Chương 6: Thủ Đoạn

Sau khi xuống xem xét các nơi, hai nhà thám tử vào phòng khách nhà dưới. Mai Trung đọc lại mảnh giấy của Lê Phong và cười gằn:

- Dễ hiểu lắm! Hừ, ông Lê Phong bao giờ cũng có thứ giọng khinh thường này...

Mai Trung tuy nói vậy, nhưng ông ta vẫn ngầm thú nhận rằng lời hứa của Lê Phong chưa có một lần nào sai.

Ông ta lần lượt, nhắc lại mấy chữ tắt:

- X. A. E. X. I. G...? X. A. E... X. I. G...? X. A. X. E. G. I.

Và chắp thành mấy tiếng khác nhau... nhưng mỗi tiếng tìm được ra lại là một sự bí mật mới.

- Không thể hiểu ngay được, ông Kỳ Phương nhỉ... Vậy mà ông Lê Phong hiểu rồi! Ông Lê Phong lại coi như thứ chữ A, B, C mà chúng ta học ngày còn bé... Ông Lê Phong thông minh lắm, song, quả thực, đến việc này tôi vẫn ngờ...

Kỳ Phương không nói gì, nét mặt điềm tĩnh, hai mắt chăm chú, yên lặng sáng dưới đôi mày đậm xanh. Viên thanh tra mật thám nói:

- Tôi thì tin rằng... Nhưng mà kìa! Ông Kỳ Phương, ông nghĩ gì thế?

Kỳ Phương lắc đầu khe khẽ:

- Ý ông đối với việc này thế nào?

Kỳ Phương thong thả nhìn lên, nhẹ hất hàm:

- Ý tôi đấy à?... Tôi chưa có ý gì... Nghĩa là chưa có ý gì nhất định...

Ngừng một lát, Phương mới chậm rãi nói:

- Phải, chưa thể ngay tức khắc lập được một thuyết gì. Kể ra tôi cũng có thể nói được như ông Lê Phong rằng việc này chẳng có gì; nói để cho yên lòng mọi người và nhất là để cho mọi người phải tín phục. Tôi có thể nói ngoa hơn nưa cũng được, thí dụ có thể hẹn đến ba hay bốn hôm nữa bắt được hung thủ ngay, nhưng... nói vẫn dễ hơn làm. Tôi, tôi ưa làm hơn. Và trước khi làm, tôi suy nghĩ...

Suy nghĩ một lát, Kỳ Phương lại tiếp:

- Ông Lê Phong nói những lời thách thức này có lẽ vì ông nghĩ vội quá, ông tin ở trí minh mẫn của ông nhiều quá, và không ngờ rằng kẻ giết người đây có đủ các mưu chước khôn khéo để đánh lừa ông... Cứ nói ngay tìm được đường lối và các cách hung thủ dùng để vào đây và giết ông Đường, ta cũng cần phải mất nhiều thì giờ chứ đừng nói là bắt được hung thủ vội... Các ông đã biết thủ đoạn của tên Thổ rồi đấy chứ? Nó dám đến tận nhà ông Lê Phong ngay sau khi giết người thì nó còn có thể làm nhữn việc táo bạo hơn thế... Lúc nãy ông Lê Phong có nói đến hai chữ "ngu ngốc" để chỉ tên Thổ. Nhưng hai tiếng ấy hơi nông nổi: tôi, tôi bảo tên Thổ quỷ quyệt hết sức, nó khôn khéo đến nỗi để cho người ta tưởng là vụng dại... Một điều vụng dại quá rõ rệt chính là điều ta phải coi chừng như trước một mưu thâm... Vậy thì ta không nên vội vã, nhất là không nên hồ đồ cả tin. Tên Thổ này không phải là một kẻ đáng khinh thường: ông Lê Phong muốn bắt được nó, tôi tưởng nên lùi cái ngày Thứ Hai ông vừa hẹn với chúng ta đến một ngày Thứ Hai khác...

Bằng ấy lời, Kỳ Phương nói một cách ôn tồn, một giọng hòa nhã đứng đắn. Văn Bình tự nhiên so sánh cái thái độ có mực thước với những cử chỉ, ngôn ngữ sôi nổi của Lê Phong. Bình thấy lối làm việc của Kỳ Phương chín chắn và sâu sắc hơn của Phong và lo rằng tính quá tự phụ tự tín của bạn mình khó thắng nổi tính cẩn trọng của nhà trinh thám nhũn nhặn ấy.

Phương nói:

- Ông Văn Bình làm ơn nhắc lại cho biết thêm mấy điều cần.

Thì Bình vui vẻ đáp liền:

- Xin sẵn lòng.

Phương hơi gật đầu, hơi chau mày:

- Người Thổ lúc đến nhà ông Lê Phong lần thứ hai... À, mà có phải hắn đã đến một lần rồi không?

- Phải.

- Đến vào hồi 10 giờ hơn?

- Vâng.

- Lúc ấy ông Lê Phong đi vắng?

- Vâng, như tôi đã nói lúc nãy.

- Ông Lê Phong đi xem xi-nê?

- Vâng, đi xem cùng với tôi, anh Huy, và anh Thạc...

- Tôi biết. Nhưng ông chắc là vào khoảng mười giờ chứ?

- Lê Phong chắc thế, vì lúc ấy thằng Biên có xem đồng hồ.

- Được, xin cám ơn ông. Bây giờ xin ông cho biết thêm về lúc tên Thổ đến lần thứ hai... Lúc ấy vào khoảng mấy giờ?

- Một giờ đêm.

- Ông Lê Phong cho người gọi hắn đến?

- Vâng, đúng như tôi đã kể...

- Tôi hiểu. Nhưng... thế ra lúc gọi hắn, ông Lê Phong vẫn chưa được tin Đường bị giết sao?

- Chưa. Tôi đến bảo anh Phong mới biết.

- Người nhà anh Phong gọi tên Thổ ở 143 bis Duvillier?

Kỳ Phương vừa hỏi vừa nhìn vẩn vơ lên trần nhà. Văn Bình đáp:

- Vâng, ở 143 bis Duvillier.

- Nhà hắn ở đấy?

- Không, nhà trọ...

Phương quay lại nói Mai Trung:

- 143 bis Duvillier... Xin ông Thanh tra ngay sáng mai cho người đến hỏi nhà này...

- Sao không đến bây giờ?

- Bây giờ đến vô ích; một là sớm quá nếu người ở nhà ấy không phải là tòng phạm; hai là muộn quá, nếu người nhà ấy có dính dáng đến vụ này.

Mai Trung ngạc nhiên:

- Ồ, sao vậy?

Phương mỉm cười:

- Xin ông tin và nhớ cho rằng tên Thổ khôn ngoan lắm. Nó đi xe hơi, xe thuê hay xe của nó ta chưa cần biết vội. Nếu hắn biết rằng ta sẽ đến 143 bis Duvillier và ta sẽ tìm được những điều nguy hại ngay cho hắn thì tất nhiên hắn đã phòng trước và có thể làm lạc cuộc truy nã của chúng ta sau này. Nếu không thì nó không khi nào lại trở về đó cho ta đến bắt... Đằng nào ta đến bây giờ cũng vô ích... Vậy xin phép ông cho tôi hỏi nốt ông Văn Bình mấy câu. Tôi hỏi đến đâu rồi nhỉ?

Kỳ Phương ngừng một lát rồi gật đầu:

- 143 bis Duvillier... Ừ, phải rồi... Nhưng tại sao ông Lê Phong lại biết nhà tên Thổ vẫn trọ ở đấy?

- Vì có bức thư của Đường gửi cho Lê Phong.

- Phải, ông Lê Phong lúc nãy có nói đến bức thư của ông Đường nhưng không kịp cho chúng tôi đọc. Ông vội vàng quá, nhưng không sao... Vậy bức thư nói những gì?

- Trong bức thư Đường nói là vẫn lo sợ ít lâu nay, vì biết rằng người Thổ Nông An Tăng xuống Hà Nội và hình như dò tìm chỗ ở của Đường.

- Nghĩa là tên Thổ ít lâu nay vẫn có ý tìm ông Đường. Được, thư còn nói gì nữa? Tại sao Đường lại lo sợ?

- Vì tên Thổ là con một người can phạm bị ông thân sinh ra Đường bắt và vì thế bị kết án khổ sai ngày xưa...

- Nghĩa là ông Đường sợ tên Thổ báo thù cho cha?

- Vâng, bức thư có nói rõ đến điều ấy.

- Mà cái thù ấy hình như người Thổ đã mang trong lòng từ trước?

- Vâng.

- Nhưng có lẽ đến nay mới tìm được dịp?

Không để cho Bình đáp, Kỳ Phương nhìn Mai Trung ra ý phân bua và nói luôn:

- Lúc nãy tôi đã bảo đây là một vụ án mạng vì thù hằn, tôi lại biết là một mối thâm thù mang đã lâu lắm. Hung thủ phải là hạng người có những mối thù cố kết như thế mới giết người được một cách quả quyết như thế, và phải đã dự định việc của hắn kỹ càng lắm mới ra vào đây một cách kín đáo và mau lẹ như thế. Cái thù của một người Thổ có học thức tất nhiên phải tài tình. Tên Thổ này ít ra cũng có học ở Hà Nội này.

- Có. Hắn học ở ban thành chung trường Bảo Hộ...

Phương có vẻ đắc ý:

- Vậy ra cả điều này tôi đoán cũng không đến nỗi lầm... Được, cám ơn ông... và chỉ xin phiền ông đáp mấy câu hỏi nữa. Sau khi ông Lê Phong nói cho tên Thổ biết rằng án mạng xảy ra ở đây thì mặt hắn có lộ vẻ kinh ngạc không?

- Có.

- Theo lời ông thuật lúc nãy thì nó nhất định không muốn cùng các ông đến đối chứng ở đây?

- Vâng. Lê Phong nói rằng nếu hắn không muốn tù tội, thì phải đến đây ngay...

- Hắn chối không giết ông Đường?

- Vâng...

Kỳ Phương nhè nhẹ thở dài:

- Hắn chối để rồi thú nhận với ông Lê Phong rằng hắn giết người! Thú nhận với chính người muốn che chở cho nó và tưởng nó oan!...

Một nụ cười rất kín đáo thoáng trên miệng người trinh thám, trong lúc đôi mắt vui vẻ long lanh nhìn mãi vào mặt Văn Bình:

- Được! Thế là việc điều tra đêm nay tạm đủ. Cuộc thẩm vấn nhà sự chủ, cuộc xem xét các tang vật, và những câu hỏi phụ một chứng tá quan trọng vừa rồi, cũng quá thừa để cho ta kết luật rât vững vàng rẵng: Nông An Tăng là hung thủ. Chúng ta chỉ còn phải làm việc thứ hai là bắt được tên Thổ này. Theo ước đoán của tôi thì Tăng không phải là một con vật dễ sa lưới. Tôi biết trước rằng cuộc săn đuổi sẽ khó khăn nếu chưa hẳn là vất vả, vì hung thủ trong khi trốn tránh vẫn giữ được thái độ bình yên. Kẻ giết người tầm thường hay để cho ta tróc nã được ngay là vì lúc nào cũng lo sợ, cũng hối hận sau khi phạm tội ác... Tăng không thế, hắn giết người để trả thù: một hành vi đối với hắn rất có lẽ phải, một việc đường chính và thiêng liêng nữa. Lương tâm thanh thản không bị một sự hối hận nào ám ảnh, hắn có thể lúc nào cũng minh mẫn để đánh lừa ta hay lánh xa cạm bẫy của ta... Đó là câu chuyện dè chừng dùng làm cớ cho ta theo đó mà rào đón trước cơ mưu của thủ phạm... Ta đã biết tên Thổ có mưu chước giỏi, có một môn "võ nghệ" mà người bạn chúng ta là ông Văn Bình đây đã từng được thử, và lại có sự mãn nguyện của một người báo được thù cha: ta biết thế tức là ta biết để tâm hơn, biết rằng phải tinh tường hơn trong việc săn đuổi hắn... Tôi hẹn với ông Lê Phong năm ngày nữa cũng do cái lẽ ấy. Đối với cái tài ông Lê Phong có lẽ hạn ấy hơi lâu một chút, vì ông chỉ cần có hôm nay ngày mai và ngày kia nữa thôi... Nhưng đối với tôi thì có lẽ phải cố lắm mới đúng được hẹn... Ông Mai Trung nghĩ có phải không? Và ông nữa, ông nghĩ sao, ông Văn Bình?

Kỳ Phương nhã nhặn cười không để cho Bình kịp hiểu những ý ngầm dưới câu hỏi đó, Mai Trung thì chỉ gật, ông chau mày, lắng tai, đạo mạo theo lời phân giải của nhà thám tử trẻ tuổi; ở một đôi đoạn ông đưa tay chực cãi nhưng tức khắc lại gật liền. Sau cùng ông gật hai ba cái luôn, ngẫm nghĩ một chút và phê bình:

- Phải, phải đấy, tôi cũng nghĩ như thế.

Những lý luận của Kỳ Phương thực gọn gàng rõ rệt, cũng như cách xét đoán sáng suốt của chàng ta. Văn Bình tuy sẵn lòng tin tài của Lê Phong hơn, nhưng lúc ấy cũng phải phục Kỳ Phương mười phần chắc tám rằng không khéo Lê Phong sai lời hứa mất. Anh bụng bảo dạ:

- Thứ Hai, hai ngày nữa? Mà bao nhiêu việc rắc rối, chẳng biết Phong làm thế nào mà... Thứ Hai, Phong sẽ khám phá được, sẽ cắt nghĩa những chữ bí mật, lại bắt được cả hung thủ nữa! Hừm!...
- Kìa, ông Văn Bình, ông nghĩ sao?

Bình vội đáp:

- Hơ! Dạ! Tôi... tôi xin chịu ông là một bậc kỳ tài... và...

Phương hớn hở, nhưng giấu được ngay:

- Ồ, kỳ tài thì khí ngoa quá... Muốn xứng đáng tiếng ấy, tôi còn phải qua một cuộc tỉ thí với ông Lê Phong, phải bắt được hung thủ mà phải bắt được trước ông Lê Phong kia... Ông Lê Phong thì thứ hai này thành công, còn tôi mãi thứ năm kia! Nhưng tôi cũng xin nhận cuộc tỉ thí... danh giá ấy...

Mai Trung cười:

- Ừ phải, kỳ phùng địch thủ đấy, nhưng phần thấy tôi lo rằng lần này...

- Lại ông Lê Phong giữ phải không?

- Không! Ông Lê Phong nhượng!

Cả hai ông cùng cười trong một nơi mà ai nấy đều hồi hộp, buồn rầu và lo ngại.

Cái xác chết, vẫn ngồi trơ mãi một chỗ trên gác đối với hai người hình như không có gì đáng chú ý nữa. Họ mãi nghị luận đến nỗi quên cả việc cần kíp bấy giờ.

Văn Bình toan hỏi một điều chợt nghĩ đến, nhưng Kỳ Phương đã đón đầu:

- Ông Văn Bình có lẽ định hỏi tôi về những chữ trên cái danh thiếp?

- Vâng, cũng gần như thế... Tôi muốn biết ý kiến ông về cái... về sự... nghĩa là về cái việc kì dị này: tấm danh thiếp ở trên cuốn sách trước mặt Đường thì ai lên được gác lúc ấy mà lấy mất?

- Tên Thổ chứ còn ai?

- Tên Thổ, nhưng vào đây lúc nào?

- Lúc các ông ở trên gác xuống cả dưới này để đi trình sở liêm phóng...

- Ồ thế ra... thế thì chóng quá nhỉ...

- Vừa chóng vừa tài... Nhưng ông ngạc nhiên cũng không lấy làm lạ. Ai cũng phải ngạc nhiên. Thực là một việc có vẻ hoang đường thần bí cũng như cái án mạng kì dị này: tên Thổ làm thế nào lên được đây giết ông Đường mà không một tiếng động, không để một dấu vết, rồi lại làm thế nào ăn cắp được cái danh thiếp để làm gì. Tôi sẽ tìm ra sau và trong khi chưa thấy gì, xin nhờ ông hỏi ông Lê Phong hộ. Chắc bây giờ ông Lê Phong đương suy nghĩ về sự bí mật này nhiều lắm, nhưng tôi thì tôi muốn theo cách giản dị: bắt tên Thổ và đợi nó khai ra hết; như thế tiện hơn.

Bỗng như sực nhớ ra, Phương hỏi Văn Bình:

- À! Ông chưa nói cho tôi rõ: tên Thổ nói tiếng Kinh có sõi không?

- Sõi, nhưng không ai lầm là tiếng Kinh của người Kinh được.

- Mặc âu phục?

- Vâng, âu phục xám.

- Ông có thấy gì lạ trong cách phục sức của hắn nữa không?

- Không. Hắn ăn mặc như người thường...

- Ông cố nhớ lại xem... hay để tôi giúp ông: tay hắn có đeo nhẫn?

Bình sẽ reo lên:

- Phải rồi! Có, hắn có đeo nhẫn, ông nói đến tôi mới...

- Nhẫn đeo cả hai tay: cái ở tay trái dát mặt đá và còn cái ở tay phải thì để trần...

Bình tò mò nhìn:

- Vâng, phải rồi, nhưng mà...

Kỳ Phương cười:

- Nhưng tại sao tôi biết, phải không? Ông giỏi chịu đau thực. Quả đấm tay trái của Tăng còn in một lằn sâu trên má phải của ông, và một vết tím bầm vẫn còn nằm dưới phía cằm này, thế mà ông đã quên...

Văn Bình chịu ngay là Kỳ Phương có tài nhận xét, và cái tài ấy sắc sảo cũng không thua gì Lê Phong... Anh có ý tiếc rằng Phong không có ở đây để nhận thấy tài trí và phương pháp của người địch thủ đáng sợ này.

Kỳ Phương thuộc về hạng người hành động trong sự suy nghiệm thấu đáo và cẩn trọng, khác hẳn với lối làm việc theo thiên năng của Lê Phong và bởi vậy ít lầm và bước lên bước nào là vững vàng bước đó. Bình nghĩ tới cuộc "tỉ thí" của hai thứ tài năng ấy và tưởng đến câu chuyện Con Thỏ thua cuộc Con Rùa trong thơ ngụ ngôn... Bình tự bảo:

- Ta phải nói cho Phong coi chừng mới được; Phong cứ hồ đồ thế này thì thế nào cũng để cho Kỳ Phương vượt hẳn được rất dễ dàng.

Bốn giờ điểm trên chiếc đồng hồ treo trên tường. Kỳ Phương hỏi Mai Trung:

- Ông thanh tra còn cần biết thêm điều gì nữa không?

Trung lắc đầu:

- Tôi tưởng thế cũng đủ. Thôi bây giờ ta cho đưa cái xác ông Đường vào nhà thương đợi thầy thuốc khám nghiệm lại. Những tang vật tôi giữ để chụp ảnh đính theo tờ trình...

Ông quay lại dặn Huy và Thạc:

- Các ông nếu có giấy gọi thì nên vui lòng đến sở liêm phóng ngay, vì có lẽ chúng tôi cần phải hỏi rõ ràng thêm trong lúc dự thẩm.

Kỳ Phương cũng nói:

- Mà nếu có tin gì lạ cũng cho chúng tôi biết ngay.

Trung đưa mắt hỏi Kỳ Phương:

- Tin gì lạ? Ông ngờ rằng còn có thể xảy ra chuyện gì được sao?

- Có lẽ không, mà cũng có lẽ có. Ta nên nhớ rằng tên Thổ này kỳ quặc lắm. Tôi thì tôi sợ rằng còn có thể xảy ra nhiều chuyện mà nhiều chuyện chẳng lành nữa kìa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: