Chương 9: Cuộc Tỷ Thí Bằng Mưu

Thời Thế hôm đó ra sớm hơn mọi ngày thường, cũng như mỗi lần có một tin quan trọng. Trong lúc các báo khác chưa ngờ gì hết hay chỉ phong phanh thấy việc xảy ra, thì việc án mạng dị kỳ này đã tường tận thuật lại trên báo Thời Thế. Thực là một tin đột ngột, một chuyện bí hiểm mà vai chủ động có một tài lực hiếm có làm kinh ngạc khắp Hà Nội khi báo phát hành. Những đầu đề rất lớn:

"Hai vụ án mạng trong một đêm. - Hung thủ xuất quỷ nhập thần và khinh thường pháp luật - Nhà thám tử Kỳ Phương cùng với bản báo phóng viên cùng điều tra!" và những hình chụp in với bài tường thuật làm cho mọi người chú ý đặc biệt đến vụ này.

Kỳ Phương lúc vừa ăn cơm sáng ở nhà Mai Trung xong, ông ta đang ngồi giở đọc lại những cột báo Thời Thế, trong đó nhà báo nhắc đến danh hiệu mình bằng những lời trân trọng không phải là không có đôi ý mỉa mai. Phương gật gù rồi đưa cho Mai Trung xem một đoạn của Lê Phong viết:

"... Có thể gọi vụ án mạng ở Richaud và ở ngõ Hội Vũ là một bài tính đố rắc rối và... dễ làm. Năm câu hỏi quan trọng sau này vừa làm tối tăm những manh mối rất lạ lùng, vừa như những lời báo cho người ta mau giải đáp được.

1/ Trên mặt tấm danh thiếp có một hàng chữ X. A. E. X. I. G., những chữ ấy có nghĩa là gì?

2/ Hung thủ có phải đích thực là tên Nông An Tăng không?

3/ Hung thủ làm thế nào lẻn vào giết người được mau chóng thế?

4/ Hai vụ án mạng có liên lạc với nhau không?

5/ Vụ án mạng thứ hai có ích hay có hại cho hung thủ?

"Năm câu hỏi đó hiện nay sở liêm phóng chưa thể đáp được và hình như cũng không cần để ý đến vội. Ta không nên lấy làm lạ vì đó là lối làm việc của một bậc kì tài mà ai cũng biết tiếng: Ông Kỳ Phương. Ông Kỳ Phương là người cẩn thận, hành sự có một phương pháp vững chãi và lời quyết đoán ít khi sai lầm. Trong vụ này ông hứa trước với chúng ta sẽ tìm thấy hung thủ trong vòng năm hôm. Đó là bước đi rất chắc chắn không sợ xảy chân, nhưng chúng tôi thấy ông cẩn thận quá. Tên hung thủ mà ông cho là giỏi giang, quỷ quyệt kia chỉ là một người như mọi người...

"... Cùng với sở liêm phóng, bản báo phóng viên đương điều tra. Bản báo cũng hứa tìm được hung thủ như ông Kỳ Phương, nhưng kỳ hạn ngắn hơn: chỉ nội ngày thứ hai tới đây, nghĩa là cách vụ án mạng hai ngày. Bản báo sẽ tìm được kẻ giết người và cắt nghĩa các điều bí mật. Hiện giờ bản báo phóng viên đã tìm thấy gần hết các manh mối nhưng cần phải "thử lại bài tính" trước khi công bố lên."

Mai Trung bĩu môi:

- Hừ! Đã tìm thấy các manh mối! Nhiều lúc tôi đã phải ngờ rằng Lê Phong là anh chàng nói khoác gặp may. Vụ án mạng như thế mà hắn bảo là... hừ... hừ!

Ông nhún vai để thay cho những lời ông không nói nốt.

Kỳ Phương lẳng lặng đọc tiếp bài báo.

Bỗng ông ta chậc lưỡi một cái rồi cau mày lẩm bẩm:

- Ồ! Lạ này!

Trung hỏi:

- Lạ cái gì nữa thế?

- Thế này thì lạ thật...

- Nhưng cái gì thế?

Phương đưa tờ báo chỉ vào một đoạn:

- Này, ông nghe đây thì biết:

[i]- "Bản báo lại mong rằng việc điều tra chóng kết liễu hơn nữa, và tin chắc rằng thế nào nội ngày thứ hai các bạn đã biết kết quả công việc của bản báo phóng viên. Sở dĩ dám chắc thế là vì người bị nạn trong vụ án mạng thứ hai là ông Đinh Võ Thạc chưa đến nỗi thất vọng lắm. Vết dao đâm tuy rất nặng, ông mất nhiều máu quá, nhưng nhờ công cứu chữa kịch liệt của một vị bác sĩ đại tài, chúng tôi chắc rằng ông sẽ qua khỏi. Theo lời bác sĩ thì chỉ sáng thứ hai ông sẽ nói được và có thể trả lời những câu thẩm vấn đầu tiên. Lời ông Thạc sẽ là những lời rất quan trọng, vì sẽ cho ta biết kẻ giết người chính là tên Thổ Nông An Tăng hay là người khác."

Mai Trung cười gằn, lại cầm lấy tờ báo:

- Thì ra Lê Phong vẫn mờ mịt chưa biết gì cả, vẫn đi tìm những cái huyền bí nào khác trong lúc tên Thổ đang tìm cách lừa lọc cuộc săn đuổi của ta. Nhưng nếu tôi không lầm thì cái mưu của ta không thể nào hỏng được. Khắp Bắc Kỳ, các sở mật thám đã nhận được điện tín của ta chỉ dẫn. Cứ theo phương pháp ấy thì xảo quyệt đến đâu tên Thổ cũng không thoát tay ta. Lúc ấy ông Lê Phong sẽ hiểu cái lầm của ông và không phải bày những mưu kế vô ích nữa. Vì đây hẳn là mưu của Lê Phong, phải không?

Kỳ Phương gật:

- Phải. Ông Lê Phong định phao cái tin Thạc chưa chết để lừa hung thủ đây...

- Nhưng lừa thế nào?

- Ta cứ để yên xem rồi sẽ biết. Điều đáng chú ý là tại sao Lê Phong lại nhất định tin rằng thủ phạm chưa hẳn là tên Thổ? Những chứng cớ hiển nhiên đến thế mà Lê Phong chưa chịu nhận, hẳn cũng có một cái cớ gì đây... Dẫu sao, ta cứ bước của ta ta đi... lẽ phải khi đã phô bày ra một cách rõ ràng thì không có một trí khôn tinh quái nào làm xuyên tạc được.

Kỳ Phương nhìn thẳng, tay vân vê điếu thuốc lá mà ông ta sắp châm hút, miệng mím lại, một bên mép hơi nhích thành một khóe cười. Ông ta thong thả lấy cuốn sổ tay ra, rồi lẩm bẩm nói:

- Hôm nay thứ bảy, Thứ bảy, chủ nhật, thứ hai, thứ ba, thứ tư... Chiều thứ tư là sớm, không thì sáng thứ năm là hạn cuối cùng ta bắt được Nông An Tăng... Ông đã cho những người chân tay đi các ngả rồi chứ?

- Xong cả rồi.

- Hỏi chỗ trọ của Tăng ở Duvillier thì họ không biết gì thêm ư?

- Không. Họ chỉ nhớ được địa chỉ của gia đình tên Thổ.

- Phải, ở Điềm He, tôi đã biết. Tăng là con một người Thổ bị kết án ngày xưa... Còn chiếc xe hơi của Tăng... xe thuê phải không?

- Không, xe ấy Tăng mượn. Mượn của ai chưa biết, có lẽ không phải là của người ở Hà Nội...

- Ông bảo tìm ngay người có chiếc xe ấy nhé. Ông hỏi được số xe rồi chứ? Vậy tra trong sổ Công Chánh xem. Tên tuổi và chỗ ở của những người Thổ ở Hà Nội, đến chiều nay liệu có hỏi được hết không?

- Được, vì người Thổ ở đây cũng ít.

- Các đường xe lửa đã có người đi dò rồi chứ?

- Rồi. Tôi kén riêng những tay quen việc này nhất.

- Bến Hải Phòng hiện có một chiếc tàu đi Hồng Kông, một đi Sài Gòn và sang Pháp, nhưng không chạy trước ngày Thứ Hai... Ông đã đánh điện cho sở căn cước rồi chứ?

- Rồi.

- Cần phải dặn thêm những người coi việc xuất dương... Hai người đi Điềm He rồi?

- Đi từ sáng hôm nay.

- Còn gì nữa không nhỉ. À, những đường bộ "ra ngoài" cũng canh phòng chu đáo đấy chứ? Ông đã đưa tin cho các nơi ấy chưa?

- Xong cả rồi.

- Được. Ta chỉ còn đợi cho con vật sa lưới và sửa soạn cuộc đối chứng ở ngoài tòa. Vì tôi nhất định đến lúc việm đem ra tòa án, trước mặt Nông An Tăng, tôi mới công bố những lý luận của tôi... và cái lầm của Lê Phong luôn thể.

Giọng nói có vẻ tự mãn, nhưng nét mặt Kỳ Phương vẫn thản nhiên. Chú ý quan sát lắm mới thấy trong mắt và trên khóe miệng thoáng qua một chút tươi cười, Kỳ Phương thở một tiếng dài:

- Phải thú thật rằng tên hung thủ này được sở liêm phóng chú ý đến một cách riêng và coi quan trọng như một... thù nhân của cả nước.

Mai Trung cũng nghĩ thế nhưng ông ta không nhớ rõ cái ý chua chát Kỳ Phương để vào câu nói vừa rồi. Một tên giết người tuy phải truy nã thực, nhưng vận động bao nhiêu lực lược và dùng đến bao nhiêu phương pháp cao đẳng để đối phó với hắn thì kể cũng hơi quá; nếu tên Thổ biết, chắc cũng tự phụ được người ta săn sóc riêng đến mình. Nhưng người đáng tự phụ hơn, có lẽ là Lê Phong. Vì nếu không có lời cam quyết thách thức của anh chàng này thì chưa chắc Kỳ Phương và Mai Trung phải bận tâm đến thế.

Song đó là những phương pháp quyết liệt, những đường lối cẩn trọng dẫn tới sự thành công. Kỳ Phương quyết thắng Lê Phong lần này và phần thắng đó cầm chắc. Phương làm việc chu đáo, toan tính hợp pháp, có những tay thành thạo vâng theo lời chỉ bảo và thấy một sự thắng lợi nữa là: Lê Phong tính lầm. Trước hết Lê Phong phạm một lỗi rất lớn theo sự nhận xét của ông ta: Phong chưa dám nói quyết hung thủ là ai. Sư ngờ vực đó có thể làm chậm việc của Phong nhiều lắm. Người phóng viên lại không biết giữ mực thước, tin ở bản năng hơn ở luận lý và bởi vậy, khi đã sai lạc thì sai lạc rất xa. Phong nói là sẽ tìm được hung thủ ngay? Nếu tìm được thì hung thủ của Lê Phong không phải là hung thủ chính thức. Đó chỉ là một nhân vật để làm chứng sự sai lầm của người phóng viên. Còn nếu Lê Phong tìm hung thủ ở tên Thổ thì tất nhiên không thể bắt hắn trước sở liêm phóng được. Một nhà báo không phải là một ty có tổ chức hoàn bị để đi nã bắt kẻ gian phi. Đến sở liêm phóng với cách làm việc chu đáo của Phương mà còn phải điều khiển cuộc săn đuổi mất năm ngày trời, huống hồ một người chỉ hành động ở riêng một thành Hà Nội.

Kỳ Phương ngẫm nghĩ đến những lẽ yên ủi đó thì thấy càng vững tâm thêm. Ông tưởng đến lúc thất bại của Lê Phong và lúc vinh quang của mình rỡ ràng trước công chúng. Báo Thời Thế báo trước cuộc tỉ thí của nhà phóng viên với nhà thám tử, nhưng chẳng biết rồi đây có dám đăng tường tận cái kết quả rực rỡ của Kỳ Phương không?

Gập tờ báo vào, Phương nhìn Mai Trung như một tướng soái nhìn một bạn cầm quân. Ông ta nói:

- Trong lúc ông Lê Phong của chúng ta vất vả theo một cái bóng mơ hồ thì ta chỉ có việc ngồi nhà coi những người thừa hành theo những cơ mưu của ta làm việc cho thật chín chắn. Năm ngày nữa, tên Nông An Tăng sẽ đến đây chịu tội mà ta không cần ra khỏi nhà.

Phương vừa nói dứt lời thì có tiếng chuông điện kêu, rồi một lát người đầy tớ đưa cho Mai Trung một mảnh giấy. Khó lòng tả vắn tắt được cử chỉ viên thanh tra lúc bấy giờ. Thoạt tiên ông mở hết sức to đôi mắt bé nhỏ của ông ta lên nhìn mảnh giấy như trông thấy một vật quái gở; đồng thời mồm há ra những tiếng kinh ngạc vẫn ở trong họng; một tay bất giác sờ vào cái túi đựng súng lục còn tay kia thì beo mãi vào mép giấy cầm ở đầu ngón như sợ nó biến đi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: