khi trời tạnh mưa
Ảnh tốt nghiệp trung học phổ thông Thăng Long khóa 2009-2012.
Khôi và Hạo
Cảm ơn vì mọi kỷ niệm.
1.
Lần đầu tiên tôi trông thấy em, tôi vẫn nhớ, một buổi mai rợp nắng.
Em trong chiếc áo đồng phục trắng chậm rãi bước về phía trước, không hiểu sao khiến cho trước mắt tôi như có một lớp kính siêu thực. Bụi mờ trong không khí hóa thành những đốm sáng li ti, bay bổng bao lấy bóng hình em.
Mái tóc em dài chạm đến mắt, có những lọn còn được em nâng tay, vén gọn ra sau tai.
Tôi quay sang bên cạnh, mượn chiếc băng sao đỏ và sổ trực của bạn, cậu ấy hỏi tại sao thì tôi trả lời, "Bắt được học sinh nuôi tóc dài, để tao ghi giùm mày cho."
Hôm ấy, sổ trực của bạn tôi không có thêm cái tên nào, còn sổ tay của riêng tôi thì có.
Minh Hạo, Minh Hạo. Tên thật hay.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn vô thức lẩm bẩm tên em. Như một lời cầu nguyện.
2.
Thỉnh thoảng tôi bắt gặp em trên sân trường, trên hành lang, trước cửa phòng học, trong căng tin. Thật ra cũng chỉ có một vài lần đầu là vô tình bắt gặp, nhưng sau dần đối với tôi việc gặp em trở thành một loại thói quen, không làm thì sẽ thấy thiếu thốn.
Nói là gặp thì cũng không đúng lắm. Có lần là tôi đi sau lưng nhìn em và đám bạn cười đùa, có lần là tôi ngồi trước trên ghế đá chờ em ngang qua, có lần là tôi cố ước chừng thời gian được đứng ngay trước em khi xếp hàng trong căng tin, để có thể quay lại mà hỏi em rằng, "Cậu muốn ăn gì, để tôi nhờ cô lấy một thể".
Em nhờ tôi lấy một hộp sữa chua uống vị cam, tôi bảo rằng bụng rỗng uống sữa chua cam không tốt đâu, phải ăn thêm gì đó nữa. Em nhìn một lượt rồi chọn một chiếc bánh bao nhỏ bằng cái nắm tay. Tôi thấy vậy ít quá, nhưng không dám nhắc em ăn thêm, sợ em cho rằng tôi kỳ cục. Lòng tôi cứ thắc mắc tại sao em không ăn bánh mỳ trứng xúc xích hay là mỳ tôm nhỉ, học sinh nào cũng ăn mấy món đó, tại nó vừa rẻ mà vừa no lâu hơn.
Mãi sau này mới biết được, Minh Hạo không thích ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ. Dạ dày em không khỏe, nếu có thể, em sẽ ưu tiên những món luộc hấp thanh đạm. Khẩu vị của chúng tôi chẳng giống nhau gì hết. Đã thế, em lại còn nhăn mặt chê Ovaltine tôi hay uống không ngon bằng Milo, chưa kể em còn chả thích Milo bằng Yomost vị cam đâu đấy nhé.
3.
Trường chúng tôi chỉ chào cờ mỗi sáng thứ Hai đầu tiên của tháng. Tôi vẫn nhớ buổi đầu chào cờ sau khi tôi gặp em, lúc hát Quốc ca trời hãy chỉ lất phất mưa, nhưng tới khi trao cờ thưởng cho các tập thể lớp xuất sắc thì mưa bắt đầu nặng hạt. Thầy cô cố gắng gói gọn buổi chào cờ lại để học sinh có thể về lớp sớm, nhưng khi xong xuôi ai nấy cũng đều ướt nhẹp cả rồi, nên chỉ cần nghe tiếng trống một cái là mọi người đều nháo nhào cầm theo ghế nhựa chạy tán loạn.
Tôi vô thức nhìn sang dãy lớp em, chỉ thấy em dùng ghế nhựa che đầu. Mưa ướt làm áo em bám vào vóc người mảnh khảnh, tới lúc ấy tôi mới nhận ra em gầy như thế nào.
Còn chưa kịp xót đã thấy em buông tay, ngẩng lên trời, nhắm mắt lại. Có thể là do xung quanh đông quá, vội vàng đến mấy cũng chẳng thể mau mau về lớp được. Có thể là do cái ghế nhựa bé tí chẳng thể chắn nổi bao nhiêu mưa. Cũng có thể là Minh Hạo thích mưa rất nhiều.
Lúc ấy tôi mới nghĩ, à thì ra em hợp mưa đến vậy. Em hợp với khí trời mát mẻ, nắng dịu dàng không gay gắt. Hợp với gió thổi phảng phất và lá phượng chậm rơi. Hợp với những điều khó nắm bắt, những thứ tuy không cố chứng minh sự tồn tại của mình nhưng vẫn luôn lắng đọng trong lòng người không thể nào xê dịch.
Lúc ấy tôi cũng nhìn lên trời và nghĩ.
Liệu em có hợp với tôi không nhỉ?
4.
Có một lần, tôi ngồi trên phòng học tầng hai nhìn thấy lớp em tập thể dục dưới sân trường. Cái độ một giờ trưa trời nắng chang chang, thế mà thầy của em còn bắt học sinh chạy mấy vòng quanh sân.
Tôi xin phép cô giáo để ra ngoài, lấy cớ đi tới nhà vệ sinh ở sân sau để vòng qua chỗ lớp em đang tụ tập. Tôi vừa gần tới thì đúng lúc em chạy vụt qua.
Minh Hạo chạy bộ dưới nắng gắt thì hai má sẽ đỏ ửng. Em nhìn thấy tôi còn giơ tay lên chào.
Tôi không nghĩ đến em sẽ chào tôi, bước chân đang đều đặn bỗng khựng lại.
Khi tôi giơ tay lên thì em đã chạy qua mất rồi.
5.
Khoảng thời gian cuối năm ấy, có một dạo khí lạnh tràn về sớm, học sinh phải mặc cái áo khoác đồng phục lót bông nhà trường phát, đứa nào đứa nấy trông tròn xoe.
Cũng vì thời tiết thay đổi mà các hàng quán bán đồ ăn vặt cạnh trường đổi sang mấy món nóng như là súp cua với cháo lòng. Thời gian ấy cũng gần với kỳ thi, nên đa số học sinh đều ở lại trường học thêm ca phụ đạo buổi tối. Chúng tôi chỉ nhăm nhe chờ ca học buổi chiều xong là túm năm tụm ba đi ra cổng trường.
Tôi vừa ngồi xuống hàng cháo lòng với bạn thì nhìn thấy em ở hàng sủi dìn bên cạnh, vừa thổi vừa ăn, thỉnh thoảng còn nói chuyện phiếm với bác bán hàng. Bình thường học xong đói bụng, học sinh sẽ muốn ăn mấy món như là bánh mì, xôi, nên giờ này chẳng có ai ngồi ở quán sủi dìn ngoài em cả. Tôi vừa định đứng dậy đi sang bên đấy thì chủ quán đã mang bát cháo của tôi ra, tôi đành chịu nóng mà húp vội vội vàng vàng.
"Khiếp, hai bát không?" Bạn tôi hỏi khi thấy tôi đặt bát xuống.
"Tao qua bên kia tráng miệng. Ăn xong trả hộ nhé tí về lớp tao đưa tiền." Tôi nhanh chóng lau miệng rồi bỏ đi.
May là em ăn chậm, lúc tôi sang tới nơi em vẫn còn nhai lúng búng. Tôi dùng chân đẩy đẩy cái ghế nhựa tới bên cạnh em rồi ngồi xuống, gọi một bát chè vừng.
Em nhìn thấy tôi thì gật đầu. Em không nói chuyện khi ăn, sủi dìn lại khó nuốt nên má em cứ phồng lên hoài. Tôi buồn cười, vừa nhận bát chè vừng vừa hỏi, "Sủi dìn ngon không? Tôi chưa ăn sủi dìn hàng này bao giờ."
Em gật gật đầu, còn giơ ngón tay cái. Em nhai một lúc rồi mới nuốt, bảo, "Sủi dìn với sữa đậu xanh của cô là ngon nhất đấy, thử đi."
"Tôi không thích uống sữa đậu xanh."
"Sữa đậu nành thì sao?"
"Cũng không thích."
Em lắc đầu, "Đúng là không biết thưởng thức gì cả."
Tôi cười, "Cậu thì thích uống sữa quá nhỉ?"
"Còi nên mẹ hay cho uống sữa, uống nhiều thành quen. Cô ơi, cho con một túi sữa đậu xanh mang đi với ạ."
Em vừa nhận lấy túi sữa thì đưa cho tôi, nhìn tôi chằm chằm.
"Cho tôi à?" Tôi hỏi.
"Ừ." Em gật đầu.
Tôi nhận lấy, khi bàn tay tôi chớm bao lấy khớp ngón tay em, tôi mới nhận ra tay em rất lạnh. Tôi thử một ngụm. Sữa đậu thơm mùi lá dứa, ngọt ngọt ngậy ngậy.
"Ngon không?" Em hỏi tôi, ánh mắt sáng bừng.
"Bình thường." Tôi chẹp miệng, trả lại túi sữa cho em, "Thôi cậu uống đi, tôi không thích lắm."
Em tiu nghỉu nhận lấy, đứng dậy trả tiền cho bác bán hàng. Trong lúc chờ bác đếm tiền thừa, em mới uống một ngụm sữa. Tôi nhìn đôi môi ẩm ướt ngậm lấy chiếc ống hút tôi vừa dùng kia, lồng ngực bỗng dưng nóng ran, phải vội vàng quay xuống nhìn bát chè vừng.
"Về trước nhé."
"Chào."
Thật ra, sữa đậu xanh cũng ngon lắm.
6.
Thi cuối kỳ xong, tôi tìm cơ hội rủ em cuối tuần đi quán net xả hơi một chuyến. Ban đầu chỉ nghĩ rủ em chơi Boom hay bắn gà, ai dè em hăng hái rủ tôi chơi hẳn Đột Kích. Hai thằng con trai hí hửng bắn súng cả buổi tối. Mỗi lần tôi nhìn sang em đều thấy em tập trung dí mắt vào màn hình, hàng mày còn nhíu lại đăm đăm.
Tôi vừa quay lại bên phía tôi thì thấy [Hao_trum_truong] đã bị đối phương bắn ngỏm, không nhịn được bật cười, "Cậu chơi gà thật đấy." Vừa nói xong thì nhân vật của tôi cũng ngã lăn ra.
Em cười khẩy với tôi, "[Khoi_trum_khoi] cũng không giỏi hơn bao nhiêu."
"Làm ván mới, lần này ai chết trước trả tiền net."
"Quất. Chủ quán cho em chai Sting."
Em thua trước, không phục quyết chơi thêm vài ván nữa, nhưng rồi cuối cùng vẫn phải ngậm ngùi trả tiền máy cho tôi. Chúng tôi chơi xong cũng đã chín giờ tối, quyết định đứng dậy chuẩn bị về.
Trời lạnh nên em mặc một chiếc áo len cao cổ bên trong áo đồng phục, cậy phòng máy tính bí bách nóng nực nên không mặc áo khoác. Tới khi ra ngoài quán, nhiệt độ thay đổi mới làm em rụt người, kéo cổ áo lên chạm cằm.
Nhìn em như vậy, tôi rất muốn ôm em vào trong chiếc áo khoác của tôi, nhưng cánh tay nâng lên chỉ có thể gãi gãi mũi.
Mỳ tôm trong quán net lúc nào cũng đắt hơn bên ngoài nên chúng tôi không dám gọi, tới giờ bụng dạ trống không chỉ toàn là nước có gas. Tôi chưa muốn chia tay em lúc này, đánh bạo rủ em đi ăn bát phở cho ấm bụng rồi hãy về. Em trầm ngâm kiểm tra đồng hồ một chút rồi mới gật đầu đồng ý. Tôi cũng chỉ đợi có vậy, nhanh nhanh chóng chóng mở khóa xe đạp của mình. Không ngờ, lôi được xe ra mới thấy xe tuột xích.
Tôi và em dắt xe ra vệ đường, ngồi xổm xuống cố tìm cách sửa lại. Nhưng trời thì tối, ánh sáng từ cái đèn cao áp trên đầu lại chẳng thấm thía vào đâu, tay tôi nhớt đầy dầu rồi mà vẫn không thể sửa được. Tôi chỉ đành nhờ chủ quán cho khóa tạm cái xe đạp ở đây một đêm rồi ngày mai quay lại lấy.
Còn một cái xe đạp của em, hai chúng tôi nhìn nhau, rồi vẫn là tôi tỏ vẻ độ lượng, "Thôi để tôi chở cho."
Đạp được một đoạn thì tới đường tàu. Lúc này gần đến giờ tàu qua, rào chắn đang từ từ hạ xuống. Tôi còn đang phân vân không biết nên lấy đà đạp qua hay nên dừng lại chờ thì cảm nhận được người sau lưng níu lấy mép áo tôi.
"Đi chậm lại đi." Em nhắc.
Nhưng không biết bản thân nghĩ gì mà tôi càng gồng người đạp thật mạnh. Chiếc xe đạp lao qua đường ray xóc nảy, tôi còn cúi rạp xuống vì sợ thanh chắn va trúng đầu.
Xe vừa vặn lao kịp lúc, thanh chắn hạ xuống ngay sau lưng chúng tôi. Nhân viên đường sắt trông thấy thế còn tuýt còi tôi nữa.
"Cái thằng này mày rồ à?" Giọng em tức giận từ phía sau nguýt dài. Tôi bật cười khoái trá.
"Phê không?"
"Phê thằng bố mày đấy?"
Lần đầu tiên em nói chuyện với tôi thoải mái như thế, tôi càng thấy vui vẻ hơn, toe toét cười cả đoạn đường. May là em ở phía sau nên không thể nhìn thấy được.
Tới nơi, em nhảy xuống xe trước cả khi tôi kịp phanh. Tôi dắt xe gạt chân chống, quay lại vẫn thấy em đang gườm gườm nhìn. Ban nãy tôi đi nhanh, em ở phía sau cứ ló đầu sang bên cạnh nên bị gió thổi dựng ngược hết tóc, lại thêm cái vẻ tức giận kia làm em trông không khác nào một con mèo xù lông cả.
Tôi buồn cười, cậy mình cao hơn em một chút nên vỗ đầu em. Em liền sút vào bắp chân tôi một cái.
"Thôi xin lỗi, bát phở này tao bao."
Gương mặt em tươi tỉnh hơn nhiều, "Thế còn được."
Cùng là phở tái nạm gầu, ăn lúc bình thường không có gì đặc biệt, nhưng ăn giữa độ trời đông, đối diện là người mình ôm ấp trong lòng bao nhiêu tháng ngày, lại là một mùi vị rất khác. Một mùi vị mà sau này tôi đã lật tung cả Hà Nội để kiếm tìm, nhưng lại chẳng thể tìm được.
7.
Kể từ sau khi tôi vào cấp hai thì gia đình tôi bắt đầu đón Tết ở thành phố. Không giống với bạn bè đều được về quê tụ họp đông vui nhộn nhịp, những ngày đầu năm mới của tôi ở thành phố vô cùng quạnh quẽ. Họ hàng của chúng tôi ở thành phố không có mấy ai, bố mẹ tôi lại còn là công chức bận làm ăn, nên tôi cũng không có cơ hội được gói bánh chưng hay là thức đêm trông nồi luộc bánh. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có đi gặp vài người bạn của bố mẹ tôi, chào hỏi một chút để được mừng tuổi.
Nhưng năm nay, tôi biết được em cũng không phải về quê, nên chúng tôi đã hẹn nhau từ trước, rằng đợi tới sáng mùng ba, khi một vài hàng quán bắt đầu rục rịch mở bán trở lại, chúng tôi sẽ tới Hàng Than dùng tiền mừng tuổi đánh chén một bữa no nê rồi về.
Em biết tính tôi hay cao su, còn liên tục nhấn mạnh với tôi rằng, "Đúng một giờ nghe chưa? Ở ngay trước cửa khách sạn Việt Bắc đó. Đừng có quên."
Tôi hứa ngược hứa xuôi, thế mà tới lúc rời đi em vẫn còn nheo mắt nhìn tôi vẻ rất là không tin tưởng.
Tết năm đó tôi phấn chấn hơn nhiều, không cần bố mẹ giục tôi đã chào hỏi cô chú ngọt xớt, còn rất hăng hái đi chơi với đám nhóc con cô chú để cho các bậc phụ huynh ngồi nói chuyện. Tôi được một bác kia dúi cho viên sôcôla nhập khẩu từ nước ngoài, bảo tôi là ngon lắm đấy, thử xem. Tôi vâng vâng dạ dạ, đợi bác ấy quay đi thì cất vào túi.
Đợi mãi đợi mãi rồi cũng đến được mùng ba Tết, sáng ngày ra tôi đã mon men lại xin phép mẹ cho được đi chơi. Mẹ biết trưa nay bố tôi đi ăn nhậu, dắt tôi theo chỉ tổ vướng víu mấy ông lão bốc phét, chưa kể những ngày vừa qua tôi quá là ngoan ngoãn đi, nên mẹ đồng ý ngay, còn không quên dặn dò tôi đi đứng cẩn thận.
Em hẹn tôi một giờ chiều mà mười một giờ tôi đã bắt đầu lục sục bới đồ trong tủ, không biết phải mặc cái gì cho vừa đẹp mà không quá lố. Rồi tới mười hai giờ thì đã đứng trước gương, ngắm xem vuốt tóc đẹp trai hơn hay không vuốt tóc lãng tử hơn.
Mười hai giờ bốn mươi lăm phút, tôi đã đứng chờ trước cửa khách sạn rồi. Em lúc này vẫn chưa tới, đường xá xung quanh vắng tanh, tôi dựng chân chống xe rồi dựa lưng vào cột điện thở một lát, còn cẩn thận vuốt lại tóc bị gió thổi loạn cho vào nếp gọn gàng.
Bồn chồn chờ đợi được một lúc thì trông thấy bóng dáng em đạp xe tới. Em mặc một chiếc áo khoác phao dài có mũ, viền mũ còn có lông bao lấy gương mặt em. Em tới gần, tôi trông thấy má em hây hây đỏ, còn tưởng là do em đạp mệt. Nhưng đến khi em đứng trước mặt tôi, tôi mới nhận ra là do má em bị nẻ, gió thốc lạnh càng đỏ ửng hơn.
Tôi chạm khớp ngón tay lên má em, bảo, "Nẻ hết rồi này."
Em hít mũi, đánh bốp vào tay tôi, "Đau tao."
Tôi không dám động vào nữa, mò tay vào túi rút ra một bao lì xì đỏ, "Anh mừng tuổi chú. Tuổi mới bớt còi bớt cọc, chơi game thắng anh nghe chưa?"
Em nhoẻn miệng cười nhận lấy, rồi cũng rút ra một bao lì xì đưa cho tôi, còn kèm một hộp bánh cốm, "Chúc mừng năm mới."
Chúng tôi đi dọc phố Hàng Than, nhìn ngắm một hồi rồi quyết định tấp vào quán bún chả. Quán chẳng có ai ngoài bác chủ quán đội mũ cối đang ngồi hì hục quạt thịt. Tôi với em lạnh quá, sáp vào ngồi bên cạnh cái bếp than, vừa ăn vừa nói vài chuyện lặt vặt với nhau, với cả chủ quán. Cũng không biết do chúng tôi tới nên bác đỡ buồn chán hay sao, bác còn tặng chúng tôi mỗi người một bát chè caramen nữa.
Tôi nhìn bát chè thì sực nhớ ra, tìm một hồi trong túi mới thấy viên sôcôla được cho hôm trước. Tôi thả vào lòng bàn tay em, "Ngon lắm, thử đi."
Em thử thật, ngậm sôcôla một lúc cho tan, rồi nhăn mặt nhìn tôi, "Đắng thế, còn không ngon bằng sôcôla đồng xu."
Chúng tôi ăn uống no nê thì đạp xe đi vòng vòng ngắm phố. Đạp một đoạn tới được chợ Đồng Xuân, tôi trông thấy một tiệm thuốc đang mở thì nhảy xuống xe, em đằng sau tròn mắt nhìn tôi không hiểu nhưng vẫn đứng đợi.
Tôi đi vào rồi trở ra với một cái hộp thiếc xanh dương. Tôi tung về phía em, em vụng về bắt được.
"Cái gì đây?" Em tò mò nhìn.
"Kem dưỡng ẩm. Má sắp chảy máu luôn rồi kia kìa. Về bôi nhiều vào."
Hai gò má vốn đỏ làm tôi cũng không biết em có ngại ngùng gì không, chóp tai thì lại giấu kín trong mũ áo. Chỉ có khuôn miệng em hơi hé, em nhìn lọ kem một hồi rồi hỏi, "Đắt không?"
"Quà tặng chú mà chú lại hỏi giá là hơi bị quan ngại tình huynh đệ."
Em mím môi rồi cũng nhét vào túi áo, "Cảm ơn nhé."
Chúng tôi đạp ngang qua chợ, bên cạnh đào quất nườm nượp thì thỉnh thoảng lại trông thấy những gánh hoa tươi hay những tà áo dài yểu điệu. Cứ đạp một hồi thì hai đứa tới được Hồ Gươm.
Tết Canh Dần năm nay, nhìn đâu cũng thấy hổ. Có một gia đình nọ ăn diện đẹp đẽ, dẫn đứa con bé tí buộc ba chỏm trên đầu tới bên cạnh con hổ trang trí để chụp ảnh. Em nhìn thấy thế thì khúc khích cười.
Giữa tiếng xe cộ và người nói ồn ào, tiếng cười của em giống như mang theo một tia sáng, dễ nghe vô cùng.
"Sao đấy?" Tôi hỏi.
"Mày có biết ông Vinh khối mười một quản lý đội bóng trường mình không?"
"Hình như có nghe qua. Làm sao?"
"Thằng Minh bạn tao trong đội bóng kể là ông ấy cứ khăng khăng đòi đặt tên đội là Tiger, rồi slogan là gràooo cho giống tiếng hổ gầm. Cả đội không ai chịu, nhưng cũng không ai thèm cãi vì thằng cha đó ảo quá, cãi không nổi." Em vừa nói vừa không nhịn được bật cười.
Tôi không hiểu câu chuyện của em có gì hài hước, nhưng nhìn em vui vẻ như thế khiến cho tâm trạng tôi cũng bay bổng chín tầng mây. Chúng tôi đạp được một lúc thì thấm mệt, tìm một cái ghế đá ngồi xuống. Ngồi còn chưa ấm mông thì em đã đứng bật dậy, bảo tôi ở yên đấy rồi chạy biến đi đâu mất.
Lúc em quay lại, tay còn cầm theo hai túi nước mía. Em đưa một túi cho tôi.
"Cảm ơn vì ngày hôm nay nhé." Em bảo.
"Ghê. Lịch sự quá nhờ."
Em biết tôi nói đùa, chỉ quay sang cười với tôi, "Thật đấy, không có mày chắc tao chán chết mất."
"Thế bình thường Tết mày làm gì?"
Em quay lại ngắm hồ. Không biết có phải do gần nước nên nhiệt độ thấp hơn không, bỗng dưng tôi thấy bóng dáng em có chút lạnh lẽo.
"Cũng không có gì mấy. Mẹ tao làm việc xuyên Tết mà, tao với em tao ở nhà chơi với nhau thôi."
Tôi nhíu mày hỏi, "Bố mày đâu?"
Em nhún vai, "Không biết nữa. Mấy năm trước gì đấy mẹ tao bảo bố đi công tác xa, nhưng từ đấy đến giờ không thấy tăm hơi đâu cả." Em uống một ngụm nước mía, rồi chẹp miệng, "Ông già không thèm liên lạc gì luôn, đến mẹ tao cũng không biết gì hết mà, có khi lão cưới vợ đẻ con mới rồi không chừng. Giờ chỉ còn mỗi mẹ làm việc nuôi hai anh em tao thôi."
Tôi chỉ có thể lẳng lặng nhìn em, không biết phải nói gì. Có lẽ em cảm nhận được bầu không khí gượng gạo, giả vờ lấy lọ kem từ trong túi ra, hỏi tôi, "Cái này dùng thế nào đấy?"
Tôi vặn cái nắp thiếc, rồi bóc lớp giấy bạc ở trong, để lộ ra lớp kem đặc bên dưới, "Bôi như bình thường thôi."
Em lấy một ít kem chấm lên má, xong rồi xuýt xoa, "Axít à, rát thế."
"Cái mặt mày sắp toác ra đến nơi, nước chạm vào còn rát nữa là."
Em chỉ cười hì hì, tiếp tục bôi bôi, nhưng không có gương nên còn một vệt kem dính trên cằm chưa được thoa đều. Vệt kem ấy như gãi nhẹ vào trái tim tôi, ngứa ngáy. Tôi không nghĩ được gì, nâng tay lên thoa giúp em.
Bàn tay tôi đỡ lấy khuôn cằm thon nhỏ, ngón cái nhẹ nhàng xoa. Lớp kem ẩm mượt trượt đi nơi đầu ngón tay, xúc giác truyền thẳng tới tim tôi luồng rung động.
Tôi không dám nhìn vào mắt em, thoa xong cũng vội vàng rụt tay lại. Em dường như không để ý, đóng hộp kem lại cất vào túi áo, còn hứng chí vỗ lên má mình hai cái, chu môi huýt sáo, trông có chút ngáo ngơ.
Tôi buồn cười, đành phải tìm chủ đề khác nói chuyện với em. Nói một lúc, tôi hẹn em năm sau cùng nhau tới Hồ Gươm ngắm pháo hoa đón giao thừa. Rồi năm sau nữa. Sau nữa. Nhé?
Chúng tôi ngồi đó tới tận lúc trời đổ cơn mưa phùn mới trở về.
8.
Vừa vào kỳ hai thì các giáo viên bắt đầu lựa chọn học sinh cho đội tuyển các môn để tham gia các kỳ thi lớn nhỏ. Qua mấy lượt kiểm tra, tôi được vào đội tuyển Toán, hỏi qua em thì biết em vào đội tuyển Tiếng Anh. Cũng từ đó mà việc học của kỳ hai nặng nề hơn rất nhiều. Học chính, học phụ, học thêm, học nếm. Cả một ngày sáu giờ tỉnh dậy, mười giờ về đến nhà, chủ nhật rảnh thì ngủ không biết trời trăng. Thời gian cứ thế lao vút đi, tôi cũng không có nhiều cơ hội gặp em như trước. Dù có gặp cũng chỉ là những mẩu chuyện nhỏ lẻ, bâng quơ.
Tôi và em hiện diện trong cuộc sống của nhau ở mức - không phải bạn thân nhất, nhưng cũng không phải người không quan trọng.
Lúc ấy tôi đã muốn gì nhỉ?
Một phần trong tôi đã muốn nhiều hơn thế nữa. Tôi muốn được gần em, để mỗi lần em cười tôi đều có thể nghe thấy, để mỗi ánh mắt em nhìn đều dừng lại ở tôi. Để bàn tay lạnh của em có tôi nắm lấy. Để mọi nỗi buồn của em đều có thể trút lên tôi.
Nhưng tôi cũng đã sợ hãi.
Sợ hãi chứ. Ôm thứ tình cảm này trong lòng, với một đứa trẻ mười sáu tuổi khi ấy, thật đáng sợ biết bao.
Không biết khi ấy Minh Hạo đã muốn gì nhỉ? Không biết khi ấy, Minh Hạo có bao giờ nghĩ về tôi như tôi đã nghĩ về em không?
9.
Lên năm hai, tôi tham gia vào đội bóng của trường. Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ tổ chức chia đội đá với nhau trong sân, thỉnh thoảng thì đi đá với trường khác.
Khi con trai tập trung vào trái bóng, lúc nào cũng trở nên nóng nảy và kích động. Có một lần, tôi ghi bàn cho đội của trường mình, tưởng là đã giành được chiến thắng nhưng lại bị đối thủ tố việt vị. Chúng tôi tự chơi không có trọng tài nên cũng chẳng có ai phân định đúng sai, chỉ có hai phe càng cãi càng hăng, cãi một hồi, cuối cùng xảy ra xô xát.
Tôi bị đấm trước, vốn muốn đấm lại nhưng bị mọi người cản. Thằng đấm tôi đeo nhẫn nên còn cào vào mí mắt tôi một vết xước. Lúc đó đội trưởng bên tôi muốn bên đó bồi thường, nhưng tôi không chấp ba cái đó. Cuối cùng mọi chuyện kết thúc trong bất hòa, hai trường thề không bao giờ đá với nhau nữa, tất cả giải tán. Tôi ra về với bên mắt trái sưng vù.
Tâm trạng chán nản làm tôi không muốn về nhà, dắt được xe ra đến cổng trường rồi nhưng lại không biết đi đâu, quyết định đứng trước cổng trường đợi người.
Hôm nay đội tuyển Tiếng Anh có lớp học ca tối, chỉ còn vài phút nữa là tan. Tôi đá đá hòn sỏi dưới chân, chờ tới lúc nghe được tiếng người.
Và rồi khi mọi người ùa ra, tôi ngẩng lên tìm kiếm. Như thể em nghe được tiếng lòng tôi, nhìn về phía tôi, trông thấy tôi thì em nhướn mày, đạp xe đến bên cạnh tôi rồi dừng lại.
"Làm gì đấy? Mặt mũi sao thế kia?"
Tôi gãi tai, "Ngã. Đập mặt vào gốc cây."
Em phì cười, "Đừng có điêu. Chúng mày đánh nhau ở dưới tụi tao ở trên nghe thấy hết. Chỉ là tao không nghĩ mày lại là thằng dính chưởng. Thế mày có đánh lại người ta không?"
"Chưa kịp đánh đã bị can rồi."
"Gà."
Em đạp xe đi, tôi tò tò theo đuôi em. Em tới hiệu thuốc, mua một lọ cồn đỏ nho nhỏ với ít bông băng, rồi kéo tôi ngồi xuống vỉa hè.
Em vừa thấm ít cồn đỏ lên vết thương thì đã nhanh miệng nói, "Kêu đau là đồ con gà." Làm tôi vừa định than thở dụ em dỗ ngay lập tức ngậm miệng lại.
Rồi thì muốn ngắm em ở cự ly gần một chút, nhưng chưa kịp hó hé em mắng ngay, "Mày cụp cái pha xuống, trợn ngược mắt lên cồn dính vào mắt tao kệ xác mày."
Tôi không nhìn nữa thật, nhưng lại không nhịn nổi cười, cứ thế bật cười rúc rích không thôi. Em thì chẹp chẹp miệng, trông như muốn mắng tôi lắm nhưng lại chỉ ngồi yên ngó tôi chòng chọc.
"Đã thấy khá hơn chưa?" Em hỏi.
"Ừ." Tôi gật đầu.
Em đứng dậy, học tôi hay vỗ đầu em, em cũng vỗ đầu tôi hai cái, "Lần sau cẩn thận vào, được mỗi cái mặt tiền còn để bị sứt."
Tôi đứng dậy theo em, cười toe, "Ý mày là khen tao đẹp trai chứ gì? Thẳng thắn đi đừng ngại."
Em liếc nhìn tôi, ném bông băng vào túi rác bên cạnh.
"Cũng tạm, nói chung là vẫn thua Hạo ca một chút."
"Tao cũng thấy Hạo ca rất đẹp."
Em nheo mắt như thể tôi có ẩn ý gì đó mà em không giải mã được. Nhưng rồi em cũng chỉ phất tay, "Cũng biết nịnh đấy. Để Hạo ca bao mày bát bánh đa. Đi."
Tôi ngay lập tức vui vẻ, "Em yêu Hạo ca! Hạo ca muôn năm!"
Em chẳng để ý lời tôi nói, cùng lắm chỉ coi như là vài câu bông đùa.
Nhưng em không biết được, sự xuất hiện của em có thể đem lại cho tôi niềm vui lớn đến nhường nào.
Em đẹp là thật. Tôi yêu em cũng là thật.
10.
Năm cuối cấp ba, tôi có hỏi em em sẽ học trường gì, khi ấy em không thèm suy nghĩ đã bảo, "Báo chí tuyên truyền."
Rồi em quay sang hỏi tôi câu tương tự, tôi trầm ngâm một lát rồi đáp, "Chưa biết nữa. Chắc là Bách khoa đi. Hay là tao học báo chí với mày nhỉ?"
Kỳ thật, tôi cũng không quá đam mê hay thích thú với một ngành nghề nào cụ thể. Bố mẹ tôi cũng không áp lực tôi, bảo tôi cứ thoải mái lựa chọn theo đuổi điều mình thích. Vậy nên tôi cũng đặt Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào trong số những trường tôi sẽ xem xét điền nguyện vọng.
Năm này học hành áp lực hơn rất nhiều, ngay cả đá bóng mỗi cuối tuần cũng trở thành một điều xa xỉ. Có những lúc tưởng như việc học đã cuốn tôi đi mất, nhưng rồi vẫn luôn là em níu tôi lại. Mỗi lần gần em, dường như mọi lo âu đều không còn tồn tại nữa.
11.
Cả hai lớp chúng tôi chụp kỷ yếu chung một ngày. Mọi người ai cũng đều mặc đồ cử nhân, cầm trong tay tấm bìa đạo cụ ghi ba chữ "Bằng tốt nghiệp". Mọi người chụp chung một tấm bình thường, rồi lại cùng nhau chụp một tấm tung mũ.
Lớp em cũng thế. Vừa chụp xong, chúng tôi đã kháo nhau nhanh nhanh cởi bộ đồ cử nhân ra để còn gửi trả lại bên cho thuê, thiếu bộ nào là đền tiền xanh mặt. Tôi đợi đồ của mình được duyệt xong rồi vội vàng chạy tới kéo em tới trước mặt anh thợ.
"Chụp một tấm kỷ niệm cấp ba phát nào."
Em đang ngơ ngẩn, trông thấy ống kính máy ảnh thì ngay lập tức mỉm cười. Tôi choàng tay qua vai em, giơ cao chữ V. Em chê tôi nặng nên thúc khuỷu tay vào bụng tôi một cái, đúng lúc bị anh thợ chộp được.
Tôi cứ tưởng mọi chuyện sẽ êm đềm như thế cho tới tận khi chúng ta tốt nghiệp đại học.
Chỉ có đến tận ngày báo điểm, em mới nói với tôi, "Tao đỗ rồi. Học viện An ninh Nhân dân. Ngành Nghiệp vụ An ninh."
Tờ giấy báo đỗ Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong tay tôi nhàu nát.
12.
Sau đó, chúng tôi không gặp nhau nữa.
Tôi vẫn luôn suy nghĩ, không biết liệu em có biết không. Biết thứ tình cảm tôi dành cho em, nên mới muốn trốn chạy. Có phải là em đã trốn chạy tôi không nhỉ? Có khi nào là tôi đã đề cao bản thân quá chăng?
Cũng đúng thôi. Luôn luôn là tôi nghĩ về em, thương thầm em. Còn em thì sao đây?
Tôi tự giễu mình phí hoài tình cảm ba năm cấp ba, phí hoài ba năm thời gian và công sức, để rồi bị vứt bỏ như một thứ không hề quan trọng. Dẫu cho tận sâu trong tim, tôi biết, ba năm ấy đối với tôi đẹp đẽ biết nhường nào, nhưng thứ đồ thừa của lúc ấy đã bị cơn phẫn uất che mờ mắt.
Bốn năm đại học, môi trường mới, bạn bè mới, nếp sống mới. Em dần dần đã không còn là điều tôi nghĩ đến trước tiên mỗi khi mở mắt tỉnh dậy. Tôi có những mối bận tâm khác đi, chứ không còn là, "Liệu dạ dày em có ổn không, sức khỏe em thế nào?", "Trời lạnh như thế này, không biết má em còn nẻ không?". Có những thoáng chốc, tôi tưởng tôi đã quên đi được rồi.
Nhưng rồi ống kính máy ảnh của tôi vô tình chụp được một cơn mưa rào, chụp được một tà áo đồng phục trắng, chụp được hai chiếc xe đạp cọc cạch dựng bên lề đường, tôi mới nhận ra.
Em vẫn luôn ở đó, không đi đâu cả.
Giống như một dạng ký sinh phập phù trong não bộ tôi.
Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không thể nào quên được.
13.
Tốt nghiệp ngành Báo truyền hình được ba năm, tôi được tuyển dụng làm biên tập viên đài truyền hình quốc gia.
Bảy năm rồi. Từ đứa trẻ ngây ngô ngày ấy, bây giờ cũng đã là đàn ông hai mươi lăm tuổi phải tự mình chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Công việc bước vào giai đoạn ổn định, tôi cũng muốn thử thách một lần xem, rốt cuộc vết thương bảy năm trước ấy đã lành hay chưa.
Tôi gặp gỡ nhiều người mới, tìm đến người này chia niềm vui, lại tìm đến người kia sẻ ưu sầu. Có lẽ, đâu đó trên quãng đường này, tôi sẽ tìm được một người giúp tôi nhặt từng mảnh vỡ, hôn lên, gắn lại. Biết đâu sẽ có một ai đó thật sự cần tôi.
Và rồi, em gõ cửa.
Em thật sự đã đến trước nhà tôi, đứng trước mặt tôi, nói xin chào.
Nhìn thấy em rồi, tôi mới nhận ra, dù là mưa, dù là bánh cốm hay cồn đỏ, cũng không thể bằng người thật đang đứng đây, bằng xương bằng thịt.
Cái tên tôi đã vùi rất sâu vào ký ức đã dội trở lại như thế đấy. Tôi cảm nhận được lồng ngực mình nứt toác ra, hô hấp kẹt lại trong cổ họng, tựa như cơn gió lạnh thốc lên gò má buốt của em năm ấy giờ đây trở lại và nhuốm lấy từng mảnh cốt trong người tôi.
Minh Hạo. Tại sao em vẫn còn ràng buộc tôi thế?
"Khôi à, cậu có thể giúp tôi không?"
14.
Bảy năm khoảng cách khiến cho mối quan hệ của chúng tôi trở nên gượng gạo. Đã không còn những cái vỗ đầu thân thiết, không còn những lời mắng mỏ bông đùa. Chúng tôi gọi nhau là cậu, xưng tôi. Thế mà tôi vẫn nhớ rằng, hôm nay trời lạnh, em ngồi đối diện tôi, bàn tay bao lấy cốc nước, hẳn là tay em lúc này đây buốt lắm nên mới phải nhờ cốc nước ấy ủ.
Tôi nhìn những ngón tay em, muốn ôm chúng vào lòng bàn tay mình, hôn lên từng đốt ngón tay, hà hơi cho ấm.
Buồn cười thật. Bảy năm này tôi mới là người chạy trốn, còn em trông chẳng khác gì cả. Tôi cũng không biết rằng em thật sự không thay đổi nhiều, hay là do nỗi ám ảnh với em trong lòng tôi lớn quá nữa.
"Dạo này cậu sống thế nào?" Tôi lặng lẽ hỏi.
Em mỉm cười. Thật mà, em chẳng khác gì cả.
"Cũng ổn." Em đáp, "Sắp tới tôi đi công tác xa, nên có vài việc muốn nhờ cậu."
Tôi dựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại, ước gì cốc nước trong tay tôi lúc này đây là rượu. Ước gì đây chỉ là một giấc mơ vô cùng lố bịch mà thôi.
"Thật đấy à? Cậu lờ tôi bao nhiêu năm nay rồi đùng cái xuất hiện nói chuyện nhờ vả. Cậu không thấy áy náy chút nào à? Ít nhất cũng phải chào hỏi cho lịch sự đi chứ?"
Em cúi đầu, khóe môi vẫn cong cong nhưng không hiểu sao lại đượm buồn và lạnh lẽo. Giống như khi tôi và em ngồi trên băng ghế đá Hồ Gươm năm ấy, em rất đau lòng nhưng lại không lựa chọn nói với tôi.
"Xin lỗi cậu vì ngày đó không báo trước mà đã đổi ý sang học an ninh, nhưng tôi mong cậu có thể nghe tôi giải thích." Em hít vào một hơi, rồi không hề để ý xem tôi có đồng ý hay không, em đã nói tiếp, "Khoảng thời gian điền nguyện vọng đại học, thật sự tôi đã quyết định điền báo chí. Nhưng gần tới ngày nộp hồ sơ, cậu biết không..."
Em nhìn tôi. Lần đầu tiên tôi trông thấy ánh mắt vốn luôn ngời sáng ấy rạn vỡ đến vậy.
"Gia đình tôi nhận được tin tức của bố."
"Hả?" Tôi nhíu mày, hoàn toàn không hiểu chuyện này thì có liên quan gì đến chuyện của tôi.
"Bố tôi bị lừa đảo xuất khẩu lao động nước ngoài, ở bên đó bị người ta hành hạ đến chết." Nắm tay em run rẩy, "Tới khi về chỉ còn là một hũ tro cốt mà thôi. Tới lúc đó tôi mới biết được, thì ra mẹ tôi vẫn luôn bị người ta tống tiền để chuộc bố về, nhưng mẹ tôi không đi đâu mà kiếm được cho đủ. Hàng trăm triệu. Không thể làm được. Nên ông mới..." Giọng em nghẹn lại, "Vậy mà mẹ không hé lấy một lời. Không ai biết hết..."
Tôi không biết phải nói gì, chỉ có thể giương mắt nhìn em đã luôn tự mình ôm lấy biết bao đau đớn và cô đơn, ở trước mặt tôi, lần đầu tiên nói ra những lời thật lòng. Trái tim tôi chợt giật thót, liệu đây có phải lần cuối cùng hay không?
"Như vậy thì cũng chưa là gì. Cậu có biết không, ở đám tang bố, có người đến nói rằng bởi vì bố ngu xuẩn nên mới bị lừa, tự làm tự chịu, có thể đổ cho ai đây. Tới lúc ấy, tôi mới biết thì ra thế gian này còn có chuyện nực cười đến vậy. Nạn nhân của một đường dây tội phạm buôn người, tới lúc chết rồi, hóa ra vẫn là kẻ có tội."
"Tới lúc ấy, tôi mới nghĩ đến việc trở thành một cảnh sát để có thể thay bố trả mối thù này. Đó cũng là quyết định năm ấy của tôi. Xin lỗi vì đã không thể cùng cậu học chung một trường đại học."
"Là vì mọi chuyện quá vội vàng, mà cũng vì tôi quá hèn nhát, tôi đã không dám đối diện với cậu. Tôi xin lỗi."
Chúng tôi cùng im lặng. Trong không gian tĩnh mịch ấy, tôi chỉ có thể nghe được đầu mình ong ong.
"Cậu biết đúng không?" Tôi chậm chạp hỏi.
Em nhìn tôi, biểu cảm không rõ ràng.
"Cậu biết là tôi có tình cảm với cậu." Tôi nói, tỏ tình với em, mà cũng là buộc tội em, "Cậu biết tôi thích cậu thế nào. Cậu biết tôi kỳ vọng học chung với cậu ra sao. Cậu biết hết."
Em cúi xuống, nhìn vào cốc nước. Em không hề ngạc nhiên, chỉ càng chứng minh những gì tôi nói là sự thật.
"Tôi đã sợ là mình nhầm."
"Bảy năm..." Tôi lẩm bẩm, rồi tự giễu, "Cậu ghê tởm tôi lắm sao?"
Em giật mình, "Không! Không."
Tôi đã không còn muốn nghe nữa, chỉ vừa cười vừa lắc đầu.
"Ghê tởm tôi, nhưng bởi vì biết tôi có tình cảm với cậu nên đến tận cửa nhờ vả. Làm sao tôi có thể từ chối được cậu đây?" Tôi mỉa mai, tôi mong rằng em có thể cảm nhận được một phần ngàn vạn nỗi đau trong tim tôi lúc này, thế là đủ. "Vậy thì cậu nói đi, để tôi nghe xem, cậu muốn nhờ tôi cái gì?"
Em mím môi, dường như muốn đáp trả lại lời tôi nói, nhưng rồi em đầu hàng.
"Trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Mười hai, tôi sẽ gửi cho cậu định vị một địa chỉ ở nước ngoài. Trước mắt tôi chưa biết là ở đâu, có thể là Campuchia, hoặc là Thái Lan, Lào, Myanmar, nhưng nhìn chung đều là nơi không cần xin thị thực, nên thủ tục sẽ không quá lằng nhằng. Tôi muốn nhờ cậu khi nhận được địa điểm tôi báo có thể đến đó, trực tiếp nhận lấy tài liệu của tôi, từ đó làm thành một tập phóng sự cho đài của cậu."
Tôi tự nhẩm lại những lời em nói trong đầu, lờ mờ có dự cảm xấu.
"Cậu định làm gì?"
Em không trả lời, mà hỏi ngược lại tôi rằng, "Đồng ý với tôi đi, được không?"
Chưa bao giờ ánh mắt em van nài đến thế.
Những lời tôi công kích em ban nãy, thật ra cũng không lời nào là dối trả cả. Phải rồi, làm sao mà tôi có thể từ chối em được đây?
"Được."
"Cảm ơn. Thật sự cảm ơn rất nhiều." Em thở phào, nụ cười đẹp lại xuất hiện nơi bờ môi.
Tôi tiễn em ra cửa, em đứng đó, gương mặt tươi tắn, "Hẹn gặp lại. Chúc cậu thật mạnh khỏe và hạnh phúc nhé."
Tôi gật đầu.
Cánh cửa đóng, ngăn cách giữa tôi và em.
Giá như lúc ấy tôi nhìn ra được lưu luyến trong mắt em. Giá như lúc ấy tôi biết rằng, không phải là có lẽ, không phải là nếu như.
Đây chính là lần cuối cùng tôi gặp em. Bằng xương bằng thịt.
15.
Suốt khoảng thời gian sau đó, mỗi ngày tôi đều giật mình trước những tin nhắn trong điện thoại. Dù biết là em hẹn tôi từ tháng Tư đổ ra, giờ mới tháng Ba, nhưng tôi vẫn không thể kiểm soát được mình.
Tôi bắt đầu lo lắng, muốn tự mình tìm hiểu vụ việc xuất khẩu lao động trái phép của bố em, nhưng rồi lại không kiếm được đủ tư liệu. Tôi không thể hình dung ra nổi, một người trưởng thành phải chịu sự tra tấn đến mức nào mà tới khi được trả về tay người thân chỉ còn là một hũ tro tàn.
Dần dần, tôi không đợi được nữa, chủ động liên lạc với em. Nhưng dù cho tôi đến tận nhà em hỏi, mẹ của em cũng bảo rằng cô không biết, em chỉ nói với cô rằng em đi công tác xa, cuối năm trở về. Gương mặt cô toát lên vẻ âu lo khắc khổ, dường như bản thân cô cũng cảm nhận được có gì đó không ổn lắm, như thể có một điềm gì xấu đang bao trùm lên căn nhà.
Con trai út của cô tên Chiến dắt mẹ vào nhà nghỉ ngơi, rồi tiễn tôi ra ngoài.
Cách nhà một đoạn, em ấy không còn giả vờ mỉm cười nữa, mà lạnh lùng nói với tôi, "Tôi không biết anh là ai, có mục đích gì, nhưng đừng tới làm phiền mẹ tôi nữa. Bà đã lo lắng đủ rồi."
Mẹ em thần kinh không ổn định, đặc biệt là sau khi nghe tin bố em qua đời. Chiến cảnh giác hơn với tôi cũng là có lý do.
Nhưng tôi không nghe lời em ấy, vẫn thường xuyên lấy danh nghĩa bạn bè của em tới thăm hai người. Dù vậy, tôi cũng không nhắc tới chuyện của bố em hay là em nữa.
Nhiều nhất tôi cũng chỉ nói rằng, "Cô đừng lo, em ấy là một cảnh sát rất ưu tú, còn trẻ mà đã liên tục được đề bạt. Lần này về kiểu gì sự nghiệp em ấy cũng càng rộng mở cho mà xem."
Nếu Chiến không nói lại với tôi thì tôi cũng không biết, đêm hôm đó, mẹ đã ôm di ảnh của chồng và khóc tới lúc thiếp ngủ.
16.
Cuối cùng tôi cũng đợi được ngày một tài khoản lạ nhắn tin cho tôi, gửi định vị ở đâu đó trên đường Quốc lộ 7 của Campuchia, nằm chếch về bên huyện Cheung Prey, gần với cửa khẩu giữa Campuchia và Lào.
Tôi tức tốc lên đường, không quản ngày đêm trung chuyển từ máy bay đến xe bán tải để có thể đến được nơi đó nhanh nhất có thể.
Trong lòng tôi chỉ luôn tâm tâm niệm niệm một cái tên.
Minh Hạo. Minh Hạo. Chỉ cầu em bình an vô sự.
Tôi cầu nguyện với bất cứ thứ gì có thể lắng nghe thỉnh cầu của tôi.
Đường dài đằng đẵng khiến tôi thấp thỏm. Sợ hãi và hối hận. Tại sao ngày đó tôi lại không ôm em nhỉ? Tại sao không mặc kệ nỗi ghê tởm của em, nắm lấy tay em mà hôn lên như tôi hằng khao khát? Tại sao tôi lại nói những lời mỉa mai ấy với em?
Hơn mười năm qua, tôi đã luôn sống trong sự sợ hãi và ngu xuẩn. Hai thứ này là một vòng tuần hoàn không hồi kết, luôn luôn nhấn chìm tôi.
Nơi em gửi địa chỉ cho tôi là một cơ sở y tế tư nhân, tôi mất ba ngày mới có thể tìm được đường đến.
Chỉ vừa tới hỏi, tôi đã được dẫn đến một gian phòng nhỏ xập xệ.
Phòng trống, không có người, chỉ có đồ dùng cá nhân của em nằm gọn trong góc giường. Cũng chẳng có gì nhiều nhặn. Một chiếc điện thoại, vài đồng bạc lẻ, một cái USB. Tôi nhìn tên em trong cái chứng minh nhân dân không có tác dụng gì ở nơi đất khách quê người này, mới nhận ra em đang mang một thân phận khác, tên khác, trẻ hơn tuổi thật của em vài tuổi.
Tôi hỏi, "Người đâu?". Họ bảo tôi chờ, có chút vấn đề phát sinh, thủ tục thì rườm rà. Trong vòng hôm nay ngày mai gì đấy, tôi có thể nghỉ chân tạm ở đây.
Tôi ngồi lên giường, chạm vào tấm chăn có lẽ em đã từng đắp qua. Tôi cầm lấy điện thoại lên, cố thử các loại mật khẩu tôi có thể nghĩ đến, nhưng sai đến bốn lần liên tiếp rồi.
Tôi chần chờ, không biết nên để nguyên như vậy cầm về thanh tra, hay là...
Tôi thử 0604, mở khóa thành công. Cảm xúc trong lòng ngổn ngang không thể nói thành lời. Ngày sáu tháng Tư là ngày sinh nhật của tôi.
Tôi xem qua điện thoại một lượt, bộ nhớ 64GB ngoài Facebook, toàn bộ đều được dùng để lưu video. Tôi kéo xuống cuối dòng thời gian, thử xem lướt qua từ đầu. Hình như toàn bộ đều là video do em quay lén nên góc quay có chút khó coi, nội dung cũng vô cùng khó nắm bắt. Bắt đầu từ cảnh em di chuyển, liên tục đổi xế đổi xe. Ban đầu, cò mồi còn không ngừng tẩy não rằng đi chuyến này kiếm tiền dễ dàng ra sao, ăn lời dày thế nào, nhưng tới khi em liên tục gặng hỏi thì bị người ta nhiếc móc vô cùng khó chịu.
Rồi tôi lướt thấy một video với góc nhìn được đặt trước màn hình máy tính, có lẽ cũng gần tương đương với góc nhìn của em. Em mở Word, phóng kích cỡ chữ thật to rồi gõ, "Không thể trực tiếp quay, chỉ có thể lấy tư liệu âm thanh."
Tôi tò mò tăng cao âm lượng thì nghe được tiếng người ở đâu quát tháo gì đó, hình như không phải tiếng Việt. Rồi tiếng một người gào khóc. Mọi người xung quanh lặng thinh. Tới lúc ấy, tôi mới lờ mờ nghe được tiếng điện giật, tiếng roi vun vút quất vào da thịt. Tiếng chửi bới, đánh đập, tiếng người quằn quại, dần dần khiến tôi ngộ ra.
Tất cả các video trong điện thoại em đều là ghi lại cuộc sống sau khi bị lừa đảo sang nước ngoài lao động.
Tôi không có thời gian xem hết, chỉ lướt qua vài video có hình nền nổi bật. Tôi thấy những cảnh một đám người ngồi chui rúc bốc cơm bằng tay, ăn từ cái khay inox cũ. Tôi thấy những cảnh người ở đó xoa thuốc cho nhau, ai cũng có vài vết thương trên người. Rồi họ khóc. Họ muốn trở về nhưng không thể trở về được. Ngày đó họ nghe theo lời hứa hẹn được trả lương bổng cao mà ra nước ngoài làm thuê, không nghĩ tới công việc làm thuê lại chính là lừa đảo.
Trái lương tâm, trái đạo đức. Nhưng họ buộc phải diệt khách, nếu không chủ sẽ giết họ. Kẻ bị lừa đảo buộc phải đi lừa đảo người khác.
Chính đồng tiền đã ăn thịt họ mất rồi.
Từng video trong điện thoại đều bóc trần cuộc sống ở đây.
Tôi ấn chạy một video quay một người phụ nữ trẻ, nghe thấy giọng em hỏi, "Sao hôm nay em không gọi cho con trai thế?"
"Em bị bọn nó phát hiện rồi anh ơi. Nó bực mình, nó đánh em cho hả dạ. Nó đánh ngay chỗ này." Cô ấy chỉ vào bắp tay, rồi nói tiếp, "Chích điện thì chích sau lưng, dí vào ngực. Cứ chỗ nào hở ra là nó chích hết. Chưa hả dạ thì nó còng tay lại, cho mình khỏi vùng vẫy. Rồi nó đập luôn cái điện thoại rồi."
Một loạt, một loạt những tiếng nói mệt nhoài. Họ chẳng còn hơi sức để tức giận đâu, có người còn nhếch mép cười đầy cay đắng.
"Có nhốt mà. Nhốt ở tầng một đấy. Còng tay lại."
"Bỏ đói ba ngày đấy. Mà không phải nhốt không thế đâu, nó còn vào nó đánh cho đấy."
"Thế sao lại bị giam?"
"Làm không đảm bảo chỉ tiêu của nó thì bị cắt cơm. Bị giam. Bị đánh đập. Muốn cứu mình thì chỉ có đi lừa người thôi."
Có người còn giơ cổ tay ra cho em xem, "Đây này, bị còng nó xiết vào, thối hết cả thịt đây." Vết thương ấy vẫn còn mưng mủ, chảy máu. Đa số nạn nhân ở đây đều còn rất trẻ, tôi nghe láng máng có ai đó bảo, cái độ tuổi 18 đến 24 là được giá nhất. Hèn gì chứng minh giả của em còn làm giả cả ngày tháng năm sinh.
Tôi rùng mình, tắt điện thoại đi, lấy laptop của mình ra để cắm USB vào. Lại là một loạt video khác. Tôi chọn bừa một cái, ngay lập tức cảm thấy cổ họng mình đắng nghét hết cả lại.
Là người khác quay lại cảnh em bị tra tấn. Do quay lén nên không thể ghi hình được toàn bộ, chỉ có âm thanh là thứ không thể nào bị che đi.
Tôi vẫn nhớ, tôi từng nghĩ giọng em luôn mang theo ánh sáng, tiếng em cười quả thật luôn mang một cảm giác vỗ về. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng nổi, thanh âm ấy có thể mang theo nhiều đớn đau đến thế. Theo từng tiếng chích điện, tiếng vụt roi, giọng em nức nở như đang nương theo đòn đánh mà nghiền nát mọi tế bào thụ cảm trong mình.
Hốc mắt tôi nóng hổi.
Video ở trong USB thì em nói nhiều hơn, chủ yếu là tự chia sẻ trải nghiệm của bản thân mình. Em luôn là người có sức thu nhập thuộc tốp ít nhất, nên người ta đối xử với em cũng tàn bạo nhất. Em làm không đủ bù số tiền chủ mua em, em lại bị người ta bán cho chủ khác.
Cứ thêm một lần bị bán đi như thế là thêm một phần tư cách làm người bị tước đoạt. Nhưng em cố tình để mình bị bán để khám phá thêm các cứ điểm buôn người khác, để đào sâu hơn vào hang ổ tội phạm.
Tôi xem được một video em đang ngồi bện dây cho anh em chung phòng chạy trốn. Những ngón tay em gầy gò, thiếu sức sống, run rẩy cố bện từng vòng. Dạ dày tôi vặn xoắn lại. Những ngón tay ấy đã từng rất xinh đẹp, mỗi lần chạm vào tôi là một lần tôi điêu đứng, ấy vậy mà giờ đây, vết sẹo vết chai, vết bỏng vết rạch, cái mờ cái rõ.
Em với bạn cùng phòng tính toán tỉ mỉ độ dài của đoạn dây, độ cao của tòa nhà. Em bảo, "Phải chọn hôm nào trời mưa, hơi khó hơn nhưng mà chúng nó không nghe thấy được mình, với cả trời mưa chúng nó mới tắt rào điện."
Mọi người gật đầu, từ gương mặt họ tôi có thể thấy được họ có bao nhiêu khát vọng có thể chạy thoát. Một người ngây thơ hỏi, "Anh có đi không?"
Tôi nghe thấy giọng em chậm rãi trả lời, "Không, anh phải ở đây làm chậm chân chúng nó chứ. Mấy đứa cứ yên tâm đi đi. Anh sẽ theo sau."
Nhưng đó đã là video hai tháng trước, rõ ràng em không hề theo sau bọn họ.
Tôi kéo mãi, cho tới video gần đây.
"Tôi không biết mình còn có thể trụ được bao lâu nữa." Màn hình tối đen, tôi không nhìn thấy được gì, chỉ có thể nghe em nói, "Tôi bị bán từ Kim Sa, về Phnom Penh, tới tỉnh Kondal. Giờ hình như là ở Svay Rieng thì phải. Có lẽ là tôi đã đi lạc đến không thể trở về được nữa rồi." Em thở hắt, nghe như một tiếng cười đầy châm biếm.
"Tôi đã sao chép lại toàn bộ bằng chứng tôi có được vào USB, cũng như sắp xếp gửi được nó về Cheung Prey trong trường hợp tôi không thể tự mình tới đó được."
"Mong rằng, công sức của tôi không phải là vô ích. Mong rằng toàn bộ đều có thể được đưa ra ánh sáng, được xử lý nghiêm minh trước pháp luật."
"Phóng viên Khôi." Em gọi tên tôi, giọng em có chút nghẹn ngào, "Xin hãy giúp đỡ tôi, tôi chân thành cảm ơn anh."
Tôi vừa xem tới đó thì cánh cửa phòng bị đẩy ra, nhân viên y tế bước vào. Họ đưa cho tôi một tờ giấy, phiên dịch viên bên cạnh hỗ trợ truyền đạt ý tứ của họ cho tôi.
"Người này chết rồi. Nhiễm trùng vết thương nặng quá, không thể qua khỏi. Đây là giấy báo tử."
Nhân viên còn ngập ngừng gì đó, rồi nói thêm, "Khi ra đi, cậu ấy đã nhắm mắt rất thanh thản. Xin cậu đi theo tôi nhận xác người nhà."
Tôi nhắm mắt lại. Lại một lần nữa. Em đã bỏ rơi tôi rồi.
17.
Tôi đưa em trở về nhà, trở về với vòng tay của những người em thương yêu.
Mẹ em không khóc, cô chỉ ngẩn ngơ ôm em thật chặt.
"Trước khi con đi, mẹ nuôi con được thêm vài lạng thịt, mà giờ sao lại gầy thế này?"
Cô vuốt ve mái tóc em, cảm nhận được trên đầu em có vài vết thương chưa lành, cô còn sợ em đau nên không dám chạm vào nữa. Cô tỉ mỉ lau người cho em, thay quần áo cho em. Cô vào tủ, cẩn thận chọn bộ quần áo đẹp nhất, ấm nhất.
Tôi và Chiến không nhìn nổi, cả hai đều ra ngoài.
Lần này, tang lễ của em, gia đình không chủ động thông báo với ai, ai biết thì tự đến. Cuối cùng, ngoài tôi ra, người đến chỉ có bạn cũ và đồng nghiệp em, những người biết rõ nhất tới sự hy sinh lặng thầm nọ. Tôi ngồi, lắng nghe họ uống rượu nói chuyện. Bạn cũ thì nói về dáng vẻ của em thời đi học, đồng nghiệp thì nói tới phong thái của em khi đi làm. Đó đều là những quãng thời gian tôi đã bỏ lỡ, không thể đồng hành cùng em.
Chiến đầu đội khăn tang, đi tới bàn chúng tôi ngồi xuống, nhưng em ấy không uống rượu mà rót một chén nước chè.
"Nếu như có thể, kiếp sau em vẫn muốn làm em trai của anh ấy."
Em trong mắt ai cũng mang theo dáng vẻ rực rỡ như vậy.
Em trong lòng tôi cũng thế. Dù cho em có thật lòng ghê tởm tôi đi chăng nữa, em trong tim tôi vẫn mãi mãi là thiếu niên tuổi mười tám rực rỡ, đứng bên cạnh tôi, mỉm cười thật tươi ở bức ảnh kỷ yếu.
Cảm ơn em, vì đã xuất hiện trong đời tôi.
18.
Sau khi tôi mang theo tất cả tài liệu trở về, đã sao chép một bản giao nộp cho cảnh sát. Bản gốc của em thì được tôi cất giữ thật cẩn thận. Phải tới hơn một năm sau, quá trình theo vết và truy bắt tội phạm mới có kết quả.
Hàng ngàn lao động trái phép được giải cứu trở về với gia đình. Hàng ngàn nghi phạm được xác danh, hàng ngàn kẻ lừa đảo bị bắt giữ.
Tôi giữ lời hứa với em, dựng một tập phóng sự vô cùng chân thật, kể lại sự khắc nghiệt, bại hoại và vô đạo đức táng tận lương tâm của những kẻ thủ ác. Tôi cũng được cảnh sát cho phép ghi hình những cảnh giải cứu, những cảnh nạn nhân được gặp lại người thân để làm tư liệu.
Tôi đã quay lại rất nhiều những giọt nước mắt, những lời cảm ơn. Có những cặp phụ huynh già trông thấy cảnh sát dắt con trai về, điều đầu tiên họ làm là quỳ xuống và vái lạy.
Tội ác của kẻ xấu được vạch trần, trả lại sự trong sạch cho những người vô tội.
Tới lúc ấy, em mới được trao quân hàm và cờ thưởng, là một minh chứng, đời đời chứng minh cho sự hy sinh cao cả của em.
Minh Hạo có thấy những điều này không? Tôi mong là em ở nơi cao ấy nhìn được có thể yên lòng.
Công sức của em hoàn toàn không vô ích.
19.
Bạn cấp ba của tôi lâu ngày không gặp bỗng thông báo sắp kết hôn. Cũng phải, đều gần 30 hết rồi.
Tôi ngồi dự ở lễ đường, nhìn những gương mặt vừa quen vừa lạ xung quanh bỗng có một cảm giác thật kỳ diệu. Chúng tôi vốn là những đứa trẻ con chỉ ngày ngày lo lắng làm sao để làm đủ bài tập, để thi được điểm tốt, thế mà giờ cũng đều đã trở thành cô dâu chú rể, đều đã trở thành những bậc phụ huynh rồi. Sẽ có một ngày nào đó, có lẽ họ sẽ trở lại phòng học nơi đã từng là cả thanh xuân miệt mài sách vở, để rồi ngồi xuống với tư cách là phụ huynh của con mình.
Thời gian chính là như vậy, không ngừng tiến về phía trước, còn con người cố gắng đuổi mãi theo sau.
Chỉ là, sẽ có những người như tôi. Vấp ngã đến bầm dập mình mẩy, mãi không thể gượng dậy được.
Cuối bữa tiệc, khi mọi người dần dần tản đi, tôi vô tình trông thấy Minh đứng ở bãi đỗ xe châm một điếu thuốc. Tôi không thân với Minh lắm, nhưng vẫn nhớ cậu ấy là người bạn cùng lớp cấp ba thân thiết nhất với em.
Tôi tiến tới chào hỏi, "Cậu cũng quen với cô dâu chú rể à?"
Minh hạ điếu thuốc xuống nhưng cũng không dụi đi, cậu ấy xởi lởi đáp, "Quen chứ, ngày xưa chú rể, tôi với thằng Hạo tuần nào cũng đạp xe đi học thêm cùng nhau. Nhắc đến thằng Hạo mới nhớ." Cậu ấy chẹp miệng, đưa tay xoa cằm, "Lâu lắm rồi không liên lạc gì, cũng không biết thế nào rồi, đám cưới lần này thế mà cũng không thèm đến, chắc bận rộn lắm."
Thì ra tới giờ Minh vẫn chưa biết tới sự qua đời của em. Không thấy tôi trả lời, chắc Minh nghĩ tôi không biết Hạo mà cậu ấy nhắc tới là ai nên cười hí hửng nói thêm vào, "Chuyện này thời trẻ trâu, tôi kể ông nghe chơi à. Trông vậy chứ thằng Hạo ngày xưa thích ông đấy. Nó nói tôi thế, mà tôi nghe tôi cũng không biết ý là thích kiểu nào."
Tôi ngơ ngác nhìn cậu ấy, như thể cậu ấy vừa nói thứ gì hoàn toàn vô nghĩa.
"Là sao cơ?"
"Ê đừng có nghĩ nghiêm túc à nhen. Có khi nó nói thế thôi, như kiểu tôi thích Faker hay M10 chẳng hạn đấy?" Cậu ấy hút nốt hơi cuối, dụi tắt thuốc lá rồi ném đầu lọc vào thùng rác. Trước khi đi còn vỗ vai tôi, hẹn khi nào có thời gian anh em mình tụ tập.
Bóng cậu ấy đã đi xa rồi, nhưng tôi vẫn như rơi hẫng vào khoảng không, không thể cử động, không thể suy nghĩ.
Em thích tôi. Tôi biết, cái chữ thích em nói về tôi cũng giống như chữ thích tôi nói về em vậy.
Ngày cuối cùng tôi và em gặp mặt ấy, em đã có được đáp án. Em động lòng với tôi, em cũng biết tôi thương em đến thế. Chỉ cần em thốt lên đúng ba chữ lúc ấy thôi, dù có là bảy năm khoảng cách cũng có thể dễ dàng bù đắp bằng một cái kết đẹp.
Nhưng em không thú nhận lòng mình, vì em biết, chuyến này em đi lành ít dữ nhiều. Em không muốn ràng buộc tôi. Em nhờ vả tôi, để từ đó tôi luôn đinh ninh trong lòng mình rằng em nợ tôi một ân huệ, coi đó như là bù đắp cho sự tổn thương của em tới tôi vào kỳ thi đại học năm ấy. Để rồi không còn là ai nợ ai, giải thoát cho nhau, tôi có thể tiếp tục cuộc đời mình.
Nhưng, cái cảm giác này deja-vu tới mức tôi không kìm được mà bật cười.
Trời đổ mưa, có lẽ cô dâu chú rể sẽ vui lắm. Vì mưa là lộc trời ban mà.
Còn tôi, mưa rồi, tôi lại nhớ đến em. Có khi nào là tôi không nhớ đến em không nhỉ? Tôi càng cố giãy dụa là tôi càng dính chặt vào cái bẫy này rồi.
Mưa càng lúc càng nặng hạt, tôi đứng dưới mái tôn, lắng tai nghe tiếng nước mưa đập vào mái tôn xối xả đinh tai nhức óc. Giữa màn mưa trắng xóa ấy, dường như tôi trông thấy một tà áo đồng phục trắng, mái tóc hơi dài vén ra sau tai, và ánh mắt trong vắt.
Làm sao mà tôi có thể quên em được đây? Tôi trót yêu em mất rồi. Mười hai năm trước. Hiện tại. Và mai sau.
***
(*) Bối cảnh của câu chuyện được mình mô phỏng theo thực tế, tuy nhiên không phản ánh chính xác hoàn toàn, thông cảm giúp mình nhé. Tác phẩm được lấy cảm hứng rất lớn từ VTV tập đặc biệt, "Bẫy".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top