Chuyện tình Chì & Tẩy
Chì vốn làm một cái nghề rất thời thượng, người mẫu. Ả du nhập vào Vina một năm nào đó trong những năm đầu thế kỉ hai mươi mốt. Là loại HB, nhưng ả đứng một mình trơ trọi nơi cửa kính, cách xa đám đồng lứa 2B, 3B cả một mặt bàn. Chì không nghĩ bọn họ cùng đẳng cấp; ả sinh ra để ngắm, không phải để phiếm luận, dù thừa biết bọn họ chỉ xem mình như một sự châm biếm. Thiên hạ đồn rằng ả được cưng chiều thái quá, bảo chứ, dòng dõi quí tộc, hàng nhập khẩu từ Đức; nghe phong thanh đâu đó còn là quà sản xuất riêng từ Nuremberg gửi tặng đến ngài thanh tra x. Hình như về sau, ông x dính phải vụ kiện tham nhũng, tài khoản ngân hàng đóng băng, thế là đùng một cái, Chì được bán với giá rẻ mạt cho một thương nhân Châu Á. Ngài này lấy ả tặng cô con gái nhân dịp sinh nhật; thằng người ở thấy vậy liền lén trộm rồi đem bán cho một tiệm tạp hóa, lời ba đồng mua kem. Chủ tiệm cũng là dân vẽ, vừa nhìn thấy nét khắc trên thân đã biết là hàng hiếm, biết mình lời một vố to, liền đem trưng bày trước cửa kính như một thứ cao lương hóa thạch.
Ả vẫn sẽ tiếp tục sự nghiệp làm mẫu, nếu không đến ngày nọ có một con bé người lai dán mũi trước cửa. Nó nhỏ thó, gầy gò với một đôi mắt xám buồn đến thê lương. Tầm bảy, tám tuổi, có mẹ là người Pháp. Những năm Vina còn là thuộc địa, một bà đầm đã đến đây dạo chơi giữa những ánh nhìn dị nghị. Người ta xem bà như một kẻ tiếp tay cho các tên lãnh đạo cấp cao, trong khi đầm ta chỉ là một cô tiểu thư trong một gia đình quí tộc hết thời, dạo chơi giữa rừng chiến tranh khốc liệt. Đầm cưới một công dân Pháp khác, sinh ra một người con gái- sau này lớn lên cưới một ông già Việt và sinh ra đứa trẻ có đôi mắt ngoại cỡ kì quặc này.
Cứ ngắm đi, Chì nghĩ, và con bé ngắm thật, với một sự ngưỡng mộ lạ lùng. Chủ tạp hóa thích Chì, và cũng quí trẻ con. Ông cho nó dùng thử, một đặc quyền chưa từng có. Ông nói nó có tài; nhưng thay vì dạy cách vẽ tỉ lệ chuẩn, ông lại hướng dẫn một bức tranh có hồn. Con bé tiến bộ nhanh đến chóng mặt, và trước khi nó phải chia tay ông để về Pháp sau vụ li hôn của bố mẹ, chủ tiệm đã tặng cây bút chì quí giá.
Từ Đông Nam Á, ả lại cất cánh sang Châu Âu. Chì mong chờ một cuộc chào đón nồng nhiệt đầy cung cách quí tộc; vậy ra suốt những năm tháng trong tủ kính, Chì ta vẫn còn quá ngây thơ.
Bọn họ đến một ngôi nhà nhỏ ẩn nấp dưới rặng hoa giấy, vào một căn phòng hẹp tràn đầy ánh sáng. Ả được bé con đặt lên bàn một cách cẩn thận.
Và trong cái bỡ ngỡ lẫn e dè trước môi trường mới, ả đã vô tình va phải nàng, một người đàn bà mập mạp dịu dàng, hay như người ta còn gọi, là Tẩy.
Tẩy thường chạy tròn theo Chì những buổi chiều thơ mộng. Giống như trong giấc mơ, nơi tha hồ tưởng tượng, hai đứa trẻ lăn dài theo nhau. Tẩy là con gái nông thôn, với vóc người tròn đậm và đặc tính kiên nhẫn. Nàng đen như loại gỗ mun hảo hạng ẩn trong đất sâu, nhưng mùi nàng nhừa nhựa, không dễ chịu lắm.
Chì khỉnh nàng một cách lộ liễu; với tư cách là một tiểu thư, ả nghĩ mình hoàn toàn có quyền. Thân hình mảnh dẻ, yểu liễu đào tơ, ả đung đưa từ trang giấy này sang trang giấy khác. Bức tranh tuyệt đẹp, mẹ con bé lai sung sướng thốt lên, Chì ta kiêu hãnh không đáp. Ả đã ngấm ngầm thừa nhận quyền sở hữu của cô chủ nhỏ từ lúc nào không hay. Cũng không phủ nhận được, những nét vẽ ngô nghê đang dần được mài cứng theo thời gian, ả tự hào về điều đó. So với những năm tháng mà giới thượng lưu gọi là chim lồng cá chậu trước kia, Chì thấy ở bản thân một tiềm năng khác vĩ đại hơn. Ả, đang cống hiến cho nghệ thuật. Tất nhiên, Chì đang hi vọng quá nhiều vào một bé con bước đầu tập tễnh ở trường phái hiện thực, nhưng thà là thế, còn hơn là để nó chọn biểu trưng hoặc trừu tượng và khiến ả mất dần vị trí thống trị trong bức tranh.
Tẩy không hiểu điều mà Chì đang toan tính, bởi đối với nàng đằng nào chả là vẽ. Thậm chí, trong trường hợp cô chủ nhỏ dùng màu nước, cả nàng và ả sẽ có ít việc phải làm hơn. Tẩy tưởng tượng, một ngày nào đó trong những ngày rảnh rỗi, nàng có thể bẽn lẽn nói chuyện với ả, bình thường như hai người bạn. Ánh mắt nàng sẽ sáng lên khi ả nói, và cười giả lả đến mức ngô nghê. Tẩy cảm nhận được luồng điện chạy dọc sống lưng mỗi khi ở gần Chì.
Những lúc ả duỗi người mài thân trên mặt giấy, hơi thở nóng hổi ám trên bức tranh; cơ thể Tẩy nóng rực. Im lặng, mặc những mơ tưởng, nàng chỉ dám cúi đầu dọn dẹp gọn ghẽ những sơ hở ả vô tình mắc phải, giống như một cô hầu cam chịu, hoặc tệ hại hơn, một con cún ngoan ngoãn. Chì xem đó là điều hiển nhiên, không có chì thì làm sao có tẩy. Người ta sản xuất ra nàng chỉ để hoàn thiện ả mà thôi, suy cho cùng, nàng cũng chỉ là cái đuôi của ả. Vậy là những mến mộ đơn phương bị trói buộc trong thầm lặng. Thi thoảng, trong buổi chiều êm như hát, cô chủ nhỏ chạy dọc bờ sông để vẽ, hạt nắng hóa lóng lánh trên bức tranh, Chì nằm ở phía trước, nghiêm nghị hếch cao mũi, Tẩy chúi đầu đằng sau, nhìn mối tình của mình đang vờn với gió và mây.
Nàng thích những giây phút này, khi cả hai chẳng nói điều gì. Nàng đếm được nhịp tim của mình chảy trong vũ trụ, và chẳng ai hiểu được niềm hạnh phúc đơn thuần ấy. Chì sẽ hiểu, Tẩy tự nhủ, một ngày không xa.
Và nàng đã đúng.
Một đêm đầy sao, cả hai nằm trên cỏ, Chì ta khẽ khàng tâm sự, giả như đến một ngày, tôi biến mất thì sao? Tẩy mở tròn mắt như không thể tin được, đúng là nàng chưa bao giờ nghĩ đến một cuộc sống thiếu Chì tiểu thư. Không còn những cái liếc vụng, hay sự vô tình chạm tay, cả âm thanh tỏ tình vỡ tan thành mảnh bụi. Tẩy ôm chiếc bụng tròn, dõi theo một hai con đom đóm nháy đều trong màn đêm; hình như cô chủ nhỏ đang khóc, vì lí do gì không ai rõ. Có lẽ Tẩy cũng đang khóc, nhưng yên lặng hơn, như nàng vẫn thế. Chắc nàng sợ, một nỗi sợ mơ hồ, rằng cuộc tình này sẽ không là vĩnh cửu. Trong các triết thuyết siêu hình, nỗi sợ là một đề tài hấp dẫn. Một số phai dần theo thời gian, số khác lại chìm xuống trong nhịp điệu cuộc sống. Dẫu sao chúng đều tồn tại, dạng này hay dạng khác, và trước khi ta kjp nhận ra điều gì, thì tất thảy đã trở thành hiện thực.
So với đàn bà nông thôn, Tẩy đã suy nghĩ quá nhiều. Nhưng chỉ khi yêu nàng mới vậy, cũng có thể xem là điều tốt. Nói như những câu sáo rỗng đương thời, trong mắt những kẻ đang yêu, thế giới hiện diện theo một chiều kích khác. Và buồn thay, kể từ lần đầu tiên nhìn thấy Chì, trái đất của Tẩy đã hóa thành một đường thẳng mất rồi.
Một ngày nọ, Tẩy hoàn toàn biến mất khỏi cuộc đời Chì.
Đó là một sớm mơ màng, khi cô chủ nhỏ quyết định tái hiện hình ảnh người cha già đã lâu không gặp. Lần đầu tiên cô đủ dũng khí cho việc này, nhưng lại hốt hoảng vì chẳng thấy Tẩy đâu. Chì vẫn nằm yên lặng, ả nghĩ nàng lại lăn vào đâu đó; cái đám nhà quê lúc nào cũng gặp rắc rối được. Có lẽ ả hơi quá tự tin. Phải, Chì cảm nhận được tình cảm trên mức ngưỡng mộ đó, ả đã biết. Kể cũng khó mà không nhận ra, cái tình thương mến đằng xa ấy, cả ánh mắt sáng như sao chẳng vì lí do gì. Ả tự hỏi điều gì đã khiến nàng rung động, và thắc mắc không biết, đến khi nào người ta sẽ bỏ cuộc. Dần dần, sự thắc mắc hóa thành nỗi lo sợ: Nếu Tẩy bỏ Chì đi thật, ả nghĩ, rồi lại tự an ủi sẽ chẳng có chuyện đó đâu. Chì sợ gì, cô đơn sao. Ả đã từng đối mặt với điều kinh khủng hơn, sự cô lập. Những năm tháng trong tủ kính xưa kia là nỗi ám ảnh với Chì. Người ta không hình dung được việc nhìn cho mòn mắt một khung thế giới, giữ nguyên tư thế, vị trí không đổi; một mình giữa những bàn tán kì thị không dấu vào đâu được. Sự cô độc đó đã gặm nhắm Chì từng chút một, và ả học cách cưng chiều những giận dữ tủi hổ vào sâu bên trong.
Cho đến khi Chì gặp Tẩy.
Vùng ngoại ô Pháp không có gì nhiều ngoài gió và tình yêu, ả đoán vậy, nhưng không nghĩ mình sẽ dựng xây một cuộc tình ở đây. Chì ngửi được mùi phải lòng của ai kia, thơm như bánh mì pha sữa. Vẫn giống như mọi khi, ả chẳng thèm đoái hoài. Đôi lúc Chì thấy mình như một đứa trẻ, ả từng mộng tưởng sự thẳng thắn đó sẽ hấp dẫn nhiều người, nhưng hóa ra người ta chỉ thích thấy những nụ cười thân thiện. Ôi chao, Chì sầu muộn biết mấy. Vậy nên đối với ả, Tẩy giống như một tràng pháo hoa vào tháng tám, hay sự bùng nổ của lãng mạn trong thầm lặng. Tẩy không biết điều đó. Nàng chưa bao giờ hiểu mình đã làm Chì hạnh phúc đến mức nào. Lần đầu tiên trong đời, ả thực sự có bạn. Một người đủ kiên nhẫn, thông minh và ngây ngô. Nàng đủ nhạy để hiểu ả muốn gì, nhưng cũng đủ đơn giản để đứng ngoài thế giới của ả. Điều đó làm Chì an tâm, và ả xem đó là phần thưởng xứng đáng sau những chuỗi ngày xanh mướt.
Vậy mà Tẩy lại biến mất dễ dàng như những hạt cát trôi tuột qua kẽ tay.
Mẹ bảo không sao đâu, chẳng đáng mấy đồng. Và ngày hôm sau mẹ đưa về bốn, năm cục tẩy khác, nhỏ bé, nhiễu sự, không hiểu chuyện. Chúng thấy cái bà chị kia sao mà kiêu ngạo quá, chẳng qua là dân quí tộc hết thời, gì đâu mà phải đài các vậy. Chỉ thế thôi, thế giới của Chì lại vỡ tan như bong bóng. Vậy mà chẳng ai hiểu được, trừ cô chủ nhỏ. Cô bảo ả đang buồn, vì những nét vẽ mờ hẳn và cái hồn bức tranh đã bay đi đâu mất. Mẹ bảo con khéo tưởng tượng, luyện tập vài bữa là lên tay thôi. Nhiều điều người lớn chẳng bao giờ hiểu được, cô chủ nhỏ đành ngậm ngùi giữ kín tâm sự của Chì.
Ngày tháng vẫn êm ả trôi qua, chẳng biết còn ai nhớ đến Tẩy. Chì vẫn nuôi chút hi vọng lẻ loi về một mối tình xưa cũ, có lẽ ả tiếc, sao mà mình khờ dại quá. Nếu biết trước sự đời, thì vào một đêm khuya thanh vắng, ả đã nhân cơ hội hôn lên môi nàng, sẽ chẳng ai thấy ai ngại ngùng, chỉ còn mỗi đám đom đóm nhay nháy trong sương. Lũ tẩy con vẫn liên tục xì xào, nhưng lần này Chì không còn kìm nén những giận dữ nữa, ả thả chúng bay vào trời đất, chỉ giữ lại một chút cô đơn. Lẽ rằng ả nên gạt cái tình cảm bé xíu ấy sang một bên và bắt đầu nghiêm túc vào nghệ thuật, nhưng Chì không thể. Ả không biết mục tiêu của đời mình là gì, vẽ rồi xóa, xóa rồi vẽ, liệu tranh của ả có vươn đến một tầm cao nào không? Bức tranh người cha của cô chủ mãi vẫn chưa hoàn thiện, không biết ai bỏ cuộc trước, cô hay Chì.
Những suy nghĩ trừu tượng được buông thả lêu lổng, ả chẳng còn quan tâm. Mọi thứ xung quanh cứ lớn dần còn ả thì bé lại. Tẩy đã không ở đó để chứng kiến sự thay đổi của Chì, ả cứ teo lại cho đến khi chỉ còn một mẩu. Và rồi, một ngày bất ngờ, ả rơi từ trên cao xuống. Khoảnh khắc đó diễn ra thật chậm: Chì thấy những hạt bụi li ti lơ lửng trong không trung, hàng hoa tử đinh hương ngoài cửa sổ. Ánh mặt trời. Vụt tắt, ả nằm gọn trong một góc tối hôi hám đầy mạng nhện và trứng gián. Vậy là hết, Chì mỉm cười tự nhủ, cuộc đời quí tộc đã chấm dứt từ đây. Tạm biệt nước Pháp, tạm biệt cô chủ nhỏ, tạm biệt người tôi yêu.
"Chì?"
Im lặng, có gì đó xẹt qua, hình như là định mệnh. Chì chưa bao giờ buồn cười đến thế, ôi chao màn tái ngộ mới kịch làm sao, đáng lẽ ả nên làm nhân vật chính của Shakespears thay vì chỉ là một cây bút vẽ. Ả cười sằng sặc, thân mình gầy guộc rung lên vì mai mỉa. Hóa ra sau chừng ấy thời gian, nàng lại ở đây, một mình cô độc, giống như ả, thậm chí còn bi thảm hơn. Cười rồi bất giác im lặng, chẳng còn gì để nói, Chì đã mất cái cung cách quí phái từ lâu, phép lịch sự tối thiểu cũng đã tan thành mây khói. Ả chỉ còn một mẩu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, có lẽ vì nghệ thuật đòi hỏi sự cống hiện vô cùng. Dù sao thì, Chì nghĩ, cái tình cảm thôn quê ấy teo tóp rồi còn đâu, giá mà như ngày xưa, có khi ả đã dạn dĩ hơn rồi.
Em nhớ chị. Tẩy nói, giọng nàng trầm hơn trước quá nhiều, và ánh nhìn thậm chí chẳng đổi thay. Dù là trong đêm, ả vẫn cảm nhận được điều đó, rợn cả người. Đầu óc Chì quay mòng mòng, lòng tự hãnh lại bắt đầu trỗi lên không đúng lúc. Nhưng ả đã kháng cự được. Có nhiều tình cảm thay đổi từ những cử chỉ rất nhỏ, ít ai trong chúng ta nhận ra. Đôi khi, chúng làm ta thao thức, nằm dài trong chăn nghĩ về những hành động vặt vãnh. Ngón tay ta run rẩy, khóe môi ta nhếch lên, chỉ thiếu mỗi một bản tình ca để vũ trụ biết ta đã yêu rồi. Một mối tình ta tưởng đã chết từ lâu, nay hiện về kì diệu như liên tiếp hàng mưa sao băng. Ta tự cười ta khờ dại, thời nay ai còn yêu nữa đâu. Vậy mà nhẹ nhàng, Chì lăn lại gần Tẩy, và lần đầu tiên trong đời, ả biết ngượng ngùng nói,
Chị cũng nhớ em.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top