm mẹ kiếp cuối cùng cũng coi như xong rồi, đây đúng là cả một công trình lớn thấy mẹ luôn, chứ không thảnh thơi như khi xuống đất.

Sau đó người ta rửa sơ qua các cỗ quan tài một chút, định khiêng lên chuyển vào trong từ đường để một thời gian. Tổ tông đi trước, người ta phải khiêng cỗ quan tài cổ xưa nhất lên trước, rồi lần lượt các cỗ quan tài về sau đi sau, cho nên chúng tôi còn phải chờ người ghi chép lần tìm được tên lão tổ tông đã.

Ngay khi tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, bỗng nghe bố tôi quát gọi một tiếng rõ to, chúng tôi quay đầu lại, mới thấy mấy người ở trong mộ vẫn đang không ngừng kéo cái gì đó lên.

Mặt trời sắp xuống núi, sắc trời ngày càng tối, ông trẻ quát to một câu bằng tiếng Trường Sa, hỏi xem có chuyện gì thế?

"Vẫn còn một cỗ nữa!" Bố tôi kêu lên.

"Ủa?" Cả đám người ồ lên xôn xao, mọi người đều nhìn về hướng đó. Sau đó, chúng tôi đều nhìn thấy một cỗ quan tài khác dần được kéo ra khỏi phần mộ.

"Sao lại thế được?" Ông trẻ nhìn bia mộ, rồi lại nhìn những cỗ quan tài bày la liệt kia, ngơ ngác nói: "Lạ thật, sao lại dư ra một cỗ?"

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #kinhdị